Sunday, April 3, 2011

Nói chuyện tiếng Anh (6): Đôi dòng tản mạn, và một resource link đáng giá

Loạt bài "Nói chuyện tiếng Anh" của tôi bị ngưng lại khá lâu rồi, do tôi bận quá nhiều việc khác. Thực ra thì tôi cũng đang muốn quay trở lại, vì đó là nghề đầu tiên của tôi, và cũng là lãnh vực chuyên môn mà tôi được đào tạo, chứ không phải là nghề quản lý chất lượng giáo dục mà tôi phải làm hàng ngày hiện nay (và để làm nó thì tôi phải tự học rất nhiều, đến độ phòng làm việc tại cơ quan bây giờ toàn sách là sách, đến không còn chỗ dể ngồi nữa, thật vậy!)

Nhưng đến nay, thấy tình hình giảng dạy tiếng Anh ở VN và nhu cầu phát triển giáo viên tiếng Anh (nào là đề án 2020, rồi việc dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh) thì tôi không "nhịn" được nữa, nên phải viết tiếp loạt bài này, vì nói gì thì nói, tiếng Anh vẫn là nghề của tôi.

Nhân tiện mở ngoặc một chút, có một số bạn bè hay hỏi, thực ra tôi được đào tạo nghề gì vậy, vì có lúc thấy tôi làm ngôn ngữ (ngôn ngữ học ứng dụng), có lúc lại thấy làm giáo dục (phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá), có lúc lại làm khảo thí (ra đề thi tiếng Anh, phân tích chất lượng đề thi tiếng Anh, rồi phân tích chính sách về thi cử, tuyển sinh - tổng quát chứ không chỉ tiếng Anh), rồi lại thấy làm đánh giá chất lượng giáo dục, vậy là sao nhỉ?

Xin thưa: tôi tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại ĐH Tổng hợp (cũ) hệ 5 năm (chính xác là 4 năm 8 tháng), làm luận văn tốt nghiệp về ngôn ngữ (hình vị học tiếng Anh), rồi sau đó được đào tạo Graduate Diploma (tương đương cao học, nhưng không có luận văn) về giảng dạy tiếng Anh tại Úc (University of Canberra), tức chính xác là ngành giáo dục (chuyên về phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá), sau đó được bồi dưỡng tại University of Cambridge về Language Assessment tức đánh giá ngôn ngữ năm 1993, và từ năm 1994 đến 1997 thì làm tiến sĩ chuyên về Language Testing tức trắc nghiệm ngôn ngữ tại ĐH La Trobe. Tóm lại, với cái "lý lịch khoa học" như vậy, theo các bạn thì tôi có thể làm được việc mà tôi đang làm hiện nay không? Tôi không biết, tùy các bạn đánh giá vậy.

Để học về trắc nghiệm ngôn ngữ thì tôi phải tự trang bị thêm cho mình phần nền tảng về thống kê căn bản và lý thuyết đo lường-đánh giá, đồng thời tiếp tục phát triển các lý thuyết đã học về giáo dục học (phương pháp giảng dạy, lý thuyết ngôn ngữ, lý thuyết về học tập, lý thuyết về tiếp thu ngôn ngữ, chính sách giáo dục ngôn ngữ vv). Tóm lại, nghề của tôi mang tính liên ngành để đáp ứng một nhu cầu có thật và ngày càng gia tăng chứ không hề giảm đi trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, đó là giảng dạy ngoại ngữ, trong đó bao gồm cả kiểm tra-đánh giá và định chuẩn (benchmark) trình độ ngoại ngữ.

Học xong năm 1997 thì tôi tiếp tục làm việc trong lãnh vực giảng dạy tiếng Anh, nhưng chỉ được 4 năm là đã phải chuyển sang làm nghề đánh giá chất lượng, vốn là một lãnh vực mà nhà nước đang quan tâm, dù đó không phải là chuyên ngành của tôi (may lắm thì cũng chỉ là ngành gần mà thôi). Cái duy nhất tôi sử dụng được trong vốn liếng, kinh nghiệm cũ của tôi là phần lý thuyết về đo lường-đánh giá, và khả năng phán đoán, các kỹ năng cùng công cụ phục vụ cho việc đo lường-đánh giá.

Ngoài ra, kinh nghiệm làm việc trong môi trường đại học hơn 20 năm (khi tôi bắt đầu chuyển sang làm chất lượng) và khả năng tự học, tự đọc tài liệu bằng tiếng Anh, đồng thời trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế ... cũng cho phép tôi chuyển sang nghề mới không quá khó khăn, và cho đến nay thì làm vẫn ổn. Tuy nhiên, nói gì thì nói tôi vẫn tiếc nghề tiếng Anh (lý luận về giảng dạy và kiểm tra đánh giá, lý luận về ngôn ngữ và tiếp thu ngôn ngữ) của mình, và cho rằng đã đến lúc phải quay trở về với nó - một kiểu "về quê" vậy mà.

Vì vậy, xin hẹn với các bạn là loạt bài Nói chuyện tiếng Anh của tôi sẽ được phục hồi, và sẽ tăng tần số xuất hiện trên trang blog này nhé. Thực ra, tôi cũng có một trang blog bằng tiếng Anh tại địa chỉ anhvusblog.blogspot.com, với tên gọi là Blogging in English, mới chỉ viết được một số entries thôi, nhưng có khá nhiều tài nguyên ở bên ấy, các bạn có thể vào đó đọc nếu tiếng Anh của các bạn kha khá (tôi viết đơn giản, dễ đọc thôi!)

Cuối cùng, để kết thúc entry này, xin gửi mọi người một resource link với rất nhiều đường dẫn đến các trang web dạy và học tiếng Anh. Mọi người đọc và cho nhận xét để cùng chia sẻ ở đây nhé. Link dưới đây:

http://www.lexiophiles.com/language-blog-toplist/top-100-language-blogs-2010-vote-for-language-teaching

No comments:

Post a Comment