Saturday, December 21, 2019

Mọi trường học tại Mã Lai đều phải có chuyên gia an toàn học đường (New Strait Times, 15/4/2017)

Tóm tắt ý chính cần lưu ý
- Malaysia có NIOSH, còn VN thì sao, cần tìm hiểu
- Malaysia năm 2017 chưa có chuyên gia an toàn học đường tại trường
- NIOSH cho rằng một trường có 1000 hs và gv trở lên cần phải có 1 chuyên gia an toàn học đường được đào tạo bài bản
- Cần tìm hiểu về kiểm toán an toàn học đường tại Mã Lai.

Quy ước về cách trình bày
- Màu đen, chữ thường là tác giả trang blog viết
- Màu xanh là chép từ nơi khác
- Màu xanh, nghiêng là tác giả dịch từ bản gốc

-------------

GEORGE TOWN: Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Quốc gia (NIOSH) đã kêu gọi Bộ Giáo dục bổ nhiệm chuyên gia an toàn học đường tại các trường học trong cả nước, nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh và giáo viên.

Viện trưởng Tan Sri Lee Lam Thye phát biểu rằng các trường có tổng cộng trên 1.000 giáo viên và học sinh cần có một chuyên gia tại chỗ, người có thể chia sẻ kiến ​​thức và đưa ra lời khuyên cần thiết về an toàn trong và ngoài trường.

"Chúng tôi đã chứng kiến ​​nhiều sự cố xảy ra trong và ngoài trường học. Chẳng hạn, những học sinh nhỏ bị chết đuối khi đi dã ngoại.

"Thiếu kiến ​​thức về an toàn có thể gây ra điều đó. Do đó, với việc bổ nhiệm chuyên gia về an toàn học đường, giáo viên và học sinh có thể được hướng dẫn khi đi cắm trại và trong các hoạt động khác.

"Các chuyên gia này phải được đào tạo bài bản và hiểu biết về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (OSH)", ông nói trong một cuộc họp báo sau bài phát biểu của mình trong Hội nghị châu Á về an toàn học đường, ngay tại trường trung học nữ sinh Penang hôm nay.

Ông Lee cũng chỉ ra rằng nhiều vụ tai nạn tại các trường học được xây dựng từ quá lâu đã cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh.

Ông kể lại việc một học sinh đã tử vong sau khi bị các cột gôn bóng đá rơi vào người khi đang chơi trên sân trường.

Ngoài ra còn có các trường hợp quạt trần cũ rơi xuống đột ngột, làm học sinh bị thương trong các lớp học.

"Bộ (Giáo dục) phải tiến hành kiểm toán toàn diện về sự an toàn của các trường học lâu đời.

"Điều này là để đảm bảo rằng các sự cố không mong muốn được tránh," ông nói thêm.

Khoảng 1.000 học sinh từ trường nữ trung học tiếng Hoa và trường trung học Chung Ling đã tham dự hội nghị, với chủ đề 'Xây dựng môi trường học đường an toàn', do Hiệp hội phụ huynh-giáo viên của cả hai tổ chức phối hợp tổ chức.

--------------
Nguồnhttps://www.nst.com.my/news/nation/2017/04/230722/all-schools-malaysia-should-have-safety-officer-niosh

GEORGE TOWN: The National Institute of Occupational Safety and Health (NIOSH) has urged the Education Ministry to appoint Safety Officers in schools throughout the country, to better manage the safety and health of students and teachers.
Chairman Tan Sri Lee Lam Thye said that schools with more than 1,000 teachers and students combined should have an expert on site who can share knowledge and give necessary advice on safety inside and outside the school.
"We have seen many incidents inside and outside schools. For instance, young students drowning when they go on picnics.
"A lack of knowledge on safety could be causing it. Hence, with the appointment of a Safety Officer, teachers and students can be guided when going camping and during other activities.
"These officers must be well-trained and knowledgeable on Occupational Safety and Health (OSH)," he said in a press conference after his speech during the Asian Conference on School Safety, at the Penang Chinese Girls High School here, today.
Lee also pointed out that numerous accidents at old schools have taken lives of many students.
He recalled that a student once died after football goalposts fell on him while he was playing in a school field.
There were also other cases of old ceiling fans falling all of a sudden, injuring students in classrooms.
"The (Education) Ministry must conduct a comprehensive audit on the safety of aged school buildings.
"This is to ensure that untoward incidents are avoided," he added.
Some 1,000 students from the Chinese Girls High School and the Chung Ling High School attended the conference, themed 'Building a Safe School Environment', jointly organised by the Parent-Teacher Associations of both institutions.

Tuesday, September 3, 2019

CẦN LÀM GÌ ĐỂ TIẾNG ANH TRỞ THÀNH NGÔN NGỮ THỨ HAI TẠI VIỆT NAM?

Đây là bản thảo gốc của một bài viết của tôi, đã đăng trên báo Thanh Niên cách đây ít lâu. Nay đăng lại trên blog để lưu.
-------------

CẦN LÀM GÌ ĐỂ TIẾNG ANH TRỞ THÀNH NGÔN NGỮ THỨ HAI TẠI VIỆT NAM?

Đề xuất táo bạo mới đây của Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông với Thủ tướng về việc sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam đang đặt ra cho các nhà chính sách lẫn giới chuyên môn một câu hỏi: Nếu chính sách này được ban hành, thì làm thế nào để nó thực sự đi vào cuộc sống, chứ không chỉ tồn tại trên giấy?

Trước hết, cần làm rõ thế nào là tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Có hai cách hiểu về cụm từ này. Cách thứ nhất, được sử dụng trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, định nghĩa “tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai” là tiếng Anh của một người ngoại quốc học và sử dụng tiếng Anh TRONG MÔI TRƯỜNG NÓI TIẾNG ANH Tiếng Anh bản ngữ (TƯƠNG TỰ như KHI HỌC tại Anh, Mỹ, Úc …). Theo cách hiểu này, thì tiếng Anh tại Việt Nam chỉ được học/dạy như một ngoại ngữ, vì chúng ta không có một cộng đồng đông đảo những người nói tiếng Anh bản ngữ để tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày một cách tự nhiên. Đây là lý do tại sao trước đây khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đưa ra chủ trương chủ trương “đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam” như một mục tiêu của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 thì đã có nhiều người băn khoăn hoặc lên tiếng phản đối.

Bên cạnh cách hiểu phổ biến nêu trên, vẫn còn một cách hiểu khác nữa, và hẳn là đây là cách hiểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Khi nói đến việc “công nhận” một ngôn ngữ nào đó “như ngôn ngữ thứ hai” là ta đang nói đến địa vị pháp lý của ngôn ngữ ấy trong xã hội, bên cạnh ngôn ngữ đã được công nhận là ngôn ngữ quốc gia (ở đây là tiếng Việt). Đúng hơn, để tránh nhầm lẫn thì trong trường hợp này nên nói rõ “công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai” (sau tiếng VIệt). Và để một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của dân chúng trở thành một ngôn ngữ chính thức thứ hai của một quốc gia, thì điều đầu tiên cần làm là có một chính sách về ngôn ngữ/ngoại ngữ để tạo ra địa vị pháp lý cho ngôn ngữ ấy. Tóm lại là, như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói, chúng ta cần Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại Việt Nam.

Nhưng phải chăng chỉ cần Thủ tướng đồng ý công nhận và ban hành chính sách thì ngay lập tức chúng ta sẽ có một môi trường sử dụng tiếng Anh tương tự như Singapore, Philippines, hay ít nhất là Malaysia? Tất nhiên, mọi việc không đơn giản thế. Nói ngắn gọn, để công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ (chính thức) thứ hai tại Việt Nam thì điều kiện căn bản duy nhất cần đáp ứng là phải tạo ra một môi trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày cho những người muốn hoặc cần sử dụng tiếng Anh. Và đó là lý do tại sao cho đến nay việc chính sách xem tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai dễ dàng thành công ở các nước cựu thuộc địa, do những nước này đã có sẵn một “hạ tầng tiếng Anh” trong xã hội do chính quyền thực dân để lại.

Có thể học hỏi từ kinh nghiệm của hai quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Malaysia và Singapore. Cả hai đều là cựu thuộc địa của Anh. Trong thời gian còn dưới quyền cai trị của Anh thì tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức duy nhất, được sử dụng  trong toàn bộ lĩnh vực  công quyền (hành chính – pháp lý, cùng tất cả các dịch vụ công như giáo dục, y tế, truyền thông báo chí vv). Sau khi dành được độc lập, thì chính quyền sở tại đứng trước một trong hai lựa chọn sau đây: (1) xóa bỏ hoàn toàn địa vị pháp lý của tiếng Anh, chỉ giảng dạy ngôn ngữ này trong nhà trường như một ngoại ngữ; (2) cho phép tiếng Anh tồn tại bên cạnh ngôn ngữ quốc gia với vai trò là một trong những ngôn ngữ chính thức.

Lựa chọn đầu tiên là điều mà Malaysia đã làm, và nhiều năm sau đất nước này đã vô cùng hối tiếc vì phải rất tốn rất nhiều công sức và thời gian để nâng cao khả năng tiếng Anh của người dân mà vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Trong khi đó, Singapore đã táo bạo là giữ lại địa vị pháp lý của tiếng Anh trong xã hội. Kể từ khi Singapore độc lập, tiếng Anh chưa bao giờ mất vai trò chính thức của mình dù chỉ một ngày. Cố Thủ tướng tài ba Lý Quang Diệu đã rất sớm nhận ra rằng đối với Singapore, tiếng Anh chính là công cụ cho sự phát triển và hội nhập đất nước. Sự thành công của Singapore ngày nay không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của những chính sách ngôn ngữ kiên trì và mạnh mẽ trong suốt mấy chục năm qua, từ việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức trong nhà trường, dạy tiếng Anh cho trẻ em ngay từ mầm non và tiểu học, nhập toàn bộ sách giáo khoa từ Anh về cho học sinh học, đến việc buộc mọi công chức nhà nước phải có trình độ tiếng Anh thành thạo mới được bổ nhiệm vào chức vụ, vv. Những quyết định táo bạo mà không ít lần vấp phải nhiều chống đối. Và tốc độ phát triển của Singapore đã chứng minh cho sự sáng suốt của vị thủ tướng đầu tiên của đất nước này.

Rút cục lại, thì cũng giống như nền kinh tế thị trường, chúng ta không thể cứ tuyên bố xong là thế giới sẽ công nhận chúng ta. Để một ngôn ngữ được xem là chính thức tại một quốc gia thì ngôn ngữ ấy tối thiểu phải là ngôn ngữ của hành chính – pháp lý và của mọi dịch vụ công cộng.  Nếu các cơ quan công quyền hoàn toàn không sử dụng tiếng Anh, mọi giấy tờ văn bản đều bằng tiếng Việt, công chức – viên chức địa phương chỉ biết nói tiếng Việt; báo chí truyền thông cũng hoàn toàn bằng tiếng Việt; và ra đường nhìn bảng hiệu, đi xe công cộng, hỏi thăm đường vv đều phải sử dụng tiếng Việt, thì việc ban hành chính sách công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam ngay lúc này chỉ thể hiện một ý chí hoàn toàn vượt quá khả năng đáp ứng của chúng ta mà thôi.


Tuesday, August 13, 2019

Hỏi đáp về danh xưng "trường quốc tế" nhân vụ Gateway

Dẫn: Nhân vụ việc xảy ra tại trường Gateway (ai không rõ về việc này, xin gúc), một nhà báo tôi quen có gửi cho tôi một lô những câu hỏi về "cái gọi là trường quốc tế" ở VN. Trên cơ sở những thông tin do tôi cung cấp, nhà báo đã viết lại thành một bài và đã đăng trên báo. Nhưng không phải thông tin nào cũng được sử dụng, nên tôi ... tiếc của, và quyết định đăng nguyên xi những câu hỏi và trả lời của tôi lên blog này cho mọi người cùng đọc.

Phần dưới đây, chữ in nghiêng là trả lời của tôi, còn chữ thường là câu hỏi do nhà báo đưa ra. Nhân tiện, cũng rất cám ơn nhà báo HA đã gửi những câu hỏi rất hay, rất sắc! 

Enjoy!
---------

1-Theo bà thế nào là một trường quốc tế chuẩn?

Trên thế giới hiện nay đang tồn tại một số cách hiểu khác nhau về “trường quốc tế chuẩn”, trong đó có hai cách hiểu phổ biến nhất.

Cách hiểu thứ nhất hẹp hơn, xem “trường quốc tế” là trường được tổ chức Tú tài quốc tế (International Baccalaureate, viết tắt là IB) ủy quyền giảng dạy chương trình của mình; tất nhiên một trường muốn được ủy quyền phải đáp ứng những điều kiện khắt khe và trải qua một quá trình tư vấn, giám sát và đánh giá nghiêm nhặt.

Một số đặc điểm chính của chương trình IB bao gồm (1) được giảng dạy bằng một trong 3 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới là tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Tây Ban Nha; (2) có mục tiêu đào tạo người học thành công dân toàn cầu, có tư duy mở và có hiểu biết rộng rãi về thế giới; (3) chương trình học được công nhận toàn cầu và học sinh có thể dễ dàng chuyển từ trường này sang trường khác. 

Cách hiểu thứ hai dựa trên định nghĩa của Hội sự nghiệp thư viện trường học quốc tế (IASL) được đưa ra vào năm 2009, theo đó “trường quốc tế” bao gồm nhiều đặc điểm như liên quan đến môi trường học tập, chương trình giảng dạy, và văn bằng chứng chỉ, có thể tóm tắt như sau:

- Môi trường học tập: Là môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ, trong đó học sinh và giáo viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, nói các ngôn ngữ khác nhau, và thường xuyên di chuyển
- Ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy: Tiếng Anh hoặc song ngữ (gồm tiếng Anh và ngôn ngữ địa phương)
- Chương trình giảng dạy: Sử dụng chương trình quốc tế như IB hoặc các chương trình xuất phát từ một quốc gia nhưng được công nhận rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới (ví dụ: Cambridge, Edexcel…)
- Văn bằng, chứng chỉ: Được kiểm soát thông qua các kỳ thi do chính các tổ chức quốc tế cung cấp (ví dụ: AP, IGCSE, Cambridge, IB DP…), hoặc được thẩm định và công nhận bởi các tổ chức kiểm định hoặc hiệp hội giáo dục quốc tế (ví dụ: CIS, IBO, WASC, vv)

Trong các yếu tố trên, yếu tố đầu tiên có thể có những du di mức độ khác nhau (chẳng hạn, trường quốc tế nhưng hầu như chỉ có học sinh Việt Nam), nhưng một trường quốc tế nhất thiết phải dạy bằng ngôn ngữ quốc tế, nội dung có tính quốc tế, và văn bằng chứng chỉ được quốc tế công nhận.

2-Các trường có yếu tố nước ngoài đặt thêm chữ quốc tế theo bà có được không? (Nếu họ muốn nhấn về yếu tố nước ngoài, chẳng nhẽ lại đặt là trường phổ thông liên cấp có yếu tố nước ngoài ABC).

Luật giáo dục của VN không có định nghĩa chính thức thế nào là trường quốc tế, nhưng cũng không quy định nào cấm sử dụng từ quốc tế trong tên trường.Trên nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền làm những gì luật không cấm, nên việc các trường này tự gọi mình là trường quốc tế cũng không có gì là sai. c tế hiện nay tại VN. Tuy nhiên, để bảo vệ “người tiêu dùng giáo dục” (education consumer), cần có quy định về các tiêu chuẩn tối thiểu cho việc sử dụng cụm từ “quốc tế” trong tên gọi của các trường, để tránh những hiểu lầm vô tình hoặc cố ý do cụm từ này gây ra.


3-Trường dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT và một chương trình khác của nước ngoài thì có nên gọi là trường quốc tế?
Việc sử dụng chương trình của Bộ GD-ĐT bên cạnh một chương trình quốc tế không ảnh hưởng gì đến tên gọi trường quốc tế nếu như nhà trường đáp ứng một số tiêu chuẩn cơ bản của trường quốc tế (giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ quốc tế khác; sử dụng chương trình được quốc tế công nhận; chứng chỉ, văn bằng được quốc tế thẩm định và công nhận).

4-Trong giới nghiên cứu, vấn đề trường quốc tế nói riêng, xu hướng quốc tế hoá giáo dục đang có những vấn đề gì đáng chú ý đang được thảo luận?
Do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa và mạng internet, nhu cầu “trở thành công dân toàn cầu” ngày càng lớn, kể cả đối với những người học hầu như ít có điều kiện để sinh sống và làm việc ngoài đất nước nơi mình sinh ra,  nên “giáo dục quốc tế” ngày càng trở nên quan trọng và ngày càng được quan tâm. Theo cách hiểu rộng nhất thì “giáo dục quốc tế” không nằm ở các yếu tố bên ngoài như phải sử dụng ngôn ngữ quốc tế, theo chương trình của nước ngoài, văn bằng do nước ngoài công nhận, mà cốt là ở nội dung và mục tiêu giảng dạy, miễn sao có thể góp phần phát triển người học trở thành một “công dân toàn cầu”, tức có hiểu biết về thế giới, tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau ….

5-Các trường phổ thông có chữ quốc tế mở ra ngày càng nhiều, làm thế nào để phụ huynh phân biệt được?
Nên có quy định của nhà nước về danh xưng “trường quốc tế”.

6-Hiện nay có những tổ chức kiểm định chương trình giáo dục phổ thông nào đang  có uy tín?
Bức tranh khá phức tạp, nhưng có thể kể vài tổ chức phổ biến: IBO (tổ chức tú tài quốc tế, có giá trị toàn cầu); hệ thống Anh gồm Cambridge, IGCSE; hệ thống Mỹ có kỳ thi AP và các tổ chức kiểm định vùng như WASC, SACS, NEASC vv…

7-Việt Nam có những trường phổ thông nào đang giảng dạy các chương trình quốc tế đã được những tổ chức đó kiểm định?
Không trả lời ngay được vì cần có thời gian để kiểm tra trên trang web của từng tổ chức. Tốt nhất là ở Bộ/Sở Giáo dục có một cơ sở dữ liệu cung cấp các thông tin này rộng rãi đến công chúng.

8-Hình như vấn đề trường quốc tế -trường quốc tế nửa vời không chỉ là vấn đề của giáo dục Việt Nam. Chẳng hạn như ở Malaysia có hơn 200 trường có tên quốc tế nhưng trong giới giáo dục của nước họ cũng lưu truyền từ cửa miệng là “fake international school” (trường quốc tế nhái). Liệu đây có phải là vấn đề đang xuất hiện ở các nước đang phát triển?
Đúng rồi. Từ đầu thập niên 2000 UNESCO đã có nhiều cảnh báo với các nước đang phát triển về vấn đề này. Họ đã cho xuất bản tài liệu miễn phí và tổ chức nhiều hội thảo phổ biến rộng rãi đến các nước thế giới thứ ba về vấn đề cần “bảo vệ người tiêu dùng trong giáo dục xuyên biên giới” (consumer protection in cross-border education). Rất tiếc là các nước này chưa quan tâm đầy đủ đến các khuyến cáo của UNESCO.
9-Quốc tế hoá giáo dục là xu thế tất yếu và sự tham gia đa dạng của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đã thúc đẩy xu thế này. Trong khi đó sự phát triển của cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp khiến người dân không biết đâu mà lần; bằng chứng là rất nhiều sự vụ liên quan đến trường có yếu tố nước ngoài có sự cố, nhưng họ tìm thông tin để phân biệt thì rất gian nan; ngay các kết quả thanh tra giám sát cũng không được công bố. Theo bà, cần phải làm những gì để xu thế này phát triển lành mạnh?
Cần ra quy định về “danh xưng” trường quốc tế, và  lập một cơ sở dữ liệu các “trường quốc tế” đã đăng ký với đầy đủ thông tin về nội dung chương trình, ngôn ngữ giảng dạy, và thông tin về việc kiểm định hoặc công nhận quốc tế. Đồng thời yêu cầu các trường quốc tế phải minh bạch thông tin các thông tin này trên trang web của mình, và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Chỉ khi nào có sự minh bạch thông tin thì mới có được sự giám sát toàn dân, và lúc ấy mới có được sự phát triển lành mạnh đối với trường quốc tế tại VN.
-----------
Kết

Khi đọc bài tổng hợp của các nhà báo đăng trên Vietnamnet ngày hôm qua (link: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/danh-xung-truong-quoc-te-co-dang-lap-lo-558081.html?fbclid=IwAR0PUkCZw_psLSGKEcriupl9zb3BNMuFidvbGoP8J8fq6wBlcTdCdApt20E), tôi thích nhận đoạn kết luận, nên đưa lên đây cho mọi người đọc luôn:

Khi đưa câu hỏi "Trong giới nghiên cứu, vấn đề trường quốc tế nói riêng, xu hướng quốc tế hoá giáo dục đang có những vấn đề gì đáng chú ý đang được thảo luận?”, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời không phải đề cập tới chương trình nọ hay bằng cấp kia, mà là thế này: “Do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa và mạng internet, nhu cầu “trở thành công dân toàn cầu” ngày càng lớn, kể cả đối với những người học hầu như ít có điều kiện để sinh sống và làm việc ngoài đất nước nơi mình sinh ra,  nên “giáo dục quốc tế” ngày càng trở nên quan trọng và ngày càng được quan tâm. Theo cách hiểu rộng nhất thì “giáo dục quốc tế” không nằm ở các yếu tố bên ngoài như phải sử dụng ngôn ngữ quốc tế, theo chương trình của nước ngoài, văn bằng do nước ngoài công nhận, mà cốt là ở nội dung và mục tiêu giảng dạy, miễn sao có thể góp phần phát triển người học trở thành một “công dân toàn cầu”, tức có hiểu biết về thế giới, tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau ….”
Chúng tôi lại nhớ đến vụ khủng hoảng mà trường Gateway đang gặp phải. Dù đang nỗ lực hội nhập quốc tế với sự hiện diện thầy Tây, chương trình quốc tế, nhưng trong cách giải quyết của chủ trường, của bộ phận quản lý và các cơ quan quản lý, những giá trị xuyên biên giới của "công dân toàn cầu" - cũng là giá trị bất biến của mọi nền giáo dục như lòng trắc ẩn, sự tử tế và sự trung thực, tính minh bạch…lại chưa có cơ hội được thể hiện, để "hội nhập quốc tế".

Monday, July 22, 2019

Lại nói về chất lượng giáo dục đại học (ramblings only, not an article!) (còn tiếp)

Vâng, chất lượng giáo dục, ở đây là giáo dục đại học, là một đề tài đã rất rất rất cũ.

Nhưng nó vẫn luôn được lặp lại. Ví dụ sáng nay khi đọc báo, tôi lại thấy đưa tin về điểm sàn vào trường nọ, trường kia, và kèm theo đó là những bình luận của cộng đồng, rằng trường này tự xưng là chất lượng cao mà sao điểm tuyển vào thấp thế. Vâng, đó là một nhận định về chất lượng, hoặc nói đúng hơn, một nhận định về DẤU HIỆU của chất lượng, ở đây là chất lượng đầu vào. Và đó là nhận định của người học, hoặc đúng hơn là của toàn xã hội, vì hầu như bất cứ trường nào nhận sv vào dễ dàng quá thì hầu như không được xem là chất lượng cao. Người duy nhất phản đối các nhận diện chất lượng theo kiểu này, có lẽ chỉ là chính các trường muốn nhận tất cả sv vào để đào tạo, còn nhận vì mục đích gì thì chưa cần biết.

Nhưng đó có phải là dấu hiệu duy nhất của chất lượng? Không, rõ ràng là không. Ai cũng biết, cùng một chất lượng đầu vào như nhau (ở đây hiểu là điểm đầu vào để được chấp nhận tham gia một chương trình đại học) nhưng sau thời gian (trung bình là) 4 năm học, sv tốt nghiệp ở trường này có thể tốt hơn hẳn so với một sv tốt nghiệp từ một trường khác. Và điều này được thấy rất rõ khi sv nộp đơn tuyển dụng làm việc. Sẽ có những sv bị từ chối ngay từ vòng đầu tiên vì "chỉ nhận các trường A, B, C" (không phải là trường mà sv vừa tốt nghiệp), hoặc thậm chí còn bị chỉ đích danh: "không nhận sv trường F" (là trường mà người sv xấu số vừa học xong và được nhận tấm bằng đang cầm trên tay). Như vậy, khả năng tìm được việc làm ở đầu ra, và kế đến là mức lương cùng khả năng thăng tiến của cựu sv, cũng là môt dấu hiệu khác của chất lượng, ở đây là chất lượng đầu ra. Dấu hiệu này, rõ ràng cũng được nhiều người đồng ý, có lẽ cũng có thể là toàn xã hội. Và, một lần nữa, người phản đối quan điểm này có lẽ lại là các trường, những nơi cung cấp ra các sv tốt nghiệp mà theo chính các trường thì đã đủ năng lực để làm việc, nhưng không may vì lý do gì đó lại có thể không có được việc làm, hoặc không có công việc phù hợp với năng lực, dự tính và mong muốn của mình.

Vậy còn định nghĩa nào về chất lượng nữa không? À, có đấy. Ví dụ, quan niệm thông thường mà ta hay thấy là "tiền nào của đó". Học phí thu như thế, thì chất lượng chỉ có thể mong đợi tới đó mà thôi, là câu nói đầu môi của nhiều người, cả trong giới đại học lẫn thường dân ở bên ngoài. Dân làm trong ngành đảm bảo chất lượng (mà tôi là kẻ may mắn hoặc không may mắn bị đưa đẩy và dính vào suốt nửa cuộc đời làm việc của tôi) gọi đó là quan niệm "chất lượng là đáng giá đồng tiền" - một quan niệm phổ biến trong xã hội. Vậy là sơ sơ đã có 3 quan niệm về chất lượng rồi.

Vẫn còn. Một quan niệm chất lượng khác, lần này là của những người trong giới, xem chất lượng là sự vượt trội so với những cái khác trong cùng giới. Và dấu hiệu của sự vượt trội là danh tiếng mà nó đã đạt được sau một thời gian hoạt động. Ví dụ, Harvard được xem là một đại học vượt trội, là hình mẫu cho các trường đại học khác trên toàn thế giới học theo, và nếu có thể được, thì vượt qua.

Nhưng làm gì để có danh tiếng như Harvard nhỉ? Well, danh tiếng của Harvard tất nhiên là không có gì phải bàn cãi, nhưng nguyên nhân khiến Harvard có được danh tiếng như nó đang có lại không rõ ràng một chút nào. Rất có thể danh tiếng của nó trước hết là do chất lượng đầu vào của sv - vì ai cũng biết là để vào được Harvard thì hoàn toàn không hề dễ dàng một chút nào. USNWR viết về Harvard như thế này: Harvard is one of the most selective institutions out of all the colleges and universities surveyed for the Best Colleges rankings. (https://www.usnews.com/best-colleges/harvard-university-2155). Cũng trên trang vừa nêu, mức lương trung vị (median) của sv tốt nghiệp Harvard là khoảng hơn 66 ngàn USD một năm, so với mức lương trung vị của sv tốt nghiệp UCO là nơi con gái tôi đang học là hơn 42 ngàn - tức là tăng đến 25%, không hề nhỏ. Một lý do khác là Harvard đang cũng như đã từng có những nhân vật rất nổi tiếng, cả giáo sư lẫn cựu sinh viên (trong đó có cả những người đã từng vào Harvard nhưng rồi bỏ học như Bill Gates!), như Mark Zuckerberg, Barrack Obama, Steven Pinker, Al Gore, Henry Kissinger, Benazir Bhutto,  T S Elliot, và danh sách này có thể kéo dài mãi!

Well, viết đến đây thì mệt quá rồi. Tôi tạm dừng ở đây, sẽ viết tiếp khi có thêm ý tưởng, có chút thời gian và đặc biệt là có thêm chút hứng thú!!


BTW, tôi cần chép link này lại để lưu ở đây, sẽ viết về nó trong posting kế tiếp. https://www.hlrcjournal.com/index.php/HLRC/article/download/244/217/0
(còn tiếp)

Monday, June 10, 2019

TRƯỜNG CÔNG LẬP TỰ CHỦ TÀI CHÍNH: HỌC PHÍ, CHẤT LƯỢNG, VÀ CÔNG BẰNG TRONG TIẾP CẬN GIÁO DỤC (bài đăng lại)

TRƯỜNG CÔNG LẬP TỰ CHỦ TÀI CHÍNH: HỌC PHÍ, CHẤT LƯỢNG, VÀ CÔNG BẰNG TRONG TIẾP CẬN GIÁO DỤC

Phương Anh

Sự kiện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố mức tăng học phí lên đến 30% so với trước đây đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông. Nhìn từ góc độ của nhà trường, việc tăng học phí như trên là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với lộ trình tăng học phí của các trường tự chủ tài chính đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2015[1]. Mức học phí mới (khoảng  17 triệu đồng/năm học) đã được nhà trường cân nhắc, tính toán rất kỹ và chỉ nằm ở tốp trung của các trường công lập tự chủ tài chính trong khối ngành kinh tế[2]. Bên cạnh đó, nhà trường cũng dành ra một quỹ học bổng đáng kể để hỗ trợ các sinh viên khó khăn, đặc biệt là các em có học lực tốt, để khuyến khích tài năng với mục đích nâng cao chất lượng đầu vào và kéo theo chất lượng đào tạo nói chung.

Mặc dù vậy, việc tăng học phí như đã nêu vẫn làm cho những người trực tiếp chịu ảnh hưởng, tức các sinh viên đang theo học, vô cùng bức xúc[3]. Một số sinh viên bày tỏ sự lo lắng không biết với mức học phí tăng lên như vậy thì các em có thể tiếp tục học để hoàn tất chương trình hay không[4]. Bên cạnh đó, dư luận xã hội cũng đang đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa việc tăng học phí và việc nâng cao chất lượng đào tạo. Liệu việc tăng học phí có sẽ làm tăng chất lượng đào tạo của các trường hay chăng, và nếu có thì đâu là bằng chứng? Nếu không chứng minh được điều này, thì liệu có nên trao toàn quyền cho các trường tự chủ tài chính được tự xác định mức học phí, hay vẫn cần có sự can thiệp của nhà nước để đảm bảo quyền lợi của những người đang học cùng khả năng tiếp cận giáo dục của mọi người dân?

Thực ra, cuộc tranh luận nói trên không chỉ có ở riêng Việt Nam. Nên trao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập (trong đó có quyền tự xác định học phí) đến mức độ nào là một vấn đề kinh điển trong quản lý giáo dục đại học ở mọi quốc gia trên thế giới. Vấn đề này đã nhiều lần được các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý giáo dục đưa ra phân tích, nhưng cho đến nay cuộc tranh luận vẫn chưa hề chấm dứt. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản đang được báo chí đặt ra – “học phí tăng, chất lượng có tăng?” hóa ra lại liên quan đến một loạt những câu hỏi nhỏ hơn cần phải trả lời, đó là: có chăng một mối liên hệ rõ ràng giữa học phí (hoặc đúng hơn là giữa mức đầu tư) và chất lượng; thế nào là một mức học phí đại học hợp lý; và cuối cùng làm sao để bảo đảm sự công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người. Để trả lời những câu hỏi nhất thiết phải có những hiểu biết nhất định về quản trị giáo dục đại học, chứ không thể dựa trên mong muốn của các bên trong cuộc (nhà trường, người học, cơ quan quản lý nhà nước) hoặc phán đoán chủ quan của những người ngoài cuộc (báo chí, dư luận…).

Mối liên hệ giữa mức đầu tư và chất lượng
Giải thích cho việc tăng học phí, các trường thường đưa ra lý do cần phải tuyển và trả lương xứng đáng cho các giảng viên giỏi, bằng cấp cao, đồng thời phải giữ cho tỷ lệ trò trên thầy ở mức thấp được (giảng dạy trên lớp nhỏ, ít học viên) để đem lại chất lượng mong muốn. Đó là chưa kể đến những đầu tư tốn kém và lâu dài vào cơ sở vật chất như phòng học, phòng thí nghiệm, thiết bị giảng dạy và thực hành, rồi sân chơi, sân tập thể dục thể thao …, là những yếu tố tuy không trực tiếp nhưng cũng có những đóng góp quan trọng vào chất lượng giáo dục. Nhưng phải chăng các trường chỉ cần có đủ tiền thì chất lượng đương nhiên sẽ tăng lên? 

Các nghiên cứu được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới cho đến nay cho thấy không có một mối liên hệ rõ ràng giữa mức đầu tư và chất lượng giáo dục. Nghiên cứu được công bố vào năm 2013 của trường Đại học Wabash thuộc bang Indiana của Mỹ sử dụng các số liệu chính thức của liên bang đã khẳng định một mối liên hệ giữa mức đầu tư và chất lượng giáo dục là rất nhỏ. Nghiên cứu  cho thấy có nhiều trường đại học có mức đầu tư thấp, tỷ lệ trò trên thầy cao, và không có đủ giảng viên cơ hữu nên phải sử dụng các giảng viên thỉnh giảng, nhưng lại có chất lượng giáo dục tốt hơn so với các trường có mức đầu tư cao hơn và danh tiếng nhiều hơn[5].  

Kết luận trên hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên. Các nhà nghiên cứu giáo dục từ lâu đã thống nhất rằng nguồn lực chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để đem lại chất lượng. Xét theo chi phí đơn vị, có một ngưỡng tối thiểu về mức đầu tư mà ở dưới mức đó thì khó lòng có được chất lượng. Tuy nhiên, một khi đã vượt qua được ngưỡng tối thiểu này thì mối liên hệ giữa mức đầu tư và chất lượng không còn rõ ràng. Lúc ấy, chính năng lực quản trị của các trường mới thực sự tác động đến chất lượng[6]. Như vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người học thì song song với việc trao toàn quyền xác định mức học phí cho các trường công lập tự chủ tài chính, các trường này cần phải thể hiện trách nhiệm giải trình cao hơn so với các trường chưa được tự chủ, trong đó hai biện pháp quan trọng nhất là sự công khai, minh bạch thông tin về các mặt hoạt động của trường, cùng kết quả đánh giá chất lượng theo các phương pháp và cấp độ khác nhau (đánh giá và kiểm định trường, đánh giá và kiểm định chương trình, phân loại, xếp hạng …).

Xác định mức học phí hợp lý
Để xác định một mức học phí hợp lý ở bậc đại học, người ta thường dựa vào hai tiêu chí căn bản sau: (1) được tính đủ để ít nhất phải đạt được ngưỡng tối thiểu của chi phí đơn vị (như đã nêu ở trên); và (2) được “thị trường” chấp nhận[7]. Đối với tiêu chí đầu tiên, cách đây hơn một thập niên các chuyên gia trong nước đã tính toán được rằng đối với một quốc gia thu nhập còn thấp như Việt Nam thì chi phí đơn vị tối thiểu phải ở mức 150% so với thu nhập bình quân đầu người (lúc ấy chỉ mới đạt 550 USD/năm), tức là chi phí đơn vị phải vào khoảng 800 USD/năm học vào khoảng những năm 2004-2005[8]. Nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên trên 2,000 USD, vì vậy có thể ước tính chi phí đơn vị ít nhất phải ở mức xấp xỉ 1500 USD, hoặc tối thiểu 30 triệu/năm nếu tính bằng tiền Việt. Đây cũng là mức tương đương với mức học phí đại học tại Philippines, một nước có thu nhập bình quân và trình độ phát triển tương tự Việt Nam.

Tuy nhiên, xét theo yếu tố thị trường thì mức học phí 30 triệu/năm có lẽ không dễ dàng được thị trường chấp nhận, một phần là do lâu nay mọi người vẫn quen với mức học phí thấp, phần khác là do những lợi ích đối với người học do việc tăng học phí chưa thể chứng minh ngay được (và thậm chí có khi KHÔNG THỂ chứng minh được). Vì vậy, hoàn toàn có thể tin vào lời phát biểu của lãnh đạo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân rằng mức học phí 17 triệu/năm đã được họ cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được sự cân bằng giữa hai yếu tố thị trường và chất lượng. Tất nhiên, ở thời điểm hiện nay cả hai yếu tố này vẫn còn là ẩn số mà lời giải chỉ có thể có được sau khi nhà trường đã vận hành được ít nhất là một khóa đào tạo. Trong thời gian đó, vấn đề được đặt ra cho nhà trường không còn là tìm cách có thêm nguồn thu từ học phí, mà quan trọng hơn là giải trình cho người học và cho toàn xã hội về việc mình đã sử dụng số tiền học phí thu được như thế nào để mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. Đó cũng chính là cách để nhà trường dễ dàng được thị trường chấp nhận với mức tăng học phí theo lộ trình đã đưa ra.

Sự công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục
Vấn đề mà báo chí, dư luận và người học quan tâm nhất hiện nay là mức học phí cao sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục của những người có thu nhập thấp – một vấn đề về công bằng xã hội. Thật vậy, các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng các sinh viên tốt nghiệp đại học, đặc biệt là các trường đại học có chất lượng và uy tín cao, luôn có thu nhập cao hơn một cách đáng kể so với những người không có bằng đại học hoặc tốt nghiệp từ các trường không có chất lượng. Đó là lý do tại sao các trường đại học có danh tiếng tại Mỹ như Harvard, Stanford vv có thể thu học phí cao hơn gấp nhiều lần so với những trường khác nhưng vẫn gạt ra không hết học trò. Sẽ không có vấn đề gì nếu các trường thu học phí cao là trường tư. Nhưng nếu đó là một trường công có sử dụng kinh phí của nhà nước – dù giờ đây được chuyển sang tự chủ tài chính – thì thật là một nghịch lý khi những người có thu nhập thấp nên không thể trả được mức học phí cao tại các trường có danh tiếng và mức học phí cao lại phải đóng thuế nhằm hỗ trợ cho những người có thu nhập cao đi học để sau này tiếp tục có mức thu nhập cao hơn.

Chính vì vậy, ngoài những chính sách hỗ trợ sẵn có của nhà nước cho tất cả các sinh viên, các trường tự chủ tài chính cần phải có những chính sách hữu hiệu để bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận giáo dục cho những thí sinh có đủ năng lực nhưng không có đủ điều kiện tài chính. Một chính sách rất đáng học hỏi từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ là tuyển sinh theo nguyên tắc “need blind”, có nghĩa là tất cả các thí sinh nếu đủ điều kiện trúng tuyển và được nhận vào trường đều được đảm bảo cấp học bổng nếu chứng minh được mình không có đủ điều kiện tài chính để tham gia chương trình học. Điều này có thể quá lý tưởng và chưa thể đạt được tại Việt Nam, nhưng trước mắt các trường tự chủ tài chính đang áp dụng một lộ trình tăng học phí liên tục trong nhiều năm như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cần phải cam kết với nhà nước và xã hội rằng sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm không có sinh viên nào phải bỏ học vì nhà trường tăng học phí. Ngoài ra, việc thành lập các quỹ học bổng, và quan trọng hơn là việc sử dụng các quỹ này, phải là một nội dung được nhà trường công khai rộng rãi đến mọi đối tượng, và phải được giám sát bởi các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng.
***********
Tự chủ đại học luôn luôn phải đi kèm với trách nhiệm giải trình, đó là một nguyên tắc quản trị đại học kinh điển được áp dụng trên toàn thế giới. Việc trao thêm quyền tự chủ cho các trường, trong đó bao gồm việc tự xác định mức học phí, là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế quản trị đại học trên toàn thế giới. Điều còn lại là đẩy mạnh hơn nữa trách nhiệm giải trình của các trường. Cơ sở pháp lý của các biện pháp cần thực hiện –  như xếp hạng, đánh giá và kiểm định chất lượng, và công khai thông tin để toàn xã hội giám sát – đều đã có sẵn, vấn đề giờ đây chỉ là khả năng thực hiện chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước có liên quan mà thôi.






[6] https://www.oecd.org/edu/imhe/46064461.pdf - Governance and quality guidelines in higher education – OECD 2008?

Sunday, March 17, 2019

Hiểu và quản lý văn hóa tổ chức (1)

Dẫn: Bài viết này là phần tóm tắt tài liệu mà tôi đang đọc, chủ yếu tôi viết cho chính mình. Đưa lên đây để lưu cho mình và chia sẻ đến những ai cần. Tài liệu mà tôi dùng để viết bài này có tựa là Understanding and managing organizational culture  (Donnel and Boyle 2008), có thể tìm được trên mạng, ở đây: https://www.ipa.ie/_fileUpload/Documents/CPMR_DP_40_Understanding_Managing_Org_Culture.pdf. Tựa nhỏ của các mục có đánh số bên dưới là do tôi tự đặt ra.
-------------
1. Vì sao nhà quản lý cần hiểu về văn hóa tổ chức?

Rất đơn giản: Văn hóa ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của tổ chức. Đặc biệt, khi một tổ chức đang có những thay đổi hoặc cải cách lớn đòi hỏi những giá trị mới so với những giá trị đã tồn tại trong quá khứ. Điều này đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu ở nhiều tổ chức trên thế giới.

Trích:
- First and foremost, this is because culture affects the performance of organisations. p. ix
- Culture is particularly important when an organisation is undergoing significant transformation or
when introducing major reforms which require different or new cultural or value traits from those exhibited in the past. p. ix

2. Nhà quản lý cần làm gì để tác động lên văn hóa tổ chức?

i. Tạo bầu khí thay đổi (Creating a climate for change)
Văn hóa chỉ có tác động tạo ra sự thay đổi nếu nó được áp dụng đúng nơi đúng lúc.

Trích: 
- In terms of creating a climate for change, culture is only effective if it is applied to the relevant area needing change or is tied to some organisational issue. p. x

Kinh nghiệm của tôi:
Mọi người chỉ quen nói miệng và giải quyết sự vụ hàng ngày một cách vụn vặt, không đặt mục tiêu rõ ràng và lập kế hoạch trước khi làm và cũng không bám sát kế hoạch để hành động. Ngoài ra, do hầu hết các quyết định là ad hoc, nên làm xong thì không chia sẻ cho người khác trong team, tạo ra tình trạng mạnh ai nấy làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả công việc.

Cách tôi thay đổi văn hóa là tự lập ra kế hoạch chung rồi tạo thói quen cho mọi người trong team bằng cách họp giao ban hàng tuần, khi họp luôn yêu cầu viết biên bản, và luôn rà soát việc thực hiện mục tiêu theo kế hoạch đã lập ra.

Và rõ ràng, công việc đã trở nên hiệu quả hơn hẳn.

ii. Người đứng đầu phải làm gương (Leaders as champions)
Vai trò của người đứng đầu trong việc tạo ra sự thay đổi về văn hóa rõ ràng là không thể phủ nhận. Với tư cách người đứng đầu, họ có quyền khen thưởng hoặc kỷ luật những hành vi bộc lộ các giá trị văn hóa cần được xây dựng hoặc cần phải loại bỏ. (Mở ngoặc: Khen thưởng thì tốt hơn là kỷ luật!)

Trích: 
- The leaders of organisations are ‘champions’ of understanding and managing culture in
the organisation and of rewarding or punishing subcultures depending on whether they align or not with the corporate culture espoused by the leaders. p. x
- The influence of leaders in terms of rewarding the sub-culture groups that espouse the
dominant beliefs, values and underlying assumptions of the organisation cannot be underestimated. p. x

iii. Tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của mọi người (Employee engagement and empowerment)


(còn tiếp)