Sunday, December 23, 2012

Hướng dẫn giám sát và đánh giá (M&E) dự án (1)



Giám sát và đánh giá là hoạt động không thể thiếu trong các dự án, đặc biệt là các dự án có nhận tài trợ của  quốc tế. Nhưng hoạt động này được thực hiện như thế nào, và những cơ sở lý luận của nó là gì? Bài viết này nhằm đưa ra những hướng dẫn tổng quát và căn bản cho việc thực hiện hướng dẫn và đánh giá. Tài liệu tham khảo chính cho bài viết này là Monitoring and Evaluation Guidelines do Chương trình lương thực thế giới của Liên hiệp quốc ấn hành (United Nation World Food Programme), có thể tải tại địa chỉ sau: http://documents.wfp.org/stellent/groups/public/documents/ko/mekb_module_7.pdf.
----------

1.       Định nghĩa giám sát, đánh giá và mối liên hệ giữa giám sát và đánh giá

a.       Định nghĩa

Theo tài liệu đã dẫn, giám sát là một chức năng thường xuyên bao gồm việc thu thập số liệu một cách có hệ thống về một số các chỉ tiêu đã được xác định trước nhằm thông tin cho nhà quản lý và các bên có liên quan về tiến độ cũng như các kết quả tương ứng của việc sử dụng ngân quỹ đã được cấp cho dự án (sđd, tr. 9).

Trong khi đó, đánh giá là công việc lượng giá một cách khách quan và có hệ thống về một dự án đã hoàn tất hoặc còn đang tiếp tục, bao gồm cả thiết kế, triển khai và kết quả. Mục đích của đánh giá là xác định sự phù hợp (relevance) và mức độ hoàn tất (fulfillment) các mục tiêu đề ra, cũng như hiệu suất, hiệu quả, tác động và tính bền vững của dự án (sđd, tr. 9).

b.      Quan hệ giữa giám sát và đánh giá

Mục đích của giám sát và đánh giá là kiểm tra bằng các số liệu thực nghiệm xem các giả thuyết được nêu trong thiết kế dự án có được xác thực trong quá trình triển khai dự án cũng như sau khi dự án đã hoàn tất hay không.  Một chiến lược giám sát và đánh giá (M&E) tốt không chỉ đo lường xem giả thuyết đã đưa ra trong thiết kế dự án có được xác thực hay không, mà còn phát hiện ra tại sao giả thuyết ấy đã không được xác thực để có thể sửa đổi và điều chỉnh khi thực hiện dự án.

Giám sát tập trung vào những yếu tố ở mức độ thấp hơn trong ma trận khung logic (logical framework matrix) còn đánh giá thì tập trung vào những yếu tố ở mức độ cao hơn và dài hạn hơn. Hai chức năng này rõ ràng có những điểm trùng lặp và bổ sung cho nhau. Sự khác biệt giữa hai chức năng này nằm ở góc  nhìn (perspective) của chúng trong việc đánh giá hoạt  động liên quan đến khung logic của một dự án.

Giám sát là công việc quản lý hàng ngày bao gồm thu thập và rà soát thông tin để biết một dự án đang tiến triển ra sao và có mặt nào cần phải điều chỉnh hay không. Giám sát dựa trên kết quả (result-based monitoring) tập trung vào đầu ra (output) và theo dõi kết quả cuối cùng (outcome) đến càng xa thì càng tốt – tức sự xuất hiện của những thay đổi tích cực về hành vi là kết quả của đầu ra của dự án.

Trong khi đó, đánh giá được đặc trưng bởi những hoạt động cụ thể như khảo sát, nghiên cứu hơn việc thu thập thông tin hàng ngày. Đánh giá dựa trên kết quả tập trung vào những kết quả cuối cùng và tác động và nó bổ sung cho những thông tin giám sát. Nó đánh giá tổng quát mọi hoạt động, tập trung vào những thay đổi tích cực hoặc tiêu cực về hành vi vốn là kết quả của một dự án. Đánh giá cung cấp những thông tin đáng tin cậy và hữu ích, tạo điều kiện để kết hợp những bài học vào trong quá trình ra quyết định của các nhà quản lý. Cần lên kế hoạch thực hiện một bản đánh giá giữa kỳ hoặc cuối kỳ để (a) đo lường mức độ tiến triển giữa kỳ so với kết quả cuối kỳ mà mình muốn đạt; và (b) đánh giá tác động cuối cùng và tính bền vững của dự án.



 

"Giả thuyết và giả thiết trong nghiên cứu khoa học"

Hai từ giả thuyết và giả thiết hiện đang bị rất nhiều người dùng với nghĩa lẫn lộn, không phân biệt cái nào là cái nào và đôi khi được dùng thay thế cho nhau. Vì vậy, tôi lên mạng để xem có bài viết nào giải thích cách dùng hai từ này hay không, và "vớ" được bài này. Thấy hay hay nên chép lên đây để lưu và tìm tiếp tục tìm hiểu xem những người khác nói gì về vấn đề này. Nói vắn tắt, theo tác giả bài viết thì "giả thuyết" thì tương đương với từ "hypothesis" trong tiếng Anh, còn "giả thiết" thì tương đương với "assumption". Đối với ai biết tiếng Anh thì chỉ cần giải thích như thế là đã quá rõ.

Nhưng không phải ai cũng rành tiếng Anh. Nếu vậy, bài viết dưới đây hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn. Vậy thì đây, enjoy các bạn nhé!

Nguồn:http://lib.hcmussh.edu.vn/?itm=1207120786&wca=newmng&wce=dtl&wci=v_dat
---------

Giả thuyết và giả thuyết trong nghiên cứu khoa học

2008-04-02 14:22:42

“Giả thuyết” và “giả thiết” là hai khái niệm có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau trong nghiên cứu khoa học (NCKH). Đáng tiếc, trong thực tế vẫn có nhiều nhà khoa học còn sử dụng lẫn lộn hai khái niệm này. Trong bài viết dưới đây, tác giả mong muốn làm rõ sự phân biệt về ý nghĩa và cách sử dụng trong NCKH, góp phần phát triển những cơ sở lý thuyết về phương pháp luận và kỹ năng NCKH ở nước ta.

Một hiện trạng đáng báo động

Một vị chủ nhiệm khoa của một trường đại học lớn ở Hà Nội, đồng thời là chủ tịch một hội đồng khoa học và đào tạo cấp khoa, có chức danh khoa học, luôn lớn tiếng mắng đồng nghiệp khi họ nêu giả thuyết cho nghiên cứu của mình. Vị chủ nhiệm khoa này nói: “NCKH của các anh cần gì phải có giả thuyết” (!). Tại một viện nghiên cứu khác ở Hà Nội, ban lãnh đạo của viện đã phân vân, có nên yêu cầu các nghiên cứu sinh và học viên cao học viết giả thuyết trong luận văn của mình nữa không, vì các vị cho rằng, viết thì thừa, không viết thì thiếu!
ở một khoa khác trong một trường đại học lớn, một vị phó giáo sư bắt mọi luận văn, luận án (thạc sỹ và tiến sỹ) phải viết giả thuyết dưới dạng “Nếu …, thì …” một cách rất khô cứng, chẳng hạn, bản luận văn thạc sỹ do chính ông hướng dẫn, đã viết “giả thuyết” thành “giả thiết”, và được viết như sau: “Nếu có được biện pháp quản lý chất lượng đào tạo thích hợp, thì sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực”.
Hầu hết văn bản hướng dẫn viết luận văn sau đại học của nhiều trường đại học ở nước ta hiện nay không đòi hỏi và hướng dẫn các tác giả phải trình bày “giả thuyết”. Khảo sát tại một cơ sở đào tạo sau đại học của ngành y, chúng tôi được các thầy /cô khẳng định: Nghiên cứu của ngành y không cần giả thuyết. Đến khi chúng tôi đưa cho các vị xem cuốn sách của GS, BS Tôn Thất Tùng, trong đó, ông luôn nói: “Tôi đặt giả thuyết này…”, “Tôi đặt giả thuyết kia…” thì các vị mới “ngã ngửa” ra rằng, trong nghiên cứu của ngành y, đến bác sỹ Tôn Thất Tùng, cũng đã phải viết giả thuyết.
Chúng ta có thể vào thư viện của nhiều trường đại học, tìm đọc một số công trình nghiên cứu các loại, từ luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ đến cử nhân, đều có thể thấy, hàng loạt tác giả hoặc là không trình bày giả thuyết của nghiên cứu, hoặc là sử dụng khái niệm giả thuyết và giả thiết một cách khá tùy tiện. Điều này chứng tỏ sự yếu kém về phương pháp luận trong cộng đồng nghiên cứu của chúng ta. Sự yếu kém này có lý do của nó: Hàng loạt trường đại học Việt Nam chưa đưa môn học về phương pháp luận NCKH vào chương trình giảng dạy.
Nếu nói đến tình trạng báo động trong NCKH và đào tạo sau đại học, thì đây là một trong những điều đáng báo động nhất.
Khái niệm “giả thuyết” và “giả thiết” trong nghiên cứu
Khái niệm “giả thuyết nghiên cứu”
Vậy “giả thuyết”, hoặc “giả thuyết khoa học”, hoặc đơn giản hơn, “giả thuyết nghiên cứu” (Hypothese) là gì? Sách hướng dẫn NCKH nước ngoài phần lớn định nghĩa giả thuyết là một sự giải thích (explanation) sơ bộ về bản chất sự vật. Trong các bài giảng về phương pháp luận NCKH, chúng tôi đưa ra những định nghĩa để người học dễ thao tác hơn: “Giả thuyết là nhận định sơ bộ, là kết luận giả định của nghiên cứu”, hoặc “Giả thuyết là luận điểm cần chứng minh của tác giả”, hoặc, đối với những người mới làm quen với NCKH, chúng tôi đưa ra một định nghĩa rất đơn giản: “Giả thuyết là câu trả lời sơ bộ, cần chứng minh, vào câu hỏi nghiên cứu của đề tài”.
Mendeleev nói: “Không một nghiên cứu nào không phải đặt giả thuyết”. ông còn nhấn mạnh: “Đặt ra một giả thuyết sai vẫn còn hơn không đặt ra một giả thuyết nào”. Có người nói rằng, điều mà Mendeleev nói chỉ đúng trong khoa học tự nhiên, còn trong khoa học xã hội thì không cần giả thuyết. Thế nhưng, một nhà khoa học xã hội rất quen biết, là Engels, đã khẳng định trong Biện chứng tự nhiên: “Nghiên cứu nào cũng phải có giả thuyết. Giả thuyết chẳng qua là sự giải thích sơ bộ bản chất của sự vật”.
Khái niệm “giả thiết” trong nghiên cứu
Bên cạnh khái niệm “giả thuyết”, trong NCKH còn sử dụng khái niệm “giả thiết” (Assumption). Giả thiết là một điều kiện giả định trong quan sát hoặc thực nghiệm.
Ví dụ, khi nói nước sôi ở 1000 C, người ta đã ngầm hiểu, nước đó được quy về những điều kiện giả định, đó là: (1) Nước nguyên chất, (2) Được đun nóng dưới áp suất là 1 atm.
Một ví dụ khác trong khoa học xã hội, khi xem xét quan hệ giữa khu vực sản xuất tư liệu sản xuất (khu vực I) và khu vực sản xuất tư liệu tiêu dùng (khu vực II) trong quá trình tái sản xuất mở rộng, Marx đã đặt giả thuyết là khu vực I quyết định khu vực II với giả thiết rằng, giữa các quốc gia không có ngoại thương.
Giả thiết là một điều kiện mang tính quy ước của người nghiên cứu, nó có thể không tồn tại hoặc không phải lúc nào cũng tồn tại trong thực tế.
Vai trò của “giả thuyết” trong NCKH
Tất cả các khoa học thực nghiệm, bất kể trong khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật hay khoa học xã hội, đều cần có giả thuyết. Kết luận này là kết quả của cuộc tranh luận diễn ra vào nửa cuối thế kỷ XIX, trong đó có mặt cả các nhà khoa học tự nhiên và các nhà khoa học xã hội. Trong cuộc tranh luận này, chúng ta thấy có cả E. Mach1, nhà vật lý nổi tiếng người áo và Engels.
Mach đã phê phán kịch liệt việc sử dụng giả thuyết trong NCKH. Trong khi đó, Engels lại đứng về phía những người ủng hộ việc phải xây dựng giả thuyết trong NCKH. Trong cuộc tranh luận ấy, Engels đã đưa định nghĩa giả thuyết như vừa nêu ở trên2.
Vì sao cần có giả thuyết trong NCKH? Chính bởi vì, NCKH là đi tìm kiếm những điều chưa biết. Cái khó là làm cách nào để tìm kiếm những điều chưa biết? Bằng trải nghiệm khoa học, các nhà nghiên cứu đã tìm ra giải pháp đưa ra một phương án “giả định” về cái điều chưa biết. Phương án giả định đó được gọi là giả thuyết. Nhờ có phương án giả định đã đặt ra, mà người nghiên cứu có được hướng tìm kiếm. Rất có thể giả thuyết bị đánh đổ, khi đó người nghiên cứu phải đặt một giả thuyết khác thay thế. Công việc diễn ra liên tục như thế, cho đến khi đạt được kết quả cuối cùng.
Tuy là một kết luận mang tính giả định được đặt ra để chứng minh, nhưng giả thuyết không thể được đặt ra một cách tùy tiện, mà phải dựa trên cơ sở quan sát sơ bộ quy luật diễn biến của đối tượng mà chúng ta nghiên cứu. Có những sự kiện diễn ra một cách phổ biến, giúp chúng ta đưa ra một giả thuyết phổ biến. Ví dụ, quan sát tất cả các chuyển động thẳng đều, người ta đều thấy nghiệm đúng quy luật tuyến tính s = v.t. Tuy nhiên, có những quy luật mà chúng ta chỉ quan sát thấy nghiệm đúng trong một tập hợp mang tính thống kê nào đó. Khi đó, chúng ta thiết lập được các giả thuyết thống kê. Chẳng hạn, trong một cuộc điều tra dư luận xã hội về nguyên nhân ly hôn trong giới trẻ ở thành phố, có tới 70% số người được hỏi cho rằng đó là do những khác biệt về lối sống. Từ kết quả này, chúng ta đặt giả thuyết, sự khác biệt về lối sống là nguyên nhân ly hôn trong giới trẻ ở thành phố. Giả thuyết này được xem là một dạng của loại giả thuyết thống kê.
Mỗi giả thuyết luôn đi kèm với một điều kiện giả định, nghĩa là một giả thiết quan sát hoặc thực nghiệm. Chẳng hạn, giả thuyết trong một nghiên cứu lâm sinh: “Cây keo tai tượng sinh trưởng nhanh hơn cây keo lá tràm” với giả thiết rằng: “Hai loài keo này được trồng trong cùng điều kiện lập địa, cùng điều kiện khí hậu và cùng điều kiện chăm sóc”. Như vậy, giả thiết được đặt ra nhằm tập trung mối quan tâm của nghiên cứu vào những liên hệ căn bản nhất, loại trừ bớt những liên hệ không căn bản.
Trong giới nghiên cứu ở nước ta hiện nay, một số người vẫn cho rằng, giả thuyết chỉ cần thiết với những nghiên cứu giải thích và nghiên cứu giải pháp, còn nghiên cứu mô tả thì cứ việc “thấy sao nói vậy”, không cần phải đặt giả thuyết. Có lẽ các bạn đồng nghiệp của chúng ta tưởng thế thôi, trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Có thể lấy ví dụ, mô tả một hiện trạng kinh tế, hoàn toàn có hai quan điểm trái ngược nhau: Một quan điểm cho rằng nền kinh tế đang phát triển tốt đẹp; một quan điểm cho rằng, nó đang có những biểu hiện khủng hoảng. Ví dụ khác, một triều đại lịch sử, chẳng hạn, nhà Mạc, có thể mô tả như một ngụy triều; song trên một góc nhìn khác, nó lại có thể được mô tả như một chính triều.
Bản chất logic của “giả thuyết”
Cuối cùng, làm thế nào viết được một giả thuyết? Đối với các đồng nghiệp nghiên cứu mới vào nghề, đây luôn là một công việc khó khăn.
Bí quyết kỹ năng viết giả thuyết là ở bản chất logic của giả thuyết. Về mặt logic, giả thuyết được trình bày dưới dạng một phán đoán. Các phán đoán logic có dạng chung là (S - P), nghĩa là “S là /không là P”. Giả thuyết được chứng minh sẽ trở thành những “tế bào” bổ sung vào hệ thống lý thuyết vốn tồn tại, hoặc trở nên những mầm mống đầu tiên cho sự hình thành những cơ sở lý thuyết khoa học mới. Nói như thế có nghĩa, các lý thuyết khoa học, xét về mặt logic học, cũng đều là những phán đoán.
Tuy nhiên, mỗi giả thuyết luôn đi kèm những điều kiện giả định, tức giả thiết. Vì vậy, mỗi lý thuyết đều phải chấp nhận một ước lệ về hoàn cảnh thực tế đã sản sinh ra nó. Chính vì vậy, bao giờ giữa lý thuyết với thực tế cũng có một khoảng cách.
Không phải ngẫu nhiên, mà nhiều nhà nghiên cứu hay trích Goethe: “Mọi lý thuyết đều màu xám. Chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi” .
1 Ernst Mach (1838-1916) là nhà vật lý người áo. ông đã đặt cơ sở cho những nghiên cứu về vai trò của âm thanh trong khí động học. Những nghiên cứu phê phán của ông về các nguyên lý cơ học Newton đã có ảnh hưởng lớn đến các công trình của Einstein sau này (theo Le Petit Larousse illustré, Paris, 2002).
2 Xem Ruzavin G.I., Các phương pháp nghiên cứu khoa học, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, tr. 92 (Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Như Thịnh).


 

Friday, December 21, 2012

"Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế: Hợp chuẩn và lệch chuẩn" (SGGP)

Đọc báo mạng, tình cờ đọc được bài này đúng ý tôi, mà lại có nhắc đến tên tôi nữa chứ, nên chép lại ở đây để lưu và ... để khoe! Nguồn ở đây: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2012/12/307261/





-------------------------
Theo một cuộc khảo sát bỏ túi mới đây của SV khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TPHCM, có đến 60% người học đến từ các nước trên thế giới băn khoăn khi chọn trường ĐH tại Việt Nam. Đối với SV trong nước, được hỏi ĐH nào nổi tiếng nhất Việt Nam, các phiếu khảo sát cho rất nhiều câu trả lời khác nhau nhưng có đến 52,8% số phiếu không chắc về đáp án mình đưa ra. Vậy, ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu trên bảng xếp hạng thế giới?

Sinh viên Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam học tập qua mạng. Ảnh: MAI HẢI

Bước đầu hội nhập
Trung tuần tháng 11-2012, tại Hội nghị Giáo dục quốc tế QS APPLE diễn ra ở Indonesia, ĐH FPT Việt Nam chính thức được công nhận đạt chuẩn quốc tế 3 sao (408 điểm) theo thang bậc xếp hạng của Tổ chức QS (tên tiếng Anh đầy đủ là Quacquarelli Symonds), một trong những tổ chức xếp hạng ĐH được xem là có uy tín trên thế giới.

Trước đó, để đạt được chứng nhận này, tập thể thầy và trò đã trải qua nhiều vòng kiểm định chặt chẽ dựa trên các tiêu chí: “đầu ra” sinh viên sau đào tạo, cơ sở vật chất, tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên nước ngoài, số lượng bằng sáng chế, công trình nghiên cứu khoa học đăng ký quốc gia và quốc tế, học bổng và các loại hình hỗ trợ sinh viên…

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, chứng nhận này có giá trị trong vòng 3 năm. Do đó, mục tiêu phấn đấu tiếp theo của nhà trường trong 1-2 năm tới là cán mốc 550 điểm - xếp hạng 4 sao theo quy chuẩn đánh giá của tổ chức này.

Trước đó, ĐHQG Hà Nội cũng từng lọt vào top 300 trường ĐH hàng đầu châu Á do tổ chức này xếp hạng. Ngoài ra, vào năm 2009, ĐHQG TPHCM cũng từng đứng ở bậc 57 trên tổng số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới do tổ chức 4icu (For International Colleges and Universities) bình chọn dựa trên số lượng người truy cập vào website của trường. Ngoài ra, một số ĐH khác ở Việt Nam như ĐH Quốc tế RMIT, ĐH Quốc tế TPHCM hiện cũng đang ưu tiên thực hiện công tác trao đổi sinh viên nước ngoài nhằm nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh ĐH Việt Nam ra thế giới.

Mới đây, ĐHQG TPHCM công bố đã có 6 khoa/bộ môn trực  thuộc đơn vị này được công nhận chuẩn giáo dục AUN-QA, chuẩn kiểm định chất lượng dành cho hệ thống các trường ĐH thuộc khối ASEAN. Hiện Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Quốc tế TPHCM đang hoàn tất hồ sơ, dự báo sẽ là đơn vị tiếp theo được công nhận đạt chuẩn.

Cẩn trọng với “chuẩn”
Công nhận đạt chuẩn luôn là mơ ước, mục tiêu phấn đấu của các trường ĐH. Tuy nhiên, theo TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM, trên thế giới hiện nay đang tồn tại hơn 10 bảng xếp hạng ĐH, mỗi loại đánh giá dựa trên những tiêu chí hoàn toàn khác nhau.

Trong đó, chỉ có hai tổ chức xếp hạng được đánh giá là có uy tín, nhiều người tin cậy là bảng xếp hạng của tạp chí Times Higher Education (Vương quốc Anh) hợp tác với hãng thông tấn Thomson Reuters và bảng xếp hạng của ĐH Thượng Hải (Trung Quốc). Việt Nam chưa từng có ĐH nào lọt vào hai bảng xếp hạng này. Riêng hệ thống xếp hạng QS-Stars của Công ty Quacquarelli Symonds (Anh) cũng được xem là đáng tham khảo do trước đây công ty này từng hợp tác với tạp chí Times Higher Education xếp hạng ĐH.


Tuy nhiên, từ năm 2010, tạp chí Times Higher Education đã ngưng hợp tác với QS, thay vào đó kết hợp cùng Thomson Reuters tạo ra hệ thống đánh giá mới. Qua đó cho thấy vấn đề xếp hạng ĐH hiện nay chưa đồng nhất, ở đó một trường ĐH có thể lọt vào bảng xếp hạng này nhưng hoàn toàn vắng bóng ở bảng xếp hạng kia.

Do đó, lời khuyên của bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, là các trường không nên quá chạy theo chuẩn xếp hạng mà bỏ quên nhiệm vụ, sứ mạng đào tạo được xã hội giao phó. Việt Nam muốn có các trường nằm trong các bảng xếp hạng quốc tế cần có một cuộc cải cách lâu dài, hoặc là phát triển các trường ĐH đang có trở thành ĐH đẳng cấp, hoặc thành lập riêng một số trường ĐH mới với các mục tiêu đào tạo trọng yếu.


Còn theo PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TPHCM: “Việc chạy theo chuẩn này chuẩn nọ không khéo sẽ trở thành lệch chuẩn. Hiện nay mỗi trường có một mục tiêu, sứ mạng đào tạo khác nhau…”. Chính vì vậy, kết quả thứ bậc theo hệ thống xếp hạng này hay hệ thống khác chỉ mang tính tương đối, giúp người học có thêm lựa chọn môi trường đào tạo phù hợp, không phải là cơ sở so sánh trường này với trường kia.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác được đưa ra là hiện nay đang có tình trạng một số trường ĐH mới nổi lấy “chuẩn” - bất kể chính thống hay không chính thống làm phương tiện quảng bá hình ảnh, thu hút thêm học viên. Trong khi đó, nhiều trường ĐH lâu năm, đã có bề dày thành tích lại cẩn trọng hơn trong việc tham gia sân chơi này. Do đó, người học cần tìm hiểu rõ ràng, thứ bậc xếp hạng của một trường không quan trọng bằng việc trường đó có phù hợp với yêu cầu và năng lực học tập của từng cá nhân

Thu Tâm

Monday, December 10, 2012

Nói chuyện tiếng Anh (12): 300 điểm TOEIC có tương đương với trình độ B1 của chuẩn châu Âu?

Tôi viết bài này vì mới đọc được một bài viết trên báo SGGP (online) về trình độ tiếng Anh của khối trường chuyên nghiệp, trong đó tác giả xác định 300 điểm TOEIC là tương đương với trình độ B1 của chuẩn châu Âu. Bài ấy ở đây: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2012/12/306290/, và lời khẳng định đó nằm trong đoạn cuối cùng của bài viết, xin trích lại dưới đây:

Trước thực tế còn ngổn ngang cái khó lẫn thiếu điều kiện đầu tư cho môi trường dạy và học tiếng Anh đạt chuẩn, nhiều trường thừa nhận mục tiêu đặt ra là HS tốt nghiệp ra trường phải đạt chuẩn đầu ra TOEIC 300 điểm hay trình độ bậc 3 (B1) theo chuẩn châu Âu xem ra khó thực hiện.

Điều đó có đúng không? Xin các bạn chịu khó đọc bài viết dài dòng của tôi bên dưới.

Chuẩn châu Âu, hay nói chính xác hơn là Khung quy chiếu chung về trình độ ngoại ngữ Châu Âu, tiếng Anh là Common European Framework of Reference for Languages (viết tắt là CEFR) hiện nay không còn gì xa lạ với VN nữa, vì nó đang được dùng để xác định các mức năng lực ngoại ngữ mà người học cần đạt ở cuối các bậc học và cấp học. Đây là một trong những cải cách nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ (mà chủ yếu là tiếng Anh) của VN, để đến năm 2020 tiếng Anh sẽ thành một thế mạnh của người Việt, giúp chúng ta có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường lao động thế giới (ừ, thì đó là mục tiêu đề ra, còn có đạt được không thì tôi không dám lạm bàn ở đây ạ).

Ai có quan tâm đến chuẩn châu Âu xin đọc thêm bài viết mà tôi đã viết từ thời còn làm tại ĐHQG, năm 2006 (thực ra tôi còn viết một bài khác về CEFR, lúc ấy gọi là CEF, từ năm 2001, hồi còn ở trường ĐHKHXH-NV nữa cơ, nhưng bài ấy không được lưu bản mềm ở đâu cả nên bây giờ đành chịu mất vì không có thì giờ đi lục lại). Link bài viết 2006 của tôi ở đây: http://www.vnulib.edu.vn:8000/dspace/bitstream/123456789/1892/1/sedev1006-03.pdf.

Chuẩn châu Âu thì phải xuất phát từ châu Âu, tất nhiên rồi. Và ở châu Âu thì người khổng lồ hàng đầu trong lãnh vực kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh không ai khác hơn chính là Cambridge ESOL. Các bài kiểm tra của Cambridge ESOL đều có thể quy tương đương sang chuẩn châu Âu một cách dễ dàng, ví dụ KET là A2, PET là B1, FCE là B2, CAE là C1, và CPE là C2. Trong khi đó, các bài kiểm tra của người khổng lồ tương đương bên Mỹ là ETS, nhà sản xuất hai bài thi TOEFL và TOEIC thì không theo chuẩn châu Âu (tất nhiên), và lúc đầu chẳng hề (thèm) quan tâm đến những sáng kiến của các đối thủ phía bên kia đại dương gì cả.

Cho đến khi họ bất ngờ nhận ra sự thành công vượt bậc của đối thủ, vì chuẩn châu Âu không những chỉ được dùng ở châu Âu mà còn lan ra khắp thế giới, thì anh chàng khổng lồ người Mỹ nọ mới giật mình. Và vội lật đật chạy theo, có vẻ hụt hơi một chút: ETS cũng phải thực hiện các nghiên cứu để quy đổi tương đương các điểm số của mình sang chuẩn châu Âu để có thể dễ dàng tồn tại ở những nơi mà chuẩn châu Âu đã trở thành ngôn ngữ và thước đo chung.

Ai không tin điều tôi nói ở trên (cái gì, ETS của Mỹ mà lại phải học tập cách làm của Cambridge ở Anh hay sao) thì xin các bạn vào đọc những bài nghiên cứu này của ETS sẽ rõ:

1. http://www.ealta.eu.org/conference/2007/docs/pres_sunday/Tannenbaum&Wylie.pdf
2. https://www.ets.org/s/toefl/pdf/linking_toefl_ibt_scores_to_ielts_scores.pdf
3. https://www.ets.org/Media/Research/pdf/RR-08-34.pdf

Xin chú ý, những quy đổi nói trên chủ yếu là từ điểm TOEFL sang điểm IELTS (academic), vì 2 cái test này cùng đối tượng và mục đích (đánh giá năng lực tiếng Anh của những người muốn sang học đại học ở các nước nói tiếng Anh như Anh và Mỹ). Trong khi đó, TOEIC là một kỳ thi có mục đích hoàn toàn khác, chủ yếu là dành cho người đi làm, với những ngữ cảnh và nội dung giao tiếp hạn chế hơn rất nhiều (chủ yếu là trao đổi thông thường). Vì vậy, việc quy đổi từ TOEIC sang IELTS hoặc thậm chí TOEFL (là người "anh em" thân thiết của TOEIC vì cùng "cha mẹ") cần phải cân nhắc mọi yếu tố có khả năng tác động đến kết quả, và ngay cả như vậy thì kết quả quy đổi vẫn phải xem xét thận trọng.

Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế - vì người học có thể có các loại chứng chỉ đa dạng khác nhau, và tất cả những chứng chỉ của các tổ chức kiểm tra đánh giá có uy tín như ETS hoặc Cambridge ESOL tuy không hoàn toàn tương đương với nhau nhưng đều có giá trị - nên các trường, các tổ chức giáo dục trên thế giới vẫn tự động làm ra các bảng quy đổi có tính tham khảo để hướng dẫn quá trình ra quyết định của mình (eg, có nên nhận hoặc không nhận một người học nào đó vào học hay không). Những bảng quy đổi như vậy rất nhiều, chỉ cần gõ "TOEIC CEFR equivalent" vào google là ra hết!

Vậy 300 điểm TOEIC thì tương đương trình độ nào của chuẩn châu Âu? Có phải trình độ B1 không?

Xin thưa ngay là không ạ! Trình độ B1 của chuẩn châu Âu có thể xem là khoảng từ 4.5 đến 5.5 điểm IELTS, hoặc khoảng 450-500 TOEFL (paper-based, viết tắt là PB). Mà điểm tối đa của TOEFL (PB) là 677, còn điểm tối đa của TOEIC là 990, nên khi quy điểm TOEIC sang TOEFL nếu ta quy ngang tương đương (tức 450 TOEIC bằng 450 TOEFL), ấy đã là "ăn gian" rồi đó; lẽ ra TOEIC phải cao hơn TOEFL khoảng vài chục điểm thì mới được xem là tương đương với TOEFl. Vậy 300 điểm TOEIC thì có thể xem là  bằng với  khoảng 300 điểm TOEFL. Mà 300 TOEFL là cái gì nhỉ? Chẳng là cái gì cả, vì nó là mức thấp nhất mà người ta có thể đạt khi đi thi TOEFL, nếu người ta không bỏ giấy trắng.

Dưới đây là một vài bảng quy đổi mà ta có thể tìm trên mạng:

1. http://www.kcollege.ac.uk/learner-information/international/2749-english-language-levels.html - Theo bảng này, 300-450 TOEIC chỉ tương đương bằng với mức A2 của chuẩn châu Âu, trong đó 300 là mức thấp nhất. Mức A2 là mức chỉ nói được vài câu tự giới thiệu tên tuổi, chào hello, cám ơn, thêm vài câu nói dạng "bồi", hỏi đường sơ sơ, là hết vốn! Hoàn toàn chưa thể sử dụng độc lập (một cách hạn chế), là mức của trình độ B1. Mức này tối thiểu phải trên 450 (tối đa 650) TOEIC, hoặc 450 TOEFL. Bảng quy đổi này là của Anh.

2. http://www.itest.org.vn/Upload/document/[GlobalEdu]%20-%20Converted%20Scores.pdf - Bản quy đổi này xuất phát từ VN, có lẽ từ một Trung tâm luyện TOEIC nào đó. Vấn đề là ở đây mức quy đổi của TOEIC còn "hạ giá" hơn nhiều: để đạt B1 thì phải có tối thiểu 550 TOEIC! Gần gấp đôi con số 300 điểm TOEIC được nêu trong bài báo.

3. http://www.english-test.net/forum/ftopic28076.html - Đây là diễn đàn trao đổi công cộng, nên tính "chính thức" của nó thấp. Và ở đây điểm TOEIC có vẻ "có giá" nhất vì được quy đổi ở mức tốt nhất, nhưng dù vậy cũng phải 380 điểm TOEIC mới được xem là tương đương B1.

------
Viết thêm ngày 11/12/2012

Điểm TOEIC mà ta đang nhắc đến ở đây là TOEIC cũ, chỉ có 2 kỹ năng (đọc và nghe), không có nói và viết, nên dù có điểm tương đương thực sự thì vẫn rất khiếm khuyết so với các chứng chỉ của Cambridge (đều có 4 kỹ năng). Đã thế mà lại chỉ quy có 300 điểm và xem nó là tương đương với B1, thực là ... ăn gian hết cỡ nói!

Nhưng đáng buồn và đáng sợ là ngay cả cái điểm 300 TOEIC rất bèo (hầu như chẳng làm được gì cả) như thế mà vẫn còn bị xem là khó đạt, mà bây giờ đã là cuối năm 2012 rồi. Thì cái mục tiêu 2020 tiếng Anh sẽ là thế mạnh của VN xem ra còn mờ mịt khói mây lắm lắm.

Tôi chợt nhớ có một người bạn - qua mạng, không biết mặt - đồng nghiệp của tôi mới nhắc tới nỗi buồn tiếng Anh, tương tự như nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. The sorrow of English (in Vietnam, of course). Ôi, biết đến bao giờ, và tại sao nhỉ? Khi số người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ đang giảng dạy tiếng Anh tại VN bây giờ đã nhiều lắm lắm lắm lắm rồi? Chả lẽ lại là thạc sĩ, tiến sĩ giấy ư?

Nhân tiện, ai đã đọc bài này của tôi thì cũng xin đọc thêm một bài khác, nói về vấn đề tương tự, với tựa là "TOEFL là TOEFL nào?", link đây: http://ncgdvn.blogspot.com/2010/05/toefl-la-toefl-nao.html. Chỉ xin nói thêm một suy nghĩ (vụn), ấy là: một trong những lý do khiến trình độ tiếng Anh của VN không khá lên được chính là tâm lý học để lấy bằng, đạt chuẩn quy định, chứ không phải là để có năng lực thật và để sử dụng. Thì đó, cứ hạ điểm chuẩn xuống (bằng cách ăn gian như thế này), rồi sau đó thì quảng cáo om xòm lên rằng 100% (hoặc 90, 80% gì đó) sinh viên ra trường đạt chuẩn B1 của châu Âu, còn chuẩn B1 là như thế nào thì cứ quy bừa ra 200, 300 TOEFL, TOEIC gì đó là xong tuốt.

Thì cũng chứng chỉ quốc tế, tên tuổi to đùng đó, còn bên trong là cái gì, TOEFL nào, có thực sự là của ETS cấp không hay lại là tự phong vv  thì lại là chuyện khác, ai biết đấy là đâu nhỉ? Vì tôi biết có một thời gian dài, một TTNN trên địa bàn TP HCM đã dám tự cấp chứng chỉ TOEFL cho học viên, thế có to gan không cơ chứ? Vừa là cấp chứng chỉ giả, lại vừa mạo nhận danh nghĩa, rồi ăn cắp thương hiệu, công nghệ vv đủ cả, mà làm công khai, có chết không? May quá, bây giờ VN mở cửa hội nhập rồi, nên có đỡ đi một chút!