Wednesday, July 31, 2013

Free download: Tầm nhìn về giáo dục đại học đến năm 2030 của OECD (2009)

Một tài liệu rất cần đọc cho những nhà hoạch định chiến lược, và những ai quan tâm đến giáo dục đại học nói chung. Có thể download từ đây: http://www.mfdps.si/Files//Knjiznica/higher%20educational%202030%20OECD.pdf

Tài liệu dài 360 trang, gồm 11 chương, trong đó tôi quan tâm đến những chương cuối từ chương 8 trở đi. Vì đó là những chương có liên quan đến những vấn đề tôi đang tìm hiểu, nghiên cứu, và cũng là những vấn đề ít được nghiên cứu tại VN nhất. Đó là những vấn đề: giáo dục đại học tư nhân, tài chính cho giáo dục đại học, và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Xin nêu mục lục của các chương ấy dưới đây:

Chapter 8. Mass Higher Education and Private Institutions - Giáo dục đại chúng và các trường đại học tư
by Pedro Teixeira  (tr. 231)
8.1. Introduction (tr. 232)
8.2. The long history and recent expansion of private higher education  (tr. 232)
8.3. Some stylised facts on private higher education  (tr. 244)
8.4. What future role for private higher education in times 
of mass higher education? (tr. 252)


Chapter 9. Finance and Provision in Higher Education: A Shift from Public to Private? Tài chính và hỗ trợ tài chính trong giáo dục đại học: Chuyển từ công sang tư?
by Stéphan Vincent-Lancrin  (tr. 259)
9.1. Introduction (tr. 260)
9.2. Trends in enrolments in public and private higher education (tr. 260)
9.3. Is public funding declining in higher education? (tr. 266)
9.4. Concluding remarks (tr. 279)

Chapter 10. Scenarios for Financial Sustainability of Tertiary Education - Các kịch bản về tính bền vững về mặt tài chính của giáo dục đại học 
by Jamil Salmi (tr. 285)
10.1. Introduction (tr. 286)
10.2. Trends and factors shaping tertiary education financing (tr. 287)
10.3. The changing face of public financing: funding approaches and instruments (tr. 297)
10.4. Three scenarios for the future (tr. 306)
10.5. Conclusion (tr. 316)

Chapter 11. Quality Assurance in Higher Education – Its Global Future - Đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học - Tương lai toàn cầu 
by Richard Lewis (tr. 323)
11.1. Terminology (tr. 324)
11.2. The development of quality assurance (tr. 325)
11.3. The growth in external quality assurance agencies over the last 20 or so years (tr. 326)
11.4. The “standard model” and the differences within that model (tr. 328)
11.5. Emerging trends and the future of external quality assurance (tr. 333)
11.6. The breaking down of national boundaries (tr. 342)

Đọc mục lục thôi, cũng đủ thấy đây là một tài liệu đáng đọc rồi phải không các bạn. Khi có thời gian, chắc chắn tôi sẽ phải dịch dần từng phần, và sẽ đưa lên đây chỉa sẻ với các bạn thôi. Còn trong khi chờ đợi (chắc là đợi lâu), các bạn phải tự mình đọc bằng tiếng vậy. Ai có dịch được đoạn nào thì chia sẻ nhé, tôi sẽ đăng lên cho mọi người cùng đọc luôn.

Enjoy!

Friday, July 26, 2013

Những đóng góp của LV "Những kẻ bên lề", hay "Hận cá, chém thớt"

Entry dưới đây là một ngoại lệ trên blog này, vì nó không phải là một bài do tôi viết (ngoài lời dẫn này) mà bài đăng lại của người khác - là điều mà tôi hầu như không bao giờ làm, trừ phi được yêu cầu (đăng dùm những người không có chỗ để đăng). Vì tôi nghĩ việc đăng lại không làm tăng thêm lượng tri thức cho xã hội, là điều mà tôi nhắm đến khi viết blog.

Nhưng hôm nay thì khác. Tôi phải đăng lại bài của người khác vì hai lẽ:

1. Nhiều lý lẽ trong bài dưới đây trùng hoàn toàn với ý tưởng của tôi, nhưng được diễn đạt một cách xuất sắc hơn tôi rất nhiều; còn những gì khác với ý tưởng của tôi thì lại bổ sung hoặc điều chỉnh một cách hoàn hảo cho những gì tôi đã viết ra liên quan đến luận văn của ĐTT hoặc về nhóm Mở miệng.

Vì vậy, đăng bài này sẽ có tác dụng củng cố, bổ sung, hoặc điều chỉnh những gì tôi đã viết trước đó. Đó cũng là cách giúp tôi có trách nhiệm với những bạn đọc blog này, mà tôi đoán đa số là các học viên của tôi (hoặc có thể không học nhưng có biết tôi với tư cách một giảng viên).

2. Bài viết của anh Nguyễn Vạn Phú, một nhà báo tài năng (theo đánh giá của tôi) là một trong rất ít những bài viết xem xét cuốn luận văn của ĐTT dưới cái nhìn cởi mở và khoa học, nên tôi thấy có trách nhiệm phải phổ biến nó ra để rộng đường dư luận. Hơn nữa, nó đã chỉ ra những điểm mà nhiều người Việt Nam nói chung và những người làm việc trong lãnh vực khoa học và giáo dục - đào tạo nói riêng (trong đó có tôi), đã không nhìn ra - hoặc do không có khả năng để nhìn, hoặc do bị bối rối trước hàng loạt các bài viết đầy tính quy chụp, đấu tố trên báo chí nên đã bỏ sót.

Theo tôi, những điểm cần lưu ý trong bài viết của anh NVP là:

(a) Luận văn của ĐTT nghiên cứu về nhóm MM, nên đương nhiên phải trích dẫn thơ của họ, dù để khen - chê, hay chỉ để hiểu và mô tả (đây là lựa chọn của ĐTT). Cũng vậy, vì nhóm MM ra đời trong một bối cảnh thời đại ở VN với những đặc điểm về kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể, nên việc mô tả lại bối cảnh này một cách khách quan là cần thiết. Không thể nói việc ĐTT trích đăng lại những thơ của MM hay đề cập đến tình hình chính trị xã hội của VN trong luận văn là phản động được.

(b) Nhóm MM là một phần của thực tại xã hội VN, và dù có hay không có LV của ĐTT thì những hiện tượng "phản kháng" tương tự vẫn cứ tồn tại song song với "dòng chính". Nói theo biện chứng pháp thì đó chính là quy luật mâu thuẫn, tức quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập (ai quên Triết học Mác - Lênin đã học hồi đi học đại học thì google mà đọc lại nhé).

Như vậy, việc nghiên cứu nó là rất cần thiết, và thực sự là một đóng góp, ngay cả và trước hết là cho những người có quan điểm chính thống - nói đúng hơn là quan điểm thống trị - về văn học và vai trò của văn học trong xã hội. Chủ nghĩa tư bản đã đi từ một phiên bản hoang dã, tàn ác, đẫm máu sang một CNTB có rất nhiều cải thiện như hiện nay cũng chính vì nó đã biết lắng nghe những tiếng nói trái chiều (tức là chúng ta, những người theo chủ nghĩa cộng sản) để tự điều chỉnh.

Những ví dụ cụ thể và gần gũi hơn có thể kể là: "câu chuyện thành công" của TQ trong việc vận dụng quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập: ngay trong thời còn tồn tại chiến tranh lạnh, TQ đã sớm bắt tay với Hoa Kỳ, trước khi cuộc chiến tranh VN kết thúc, đồng thời bắt đầu áp dụng ngay quy luật kinh tế thị trường - mặt đối lập của quy luật kinh tế kế hoạch tập trung của các xã hội cộng sản - để tạo ra sự phát triển kinh tế thần kỳ trong mấy thập niên qua. Sự sụp đổ của Liên Xô, trái lại, là hậu quả của việc che giấu, bưng bít sự thật.

Nhân tiện, xin tiết lộ thêm: Tôi không quen biết gì ĐTT cả, nhưng khi có vụ om xòm về LV này, tôi đã đọc nhanh những gì ĐTT công bố trên trang damau.org dưới bút hiệu Nhã Thuyên và sau đó viết vài bài trên blog và gửi cho "cô giáo trẻ" (lời của NVP) này. Trong cả hai bài viết của mình, tôi khẳng định nhóm Mở Miệng là hậu hiện đại và vì thế (hàm ý) khẳng định rằng Nhã Thuyên đang nghiên cứu về hậu hiện đại, muốn đánh giá cô thì phải dựa vào hậu hiện đại. 

Viết xong, tôi gửi link hai bài trên cho Nhã Thuyên trên blog của cô (ở đây: nhathuyen.com) để trao đổi, và đã nhận được một comment dài của cô, mà tôi sẽ đăng lại dưới phần nhận xét của tôi. Quả thật, khi đọc được comment ấy của cô thì từ chỗ không quen biết tôi đã thực sự quý mến người bạn trẻ này vì tinh thần tư duy độc lập của cô ấy. Hai bài viết của tôi dựa trên lập luận rằng hậu hiện đại là một trào lưu tư tưởng rất phổ biến hiện nay ở phương Tây, và chúng ta vì đã hội nhập nên cần có những người hiểu biết và nghiên cứu về hậu hiện đại ở VN. 

Có thể xem hậu hiện đại chính là lập luận nhằm bênh vực cô ấy, mặc dù tôi - cũng như Nhã Thuyên với nhóm MM - chỉ quan tâm đến luận văn của ĐTT như một hiện tượng trong ngành giáo dục mà tôi cần hiểu, chứ không có ý định khen hay chê gì cả. Nhưng thật bất ngờ, NT đã không vớ lấy lập luận ấy như người chết đuối vớ lấy cọng rơm, mà khẳng định rằng mặc dù MM có thể gần với hậu hiện đại, nhưng cô đang không dùng lý luận của hậu hiện đại (và tránh không dùng từ hậu hiện đại vốn được hiểu một cách khá mơ hồ ở VN) mà đang muốn nhìn cách thực hành thơ (chứ không phải là chính bản thân các "sản phẩm thơ") của MM trên một điểm tựa văn hóa và dưới khía cạnh văn học sử chứ không phải dưới ánh sáng của các lý thuyết văn học. 

Xin đọc comment của NT dưới đây (tôi có cắt đoạn ra cho dễ theo dõi hơn, và in đậm vài chỗ để nhấn mạnh):

Thực ra “hậu hiện đại” là một dạng nhãn mà em luôn tránh phải dùng đến. Một điểm tựa để em tiếp cận đối tượng trong luận văn là khái niệm lề (margin)trong nghiên cứu văn hoá (cutural studies) – và đó là cái mà gọi là “góc nhìn văn hoá” của luận văn. Tên luận văn nói rõ điều đó: Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm MM từ góc nhìn bên hoá. Nếu lý tưởng, từ cái nhan đề, “vị trí kẻ bên lề” là cách em nhìn đối tượng, “thực hành thơ” (chứ không phải những thực hành chính trị, nếu có) là điểm em khai thác ở MM, và thực hành thơ – chứ không phải chỉ là thơ – vì thơ của họ liên quan chặt chẽ tới dạng thức samizdat (tự xuất bản) mà Mở Miệng và nxb Giấy Vụn là một trong những điểm nổi bật của phong trào tự xuất bản đương đại ở Việt Nam… Và góc nhìn văn hoá cho phép em khai thác đối tượng trong mối liên hệ với bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hoá (và do đó không thể tránh việc có những mô tả này nọ về văn hoá, chính trị) chứ không phải chỉ dùng những nhãn hiệu để đánh giá họ thành công hay thất bại

Có thể nói, luận văn là một nỗ lực và có góc nhìn phê bình hơn là ..”nghiên cứu” mang tính đo đạc (có thể có những cái khác biệt khi chị Phương Anh nghiên cứu các hiện tượng giáo dục tương tự – có thể có những sự nổi loạn trong giáo dục chăng?) …. Hậu hiện đại, em không muốn dùng, dù có vẻ như nó tương thích với Mở Miệng, là vì nó biểu hiện một cái nhìn có tính chất lịch sử, nó là một dạng nhãn hiệu vừa khó cắt nghĩa (vì dù có gọi tên bằng các tính chất như giải thiêng, phá vỡ trung tâm, v..v thì mỗi người có một cách cắt nghĩa khác nhau về thuật ngữ này) vừa mơ hồ vì các thời điểm và tính chất được sử dụng… Trong tiểu luận của em trên Damau về Mở Miệng, em cố gắng cân bằng giữa những quan sát và những sự đọc có tính chất phê bình.

Dẫu sao, nói gọn lại, luận văn của em là một góc tiếp cận văn học sử chứ không dựa trên lập thuyết và tìm ví dụ minh hoạ cho lập thuyết của mình.


Cảm ơn chị Phương Anh đã có những trao đổi mà em nghĩ có thể nghĩ và bàn bạc thêm nữa.

Viết thêm lời dẫn và đăng bài của anh NVP lên đây, tôi chỉ mong rằng vụ việc sẽ được xử lý ổn thỏa, có tình có lý, có tính khoa học, và không để lại một tiền lệ xấu cho nền khoa học còn vô cùng non trẻ và yếu ớt của chúng ta, Tôi nghĩ, có lẽ không một ai, ngay cả Ban Tuyên giáo Trung ương, lại có chủ trương rằng bất cứ ai không hề có chuyên môn cũng có thể nhân danh những giá trị "chính thống" để kêu gọi đánh giá lại thành quả lao động của các nhà khoa học, đặc biệt là những người này lại là những nhà khoa học có tên tuổi đang làm việc ở một cơ sở giáo dục công lập có truyền thống và danh tiếng.

Nếu tôi không lầm thì Luật giáo dục đại học của chúng ta (áp dụng từ đầu năm nay) đã được soạn thảo với tinh thần tăng thêm quyền tự chủ cho các trường. Lẽ nào lời nói của Hội nhà văn, của báo chí, và của dư luận (nếu có) lại có trọng lượng hơn những phán đoán khoa học của một cơ sở giáo dục công lập đã có bề dày truyền thống và đã đào tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo của Việt Nam, hay sao? Nếu quả thật thế, thì làm sao trách được rằng ngành giáo dục của chúng ta đào tạo không có chất lượng, và làm sao đòi hỏi VN phải có nhiều công trình khoa học hơn để sánh vai được với các nước khác trong khu vực ASEAN?

Cuối cùng, xin lỗi anh NVP vì đã viết quá dài để dẫn bài viết mà một người bạn của tôi, cũng là giảng viên và nhà nghiên cứu văn học ở một đại học công, đã khen là "viết ngắn gọn, lập luận chắc nịch", khiến bài viết mất đi sự nổi bật lẽ ra phải có để cho xứng đáng. Nhưng thôi, bài của anh NVP thì dù có ở vị trí nào cũng sẽ nổi bật, "gió Đông thổi bạt gió Tây", nên chắc chắn là anh không phiền đâu nhỉ. Và rất cám ơn anh đã cho phép đăng lại ở đây. 

Tôi nghĩ, với bài viết này của anh Phú thì tôi cũng có thể khép lại hoàn toàn vấn đề này rồi; mấy ngày nay tôi mất thì giờ vào vụ luận văn của NT quá, mà tôi có phải là dân lý luận văn học đâu cơ chứ! Bàn chuyện này cũng chỉ vì nó là một hiện tượng nổi bật trong thời gian gần đây trong ngành giáo dục khiến tôi phải quan tâm mà thôi.

Các bạn đọc bài của anh NVP dưới đây nhé. Cho đến khi tôi đăng lên đây thì bài viết ấy đã có đến 30 người share lại! Hoan hô anh NVP! (Những chỗ in đậm trong bài của NVP là do tôi nhấn mạnh).
--------------
https://www.facebook.com/nguyenvanphu/posts/10201080775095190

Hận cá, chém thớt

(về luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan)

Có lẽ nhiều người biết đến Hầu tước de Sade, một nhà văn Pháp sống ở thế kỷ 18, viết toàn tiểu thuyết dâm dục, miêu tả cặn kẽ chuyện làm tình, cảnh bạo dâm, khổ dâm còn ghê hơn nhiều truyện khiêu dâm chính cống. Nhưng dù muốn dù không người ta vẫn xem ông là nhà văn, thậm chí có người còn cho ông là tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực…

Giả thử có một sinh viên cao học làm luận văn thạc sĩ về ông này, với luận đề “tình dục trong văn de Sade là biểu hiện nổi loạn của một người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan”. Có thể nào chê trách luận văn này tràn đầy những câu trích “trắng trợn” về tình dục? Có thể nào lên án người sinh viên cổ xúy cho lối sống phóng túng, bạo dâm?

Những người phê phán luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan cũng rơi vào chỗ tương tự: thay vì ném sự phẫn nộ của họ vào nhóm Mở Miệng họ lại chĩa mũi dùi vào người nghiên cứu nó, tạo ra một tiền lệ chưa từng thấy: báo chí phổ thông, nhà phê bình văn học lại đi phê bình một luận văn thạc sĩ của một trường đại học. Bởi vậy họ không nói gì đến phương pháp luận, tính khoa học, cách thể hiện của luận văn, họ chỉ tìm những câu trích phục vụ cho việc phê phán nói trên.

Đáng sợ là những trường hợp, dù thú nhận chưa đọc luận văn nhưng cũng “hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn”.

Có thể nói ngay luận văn của Đỗ Thị Thoan là một công trình nghiêm túc, công phu, được viết một cách cẩn trọng, với những quan sát sâu sắc, cách diễn đạt lôi cuốn, tính thuyết phục khá cao. Lớp già như tôi có thể tự hào về một lớp trẻ như Đỗ Thị Thoan, hoàn toàn không như định kiến thường có về một lớp trẻ hời hợt, chỉ biết sao chép. Toát lên từ luận văn này là nền học vấn rất tốt, sự làm việc tới nơi tới chốn, sự độc lập trong suy nghĩ, và sự thành thực trong nhiều nhận định.

Một số điểm làm tôi khâm phục cô giáo trẻ này:

- Không dùng lý thuyết phương Tây để lòe người đọc vì hiểu rõ hạn chế của cách tiếp cận này. (Cho nên đừng nghĩ luận văn nói về chuyện hậu hiện đại, nó thấm đằng sau những câu chuyện thực tế của văn học Việt Nam).

- Hiểu rõ tính nhạy cảm của đề tài khi phải gắn với chính trị, kể cả sự xứng đáng hay chưa của đối tượng nghiên cứu nhưng biết dùng nó làm đòn bẩy cho lập luận của mình.

- Hiểu rõ những sự lợi dụng hiện tượng Mở Miệng ở một số người bên ngoài, dùng nó như một cách thúc đẩy ý đồ riêng của họ.

Để đánh giá một luận văn, cần xem thử luận đề nó là gì, sau đó cách tác giả triển khai chứng minh, biện giải, thuyết phục người đọc tin vào luận đề đó như thế nào, có thành công không.

Luận văn xác định, “vấn đề then chốt là tra vấn về vị thế bên lề như một điểm tham chiếu để bình luận về những cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và nghệ thuật [thực hành thơ của Mở Miệng]”.

Mặc dù chương về vị thế bên lề khá dài, phần bối cảnh “hậu đổi mới” dễ gây phản ứng ở những người đọc thuộc “dòng chính” (đây là đoạn được trích dẫn nhiều nhất để gán nhãn “phản động” cho luận văn, có thể tóm tắt lập luận của người viết ở phần này như thế này: Nhóm Mở Miệng chọn vị thế bên lề như là điều kiện để có thể cách tân một cách trọn vẹn bởi “cách tân như một lẽ sống còn của nghệ thuật mới là lý do tồn tại thực sự” của họ. Như vậy mọi sự phản kháng chỉ là biểu hiện của chọn lựa vị thế bên lề, còn cách tân mới là mục đích.

Cách tân trước hết thể hiện ở hình thức tự xuất bản với những phá cách, tạo ra một không gian hoạt động riêng, là nội dung chương hai. Phần còn lại của luận văn miêu tả, bình giải những nỗ lực mà khi miêu tả chi tiết sẽ làm hoảng sợ những người bình thường vì sự vô nghĩa của ngôn từ, sự tục tĩu, bế tắc, giễu nhại, giải thiêng… khi Mở Miệng thực hành thơ.

Nếu xét về góc độ học thuật, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi thấy Hội đồng chấm luận văn cho điểm 10 tuyệt đối.

Tuy nhiên, sự phẫn nộ của một số nhà phê bình, nhà văn, nhà báo là điều cũng dễ hiểu. Bởi Đỗ Thị Thoan đã chọn sai thời điểm để công bố luận văn. Như cô tự nhận xét cô không giữ được sự khách quan khi viết luận văn vì phải can dự, vì phải chọn làm kẻ ngoài lề, vì thế luận văn chọn vị trí của người nhìn vào bối cảnh đời sống chính trị hiện đại như một người bên ngoài dòng chính thống. Chỉ cần một sự phân tích khách quan, tỉnh táo, hơi lạnh lùng như thế cũng đủ làm luận văn là cái gai trong cách nhìn chính thống.

Khách quan mà nói, thời nào, nơi nào cũng sẽ có những nhóm như Mở Miệng. Lúc nào cũng có sự phản kháng, sự tác động của kẻ ngoài lề dội vào dòng chính. Để phá vỡ cái trì trệ của dòng chính, kẻ ngoài lề phải phá phách, quậy nát, phải ồn ào, tức phải đẩy tới chỗ cực đoan, quá khích. Và như một quy luật, dòng chính nhờ vậy tiến lên một mức độ mới, rồi lại rơi vào trì trệ, cần sự thúc đẩy của kẻ ngoài lề phá phách mới. Đó có thể là sự trói buộc của thần quyền thời Sade, của chủ nghĩa tư bản, của tư duy toàn cầu hóa, của các thiết chế xã hội; chứ đâu nhất thiết là thể chế hiện nay. Kẻ ngoài lề vì vậy luôn luôn là kẻ ngoài lề, khó được chấp nhận rộng rãi, chưa kể là sẽ gây dị ứng cho nhiều người (tôi đoán 10 người bạn của tôi sẽ có 9 người trong đó có tôi, dị ứng với Mở Miệng) nhưng nó phải đóng trọn vai trò của nó, rồi thôi. Dù gì đi nữa nó cũng cần được nghiên cứu và Đỗ Thị Thoan đã làm được điều đó, không khích lệ thì thôi sao lại vùi dập.

Tuesday, July 23, 2013

Về nhóm Mở miệng và chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism)

Trước nay tôi không quan tâm đến chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), dù biết nó là một trào lưu tư tưởng quan trọng mà tất cả mọi người đều cần phải được biết qua, do tác động của nó đến lý thuyết của hầu hết các ngành XH-NV. Sở dĩ không quan tâm là vì khoảng một thập niên trở lại đây lãnh vực hoạt động của tôi thiên về các hành vi đo đạc được, và những lý luận hay quan điểm triết lý vv chỉ còn ảnh hưởng vô cùng gián tiếp, vì tôi cần trả lời những câu hỏi what và how hơn là why, vốn là lãnh vực hoạt động chủ yếu của các ngành nhân văn như văn, triết, sử vv, và là lý do tồn tại của tất cả các chủ thuyết - tức những cái -isms trong tiếng Anh ấy.

Nhưng vừa qua  vụ om xòm về LV của ĐTT buộc tôi phải quan tâm trở lại đến hậu hiện đại - cụ thể là thơ hậu hiện đại và sự tồn tại của nó tại VN. Vì đây vừa là cơ sở lý luận cần thiết để hiểu lập luận của ĐTT trong luận văn, đồng thời cũng là tên gọi duy nhất đúng của một hiện tượng thơ đã xuất hiện ở VN trong vòng một thập niên trở lại đây, tạm gọi là thơ "ngoài luồng" vì nó không được (và cũng không nhắm đến việc sẽ được) dòng văn học chính thống tại VN chấp nhận. Một gương mặt tiêu biểu của hiện tượng này là nhóm Mở miệng, cũng là nhóm thơ "ngoài luồng" được ĐTT chọn ra để phân tích và lý giải trong luận văn của mình.

Để có thể phán đoán được  giá trị của lập luận của những người đang phê phán ĐTT (và qua đó là nhóm Mở miệng cùng các tác phẩm tạm gọi là thơ của họ), tôi đã bỏ ra 2 ngày trời để đọc những tiểu luận được ĐTT công bố trên damau.org dưới bút hiệu Nhã Thuyên. Không những thế, tôi cũng đọc thêm một số tác phẩm khác của nhóm Mở miệng và các nhà thơ hậu hiện đại VN được đăng trên tienve.org.

Đọc xong thì tôi thấy muốn viết ra một số cảm nhận, có thể là hơi lan man, về thơ của nhóm Mở miệng (qua đó đôi chỗ có thể sẽ nhắc đến luận văn của ĐTT), và viết thêm ít dòng về hậu hiện đại để mọi người có thêm thông tin và rộng đường suy xét.

1. Qua những gì tôi đọc được về văn chương hậu hiện đại (cả phần lý luận lẫn các tác phẩm của dòng văn học này) thì tôi có thể khẳng định nó không phải là gu thẩm mỹ của tôi, vốn đã được định hình với những kiểu mẫu cổ điển. Nếu hỏi tôi thích dòng văn chương nào, có lẽ tôi sẽ trả lời: văn học lãng mạn! Các nhà thơ tiêu biểu mà tôi thích là Longfellow của Mỹ hoặc Keats của Anh. Ở VN sẽ là các nhà thơ đầu thế kỷ 20 như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh của thời tiền chiến.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi có quyền kỳ thị và chống lại các trào lưu văn học khác vốn không giống với gu thẩm mỹ của tôi. Tôi nghĩ, mỗi dòng văn học đều có những đại diện xuất sắc, và chỉ có tác phẩm hay hoặc tác phẩm dở, chứ không có trào lưu văn học hay và trào lưu văn học dở. Còn thích dòng văn học nào thì lại tùy thuộc vào thị hiếu thẩm mỹ và hoàn cảnh cụ thể của từng người. Mỗi trào lưu văn học đều có những lý do để ra đời, phát triển, và suy tàn rồi bị thay thế bằng những trào lưu khác. Đó là quy luật của cuộc sống - trong tất cả mọi lãnh vực, không chỉ văn học, mà còn là, hoặc đúng hơn là "nhất là", chính trị và khoa học.

2. Nhóm Mở miệng không phải là nhóm thơ mà tôi thích; lý do thì rõ ràng: quan điểm sáng tác của họ không trùng với quan điểm thẩm mỹ của tôi. Tuy nhiên, cũng vậy, tôi vẫn quan tâm đến họ như một phần của cuộc sống văn học tại VN hiện nay, và đánh giá cao nỗ lực tự thể hiện mình với tất cả những cái hay, cái dở của họ. Sự tồn tại của họ - đặc biệt là trong điều kiện không mấy thuận lợi ở VN, do quan điểm "chính thống" thống trị trên mọi mặt của cuộc sống không cho phép sự phát triển đầy đủ của những gì phi chính thống - đã góp phần làm tăng thêm sức sống và sự đa dạng cho văn học Việt đương đại, thoát khỏi sự nhàm chán, predictability của văn thơ chính thống hiện nay.

Viết đến đây tôi chợt liên tưởng đến mấy câu thơ  trong một bài thơ của Hồ Chủ tịch: "Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/Mây gió trăng hoa tuyết núi sông"; một loại công thức nhàm chán của thơ ca thời đó. Chính vì vậy mà câu thơ liền sau đó thật xuất sắc: "Nay ở trong thơ nên có thép" - cái hay của câu thơ ấy là sự bất ngờ đầy sáng tạo và đầy sức sống. Giờ đây, ta cũng có thể bắt chước theo đó mà đặt ra hai câu thơ tương tự để tả tình trạng thơ cách mạng: "Thơ nay ca ngợi quê hương đẹp/Yêu nước thương dân kính Bác ta", tức là làm thơ theo lối mòn, theo công thức có sẵn, không hề có một chút sáng tạo .... Và cái đóng góp của nhóm Mở miệng chính là ở chỗ đã cố gắng thoát ra khỏi lối mòn và sự khuôn sáo đó, một cách thực hiện phương châm: "Nay các nhà thơ nên Mở miệng"....

Tuy nhiên, do đặc điểm ngoài luồng, tức là phải tồn tại bên ngoài hệ thống - kể cả hệ thống in ấn, xuất bản, rồi khả năng tiếp cận với đa số độc giả - nên các tác phẩm của nhóm Mở miệng nói riêng và của văn học hậu hiện đại nói chung ít được biết đến, chứ đừng nói là được quan tâm nghiên cứu để hiểu và để chỉ ra những đóng góp hoặc những "phá hoại" - nếu có - của nó đối với nền văn học nước nhà (như ai đó đã lớn tiếng phê bình).

Nếu xét theo quan điểm thuần khoa học - tức tìm cách giải thích mọi hiện tượng trong đời sống xã hội hoặc tự nhiên - thì LV của ĐTT đã có một đóng góp quan trọng: Tác giả đã chỉ ra được sự tồn tại của dòng thơ hậu hiện đại tại VN hiện nay, nêu ra được các đặc điểm cơ bản của nó, lý giải được nguyên nhân tồn tại của nó, và cuối cùng là đánh giá nó. Riêng phần đánh giá này thì có thể sẽ có những phán đoán khác nhau, tùy theo quan điểm và chỗ đứng của người đánh giá - ở đây, nếu muốn phê phán tác giả LV thì những người phê bình cần đưa ra những tiêu chí đánh giá cho một tác phẩm hậu hiện đại, rồi sau đó mới có thể kết luận là ĐTT đúng hay sai. Chứ không thể không có tiêu chí, hoặc lấy các tiêu chí đánh giá tác phẩm của dòng văn học này để áp vào đánh giá một tác phẩm thuộc dòng văn học khác được.

Cuối cùng, hậu hiện đại là gì thế? Xin đọc phần giải thích ngắn gọn sau, lấy từ bài giảng tóm tắt về các trào lưu văn học, ở đây: http://www.marilenabeltramini.it/schoolwork1011/UserFiles/Admin_teacher/modernism_postmodernism..

Chỉ vài trang, các bạn có thể tự đọc. Tôi xin dịch hầu các bạn đoạn có liên quan đến hậu hiện đại ở phần cuối của tài liệu. Những phần trong ngoặc đơn là phần nhận xét của tôi. Những phần trong ngoặc vuông ở đoạn dịch là lời tôi thêm vào để cho dễ đọc, vì nếu thiếu chúng thì bản dịch sẽ trở nên ngô nghê hoặc vô nghĩa. Lẽ ra thì tôi chép cả phần tiếng Anh vào cho mọi người theo dõi cho dễ, nhưng mới đọc ở trên trang Bà Đầm Xòe có đăng lại bài viết hôm trước của tôi, trong đó có người viết nhận xét mà mắng rằng tôi bày đặt tiếng nọ tiếng kia như là khoe mẽ, nên thôi!

(Mà trời ơi, thì hậu hiện đại nó xuất phát từ phương Tây, vậy để hiểu nó thì phải đọc tiếng Tây chứ khoe mẽ cái gì đây không biết nữa??????)

Từ hiện đại đến hậu hiện đại

"Hậu hiện đại" là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ văn học đương đại của nửa cuối thế kỷ 20. Nó khác với chủ nghĩa hiện đại ở một số khía cạnh quan trọng.

Đặc điểm của hậu hiện đại trong văn học:

1. Trong khi trào lưu hiện đại đặt niềm tin vào các tư tưởng, các giá trị, đức tin, văn hóa, và các chuẩn mực của văn minh phương Tây, trào lưu hậu hiện đại từ chối các giá trị phương Tây, xem chúng chỉ như chỉ một phần nhỏ của kinh nghiệm con người và thường từ chối các tư tưởng, các giá trị, đức tin, văn hóa, và các chuẩn mực như vậy. 

(Đây chính là sự "giải thiêng" được bị phê phán dữ dội trong các bài viết của những nhà phê bình "chính thống", những người đang kêu gọi đưa luận văn của Nhã Thuyên và qua đó là lên án nhóm Mở miệng cùng trào lưu văn học mà họ đại diện lên đoạn đầu đài.)

2. Trong khi trào lưu hiện đại nỗ lực để tìm hiểu những chân lý sâu xa về kinh nghiệm và đời sống, thì chủ nghĩa hậu hiện đại lại nghi ngờ chính những điều được xem là "sâu xa" này, vì [họ cho rằng] những tư tưởng như vậy chỉ dựa trên một hệ thống giá trị phương Tây riêng biệt nào đó [mà loại trừ những cách hiểu và cách nghĩ khác].

3. Trong khi chủ nghĩa hiện đại cố gắng kiếm tìm ý nghĩa sâu xa từ nội hàm bên dưới lớp vỏ bề mặt của các đối tượng và các sự kiện, thì chủ nghĩa hậu hiện đại thích dừng lại ở hình ảnh bên ngoài và tránh đưa ra những kết luận hoặc gợi ý về các ý nghĩa cơ bản bên trong của chúng.

4. Trong khi CN hiện đại tập trung vào các chủ đề trung tâm và tuân theo một quan điểm thống nhất trong một tác phẩm văn học cụ thể, thì chủ nghĩa hậu hiện đại quan niệm rằng kinh nghiệm của con người là không ổn định, tự mâu thuẫn, không rõ ràng, bất phân thắng bại, không xác định, dở dang, bị phân mảnh, không liên tục, "xù xì thô ráp", và không có một thực tại nào cụ thể. Do đó, hậu hiện đại tập trung vào hình ảnh của một thế giới tự mâu thuẫn, bị phân mảnh, không rõ ràng, không xác định, chưa hoàn tất, và còn thô tháp.

5. Trong khi các tác giả hiện đại hướng dẫn và kiểm soát phản ứng của người đọc đối với tác phẩm của họ, thì các nhà văn hậu hiện đại tạo ra một tác phẩm "mở", trong đó người đọc phải cung cấp những kết nối riêng của mình, tạo ra các hệ ý nghĩa thay thế, và cung cấp những diễn giải của riêng mình mà không cần ai hướng dẫn.

(Như vậy, chủ nghĩa hậu hiện đại đã ra đời và tồn tại cả nửa thế kỷ nay, và là một trào lưu văn học mới, với nỗ lực đưa ra một cách nhìn và cách lý giải mới đối với cuộc sống. Điều này hoàn toàn không có liên quan gì đến việc chống cộng mà các nhà phê bình "chính thống" hiện nay đang cố gắng áp đặt lên ĐTT và nhóm Mở miệng. Mà đó chỉ là sự không hài lòng với cái nhìn chính thống (meanstream) và muốn đưa ra sự khẳng định của riêng mình, và cũng chỉ cho riêng mình mà thôi, chứ không có ý định lôi kéo hoặc kêu gọi ai.

Phải chăng sự la hoảng lên của các nhà phê bình chính thống, đặc biệt là từ Hội nhà văn, là một biểu hiện của tâm lý tự tôn xen lẫn tự ti, hoảng sợ khi thấy cái nhìn của mình không còn được tất cả mọi người chấp nhận như cái nhìn duy nhất đúng nữa?)

Cuối cùng, xin giới thiệu một bài thơ tiếng Anh làm ví dụ cho thơ hậu hiện đại. Không dịch được, mà cũng không cần dịch vì mỗi người sẽ hiểu theo cách của mình. Tôi chỉ muốn đưa ra một nhận xét: có thể thấy sự nghịch ngợm, phá phách của tác giả đối với ngôn ngữ - cái được quy ước - ngay ở cái tựa. Tiếng Anh chính thống có bao giờ viết thế này đâu. Nhưng đó mới là sáng tạo, well, sáng tạo theo kiểu hậu hiện đại.

Cái tựa ấy, tôi tạm dịch sang tiếng Việt là "Cái ngôn ngữ" - Thing language.


THING LANGUAGE by Jack Spicer
This ocean, humiliating in its disguises
Tougher than anything.
No one listens to poetry. The ocean
Does not mean to be listened to. A drop
Or crash of water. It means
Nothing.
It
Is bread and butter
Pepper and salt. The death
That young men hope for. Aimlessly
It pounds the shore. White and aimless signals. No
One listens to poetry.

Monday, July 22, 2013

Viết nhanh nhân vụ luận văn của ĐTT, hay "Chúa đã bỏ loài người ..."

Bài viết này của tôi không liên quan trực tiếp đến các vấn đề lý luận của giáo dục học, nhưng liên quan đến những hiện tượng đang diễn ra trong ngành giáo dục, mà theo tôi là đáng được lưu ý và cần được diễn giải trên cơ sở khoa học. Tất nhiên để lý giải nó thì cần có đầy đủ dữ kiện từ những người bên trong, là điều mà hiện nay tôi chưa thể (không thể?) có. Nên entry này tôi chỉ viết nhanh những cảm nhận đầu tiên của mình  liên quan đến sự việc ấy mà thôi, hoàn toàn không có ý định đưa ra những kết luận gì cả.

Số là gần đây báo chí có nhắc đến vụ một luận văn thạc sỹ chuyên ngành văn học VN của một thạc sỹ trẻ tên là Đỗ Thị Thoan, được thực hiện ở ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2010 với điểm chấm tuyệt đối là 10/10. Để thực hiện luận văn, ĐTT đã chọn phân tích thơ của nhóm Mở miệng, một nhóm thơ trẻ "ngoài luồng" mà tôi có đọc qua một vài bài thơ nhưng không quan tâm lắm. Thực sự nếu vụ này không được làm ầm lên trên báo thì tôi sẽ chẳng bao giờ biết đến luận văn này hoặc tác giả của nó.

Khi vụ việc được đưa ra lần đầu trên báo Văn nghệ TP HCM cách đây ít lâu thì tôi hoàn toàn không quan tâm và cũng không hiểu tại sao việc đã xong từ 2010 (và đã được các vị lão sư, những người thầy của thầy, đánh giá là rất tốt - thì điểm số đạt được của LV đã khẳng định như thế) - mà mãi đến 3 năm sau mới được tác giả của bài báo lôi ra phân tích với những lời kết án hết sức nặng nề như vậy. Ban đầu tôi nghĩ có lẽ vụ này cũng chỉ là việc các nhà phê bình văn học  đem ra nói cho có chuyện mà nói, vì đời sống văn hóa nghệ thuật của ta không có gì để tranh cãi thì ... buồn lắm.

Nhưng không ngờ sau đó vụ này lại được đưa lên những tờ báo đại diện quan trọng cho quan điểm chính trị tư tưởng chính thống và có thể gọi là "chuyên chính" của Đảng và Nhà nước. Ví dụ  như Quân đội nhân dân (có đến mấy bài, và đây là bài gần nhất http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/6/66/66/252973/Default.aspx), Báo Thanh Tra (thử đọc bài cuối này của loạt 3 bài liên quan đến luận văn http://thanhtra.com.vn/ky-cuoi-khong-the-xam-pham-gia-tri-thieng-lieng_t221c8n57577tn.aspx), chứ không chỉ là những tờ báo, trang blog của các văn nghệ sĩ và nhà báo (lề phải) khác.

Rồi gần đây nhất, theo thông tin của báo chí nước ngoài, cụ thể là một bài viết mới đây của đài RFA, thì tôi được biết là chính vì những bài viết phê bình này mà cô thạc sỹ trẻ ĐTT đã bị cắt hợp đồng và không còn được đứng lớp (cô đang dạy theo hợp đồng ở Khoa Văn của ĐHSP nơi cô làm luận văn), còn người thầy hướng dẫn cô thì bị cách chức trưởng khoa. Quả là những hệ quả không ai ngờ được cho những người làm nghề giáo và làm khoa học.

Những thông tin này khiến tôi nhớ lại một buổi nói chuyện gần đây với một số bạn bè thuộc khối ngành nhân văn (ngôn ngữ, văn học, ngoại ngữ vv), gồm một vài giảng viên, dăm ba nghiên cứu viên làm việc trong các viện nghiên cứu, và mấy người học viên cao học. Hôm ấy, những bài báo đầu tiên về luận văn này mới được đưa ra, khiến cho mọi người trong giới ai ai cũng xôn xao bàn luận. Nhưng sự xôn xao đó không phải là về nhóm Mở miệng hoặc cuốn LV của ĐTT, mà là vì những bài viết trên báo chí chính thống đó nặng về lên án dựa trên cảm tính, ném đá hơn là một sự trao đổi, phê bình dựa trên cơ sở lập luận khoa học. Đa số mọi người đều cho rằng cách viết như thế khiến cho loạt bài hầu như rất ít giá trị khoa học, chưa bàn đến là kết luận của những bài báo này có đúng hay không.

Điều làm cho tôi nhớ nhất về buổi nói chuyện hôm ấy là sự băn khoăn của một cậu học viên cao học còn khá trẻ, đã hỏi đích danh tôi hai câu hỏi như sau:

(1) Mục đích của khoa học phải chăng là đi tìm và lý giải các hiện tượng mới (như trường hợp của ĐTT và nhóm Mở miệng), dù cách lý giải đó có thể là chưa hoàn toàn đúng, hay là cứ quanh quẩn mãi với những hiện tượng cũ kỹ đã được nhiều người nghiên cứu và có sẵn những kết luận mà ai cũng biết, để được an toàn và làm vừa lòng những quan điểm thủ cựu?

(2) Một luận văn thạc sỹ là một công trình khoa học và tác giả của nó là một nhà khoa học, vậy điều quan trọng trong việc thực hiện một công trình phải chăng là có một cơ sở lý thuyết và phương pháp thực hiện phù hợp, hay là gạt qua hết những vấn đề lý luận và phương pháp mà chỉ xem xét những kết luận để xem nó có giống với những gì mình đã nghĩ sẵn trong đầu hay không, và lên án nó nếu nó không làm mình vừa lòng? 

Tôi đã lặng im không trả lời, vì tôi biết tất nhiên cậu học viên nọ không cần đến nó. Hai câu hỏi ấy chỉ là hai câu hỏi tu từ, khi đặt ra câu hỏi cũng là đã tự trả lời. Nhưng cũng chính vì hai câu hỏi ấy mà hôm nay tôi phải tìm đọc lại các tài liệu về lý luận phê bình văn học để có cơ sở xem Đỗ Thị Thoan có thực sự đáng bị phê phán nặng nề như trên báo chí hay không.

Và để cho bài bản, tôi đã đọc lại một tài liệu nhập môn rất căn bản về Lý luận phê bình văn học, cuốn Introduction to Literature, Criticism and Theory (3rd edition, Pearson 2004). Nhân tiện, các bạn có thể vào đây mà lấy về đọc hoặc lưu, vì đây thực sự là một tài liệu quý mà không hiểu ai đó đã đưa lên mạng để mọi người có thể sử dụng miễn phí: http://site.iugaza.edu.ps/ahabeeb/files/2012/02/An_Introduction_to_Literature__Criticism_and_Theory.pdf.)

Toàn bộ cuốn sách đều đáng đọc, tuy nhiên, do vụ ĐTT nên tôi chỉ đọc lại chương về Hậu hiện đại Postmodernism (chương 29), vì qua những gì tôi đọc được trên báo chí thì tôi tin rằng ĐTT đã dựa trên quan điểm hậu hiện đại để phân tích và đưa ra những kết luận trong luận văn của mình về nhóm Mở miệng. Và càng đọc, tôi càng có cơ sở để tin rằng nếu xét theo hai tiêu chí về chất lượng của một nghiên cứu khoa học như đã được cậu học viên cao học của tôi nêu ra ở trên, thì kết quả 10/10 cho Đỗ Thị Thoan có lẽ là xứng đáng, vì:

- LV đã chọn một đề tài mới mẻ (tiêu chí 1),
- LV đã chọn một khung lý thuyết phù hợp để thực hiện phân tích, ở đây là lý thuyết hậu hiện đại (tiêu chí 2). Tất nhiên, vì chưa đọc LV nên tôi không thể bàn thêm được là những phân tích của ĐTT có thực sự logic theo chính khung lý thuyết mà tác giả đã chọn hay không.

Như vậy, theo tôi thì vấn đề cần bàn về LV của ĐTT nên xét theo những tiêu chí khoa học rõ ràng, và kết luận trên cơ sở những tiêu chí đó. Còn việc sử dụng kết quả nghiên cứu đó, ví dụ có cho phép phổ biến rộng rãi nội dung của LV hay không, có nên đem áp dụng những quan điểm của tác giả trong việc quản lý văn hóa, nghệ thuật hay chưa thì đó lại là vấn đề khác, vấn đề của các nhà quản lý và các nhà chính trị, không phải là chuyện khoa học.

Tôi nghĩ, hiện nay chúng ta đã mở cửa và hội nhập sâu rộng về nhiều mặt với thế giới, và các nhà khoa học của ta cần phải tiếp cận cũng như có khả năng sử dụng các lý thuyết mới trong các ngành khoa học, trong đó có ngành lý luận văn học. Vì không có lý gì mà chúng ta lại buộc các nhà khoa học chỉ được áp dụng duy nhất một quan điểm, ví dụ quan điểm Mác-xít, để phân tích mọi hiện tượng, khi thế giới đã phát triển nhiều lý thuyết mới để lý giải các hiện tượng đa dạng và phức tạp trong xã hội.

Nếu vì lý do gì đó mà phải buộc mọi người chỉ được theo một quan điểm duy nhất thì có lẽ chúng ta phải xem xét lại rất nhiều chính sách khác nữa: có nên cho phép mọi người đi du học không, có nên thu hút các nhà khoa học trên thế giới đến làm việc với chúng ta hay không, có nên kiểm duyệt mọi thứ sách báo gửi vào VN hay không, có nên cho mọi người tiếp cận Internet và đài phát thanh, truyền hình nước ngoài hay không, và có lẽ, quả thật thế, có nên mở trường đại học để mọi người đi học hay không, hay nên đóng cửa hết các trường đại học và mở ra các công trường, nông trường để mọi người vào đó lao động, như TQ thời cách mạng văn hóa, hoặc Bắc Triều Tiên hiện nay.

Cuối cùng, để mọi người cùng có chung một số thông tin về lý luận hậu hiện đại, xin trích dịch (dịch ý, không dịch từng từ) và tóm tắt ở đây một số điểm quan trọng trong chương sách mà tôi đã đề cập ở trên (hậu hiện đại):

[T]he postmodern appears to welcome and embrace a thinking of itself in terms of multiplicity. It resists the totalizing gesture of a metalanguage, the attempt to describe it as a set of coherent explanatory theories. Rather than trying to explain it in terms of a fixed philosophical position or as a kind of knowledge, we shall instead present a ‘postmodern vocabulary’ in order to suggest its mobile, fragmented and paradoxical nature. (p. 261)

Đặc điểm cốt lõi của trường phái hậu hiện đại là tính "đa diện"; nó không chấp nhận một hệ thống siêu ngôn ngữ để mô tả nó theo bất kỳ một hệ thống lý luận cụ thể nào. Những thuật ngữ được dùng để mô tả nó cho thấy nó là một hệ thống động (mobile), rời rạc (fragmented), và đầy nghịch lý (paradoxical). 

Little and grand narratives
One of the best-known distinctions in the postmodern is that made by Jean- François Lyotard concerning what he calls ‘grand’ narratives and ‘little’ narratives. ‘Grand narratives’ such as Christianity, Marxism, the Enlightenment attempt to provide a framework for everything. Such narratives follow a ‘teleological’ movement towards a time of equality and justice: after the last judgement, the revolution, or the scientific conquest of nature, injustice, unreason and evil will end. 

Lyotard argues that the contemporary ‘worldview’, by contrast, is characterized by ‘little narratives’. Contemporary Western discourse is characteristically unstable, fragmented, dispersed – not a world-view at all. ‘Little narratives’ present local explanations of individual events or phenomena but do not claim to explain everything. Little narratives are fragmentary, non-totalizing and non-teleological. Lyotard claims that, in the West, grand narratives have all but lost their efficacy, that their legitimacy and their powers of legitimation have been dispersed. Legitimation is now plural, local and contingent. No supreme authority – Marx, Hegel or God – can sit in judgement.

Theo Jean-Francois Lyotard, trường phái hậu hiện đại phân biệt rạch ròi giữa "những kế hoạch lớn" và "những câu chuyện vặt". Những kế hoạch lớn như của Đạo Thiên Chúa, hay của Chủ nghĩa Mác, hoặc của Thời Khai sáng nhắm đến việc đưa ra một khung giải thích cho toàn bộ thế giới. "Những kế hoạch lớn" như vậy tin rằng thế giới này vận động theo một hướng sao cho cuối cùng chúng ta sẽ đạt được sự bình đẳng và công lý: sau cuộc phán xét cuối cùng, hay sau một cuộc cách mạng, hoặc sau sự thành công của khoa học trong việc khám phá thiên nhiên, thì những bất công, sự phi lý và các ác sẽ phải chấm dứt. 

Lyotard lập luận rằng quan điểm đương đại về thế giới thì ngược lại với quan điểm trên, và đặc điểm của nó là "những câu chuyện vặt". Câu chuyện của thế giới phương tây hiện đại ngày nay thì bất ổn, rời rạc, đứt khúc - hoàn toàn không có một thế giới quan nào cả. "Những câu chuyện vặt" thì vụn vặt, không thể khái quát hóa và không có mục đích. Lyotard khẳng định rằng ở phương Tây giờ đây "những kế hoạch lớn" không còn hiệu nghiệm, và sức mạnh cũng như tính chính danh/hợp pháp của nó hầu như đã mất. Tính hợp pháp/chính danh hiện nay có các đặc điểm là đa dạng, đậm màu sắc địa phương, và chỉ có giá trị tạm thời. Không còn Đấng tối cao nào - Marx, hay Hegel, hay Thượng đế - có thể ngồi trên tòa cao mà phán xử được nữa.

(Ghi chú: Nhà văn Vũ Hạnh gọi "Grand narratives" (mà tôi dịch là "những kế hoạch lớn") là "đại tự sự". Một cách xử lý ngôn ngữ theo tôi là gọn gàng và đạt cả tín và nhã; cách dịch của tôi thì chưa đạt lắm và chỉ có thể gọi là "diễn dịch" mà thôi.)

Vâng, "không còn Đấng tối cao". Từ trước năm 1975 nhạc sĩ TCS (hình như thế) cũng đã thốt lên: Chúa đã bỏ loài người .... Chẳng lẽ nền lý luận của chúng ta, những người Mác-xít và vô thần, những người tin vào biện chứng pháp, lại muốn biến Marx hay ai đó thành đấng tối cao mới để ngồi trên tòa cao phán xử hay sao?

Saturday, July 13, 2013

Sự thu hút của trường đại học và nạn thất thoát chất xám (bài viết từ năm 2008)

Hôm nay ngồi dọn dẹp, sắp xếp lại các file trong máy tính, chợt tìm thấy bài viết mà tôi đã viết từ năm 2008. Bài viết 5 năm rồi nhưng nhiều nội dung tôi thấy vẫn còn cập nhật. Bài chưa đăng ở đâu cả, chỉ viết định để gửi cho một hội thảo, nhưng rồi quá hạn, không gửi. Nay đăng lại ở đây để chia sẻ với mọi người.

-------
Giáo dục đại học Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa: “Sự thu hút của trường đại học” và nạn thất thoát chất xám (brain drain)

Phương Anh
(Tháng 2/2008)

Toàn cầu hóa đang là xu thế tất yếu của giáo dục đại học, và những tác động tích cực cũng như tiêu cực của nó đang ảnh hưởng mọi quốc gia và mọi cá nhân. Các tác động này tất nhiên không đồng đều, mà ở những mức độ khác nhau cho từng cá nhân, từng khu vực địa lý, từng nhóm xã hội, và từng dân tộc khác nhau, theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng” – tức người giàu lại càng giàu hơn và người nghèo thì có nguy cơ bị làm nghèo đi. Tưởng cũng cần nhắc lại những điều đã được cảnh báo từ cuối thế kỷ trước về tác động của quá trình toàn cầu hóa:

Toàn cầu hóa

Mang lại lợi ích cho
Có hại cho
Châu Âu, Nhật, Bắc Mỹ
Nhiều nước đang phát triển
Đông Á và Đông Nam Á
Hầu như toàn bộ Châu Phi
Sản lượng đầu ra
Việc làm
Người có nguồn lực (asset)
Người không có nguồn lực
Lợi nhuận
Lương
Người có nhiều kỹ năng
Người có ít kỹ năng
Người có học
Người ít học
Giới chuyên môn, giới quản lý, và kỹ thuật
Giai cấp công nhân
Người có tính thích ứng cao
Người ít khả năng thích ứng
Kẻ cho vay
Người mắc nợ
Những người không phụ thuộc vào các dịch vụ công cộng
Những người phải phụ thuộc vào các dịch vụ công cộng
Các công ty lớn
Các công ty nhỏ
Đàn ông
Phụ nữ, trê em
Người mạnh
Kẻ yếu
Người dám mạo hiểm
Người quá thận trọng
Thị trường toàn cầu
Cộng đồng dân cư địa phương
Người bán những sản phẩm công nghệ cao
Người bán các sản phẩm thiết yếu và sản xuất đại trà
Nguồn: Jensen 1998


Trong lãnh vực giáo dục đại học, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia được thể hiện rõ qua số lượng sinh viên nước ngoài vào học ở một quốc gia khác. Dòng chảy sinh viên quốc tế hiện nay đã được xác định rõ theo hướng xuất phát từ nước kém phát triển để vào các nước phát triển hơn, trong đó nếu không kể những dòng chảy trong nội bộ của từng khu vực (chẳng hạn, giữa các nước khác nhau trong khu vực Đông Nam Á, hoặc trong Cộng đồng Châu Âu), thì trung tâm cung cấp sinh viên quốc tế hiện nay là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, còn các trung tâm tiếp nhận sinh viên quốc tế là Nhật, Úc, Châu Âu, và Bắc Mỹ, trong đó đứng đầu là nước Mỹ.


Với tư cách là đất nước có sức thu hút lớn nhất đối với sinh viên quốc tế, Mỹ được xem là điểm đến số một của các sinh viên tiềm năng của Việt Nam. Số lượng du học sinh Việt Nam đến Mỹ trong những năm gần đây tăng lên đều đặn. Theo các báo cáo của IIE , nếu như năm 2006 Việt Nam xếp hạng thứ 26 trong số các nước có sinh viên du học tại Mỹ, thì chỉ sau một năm,Việt Nam đã lọt vào danh sách top 20. Sự gia tăng số du học sinh Việt Nam vào Mỹ sau đó vẫn tiếp tục với tốc độ chóng mặt: theo một bài viết mới nhất của WENR vào tháng 6/2013, hiện nay Việt Nam đang nắm giữ vị trí thứ 8 trên toàn thế giới trong số những quốc gia có số lượng sinh viên du học tại Mỹ đông nhất (http://www.wes.org/ewenr/13june/practical.htm). Ngoài Mỹ, các nước phát triển khác cũng thu hút nhiều sinh viên đến học, trong đó phải kể là Australia, Nhật, Trung Quốc và nhiều nước Châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, vv. Có thể nói, sinh viên Việt Nam có mặt ở tất cả các trung tâm tiếp nhận sinh viên quốc tế.

Một trong những hệ quả tất yếu của dòng chảy sinh viên từ Việt Nam sang các nước phát triển khác là sự “thất thoát chất xám” (brain drain) về phía Việt Nam và sự “thu hút chất xám” (brain gain) của các nước tiếp nhận, ít ra là trong thời gian đầu. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu chính thức nào về tỷ lệ trở về của du học sinh Việt Nam sau khi hoàn tất việc học ở nước ngoài, nhưng nếu dựa vào kinh nghiệm của Trung Quốc để ước tính thì chỉ có khoảng 30% sinh viên về nước, tức cứ 3 người tốt nghiệp ở nước ngoài thì 2 người ở lại để bổ sung thêm nhân lực được đào tạo cho nước tiếp nhận, và chỉ có 1 người trở về (J Cheng,Higher Education in China: An Overview; 2006). Nói cách khác, mỗi khi Việt Nam bổ sung thêm cho mình được 1 nhân lực được đào tạo từ nước ngoài về phục vụ sự phát triển của đất nước thì lúc ấy ở khu vực các nước phát triển cũng đương nhiên được bổ sung thêm 2 người, tức khoảng cách về nhân lực có trình độ giữa Việt Nam và thế giới không giảm hề giảm đi mà lại tăng thêm! Đáng nói hơn, xu thế này trong thời gian trước mắt không hề có dấu hiệu giảm đi mà ngược lại còn có thể tăng lên khi một số nước trong khu vực như Singapore, Mã Lai, Thái Lan vv đang vươn lên trở thành những điểm tiếp nhận sinh viên quốc tế mới với mức chi phí thấp hơn nhiều so với các trung tâm tiếp nhận sinh viên truyền thống, để tiếp tục thu hút tinh túy chất xám của Việt Nam bổ sung cho nguồn nhân lực chất lượng cao của các nước này.

Một quốc gia như Việt Nam cần có chiến lược ra sao để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám và tụt hậu về nhân lực có trình độ trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay? Theo nghiên cứu được công bố năm 2005 tại Vương quốc Anh của Skeldon thuộc Trung tâm nghiên cứu triển khai về các vấn đề di dân, toàn cầu hóa và đói nghèo (http://www.migrationdrc.org/publications/working_papers/WP-T15.pdf), sự thất thoát chất xám tạm thời này hoàn toàn có thể được đảo ngược nếu có những điều kiện cần thiết tối thiểu để tạo ra sự thu hút ngược. Sử dụng ngôn ngữ của bài viết này, có thể nói vấn đề được đặt ra cho giáo dục đại học của Việt Nam nói riêng và của các nước đang phát triển nói chung là làm thế nào để có thể tăng “sức thu hút của các trường đại học”, trước hết là đối với chính các sinh viên mà mình đã để vuột mất (bằng cách tạo điều kiện cho họ trở về làm việc), rồi đến các sinh viên tiềm năng trong nước (thông qua việc lựa chọn học trong nước thay vì đi học ở nước ngoài), để rồi có thể dần vươn lên trở thành một điểm tiếp nhận sinh viên quốc tế mới.

Như vậy, câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là ngành giáo dục của Việt Nam đang làm gì để tăng sức thu hút của giáo dục đại học Việt Nam, trước hết là ngay chính với các sinh viên tiềm năng cũng như những sinh viên đã bị vuột mất của mình. Phải nói rằng trong thời gian qua, chính phủ Việt Nam nói chung và lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam nói riêng đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện việc này, trong đó hai nỗ lực mang tính chiến lược cao nhất phải kể là việc đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng tại mọi cấp và bậc học mà quan trọng nhất việc ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng trường đại học và cao đẳng của Việt Nam; việc xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng một số trường đại học đạt tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, để các nỗ lực nêu trên thực sự phát huy được tác dụng, dựa trên kinh nghiệm phát triển của giáo dục đại học của các nước trên thế giới, nhóm tác giả bài viết này cho rằng phải có một số điều kiện cần thiết mà theo đánh giá của chúng tôi là hiện nay vẫn chưa có: (1) tính độc lập, khách quan, và trách nhiệm giải trình của chính các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học; (2) tính tự chủ, ít ra là tự chủ về mặt học thuật của các cơ sở đào tạo; và (3) quan trọng hơn hết, là quyền được lựa của chính các sinh viên.

Chỉ đến khi nào các cơ quan kiểm định chất lượng không còn nằm trong Bộ Giáo dục và Đào tạo và chịu sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, chỉ khi nào mà các cơ sở đào tạo – và triệt để hơn nữa là từng giảng viên – có toàn quyền quyết định về chương trình đào tạo sao cho đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường một cách tốt nhất – tất nhiên là trong khuôn khổ của luật pháp và quy định của ngành, và đặc biệt là chỉ khi nào mà người học có đầy đủ quyền chọn lựa của mình đối với việc tham gia học đại học – chẳng hạn, không bị buộc phải thi vào những ngành không phù hợp với khả năng chỉ vì những ngành mình muốn học có quá ít chỗ học; không bị buộc học những môn học không hề đáp ứng định hướng nghề nghiệp chuyên môn của mình sau này chỉ đơn giản vì … không có lựa chọn nào khác, thì giáo dục đại học của Việt Nam mới có thể tăng cường khả năng thu hút của mình và bắt đầu cuộc hành trình xây dựng thương hiệu đại học Việt Nam, để giáo dục đại học Việt Nam làm tốt vai trò là cỗ máy cái đào tạo nhân lực cho đất nước có thể tồn tại và cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa.

Wednesday, July 3, 2013

Xây dựng đại học đẳng cấp thế giới tại Việt Nam: Làm gì để tăng tốc?

Bài viết này của tôi vừa được đăng trên trang điện tử của Tạp chí Tia Sáng, ở đây: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=6495&CategoryID=6. Nay tôi đưa về đây để lưu, và để chia sẻ với các bạn đọc thường xuyên của blog này.
-------------------

Xây dựng đại học đẳng cấp thế giới ở Việt Nam: Làm gì để tăng tốc?
Vũ Thị Phương Anh

Jamil Salmi, chuyên gia giáo dục đại học
của Ngân hàng Thế giới
Jamil Salmi, chuyên gia giáo dục đại học của Ngân hàng Thế giới, đưa ra công thức để đạt đến thành công của một đại học đẳng cấp thể giới gồm ba yếu tố, được xếp theo thứ tự là: sự tập trung về tài năng, nguồn lực tài chính dồi dào, và cơ chế quản trị hiệu quả. 

Xây dựng một nền giáo dục đại học vững mạnh trong đó có một vài ngôi trường đạt “đẳng cấp thế giới” vừa là ước vọng vừa là mục tiêu phấn đấu của hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, và được cho là điều kiện tối cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh của một quốc gia trong nền kinh tế tri thức ngày nay. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã theo đuổi ước vọng này bằng một chiến lược phát triển song song: vừa tiếp tục đầu tư ở mức cao cho những trường trọng điểm quốc gia, vừa cho thiết lập và vận hành 4 trường đại học mới theo mô hình giáo dục của các nước tiên tiến. Mục tiêu cụ thể được đặt ra là đến năm 2020 phải có ít nhất một trường lọt vào danh sách các trường hàng đầu trong một bảng xếp hạng danh tiếng.Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ còn đúng 7 năm rưỡi nữa là chạm đến điểm cuối cùng của mốc thời gian đã định sẵn. Tuy nhiên, có thể thấy khả năng đạt được mục tiêu nói trên là không dễ dàng. Hơn lúc nào hết, đây là lúc mà Việt Nam cần nhìn nhận lại những gì đã thực hiện trên cơ sở xem xét những kinh nghiệm quốc tế để tìm ra bí quyết nhằm tăng tốc việc hiện thực hóa ước vọng nói trên. 

Yếu tố thành công của một “trường ĐH có đẳng cấp”: Tài chính, quản trị hay  tài năng?

Theo Jamil Salmi, chuyên gia giáo dục đại học của Ngân hàng Thế giới, đưa ra vào năm 2007, công thức để đạt đến thành công của một đại học đẳng cấp thể giới chỉ vỏn vẹn có 3 yếu tố, được Salmi xếp theo thứ tự là: sự tập trung về tài năng, nguồn lực tài chính dồi dào, và cơ chế quản trị hiệu quả. Vậy trong ba yếu tố này, liệu yếu tố nào là cốt lõi cho sự thành công? 

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, yếu tố “nguồn lực tài chính dồi dào” luôn là điều đáng quan tâm và lo lắng hơn cả. Bởi, ai cũng biết kinh phí hoạt động hằng năm của các trường có đẳng cấp thế giới là hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, trên thực tế điều này lại không đến nỗi khó khăn như ta tưởng. Các tổ chức tài chính thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẵn sàng cho các nước vay đầu tư vào giáo dục đại học nếu họ đánh giá rằng đây là một nước có tiềm năng. Việt Nam là một trong những nước được chọn để cho vay như vậy.

Với quan điểm rằng đầu tư vào giáo dục mà đặc biệt là giáo dục đại học luôn là một đầu tư sinh lợi, mối quan tâm lớn nhất của các tổ chức cho vay này là nguồn vốn đầu tư được sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Với quan điểm đó, đối với họ thì yếu tố thứ ba – “cơ chế quản trị hiệu quả” – mới chính là bí quyết giúp một trường đại học có thể bước vào “câu lạc bộ của những người có đẳng cấp”. Vì vậy, một trong những khuyến cáo quan trọng của Ngân hàng Thế giới với những quốc gia đối tác là phải thực hiện những cải cách phù hợp, trong trường hợp này là cải cách về quản trị đại học. Đó cũng là điều mà Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện trong vài thập niên qua, dù mức độ thành công của những cải cách này vẫn còn cần những tổng kết và đánh giá chuyên nghiệp hơn những gì đã được công bố hiện nay.

Yếu tố còn lại, “sự tập trung về tài năng” - được hiểu là tài năng của cả giảng viên lẫn sinh viên – dù được Salmi liệt kê đầu tiên và hiển nhiên phải là yếu tố quan trọng nhất, lại không làm mọi người quá lo lắng.  Dường như nhiều người tin rằng để có được các trường đại học đẳng cấp thì đầu tiên chỉ cần nỗ lực để có những ngôi trường được đầu tư tử tế về cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính dồi dào, cùng một cơ chế quản trị tiên tiến trong đó tự do học thuật của giảng viên được tôn trọng, giảng viên được tham gia vào quá trình ra quyết định của nhà trường và được đãi ngộ xứng đáng. Khi đã có được những điều này thì người ta cho rằng đương nhiên các trường sẽ thu hút được nhiều giảng viên giỏi đến làm việc, và với một trường vừa có cơ sở vật chất tốt, vừa có giảng viên giỏi thì hẳn sẽ dễ dàng thu hút được những sinh viên có tài năng sáng chói nhất. Như vậy, sản phẩm đào tạo của trường – các sinh viên tốt nghiệp – đương nhiên sẽ được xã hội hân hoan đón nhận, sẽ thăng tiến trong nghề nghiệp và về lâu về dài sẽ đóng góp vào việc xây dựng danh tiếng cho trường.

Tuy nhiên, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy thực tế hoàn toàn không phải cứ có nguồn lực dồi dào, có cơ chế quản trị tốt là sẽ thu hút được tài năng, đặc biệt là nguồn tài năng trẻ, kế cận. Ngay cả đối với những trường danh tiếng hàng đầu thế giới nơi số sinh viên muốn vào học gạt ra không hết thì việc thu hút tài năng vẫn luôn là một mục tiêu hàng đầu*. Không phải là ngẫu nhiên mà Salmi lại đưa yếu tố tài năng lên thành yếu tố đầu tiên trong danh sách. Và cũng không ngẫu nhiên khi các trường đại học danh tiếng của các nước tiên tiến trên thế giới luôn có những chương trình học bổng và tài trợ nghiên cứu hấp dẫn cho sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Với những tiêu chí lựa chọn khắt khe, các tài trợ này chủ yếu nhằm để thu hút nguồn tài năng từ khắp thế giới. Chính những tài năng trẻ từ các nguồn đào tạo đa dạng này mới có thể tạo ra được một cộng đồng khoa học với nhiều góc nhìn đa dạng và những ý tưởng mới mẻ, một điều kiện không thể thiếu của một trường thuộc hàng đẳng cấp. Vì suy cho cùng sứ mạng của mọi trường đại học có đẳng cấp đều là thu hút, nuôi dưỡng, sử dụng – gộp chung lại là phát triển tài năng. Tài năng – đó mới thực sự là bí quyết thành công của các trường đẳng cấp thế giới, và để thành công trong việc phát triển tài năng, các điều kiện về cơ sở vật chất dồi dào và cơ chế quản trị hiệu quả vẫn chưa phải là điều kiện đủ.

(Chú thích 1: Mấy từ in nghiêng trong đoạn trên đây là do tôi mới biên tập lại và thêm một vài câu cho rõ theo góp ý của anh GNLT ở An Giang; phần này khác với bản đã đăng trên Tia Sáng.)

Trường đại học như một môi trường phát triển tài năng: Môi trường bên ngoài và các yếu tố tăng tốc


Ngoài hai điều kiện đã nêu ở trên là nguồn lực dồi dào và cơ chế quản trị hiệu quả, còn một yếu tố khác mà chúng ta không thể quên, đó là yếu tố thời gian. Sẽ cần bao nhiêu năm để một chương trình đào tạo hoặc nghiên cứu, một bộ môn, một khoa hoặc một trường mới được thành lập – giả định rằng chúng có mọi điều kiện hoàn hảo để hoạt động – khẳng định được hiệu quả, tác động và danh tiếng của mình đối với xã hội? Câu trả lời chính xác thì không ai biết, nhưng chắc chắn là đơn vị để tính phải là hàng thập niên. Các chính sách quản lý của những người lãnh đạo các trường đại học ít khi đem đến thành công ngay lập tức, mà thường phải sau hơn một nhiệm kỳ thì những sáng kiến cải tiến hoặc đường lối, chủ trương do họ đưa ra mới có thể thấy được kết quả tác động. Và không phải ngẫu nhiên mà tất cả những ngôi trường hàng đầu thế giới hiện nay đều có lịch sử tồn tại và phát triển đến vài thế kỷ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận chờ một cách thụ động, mà có thể học tập kinh nghiệm của một số các quốc gia “nhanh chân” hơn các nước khác trong cuộc đua “đẳng cấp thế giới, và tránh mắc phải sai lầm của những nước chậm tiến hơn, thậm chí đi nửa chừng lại ngưng rồi khởi động lại từ điểm xuất phát. Trong một công bố gần đây về giáo dục đại học ở châu Mỹ Latin, Salmi đã đúc kết những điều kiện về môi trường bên ngoài và những yếu tố tăng tốc cho sự phát triển của các trường đại học thuộc các quốc gia là những thành viên mới của “câu lạc bộ đẳng cấp thế giới” này. Xin trình bày lại dưới đây theo hai nhóm chính: nhóm môi trường bên ngoài và nhóm yếu tố tăng tốc.

Về môi trường bên ngoài, hay gọi chính xác theo ngôn ngữ của Salmi là “môi trường sinh thái của giáo dục đại học”, tác giả cho rằng để có các trường đẳng cấp thế giới thì ở cấp vĩ mô sẽ cần phải có một môi trường kinh tế chính trị ổn định và phát triển, có tinh thần thượng tôn pháp luật (rule of law) và sự bảo đảm các quyền tự do căn bản của trí thức, sự tự chủ của các trường đại học, đảm bảo kinh phí hoạt động và sự an toàn của những người hoạt động trong môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, cần có một môi trường thông tin truyền thông số hiện đại, cập nhật, và cuối cùng là một yêu cầu rất bình thường nhưng không kém quan trọng là vị trí địa lý phù hợp để đặt những ngôi trường có mục tiêu đạt đẳng cấp quốc tế. Điều này rất cần thiết vì các trường có đẳng cấp nhất thiết phải có vị trí thuận lợi (về mặt giao thương, về nguồn nhân lực, và về sự tập trung của các ngành công nghiệp) để có thể thu hút tài năng từ khắp các địa phương, các vùng và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu môi trường bên ngoài của Việt Nam hiện nay có là một môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự hình thành các trường đại học đẳng cấp thế giới chưa, hay ngược lại đang là một rào cản?*

(Chú thích 2: Phần in nghiêng ở trên đây cũng do tôi mới thêm vào, và không có trong bản đã đăng trên Tia Sáng.)

Về các yếu tố tăng tốc, Salmi cho rằng những quốc gia “nhanh chân” trong cuộc đua đẳng cấp thế giới đều có áp dụng một hay nhiều trong số 5 biện pháp sau đây: 

Thu hút sự trở về của nguồn chất xám trong nước đã từng ra đi và thành công ở các nước tiên tiến, nhằm hỗ trợ xây dựng/cải cách một ngành đào tạo, một chương trình nghiên cứu, một trường đại học trong nước, v.v. Đây là chiến lược mà Trung Quốc đã áp dụng khá thành công trong những năm qua, với kết quả được cả thế giới khâm phục.

Sử dụng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp trong các trường đại học để tạo ra một môi trường quốc tế thực thụ thu hút các tài năng trên toàn thế giới và tạo ra một cộng đồng khoa học đa dạng và mới mẻ. Đây chính là điều kiện thành công của Singapore, đồng thời cũng là một chiến lược tăng tốc được Malaysia áp dụng khá thành công.

Tập trung vào các ngành khoa học và kỹ thuật (science and engineering) là những ngành có sự gắn kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp để nhanh chóng tạo được một “nguồn lực đóng vai trò quyết định” (critical mass) cho sự phát triển xã hội. Đây chính là chiến lược mà các nước Nhật Bản và Hàn Quốc đã áp dụng thành công từ những thập niên cuối của thiên niên kỷ trước, và sau đó là Singapore và Malaysia. 

Thiết lập một quy trình đối sánh (benchmarking) quốc gia và quốc tế để đo lường và theo dõi hoạt động của các trường một tương đối định lượng và khoa học. Nói cách khác, đây là việc áp dụng một cách có lựa chọn và có phản biện các hệ thống xếp hạng trong và ngoài nước để từ đó biết được hiệu suất hoạt động của từng trường so với mục tiêu đề ra và so với các đối thủ cạnh tranh. Chiến lược này hiện đang được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực áp dụng ở nhiều mức độ khác nhau.

Chú trọng cải thiện chương trình và đổi mới phương pháp giảng dạy ở đại học để tạo nguồn phát triển tài năng. Đây chính là một yếu tố tăng tốc căn bản nhất và có giá trị bền vững nhất trong cuộc đua đẳng cấp thế giới, nhưng thường khi lại bị bỏ sót vì sự “âm thầm” và “thường nhật” của nó – như người ta hay nói, giống như không khí, người ta chỉ nhận ra sự hiện diện của nó khi nó không còn hiện diện!

Những phát hiện và đúc kết của tác giả Salmi là nhằm mục đích tư vấn cho các nước đang phát triển của châu Mỹ Latin, nhưng cũng hoàn toàn phù hợp cho các quốc gia khác như Việt Nam. Mặc dù mốc thời gian 2020 đã rất gần và có thể chúng ta sẽ không đạt mục tiêu có một vài trường lọt vào top 200 của thế giới, nhưng một sự nhìn nhận lại để đi tới là rất cần thiết vào lúc này, vì Việt Nam không được phép dừng lại trong cuộc đua “đẳng cấp thế giới”. Một sự dừng lại vào lúc này cũng có nghĩa là nền giáo dục đại học của Việt Nam đã chịu thua trong sự nghiệp “phát triển tài năng” của đất nước, để mặc những tài năng này lưu lạc cho các trường nước ngoài thu hút, nuôi dưỡng, và sử dụng để cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Lẽ nào chúng ta lại chấp nhận như thế?

Tài liệu tham khảo

Sadlak, J and Liu, Nan Cai (Eds) (2009). The world-class university as part of a new higher education paradigmn: From institutional qualities to systemic excellence. Bucharest: UNESCO-CEPES.

Salmi, J (2013). “Daring to soar: A strategy for developing world-class universities in Chile”. In Pensaminento Educativo. Revista de Investigacion Educacional Latinoamericana 2013, 50(1), 130-146.