Monday, June 10, 2019

TRƯỜNG CÔNG LẬP TỰ CHỦ TÀI CHÍNH: HỌC PHÍ, CHẤT LƯỢNG, VÀ CÔNG BẰNG TRONG TIẾP CẬN GIÁO DỤC (bài đăng lại)

TRƯỜNG CÔNG LẬP TỰ CHỦ TÀI CHÍNH: HỌC PHÍ, CHẤT LƯỢNG, VÀ CÔNG BẰNG TRONG TIẾP CẬN GIÁO DỤC

Phương Anh

Sự kiện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố mức tăng học phí lên đến 30% so với trước đây đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông. Nhìn từ góc độ của nhà trường, việc tăng học phí như trên là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với lộ trình tăng học phí của các trường tự chủ tài chính đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2015[1]. Mức học phí mới (khoảng  17 triệu đồng/năm học) đã được nhà trường cân nhắc, tính toán rất kỹ và chỉ nằm ở tốp trung của các trường công lập tự chủ tài chính trong khối ngành kinh tế[2]. Bên cạnh đó, nhà trường cũng dành ra một quỹ học bổng đáng kể để hỗ trợ các sinh viên khó khăn, đặc biệt là các em có học lực tốt, để khuyến khích tài năng với mục đích nâng cao chất lượng đầu vào và kéo theo chất lượng đào tạo nói chung.

Mặc dù vậy, việc tăng học phí như đã nêu vẫn làm cho những người trực tiếp chịu ảnh hưởng, tức các sinh viên đang theo học, vô cùng bức xúc[3]. Một số sinh viên bày tỏ sự lo lắng không biết với mức học phí tăng lên như vậy thì các em có thể tiếp tục học để hoàn tất chương trình hay không[4]. Bên cạnh đó, dư luận xã hội cũng đang đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa việc tăng học phí và việc nâng cao chất lượng đào tạo. Liệu việc tăng học phí có sẽ làm tăng chất lượng đào tạo của các trường hay chăng, và nếu có thì đâu là bằng chứng? Nếu không chứng minh được điều này, thì liệu có nên trao toàn quyền cho các trường tự chủ tài chính được tự xác định mức học phí, hay vẫn cần có sự can thiệp của nhà nước để đảm bảo quyền lợi của những người đang học cùng khả năng tiếp cận giáo dục của mọi người dân?

Thực ra, cuộc tranh luận nói trên không chỉ có ở riêng Việt Nam. Nên trao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập (trong đó có quyền tự xác định học phí) đến mức độ nào là một vấn đề kinh điển trong quản lý giáo dục đại học ở mọi quốc gia trên thế giới. Vấn đề này đã nhiều lần được các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý giáo dục đưa ra phân tích, nhưng cho đến nay cuộc tranh luận vẫn chưa hề chấm dứt. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản đang được báo chí đặt ra – “học phí tăng, chất lượng có tăng?” hóa ra lại liên quan đến một loạt những câu hỏi nhỏ hơn cần phải trả lời, đó là: có chăng một mối liên hệ rõ ràng giữa học phí (hoặc đúng hơn là giữa mức đầu tư) và chất lượng; thế nào là một mức học phí đại học hợp lý; và cuối cùng làm sao để bảo đảm sự công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người. Để trả lời những câu hỏi nhất thiết phải có những hiểu biết nhất định về quản trị giáo dục đại học, chứ không thể dựa trên mong muốn của các bên trong cuộc (nhà trường, người học, cơ quan quản lý nhà nước) hoặc phán đoán chủ quan của những người ngoài cuộc (báo chí, dư luận…).

Mối liên hệ giữa mức đầu tư và chất lượng
Giải thích cho việc tăng học phí, các trường thường đưa ra lý do cần phải tuyển và trả lương xứng đáng cho các giảng viên giỏi, bằng cấp cao, đồng thời phải giữ cho tỷ lệ trò trên thầy ở mức thấp được (giảng dạy trên lớp nhỏ, ít học viên) để đem lại chất lượng mong muốn. Đó là chưa kể đến những đầu tư tốn kém và lâu dài vào cơ sở vật chất như phòng học, phòng thí nghiệm, thiết bị giảng dạy và thực hành, rồi sân chơi, sân tập thể dục thể thao …, là những yếu tố tuy không trực tiếp nhưng cũng có những đóng góp quan trọng vào chất lượng giáo dục. Nhưng phải chăng các trường chỉ cần có đủ tiền thì chất lượng đương nhiên sẽ tăng lên? 

Các nghiên cứu được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới cho đến nay cho thấy không có một mối liên hệ rõ ràng giữa mức đầu tư và chất lượng giáo dục. Nghiên cứu được công bố vào năm 2013 của trường Đại học Wabash thuộc bang Indiana của Mỹ sử dụng các số liệu chính thức của liên bang đã khẳng định một mối liên hệ giữa mức đầu tư và chất lượng giáo dục là rất nhỏ. Nghiên cứu  cho thấy có nhiều trường đại học có mức đầu tư thấp, tỷ lệ trò trên thầy cao, và không có đủ giảng viên cơ hữu nên phải sử dụng các giảng viên thỉnh giảng, nhưng lại có chất lượng giáo dục tốt hơn so với các trường có mức đầu tư cao hơn và danh tiếng nhiều hơn[5].  

Kết luận trên hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên. Các nhà nghiên cứu giáo dục từ lâu đã thống nhất rằng nguồn lực chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để đem lại chất lượng. Xét theo chi phí đơn vị, có một ngưỡng tối thiểu về mức đầu tư mà ở dưới mức đó thì khó lòng có được chất lượng. Tuy nhiên, một khi đã vượt qua được ngưỡng tối thiểu này thì mối liên hệ giữa mức đầu tư và chất lượng không còn rõ ràng. Lúc ấy, chính năng lực quản trị của các trường mới thực sự tác động đến chất lượng[6]. Như vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người học thì song song với việc trao toàn quyền xác định mức học phí cho các trường công lập tự chủ tài chính, các trường này cần phải thể hiện trách nhiệm giải trình cao hơn so với các trường chưa được tự chủ, trong đó hai biện pháp quan trọng nhất là sự công khai, minh bạch thông tin về các mặt hoạt động của trường, cùng kết quả đánh giá chất lượng theo các phương pháp và cấp độ khác nhau (đánh giá và kiểm định trường, đánh giá và kiểm định chương trình, phân loại, xếp hạng …).

Xác định mức học phí hợp lý
Để xác định một mức học phí hợp lý ở bậc đại học, người ta thường dựa vào hai tiêu chí căn bản sau: (1) được tính đủ để ít nhất phải đạt được ngưỡng tối thiểu của chi phí đơn vị (như đã nêu ở trên); và (2) được “thị trường” chấp nhận[7]. Đối với tiêu chí đầu tiên, cách đây hơn một thập niên các chuyên gia trong nước đã tính toán được rằng đối với một quốc gia thu nhập còn thấp như Việt Nam thì chi phí đơn vị tối thiểu phải ở mức 150% so với thu nhập bình quân đầu người (lúc ấy chỉ mới đạt 550 USD/năm), tức là chi phí đơn vị phải vào khoảng 800 USD/năm học vào khoảng những năm 2004-2005[8]. Nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên trên 2,000 USD, vì vậy có thể ước tính chi phí đơn vị ít nhất phải ở mức xấp xỉ 1500 USD, hoặc tối thiểu 30 triệu/năm nếu tính bằng tiền Việt. Đây cũng là mức tương đương với mức học phí đại học tại Philippines, một nước có thu nhập bình quân và trình độ phát triển tương tự Việt Nam.

Tuy nhiên, xét theo yếu tố thị trường thì mức học phí 30 triệu/năm có lẽ không dễ dàng được thị trường chấp nhận, một phần là do lâu nay mọi người vẫn quen với mức học phí thấp, phần khác là do những lợi ích đối với người học do việc tăng học phí chưa thể chứng minh ngay được (và thậm chí có khi KHÔNG THỂ chứng minh được). Vì vậy, hoàn toàn có thể tin vào lời phát biểu của lãnh đạo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân rằng mức học phí 17 triệu/năm đã được họ cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được sự cân bằng giữa hai yếu tố thị trường và chất lượng. Tất nhiên, ở thời điểm hiện nay cả hai yếu tố này vẫn còn là ẩn số mà lời giải chỉ có thể có được sau khi nhà trường đã vận hành được ít nhất là một khóa đào tạo. Trong thời gian đó, vấn đề được đặt ra cho nhà trường không còn là tìm cách có thêm nguồn thu từ học phí, mà quan trọng hơn là giải trình cho người học và cho toàn xã hội về việc mình đã sử dụng số tiền học phí thu được như thế nào để mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. Đó cũng chính là cách để nhà trường dễ dàng được thị trường chấp nhận với mức tăng học phí theo lộ trình đã đưa ra.

Sự công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục
Vấn đề mà báo chí, dư luận và người học quan tâm nhất hiện nay là mức học phí cao sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục của những người có thu nhập thấp – một vấn đề về công bằng xã hội. Thật vậy, các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng các sinh viên tốt nghiệp đại học, đặc biệt là các trường đại học có chất lượng và uy tín cao, luôn có thu nhập cao hơn một cách đáng kể so với những người không có bằng đại học hoặc tốt nghiệp từ các trường không có chất lượng. Đó là lý do tại sao các trường đại học có danh tiếng tại Mỹ như Harvard, Stanford vv có thể thu học phí cao hơn gấp nhiều lần so với những trường khác nhưng vẫn gạt ra không hết học trò. Sẽ không có vấn đề gì nếu các trường thu học phí cao là trường tư. Nhưng nếu đó là một trường công có sử dụng kinh phí của nhà nước – dù giờ đây được chuyển sang tự chủ tài chính – thì thật là một nghịch lý khi những người có thu nhập thấp nên không thể trả được mức học phí cao tại các trường có danh tiếng và mức học phí cao lại phải đóng thuế nhằm hỗ trợ cho những người có thu nhập cao đi học để sau này tiếp tục có mức thu nhập cao hơn.

Chính vì vậy, ngoài những chính sách hỗ trợ sẵn có của nhà nước cho tất cả các sinh viên, các trường tự chủ tài chính cần phải có những chính sách hữu hiệu để bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận giáo dục cho những thí sinh có đủ năng lực nhưng không có đủ điều kiện tài chính. Một chính sách rất đáng học hỏi từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ là tuyển sinh theo nguyên tắc “need blind”, có nghĩa là tất cả các thí sinh nếu đủ điều kiện trúng tuyển và được nhận vào trường đều được đảm bảo cấp học bổng nếu chứng minh được mình không có đủ điều kiện tài chính để tham gia chương trình học. Điều này có thể quá lý tưởng và chưa thể đạt được tại Việt Nam, nhưng trước mắt các trường tự chủ tài chính đang áp dụng một lộ trình tăng học phí liên tục trong nhiều năm như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cần phải cam kết với nhà nước và xã hội rằng sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm không có sinh viên nào phải bỏ học vì nhà trường tăng học phí. Ngoài ra, việc thành lập các quỹ học bổng, và quan trọng hơn là việc sử dụng các quỹ này, phải là một nội dung được nhà trường công khai rộng rãi đến mọi đối tượng, và phải được giám sát bởi các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng.
***********
Tự chủ đại học luôn luôn phải đi kèm với trách nhiệm giải trình, đó là một nguyên tắc quản trị đại học kinh điển được áp dụng trên toàn thế giới. Việc trao thêm quyền tự chủ cho các trường, trong đó bao gồm việc tự xác định mức học phí, là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế quản trị đại học trên toàn thế giới. Điều còn lại là đẩy mạnh hơn nữa trách nhiệm giải trình của các trường. Cơ sở pháp lý của các biện pháp cần thực hiện –  như xếp hạng, đánh giá và kiểm định chất lượng, và công khai thông tin để toàn xã hội giám sát – đều đã có sẵn, vấn đề giờ đây chỉ là khả năng thực hiện chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước có liên quan mà thôi.






[6] https://www.oecd.org/edu/imhe/46064461.pdf - Governance and quality guidelines in higher education – OECD 2008?