Tuesday, March 26, 2013

"Trường đại học mô hình xuất sắc khó tuyển sinh" (Thanh Niên 26/3/2013)

Bài viết trên báo Thanh Niên hôm nay, trong đó có sử dụng nhiều ý kiến của tôi. Đăng lại ở đây để lưu và để chia sẻ với mọi người.
---------------
Trường ĐH mô hình xuất sắc khó tuyển sinh

Thứ Ba, 26/03/2013 09:25

Được ưu tiên đặc biệt nhưng các trường ĐH được thành lập theo mô hình xuất sắc, đẳng cấp quốc tế vẫn không thu hút người học

Mục tiêu 5.000, mới tuyển được 500

Năm 2008, Trường ĐH Việt - Đức được thành lập với định hướng là trường ĐH nghiên cứu theo mô hình tiên tiến, nằm trong tốp 200 trường ĐH hàng đầu thế giới vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, trường có cơ chế tuyển sinh riêng, là trường ĐH công lập đầu tiên tại Việt Nam có hiệu trưởng người nước ngoài và cũng là trường duy nhất chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, sau gần 5 năm hoạt động, trường vẫn không thu hút được người học.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với sinh viên Trường ĐH Việt - Đức - Ảnh: Hà Ánh
Năm đầu tiên trường tuyển sinh 80 chỉ tiêu cho 2 ngành bậc ĐH là kỹ thuật điện và công nghệ thông tin, từ những thí sinh dự thi khối A theo đề chung của Bộ GD-ĐT, đạt 21 điểm trở lên. Tuy nhiên đến tháng 9-2008, trường chính thức khai giảng khóa đầu tiên chỉ với 32 sinh viên.
Đến năm thứ hai, chỉ tiêu của trường giảm xuống một nửa, mức điểm xét tuyển chỉ còn 17 nhưng cũng không tuyển đủ khi chỉ có 28 sinh viên nhập học. Năm 2010, trường thực hiện hình thức tuyển sinh mới với 60 chỉ tiêu, xét tuyển thí sinh có tổng 6 môn (toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh và văn) của 3 năm cuối cấp THPT thuộc loại khá giỏi. Đồng thời, trường xét tuyển những thí sinh có điểm thi ĐH khối A từ 21 trở lên. Thế nhưng kỳ tuyển sinh năm 2010, trường chỉ tuyển được 39 sinh viên, trong đó chưa tới 20 người đạt mức điểm 21 trở lên.
Năm học 2012-2013, trường này có 8 ngành đào tạo bậc ĐH và sau ĐH với tổng số 527 sinh viên đang

Để có được một trường ĐH xuất sắc đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Theo tác giả Salmi, chuyên gia giáo dục của World Bank, các điều kiện này tóm tắt trong 3 yếu tố chính: rất nhiều tài năng (người học lẫn giảng viên), rất nhiều tiền và cơ chế quản trị phù hợp (có tầm nhìn chiến lược, sáng tạo, linh hoạt). Cả ba điều kiện này hiện nay đều hầu như chưa có hoặc có rất ít ở chỗ này chỗ khác, cho nên việc phát triển các trường này nói riêng hoặc mô hình này nói chung sẽ rất khó khăn ở Việt Nam.
 
Nếu cần một khâu đột phá, phải tác động trước hết vào đầu ra của sinh viên và thu nhập của giảng viên. Chẳng hạn có thể đảm bảo rằng tất cả sinh viên khi ra trường đều được nhận làm việc tại một cơ quan nào đó với mức lương tối thiểu 1.000 USD/tháng, giảng viên có mức lương 2.000 USD/tháng thì việc tuyển sinh chắc chắn sẽ không khó và hướng phát triển của nhà trường cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều. Còn nếu không đảm bảo được đầu ra thì điều đó cho thấy chính nhà trường cũng chẳng biết sinh viên mình sau khi ra trường sẽ làm gì, đáp ứng nhu cầu của ai, như vậy làm sao có thể thu hút sinh viên (nhất là sinh viên giỏi).
 
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)

theo học (262 sinh viên ĐH, 250 học viên cao học và 15 nghiên cứu sinh). Tính đến thời điểm hiện tại, trường mới chỉ có 24 cử nhân và 40 thạc sĩ tốt nghiệp. Như vậy sau 5 năm thành lập, số sinh viên nhập học tại trường chưa đầy 600. Con số này so với mục tiêu năm 2020 của trường là 29 ngành đào tạo với 5.000 sinh viên còn quá xa.
Tình hình tuyển sinh khó khăn cũng diễn ra tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Năm 2010, trường chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên với 40 chỉ tiêu từ thí sinh dự thi ĐH khối A, B, D với mức 19 điểm trở lên. Đến hạn cuối nộp hồ sơ, trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu nên quyết định hạ mức điểm tuyển xuống còn 15. Trong tổng số 51 hồ sơ nộp đến qua sơ tuyển, chỉ có hơn 30 sinh viên đủ điều kiện nhập học, mức điểm cao nhất đăng ký vào là 22,5 và chỉ có một sinh viên.
Đến năm học 2011-2012, sau 2 kỳ tuyển sinh, tổng số sinh viên của trường mới gần 200 (cả bậc ĐH và sau ĐH). Đến nay, theo số liệu trường báo cáo bộ, tổng số sinh viên đang theo học tại trường trên dưới 400. Như vậy, so với mục tiêu 8.000 sinh viên năm 2020 thì con số này cũng quá ít ỏi.
 
Hoạt động vội vàng khi chưa có đủ điều kiện?

Giải thích nguyên nhân khó thu hút người học với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc tại Trường ĐH Việt - Đức vào đầu tháng 3, Giáo sư Mallon, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường rất khó khăn trong việc thu hút học sinh khá giỏi vào các ngành kỹ thuật trong khi xu thế người học ở Việt Nam lựa chọn khối ngành kinh tế rất cao. Đặc biệt, trường rất khó thu hút học viên chương trình thạc sĩ toàn thời gian do phần lớn các trường ĐH tại Việt Nam đều cung cấp chương trình đào tạo bán thời gian để học viên vừa học vừa làm. Một nguyên nhân rất cạnh tranh nữa là do sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật loại giỏi thường lựa chọn đi học ĐH ở nước ngoài khi có học bổng”.
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên gia, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập), cho rằng các nguyên nhân trường nêu ra chưa hợp lý.
Vị tiến sĩ này cho rằng: “Việc nói rằng trường đào tạo kỹ thuật nên khó tuyển sinh là chưa hoàn toàn đúng vì hiện nay ngay cả các trường ngoài công lập vốn bị kỳ thị mà vẫn có những trường thuộc khối ngành này tuyển sinh tốt. Còn nếu nói do đào tạo thạc sĩ toàn thời gian nên khó tuyển cũng không chấp nhận được vì đáng ra trường phải biết và cân nhắc trước khi bắt đầu hoạt động và tuyển sinh, chứ không phải cứ làm đại rồi sau đó thất bại thì mới đổ lỗi cho khách quan”.
Theo tiến sĩ Phương Anh: “Việc không tuyển sinh được như mong muốn cho thấy các trường đã được triển khai hoạt động quá vội vàng khi chưa có đủ điều kiện cần thiết và cũng không có đủ hiểu biết về môi trường pháp lý cũng như nhu cầu đào tạo của người học tại Việt Nam. Và mục tiêu năm 2020 trở thành trường tốp 200 là không tưởng, khi hiện nay đã là 2013 rồi mà ngay cả ở Việt Nam các trường này cũng chưa thu hút được thí sinh”.
Cần bám sát nhu cầu thực tiễn
Trong buổi làm việc với Trường ĐH Việt - Đức, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng: “Trường cần nghiên cứu kỹ xem nguyên nhân khó khăn đầu vào và đầu ra nằm ở chỗ nào. Nếu vì ngành nghề quá mới mà sinh viên ra trường khó tìm được việc làm thì trường cần xem xét lại việc mở ngành”.
Trước đề xuất từ phát triển lên 29 ngành đào tạo của trường từ nay đến năm 2020, Phó Thủ tướng nhận định: “Ngành đào tạo mở ra phải bám sát nhu cầu nhân lực trên đất nước Việt Nam để sinh viên ra trường có việc làm ngay. Gói tài trợ đầu tư cho đề án xây dựng trường đã nêu rõ, không thể đào tạo mà sinh viên ra trường không biết có việc làm hay không”.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng có ý kiến: “Các trường này cần nghiên cứu kỹ tránh mở các ngành không thiết thực với nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, gây lãng phí về đào tạo. Chẳng hạn như ngành thạc sĩ mới của Trường ĐH Việt - Đức là kỹ thuật sản xuất toàn cầu. Sinh viên tốt nghiệp một ngành mà chỉ có thể làm việc tại các tập đoàn quốc tế hoặc doanh nghiệp lớn sẽ rất khó để sinh viên tìm việc khi ra trường”.

4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế
Đề án xây dựng các trường ĐH mô hình mới của Bộ GD-ĐT là một trong nhiều mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008-2020. Theo đó, sẽ có 4 trường ĐH công lập đẳng cấp quốc tế được xây dựng với đầu vào là những học sinh xuất sắc của Việt Nam và nước ngoài. Hiện đã có 2 trường được thành lập là ĐH Việt - Đức (nước đối tác chiến lược là Đức), ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội (nước đối tác chiến lược là Pháp). Dự kiến sẽ thành lập thêm 2 trường tại Đà Nẵng và Cần Thơ với nước đối tác chiến lược là Nhật và Mỹ.

Theo Hà Ánh (Thanh Niên)

Thursday, March 21, 2013

Nói chuyện tiếng Anh (13): Những lỗi tiếng Anh trên bảng hiệu

Tôi vừa đi làm về thì đã thấy ông xã cho biết trên Thanh Niên online có đăng bài về các lỗi tiếng Anh tại sân bay quốc tế tại TP HCM, trong đó có mấy lời nhận định của tôi (và tình cờ thay có cả TS Phạm Quốc Lộc, hiện là trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa của ĐH Hoa Sen, học ở Mỹ về, nhưng vốn trước đây là sinh viên của tôi tại trường ĐH KHXH-NV; theo lời ông xã tôi thì cả thầy và trò chiếm hết chỗ của người khác không để cho ai có ý kiến cả!) Ai muốn đọc thì vào đây này:

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130321/loi-chinh-ta-o-san-bay-tan-son-nhat-khong-co-gi-oan-uc.aspx

Lời lẽ của tờ báo viết về vụ này tôi nghĩ là hơi nặng, mặc dù cũng cần như thế để mọi người chú ý vì sân bay quốc tế dù gì cũng là bộ mặt của quốc gia. Thế nhưng thật ra những lỗi tiếng Anh ngô nghê như trong bài có thể tìm thấy ở mọi quốc gia không nói tiếng Anh bản ngữ, chứ chẳng riêng gì Việt Nam. Thậm chí có nhiều lỗi còn rất tệ hại, tục tĩu (một cách vô tình) nữa kia, đến nỗi đã từng có một cuốn sách nhỏ được xuất bản vào cuối thập niên 80 ở Mỹ với tên gọi là "Dangerous English", tức tiếng Anh nguy hiểm (vì nói nhầm từ này sang từ khác).

Tôi đã được đọc cuốn ấy hồi năm 1989 khi đi Mỹ 3 tháng làm visiting scholar, và đến giờ vẫn nhớ ở trang đầu tiên của cuốn sách có nêu ví dụ với hình vẽ minh họa về tiếng Anh nguy hiểm (quả thực quá nguy hiểm!), đó là: Cô hầu phòng khách sạn đứng nói với khách rằng cô ấy đã bỏ c... sạch (clean shit!) trên giường cho khách! Còn vị khách thì đứng như trời trồng, không biết phải phản ứng ra sao. Thực ra, cô ấy chỉ có một nhầm lẫn nhỏ là đọc âm /i:/ (i dài, giống trong từ "thịt" nói theo giọng Bắc) thành âm /i/ (i ngắn, giống từ "thịt" đọc giọng Nam), thế nhưng hậu quả thì tai hại thế đấy!  Ý cô muốn nói là đã trải khăn mới (new sheet) lên giường cho khách rồi, vậy thôi. Xem thế mới biết đã sử dụng tiếng Anh (hoặc một ngoại ngữ nào khác) thì cứ phải cẩn thận, xem đi xem lại, chứ không ẩu được. Không thì lại làm trò cười cho thiên hạ, như một tờ báo nào đó đã viết.

Nhưng cũng đừng đau khổ quá các bạn ạ, vì như tôi đã nói ở trên, khắp thế giới này rất nhiều nước bị lỗi như thế. Họ cũng bị làm trò cười đấy thôi, đâu chỉ riêng mình. Dưới đây xin giới thiệu một số ví dụ có thật để thấy rằng không chỉ VN sai mà thế giới cũng sai, có khi còn rất trầm trọng đấy nhé. Đây này (nguồn ở đây: http://englishenglish.com/english_funny.htm):

At a Budapest zoo:
PLEASE DO NOT FEED THE ANIMALS. IF YOU HAVE ANY SUITABLE FOOD, GIVE IT TO THE GUARD ON DUTY.
 
Cocktail lounge, Norway:
LADIES ARE REQUESTED NOT TO HAVE CHILDREN IN THE BAR.
 
Doctor's office, Rome:
SPECIALIST IN WOMEN AND OTHER DISEASES.
 
Hotel, Acapulco:
THE MANAGER HAS PERSONALLY PASSED ALL THE WATER SERVED HERE.
 
Car rental brochure, Tokyo:
WHEN PASSENGER OF FOOT HEAVE IN SIGHT, TOOTLE THE HORN. TRUMPET HIM MELODIOUSLY AT FIRST, BUT IF HE STILL OBSTACLES YOUR PASSAGE THEN TOOTLE HIM WITH VIGOUR.
 
In a Nairobi restaurant:
CUSTOMERS WHO FIND OUR WAITRESSES RUDE OUGHT TO SEE THE MANAGER.
 
On the grounds of a private school:
NO TRESPASSING WITHOUT PERMISSION.
 
On a poster in New York:
ARE YOU AN ADULT THAT CANNOT READ? IF SO, WE CAN HELP.
 
In a City restaurant:
OPEN SEVEN DAYS A WEEK, AND WEEKENDS TOO.
 
A sign seen on an automatic restroom hand dryer:
DO NOT ACTIVATE WITH WET HANDS.
 
In a Indian maternity ward:
NO CHILDREN ALLOWED.
 
In a cemetery:
PERSONS ARE PROHIBITED FROM PICKING FLOWERS FROM ANY BUT THEIR OWN GRAVES.
 
Tokyo hotel's rules and regulations:
GUESTS ARE REQUESTED NOT TO SMOKE OR DO OTHER DISGUSTING BEHAVIOURS IN BED.
 
On the menu of a Swiss restaurant:
OUR WINES LEAVE YOU NOTHING TO HOPE FOR.
 
In a Bangkok temple:
IT IS FORBIDDEN TO ENTER A WOMAN EVEN A FOREIGNER IF DRESSED AS A MAN.
 
Hotel room notice, Thailand:
PLEASE DO NOT BRING SOLICITORS INTO YOUR ROOM.
 
Hotel brochure, Italy:
THIS HOTEL IS RENOWNED FOR ITS PEACE AND SOLITUDE. IN FACT, CROWDS FROM ALL OVER THE WORLD FLOCK HERE TO ENJOY ITS SOLITUDE.
 
Hotel lobby, Romania:
THE LIFT IS BEING FIXED FOR THE NEXT DAY. DURING THAT TIME WE REGRET THAT YOU WILL BE UNBEARABLE.
 
Hotel, Yugoslavia:
THE FLATTENING OF UNDERWEAR WITH PLEASURE IS THE JOB OF THE CHAMBERMAID.
 
Hotel, Japan:
YOU ARE INVITED TO TAKE ADVANTAGE OF THE CHAMBERMAID.
 
In the lobby of a Moscow hotel across from a Russian Orthodox monastery:
YOU ARE WELCOME TO VISIT THE CEMETERY WHERE FAMOUS RUSSIAN AND SOVIET COMPOSERS, ARTISTS, AND WRITERS ARE BURIED DAILY EXCEPT THURSDAY.
 
Taken from a menu, Poland:
SALAD A FIRM'S OWN MAKE; LIMPID RED BEET SOUP WITH CHEESY DUMPLINGS IN THE FORM OF A FINGER; ROASTED DUCK LET LOOSE; BEEF RASHERS BEATEN IN THE COUNTRY PEOPLE'S FASHION.
 
Supermarket, Hong Kong:
FOR YOUR CONVENIENCE, WE RECOMMEND COURTEOUS, EFFICIENT SELF-SERVICE.
 
In an East African newspaper:
A NEW SWIMMING POOL IS RAPIDLY TAKING SHAPE SINCE THE CONTRACTORS HAVE THROWN IN THE BULK OF THEIR WORKERS.
 
Hotel, Vienna:
IN CASE OF FIRE, DO YOUR UTMOST TO ALARM THE HOTEL PORTER.
 
A sign posted in Germany's Black Forest:
IT IS STRICTLY FORBIDDEN ON OUR BLACK FOREST CAMPING SITE THAT PEOPLE OF DIFFERENT SEX, FOR INSTANCE, MEN AND WOMEN, LIVE TOGETHER IN ONE TENT UNLESS THEY ARE MARRIED WITH EACH OTHER FOR THIS PURPOSE.
 
Hotel, Zurich:
BECAUSE OF THE IMPROPRIETY OF ENTERTAINING GUESTS OF THE OPPOSITE SEX IN THE BEDROOM, IT IS SUGGESTED THAT THE LOBBY BE USED FOR THIS PURPOSE.
 
An advertisement by a Hong Kong dentist:
TEETH EXTRACTED BY THE LATEST METHODISTS.
 
A laundry in Rome:
LADIES, LEAVE YOUR CLOTHES HERE AND SPEND THE AFTERNOON HAVING A GOOD TIME.
 
Tourist agency, former Czechoslovakia:
TAKE ONE OF OUR HORSE-DRIVEN CITY TOURS. WE GUARANTEE NO MISCARRIAGES.
 
The box of a clockwork toy made in Hong Kong:
GUARANTEED TO WORK THROUGHOUT ITS USEFUL LIFE.
 
In a Swiss mountain inn:
SPECIAL TODAY - NO ICE-CREAM.
 
Airline ticket office, Copenhagen:
WE TAKE YOUR BAGS AND SEND THEM IN ALL DIRECTIONS

Sao, bạn có cười không? Nếu không cười thì, hừm, bạn có nguy cơ sẽ viết ra những bảng hiệu tương tự như trên đấy. Xin dịch/giải thích tạm vài dòng nhé, những dòng còn lại thì bạn tự lo lấy. Những dòng được dịch đã được tô đậm ở trên để bạn dễ nhận ra.


Trong tiền sảnh một khách sạn đối diện với một tu viện Chính thống giáo của Nga

Chúng tôi hân hạnh đón quý vị đến viếng nghĩa trang này nơi những nhạc sĩ, họa sĩ và nhà văn nổi tiếng của Nga và Xô Viết được chôn cất hàng ngày trừ ngày thứ năm.

(Sao, bạn đã cười chưa? Câu này bị lỗi về bổ ngữ: lẽ ra cụm từ "hàng ngày trừ ngày thứ năm" phải nằm ngay ở gần cụm từ "hân hạnh đón quý vị" thì lại bị để ở cuối, nên nó bị hiểu lầm là bổ nghĩa cho cụm từ "được chôn cất", vậy đó mà!)

Ở một tiệm giặt ủi tại Rome

Các bà các cô hãy trút bỏ quần áo tại đây để tha hồ vui thú suốt buổi chiều.

 (Trời ơi, đất thánh mà khủng khiếp quá vậy? Dạ không phải, bảng hiệu đó chỉ muốn nói các bà, các cô mang quần áo bẩn trong nhà ra cho máy giặt nó giặt, và có thể nghỉ ngơi suốt cả buổi chiều chứ không phải còng lưng ra giặt nữa!)

Ôi, tiếng Anh đúng là lôi thôi, rắc rối thật các bạn nhỉ?

---------
PS: Đọc lại phần phỏng vấn mới thấy là báo không dùng hết ý phát biểu của tôi. Thực ra tôi đã có ý kiến nguyên văn như sau:

Đa số những từ bị bắt bẻ ở đây là bắt đúng rồi, không có gì oan ức cả
Nhưng có một vài từ dùng cả 2 cách đều được
- Ticketing counter hoặc ticket counter đều được, nhưng ticket counter thông dụng hơn
- Foreign exchange hoặc currency exchange thì mức độ phổ biến ngang nhau
- Riêng từ "to planes" thì dịch quá ngây ngô!
Đưa lên đây để chia sẻ với các bạn.

Wednesday, March 20, 2013

Loạt bài giới thiệu chuẩn châu Âu (1): Thế nào là trình độ B1, C1, và tại sao?

Loạt bài về chuẩn châu Âu này tôi đã định viết lâu rồi, từ thời còn làm việc tại Trung tâm Khảo thí của ĐHQG-HCM, nhưng mãi đến bây giờ, sau khi nghỉ khỏi ĐHQG-HCM đến gần 2 năm rồi, tôi mới tìm thấy thời gian và điều kiện để viết. Nếu còn ở trong nhà nước thì những việc như thế này có thể xin một chút kinh phí của nghiên cứu khoa học để đọc, dịch, viết, xuất bản vv, nhưng thực ra cũng rất nhiêu khê và mệt mỏi lắm. Nay ra ngoài rồi thì cứ bỏ tiền túi và thời gian riêng ra làm, làm được thì chia sẻ với ai có quan tâm, thế là ... dễ nhất!

Quay trở lại câu chuyện thời tôi còn ở ĐHQG-HCM. Lúc ấy, Trung tâm của tôi (và bản thân tôi) có làm một đề án nhằm cải cách việc thi cử tiếng Anh tại ĐHQG-HCM bằng cách dựa vào các chuẩn mực chung của quốc tế, đồng thời dựa vào một tổ chức khảo thí "khổng lồ" là Cambridge để tạo ra cái test của chính ĐHQG-HCM. Ý tưởng khá đơn giản: Mua lại câu hỏi của họ (vốn đã có sẵn) để làm lõi cho cái test của mình (trong nghề chuyên môn gọi là anchor, tức là "neo"), đồng thời tạo thêm những phần khác trong bài test theo nhu cầu của người học VN, và thực hiện nghiên cứu, chuẩn hóa các câu test do chính mình tạo thêm để cuối cùng những câu test của VN cũng trở thành những câu test được chuẩn hóa. Nói cách khác, một kiểu hợp tác để có technology transfer từ Cambridge sang VN.

Ý tưởng lớn nhưng đơn giản và theo tôi là rất hay; mọi việc cũng đang chạy được một lúc thì sau đó đề án này bị chống đối kịch liệt do nó "xâm phạm vào quyền tự do của các trường thành viên". Nôm na là như thế này: lúc ấy, mọi trường thành viên đều có quyền tạo ra cái test của mình, tự mình dạy tự mình thi tự mình cấp bằng, và mọi thứ chẳng có chuẩn mực gì cả. Trong khi trên thế giới thì việc làm test là một công việc đòi hỏi có rất nhiều hiểu biết về khoa học trắc nghiệm (cái này thì dễ, ai học rồi thì cũng biết), và quan trọng hơn, là phải có kinh nghiệm áp dụng những kiến thức này trong thực tế, và nghiên cứu thường xuyên để đảm bảo cái test của mình test cho được điều nó muốn test.

Lúc ấy, tuy thất bại trong việc tạo ra một cái test của VN (của ĐHQG-HCM) có yếu tố quốc tế thực sự (vì liên kết với Cambridge), nhưng tôi cũng làm được một việc là giới thiệu chuẩn châu Âu vào VN, vì thấy đó là xu hướng quốc tế trong một thế giới "đa chuẩn", vì lúc ấy VN có chuẩn VN  (thậm chí trường nào có chuẩn của trường đó), Mỹ có chuẩn Mỹ, Anh-Úc có chuẩn Anh-Úc, và ai cũng nói rằng chuẩn của mình là đúng và chẳng có cách nào quy đổi giữa các "chuẩn" với nhau.

Nói cách khác, lúc ấy giống như thời "ngăn sông cấm chợ", không hề có sự trao đổi, liên thông - liên kết giữa các nơi, khiến cho người học cứ phải học đi học lại, thi đi thi lại và hoàn toàn không thể rõ mình đang ở chỗ nào một cách độc lập với các chuẩn kia. Chẳng hạn, nếu được 520 điểm TOEFL thì thực ra điều đó có nghĩa là gì nhỉ? Có tương đương với 650 TOEIC không, hay cao hơn hoặc thấp hơn? Mà nó là bao nhiêu khi so với IELTS hoặc các loại test khác nữa mà người VN chưa biết?

Tình trạng ấy tất nhiên không chỉ xảy ra ở VN mà còn ở trên thế giới nữa. Cho nên mới có nhu cầu tạo ra một khung quy chiếu chung của châu Âu (common European framework) về trình độ ngoại ngữ mà bây giờ ở VN người ta hiểu là chuẩn châu Âu. Và may quá, không chỉ có tôi nghĩ đến chuẩn châu Âu như một giải pháp cho VN, mà ở tận trung ương xa xôi kia cũng có những người nghĩ đến nó. Và rồi thì một ngày đẹp trời kia vào năm 2007, đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã ra đời, trong đó chuẩn châu Âu được chọn là cơ sở cho việc tính toán các mức trình độ cần thiết phải đạt cho các đối tượng khác nhau, như chúng ta đã biết ngày nay.

Nói thêm, ngay từ đầu (từ năm 2007) tôi cũng đã được ĐHQG-HCM đề cử tham gia đề án này, nhưng sau một lần họp đầu tiên thì không thấy ai mời nữa cho đến khoảng giữa năm 2012 thì tôi lại được mời tham gia nhưng lần này không đại diện cho ai hết mà là với tư cách chuyên gia (độc lập) về kiểm tra-đánh giá tiếng Anh, và biết rằng đề án cũng đã làm được một số việc quan trọng. Nhưng so với "tham vọng" của đề án thì có lẽ còn xa lắm mới đạt được, vì một điều đơn giản: tinh thần của chuẩn châu Âu hiện vẫn còn được hiểu rất lơ mơ, ngay từ trong giới thầy cô giáo ở ĐH và dạy ở các trường chuyên đào tạo cử nhân Anh văn, chứ đừng nói đến giáo viên phổ thông, và xa hơn nữa là các học viên tiếng Anh và toàn xã hội.

Bây giờ, xin nói về "chuẩn châu Âu". Nếu ai chưa hiểu rõ về cái "chuẩn" này thì xin giới thiệu vắn tắt rằng nó là một khung quy chiếu chung về trình độ dành cho mọi ngôn ngữ, theo đó các trình độ ngôn ngữ của một người được chia làm 6 mức thuộc 3 nhóm: sử dụng căn bản (basic users - A1 và A2); sử dụng độc lập (independent users B1 và B2); và sử dụng thành thạo (proficiency users - C1 và C2). Các bạn có thể tìm hiểu thêm ở đây: https://www.ielts.org/researchers/common_european_framework.aspx

Khi nhìn vào tên gọi của các trình độ (3 trình độ, mỗi trình độ có 2 mức cao và thấp) thì ta sẽ hiểu ngay lý do tại sao sinh viên tốt nghiệp đại học của VN phải đạt B1 rồi: nó là mức thấp nhất mà ta có thể đặt cho một người muốn sử dụng được tiếng Anh trong công việc, trong học tập và trong giao tiếp xã hội nói chung. Nếu thấp hơn trình độ này thì vẫn chưa thực sự làm được gì cả.

Bởi thấp hơn B1 thì sẽ là trình độ A tức trình độ cơ bản, với trình độ này (dù ở mức cao là A2) thì khi gặp người nước ngoài sẽ có thể chào hỏi được, nói sơ sơ về gia đình, công việc, sở thích vv, tóm lại là có thể nói chuyện chút chút khi ăn tối, dự tiệc buffet, hỏi thăm về gia đình, công việc có tốt không, nhưng không thể bàn luận bất cứ đề tài gì về văn học nghệ thuật hay khoa học kỹ thuật chính trị xã hội gì cả. Nói cách khác, chưa làm việc được, và cũng chưa thực sự trao đổi gì được với đối tác cả, mà chỉ xã giao được thôi - bắt tay, chào hỏi, nói đùa vài 3 câu quen thuộc vv.

Cũng vậy, nếu đã là giáo viên dạy tiếng Anh thì hẳn lả phải đạt C1, là trình độ thành thạo ở mức thấp nhất. Vì thành thạo có nghĩa là có thể sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác (chưa kể là phải dùng một cách hay, đẹp) để làm mẫu cho người  khác học. Và thành thạo có nghĩa phải sử dụng được tiếng Anh để hiểu và diễn đạt về hầu hết mọi vấn đề, chứ không bó hẹp trong một số chủ đề nào đó. Chà, cái này thì khó đây, cho nên hiện nay tôi thấy có xu hướng hạ chuẩn giáo viên xuống mức B2 (dù có nói ra hay không).

Tôi nghĩ, để đi dạy thì đúng là không thể thấp hơn B2 được, nhưng vẫn cần phấn đấu để đạt C1 trong tương lai. Có như thế thì VN mới mong hội nhập và cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Nên nhớ rằng đến năm 2015 thì thị trường lao động tại VN cũng là thị trường chung của Đông Nam Á rồi. Người Việt mà kém tiếng Anh thì mấy công việc tốt tốt ở công ty nước ngoài đóng tại VN sẽ do người Phi, người Thái, người Indo đảm nhiệm hết!!!!

Nói thêm: tôi nhận thấy đa số người VN (không phải dân chuyên học tiếng Anh) được xem là có trình độ ngoại ngữ và tự tin sử dụng nó trong giao tiếp hàng ngày thực ra cũng chỉ mới đạt trình độ A2 mà thôi. Tất nhiên có thể khả năng đọc hiểu của họ cao hơn rất nhiều, nhưng đó là khi họ ngồi một mình với văn bản, có điều kiện tra cứu trên mạng, tra từ điển hoặc từ điển bách khoa vv; khi đó, trình độ văn hóa (học vấn) và kinh nghiệm làm việc của những người này đã giúp họ có thể khai thác các nguồn tài liệu bằng tiếng Anh, nhưng đó là kỹ năng thông tin chứ không phải là kỹ năng ngoại ngữ đúng nghĩa. Kỹ năng ngoại ngữ đòi hỏi người sử dụng phải sử dụng ngay lập tức trong giao tiếp trực diện, tức là tính automaticity rất cao. Và người VN đa số không có điều kiện để đạt trình độ cao hơn A2, khi xét đến tính "tự động" này.

Một bài viết thật tản mạn, xem như là bài mở đầu cho loạt bài hy vọng sẽ chứa nhiều thông tin này. Thay cho lời cuối, xin có đôi lời thổ lộ: tôi cảm thấy vô cùng sốt ruột trước tình hình dạy và học tiếng Anh tại VN, các bạn ạ! Nỗi buồn tiếng Anh của tôi hình như ngày càng lớn, than ôi!

Tuesday, March 19, 2013

Tiếp tục chuyện chuẩn châu Âu: "Giải pháp nào cho chuyện đạt chuẩn" (Nguyễn Vạn Phú)

Hôm qua tôi có viết một mẩu giới thiệu bài viết của nhà báo NVP, và có nói rằng tôi sẽ chờ đọc bài viết về giải pháp của anh. 

Và đúng là cầu được ước thấy, hôm nay mở facebook ra đã thấy đường link dẫn đến bài viết của anh NVP rồi. Bài ấy ở dưới đây, các bạn đọc và trao đổi nhé. Riêng tôi thì tôi đồng ý về đại thể với bài viết, và cũng có một vài ý muốn trao đổi lại. Nhưng để lúc nào có thời gian chút đã.
----------------------
Giải pháp nào cho chuyện đạt chuẩn?
Như tôi đã nói trong entry trước, chuẩn hóa giáo viên là bước đi đúng đắn vì không thể nào hy vọng học sinh giỏi lên theo đề án nếu giáo viên vẫn còn yếu kém. Chuyện giáo viên không nói được tiếng Anh với người nước ngoài hay thầy cô giáo phát âm sai, dạy sai là không thể chấp nhận. Chỉ có 2% đến 3% thi đạt chuẩn là chuyện lớn, có khả năng làm thất bại một đề án. Vấn đề còn lại là tiến hành việc chuẩn hóa như thế nào.
Trước tiên, cần khẳng định không hề có cái giấy nào chứng nhận người học tiếng Anh đạt các cấp độ trong chuẩn châu Âu CEFR như B1, B2, C1. Cho nên một trường đại học nào đó tổ chức thi rồi tuyên bố bao nhiêu người thi đạt chuẩn là chuyện tầm phào. Cái này đang bị lợi dụng để làm tiền mà tôi sẽ nói ở phía dưới.
Chỉ có thể công nhận đạt chuẩn B1, B2, C1… bằng cách sử dụng các hệ thống kiểm tra hiện có rồi phiên ngang xem thử đạt mức nào thì đến cấp độ nào. Ví dụ nếu dùng cách kiểm tra IELTS thông dụng thì 4.0 đến dưới 5.0 tương đương B1; 5.0 đến 6.5 tương đương B2; 7.0 đến dưới 8.0 tương đương C1; 8.0 đến 9.0 tương đương C2 (thông tin trên trang web của Cambridge English).
Vì vậy trước tiên Bộ Giáo dục & Đào tạo phải ra thông tư nói rõ có thể dùng các hệ thống kiểm tra này để công nhận đạt chuẩn. Có thể lấy các chương trình thông dụng hiện nay như IELTS, TOEFL, Cambridge Exam, thậm chí TOEIC để thi. Thông tư nói rõ với từng loại thì yêu cầu như thế nào.
Sau đó thông báo rộng rãi cho giáo viên rằng tôi cho anh chị 3 tháng hay 6 tháng ôn tập, xong rồi tự chọn một trong các hệ thống kiểm tra nói trên để thi, trong thời gian ôn tập, có thể phát phiếu học miễn phí cho giáo viên, giáo viên lấy phiếu để học ở bất kỳ trung tâm ngoại ngữ hay trường đại học nào mình chọn với điều kiện nơi này không được tổ chức thi. 
Để tránh chuyện cạnh tranh không lành mạnh, Bộ phải yêu cầu các nơi muốn dạy giáo viên để lấy phiếu (tức nhận tiền từ Bộ) phải tổ chức đấu thầu theo các tiêu chí do Bộ đề ra, nơi nào đạt mới được dạy. Còn cho phép các trường đại học và một số trung tâm soạn ra chuẩn của họ, đề thi của họ và tuyên bố thế này thế kia là đạt chuẩn là một sai lầm.
Hiện nay cả nước chỉ có khoảng 8 trường đại học được Bộ công nhận cho phép đào tạo và cấp chứng chỉ. Vì vừa được tổ chức dạy vừa tổ chức thi nên học phí rất lung tung. Ví dụ một nơi lấy 3,5 triệu/học viên, dạy trong 3 tháng, 150 giờ. Nhưng một nơi khác lại lấy đến 8,5 triệu/học viên, cũng gọi là dạy chừng ấy giờ nhưng thực chất chỉ 3 tuần học 6 tối rồi các giảng viên bay vào ôn và cho thi, hầu như ai cũng đạt! Ở miền Trung thì các trường đại học ngoại ngữ cứ soạn đề không theo chuẩn mực nào cả, lấy đề thi IELTS một chút, TOEFL một chút, First Certificate một chút rồi kiểm tra. Làm vậy là sai phương pháp rồi. 

Chuyện thi phải nghiêm túc và vì các hệ thống kiểm tra đa phần là của nước ngoài nên cứ để nước ngoài tổ chức, không để tình trạng vừa dạy vừa kiểm tra. Đã làm thì phải cương quyết, chứ cứ cho các trường đại học dạy bồi dưỡng rồi tổ chức thi và công nhận đạt chuẩn thì chẳng mấy chốc, tỷ lệ đạt chuẩn sẽ cao, mọi chuyện đâu vào đó nhưng thực chất chất lượng giáo viên không thay đổi được gì.
Ngược lại cũng đừng thần tượng hóa bất kỳ hệ thống kiểm tra nào, chẳng hạn cứ đòi Cambridge mới được. TOEIC coi bộ gần gũi với người Việt Nam hơn.
Để nước ngoài kiểm tra cũng hạn chế chuyện tiết lộ kết quả thi. Hiện nay kết quả được giữ kín nhưng ở Việt Nam cái gì cũng lộ ra. Tâm lý giáo viên bị ảnh hưởng là vì thế.
Và cuối cùng cũng phải nhấn mạnh, chuẩn này chỉ mới là kỹ năng ngôn ngữ; để làm người thầy dạy học sinh, cần phải có nhiều kỹ năng khác, nhất là kỹ năng sư phạm.
Chắc chắn không thể nào một sớm một chiều nâng số giáo viên đạt chuẩn từ 2%-3% lên 50% chứ chưa cần nói 80-90%. Vậy ai thi đạt chuẩn thì tốt rồi; ai chưa đạt cho phép học thêm một thời gian nữa để thi lại nhưng lần này chỉ cấp phiếu miễn phí 50% - 50% còn lại họ phải chịu nhưng ít nhất cũng đạt chuẩn thấp hơn một cấp. Tôi tin các thầy, cô có lòng tự trọng ắt sẽ tự mình đối chiếu năng lực với chuẩn rồi tự ôn luyện để thi cho đạt chứ không cần ai thúc đẩy. Cái họ đang cần là sự minh bạch và lộ trình kèm với cách làm rõ ràng.

Monday, March 18, 2013

Tiếp tục chuyện chuẩn châu Âu: "Rối rắm chuyện đạt chuẩn" (Nguyễn Vạn Phú)

Cách đây vài hôm tôi có viết một mẩu về chuẩn châu Âu, được rất nhiều người đọc và ủng hộ, đặc biệt là các học viên cao học TESOL của tôi. Thực ra, bài viết ấy của tôi cũng chẳng có nhiều thông tin mới, vì chỉ đăng lại những thông tin trên báo chí, kèm một vài lời thở than, bình luận của tôi mà thôi. Sự quan tâm của độc giả đối với bài viết ấy chẳng qua là vì đó là một vấn đề nhức nhối có liên quan đến toàn bộ hệ thống giáo dục của VN, và dường như nó đang bị mắc kẹt ở đâu đó và mà chưa hề có lối ra. Bí rị!

Viết để đó, rồi quên đi, cho đến hôm qua thì tôi nhìn thấy trên tường facebook của mình có hiện lên một comment của nhà báo nổi tiếng Nguyễn Vạn Phú, đại khái chờ đợi tôi có ý kiến về một việc gì đó (hẳn là liên quan đến giáo dục hoặc tiếng Anh gì đó thôi, tôi nghĩ thế). Biết thế, nhưng bận quá nên tôi chưa đọc được. Hôm nay vẫn còn bận, nhưng tôi cũng cố tìm một chút thời gian để tìm hiểu xem nhà báo NVP muốn tôi có ý kiến về việc gì.

Thì ra lại là chuyện chuẩn châu Âu! Thế thì đúng nghề của tôi rồi đó. Nếu có thời gian thì tôi sẽ viết đến cả chục bài về việc này cũng được, vì "bắt trúng đài"! Nhưng vì đang bận quá, nên tôi sẽ chỉ đăng bài viết của anh NVP ở đây, rồi từ từ sẽ có nhận định của mình sau về vấn đề này. Các bạn đọc bài của anh NVP bên dưới, và trao đổi nhé!

Nói thêm: Riêng chuyện quy đổi từ chuẩn châu Âu (B1, B2, C1 vv) sang điểm số của các kỳ thi tiếng Anh quốc tế khác cũng đủ là đề tài để tôi viết thành mấy bài rồi. Vì hiện nay tại VN, dường như có rất nhiều cách hiểu khác nhau về thế nào là B1, B2, C1, C2. Ngay trên blog này tôi cũng đã một vài bài về điều ấy, trong đó tôi còn nhớ có bài "300 điểm TOEIC có phải là trình độ B1", đại khái thế. Và bài viết của anh NVP có đề cập đến việc Bộ Giáo dục đang đặt yêu cầu quá cao đối với giáo viên tiếng Anh, vì theo anh C1 là tương đương với 7.5 hoặc 8.0 IELTS và 110-120 TOEFL-iBT.

Thực ra, quy C1 sang thành các mức điểm như thế là hơi cao, cần hạ thấp xuống một chút. Vì 120 TOEFL-iBT là điểm tối đa của kỳ thi này, như thế thì phải tương đương với C2 mới đúng. Cũng vậy, đạt cỡ 7.0-7.5 IELTS là đã có thể xem là đạt C1 được rồi, còn 8.0 trở lên thì phải tương đương với C2. 

Có thể tham khảo ở đây: http://www.languagepoint.eu/Publi/docs/4_CEFR%20tabelle%20esami.pdf 

Tuy nhiên, chi tiết nho nhỏ này không hề làm giảm chút nào chất lượng bài viết của anh NVP với những vấn đề mà bài viết đặt ra. Và, cũng như nhiều bạn đọc khác (hẳn là thế), tôi cũng đang chờ đợi bài viết tiếp theo của anh NVP với những giải pháp của anh.

Enjoy, các bạn nhé!
------------------


Rối rắm chuyện đạt chuẩn
(Nguồn: Blog NVP)
Có thể tóm tắt theo kiểu đơn giản hóa câu chuyện đang rối như đống bùi nhùi liên quan đến dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam như sau:

+ Đầu tiên nhà nước thấy việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam không có hiệu quả bèn soạn đề án để cải tiến với cột mốc 2020, kinh phí lên đến nửa tỷ đô-la Mỹ.

+ Một trong những bước triển khai đầu tiên là khảo sát năng lực giáo viên theo chuẩn châu Âu (CEFR), giáo viên cấp 1 phải đạt cấp độ B1, giáo viên cấp 2 – cấp độ B2, giáo viên cấp 3 – cấp độ C1. Từ đó, mọi việc rối lên vì tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn rất thấp, ví dụ ở TPHCM, 1.100 giáo viên đi thi thì đến 929 vị không đạt. Trên bình diện toàn quốc, chỉ có 2%-3% giáo viên đạt chuẩn.

Chuẩn hóa giáo viên là bước đi đúng đắn vì không thể nào hy vọng học sinh giỏi lên theo đề án nếu giáo viên vẫn còn yếu kém. Những lập luận theo kiểu ăn lương Việt Nam mà đòi chuẩn châu Âu thiệt phi lý là lập luận không xác đáng.

Tuy nhiên, điều mỉa mai ở đây là chính Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phủ nhận toàn bộ bằng cấp đã cấp cho sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ngoại ngữ trong hàng chục năm qua.

Thừa nhận quá trình đào tạo là sai thì bây giờ song song với việc kiểm tra năng lực giáo viên, phải nhanh chóng ưu tiên cải cách chương trình giảng dạy đào tạo giáo viên ngoại ngữ ở các trường đại học đi chứ. Cứ đào tạo theo kiểu cũ rồi sẽ sản sinh một lớp giáo viên không đạt chuẩn mới.

Song song với việc yêu cầu giáo viên đạt chuẩn châu Âu (tức phải có cả bốn kỹ năng nghe nói đọc viết) thì chương trình học từ cấp 1 đến cấp 3 phải thay đổi, phải dạy cho học sinh cả bốn kỹ năng lúc đó tự nhiên sẽ nảy sinh yêu cầu giáo viên rành bốn kỹ năng. Việc thi cũng vậy.

+ Các trường đại học là nơi đào tạo giáo viên không đạt chuẩn nay lại được giao nhiệm vụ đào tạo lại chính những giáo viên đó rồi được phép tổ chức thi sao cho giáo viên đạt chuẩn. Đó là điều không tưởng. Vì vậy mới có chuyện biến tướng có hai loại khảo sát: khảo sát theo kiểu nước ngoài (tức nhờ Cambridge khảo sát) và khảo sát theo kiểu nội bộ (rồi sẽ xuất hiện các kiểu chạy giấy chứng nhận). Các trường đại học còn xem đây là dịp “cải thiện” thu nhập cho giảng viên, tổ chức dạy, tổ chức thi đủ kiểu.

+ Chuẩn mực là cái cần hướng tới nhưng chuẩn châu Âu như quy định là khá cao: C1 tương đương với IELTS 7.0 đến 8.0, hay bằng TOEFT-iBT đến 110-120 điểm. Đã nhiều năm thi cử cứ hướng đến chuyện đọc hiểu rồi ngữ pháp, làm sao giáo viên không mai một các kỹ năng khác. Nên có một giai đoạn chuyển tiếp để giáo viên tự điều chỉnh lại bốn kỹ năng của mình, nhất là hiện nay đối với đa số học sinh, kỹ năng đọc hiểu vẫn là kỹ năng hữu dụng nhất khi đi thi, kể cả thi tuyển sinh đại học, khi vào đại học hay khi ra đời làm việc. Cũng có người nói, nếu cứ kiểm tra theo kiểu này thì dẹp quách các trường đại học sư phạm ngoại ngữ đi, chỉ cần tổ chức thi tuyển, ai đạt B1, B2 hay C1 thì cho dạy ở các cấp tương ứng!!!

+ Quan trọng hơn cả chuẩn châu Âu (vào Google gõ CEFR sẽ thấy chi tiết) là để dành cho người học, sao lại áp dụng cho người dạy. Nói theo kiểu người dạy phải cao hơn người học hai cấp độ là không chuẩn. Người dạy đòi hỏi một bộ kỹ năng hoàn toàn khác, trong đó kỹ năng sư phạm là rất quan trọng.

+ Vấn đề cũng còn nằm ở chỗ chuẩn châu Âu như thế nhưng không hề có những bài kiểm tra để coi thử người thi có đạt hay không mà phải dùng các hệ thống kiểm tra đang tồn tại để kiểm tra rồi công nhận theo cách so sánh tương đương, ví dụ hệ thống kiểm tra TOEFL hay IELTS. Cái này phải nói cho rõ không thôi cứ lẫn lộn đủ thứ, tức là không hề có bằng (hay chứng chỉ hay chứng nhận) B1, B2, C1, C2…

+ Nhận xét cuối cùng, các trung tâm giảng dạy tiếng Anh tự nhiên có thêm một loại khách hàng mới: giáo viên tiếng Anh đi học lại – kể cũng là chuyện hy hữu.
Cập nhật: Có khá nhiều phản hồi về đề tài này. Tôi sẽ tổng hợp và viết tiếp bài khác, về việc đi tìm một giải pháp khả dĩ cho vấn đề này trong một hai ngày tới.

Một trường đại học non trẻ có thể trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế được không?

Đặt tựa ở đây, tối về viết!

Nếu ai quan tâm quá thì đọc tạm bài này, bằng tiếng Anh: https://htmldbprod.bc.edu/pls/htmldb/f?p=2290:4:0::NO:RP,4:P0_CONTENT_ID:119368 (vào link, nhìn bên tay trái có chỗ cho download --> lấy xuống đọc!)

Wednesday, March 13, 2013

Sợ "chuẩn châu Âu", và nỗi buồn tiếng Anh của VN

"Sợ 'chuẩn châu Âu'" là một phần của cái tựa của mẩu tin ngắn đăng trên Thanh Niên ngày hôm qua. Nguyên văn của nó, nếu tôi nhớ không lầm, là "Sợ 'chuẩn châu Âu', 40% giáo viên bỏ thi". Có thđọc đây: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130312/so-chuan-chau-au-40-giao-vien-bo-thi.aspx

Tựa thì ngắn, tin cũng ngắn, nhưng những gì chứa sau mẩu tin ấy là một câu chuyện dài vô tận, dài tính từ ngày hôm nay trở về quá khứ thì đã đành mà có thể cũng còn rất dài khi nhìn tới tương lai nữa. Ý tôi muốn nói là quá khứ đã để lại một di sản nặng nề là sự yếu kém của giáo viên tiếng Anh, còn làm sao để giải quyết cái di sản này thì hình như cho đến giờ vẫn chưa thực sự có giải pháp.

Không, thực ra thì giải pháp đã có rồi, ít ra là có trên giấy. Đề án 2020 đã được lập ra chính là để làm sao đến năm 2020 thì tiếng Anh phải trở thành thế mạnh của Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra những chuẩn mực về trình độ đầu ra tiếng Anh cho từng đối tượng. Ví dụ, hết tiểu học thì học sinh phải đạt tiêu chuẩn A1, hết trung học cơ sở là A2, và hết trung học cơ sở là B1. B1 cũng là trình độ đầu ra tối thiểu của sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, tất nhiên là trừ những sinh viên tốt nghiệp cử nhân Ngôn ngữ Anh (cử nhân Anh văn như ta thường gọi). Những sinh viên này khi tốt nghiệp tất nhiên phải đạt cao hơn, tối thiểu phải đạt B2, nếu không thể đạt C1. 

Những ai không phải là dân chuyên giảng dạy tiếng Anh thì chắc không hiểu A1, A2, B1, B2 vv là gì, mà chỉ biết đơn giản, đó là "chuẩn châu Âu"! Mà chuẩn châu Âu thì hẳn phải là một cái gì đó ghê gớm lắm, vì ai chẳng biết mức sống ở châu Âu cao như thế nào so với Việt Nam. Nên chắc hẳn trình độ tiếng Anh theo chuẩn châu Âu cũng phải là một trình độ rất cao, khó lòng đạt nổi đối với giáo viên VN. Tôi nhớ đã có lần đọc trên báo có một giáo viên nào đó than rằng, trả lương (bèo) như vậy mà đòi chúng tôi đạt chuẩn châu Âu, nghe vừa buồn cười, vừa đau lòng quá đỗi. Vì chuẩn châu Âu hay chuẩn Mỹ (như TOEFL, TOEIC) hoặc chuẩn Anh, Úc (IELTS), thậm chí chuẩn ... Tàu (vì TQ cũng có thiết kế một loại đề thi tiếng Anh cấp quốc gia cho riêng mình) thì cũng chlà đđo các mức trình độ tiếng Anh từ mới học đến thành thạo mà thôi.

Mà giáo viên của mình hiện nay đã là 2013, còn có 7 năm nữa là đều phải đạt cỡ C1 hết, vậy mà bây giờ thì ngay ở trình độ B1, tức trình độ mới bắt đầu có thể sử dụng độc lập (ngày xưa hay gọi là trình độ trung cấp, thậm chí tiền trung cấp) còn chưa đạt được, thì dạy dỗ người học như thế nào đây? Nên mới có cái gọi là "nỗi buồn tiếng Anh" là như thế. (Cái cụm từ này là do một người bạn của tôi đặt ra đấy, nhại theo "nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh.)
 
Về nỗi buồn tiếng Anh này tôi còn có thể nói được dài dài, nhưng tạm thời hôm nay cứ mào đầu như thế đã. Sẽ viết thêm sau. Còn dưới đây là  một mẩu tin chi tiết hơn, lấy từ trang Sống mới (SM) online, nhưng tiếc là tôi quên chép link lại nên không có link, đành tạm đăng lên thế. 
 
Biết làm gì đây?
-------------------

Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, ông Nguyễn Đắc Hùng cho biết, 40% giáo viên bỏ thi trong cuộc thi khảo sát “chuẩn châu Âu” B1, B2 tháng 2/2013 .


Ông Hùng quan ngại việc triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 sẽ gặp nhiều bất cập khi kết quả đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên (GV) ở nhiều tỉnh/TP chỉ có 2-3 % GV đạt chuẩn châu Âu. Đại bộ phận GV chưa đạt chuẩn châu Âu chiếm tới 97%-98%. Tỉ lệ này đang đe dọa đến sự thành công của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Theo kế hoạch của Bộ, GV tiếng Anh THCS phải thành thạo 4 kỹ năng cơ bản với trình độ ngôn ngữ tương đương IELTS 5.5 hoặc TOEFL 500.

Trong một cuộc thi khảo sát trên máy nhằm kiểm tra năng lực của giáo viên  Đồng Nai do Hội đồng Khảo thí ĐH Cambridge tại Việt Nam tổ chức. Các thí sinh sẽ được nhận mã bài thi và thực hiện khảo sát trên máy. Kết quả cho thấy, bậc tiểu học có 174/319 GV đạt và vượt chuẩn (54,5%), THCS: 65/819 GV đạt và vượt chuẩn (7,9%), THPT có 13/335 GV đạt chuẩn (3,8%).

Muốn triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tất yếu phải chuẩn hóa đội ngũ GV giảng dạy, sau đó mới chuẩn hóa ở đầu ra cho giáo sinh vì GV chính là mắt xích quan trọng trong Đề án, nhưng bản thân các trường sư phạm gặp khá nhiều khó khăn khi đào tạo GV đáp ứng đủ yêu cầu của bộ vì lâu nay các trường vẫn đào tạo theo “tiêu chí Việt Nam”.

Trong khi đó, thực tế muốn đào tạo GV “chuẩn Âu” yêu cầu sinh viên sư phạm phải có nền tảng từ bậc phổ thông. Mà ở bậc phổ thông, chủ yếu các em được học về ngữ pháp, trong khi đó, yêu cầu lớn nhất của Đề án đòi hỏi người dạy phải có kỹ năng nghe, nói. Đó là rào cản lớn nhất của người học. Bên cạnh đó, GV giỏi tiếng Anh thường đi làm trái nghề, công việc thu nhập cao, không muốn theo nghiệp nhà giáo với thu nhập hạn chế.

Trong kỳ thi cao học tháng 8/2013 của Trường Đại học sư phạm HN, cũng như nhiều trường Đại học khác, các thí sinh không chuyên tiếng Anh muốn dự thi phải có bằng B1, điều này khiến không ít người lo sợ, đổ xô thi vào đợt tháng 3/2013, tạo áp lực khá lớn cho người muốn theo học sau đại học. Nhà nước muốn nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng cần phải dựa trên tình hình thực tế. Trong khi từ trước luôn đào tạo theo “tiêu chí Việt Nam” bỗng dưng ngay lập tức đổi chuẩn châu Âu, khiến GV khó đáp ứng kịp. 40% giáo viên bỏ thi trong cuộc khảo sát B1, B2 vì họ biết chắc là sẽ không đạt. 

Chưa thấy Bộ sẽ có hình thức nào để xử lý các giáo viên “cúp cua” kiểu này. Song qua sự việc trên, cũng có thể thấy chất lượng dạy và học, ở ngay tầm của giáo viên cũng đang phổ biến ở mức thấp, huống chi tính đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ở các cấp mà năm nao Bộ GD&ĐT cũng nêu cao khẩu hiệu.

Monday, March 11, 2013

Tài nguyên học tập mở (3): 160 free textbooks

Nếu các bạn có đủ trình độ tiếng Anh thì sợ gì không có sách để học, chỉ sợ không có thời gian để học thôi!  Không tin ư? Các bạn vào đây nhé: http://www.openculture.com/free_textbooks

Tôi đã đọc qua một vài cuốn trong ấy, và quả là chúng được viết bởi các tác giả có tên tuổi. Để tiện cho các bạn, xin chép lại đây danh sách 160 cuốn sách giáo khoa miễn phí ấy, thuộc đủ mọi lãnh vực:

160 Free Textbooks: A Meta Collection


Art History
Biology
Business and Management
Chemistry
Computer Science and Information Systems
Earth Science
Economics & Finance
Education
Engineering
History
Languages
Linguistics
Mathematics
Music
Philosophy
Physics
Political Science
Psychology
Sociology
Find more texts in our Free eBooks and Free Audio Books collections

Friday, March 8, 2013

Tài nguyên học tập mở (2): Yale open courses

Tên tuổi của ĐH Yale thì chắc hẳn không người VN nào là không biết, nên tôi sẽ không cần phải giới thiệu nữa. Nhưng số người VN thực sự có mong muốn được học với các giáo sư của Yale thì chắc chắn là không nhiều, vì ai cũng biết khả năng này đối với VN là vô cùng hạn chế.

Nhưng thực ra không phải thế. Hãy đọc những lời tự giới thiệu sau đây của Yale Open Courses trên trang fb của mình:

[T]hanks to Open Yale Courses anyone, anywhere can access some of the best Yale teachers and scholars anytime for free! Since 2009, more than 3.3 million unique visitors from over 250 countries have enjoyed Open Yale Courses. 

Bạn đã đọc kỹ những dòng trên đây chưa? Chú ý nhé, bất kỳ ai ở bất cứ nơi nào cũng có thể tiếp cận được với những vị giáo sư giỏi nhất của Yale và hoàn toàn miễn phí!!!! Mà điều này đã tồn tại đến năm thứ 4 rồi đấy, vì Yale Open Courses đã bắt đầu từ năm 2009, và hiện nay đã có hơn 3 triệu người (vâng, 3 triệu người khác nhau, không phải là 3 triệu lượt người, hãy chú ý từ unique visitors bạn nhé) từ hơn 250 nước khác nhau được hưởng lợi từ kho tài nguyên học tập mở của ĐH Yale.

Bạn không tin ư? Hãy vào đây, các bạn ạ: http://oyc.yale.edu/. Hoặc vào đây, nếu bạn chỉ quan tâm đến video (vì có thể nghe nhìn, giống như trong lớp học thật): http://www.youtube.com/user/YaleCourses/videos?view=1

Nói thêm, các giảng viên của VN, đặc biệt là các giảng viên trẻ, rất nên khai thác nguồn tài nguyên này để cập nhật kiến thức và bổ sung vào bài giảng của mình. Cần gì phải đi đâu tu nghiệp, nếu bạn muốn thì chỉ cần ngồi ở nhà với một cái máy tính là bạn cũng có thể luôn luôn cập nhật được kiến thức chuyên môn của mình cơ mà.

Cho nên, nếu các bạn không giỏi thì chính các bạn có lỗi, phải không? Và nếu bạn không thể khai thác được kho tài nguyên vô giá này chỉ vì rào cản tiếng Anh, thì bạn lại càng đáng trách hơn nữa!

Đừng để rào cản tiếng Anh làm hạn chế các cơ hội của bản thân mình nhé, các bạn ơi!

 

Tuesday, March 5, 2013

Tài nguyên học tập mở (1): Bookboon, nguồn sách giáo khoa miễn phí

Bạn đang giảng dạy ở đại học, trung học hoặc dạy kèm tại các trung tâm, và không có đủ tiền để mua tài liệu tham khảo thêm cho bài giảng của mình?

Bạn là sinh viên nghèo, không có tiền mua sách giáo khoa để học, hoặc tài liệu tham khảo để đọc thêm?

Bạn muốn trau giồi tiếng Anh trong các lãnh vực nghề nghiệp, nhưng không có nơi nào dạy?

Vâng, giải pháp cho tất cả các bạn là đây, Bookboon, một nguồn tài nguyên học tập mở rất hào phóng, một nơi chuyên cung cấp sách giáo khoa điện tử miễn phí cho tất cả các bạn, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt quốc gia hoặc khu vực địa lý nào cả. Tất cả những gì bạn cần là có khả năng truy cập internet. Và tất nhiên, có chút tiếng Anh, đủ để đọc hiểu những tài liệu này (Nói thêm: nếu bạn thấy mình chưa có đủ trình độ tiếng Anh cũng không sao, có lẽ lại càng tốt thì đúng hơn, vì như thế có nghĩa là bạn sẽ có động cơ để tự học tiếng Anh, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin - truyền thông thời nay).

Dưới đây là lời tự giới thiệu của Bookboon, rất ngắn gọn:

Online Textbooks for Free
Bookboon's free online textbooks for students are focused and to the point. They are all written by highly respected professors from top universities in the world and cover topics such as economics, statistics, IT, engineering and natural science.

Sách giáo khoa trực tuyến miễn phí
Các SGK trực tuyến miễn phí của Bookboon dành cho học sinh/sinh viên đều rất cô đọng và đi đúng trọng tâm. Tác giả của những cuốn sách này đều là những giáo sư có danh tiếng từ những trường đại học hàng đầu trên thế giới và đề cập đến các chủ đề như kinh tế, thống kê, IT, công trình, và khoa học tự nhiên.

Nói vắn tắt, hầu như tất cả các ngành học đều có trong Bookboon, các bạn ạ. Ngoài ra, và đây là phần tôi thích nhất, trang Bookboon này có phần personal and professional development (phát triển cá nhân và phát triển nghề nghiệp), với những cuốn sách mà bất kỳ ai cũng cần đọc như Emotional Intelligence (Trí tuệ cảm xúc), Stress Measurement in Less than One Minute (Đo lường sự căng thẳng chỉ trong hơn nửa phút), hoặc Personal Confidence and Motivation (Tự tin và động lực), vân vân.

Vâng, đúng là một kho tàng quý giá. Các bạn vào lấy xuống mà đọc nhé; nếu ai không giỏi tiếng Anh thì đừng lo, hiện nay chúng ta đã có google dịch, không quá hay nhưng cũng tàm tạm để cho ta đoán được ý chính, còn phần còn lại thì phải tra cứu, mà tra cứu thì chính là một trong những kỹ năng học tập cần thiết mà người VN đang rất thiếu đấy các bạn ạ. Ngoài ra, nếu có chỗ nào bí quá, các bạn cứ thử đưa comment lên đây, tôi không dám hứa rằng mình có thể trả lời hết nhưng chắc chắn trong cộng đồng của chúng ta sẽ có người hiểu và sẵn lòng trả lời. Như thế, tức là chúng ta đang bắt đầu xây dựng một xã hội học tập rồi đó các bạn ạ.

Cuối cùng, có ai biết Bookboon có nghĩa là gì không nhỉ? À, nó là một từ ghép giữa book và boon. Book thì ai cũng biết rồi, còn boon (đọc là /bu:n/, âm u dài của tiếng Anh) thì định nghĩa đây, theo Từ điển Merriam-Webster online:

1: benefit, favor; especially: one that is given in answer to a request
2: a timely benefit : blessing

(Bạn có dịch được không? Riêng tôi, tôi muốn dịch từ này là "hồng ân", hoặc "ân sủng" gì đó, một cơ may từ trên trời rơi xuống.)

Vâng, đúng là một cơ may, một hồng ân ban xuống từ trên cao (thì, từ Internet mà lại). Chúng ta hãy hẹn nhau ở đây nhé: http://bookboon.com/en/textbooks.

Good luck to all of you!

Monday, March 4, 2013

Tài nguyên học tập mở (Open Educational Resources, OER): Đôi lời phi lộ

OER, tạm dịch sang tiếng Việt là tài nguyên học tập mở, là một phong trào toàn cầu bắt đầu từ đầu thế kỷ 21 này. Theo wikipedia (tiếng Anh), "tài nguyên học tập mở là những tài liệu dưới dạng sách in hoặc tài liệu đa truyền thông (multimedia) mà mọi người có thể tiếp cận, định dạng và cấp phép sử dụng, nhằm sử dụng để phục vụ việc giảng dạy, học tập, giáo dục, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu". Phong trào OER này bắt đầu vào khoảng chuyển giao thế kỷ (cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21), bắt đầu từ Hoa Kỳ và các nước nói tiếng Anh, rồi nhanh chóng lan rộng đến châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới, đến nay đã được hơn một thập niên, và sản phẩm của nó (chủ yếu bằng tiếng Anh) thì phải nói là nhiều vô số kể. Có thể nói, hiện nay bất cứ ai biết tiếng Anh, có ham muốn và có sự kiên trì thì cũng có thể tự học bất cứ cái gì từ các nguồn tài nguyên học tập mở này.

(Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Open_educational_resources)

Ở VN, tôi nhớ khoảng những năm đầu của thế kỷ 21 nhà nước cũng đã có những động thái nhằm hỗ trợ và cổ động cho phong trào này. Thậm chí, lúc ấy tôi còn nhớ có một đề án tin học hóa rất lớn là đề án 112, nghe rất hoành tráng nhưng vì ... VN là VN nên chỉ được vài năm thì đã phát hiện ra đủ thứ sai phạm và đề án phải ngưng lại, một số nhân vật phải ra hầu tòa, nhưng những gì đã mất đi thì ... nhà nước (và nhân dân, mà đúng hơn là chỉ có nhân dân) phải ráng chịu! Có thể đọc thêm ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81_%C3%A1n_112.

Tôi cũng nhớ trong lãnh vực giáo dục thì hình như Bộ Giáo dục cũng có một giai đoạn kêu gọi xây dựng học liệu mở (open courseware), cũng là một phần của phong trào OER nói trên. Tôi cũng đã từng nhìn thấy trên trang web của Bộ Giáo dục một nguồn tài liệu (giáo trình) mở như thế, không nhiều lắm nhưng cũng được sắp xếp theo các môn học và trình độ, nhưng hình như không có mấy tác dụng đến ai cả và cho đến nay mọi việc đã đi đến đâu thì cũng chẳng ai rõ.

Bản thân tôi cũng là một người rất mê phong trào OER cũng như việc ứng dụng ICT (công nghệ thông tin - truyền thông trong giáo dục), và thậm chí đã làm vài ba công trình khoa học nhằm ứng dụng IT trong lãnh vực kiểm tra-đánh giá, thi cử tiếng Anh hồi còn ở trường ĐHKHXH-NV. Từ lâu tôi đã muốn khai thác những nguồn tài liệu bằng tiếng Anh này để giúp người học VN vừa nâng cao trình độ tiếng Anh, vừa học hỏi thêm nhiều điều, mở rộng tầm mắt, có thêm kiến thức, kỹ năng vv để có thể hiểu biết hơn, có nhiều kỹ năng hơn, hiểu biết hơn, sống tốt hơn. Nhưng lực bất tòng tâm, điều kiện không cho phép, nên cũng chỉ biết muốn mà thôi!

Hôm nay, nhân ngồi tìm tài liệu để xây dựng một số môn học, tôi lại tìm đến những nguồn tài liệu này, và thấy thực sự tiếc rẻ nếu như những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và sẵn có này không được người VN khai thác. Tôi trộm nghĩ, nếu các giảng viên đại học của VN mà có đủ tiếng Anh (tôi chỉ nói những người ở mức trung bình, không dám động đến những vị được đào tạo tới nơi tới chốn từ phương tây, có bằng cấp và học vị cao, và là "đồ thật", không phải hàng giả), thì có lẽ chỉ cần sử dụng những tài liệu miễn phí này để dạy thôi, cũng đã có thể giúp nâng chất lượng của nền giáo dục của VN lên kha khá rồi đấy.

Vì nghĩ như vậy, nên tôi mở chuỗi (thread) bài về OER nhằm giới thiệu dần các nguồn tài liệu hữu ích đến cho mọi người sử dụng. Riêng hôm nay, vì là bài mở đầu nên tôi chưa giới thiệu bất cứ nguồn tài liệu nào, mà chỉ mới giới thiệu phong trào đến với các bạn mà thôi. Tuy nhiên, nếu các bạn sốt ruột thì có thể vào trang wikipidia mà tôi đã dẫn ở trên, nhìn phần cuối (links) sẽ có nhiều đường dẫn đến những nguồn tài liệu ấy. Và xin giới thiệu một nguồn mà tôi rất hay sử dụng, đó là Bookboon. Bạn cứ gõ Bookboon và google search, sẽ ra ngay thôi!

Hẹn các bạn ở những bài sau nhé.

Công bằng cho trường ngoài công lập: Vai trò nhà nước quyết định sự thành bại (Thanh Niên)

Đó là tựa bài đăng trên báo TN hôm nay, còn nội dung bài viết, trừ những phần trích dẫn người khác, là ... của tôi! :-)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130303/cong-bang-cho-truong-ngoai-cong-lap-ky-6-vai-tro-nha-nuoc-quyet-dinh-thanh-bai.aspx

Xin chép lại nội dung ở đây để lưu và chia sẻ với các bạn.

Và cũng cám ơn báo Thanh Niên đã ủng hộ và đăng ý kiến của tôi trên báo hôm nay.
 --------

Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 6: Vai trò nhà nước quyết định thành bại

Loạt bài Công bằng cho trường ngoài công lập nhận được nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, chân tình và quyết liệt của các chuyên gia giáo dục, với mong muốn nhà nước sẽ có những quyết sách phù hợp giúp hệ thống trường tư phát triển đúng vai trò của nó.   

>> Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 5: Đi ngược lại chủ trương
Cùng điểm xuất phát, nước phát triển, nước thụt lùi
Lịch sử phát triển ĐH tư của Malaysia và Việt Nam ban đầu khá giống nhau: Cả hai đều bắt đầu vào thập niên 1990; khi mới ra đời đều bị xã hội xem như trường "hạng hai" so với các trường ĐH công lập truyền thống lâu đời và là lựa chọn cho những người không thể vào được trường công lập.
Thế nhưng đoạn đường phát triển của ĐH tư ở 2 quốc gia hoàn toàn khác nhau. Trong hơn 2 thập niên qua, giáo dục ĐH  tư nhân của Malaysia phát triển khá thuận lợi cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ người học ở khối trường ĐH tư của nước này đến gần 50%. Từ chỗ  ĐH chỉ được đào tạo ở trình độ thấp như các chứng chỉ nghề ngắn hạn, khóa học trung cấp, CĐ hoặc phải liên kết với các trường nước ngoài để có thể đào tạo trình độ ĐH, đến nay đã có nhiều trường tư đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ. Không những thế, các trường ĐH tư của Malaysia còn thu hút được khá nhiều sinh viên quốc tế đến học, thậm chí một số trường trở thành tên tuổi lớn, là niềm tự hào của nền giáo dục quốc gia.
Công bằng cho trường ngoài công lập - Kỳ 6: Vai trò nhà nước quyết định thành bại
Sinh viên Trường ĐHDL Thăng Long, một trong những trường ĐH tư đầu tiên của Việt Nam - Ảnh: Ngọc Thắng
Trong khi đó, tại Việt Nam con đường phát triển của ĐH tư lại gập ghềnh với nhiều khúc quanh. Cho đến nay ĐH tư chỉ mới thu hút được 15% tổng số sinh viên theo học, và khả năng đạt 40% vào năm 2020 vẫn còn là một câu hỏi lớn, đặc biệt khi xét đến những khó khăn mà các trường tư của Việt Nam đã và đang gặp phải những năm gần đây trong việc thu hút sinh viên.
Cần chính sách minh bạch và ổn định
Khi so sánh các chính sách đối với trường tư của Malaysia và Việt Nam, có thể thấy vai trò chính của nhà nước có tác động lớn nhất đến sự thành bại của ĐH tư.
Tại Việt Nam, tất cả các trường ĐH tư đều được quản lý chặt chẽ bởi cùng những quy định vốn được xây dựng để quản lý các trường ĐH công. Chẳng hạn cho đến nay, chúng ta vẫn tổ chức thi tuyển sinh “3 chung” cho tất cả thí sinh vào các trường ĐH dù công hay tư.
Sự hỗ trợ của nhà nước là hợp lý và công bằng vì giáo dục là một loại hàng hóa đặc biệt. Nhưng hiện nay nhà nước không hề có chính sách nào hỗ trợ trường ngoài công lập mà để mặc các trường tự bươn chải, thậm chí dường như còn có tâm lý các trường không tuyển sinh được đều do kém cỏi.
 Là một người học, nếu 2 trường có chất lượng tương đương nhưng một trường phải đóng tiền gấp 3 -  4 lần trường kia thì có ai dại gì lại chọn trường đắt tiền? Chưa kể, trường tư ra đời sau nên cần thời gian "nuôi dưỡng" để phát triển và trưởng thành thì mới có thể tương đương những trường công kỳ cựu được. Sao lại lấy những sai sót, yếu kém của một loại hình trường sinh sau đẻ muộn  để so sánh với những trường kỳ cựu, được nhà nước đầu tư từ cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực, lại có sẵn thương hiệu… Thực ra, những trường ĐH công ở địa phương hay hệ tại chức, văn bằng 2 của trường công cũng rất kém, vậy ai chịu trách nhiệm? Trong khi tiền để hỗ trợ cho các trường công (yếu kém) này hoạt động chính là tiền thuế của dân.
 Ngoài ra, mọi người dân đều đóng thuế, tại sao khi đi học chỉ có những người vào được trường công mới được nhà nước hỗ trợ? Điều này  không công bằng với người học. Nhà nước không hỗ trợ cho trường mà phải hỗ trợ cho chính người học, tức là nếu sinh viên trường công được bao cấp 3 triệu đồng/năm thì thì sinh viên trường tư (cùng một đối tượng) cũng phải được như vậy. Học phí trường công chỉ 6 triệu vì đã được nhà nước cấp 3 triệu, thì khi học phí trường tư 20 triệu sinh viên sẽ chỉ phải đóng 17 triệu, còn nhà nước sẽ cấp cho trường tư thêm 3 triệu cho mỗi đầu sinh viên theo học. Đó là chính sách đã được thực hiện ở Mỹ qua các chương trình hỗ trợ người học, không phân biệt học trường công hay trường tư.
Để phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở VN, cần phải thực hiện những điều sau:
Có một quy hoạch rõ ràng ngay từ đầu về vai trò, vị trí của từng loại hình trường, sao cho có sự khác biệt về thị phần để 2 loại trường này không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.
Có tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch và ổn định về các yêu cầu chất lượng để quản lý trường (cả công lẫn tư) và có hệ thống giám sát  tốt, nghiêm ngay từ đầu.
Muốn đẳng cấp, cần phi lợi nhuận
Theo nhiều chuyên gia, muốn có các trường tư thục nổi tiếng về chất lượng, nên đi theo hướng phi lợi nhuận hoàn toàn. Nhưng với nhiều lý do, rất khó để xuất hiện một trường ĐH dạng này ở Việt Nam trong vài năm tới.
Theo Giáo sư Phạm Phụ, các trường nổi tiếng ở nước ngoài phần lớn là trường phi lợi nhuận. Ở Mỹ, các trường ngoài công lập vì lợi nhuận chủ yếu chỉ để bồi dưỡng, thực hiện chính sách xã hội học tập. Ở Việt Nam, nhiều trường còn phải gọi là “siêu lợi nhuận”. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có thói quen tài trợ, hiến tặng tài sản cho trường ĐH nên trông đợi một trường ĐH như vậy thì không biết đến bao giờ. Hiện tại tốt nhất vẫn là chọn hướng đi như một số nước: cổ đông góp vốn nhưng bị khống chế về lợi nhuận. Cụ thể là phần lợi nhuận thu được chia cho cổ đông chỉ nên bằng hoặc hơn một ít so với lãi suất ngân hàng, phần còn lại sẽ tái đầu tư lại cho trường.
Phó giáo sư - TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định: “Hy vọng trường tư vọt lên tầng trên thì phải có trường hoạt động phi lợi nhuận như nước ngoài. Tiền đầu tư vào để phát triển giáo dục chứ không phải đầu tư như một công ty cổ phần để nhận lại lợi nhuận”.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Ly - Viện Đào tạo quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), trường không vì lợi nhuận sẽ không thể phát triển được nếu không có một hành lang pháp lý phù hợp. Đó là chính sách ưu đãi về đất đai và thuế. Nếu mọi khoản hiến tặng cho trường dân lập không vì lợi nhuận đều được miễn thuế, sẽ có nhiều doanh nhân vui lòng hiến tặng cho nhà trường. Hầu hết các trường ĐH tư ở Mỹ  và châu Âu vẫn là trường phi lợi nhuận.
Thế nhưng theo luật Giáo dục ĐH, các trường phát triển theo hướng phi lợi nhuận vẫn chưa được tự chủ hoàn toàn. Ông Dương Anh Đức cho rằng ở nước ngoài hầu như nhà nước không can thiệp chính sách của trường phi lợi nhuận.
Đăng Nguyên - Hà Ánh
(tổng hợp)
Ý kiến
Khuyến khích thị trường hóa giáo dục chứ không phải thương mại hóa
Ở Việt Nam, tư tưởng coi trường ĐH như một doanh nghiệp đang quá phổ biến. Cần khuyến khích thị trường hóa giáo dục, chứ không nên khuyến khích thương mại hóa giáo dục. Thị trường hóa là tạo cơ chế để các trường cạnh tranh công bằng nhưng mục tiêu tối thượng vẫn là giáo dục chứ không phải lợi nhuận. Còn thương mại hóa là xem giáo dục như ngành kinh doanh để kiếm tiền, coi ĐH như doanh nghiệp.
Ông Giản Tư Trung
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục - IRED)
Bỏ việc ấn định điểm sàn trong tuyển sinh ĐH
Việc ấn định ra mức điểm sàn chung cho tất cả các trường ĐH trên toàn quốc là không hợp lý và không cần thiết. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh được cấp ngân sách cho các trường ĐH công lập nên có thể ấn định mức điểm sàn cho hệ thống trường này để bảo đảm chất lượng đầu vào cũng như hạn chế việc chạy theo số lượng. Các trường ĐH ngoài công lập  nhằm đáp ứng nhu cầu học tập bậc ĐH ngày càng gia tăng của người dân mà không tốn ngân sách giáo dục của nhà nước, nên việc ấn định mức điểm sàn dựa vào kết quả một kỳ thi đại học gồm 3 môn để tước bỏ quyền học tiếp lên bậc ĐH của một số lượng rất lớn học sinh đã tốt nghiệp THPT là không hợp lý.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống
(Nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)