Saturday, July 31, 2010

Du học và vai trò của gia đình sinh viên quốc tế

Bài viết này tôi viết/dịch theo đặt hàng của PV Mai Lan của báo Doanh nhân Sài Gòn, hình như thế. Tôi không nhớ chắc lắm tên gọi tờ báo này vì nó khá mới, và vì ... tôi không phải là doanh nhân nên không đọc báo này;-).

Viết cũng đã lâu, gần cả tháng nay rồi. Nay được nhà báo cho biết bài đã đăng trên báo, nên có thể đăng lại lên đây cho bạn bè đọc chơi. Nói thêm, tôi viết bài này sau khi được một người bạn già (sáu bó, tức là sáu mươi tuổi ngoài rồi) gửi cho cái tin về vụ sv Việt tự tử ở nước ngoài, định đưa lên blog, nhưng đang viết thì được nhà báo ML đặt hàng viết cũng chủ đề này, nên hoàn thành bài viết (rất chậm chạp) và gửi cho tờ báo. Nay cũng đã được đăng, nên cám ơn nhà báo ML về việc này.

Nguyên văn bài mà tôi đã viết/dịch (nói đúng hơn, phải là dịch và giới thiệu) ở dưới đây, xin mời các bạn đọc nhé! Phần giới thiệu là của tôi, còn phần sau là phần dịch lấy từ trang University of Venus, ở đây
.
---
Du học và vai trò của gia đình sinh viên quốc tế

Gần đây, trên báo chí Việt Nam viết nhiều về vấn đề du học của học sinh Việt Nam, nhân việc dân cư mạng của người Việt ở nước ngoài đang xôn xao về vụ một du sinh VN chỉ mới 19 tuổi đã treo cổ tự tử. Trước khi tự kết liễu cuộc đời, du sinh này đã để lại một bức thư tuyệt mệnh và một tờ vé số. Theo tác giả của bức thư này, tờ vé số kia là nhằm hy vọng để lại cho mẹ em có được một chút tài sản. Còn điều nào có thể đau xót với một người mẹ hơn thế!

Đưa con cái ra nước ngoài du học hiện đang là một xu thế đang diễn ra trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Đối với các bậc phụ huynh cũng như bản thân các du học sinh, ra nước ngoài học đại học là một sự đầu tư hết sức tốn kém. Không chỉ về kinh tế, mà còn về thời gian chuẩn bị, và sự kiên trì, quyết tâm của người học. Một cuộc đầu tư kéo dài trung bình hàng chục năm từ khi bắt đầu có kế hoạch cho đến lúc thực hiện xong, để có thể đạt được những kết quả mong đợi.

Thế nhưng, khi đầu tư vào công việc làm ăn, người chủ đầu tư luôn cân nhắc và thường xuyên theo dõi tiến độ và hiệu quả, thì đa số các bậc phụ huynh sau khi quyết định cho con cái đi du học – cũng là một cuộc đầu tư lớn – lại thường nghĩ rằng trách nhiệm của mình đã hết, còn lại thì khoán trắng cho nhà trường, và kết quả như thế nào thì chỉ biết phó mặc cho may rủi. Thái độ này không những đem lại những rủi ro cho người đầu tư, mà vụ tự tử của du sinh Việt được nêu ở phần mở đầu bài viết này là một ví dụ đau xót, mà thật ra cũng sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín của ngôi trường nơi có những vụ việc như vậy xảy ra – dù có thể nhà trường cũng đã cố gắng làm rất tốt trách nhiệm của mình.

Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường, đó không phải là khẩu hiệu mà chúng ta đã nghe đến nhàm tai trong nước, mà là lời kêu gọi khẩn thiết của tác giả Mag Palladino, là giảng viên đồng thời quản lý các chương trình quốc tế tại Đại học Boston, để sự đầu tư của gia đình các du sinh khi cho con em vào Mỹ đạt được hiệu quả cao nhất, và tránh được những bi kịch như du sinh Việt xấu số nói trên. Bài viết đã được đăng trên trang blog University of Venus vào ngày 2/7/2010 vừa qua. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bản dịch bài viết này đến bạn đọc.
-----
Thu hút gia đình sinh viên quốc tế: Vẽ lại bức tranh du học

Đang là mùa hè ở Boston và hầu như vào về thời gian này trong năm, bao giờ tôi cũng cảm thấy rất ghen tị với bạn bè đang làm việc ở các trường công lập. Một người bạn của tôi đang chuẩn bị đi nghỉ hè ở Corsica; một người khác đang có hai tháng nghỉ ngơi ở Tây Ban Nha. Tôi đã nghiêm túc xem xét có nên đi lấy chứng chỉ để được vào giảng dạy trong các trường công ở Boston hay chăng. Rồi tôi bỗng nhớ đến các bậc phụ huynh học sinh.

Một trong những “may mắn” khi làm việc với các sinh viên quốc tế trong giáo dục đại học là tôi chẳng mấy khi gặp các bậc phụ huynh. Những vị này không những ở cách xa tôi hàng nghìn dặm, mà họ còn rất không thoải mái khi phải giao tiếp với tôi bằng tiếng Anh. Trước đây, tôi rất tự hào khi giảng dạy cho các các sinh viên quốc tế trẻ trung này, những người lần đầu tiên có được sự tự do hoàn toàn trong một môi trường mới mẻ. Tôi thích thú giúp họ tìm thấy chính mình và trở nên độc lập. Thậm chí đôi khi tôi còn khuyến khích họ “nổi loạn” nữa.

Giờ đây, khi tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc tạo dựng và quản lý các chương trình quốc tế, thái độ của tôi đang dần thay đổi. Tôi thấy rất không yên tâm khi thấy các bậc phụ huynh của các du sinh hoàn toàn xa lạ đối với con em mình ở nước ngoài như vậy, và tôi tìm mọi cách để lôi kéo họ vào cuộc. Tôi nhận ra rằng họ thực sự đã thực hiện “một bước nhảy của đức tin” khi gửi con em đi học đại học ở một nước khác. Đa số các gia đình này đã phải hy sinh đáng kể để trả các khoản chi phí khủng khiếp của nền giáo dục Mỹ. Trong những năm qua, tôi đã rất cố gắng làm sao để các thông tin cần thiết được dịch sang nhiều ngôn ngữ và cung cấp cho các bậc phụ huynh.

Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều các bậc phụ huynh người Mỹ trên khuôn viên các trường đại học và họ cũng tham gia các bữa ăn cuối tuần có mời gia đình và phụ huynh do trường tổ chức. Họ được mời đến dự ăn sáng, ăn tối, và các cuộc họp với các vị lãnh đạo đại học. Các trường ngày càng quan tâm tạo ra những “chương trình định hướng” (tức tuần lễ giới thiệu về các hoạt động của nhà trường cho sinh viên mới – chú thích của người dịch) và các tour du lịch đặc biệt chỉ dành cho phụ huynh. Thông tin cho phụ huynh được công bố trong tài liệu quảng cáo và danh mục các câu hỏi thường gặp; đồng thời các bậc cha mẹ nhận còn được danh sách các số điện thoại khẩn cấp để gọi khi cần. Tuy nhiên, rõ ràng là những thông tin như thế rất khó đến được với phụ huynh của các sinh viên quốc tế. Giáo dục đại học hiện nay đã trở thành một cuộc đầu tư tài chính rất nặng nề cho cả gia đình, và các trường đại học đã đáp ứng với tình hình này bằng cách quan tâm đến cả cha mẹ và gia đình cũng như các sinh viên đang theo học trong trường của họ.

Khi 18 tuổi, tôi học ở Paris trong mấy năm đầu học đại học (vâng, lúc ấy tôi vẫn còn trẻ lắm). Tôi đã phải tự tìm địa điểm riêng để ở. Sau ba ngày ở Pháp, tôi vẫn nhớ mình vừa khóc vừa gọi điện về nhà cha mẹ tôi vì tôi không biết làm thế nào để tìm ra một căn hộ. Trước đó khi ở Mỹ tôi chưa bao giờ phải tự làm việc này. Và tôi cũng vẫn nhớ cha mẹ tôi thấy bất lực như thế nào khi không giúp được tôi. Tôi đã phải tự mình giải quyết vấn đề.

Các trường đại học Mỹ thu được nhiều lợi ích khi thu hút sinh viên quốc tế theo học tại trường: làm tăng tính đa dạng của sinh viên, phong phú thêm kinh nghiệm văn hóa cho sinh viên Mỹ, tiềm năng trở thành một trường đại học đẳng cấp thế giới vì có thể thu hút sinh viên từ khắp toàn cầu, và doanh thu từ học phí trả bằng đô la thực tế mà hầu hết sinh viên quốc tế phải trả. Vì vậy, khi các trường đại học vươn ra tiếp cận với những khách hàng toàn cầu, thì các trường cũng cần kêu gọi các bậc phụ huynh của sinh viên quốc tế tham gia vào cuộc đối thoại. Bởi vì, suy cho cùng, đây cũng là cuộc đầu tư của chính các bậc phụ huynh này, khi họ thường chính là những người trả tiền cho cuộc đầu tư đó.

Meg Palladino

Wednesday, July 28, 2010

Luật sở hữu trí tuệ và quyền tác giả

Nhân có cuộc tranh luận "nảy lửa" về đạo văn trong một đề thi trong kỳ thi TS ĐH gần đây, tôi thấy cần nhắc lại cho mọi người về Luật sở hữu trí tuệ của VN.

Vì tôi thấy trong cuộc tranh luận này, nếu cần phân xử ai đúng ai sai, thì chưa cần áp dụng đến luật lệ của nước ngoài, mà chỉ cần áp dụng luật của VN, thì cũng hoàn toàn có thể kết luận được rồi.

Dưới đây là những thông tin có liên quan, cần quan tâm:


Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009

Luật số 36/2009/QH12 của Quốc hội Việt Nam, thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2009, để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005. Luật này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2010.

Phần thứ nhất: Những quy định chung (Điều 1 - 12)
Phần thứ hai: Quyền tác giả và Quyền liên quan (Điều 13 - 57)
Phần thứ ba: Quyền sở hữu công nghiệp (Điều 58 - 156)
Phần thứ tư: Quyền đối với giống cây trồng (Điều 157 - 197)
Phần thứ năm: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Điều 198 - 219)
Phần thứ sáu: Điều khoản thi hành (Điều 220 - 222)
---
Phần thứ nhất

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 3. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ
Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
[...]
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
3. Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
[...]
Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất l­ượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.
[...]
Phần thứ hai, Chương II

Mục 1. NỘI DUNG, GIỚI HẠN QUYỀN, THỜI HẠN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

Điều 18. Quyền tác giả
Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Điều 19. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Điều 20. Quyền tài sản
Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
----
Và dưới đây là cách hiểu của tôi. Nếu tôi hiểu sai, diễn giải sai luật, xin mọi người góp ý nhé. Xin nói trước: tôi không phải là luật gia, luật sư chi cả, chỉ là một công dân cố gắng sống và làm việc theo pháp luật. Như nhà nước VN vẫn kêu gọi. Vả lại, tôi đang là viên chức, làm việc trong khu vực công, lại là giảng viên, nên phải cố gắng sống đúng pháp luật, không thể khác được.

1. Bài đọc trong đề thi, nếu không phải do người làm đề thi tự viết ra, thì rõ ràng phải lấy của người khác.

2. Đoạn văn dùng làm bài đọc đó chắc chắn phải lấy trong 1 tác phẩm văn học, tác phẩm/công trình khoa học, hoặc từ báo chí - chà, mà không hiểu các bài báo được liệt vào loại nào nhỉ, tác phẩm văn học, hay công trình khoa học(?), hay tác phẩm nghệ thuật? Nhưng dù gì thì chúng cũng là những tác phẩm có tác giả hẳn hoi (dù khuyết danh, hay hữu danh).

3. Các tác giả của các tác phẩm, công trình này đều được bảo hộ bởi luật sở hữu trí tuệ của VN.

4. Như vậy, các tác giả này có các quyền được nêu trong điều 18, tức quyền nhân thân và quyền tài sản.

5. Xin được nhắc lại về quyền nhân thân: quyền đứng tên trên tác phẩm (tức ai sử dụng phải dẫn nguồn), công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm (tức ai muốn công bố ở đâu đều phải xin phép), bảo vệ vẹn toàn của tác phẩm (tức không cho phép ai sửa chữa, cắt xén ...)

6. Cũng xin nhắc về quyền tài sản: ai muốn sử dụng phải trả thù lao (khoản này có thể miễn nếu dùng vào mục đích cá nhân, hoặc phi lợi nhuận, nhưng phải thỏa thuận với tác giả).

Như vậy, chỉ cần áp dụng luật VN thôi, thì đã có thể kết luận được về vấn đề GS Tuấn đặt ra rồi, phải không?

Có lẽ không cần tranh cãi nữa. Như tôi đã nói trên báo TN, chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và sửa sai để sau này không xảy ra những vụ như thế này nữa. Thử nghĩ, nếu ai đó đem ta ra kiện vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì sao nhỉ?

Cũng cần nhớ, Luật này được xây dựng vào năm 2005 để chuẩn bị cho VN gia nhập WTO. Cho nó giống với mọi người, vì nếu một mình VN một luật thì chẳng ai chơi với mình. Sau đó, khi áp dụng thấy có những chỗ chưa ổn, Luật SHTT đã được bổ sung, sửa chữa năm 2009 và áp dụng đầu năm 2010 (mà tôi đã trích dẫn ở trên).

Chẳng lẽ luật chỉ để cho có sao? Hay là được gia nhập WTO rồi thì không cần đến luật nữa?

Tuesday, July 27, 2010

Lại (phải) nói thêm về đề thi!

Một bạn đọc trên bloganhvu của tôi mới báo cho tôi biết có mấy bài viết phản hồi về bài viết trên báo Thanh Niên liên quan đến đề thi tiếng Anh năm nay, trong đó có phần ý kiến của tôi. Xin các bạn đọc bên dưới, và vào các links được cung cấp, để đọc cho khách quan nhé.
Bài báo này phản bác nhận xét của GS. Nguyễn Văn Tuấn và của cô về đề tiếng Anh năm nay: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/nongnghiep.vn/Khong-he-co-chuyen-nhieu-loi-trong-de-thi-DH-mon-tieng-Anh/4617385.epi

Cái này là của Ban ra đề: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/vnmedia.vn/De-thi-dai-hoc-mon-tieng-Anh-khong-loi/4615849.epi

Thực tình tôi đã muốn khép lại cuộc tranh luận, vì không nên làm dư luận hoang mang và mất lòng tin hơn nữa, nhưng vì bài viết đầu tiên có nhắc đến tên tôi nên xin được phản hồi.

Trước hết, tôi xin được trích lại phần viết có liên quan đến tôi. Phần này gồm 3 đoạn, tôi xin được trích dẫn và trả lời theo từng đoạn cho dễ theo dõi:
Còn việc bà Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (ĐH quốc gia thành phố HCM) đặt vấn đề: “Đạo văn” khi phê phán về đề thi rõ ràng là “đao to búa lớn” quá đấy. Xin các bạn đọc lại bài báo của bà Tiến sĩ Anh (cũng trong số báo Thanh niên số ngày 20/7/2010), bà viết: “Tôi nghĩ các ý kiến của giáo sư Tuấn nhìn chung là chính xác và có căn cứ”. Nghe giọng điệu này tôi e rằng đây chẳng qua là một sự “phụ hoạ”, một kiểu “té nước theo mưa” của bà TIẾN SĨ với ông GIÁO SƯ thôi.

Chà, thực sự tôi không biết nói gì, làm gì ở đây, ngoài việc ngửa mặt lên trời mà kêu: Than ôi!

Vì, thưa bác Nguyễn Phú Đạt, nếu cháu (xin được xưng hô như vậy vì bác còn hơn tuổi ba của cháu; bác hơn cháu đến hơn 30 tuổi cơ mà!) lại nói rằng, bác cũng đang "té nước theo mưa" vì lập luận của bác khá giống với lập luận chính thức của Bộ Giáo dục, thì liệu bác có chấp nhận không hở bác?

Cháu tưởng rằng khi tranh luận thì điều quan trọng là xem xét lập luận của người đối diện có logic không, dựa trên những tiên đề (hay các nguyên tắc) mà 2 bên cùng đồng ý sử dụng làm căn cứ để tranh luận chứ ạ?

Có lẽ bác nóng giận mà nói như vậy thôi, nhưng cháu nghĩ, bác nói như vậy khéo bị trách là dùng phương pháp "chụp mũ" cho người đối diện để chiến thắng trong cuộc tranh luận đấy ạ!
Tôi nói thế cũng không phải “không chuẩn” đâu vì bà có hiểu “ĐẠO VĂN” là gì đâu. Một nhà văn “ĐẠO VĂN” của một nhà văn khác, lấy văn của người thành văn của mình thì nhà văn đó phải ĐỀ TÊN MÌNH chứ. Với ĐẠO NHẠC cũng thế. Việc đạo văn, đạo nhạc, đạo giáo trình là nhằm đem lại danh lợi cho bản thân tác giả. Các bài thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra là đúng đắn vì có ai ghi người soạn đề thi là "ông nào”, “bà nào” đâu mà “ĐẠO VĂN” để đem lại danh lợi cho mình. Còn việc người soạn đề thi sơ xuất không đề rõ nguồn gốc thì tôi cho đó là một lỗi làm việc “không chính quy” lâu nay của ta thôi. Tôi còn nhớ khi còn đi học khi trích dẫn dù chỉ một câu của một tác giả nào đó thôi người soạn sách cũng ghi (trích của La Rochefoucauld) hoặc (trích của Alfred de Musset), của “Voltaire”.v.v...

Thưa bác Đạt, bác nói đề thi không đề tên tác giả thì vừa đúng mà vừa sai. Đúng, nếu xét về khía cạnh cá nhân, cụ thể là tên những người ra đề, cho đến nay cũng không ai biết là ai (mà cũng đâu có cần biết phải không bác). Nhưng sai (mà, xin lỗi bác, bác sai nhiều hơn đúng!), vì bác ơi, đề thi bao giờ cũng phải có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm. Ví dụ, ETS ra đề thi TOEFL, vậy nếu có gì sai thì bất kể là người của ETS trực tiếp làm, hay ETS ký hợp đồng mời người ngoài, thì ETS đều phải chịu trách nhiệm hết!

Nói cách khác, "tác giả" của đề thi, nếu không ghi rõ tên cá nhân người thực hiện (trong trường hợp của VN thì chắc không ghi được đâu vì nó là công sức tập thể, gồm nhiều khâu, nhiều công đoạn), chính là nơi đứng ra tổ chức làm đề thi. Và có đạo văn hay không thì chính nơi tổ chức làm đề thi phải trả lời và phải chịu trách nhiệm.

Xin nói thêm, trong đề thi của TOEFL có thể không ghi nguồn trích dẫn cho từng bài đọc, nhưng thật ra tổ chức này khi sử dụng bài của ai (nếu không phải là của mình) thì đều có xin phép hoặc thỏa thuận chính thức cả. Bác có cần cháu chứng minh điều này không?
Tôi định viết một bài thứ hai về bài báo của bà Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Nhưng sau khi đọc bài báo của bà Tiến sĩ, tôi thấy ông Giáo sư và bà Tiến sĩ thì như thi sĩ Tản Đà viết: “Mình với ta tuy hai mà một/Ta với mình như một mà hai” (trích: Nói chuyện với ảnh tức là bức ảnh chụp Tản Đà), nói ngắn gọn là “như rứa”. Tuy bà có đôi chỗ phân tích, dẫn chứng nhưng tôi không viết nữa. Viết nữa là nhàm. Coi như phản biện của tôi đối với ông Giáo sư cũng mong được bà Tiến sĩ suy ngẫm.

Vâng, cháu đang suy ngẫm đây, và đã có những điều thưa lại với bác như trên. Riêng đoạn này có lẽ cũng chỉ nhắc lại đoạn 1 mà thôi, nên xin phép bác, cháu không thưa lại nữa. Nhưng nó làm cho cháu lại một lần nữa có cái cảm giác là bác đang muốn thắng cuộc tranh luận này bằng biện pháp "chụp mũ"? Chắc đó chỉ là trí tưởng tượng của cháu thôi, bác nhỉ?
---
Hic, tôi mệt mỏi về vụ đề thi này quá rồi, các bạn ạ! Khi trả lời trên báo TN, là tôi chỉ muốn đóng góp một ý kiến về quy trình làm đề thi hiện nay (có khá nhiều sơ hở, dù có thể hiểu được và thông cảm được trong thời gian trước đây, nhưng nên rút kinh nghiệm từ nay trở đi - như tôi đã nói trên báo), để mọi việc tốt lên thôi. Và cũng là để VN hội nhập thế giới với một tư thế được mọi người kính trọng hơn. Không ngờ lại dính líu sâu đến như thế này!!!!!

Dù sao thì cũng cám ơn báo Nông nghiệp đã tạo điều kiện cho tôi có cuộc trao này trên blog của mình. Có lẽ tôi phải viết thêm một (vài) bài về quy trình làm đề thi, và về việc đạo văn mới được!

Rất mong đón nhận được các ý kiến của mọi người để vấn đề được sáng tỏ hơn!

Monday, July 26, 2010

"Phá xiềng trí não" (Brains Unchained)

Cái tựa của entry này là tựa của bài dịch (từ bản tiếng Anh) mà tôi đã thực hiện và gửi đến Tạp chí Văn hóa Nghệ An cách đây ít lâu, nay đã được đăng trên trang mạng của VHNA, và cũng in trên bản giấy (tôi chưa đọc bản giấy của tạp chí này bao giờ vì ... nó ở tuốt Nghệ An lận!) Địa chỉ trang mạng của VHNA: vanhoanghean.com.vn.

Nói thêm về VHNA. Tôi chỉ mới biết về nó đây thôi, qua lời giới thiệu của một người bạn cùng khóa từ thời học đại học, PGS TS Đoàn Lê Giang, hiện là Trưởng khoa Ngữ văn trường ĐHKHXH-NV (bạn cùng khóa, nhưng khác khoa - tôi học Ngữ văn Anh, bạn Giang học Ngữ văn Việt!)

Tôi lên trên đó đọc, và ngạc nhiên về sự phong phú và mới mẻ của tờ tạp chí. Và sự ... cởi mở nữa, vì tôi nghĩ có một số vấn đề không dễ ai đăng (có lẽ trừ Tia Sáng, là tờ tạp chí tôi cũng đánh giá cao, và cũng mới cộng tác đây thôi). Vì vậy, nên tôi viết mấy giòng để giới thiệu tờ tạp chí của Nghệ An, quê hương của ông đồ xứ Nghệ, đến các bạn bè hay đọc blog này của tôi.

Giờ thì nói về bài dịch mà tôi đã lấy tựa của nó đặt cho tựa entry này. Đây là một bài tôi tìm được trên một trang mạng của TQ cách đây cả tháng, và thấy nó rất hay. Vì nó chỉ ra đúng vấn đề mà giáo dục đang gặp phải, đó là vấn đề quan niệm về giáo dục, hay, như người ta hay nói, là vấn đề triết lý giáo dục. Rất cần cho mọi người VN đọc và suy nghĩ, theo kiểu: trông người, ngẫm đến ta.

Bài dịch ấy, có thể tìm thấy ở đây. Mong mọi người đọc và chia sẻ bằng comment trên trang này nhé. Tôi đang bận quá, nhưng hy vọng sẽ có dịp quay lại để trích dẫn và bình luận vài đoạn trong bài dịch mà tôi rất thích.

Enjoy!

Sunday, July 25, 2010

"Gian lận học thuật tại TQ" - hay, có thể thành công bằng sự gian lận?

Phần đầu của cái tựa entry này là một phần của tựa bài viết ngắn mà sắc sảo về tình trạng dối trá đang hoành hành trong giới học thuật của Trung Quốc, đang ngày càng vỡ lở dần ra. Như gần đây là scandal rất "nổi đình đám" về vị nguyên giám đốc điều hành Microsoft tại TQ là Tan Jun, người bị cáo buộc với những chứng cớ không chối cãi được là đã gian dối về bằng Tiến sĩ của mình.

Đại khái, ông chỉ có một tấm bằng dỏm từ một lò cấp bằng dỏm/giả tại Cali (giờ đã bị đóng cửa, hình như thế), nhưng lại tự nhận (hoặc lờ đi mặc cho nhà xuất bản cứ việc nhầm lẫn, như ông nói, "đấy là nhầm lẫn của NXB") rằng ông có bằng tiến sĩ từ Caltech, trường đại học danh tiếng lừng lẫy là ước mơ của tất cả những ai học ngành kỹ thuật.

Về việc này, ai muốn tìm hiểu thêm thì cứ việc vào Google mà tìm với mấy từ Tan Jun, fake degree, former chief executive of Microsoft China, vv, thì sẽ tìm ra ngay thôi. Tôi vừa "gúc" với đúng những từ đó thì tìm ra được hơn 30 ngàn đường dẫn trong vòng 42 giây. Tan Jun, mà Tuổi trẻ phiên âm là Đường Tuấn, nguyên Giám đốc điều hành của Microsoft TQ đây này. Đẹp trai chứ bộ! Hình lấy trên mạng. Tan Jun bây giờ "nổi tiếng" lắm rồi.

Việc này nổi cộm đến nỗi ngay cả báo chí VN cũng đã biết và đưa tin, ví dụ như trên tờ Vietnamnet gần đây, đọc ở đây. Tin lấy theo nguồn chính thức của TQ, tờ Trung Hoa nhật báo. Và cả mẩu tin mới, rất ngắn, trên trang cuối (trang 20) ở góc phải, bên dưới của trang báo Tuổi trẻ cuối tuần hôm nay nữa, với tựa đề "Giới chủ TQ lo ngại bằng giả". Tôi chưa tìm trên mạng, nhưng chắc gõ tựa này là ra thôi.

Quay trở lại bài viết mà tôi đã sử dụng cái tựa làm tựa của entry này. Một bài viết rất ngắn nhưng đã đụng chạm đến cốt lõi của vấn đề, tôi nghĩ thế. Đọc mà ... sướng. Không phải sướng vì vụ scandal gian lận này bị đổ bể đâu. Tôi nghĩ, nói gì thì nói, thì những người sử dụng bằng cấp dỏm, giả ở TQ hay ở VN vv vừa là thủ phạm (nên có bị gì thì cũng đáng tội) nhưng cũng vừa là nạn nhân (nói theo kiểu của ông NNA ở Phú Thọ).

Họ là nạn nhân một phần vì hệ thống quản lý ở nơi đó đã đẩy họ vào tình thế bắt buộc phải dùng bằng giả/dỏm để duy trì vị trí mà họ đã đạt được, khi khó có cách nào khác để làm điều đó. Ví dụ như, cứ phải có bằng tiến sĩ thì mới được vào cơ quan công quyền ở Hà Nội, đại khái thế (một sáng kiến suýt chút nữa thì được thông qua). Và họ còn là "nạn nhân" vì trong một hệ thống như thế chắc chắn sẽ có nhiều người giống như họ, nhưng số người bị phát hiện như họ thì chắc là ít thôi, còn nhiều người khác mà có thể họ cũng biết rõ thì lại vẫn an toàn.

Vậy chứ tại sao lại ... sướng? Sướng, vì những phân tích sắc sảo của nhà báo. Lại nghĩ lan man ra ngoài, tôi thấy phục các phóng viên của nước ngoài quá đỗi. Họ viết rất sắc sảo, gãy gọn, logic, không kết luận dùm cho người đọc mà chỉ lựa chọn các sự kiện, kết nối các lập luận, còn việc kết luận ra sao thì người đọc cứ việc tự rút ra lấy - mà hầu như bao giờ cũng sẽ rút ra đúng cái kết luận mà người viết muốn.

Bài viết mà tôi "ca ngợi" nãy giờ có thể tìm thấy ở đây. Vì thích nó quá, nên tôi đã dịch và gửi Tia Sáng, hy vọng sẽ được đăng trong số tới. Nếu Tia Sáng không sử dụng vì lý do gì đó, thì tôi cũng vẫn sẽ đưa lên blog này để chia sẻ với mọi người. Còn đây là phần kết dủa bài viết mà tôi đã dịch:

Nhưng ít ra thì sự hội nhập ngày càng tăng của giới học thuật Trung Quốc với thế giới bên ngoài có thể giúp thay đổi tình thế. Khi có thêm các học giả đi học ở nước ngoài và trở về làm việc ở TQ, điều này sẽ tạo ra được các mạng lưới không chính thức có thể giúp bên ngoài kiểm tra chất lượng của các ứng viên. Sự đổi mới này nhỏ thôi, nhưng có lẽ một sự đổi mới thực sự đem lại lợi ích cho Trung Quốc.

Như vậy, sự trở về của tôi - vì, khoe một chút, và ngậm ngùi một chút, tôi đã từng có cơ hội để ở lại Úc làm permanent resident cùng với một cái offer làm postdoc tại trường mà tôi đã học trước đây tại Úc, những vẫn nhất định đi về VN vào cuối năm 1996, với những hy vọng phơi phới (!!!) về một tương lai tươi sáng của đất nước đang mở cửa hội nhập và đổi mới - có lẽ cũng sẽ, đang, và có thể là đã (???) góp một chút vô cùng nhỏ nhoi vào "sự đổi mới thực sự đem lại lợi ích" của giáo dục VN chăng?

Tôi mong rằng thế. Phải không, SGK nhỉ? Cả em nữa, và các bạn giống như em, thế hệ 8x, và rồi sẽ là 9x, sẽ ra đi để sẽ quay về, phải không? Như vậy, thì việc du học đâu thể gọi là tỵ nạn giáo dục, mà là một kiểu "tìm đường cứu nước" thời nay, hoặc một phong trào Đông Du/Duy Tân mới (theo nghĩa rộng), thật chứ?
--
Cập nhật ngày 30/7/2010
Bài đã đăng trên Tia Sáng. Có thể đọc bản online ở đây.

Friday, July 23, 2010

Lại nói về tuyển sinh (so boring!)

Nội dung dưới đây là phần trả lời phỏng vấn của tôi trên báo Phụ Nữ Thủ Đô cách đây ít lâu, sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học hoàn thành.

Do không đọc báo Phụ Nữ Thủ Đô nên tôi cũng chẳng biết báo có đăng bài không, và không quan tâm đến nữa. Nhưng hôm nay tôi PV của báo gọi để lấy địa chỉ gửi báo biếu, mới biết bài đã đăng. Vì vậy, nay mới đăng bài PV lên đây (báo này chưa có phiên bản online). Vấn đề hơi cũ rồi, hết tính thời sự (hiện nay còn những vấn đề khác, scandalous hơn nhiều!), nhưng cũng cứ đưa lên. Vì ít nhất thì cũng lưu được trên này, hầu có lúc tôi hoặc ai đó cần tìm lại.

Dù boring, nhưng cũng mong mọi người đọc và có ý kiến!

----
Lại một mùa tuyển sinh ĐH vừa kết thúc. Trái với những đánh giá lạc quan của Bộ GD-ĐT, TS Vũ Thị Phương Anh- giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng GD- ĐH Quốc gia HCM lại cho rằng, lối thi ĐH “3 chung” như hiện nay đang có nhiều bất ổn. Bộ GD-ĐT cần sớm nói lời “cáo chung” với kỳ thi này…

Thưa bà, kỳ thi tuyển sinh ĐH 2010 đã kết thúc, được Bộ GD-ĐT đánh giá là đã diễn ra xuôn xẻ, công bằng, nghiêm túc. Ý kiến của bà về kỳ thi năm nay như thế nào?

Tôi không trực tiếp tham gia kỳ thi ở bất kỳ khâu nào trừ khâu chấm trắc nghiệm, nên không thể có ý kiến chính thức về việc tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, qua các thông tin trên báo chí, cũng như kinh nghiệm của những người thân, tôi nghĩ rằng kỳ thi năm nay cũng diễn ra tương tự như những năm trước. Có thể có ít vi phạm hơn như báo chí đã nêu, nhưng điều này cũng bình thường bởi vì kỳ thi đã diễn ra nhiều năm liền nên cả thí sinh lẫn giám thị đều nắm vững quy chế hơn, và thao tác thành thục hơn.

Về sự công bằng của kỳ thi, nếu chúng ta hiểu một cách đơn giản “công bằng” là tuyển chọn thí sinh dựa trên điểm số của cùng một bộ đề thi thì có lẽ chúng ta đã có một kỳ thi thực sự công bằng. Nếu quả thật có thể đạt được sự “công bằng trong tiếp cận giáo dục” chỉ bằng một kỳ thi thì tất cả sự tốn kém tiền của, công sức của toàn xã hội mà chúng ta vẫn thấy như hiện nay sẽ là một cái giá mà chúng ta phải chấp nhận. Nhưng thật ra công bằng trong giáo dục là một vấn đề phức tạp hơn nhiều và chắc chắn không thể đạt được chỉ bằng một kỳ thi, dù kỳ thi đó có an toàn, nghiêm túc đến bao nhiêu cũng vậy.

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm mà tôi đã phát biểu ở những nơi khác, đó là việc tuyển sinh đại học nên trao lại cho các trường quyết định, còn Bộ nên tập trung vào những vấn đề khác, trong đó quan trọng nhất là chính sách đầu tư, để nâng cao chất lượng thực của giáo dục phổ thông.

Nói thêm, tôi cũng đang theo dõi rất sát trên báo chí Trung Quốc và thấy rằng nước này cũng đang có những thay đổi theo hướng trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tôi nghĩ, các nhà chính sách của Việt Nam nên tìm hiểu thêm về kinh nghiệm trao quyền tự chủ cho các trường đại học từ Trung Quốc, một mô hình mà hình như hiện nay ta đang chịu ảnh hưởng rất nhiều.

Bộ GD-ĐT đang ấp ủ kế hoạch tổ chức một kỳ thi “2 chung” thống nhất, vừa để xét tốt nghiệp và vừa tuyển sinh vào ĐH. Bà thấy ý tưởng này như thế nào?


Tôi không thích từ “hai chung”, hoặc như một số nơi đã sử dụng, là “hai trong một”. Vì đây là hai kỳ thi có những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng chỉ nên có một kỳ thi quốc gia, và kỳ thi đó nên là thi tốt nghiệp THPT.

Tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp hiện nay như thế là đã tạm ổn, và phải nói rằng trong những năm vừa qua Bộ Giáo dục cũng đã tích lũy đủ kinh nghiệm để tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia “an toàn, nghiêm túc, và công bằng”. Tuy nhiên tôi cũng muốn đề xuất thêm với Bộ một yêu cầu của kỳ thi quốc gia này, đó là “ổn định”. Ổn định để phát triển, điều này không chỉ cần trong kinh tế hoặc chính trị, mà cũng cần cả trong giáo dục nữa.

Trên TG, người ta áp dụng cách thi nào để tuyển ứng viên vào ĐH?

Hiện nay các kỳ thi được TG sử dụng phổ biến gồm thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH và thi chuẩn hóa. Do khác nhau về mục tiêu nên các kỳ thi nêu trên cũng thuộc quyền quản lý của các cơ quan khác nhau.

Thi tốt nghiệp THPT thường do Nhà nước quản lý. Thi tuyển sinh ĐH do chính trường ĐH thực hiện để làm cơ sở ra quyết định về việc lựa chọn TS trong trường hợp số chỗ học ít hơn số người muốn học. Trong khi đó kỳ thi chuẩn hóa thường do các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp thực hiện.

Việc sử dụng kỳ thi nào trong phương án tuyển sinh hoàn toàn tùy thuộc vào mục tiêu và điều kiện của từng quốc gia, từng trường ĐH. Những quốc gia phát triển như nhiều nước ở châu Âu hoặc các nước Bắc Mỹ nơi có hệ thống GD phổ thông có chất lượng tốt và có đầy đủ chỗ học ở ĐH cho mọi người thì hầu như chỉ cần kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, có sự phân biệt trường ĐH công, ĐH tư (ở các nước này ĐH tư thường phải đóng học phí cao và chất lượng nhìn chung không bằng các ĐH công) thì sự cạnh tranh vào trường công lại gay gắt nên cần có vai trò gác cổng của các kỳ thi và thậm chí phải tổ chức thêm nhiều kỳ thi khác sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nói chung, không có mẫu hình nào là “đúng” cho mọi quốc gia.

Gần đây, có ý kiến cho rằng, muốn giảm tải cho HS thay vì tổ chức thi ĐH và thi tốt nghiệp, chúng ta nên lấy luôn kết quả học tập ở THPT để xét vào ĐH. Quan điểm của bà như thế nào?

Các kỳ thi lớn dù có được tổ chức nghiêm túc đến đâu, dù có tổ chức bao nhiêu kỳ thi đi nữa cũng chỉ đánh giá được phần nào kiến thức và năng lực của HS. Trong khi đó, việc quá nhấn mạnh vào các kỳ thi có vai trò “gác cổng” là nguyên nhân dẫn đến các tiêu cực trong thi cử, chưa kể gây căng thẳng với người học, tiêu tốn tiền bạc của XH…

Sử dụng kết quả phổ thông để xét tuyển vào ĐH là một cách làm tiên tiến về nhiều mặt bởi học bạ cho phép nhìn nhận năng lực của người học qua suốt một quá trình chứ không chỉ ở điểm cuối; Với cách làm này, quyền đánh giá người học đã được các trường ĐH trao về cho các giáo viên phổ thông.

Tuy có ưu điểm nhưng theo tôi, việc xét học bạ trong tuyển sinh thường không nên được sử dụng ở những nước đang phát triển như ở VN vốn không có một nền GD ĐH đại chúng. Điều này là do sự thiếu thống nhất về quan điểm đánh giá khiến kết quả tại các trường THPT có thể rất khác nhau và không thể so sánh để tạo cơ hội công bằng cho mọi người, trong điều kiện không có đủ chỗ học cho mọi người.

Vậy, theo bà, cách tuyển sinh ĐH nào là tối ưu trong điều kiện của VN hiện nay?

Không có phương án tuyển sinh tối ưu chung cho tất cả mọi người, mà cần thiết phải có phân biệt giữa các nhóm trường/ngành khác nhau. Theo tôi, đã đến lúc, Bộ GD-ĐT nên giao quyền tuyển sinh cho các trường. Theo tôi, nên có 3 phương án tuyển sinh cho các nhóm, trường/ngành, các đối tượng ưu tiên và các hệ đào tạo đặc biệt từ năm 2011 (lẽ ra phải thực hiện từ năm 2010 như dự kiến).

Nhóm đầu tiên, áp dụng với các trường/ngành không đặc thù, không có tính cạnh tranh cao và/hoặc không sử dụng kinh phí của Nhà nước thì sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. Nhóm này bao gồm đa số các trường trung học chuyên nghiệp, CĐ công lập và NCL, các trường ĐH tư thục, một số trường ĐH CL thuộc khối ngành XH và NV (trừ ngoại ngữ). Việc xét học bạ THPT có thể thực hiện ngay từ khi HS đang ở học kỳ 2 của lớp 11.

Nhóm thứ 2 gồm các trường/ngành đặc thù, có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực/ năng khiếu đặc biệt của người học và/hoặc nhận được sự đầu tư đặc biệt của Nhà nước nên sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả của một kỳ thi khác. Nhóm này gồm các trường ĐH công lập, đặc biệt là các ĐH trọng điểm; các chương trình liên kết với nước ngoài, các ngành đòi hỏi phòng thí nghiệm, thiết bị và điều kiện học tập đặc biệt như Y, Nha, kiến trúc, ngoại ngữ… Với nhóm này, việc sơ tuyển có thể gắn với những điều kiện khắt khe hơn và phải có một kỳ thi hoặc là đầu vào do chính trường tổ chức, hoặc là một kỳ thi chuẩn hóa (như SAT của Mỹ) do một tổ chức khảo thí chuyên nghiệp trong hoặc ngoài nước tổ chức.

Nhóm cuối cùng gồm các hệ đào tạo đặc biệt (hoàn thiện ĐH, tại chức, đào tạo từ xa, văn bằng 2…).. thì xét hồ sơ xin học và các yếu tố khác như giới tính, tuổi, địa phương… Do điều kiện đầu vào khá mở nên việc quản lý đối với đối tượng này cần rất chặt chẽ thông qua việc kiểm tra thường xuyên trong quá trình học theo nguyên tắc mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra.
--
Nói thêm chút: Trừ câu trả lời đầu tiên, những câu sau thật ra chỉ lập lại ý tưởng của một bài viết mà tôi đã công bố trong một hội thảo về tuyển sinh do TT của tôi thực hiện năm 2008, và in thành sách năm 2009.

Nhưng đến nay, mọi việc vẫn còn ... mới, mà đã 2 năm rồi đó! Đủ biết, muốn thay đổi một cách làm, cách nghĩ, là điều không hề dễ dàng. Còn tôi, thì đã già, sắp về hưu, không còn thời gian nữa. Mà những điều đã được học, cách đây gần 15 năm rồi cho đến nay vẫn còn ... quá mới! Hic hic!!!

Tuesday, July 20, 2010

"Nhiều lỗi trong đề thi đại học môn tiếng Anh"

Đó là cái tựa bài viết vừa đăng trên báo Thanh Niên online sáng nay ngày 20/7/2010. Ở đây.

Bài viết này chủ yếu dựa trên những bài đã đăng của GS Nguyễn Văn Tuấn trên blog cá nhân của ông, nhận định đề thi tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua. Trong bài cũng có sử dụng một số ý kiến của tôi, trong box ở cuối bài. Nói chung, đó là những ý chính của tôi về đề thi, và về những nhận định của GS Tuấn.

Còn dưới đây là nguyên văn phần tôi đã gửi. Xin đăng lại ở đây và mong nhận những trao đổi từ các bạn.

---
Về đề thi tuyển sinh tiếng Anh năm 2010

Đề thi tuyển sinh đại học môn tiếng Anh năm 2010 vẫn giữ nguyên cấu trúc và nội dung kiểm tra tổng quát như đề thi các năm trước đây. Nhìn chung, tôi đánh giá đề thi năm nay là tương đương về độ khó so với đề thi các năm trước, và không quá khó đối với trình độ chung thí sinh thi vào khối D.

Tôi có đọc lại các nhận định đã đăng trên báo của các thí sinh, giáo viên trung học, và một vài giảng viên đại học về thi môn tiếng Anh năm nay, thì thấy đa số ý kiến cũng trùng với nhận định của tôi, tức đề thi vừa sức. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng có một số câu hơi lắt léo nên khó chọn được đáp án chính xác, và vì thế đề thi có thể sẽ có tính phân hóa cao.

Tôi cho rằng các nhận định về sự lắt léo của đề thi có liên quan đến phần Reading Comprehension (đọc hiểu). Trong đề thi năm nay, phần kiểm tra đọc hiểu bao gồm 2 bài đọc về 2 chủ đề khác nhau với 20 câu hỏi trên tổng số 80 câu của bài thi. Khi đọc kỹ vào 2 đoạn trích của phần kiểm tra đọc hiểu, quả thật tôi thấy có một số vấn đề cần bàn thêm. Chính các bài đọc hiểu này là nguyên nhân của các bài nhận định (có tính phê phán) về đề thi tuyển sinh tiếng Anh năm nay của GS Nguyễn Văn Tuấn (Việt kiều Úc).

Tôi nghĩ, mặc dù lời lẽ trong những bài nhận định của GS Tuấn hơi nặng nề, có lẽ hơi khó nghe với một số người, nhưng các ý kiến của ông nhìn chung là chính xác và có căn cứ. Những điểm đáng phê phán trong đề thi (chỉ liên quan đến 2 bài đọc hiểu) mà GS Tuấn đã nêu ra gồm có:

1. Về việc đề thi có “đạo văn”: Những điều mà GS Tuấn nêu ra trong các bài viết của ông là chính xác. Ông đã bỏ công ra tìm và chỉ ra nguồn gốc các bài văn được sử dụng trong đề thi, và thậm chí các câu hỏi kèm theo. Tôi nghĩ, đây thực sự là một vấn đề lớn trong việc ra đề thi tiếng Anh ở VN, tương tự như vụ đạo giáo trình trước đây.

Chúng ta có thể giải thích lý do tại sao điều này lại xảy ra được ở Việt Nam, thậm chí có thể thông cảm vì việc này bắt nguồn từ hoàn cảnh Việt Nam trước đây chưa hội nhập sâu rộng với thế giới, trình độ tiếng Anh của giáo viên nói chung còn hạn chế vv. Nhưng những lý do và sự thông cảm đó không làm cho một việc sai trở thành đúng. Giờ đây, khi đất nước đã hội nhập sâu rộng, và khả năng “bị phát hiện” bởi cộng đồng khoa học thế giới cũng rất cao, chúng ta nên thừa nhận cái sai để sửa và rút kinh nghiệm.

2. Về chất lượng của đề thi: Ngay cả nếu chúng ta vẫn tiếp tục xem việc sử dụng những tài liệu “miễn phí” trên mạng không phải là đạo văn (thật ra, điều này là đi ngược với đạo đức học thuật của cộng đồng khoa học thế giới), thì nội dung và ngôn ngữ của hai bài đọc nói trên vẫn có nhiều điểm đáng bàn. Những vấn đề này đã được GS Tuấn nêu kỹ trong các bài viết của ông, và nhìn chung là chính xác.

Tôi đã đọc kỹ cả hai bài đọc và xin nêu ở đây một số nhận định của tôi:

a. Về ngôn ngữ: Tiếng Anh chưa chuẩn, khó có thể xem là “mẫu mực” để đưa vào các tài liệu chính thức và quan trọng như trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Cả hai bài viết đều có những lỗi sai về cách dùng mạo từ (sử dụng “the” một cách khá tùy tiện), phong cách không hoàn toàn phù hợp với một đề thi vì khá “thông tục” (bài đọc về adult learning), và đặc biệt có nhiều lỗi về “quy chiếu” (reference) và “kết nối” (link) mà GS Tuấn gọi là lỗi logic khiến cho bài đọc thiếu mạch lạc.

Ví dụ: từ “instead” trong câu 2, đoạn 1 của bài đọc về adult learning là chỉ cái gì, instead of what? Hoặc từ “better” trong câu 3, đoạn 3 của cùng bài: better than what? Hoặc trong bài đọc về cartoons, câu 3 đoạn 1 bắt đầu bằng “Even though”, nhưng ý của 2 vế trong câu này không hề trái ngược và vì thế không thể dùng “even though” để nối. Cũng vậy với từ “Unlike” trong câu đầu của đoạn 3 trong cùng bài đọc về cartoons: đã dùng “unlike” để chỉ những điều trái ngược, nhưng trong câu lại dùng “also” để chỉ những điều giống nhau?

b. Về nội dung: Cả hai bài đều không hoàn toàn phù hợp với đối tượng thí sinh của kỳ thi. Bài thứ nhất nói về adult learning, không phù hợp với thí sinh chính quy, tuyệt đại đa số chỉ mới 18 tuổi, vừa học xong THPT. Bài thứ hai càng nhạy cảm hơn vì có hàm ý phê phán phương Tây và ca ngợi văn hóa phương đông, đặc biệt là Trung Quốc. Một đoạn văn như vậy có thể xuất hiện trong đề thi của Trung Quốc nhưng không nên xuất hiện trong đề thi của một kỳ thi quốc gia của Việt Nam.

Mặc dù có những sơ sót như vậy, nhưng tôi nghĩ đề thi cũng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kỳ thi. Điều đáng quan tâm ở đây là nó bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý giáo dục của Việt Nam ở mức độ hệ thống.

Chúng ta nên cùng nghiêm túc nhìn nhận những sơ sót này, chứ không nên phản ứng. Tôi tin rằng Bộ Giáo dục sẽ trân trọng lắng nghe những góp ý của mọi người để có những cải cách quan trọng đối với nền giáo dục nước nhà.

Saturday, July 17, 2010

Nói chuyện tiếng Anh (3): Engrish!

Gần đây, trên mạng đang có một scandal mới về giáo dục. Liên quan đến đề thi tuyển sinh đại học môn tiếng Anh năm nay. Ai muốn biết về nó, xin đọc trên blog của GS Nguyễn Văn Tuấn, Việt kiều Úc.

Đại khái, scandal này liên quan đến vụ có ai đó đã lấy một bài đọc bằng tiếng Anh trên mạng để làm reading text cho một bài Reading Comprehension trong đề thi. Xui xẻo cho người này (và cho Bộ Giáo dục), bài viết ấy có một số vấn đề về ngôn ngữ và cả nội dung nữa. Cái này GS NVT đã nói nhiều trong những bài viết của ông rồi.

Còn tôi, tôi chẳng có thêm ý kiến gì đâu. Chỉ biết nói, đúng là ... xui xẻo. Giống trường hợp của GS NNT trước đây với cuốn giáo trình đạo dịch. Những sự cố này là "sản phẩm" đương nhiên của một thời đóng cửa, "tự sản tự tiêu" trên lãnh vực giáo dục đại học của VN.

Tự mở ngành tiến sĩ khi chưa có đủ người dạy cho đàng hoàng, tự mày mò đọc sách rồi dạy lại cho học trò, tự cho phép mình cấp bằng tiến sĩ, tự viết giáo trình, tự xuất bản, tự phong giáo sư, tự mở thêm trường, vv. Hô biến một cái, chỉ trong vòng 10 năm cả nước có một hệ thống đại học khá ấn tượng về số lượng với rất nhiều giáo sư, tiến sĩ. Thì nó phải thế thôi, phải sửa từ từ chứ biết sao giờ!

Vì scandal này liên quan đến tiếng Anh, tôi lại nhớ đến cái "sứ mạng" nói chuyện tiếng Anh của tôi. Thực sự tôi bận quá nên không có thì giờ viết nhiều về vấn đề này đâu, mà chỉ gợi ra để mong mọi người comment thôi.

Entry này cũng xin giới thiệu một trang blog khác về tiếng Anh, mà là tiếng Anh sai ấy. Trang ấy có cái tên rất thú vị là Engrish.

Vâng, Engrish đấy ạ, không phải English đâu. Engrish, vì người Hoa (và hình như cả Nhật nữa) hay nhầm lẫn giữa "l" thành "r". Như "fried rice" thì lại nói thành "fly lice"! (ăn cơm chiên thành ra ăn "rận bay" đấy, chết cười chưa!)

Link của trang ấy đây này: www.engrish.com. Nó có gì trong đó ư? Thì các bạn vào xem đi, sẽ rõ. Sẽ được cười chết thôi! Tấm hình minh họa trong entry này là tôi lấy từ trang Engrish đấy. Các bạn có cười không vậy? Flesh breakfast, điểm tâm bằng thịt người ở Nhật kìa! (Thật ra là nhầm giữa fresh - mới, tươi - và flesh - thịt người, mà là thịt sống nhé, kinh chưa?)

Sao đang nói về scandal đề thi mà tôi lại nhớ ra trang Engrish? Vì thế này: cái đoạn văn tiếng Anh có vấn đề ấy đã được GS NVT chỉ ra rằng nó đã được lấy từ một trang mạng của Trung Quốc! Thế mới nguy, vì tiếng Anh của TQ thì có nhiều vấn đề lắm. Sao ai đó lại có thể bất cẩn đến thế nhỉ?

Thôi, âu cũng là một bài học! Và cái moral lesson ở đây là: Ngành giáo dục VN - và cả những ngành khác nữa - hãy làm mọi việc một cách hết sức cẩn thận. Hãy coi trọng chuyên gia, và hãy học tập cách làm của thế giới. Chúng ta đâu phải siêu cường mà đòi làm mọi việc theo cách riêng của mình?

Tôi e rằng những scandals trong giáo dục, và trong tiếng Anh, theo kiểu như thế này vẫn sẽ còn dài dài, thực vậy. Thì biết làm sao được. Sai rồi thì thừa nhận đi, rồi sửa, chân thành, rồi sẽ khá lên thôi. Và đừng có chạy theo thành tích, mơ ước viễn vông, vĩ cuồng nữa. Giáo dục là việc của trăm năm, chúng ta chẳng vẫn nói hàng ngày đấy thôi!

Thánh nhân còn có lúc lầm kia mà!

Friday, July 16, 2010

“Đã đến lúc trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho trường đại học”

Đó là tựa của một bài phỏng vấn tôi cách đây ít lâu, nay được đăng trên SGTT Media. Ở đây. Đã tưởng không được sử dụng vì ... nhạy cảm? Như thế, có lẽ đây là tín hiệu đáng mừng: Giới truyền thông hiện đã mạnh dạn hơn (vì được cởi mở hơn?) trong vai trò phản biện xã hội.

Về vấn đề tuyển sinh đại học, ĐHQG-HCM đã có tổ chức một hội thảo lớn trong năm 2008, vì lúc ấy Bộ dự kiến sẽ không còn thi đại học mà sẽ tổ chức kỳ thi "hai trong một". Những ý kiến của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học vv cũng đã được đưa ra trong hội thảo này. Báo chí cũng đưa tin nhiều, và kỷ yếu hội thảo sau đó còn được in thành sách. Tôi cũng có đưa thông tin và một vài bài viết trên blog này. Nhưng cho đến nay mọi việc vẫn chưa có thay đổi gì lớn.

Tôi vẫn nghĩ, lực lượng khoa học của VN hiện nay không nhỏ, mặc dù cũng không lớn. Nếu có chính sách tập hợp, lắng nghe, và sử dụng tốt, thì rất nhiều mục tiêu đã đề ra có thể được thực hiện có hiệu quả hơn hiện nay rất nhiều.

Nhưng chẳng hiểu tại sao mọi việc ở VN hình như bao giờ cũng rất chậm? Chợt nhớ tựa bài dịch mà tôi mới gửi cho Tia Sáng gần đây: Cải cách tuyển sinh ở TQ - nhưng chỉ một chút thôi!

Thursday, July 15, 2010

Bản dịch: "Chiến lược quốc gia về giáo dục đại học cần điều chỉnh"

Như đã viết trong entry trước, tôi gửi bản dịch mẩu tin về chiến lược giáo dục ĐH Trung Quốc. Bản dịch ở dưới đây. Xin mọi người đọc và cho ý kiến nhé. Phần in nghiêng đậm là tôi thêm vào để nhấn mạnh.
---

Bắc Kinh, 04/06/2010 – Số lượng các thí sinh tham dự kỳ thi quốc gia để tuyển sinh đại học đã giảm trong vòng 2 năm liên tiếp sau khi đã đạt số lượng cao nhất vào năm 2008.

Trong tình hình như vậy, các trường đại học cần cân nhắc kỹ việc mở rộng tuyển sinh. Bên cạnh đó, chính sách quốc gia về giáo dục đại học cũng cần điều chỉnh.


Số lượng các thí sinh từ vùng nông thôn đã tăng đáng kể và hiện chiếm 61,9 % tổng số hơn 9,57 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học.

Ngày càng có nhiều học vùng nông thôn có khả năng tiếp cận với giáo dục đại học, đấy là một điều tích cực. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu đa số các sinh viên tốt nghiệp có kiếm việc làm ở thành phố hay không.

Nếu có, thì điều này có nghĩa là cơ hội việc làm ở thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn, chắc chắn sẽ có cạnh tranh gay gắt. Còn nếu không, vậy họ sẽ áp dụng những gì đã học được ở đại học vào đâu?

Năm nay, các trường đại học y, dưới sự bảo trợ trực tiếp của Bộ Giáo dục sẽ tuyển 5.000 sinh viên từ nông thôn. Các sinh viên này sẽ được đào tạo miễn phí trong vòng 5 năm, sau đó quay về quê nhà để làm việc tại những bệnh viện ở địa phương. Điều này sẽ giải quyết được nhu cầu nhân lực tại các địa phương kém phát triển của các sinh viên đó.

Thực sự bệnh viện tại các thị trấn nghèo đang rất cần những bác sĩ được đào tạo lành nghề trong khi bệnh viện tại các thành phố lại quá dư thừa.

Trong bối cảnh như vậy, kế hoạch nêu trên sẽ giúp giải quyết vấn đề. Các sinh viên tốt nghiệp không những sẽ giúp cải thiện chất lượng y tế tại các thị trấn kém phát triển mà còn trút bỏ được mối lo về việc làm của mình sau khi tốt nghiệp.

Những ý tưởng tương tự đang rất cần để giải quyết vấn đề nhân lực cho các vùng kém phát triển đang thiếu chuyên gia trầm trọng, vừa tạo ra cơ hội việc làm tốt hơn cho sinh viên tốt nghiệp.

(Nguồn: Chinadaily.cn)

TQ: "Chiến lược quốc gia về giáo dục đại học cần điều chỉnh" - và những suy nghĩ vụn

Đó là tựa của một mẩu tin đã đăng trên Trung Hoa Nhật báo (tiếng Anh - China Daily) cách đây hơn một tháng rồi. Nó ở đây.

Phải nói thêm cho rõ: nguồn tin, và nội dung tin, thì là của China Daily, nhưng cái tựa mà tôi dịch ở đây là lấy từ People Forum (Diễn đàn nhân dân), ở đây. Từ mẩu tin đó, tôi mới lần ra cái tin từ China Daily, mà tôi đã đưa link ở trên. Còn tựa của China Daily là "Tweak strategy". Tạm dịch là "Chỉnh tinh chiến lược" (chỉnh tinh, hay tinh chỉnh, là dịch từ fine-tune của tiếng Anh, có nghĩa là thay đổi nhỏ cho phù hợp. Tweak là một từ khó dịch vì nó là một slang, phong cách hơi 'bất kính', không trang trọng).

Tin này thật ra cũng bình thường, không có gì "nóng" hoặc "thời sự" cả. Chỉ là do nó có liên quan ít nhiều đến việc tuyển sinh và cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, nên tôi đã cho dịch ra để làm tư liệu mà thôi.

Vì công việc của tôi hiện nay - đánh giá chất lượng giáo dục đại học (nghe to tát quá, đúng không, thật ra là một việc rất khó, và tôi cũng chỉ là người tổ chức công việc, còn sự đánh giá đó là do các chuyên gia ở khắp nơi trong và ngoài nước cùng tham gia thực hiện) - đòi hỏi tôi phải đọc và ngẫm nghĩ, học hỏi từ các nền giáo dục khác, để may ra tìm ra được ít nhiều kinh nghiệm có thể áp dụng cho mình.

Và điều tôi quan tâm trong mẩu tin mà tôi đang giới thiệu là ở đây: TQ đang bắt đầu đặt câu hỏi cho mình về bước kế tiếp của việc mở rộng giáo dục đại học, tăng tỷ lệ người đi học đại học trên dân số - tức phát triển về số lượng. Học xong rồi, tốt nghiệp rồi, thì các sinh viên này có tìm được việc làm hay không? Ừ nhỉ!

Một câu hỏi rất ... hay! Nó cho thấy sự nguy hiểm của việc phát triển xã hội theo lối tư duy áp đặt từ trên xuống. Kế hoạch năm năm, mười năm, chi tiết đến từng con số. Thôi, thì làm kế hoạch phải cụ thể, chi tiết. Thế cũng được. Sợ nhất là sau khi kế hoạch được ban hành rồi thì lại dùng ý chí chính trị để ép cho thực tế phải chạy theo ý mình. Duy ý chí.

Đã lấy ý chí chính trị, và lôi cả hệ thống chính trị vào để buộc thực hiện các chỉ tiêu đó, thì các chỉ tiêu đó sẽ đạt được. Nhưng như thế thì các mục tiêu trở thành những mục đích tự thân, làm để mà làm, để thể hiện quyết tâm cao, để chứng minh kế hoạch là đúng, lãnh đạo là sáng suốt.

Rồi sau một thời gian, thì bỗng ớ ra: Đạt được các chỉ tiêu đó, rồi sao nữa???

Tôi bỗng nhớ câu ca dao "tân thời" của VN (không nhớ chính xác, chỉ mài mại một đoạn)

Đi nhanh ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu rồi sẽ đi đâu?
Đi đâu không biết hàng đầu cứ lên!


PS: Tôi sẽ đăng bản dịch mẩu tin đó lên blog này trong entry sau. Vì đã dịch, nên muốn chia sẻ vậy thôi. Nhằm phục vụ thông tin đến các bạn có quan tâm ủng hộ blog này mà! ;-)

Wednesday, July 14, 2010

Hai bài mới viết cho Tia Sáng về tuyển sinh đại học ở Trung Quốc

Nhân mùa tuyển sinh đại học tại VN, Tia Sáng có đề nghị tôi viết bài về vấn đề này.

Nói mãi về tuyển sinh của VN thì cũng chán, vì những vấn đề cần nói mọi người đã nói hết rồi. Nên tôi nhìn sang nước láng giềng của VN là Trung Quốc để xem chúng ta có thể học hỏi được gì từ đất nước này không.

Và thấy, rõ ràng là có nhiều việc để học! Kỳ thi tuyển sinh đại học của TQ hiện nay đang được mệnh danh là kỳ thi lớn nhất hành tinh, đã được tổ chức chuyên nghiệp lắm lắm. Có hơn 50 năm tồn tại rồi. Tốt hơn chúng ta nhiều rồi. Và kèm theo nó là một ngành công nghệ luyện thi và tổ chức thi, làm đề thi, vv, đem lại khá nhiều "công ăn việc làm" và lợi ích cho những người tạo ra ngành công nghệ đó.

Còn lợi ích cho nền giáo dục TQ, và cho toàn xã hội thì sao? Giới trí thức, và truyền thông TQ nghĩ gì? Xin mọi người đọc 2 bài sau đây mà tôi mới viết, đã đăng trên mạng của tờ Tia Sáng hôm nay.

Đây này. Tuyển sinh đại học: VN có học được gì từ TQ?đây nữa. Cải cách tuyển sinh ở TQ - nhưng chỉ một chút thôi.

Mọi người đọc, và trao đổi nhé! Bắt chước TS Nguyễn Xuân Diện, tôi mở blog cũng chỉ mong lấy comment làm lãi mà thôi!

Tuesday, July 13, 2010

20 ngàn tiến sĩ và sự nhầm lẫn

Entry này tôi sẽ viết ngắn. Vì tôi đang chuẩn bị cho một buổi họp sẽ diễn ra trong vòng 15 phút nữa. Nhưng không thể không viết lên cảm nhận của tôi khi đọc bài viết mới này trên Tuần VN. Ở đây.

Về cơ bản, tôi đồng ý với tác giả, và có lẽ nhiều người khác nữa. Nhưng tôi có một ý nghĩ hơi khác về con số 20 ngàn (hay 23 ngàn, theo tác giả bài viết nói trên) tiến sĩ này. Mọi người nói rằng Bộ, hoặc nhà nước VN, đang mơ mộng. Còn tôi, tôi nghĩ, có lẽ Bộ bị nhầm lẫn.

Có thêm hai mươi ngàn tiến sĩ (thực chất) có thể là cái chúng ta cần để có được chất lượng, khi giáo dục học đại học VN đang phát triển ồ ạt về số lượng như hiện nay. Đó đúng là một nhu cầu, nhưng không thể là chỉ tiêu áp đặt và phải thực hiện cho bằng được trong vòng bao nhiêu năm đó, bất chấp điều kiện thực tế.

Dù có quyết tâm chính trị cao đến mấy, cũng vậy! Vì từ nhu cầu đến việc đáp ứng nhu cầu đó thì còn phải có một kế hoạch kỹ lưỡng, cân nhắc mọi yếu tố có liên quan, mà đặc biệt là liên quan đến con người nữa.

Giáo dục con người là chuyện của trăm năm. Một trăm năm, các bối cảnh bên ngoài có thể thay đổi, các thể chế chính trị cũng đến và đi, chỉ cái gì vĩnh cửu của loài người mới tồn tại. Không giống như một cuộc chiến tranh, đánh nhanh rút gọn là xong. Càng nhanh càng tốt, để cướp thời cơ.

Tôi nghĩ trong giáo dục không có những thời cơ kiểu như thế. Mà là những giá trị bền vững cần vun đắp lâu dài. Ai hiểu đúng như thế thì sẽ thắng, còn ai làm giáo dục theo kiểu chiến tranh, giành thời cơ, sử dụng ý chí chính trị vv như ta đang làm, có lẽ sẽ không bao giờ đến đâu cả, thật vậy.

Điều này, có lẽ lịch sử đã chứng minh. Và bài học lịch sử ấy đang lập lại, tại TQ. Sau hơn vài chục làm giáo dục theo kiểu đánh nhanh thắng nhanh, đất nước ấy đang phải nhìn lại và thay đổi cách làm giáo dục của mình.

Có lẽ chúng ta đang nhầm lẫn giữa làm giáo dục với làm chính trị chăng? Thật thế!

Sunday, July 11, 2010

Thi cử thế này sao?

Kỳ thi tuyển sinh thế là đã kết thúc. Tôi vừa điểm qua vài cái tin về kỳ thi trên báo chí gần đây. Xin thử làm một mục điểm báo mini để mọi người có cái nhìn sơ bộ.

1. Thí sinh thiệt, còn các trường bỏ túi 16 tỷ! Tại sao ư? Nó liên quan đến việc đóng lệ phí dự thi. Nôm na, thì thế này: mọi năm khi đến dự thi thì mới đóng lệ phí (đóng vào ngày đầu tiên, khi phổ biến quy chế, làm thủ tục). Còn nay thì đóng trước, không thi thì mất tiền. Vậy đó. Các trường hài lòng, vì mọi năm vẫn kêu lỗ mà. Xem thêm ở đây này.

2. Những chuyện lạ lùng trong phòng thi. Ở đây. Không biết bình luận ra sao. Có lẽ chỉ có thể nói: bát nháo quá!

3. Nữ thí sinh liều mình .... Chà, tôi không viết được nữa, thật đúng là tin tức mình! Tin giáo dục mà giựt gân, và sexy như vậy sao? Ai tò mò, xin xem ở đây. Chuyện đúng là cười không nổi!

4. Tử nạn trên đường đưa con đi thi. Trời ơi! Tôi không thể nói gì hơn nữa. Xin mọi người tự đọc. Ở đây này.

5. Còn nữa. Đưa em đi thi, chị gái bị xe tải cán chết. Ở đây. Khi đọc tin này, và nhìn tấm hình đắp chiếu, tôi chỉ biết bàng hoàng, không còn thốt lên được tiếng kêu nào nữa.

6. Bạn bị shocked ư? Chưa hết đâu! Dưới đây nữa này: Không có giấy báo thi, nữ thí sinh uống thuốc tự tử! Ở đây.

Nhưng tin tức đúng sai thế nào chưa biết, vì tin chính thức của Sở GD tỉnh Lâm Đồng thì phủ nhận việc này: Không có chuyện nữ sinh tự tử vì không có giấy báo thi. Ở đây.

Tóm lại, tự tử là có thật, liên quan đến kỳ thi, còn có phải tại giấy báo thi hay không, và Sở GD tỉnh Lâm Đồng hoặc trường ĐH Đà Lạt có lỗi gì không, hay chỉ là nạn nhân và gia đình có lỗi, tôi không dám có ý kiến gì thêm. Chỉ biết, dù sao thì cũng tại kỳ thi!

Thôi không nói chuyện chết chóc thảm thương nữa. Hãy đọc tin này xem:

7. Mới chỉ học hết lớp 11 vẫn dự thi đại học trót lọt. Ở đây. Tin này nên hiểu thế nào nhỉ? Thí sinh này có tài, nên khuyến khích? Học sinh này kém nghiêm túc, vi phạm quy chế thi, nên khiển trách?

Riêng tôi, thì tôi thấy nó lại là một dấu hiệu khác của việc Bộ không nên can thiệp quá sâu vào mọi việc chuyên môn, mà nên để cho tất cả mọi người phát huy năng lực sáng tạo của mình. Một em hết lớp 11 mà có thể tham dự kỳ thi đại học và thành công, ở các nước tiên tiến cũng chỉ là chuyện bình thường mà thôi. Không tin, cứ hỏi những ai có con đi du học ở Úc, ở Mỹ chẳng hạn.

8. Kỳ thi dù sao thì cũng đã qua rồi. Sĩ tử kéo nhau lên kinh ứng thí xong thì lại lũ lượt về quê. Thí sinh đổ về quê trong trời nắng gắt. Ở đây. Ừ thì miền Nam chỉ hai mùa mưa nắng, thì phải về trong nắng gắt chứ sao? Nếu không nắng, thì mưa, lại bảo thí sinh về trong trời mưa tầm tã ư?

Điểm sơ sơ qua các tin về bối cảnh kỳ thi thôi. Tôi không dám đi sâu vào vấn đề kỹ thuật ra đề, tổ chức thi, chấm điểm vv. Nhưng vẫn miên man nghĩ, thi tuyển sinh như vậy, liệu có phải là một phương thức tối ưu để chọn người vào đại học?

Câu hỏi này, có lẽ phải chờ câu trả lời từ các nhà làm chính sách giáo dục quốc gia!

Saturday, July 10, 2010

Nói chuyện tiếng Anh (2)


Tôi vừa tình cờ tìm thấy thông tin về cái đề án rất tham vọng này, ở đây. Đề án dạy và học ngoại ngữ trong toàn bộ hệ thống giáo dục VN giai đoạn 2008-2020 (phê duyệt lâu rồi nhưng đến nay 2010 mới bắt đầu chuẩn bị triển khai).

Gọi là đề án ngoại ngữ, nhưng chủ yếu là đề án tiếng Anh, và cũng phải thôi. Vì ngày nay tiếng Anh rõ ràng đã đóng vai trò ngôn ngữ quốc tế rồi, dù muốn dù không.

Như nhiều việc khác ở VN, mục tiêu của đề án này không có gì phải bàn cãi. Nó giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ của người Việt, để giúp đất nước hội nhập và phát triển. Rất tốt. Nhưng cũng như nhiều việc khác đang xảy ra ở VN, hình như người ta chỉ biết muốn, chứ không biết làm sao đạt được ước muốn của mình một cách tối ưu nhất.

Lý do ư? Theo tôi, có 2 lý do chính: thiếu sự tham gia của chuyên gia trong khi xây dựng đề án (tại sao thiếu lại là một vấn đề khác); và thiếu giám sát, đánh giá và điều chỉnh kịp thời trong suốt quá trình triển khai.

Nên tôi đưa lên đây để mọi người cùng đọc, quan tâm, và phản biện, góp ý. Để biết đâu có người nghe, và sửa nếu cần. Cũng là cách đóng góp của mỗi người - trách nhiệm xã hội của từng cá nhân. Vì nếu chúng ta không có ý kiến, thì chính chúng ta sẽ trả giá! Nợ quốc gia chia sẻ trên đầu chính chúng ta mà.

Tại sao lại nhắc đến nợ quốc gia? Vì những đề án lớn như thế này đều vay tiền cả. Tôi biết Ngân hàng Thế giới đã cho VN vay khá nhiều trong những dự án về giáo dục đại học. Hiệu quả của chúng đến đâu, chúng ta đã biết chưa? Tôi thì chưa biết!

Nên cái gì chưa xảy ra, còn đóng góp được, thì cứ phải đóng góp thôi. Như dự án tiếng Anh này, đã được phê duyệt (các bạn xem chi tiết trong tài liệu có thể download được từ link trong bài viết mà tôi đã đưa), và theo tôi hiểu thì đang bắt đầu rục rịch triển khai ở bậc tiểu học thì phải.

Mong nhận được những thắc mắc, góp ý, và trao đổi của mọi người. Cả trong và ngoài nước. Hình như người càng ở xa thì càng có thể thấy rõ hơn thì phải?
---
Cập nhật lúc 17:30 ngày 10/7/2010
Để có thêm thông tin về đề án, và cũng là để trả lời các trao đổi của các bạn trong các comment bên dưới, xin đưa lên đây một số đoạn trích từ các mẩu tin tìm được trên mạng:
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án ''Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020'' ở Trung ương.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển là Phó Trưởng ban cùng 10 thành viên là Lãnh đạo một số Bộ, địa phương liên quan.

Đề án ''Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020'' được gọi là Đề án ''Ngoại ngữ Quốc gia 2020'', hướng tới mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực.

Theo đề án, phấn đấu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Một trong những nhiệm vụ trước mắt của Đề án là tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ trong các cấp học, nhất là ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hàng năm và các giai đoạn đến năm 2010, năm 2020, phù hợp với các quy định, tiêu chí hiện hành./.
(Tin đưa ngày 8/8/2009)

Nguồn: http://tintuc.xalo.vn/00596677100/lap_ban_chi_dao_de_an_ngoai_ngu_quoc_gia_2020.html

Quyết định thành lập Ban chỉ đạo do PTT Nguyễn Thiện Nhân ký ngày 5/8/2009, có thể tìm được văn bản ở đây.

Friday, July 9, 2010

Đọc "Cả một nền giáo dục không may" của Hà Văn Thịnh

Tôi vừa đọc bài trên, ở trên Tuần Việt Nam hôm nay. Ở đây.

Hà Văn Thịnh là một cây bút quen thuộc. Anh (chẳng hiểu sao tôi nghĩ anh cũng lớn tuổi rồi, ít ra là bằng tôi? Mặc dù tôi chưa bao giờ gặp mặt!) khá nổi tiếng về những phát biểu gây shock về giáo dục, chắc chắn là shocking hơn những phát biểu của tôi nhiều. Như trong bài nói trên.

Tôi rất chia sẻ với những điều anh HVT nêu trong bài. Rất đáng đọc, và rất đáng suy nghĩ. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ không nên dừng ở chỗ chỉ ra những cái chưa được, rồi thở dài, rồi đau khổ. Vì nó chẳng đi đến đâu phải không anh Thịnh, và các bạn?

Chúng ta có nên bình tĩnh phân tích cặn kẽ những nguyên nhân, và đưa ra những giải pháp cho nền giáo dục của chúng ta hay không? Suy cho cùng, nền giáo dục ấy sẽ ảnh hưởng - xấu hoặc tốt - đến từng người trong chúng ta. Con cái chúng ta sẽ hưởng nền giáo dục đó, nhân viên và đồng nghiệp của chúng ta - và cả chúng ta nữa - chịu tác động của nền giáo dục đó. Nếu nó sai, thì môi trường văn hóa xã hội bị ô nhiễm, giống như xả rác vào nơi công cộng.

Nên nếu chúng ta sống trong xã hội ấy, môi trường ấy, và không có cách chi thoát ra được (mỗi người đều phải có một quê hương, một chốn để đi về, không phải ai cũng có thể 'tị nạn giáo dục') thì chúng ta cùng phải chung tay thắp nến, dọn đường, quét rác vv mà thôi.

Phải không anh Thịnh và mọi người nhỉ?

Nói thì dễ, làm mới khó. Nhưng cũng phải quyết tâm làm, rồi sẽ dần dà làm được thôi! Còn nền giáo dục của ta, thì như trong bài của anh HVT, nó đã bộc lộ ra nhiều chỗ sai, và đã rõ lắm rồi!

Thursday, July 8, 2010

"Đề thi quá khó vô tình khuyến khích học thêm"

Đó là tựa bài báo vừa đăng trên báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh hôm qua 7/7/2010, tại đây. Bài báo ký tên tác giả là tôi.

Thật ra, đó là một phần trong cuộc trao đổi giữa tôi với một PV của báo vào buổi sáng trước đó một hôm. Một cuộc trao đổi khá dài và thú vị, với nhiều chi tiết kỹ thuật liên quan đến việc ra đề thi, xác định điểm sàn, thi chung và thi riêng, thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh, vv. Những điều mà tôi có thể nói rất nhiều và rất hứng thú (mặc dù có thể người nghe sẽ không hiểu hết, vì nó kỹ thuật). Tôi thực sự lấy làm "cảm phục" người PV đã không quản ngại khó khăn, chạy lên tận Thủ Đức để gặp tôi trao đổi vấn đề, ghi âm, rồi về viết lại (rất hay), gửi lại cho tôi để xem có ghi điều gì sai với những ý kiến phát biểu của tôi không, tất cả trong một ngày để kịp lên báo số hôm sau.

Chính tôi cũng đã xem lại, và sửa lại những câu có thể gây hiểu lầm - vì không hiểu sao những phát biểu của tôi thỉnh thoảng lại bị hiểu lầm một cách khá là tai hại, mặc dù hơn ai hết tôi thực sự là một người hết sức xây dựng, không bao giờ lấy việc đả phá chỉ để đả phá làm mục đích! Tôi tưởng, việc tôi đến giờ này vẫn còn làm ở khu vực công lập với mức lương khá là khiêm tốn, trong tình trạng các trường đại học ngoài công lập và đặc biệt là các trường có yếu tố nước ngoài đang đi săn lùng giảng viên để cho đủ số lượng theo yêu cầu như hiện nay, cũng đã nói lên một cái gì đó về mong muốn đóng góp của tôi cho hệ thống rồi chứ?

Nhưng không hiểu vì thiếu đất để đăng, hay có thể là vì ... có những vấn đề nhạy cảm, nên nó đã được tòa soạn cắt đi rất nhiều. Hơi tiếc, vì công sức của người phóng viên trao đổi, ghi chép, viết lại, cộng với công đọc lại và biên tập ngôn ngữ của tôi, đã không đến được với bạn đọc, và quan trọng hơn là đến với những vị có trách nhiệm. Bởi vì tôi nghĩ, hiện nay ở VN, nhiều vấn đề trong quản lý giáo dục đang cần được xem xét lại và đổi mới (chủ trương đổi mới quản lý đang là một chủ trương lớn của toàn ngành), và rất cần những tiếng nói của những người có chuyên môn.

Có thể có những điều không thể lấy kinh nghiệm của nước ngoài áp đặt vào VN được, nhưng nhìn chung thì đa số kinh nghiệm trên thế giới đều đáng được học hỏi một cách nghiêm túc để mọi việc vận hành theo quy luật. Vì tôi nghĩ VN dẫu có đặc thù đến đâu, cũng không thể nào tự mình phát triển theo kiểu một mình một cõi, mà tốt nhất là nên sử dụng tối đa lợi thế của người đi sau, tuân theo những quy luật đã được chứng minh, tránh những sai lầm của những người đi trước.

Mà muốn thế, thì những ai có hiểu biết gì có lợi cho xã hội đều cần phải nói ra, và cần được lắng nghe. Dù tất nhiên người nói cũng cần cân nhắc nói như thế nào để không bị hiểu lầm. Mà hiểu lầm nếu có, thực ra cũng là điều tất nhiên, thậm chí còn cần thiết nữa, vì nó tạo ra sự tranh luận cần thiết để có thể hiểu vấn đề một cách cặn kẽ.

Nhưng mà thôi, có lẽ ở Việt Nam nó thế, mọi cái cứ phải rất từ từ, chầm chậm mới được chăng? Nếu thế, thì bao giờ chúng ta mới có thể có được những phát triển cần thiết như mong muốn của các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước đây?

Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi mà tôi vừa đặt ra ở trên. Thôi thì cũng chỉ biết cố gắng tiếp tục làm những gì mà mình tin là tốt nhất, trong điều kiện của chính mình!

Câu chuyện giáo dục của Việt Nam, tôi vẫn sẽ còn quay lại và phát biểu để đóng góp cho nó tốt hơn. Vì đó chính là lý do tôi lập ra trang blog này, chẳng phải như vậy sao?
---
Viết thêm:
Tôi vừa đọc được một bài liên quan đến thi tuyển sinh trên báo Lao Động, có liên quan đến vấn đề đã được đề cập đến trong bài PV trên báo Phụ Nữ TP HCM của tôi, nên đưa luôn link lên đây để mọi người cùng đọc. Tựa bài báo ấy là "Thi khổ quá - Thưa Bộ trưởng Bộ Giáo dục". Nó ở đây.

Có lẽ tôi cần viết một loạt bài về các chính sách tuyển sinh trên thế giới, và tốt nhất, có lẽ là bắt đầu bằng việc tìm hiểu việc tuyển sinh ở Trung Quốc. Vì các bài học của Trung Quốc sẽ tốt cho VN, một nước có cùng một thể chế chính trị. Và Trung Quốc hiện nay cũng đang đổi mới quản lý giáo dục đại học rất mạnh mẽ, mặc dù so với VN thì giáo dục đại học TQ cũng đã đổi mới sớm hơn nhiều, và cũng đã có ít nhiều thành tựu.

Tôi vẫn nghĩ, do VN đi sau TQ, nên điểm thuận lợi nhất khi học từ TQ trước hết là ta có thể tránh được những điều mà TQ đã làm không đúng mà hậu quả đã được bộc lộ ra (không phải trả giá vì những sai lầm mà người khác đã mắc phải). Đó là lý do tôi không chỉ tìm cái được, mà còn tìm cả những mặt trái của giáo dục của giáo dục các nước quanh ta như Mã Lai, Ấn Độ và TQ, để giúp VN không hăm hở đi lại những bước xe đổ của những người đi trước. Ví dụ như trong việc phát triển giáo dục đại học một cách ồ ạt về số lượng, hoặc tư nhân hóa/thị trường hóa mà thiếu một cơ chế kiểm soát có hiệu quả của nhà nước.

Thật ra, viết thì mệt (tìm, đọc, phân tích, tổng hợp, phán đoán, diễn đạt vv), nhưng có lẽ giống như Kiều: "Đã mang lấy nghiệp vào thân ..."! Thôi thì cứ phải cố gắng thôi!

Sunday, July 4, 2010

"Gánh nặng trên vai tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT"

Tình cờ mở Yahoo, tôi đọc được mẩu tin có cái tựa đã được sử dụng làm tựa entry này (có để trong ngoặc kép tức là trích dẫn của người khác, không phải tựa của tôi!)

Bài ấy có thể đọc ở đây, hoặc, theo chú dẫn về nguồn, thì có thể đọc được nó ở trên trang Tuổi Trẻ Online cho số báo ra Thứ Hai ngày 5/7/2010, với tác giả được ghi là Mai Lan của tờ Doanh nhân cuối tuần.

Nói thêm, Mai Lan là một trong những PV giáo dục mà tôi hay đọc và cho là có những bình luận sắc sảo. Trước đây Mai Lan ở báo SGGP, nhưng như thế tức là nay đã đổi sang làm ở tờ báo khác rồi, cũng tiếc cho SGGP. Chẳng biết có phải tại vấn đề lương bổng và đãi ngộ hay không? Nếu một tờ báo như SGGP, cơ quan của Đảng bộ TP, mà không giữ được người giỏi, thì cũng đáng suy nghĩ đấy!

Quay trở lại bài báo. Đúng với những nhận định của tôi về Mai Lan, bài viết có những ý kiến rất sắc sảo, ví dụ như trong những trích dẫn dưới đây:

Trước thực trạng quản lý giáo dục ngày càng bộc lộ những yếu kém, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra chỉ thị về “Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012”. Lý giải về việc chọn đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất của tất cả các yếu kém mang tính hệ thống ở bậc đại học thời gian qua là do thực hiện các giải pháp khoa học quản lý chưa sát.

Tiếc thay, Bộ GD-ĐT lại triển khai cuộc “cách mạng” quản lý bằng tư duy “phong trào” chứ không bằng tư duy “khoa học”: hàng loạt cuộc hội thảo, hội nghị của các trường ĐH-CĐ trên cả nước được mở ra với nhiều chương trình hành động và khẩu hiệu “nổ rền”, nhưng lại chẳng liên quan gì đến việc đổi mới quản lý cả! Hàng loạt cuộc ký kết giữa Bộ GD-ĐT với Trung ương Đoàn TNCS HCM, giữa các ban giám hiệu, đảng ủy nhà trường với Đoàn TNCS HCM của các trường về chương trình hành động của sinh viên (!) đối với cuộc “đổi mới quản lý giáo dục”.

Đổi mới diễn ra “lạc đề, lạc chủ thể”? Trong khi đó, nội dung được các trường và xã hội mong chờ nhất là: việc đổi mới công tác quản lý của Bộ đối với hệ thống các trường đại học ra sao? Giao quyền tự chủ đến đâu? Đổi mới cơ chế tài chính như thế nào? Mức độ phân công, phân cấp quản lý cho các trường? v.v... Tất cả chìm khuất!

[...][N]ền giáo dục Việt Nam đã đa dạng hóa loại hình đầu tư, hàng loạt ĐH-CĐ dân lập, tư thục đã ra đời trong suốt mười năm đổi mới. Tuy nhiên, cũng ngần ấy thời gian vấn đề lợi nhuận của khu vực này đã rất không rõ ràng: là trường “lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”? Bởi trên thế giới, ứng xử của Nhà nước giữa hai loại hình trường này rất khác nhau.

Một khi tài chính thiếu minh bạch sẽ ngáng trở rất lớn trong việc đánh giá hiệu quả, thiết lập kế hoạch đầu tư chính xác cũng như đóng góp của xã hội cho giáo dục.

Tình hình như thế, mà tất cả trí thức trong và ngoài nước không ai có đóng góp gì sao cho quá trình đổi mới quản lý của ngành giáo dục VN? Có chứ, nhưng theo tác giả Mai Lan, tiếc thay, tất cả như rơi vào “hố thẳm của im lặng”!

Vậy đấy, nên bảo sao mà gánh của tân Bộ trưởng lại chẳng nặng!

Một nhận xét ngoài lề: tôi khá bất ngờ khi bài báo có nêu tên tôi với một phát biểu, nghe ý tưởng và lời lẽ thì đúng là của tôi, nhưng rõ ràng là tôi chưa bao giờ phát biểu điều này với báo chí bao giờ. Nó ở trên blog của tôi chăng? Tôi đã đi tìm, và quả nhiên là tìm thấy. Ở đây này, bài bình luận bài viết có tên "Giáo dục đụng đâu ... dở đó".

Cũng xin "khoe" thêm: về đổi mới quản lý giáo dục, tôi cũng đã viết trên blog của mình mấy bài, trong đó bài tôi viết kỹ và tâm đắc nhất là bài có tên "Bộ Giáo dục đạt mục tiêu đổi mới bằng cách nào?". Có thể đọc nó ở đây. Đã gửi cho Tia Sáng (viết cho Tia Sáng) nhưng sau đó bị "mất bản quyền" vì bị đưa trước lên trang mạng khác, nên Tia Sáng không dùng nữa! Hơi tiếc!

Vậy mới thấy, blogs cũng có tác dụng của nó: đây đúng là một public sphere, một không gian công cộng, một loại diễn đàn của các cá nhân có ý tưởng và muốn đóng góp ý kiến của mình cho xã hội, cho chính quyền để góp phần cải thiện cuộc sống.

Và như vậy, thì ta vẫn còn có thể tin tưởng rằng rồi thì mọi việc sẽ phải tốt lên, khi những tiếng nói độc lập, trung thực của những người - tạm gọi là trí thức, mặc dù trí thức là gì thì còn phải bàn thêm - có trách nhiệm với xã hội vẫn còn có nhiều người nghe! Chỉ mong những người cần nghe sẽ lắng nghe, và sẽ hành động!

Đây cũng là mong muốn của tôi, một người trong ngành, xin gửi gắm đến tân Bộ trưởng! Như trước đây tôi cũng đã từng có những ý kiến nho nhỏ trên diễn đàn của Bộ Giáo dục (do TS Quách Tuấn Ngọc làm admin) khi PTT NTT mới làm Bộ trưởng.

(Tự dưng bỗng thắc mắc: Chẳng rõ hồi ấy nguyên Bộ trưởng NTN có bao giờ đọc các ý kiến của tôi không nhỉ?)

"Đo lường thư mục, xếp hạng toàn cầu và sự minh bạch"

Bản dịch và giới thiệu bài này của tôi đã được đăng trên Tạp chí Tia Sáng số đầu tháng 7 này ở đây. Bản gốc tiếng Anh ở đây. Xin đăng lên đây bản gốc chưa qua biên tập của tôi ở đây và mong nhận những ý kiến trao đổi của các bạn. Thực ra, bản dịch có sự đóng góp đáng kể của Kim Khôi, con trai tôi, tôi chỉ hiệu đính và viết lời giới thiệu. Cũng là một cách luyện tiếng Anh hàn lâm cho Khôi.
---
Xếp hạng đại học đang trở thành một hiện tượng toàn cầu, một phần do sự hữu ích và tiện lợi của nó. Các kết quả xếp hạng cung cấp cho các vị lãnh đạo nhà nước cũng như các trường đại học một chỉ dẫn nhanh và (được tin là) khách quan về vị thế của nền giáo dục một quốc gia hay uy tín của một trường đại học. Việc chấp nhận tham gia xếp hạng và cung cấp thông tin cho các tổ chức xếp hạng được xem như một bước tiến trong quản trị đại học, vì nó giúp làm minh bạch hoạt động của các trường đại học đối với các bên có liên quan.

Một điều mà ai cũng nhận thấy là phương pháp xếp hạng của các tổ chức khá khác biệt, dẫn đến những vị trí khác nhau của cùng một trường trong những bảng xếp hạng khác nhau. Không những thế, các tổ chức xếp hạng rất hay thay đổi phương pháp, và thậm chí quan hệ giữa các tổ chức xếp hạng này cũng hay thay đổi, đôi khi đang là đối tác trở thành đối thủ, như trường hợp của Times Higher Education và QS Quacquarelli Symonds. Tuy vậy, sự tin tưởng của các trường đối với các tổ chức xếp hạng này dường như không hề suy xuyển bởi những việc như vậy, và số lượng trường tự nguyện cung cấp thông tin cho các tổ chức xếp hạng để sau đó biết được vị trí của mình trên thế giới không hề giảm đi mà ngày càng tăng lên. Cho dù chúng chỉ là các tổ chức tư nhân, hoạt động trên cơ sở có lợi nhuận, và không hề có sự giám sát nào của một bên thứ ba, theo nguyên tắc khách quan và minh bạch mà các trường phải chấp nhận khi tham gia xếp hạng.

Liệu các tổ chức xếp hạng này có đáng được hưởng sự tin tưởng tuyệt đối này chăng? Họ làm gì với tất cả dữ liệu mà các trường hàng năm đã cung cấp cho họ? Bài viết của tác giả Chris Olds vừa đăng trên trang mạng Global Higher Education ngày 23/6/2010 vừa qua đã đặt ra những vấn đề đáng suy nghĩ về vai trò của các tổ chức này. Theo tác giả, có lẽ đã đến lúc cần có một cơ chế giám sát và bạch hóa hoạt động của các tổ chức xếp hạng, để tránh những sai lầm tương tự như vai trò của các tổ chức xếp hạng tín dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết độc đáo này đến toàn thể bạn đọc.

Đo lường thư mục , xếp hạng toàn cầu và sự minh bạch

23/06/2010, globalhighered

Vì sao chúng ta rất chú ý đến vào những ứng dụng thực tế và tiềm năng của đo lường thư mục (“thuật ngữ chung để chỉ các số liệu liên quan đến ấn phẩm”, theo định nghĩa của OECD), và các phương pháp xếp hạng trường đại học trên thế giới, nhưng lại ít quan tâm đến các công ty tư nhân và mối quan hệ giữa các công ty đó – những kẻ đứng sau các hệ thống đo lường thư mục và bảng xếp hạng toàn cầu nói trên?

Tôi chợt nảy ra câu hỏi này khi đọc tờ tạp chí Nature số ra ngày 17 tháng 06, 2010, trong đó có một bài đánh giá chi tiết về những khía cạnh khác nhau của đo lường thư mục, bao gồm giá trị của các “đo lường khoa học” (science metrics) dùng để đánh giá các khía cạnh tác động khác nhau của thành quả nghiên cứu (vd: các ấn phẩm), và các “thành tựu khoa học cá nhân”.

Số đặc biệt này của tờ tạp chí Nature, và đặc biệt là cuộc khảo sát của Richard Van Noorden về “hệ sinh thái đang tiến hóa nhanh chóng” của đo lường thư mục, thực sự rất đáng đọc. Dù chỉ là một chiều kích rắc rối và mơ hồ trong đời sống học thuật, đo lường thư mục ngày càng được chấp nhận như một khía cạnh trong quản trị giáo dục đại học và nghiên cứu (xét theo nghĩa rộng). Đo lường thư mục đang tạo ra một tác động đa dạng và ngày càng sâu rộng đối với quá trình quản trị đại học trên nhiều phạm vi khác nhau, từ mức độ cá nhân (trọng tâm chính trong số đặc biệt của tạp chí Nature) đến cấp đơn vị/khoa, bộ môn; trường đại học; ngành học/lĩnh vực đào tạo; quốc gia; khu vực; và cả toàn thế giới.

Giờ đây, trong tình hình sự phát triển của “hệ sinh thái” này đang thay đổi nhanh chóng, cùng với việc tồn tại quá nhiều những sáng kiến đổi mới đang phát sinh liên quan đến việc nên hay không nên sử dụng đo lường thư mục vào các ngành học/lĩnh vực khác nhau; để hiểu rõ hơn bản chất và tác động của việc sáng tạo và phổ biến tri thức, có lẽ chúng ta nên lùi lại và suy nghĩ về hiện tượng những tổ chức không thuộc nhà nước, vì lợi nhuận, lại đang tạo ra một loại công nghệ gắn chặt một cách ăn ý với văn hóa kiểm định hiện nay của chúng ta như thế này.

Trong bài viết hôm nay, tôi muốn nêu ra hai quan điểm chính trước khi đúc kết với một số câu hỏi cần xem xét.

Trước hết, tôi cảm thấy dường như đang có một số lượng lớn bất thường các nghiên cứu về việc ứng dụng hay lạm dụng các số liệu đo lường, nhưng lại rất ít các nghiên cứu về các công ty tạo ra những số liệu đó, cách thức hoạt động cũng mối liên hệ lẫn nhau giữa các công ty này, và về cách thức chúng tìm cách tác động vào bản chất của hoạt động học thuật trên toàn thế giới.

Tại thời điểm này, tôi không cố ý ám chỉ rằng những công ty như Elsevier (tác giả của Scopus), Thomson Reuters (tác giả của ISI Web of Knowledge), và Google (tác giả của Google Scholar) đang tạo ra những tác động tiêu cực (tham khảo bài ‘Regional content expansion in Web of Science®: opening borders to exploration’, một mẩu tin tốt lành về Thomson Reuters mà chúng tôi đã vui mừng tìm thấy), nhưng tôi muốn nêu ra rằng hiện nay rõ ràng có một sự bất xứng giữa số lượng nghiên cứu về đo lường thư mục và nghiên cứu về những công ty thực hiện đo lường thư mục, cũng như về cách thức mà người ta đã đưa những công nghệ đánh giá đó vào cuộc sống và thị trường. Ví dụ khi tìm kiếm trên công cụ ISI Web of Knowledge của Thomson Reuters những thuật ngữ như Scopus, Thomson Reuters, Web of Science và đo lường thư mục ta sẽ nhận được một danh sách gần như vô tận những bài viết so sánh những cơ sở dữ liệu chính, những đổi mới có liên quan đến các cơ sở dữ liệu vv, nhưng thật ngạc nhiên là có rất ít những nghiên cứu về Elsevier hoặc Thomson Reuters (tức các công ty tạo ra công cụ đánh giá). Càng ngày càng ít đi, thực vậy, và khá giống với hiện tượng thiếu vắng các nghiên cứu quan trọng có liên quan đến các tổ chức xếp hạng tín dụng như Moody’s hoặc Standard and Poor’s.

Kế đến, và là một vấn đề có liên quan, dường như vai trò của những công ty như Elsevier, Thomson Reuters, chưa kể các công ty QS Quacquarelli Symonds Ltd., và TSL Education Ltd., trong việc cổ xúy cho hiện tượng xếp hạng toàn cầu hầu như rất ít được quan tâm, hoàn toàn trái ngược với những tranh luận gay gắt về những phương pháp xếp hạng. Ví dụ, bốn hệ thống xếp hạng toàn cầu chính trong quá khứ cũng như hiện nay là:

• Hệ thống xếp hạng của trường đại học Giao thông Thượng Hải (từ năm 2003 đến nay)

• Hệ thống xếp hạng các trường đại học quốc tế của tạp chí Times Higher Education phối hợp với QS Quacquarelli Symonds. (2004-2009)

• Hệ thống xếp hạng các trường đại học của tạp chí Times Higher Education phối hợp với Thomson Reuters (từ năm 2010 trở đi)

• Hệ thống xếp hạng các trường đại học của QS Quacquarelli Symonds (2010 trở đi)

-- tất cả đều dựa trên cơ sở dữ liệu cung cấp bởi Thomson Reuters và Elsevier.

Một trong những khía cạnh thú vị về sự tham gia của những công ty này vào hiện tượng xếp hạng là họ đã giúp tạo nên sự mong đợi đã được chuẩn hóa là việc xếp hạng diễn ra mỗi năm một lần, cho dù chẳng có bất kỳ lý lẽ rõ ràng (và tất nhiên là không được nêu rõ) nào về tần suất xếp hạng này. Tại sao ta không thực hiện xếp hạng chẳng hạn 3-4 năm/lần, có thể là cùng kỳ hạn tổ chức World Cup hoặc Olympics chẳng hạn? Tôi có thể hiểu tại sao việc xếp hạng các trường đại học phải diễn ra thường xuyên hơn so với kế hoạch xếp hạng bị trì hoãn dài hạn của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ (NRC), và chắc chắn việc xếp hạng các trường đại học cần diễn ra thường xuyên hơn số năm đội Pháp vô địch World Cup (xin lỗi nhé …) nhưng tại sao lại phải xếp hạng hàng năm?

Tuy nhiên, hãy thử nhìn nhận vấn đề này dưới quan điểm của các công ty thực hiện xếp hạng so với quan điểm xét ưu, nhược điểm của các phương pháp xếp hạng.

Từ quan điểm của công ty tổ chức xếp hạng, chu kỳ xếp hạng hàng năm cần được chuẩn hóa vì đó là cơ chế để tự do trích xuất dữ liệu từ các trường đại học. Dữ liệu này rõ ràng là dùng để xếp hạng nhưng nó cũng được sử dụng để phát triển các dịch vụ kèm theo và khả năng thực hiện các đối sánh, những dịch vụ này có thể bán lại cho các trường đại học, các hội đồng tài trợ, các quỹ hỗ trợ, các tổ chức khu vực và các tổ chức tương tự (vd Ủy ban Liên minh Châu Âu đang tham gia mạnh mẽ vào việc đối sánh và hiện nay đang tài trợ cho kế hoạch xếp hạng Châu Âu).

Công ty QS Quacquarelli Symonds Ltd., ví dụ thế, đã tiếp thị cho những dịch vụ này (có thể xem mẩu trích từ brochure của QS) tại gian hàng của họ trong hội nghị NAFSA vừa qua tại thành phố Kansas, trong khi Thomson Reuters đang bận phát triển dự án mà họ gọi là Dự án Hồ sơ toàn cầu về các trường đại học (Global Institutional Profiles Project). Dự án này do Jonathon Adams tiên phong, ông là một cựu nhân viên của Đại học Leeds, người đã thành lập một công ty tư nhân (Evidence Ltd) vào đầu thập niên 90, công ty từng tham gia vào các chương trình Đánh giá nghiên cứu (REA) tại Anh Quốc và chương trình ERA của Châu Âu trước khi được Thomson Reuters mua lại vào tháng 01, 2009.

Các cổng nhập dữ liệu trực tuyến chuyên nghiệp (tham khảo hình bên trên) cũng đang được hình thành. Những cổng này tạo ra một đường lưu chuyển dữ liệu tự do (ít ra là một chiều) giữa các phòng hành chính của hàng trăm trường đại học trên thế giới với các công ty thực hiện xếp hạng.

Nhu cầu về dữ liệu ngày càng tiêu tốn nhiều tài nguyên của các trường đại học. Chẳng hạn, các biểu mẫu của tổ chức QS hiện đang được các trường đại học khắp thế giới sử dụng bao gồm 14 chuyên mục chính và mỗi chuyên mục chính lại có nhiều mục phụ: tất cả bao gồm 60 trường dữ liệu, trong đó có 10 trường rất quan trọng cho hoạt động xếp hạng của QS sẽ được thực hiện vào tháng 10, 2010. Một khi các đường dẫn dữ liệu được thiết lập thì động lực phụ thuộc vào nguồn dữ liệu chắc chắn tồn tại, và mức độ phức tạp của những yêu cầu về dữ liệu có thể tăng dần lên.

Như vậy là mục tiêu chính dường như có liên quan đến việc sử dụng kết quả xếp hạng toàn cầu để cập nhật các cơ sở dữ liệu mà người sử dụng sẽ phải đóng phí, chưa kể là để phát triển các cơ sở tri thức và các tiềm năng tri thức trong nội bộ công ty (sử dụng cho việc tư vấn), hiện đã đang được vận hành trên phạm vi toàn cầu.

Tóm lại, liệu chúng ta có cần quan tâm đến và làm một hành động gì đó về tình trạng không cân xứng đã được xác định giữa các nghiên cứu về đo lường thư mục và về các công ty thực hiện việc đo lường cũng như các công ty dịch vụ thông tin được lắp ghép bên trong chúng hay không?

Tiếp đến, đâu là sự lý do của việc xếp hạng hàng năm so với một cách xếp hạng được phân tích kỹ hơn, xét trên khía cạnh thời gian? Thật ra tại sao ta không thống nhất thực hiện tất cả các xếp hạng quốc tế vào những năm cụ thể (vd: 2010, 2014, 2018) nhằm giảm áp lực đối với các trường đại học trong việc cung cấp dữ liệu, và cho phép những so sánh kịp thời giữa các hệ thống xếp hạng có tính cạnh tranh. Một nhịp độ được tính toán kỹ lưỡng hơn hẳn là sẽ phản ánh được nhịp độ thay đổi thật trong các cơ sở giáo dục đại học hơn là nhu cầu của các công ty thực hiện xếp hạng.

Và cuối cùng, liệu những công ty như Thomson Reuters và Elsevier, cũng như những đối tác của họ (đặc biệt là các công ty QS Quacquarelli Symonds Ltd và TSL Education Ltd), có minh bạch về bản chất các hoạt động của mình như cần có hay không? Có lẽ cần có sự công khai/thảo luận về:

• Điều gì xảy ra với những dữ liệu mà các trường đại học tự nguyện cung cấp?

• Điều gì được quy định trong các hợp đồng giữa các tổ chức xếp hạng (vd giữa Times Higher Education và Thomson Reuters)?

• Các trường có những quyền lợi gì liên quan đến việc kiểm tra công khai và sử dụng mọi dữ liệu và phân tích có liên quan được tạo ra dựa trên các dữ liệu mà các trường đã cung cấp từ đầu?

• Ai sẽ quản lý, hoặc ít ra là quan sát, mối quan hệ giữa các công ty trên và các trường đại học trên thế giới? Có phải mối quan hệ này tốt nhất nên tiếp tục dựa trên cơ sở quan hệ song phương giữa trường và công ty? Hay cách tiếp cận hiện nay không phù hợp? Nếu không phù hợp thì nên chăng cần có một tổ chức thứ ba tham gia vào mối quan hệ này ở phạm vi quốc gia (vd: Bộ Giáo dục Hoa Kỳ hoặc các hiệp hội đại học quốc gia), ở phạm vi khu vực (như Hiệp hội đại học Châu Âu), và/hoặc trên phạm vi quốc tế (vd: Hiệp hội đại học quốc tế)?

Tóm lại, chẳng phải lúc này chính là thời điểm thích hợp khi cơ chế minh bạch vốn đang được áp đặt cho các trường đại học trên thế giới cũng phải được áp dụng vào các công ty tư nhân đang đứng đằng sau các hệ thống đo lường thư mục và xếp hạng toàn cầu đó hay sao?

Kris Olds
Nguồn: Global Higher Education

Saturday, July 3, 2010

"Những kẻ quan liêu đang hủy hoại nền giáo dục của con em chúng ta"

Đó là tựa của một bài viết đã đăng trên tờ Telegraph (UK) cách đây hơn một năm, vào tháng 5 năm trước. Tựa tiếng Anh đầy đủ của bài viết này là "The Bureaucrats are ruining our children's education, not teachers".

Tựa của entry này là bản dịch cái tựa tiếng Anh của bài viết, nhưng còn thiếu mấy từ cuối: "chứ không phải là giáo viên". Do quá dài nên tôi đã bỏ bớt. Bài ấy ở đây.

Một bài viết rất hay, mà nếu ai rảnh thì nên dịch toàn bộ ra tiếng Việt. Vì có rất nhiều điều thật đáng suy nghĩ, học hỏi, có liên quan đến nền giáo dục Việt Nam. Đặc biệt là trong tình hình bạo lực học đường ngày càng gia tăng, tỵ nạn giáo dục ngày càng phổ biến, trẻ em chán học, thầy cô giáo chán dạy, nhiệm vụ dạy người của ngành giáo dục ngày càng bị bỏ bê.

Không những thế, thi cử ngày càng nặng nề, gây áp lực và làm hao tổn sức lực, tiền của, và thời gian của toàn xã hội, mà chất lượng giáo dục cũng như chất lượng cuộc sống không hề tăng lên, nếu không nói là ở một số mặt còn đang suy giảm.

Bài viết nói gì? Xin giới thiệu ở đây một vài đoạn quan trọng (bản dịch của tôi, bản gốc xin vào link đã nêu ở trên):

Tôi chẳng nhớ gì về ngày đầu tiên đi học của mình, và giờ đây khi nghĩ lại tôi ngờ rằng việc này là do lúc ấy chẳng ai xem đó là điều quan trọng. Không ai bàn xem phải cho tôi học trường nào. Không phải đợi chờ hồi hộp, không cần lo lắng. Chúng tôi sống trong một ngôi làng nên tôi đi học ở trường làng. [...] Cô giáo đầu tiên của tôi, Bà Kettle với đôi má hồng mũm mĩm, là vợ của vị mục sư trong làng. Tôi vẫn nhớ những câu truyện trong Kinh Thánh mà bà kể cho chúng tôi vào mỗi buổi sáng, nhớ tên của những loài hoa dại mà chúng tôi hái được trong rừng mùa hạ, nhớ những bài thơ mà chúng tôi đã thuộc lòng từ dạo ấy.
[...]

Ngày nay, các bậc phụ huynh lo lắng về việc học của con cái mình từ trước đó rất lâu - phải nói là từ lúc họ còn chưa trở thành cha mẹ nữa. Mà cũng phải thôi. Ngày nay, việc kiếm được một chỗ học [tử tế] cho trẻ con ở trường địa phương ngày càng khó. [...] Nhưng nếu con cái bạn đủ may mắn để tìm được một chỗ học tàm tạm thì lúc ấy mọi sự căng thẳng chỉ mới bắt đầu thôi. Các bậc phụ huynh bắt đầu phải lo lắng xem việc gì sẽ diễn ra trong trường lớp của các em - một việc mà các bậc cha mẹ cảm thấy ngày càng khó đáp ứng. [...]

[...] [Không những thế, phụ huynh còn phải] suy nghĩ xem nên chọn loại trường mới nào, thi các chứng chỉ mới ra sao. Và nếu con cái bạn sắp phải dự kỳ thi A-level [tương đương kỳ thi vào ĐH của VN; chú thích của tôi] thì liệu chúng có nên theo học chương trình Tú tài quốc tế không, vì hình như chính sách liên quan đến kỳ thi A-level sắp thay đổi và có thể chẳng bao lâu sẽ không tổ chức kỳ thi này nữa?

[...]

[Ở thời của tôi,] không những tôi không phải lo lắng về việc chọn trường để học, mà tôi cũng chẳng cần quan tâm đến dư luận về chất lượng giáo dục xuống thấp, như thể đó chỉ là một nền giáo dục đáng vứt đi, hoặc lo lắng rằng kỳ thi mà tôi đang ráo riết chuẩn bị có thể hông còn được tổ chức nữa [do những cải cách trong thi cử]. Chính phủ can thiệp quá sâu vào hệ thống giáo dục – và giáo viên cứ thường xuyên ca cẩm về chất lượng giáo dục - khiến cho học sinh bị tước mất đi một yêu cầu rất quan trọng trong giáo dục, dù giáo dục trong trường lớp hay giáo dục tại nhà, đó là sự bình ổn
.

Phần trích dẫn trên đây là từ một bài viết mô tả hiện trạng của nước Anh. Nhưng nếu tôi không giới thiệu, thì hoàn toàn có thể nghĩ đây là một bài viết về nền giáo dục của VN. Vì tình hình ở VN hiện nay rất giống như thế.

Nào là thi vào lớp 1 tăng cường tiếng Anh, nào là thi vào lớp 6, chọn trường công hay trường bán công, thi vào lớp 10, rồi giảm tải chương trình, thay sách giáo khoa, đưa nội dung phòng chống tham nhũng (!) vào nhà trường, cải cách thi cử, thi tốt nghiệp THPT rồi thi đại học, nên hay không kỳ thi 2 trong 1, vân vân và vân vân. Và mùa hè của các em ngày càng ngắn dần đến chỉ còn một tuần, rồi học sinh nữ đánh nhau, quay video clip quăng lên mạng, rồi học trò đánh thầy, thầy đánh học trò, ôi thôi là bát nháo.

Đâu rồi một nền giáo dục bình ổn, nơi học sinh không bị sức ép phải thành thần đồng, phải thi học sinh giỏi, phải tham gia kỳ thi Olympic quốc tế, phải học trường phổ thông năng khiếu, mà chủ yếu tập trung vào việc dạy người để tạo ra những con người mạnh khỏe, hạnh phúc, tự tin, có trách nhiệm với chính bản thân, với gia đình, với cộng đồng và với xã hội?

Phải chăng lại là những câu hỏi không có lời giải đáp?

Friday, July 2, 2010

Lại chuyện bằng dỏm, trường ma

Chuyện tưởng đã êm rồi, nhưng hôm nay tôi lại đọc được một vài thông tin khiến phải xới chuyện này lên lại.

Trước hết là mấy mẩu tin khá "giật gân" trên blog Diploma Mill News mà tôi có đưa link trên blogroll của tôi, link đây: http://diplomamillnews.blogspot.com/. Nếu bạn nào quan tâm đến vấn đề này thì chịu khó vào đây thường xuyên, sẽ nhận được tin nóng đều đặn. Riêng những tin đáng quan tâm hôm nay gồm có:

1. Giáo sư "có biên chế" (tenured professor) tại trường ĐH Northeastern Illinois có bằng Tiến sĩ dỏm (bogus PhD).
Đặc biệt, tin này còn mới, chỉ mới đưa lên báo chí Mỹ cách đây chưa đến 2 tháng, mới đầu tháng 5/2010 thôi. Có thể đọc nguyên gốc ở đây, đây nữa, và cả ở đây. Thời gian này hình như cũng rất gần với thời gian phát hiện ra vụ bằng dỏm, bằng giả ở VN thì phải. Ngôi trường "dỏm" được xác định trong mẩu tin này là trường Pacific Western University. Xem trích dẫn ở đây:
Okosun [tên vị GS bị xác định là có bằng dỏm] got his doctorate from the now-shuttered Pacific Western University in Los Angeles. In a 2004 report, the congressional agency then known as the U.S. General Accounting Office said the school was unaccredited, offered degrees for a fee and didn’t require any classroom instruction.
Trường này nằm ở bang California, là bang đứng đầu danh sách các tiểu bang ở Mỹ có các trường ma, trường dỏm.

2. Chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần (mental health counselor) bị cảnh sát bắt giữ vì bị buộc tội sử dụng bằng giả.
Tin ấy ở đây, và đây nữa chi tiết đầy đủ. Bằng cấp của nhân vật này là do các trường "ma" sau đây cấp: Hamilton University & Richardson University. Thật ra, cả 2 trường này cũng chỉ là 1, chỉ là trường sau (Richardson) đổi tên sau khi trường trước (Hamilton) bị phát hiện mà thôi. Thông tin về 2 trường này có trong danh sách các trường đại học "có vấn đề" được nêu trên trang web của Sở Thẩm định Văn bằng của tiểu bang Oregon (Mỹ), link ở đây: http://www.osac.state.or.us/oda/unaccredited.aspx. Xem ảnh chụp màn hình dưới đây:


Đó là tin trên báo Mỹ, về nạn bằng giả, bằng dỏm trên đất Mỹ. Thì đã nói là Mỹ vốn đứng đầu danh sách nơi cấp bằng giả, bằng dỏm, trường ma, trường bịa, và kiểm định dỏm, kiểm định xạo mà lại. Nhưng khổ nỗi là điều đó ít ai biết, đặc biệt là dân chúng các nước kém phát triển như VN.

Nhưng may quá, và cũng lạ quá, hôm nay tôi đọc được tin này trên Báo Đất Việt: "Mỹ là lò bằng giả toàn cầu". Tin ấy ở đây. Không mới, nhưng viết khá kỹ, nhiều thông tin đối với bạn đọc đang có ý định lấy bằng đại học hoặc sau đại học của Mỹ.

Hãy tạm đưa thông tin thế đã. Một lúc nào khác có chút thời gian tôi sẽ viết entry phân tích lý do tại sao Mỹ lại nhiều bằng giả, vai trò của thầy, trò, nhà quản lý, và toàn xã hội trong việc "phòng chống" nạn bằng giả, bằng dỏm này trên đất Mỹ ra sao, để rút ra bài học kinh nghiệm cho VN.