Tuesday, March 29, 2016

Cần độc lập trong kiểm định, xếp hạng trường ĐH (Báo Thanh Niên, 27/3/2016)

http://thanhnien.vn/giao-duc/can-doc-lap-trong-kiem-dinh-xep-hang-truong-dh-685527.html
-------
Bà Vũ Thị Phương Anh (ảnh), một chuyên gia có kinh nghiệm về kiểm định chất lượng, khẳng định việc kiểm định, xếp hạng các trường ĐH, nhà nước nên giao cho các đơn vị độc lập thực hiện.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ, ảnh), một chuyên gia có kinh nghiệm về kiểm định chất lượng, khẳng định trong việc kiểm định, xếp hạng các trường ĐH, nhà nước phải có quan điểm mở hơn và nên giao cho các đơn vị độc lập thực hiện.
Giờ mới kiểm định là quá chậm
Cần độc lập trong kiểm định, xếp hạng trường ĐH - ảnh 1
* Bà nghĩ gì trước thông tin Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội trao chứng nhận kiểm định đầu tiên cho Trường ĐH Giao thông vận tải?
- Tôi thấy đó là điều bình thường, giống như chuyện con người ta ngủ dậy, phải đánh răng rửa mặt. Lẽ ra đó là việc bình thường phải làm mà lâu nay không làm, bây giờ làm thì không có gì đáng để bàn cả.
Bởi việc kiểm định đến nay mới làm là quá chậm, đáng ra phải làm từ 12 năm trước. Điều này khiến tôi cảm thấy lo lắng. Ngay cả việc Bộ không làm kiểm định mà để cho một số đơn vị thực hiện, đáng ra cũng phải làm từ lâu. Đáng nói hơn bộ tiêu chuẩn này đã có từ lâu và lẽ ra phải kiểm định hết mấy trăm trường rồi, vậy mà bây giờ mới có trường đầu tiên.
* Trước Nghị định 73 về quy định tiêu chuẩn phân tầng, xếp hạng trường ĐH có hiệu lực từ tháng 10.2015 và trước khi 4 trung tâm kiểm định được Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động (2 ĐH Quốc gia, ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN) đã từng có việc kiểm định các trường ĐH nhưng lại không công bố kết quả?
Cần độc lập trong kiểm định, xếp hạng trường ĐH - ảnh 2
Tương lai là các trường phải chạy theo kiểm định giống như việc chạy theo chứng chỉ B tiếng Anh trước đây. Do vậy, tôi phán đoán rằng việc kiểm định như hiện nay sẽ tệ hơn
Cần độc lập trong kiểm định, xếp hạng trường ĐH - ảnh 3
- Vì vậy mà tôi nói bộ tiêu chuẩn này vẫn là bộ tiêu chuẩn thử nghiệm từ 2004, sau đó bổ sung sửa đổi để trở thành chính thức vào năm 2007. Giai đoạn này có khoảng 20 trường ĐH được kiểm định nhưng có nhiều vấn đề nên cuối cùng không công bố được. Chẳng hạn bộ tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu tối thiểu, có những trường tốt hơn ở một số tiêu chí nhưng nếu có vài chỗ yếu thì trường đó sẽ bị đánh giá thấp. Do vậy có khi một trường tốt hơn nhưng vì đánh giá với bộ tiêu chí cứng như vậy thì lại ra kết quả thấp hơn những trường không xuất sắc nhưng đạt các yêu cầu tối thiểu. Vì có nhiều tranh cãi nên những kết quả kiểm định này tạm dừng lại.
* Nhưng bây giờ thì chuyện kiểm định đã nóng trở lại và các trường ĐH bắt buộc phải thực hiện điều này. Theo bà, sau khi đạt kết quả kiểm định, chất lượng các trường sẽ tốt hơn?
- Chuyện kiểm định làm thì cứ làm nhưng tôi vẫn không tin tác động tốt đến chất lượng giáo dục vì với cách làm hiện nay của Việt Nam tác động của kiểm định với hệ thống giáo dục là rất nhỏ. Tôi không tin các trường này kiểm định xong sẽ tốt hơn. Trong khi đó nhiều năm nay dù Bộ chưa thực hiện kiểm định nhưng cách mà Bộ siết chặt các tiêu chuẩn chất lượng, dẹp được các trường không đủ cơ sở vật chất và thiếu đội ngũ giảng viên thì lại làm các trường tiến bộ lên.
Làm như hiện nay sẽ còn... tệ hơn
* Lấy hình ảnh Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội trao chứng nhận kiểm định cho một trường ĐH khác, bà nghĩ sao khi các trung tâm kiểm định lại chính là các ĐH chứ không phải các đơn vị độc lập khác?
- Nếu để các trung tâm kiểm định thuộc ĐH kiểm định, tôi cho rằng tác động còn thấp hơn trước đây. Trên thế giới không có chuyện ĐH này kiểm định trường ĐH khác mà phải là các tổ chức độc lập.
Ở các nước, nếu giao kiểm định độc lập thì độc lập từ bộ tiêu chuẩn kiểm định. Đặc biệt, đối với xếp hạng thì không nên áp đặt mà phải để cho các trường tự chọn tiêu chí xếp hạng. Ví dụ một trong những tiêu chí mà ĐH Quốc gia Indonesia đưa ra là môi trường xanh. Các bộ kiểm định, xếp hạng trên thế giới cũng khác nhau, các trường thích bộ nào thì tham gia cái phù hợp với mình. Còn VN hiện nay chỉ có một bộ tiêu chuẩn kiểm định nhưng sử dụng chung cho 4 cơ quan kiểm định khác nhau. Các cơ quan này hoạt động theo hướng dịch vụ công, tự thu tiền tự nuôi. Nếu trước đây Bộ tự đưa ra bộ tiêu chuẩn và tự thực hiện kiểm định thì Bộ sẽ phải đối diện với dư luận, nay việc này giao lại cho 4 đơn vị. Những nơi này sẽ hoạt động như các trung tâm ngoại ngữ - cấp chứng chỉ.
Tương lai là các trường phải chạy theo kiểm định giống như việc chạy theo chứng chỉ B tiếng Anh trước đây. Do vậy, tôi phán đoán rằng việc kiểm định như hiện nay sẽ tệ hơn.
Theo tôi, nên có nhiều bộ tiêu chuẩn để phù hợp với nhiều loại trường khác nhau. Bốn trung tâm kiểm định mà một bộ tiêu chuẩn vẫn chưa ổn.
* Vậy theo bà cần thêm những tiêu chí kiểm định nào để phù hợp với điều kiện VN hiện nay?
- Mình đang đi ngược với các nước. Ở các nước bộ tiêu chí rất mở. Ví dụ có những tổ chức đưa thêm tiêu chí môi trường xanh như tôi đã nói ở trên. VN thường đề ra những con số cụ thể, cứng nhưng lại không có giá trị. Chẳng hạn với tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia phải có tối thiểu 75% sinh viên có việc làm khi ra trường. Nhiều người ví von việc này giống như cân heo. Con nào 100 kg mới đủ chất lượng. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng những con không đủ ký người ta sẽ bằng mọi cách độn, bơm nước... để đủ theo quy định dù thực chất chưa đạt.
* VN hiện có đủ chuyên gia để làm tốt việc kiểm định ở 4 trung tâm được Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động không, thưa bà?
- Hiện có tình trạng mọi người đua nhau đi học để lấy chứng chỉ kiểm định viên. Hiện nay có hai nơi được đào tạo và cấp chứng chỉ kiểm định viên là hai ĐH quốc gia nhưng khi thi thì Bộ GD-ĐT ra đề. Bộ vẫn kiểm soát việc này nhưng sự sàng lọc rất vội và cứng. Thực ra kiểm định viên phải là một nghề và phải có sự tuyển lựa qua quá trình.
Nhà nước không nên tham gia xếp hạng
* Kiểm định là bước đầu đi đến việc xếp hạng. Bà nghĩ sao về vấn đề xếp hạng các trường ĐH ở VN hiện nay?
- Trong Nghị định 73/2015 về phân tầng xếp hạng, điều 13 có quy định là Bộ sẽ lựa chọn tổ chức kiểm định có năng lực để giao nhiệm vụ phân tầng, xếp hạng. Như vậy có nghĩa là quyền ở Bộ, nhưng Bộ sẽ không trực tiếp thực hiện. Điều này cũng không ổn. Nhà nước không nên làm xếp hạng vì hậu quả nặng hơn chuyện kiểm định. Nếu tư nhân hoặc các đơn vị độc lập làm sẽ không mang tính “đóng dấu”. Còn ở đây chỉ có một thang duy nhất do Bộ đưa ra và do chính Bộ lựa chọn tổ chức xếp hạng thì trường bị xếp hạng thấp nhất sẽ bị chao đảo, điều này rất nguy hiểm.
Nếu có nhiều bộ tiêu chí của các tổ chức khác nhau thì các trường sẽ có thể tham gia vào bộ tiêu chí phù hợp với mình. Ở nhiều quốc gia, nhà nước không xếp hạng mà báo chí, tổ chức nghiên cứu và tư nhân sẽ làm việc này.
* Theo bà, Bộ GD-ĐT không nên “ôm” chuyện xếp hạng, vậy nếu mở rộng cho nhiều tổ chức, liệu những đơn vị đó có đủ nguồn lực để thực hiện trong điều kiện của VN hiện nay?
- Tại vì không cho phép, nếu cho thì vẫn có những nguồn lực có thể làm tốt việc này và sẽ đáng tin cậy hơn nhiều do những tổ chức này vô vụ lợi. Cách đây hơn 10 năm, khi VN bắt đầu làm kiểm định, nguồn lực chủ yếu đến từ các trường ĐH. Tuy nhiên, đến thời điểm này lực lượng được đào tạo đầu tiên nhiều người đã về hưu và họ vẫn có thể tham gia trong các tổ chức độc lập.
Tóm lại nhà nước phải có quan điểm mở hơn, chỉ cấm những điều thực sự nguy hại.
* Chẳng lẽ trong câu chuyện này không có le lói một điểm sáng nào, thưa bà?
- Nếu nói vậy thì tôi nghĩ phân tầng (đúng ra là phân loại) là một điểm sáng. Đến giờ Bộ mới bắt đầu thừa nhận có các loại trường khác nhau với các yêu cầu khác nhau. Sự thừa nhận này tuy trễ nhưng là việc cần làm.
Theo ông Lê Mỹ Phong, Trưởng phòng Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, TCCN, Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, hiện nay có 2 trong số 4 trung tâm được cấp phép kiểm định chất lượng giáo dục đã có hoạt động thẩm định kết quả đánh giá chất lượng giáo dục các trường ĐH (ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM).
Mỗi trung tâm đã hoàn thành đánh giá 3 trường ĐH nhưng hiện mới có trung tâm của ĐH Quốc gia Hà Nội họp hội đồng kiểm định chất lượng để bỏ phiếu thông qua kết quả kiểm định với 2 đơn vị (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Giao thông vận tải). 4 trường còn chờ khâu họp hội đồng để biểu quyết rồi mới được nhận quyết định là Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM (do trung tâm của ĐH Quốc gia Hà Nội kiểm định), Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (do trung tâm của ĐH Quốc gia TP.HCM kiểm định).
Theo PGS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, đến nay, trung tâm này đã nhận được đăng ký của 30 đơn vị có nhu cầu kiểm định chất lượng.
Quý Hiên

Nhiên An - Hà Ánh

Saturday, March 26, 2016

Đã cho tự chủ, nhà nước không nên can thiệp nữa! (GS Lâm Quang Thiệp)

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GSLam-Quang-Thiep-Da-cho-tu-chu-nha-nuoc-khong-nen-can-thiep-nua-post166443.gd
-----------------

GDVN) - Mô hình quản trị và quản lý dựa vào “quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình” là một mô hình mới, do đó để thực hiện tốt cần tổ chức nhiều khóa tập huấn...
LTS: Viết tiếp bài trước, trong bài này GS. TSKH Lâm Quang Thiệp tiếp tục bàn về tự chủ đại học ở Việt Nam với góc nhìn mới. Tòa soạn trân trọng giới thiệu với độc giả.

Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình nói chung
Ở nước ta khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của giáo dục đại học thế giới được đưa vào lần đầu ở Luật Giáo dục năm 1998 (lúc đó từ accountability được dịch không thỏa đáng là “tự chịu trách nhiệm”, đã có sự điều chỉnh thành “trách nhiệm xã hội” trong Điều lệ trường đại học năm 2003 và năm 2014.
Tuy nhiên trong các luật Giáo dục và giáo dục đại học về sau vẫn giữ cụm từ tự chịu trách nhiệm).
Cho đến nay từ tự do học thuật chưa từng xuất hiện trong các văn bản luật pháp ở nước ta.
Ở Điều 32 của Luật giáo dục đại học năm 2012 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”.
Như vậy, theo Luật giáo dục đại học có thể hiểu tự chủ về học thuật là quyền của cơ sở giáo dục đại học (chứ không phải của từng cá nhân giáo chức và sinh viên) về đào tạo, khoa học và công nghệ, và một số mặt liên quan về nhân sự và đảm bảo chất lượng. Có thể ví dụ một số quy định quan trọng gần đây.
Trường Đại học Ngoại thương là một trong những trường được tự chủ mạnh. Ảnh VOV
Điều lệ trường ĐH năm 1914 quy định về tự chủ học thuật ở Điều 5, cụ thể là:  “tự chủ trong tuyển sinh, phát triển chương trình đào tạo, lựạ chọn và biên soạn giáo trình, quản lý và cấp văn bằng, triển khai các hoạt động khoa học công nghệ,  đảm bảo chất lượng và lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng”.
Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT quy định cụ thể hơn về các yêu cầu của chương trình đào tạo các cấp học và quy trình phát triển chương trình đào tạo.
Thông tư này thay thế quyết định 2677/GD-ĐT năm 1993 về cấu trúc và khối lượng kiến thức tối thiểu cho các cấp đào tạo đại học.
Định mức khối lượng kiến thức được tính theo tín chỉ, với định mức tín chỉ giống như định mức tín chỉ của Mỹ, chỉ khác là không quy định thời gian triển khai tín chỉ phải kéo dài trong một học kỳ.
Khối lượng tối thiểu của chương trình cử nhân được quy định 120 tín chỉ, thạc sĩ – 30-60 tín chỉ, tiến sĩ 90-120 tín chỉ.
Yêu cầu tối thiểu của trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về kiến thức, kỹ năng và “năng lực tự chủ và trách nhiệm”.  Yêu cầu ở cuối khóa đào tạo được nhà trường cam kết với người học và xã hội được gọi là “chuẩn đầu ra” (learning outcome).

Tự chủ đại học - chặng đường ba mươi năm đổi mới

(GDVN) - Chặng đường 30 năm đổi mới, giáo dục đại học đã xuất hiện những mô hình mới gắn với các cơ chế tự chủ, gắn với loại hình sở hữu...
Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT về điều kiện và quy trình xin mở ngành đào tạo. Quy định về cơ sở được quyền thẩm định điều kiện mở ngành, ngoài điều kiện về cơ sở vật chất phải có 5 tiến sĩ, trong đó ít nhất 1 giáo sư, phó giáo sư trong ngành.
Nếu trường không đủ điều kiện phải nhờ một trường khác đủ điều kiện thẩm định hộ.
Nghị định 73/2015/NĐ-CP về phân tầng xếp hạng giáo dục đại học. Nghị định này thể hiện một số mâu thuẫn về khái niệm so với Luật giáo dục đại học năm 2012. Theo Luật giáo dục đại học “phân tầng” dựa vào sứ mạng, chức năng, còn “xếp hạng” dựa vào chất lượng của cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, theo Nghị định 73/2015, phân tầng và xếp hạng được gộp vào cùng một khái niệm, chỉ khác nhau: phân tầng là “xếp hạng” trong ba tầng lớn, còn xếp hạng được thực hiện chi tiết hơn trong từng tầng.
Khó khăn của việc thực hiện quyền tự chủ về học thuật 
Tuy về lý thuyết các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ về học thuật nhưng một số quy định cụ thể cứng nhắc, thiếu tính khả thi nói trên làm cho việc thực hiện các quyền đó trong thực tế gặp khá nhiều khó khăn. Có thể nêu vài ví dụ.
Ví dụ 1: Về chương trình và quy trình đào tạo. Khi định mức khối lượng chương trình đào tạo, thông tư 07/2015 quy định đơn vị “tín chỉ” theo chuẩn tín chỉ Mỹ (khoảng 30 tín chỉ một năm học) cứng nhắc cho mọi trường đại học.
Trong khi ở các trường đại học Mỹ phương pháp dạy và học rất khác ở trường đại học nước ta, số giờ lên lớp rất ít so với số giờ tự học (khoảng 15 tiết/tuần), thiết kế thời khóa biểu theo định mức Mỹ trong khi phương pháp dạy và học lạc hậu ở phần lớn trường đại học nước ta sẽ dẫn đến cắt giảm chương trình, hạ thấp chất lượng đào tạo.
Quy định tín chỉ theo định mức châu Âu ETCS (60 giờ tín chỉ một năm học), gần với quy định “đơn vị học trình” trước đây, có thể phù hợp hơn với nhiều trường đại học nước ta, nhưng không được khuyến khích sử dụng.
Thông tư 07/2015 ra đời 22 năm sau quyết định 2677/GD-ĐT năm 1993 về chương trình đào tạo nhưng các triết lý về cấu trúc chương trình đào tạo (hai khối giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp) và kiểu quản lý mềm dẻo theo “khung chương trình” của văn bản trước đây không được làm rõ và kế thừa nên việc “tự chủ” áp dụng của các trường có vẻ khó khăn hơn.
Đã nhiều năm triển khai đào tạo theo tín chỉ nhưng nhiều trường đại học vẫn rất lúng túng và cũng  không có được sự hướng dẫn thấu đáo của cơ quan quản lý nhà nước.
Ví dụ 2: Về điều kiện mở ngànhđào tạo. Số tiến sĩ và giáo sư tối thiểu được quy định để mở nành đào tạo là rất cao, rất ít trường có thể thỏa mãn, đặc biệt điều kiện đó chỉ thích hợp với loại trường đại học theo hướng học thuật chứ không phải theo hướng ứng dụng.

Thuật toán tuyển sinh “chấp nhận trì hoãn” của Đại học Thăng Long

(GDVN) - Kiến nghị trong tuyển sinh của Đại học Thăng Long nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Kiến nghị này có tên "Chấp nhận trì hoãn" và cụ thể như thế nào?
Thêm nữa, việc buộc một trường ĐH phải nhờ một trường khác có đủ điều kiện thực hiện thẩm định giúp chính là một kiểu đánh đố, vì tâm lý cạnh tranh tuyển sinh của trường được nhờ thẩm sẽ gây nhiều khó khăn tốn kém cho trường phải nhờ.
Những khó khăn đó vô hình trung vô hiệu hóa cái gọi là tự chủ học thuật. Rất nhiều trường đại học kêu ca là trong quy trình triển khai đào tạo việc xin mở ngành đào tạo thường là khâu khó khăn và tốn kém nhất.

Ví dụ 3: Về việc phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Gộp phân tầng và xếp hạng vào chung một khái niệm xếp hạng sẽ làm rối quá trình thực hiện. Hơn nữa, lẽ ra phân tầng là việc của Nhà nước còn xếp hạng là của xã hội dân sự, Nhà nước rất không nên can thiệp quá sâu vào các hệ thống xếp hạng.

Do đó qui định “chu kỳ” phân lầng 10 năm, tức là một cơ sở giáo dục đại học sau 10 năm có thể chuyển  tầng là vô nghĩa, vì sứ mạng và chức năng của một cơ sở giáo dục đại học phải ổn định trong một thời gian dài (cũng giống như một trường có chức năng là tiểu học không thể quy định sau một thời gian nào đó thể chuyển thành trung học!).
Thêm nữa, việc xếp hạng là của xã hội dân sự, thế mà điều 9 Luật giáo dục đại học lại “quan liêu hóa” việc xếp hạng, quy định Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng công nhận việc xếp hạng tương ứng đối với trường đại học, trường cao đẳng.
Việc Nhà nước can thiệp sâu vào việc xếp hạng sẽ tạo khó khăn cho hoạt động của hệ thống, giảm tính tự chủ và sự cơ động của các cơ sở giáo dục đại học.
Thực thi quyền tự chủ về học thuật gặp một số khó khăn như trên có thể vì các lý do sau đây: Về phía cơ quan quản lý nhà nước: Các văn bản pháp quy còn nhiều mâu thuẩn và kém khả thi có thể do sự không chuyên nghiệp của những người soạn thảo.
Phần lớn họ không được đào tạo trong lĩnh vực quản lý giáo dục đại học, một số người lại còn chưa kinh qua công tác tương ứng trong các trường đại học.
Có ý kiến cho rằng việc người soạn thảo văn bản pháp quy cũng chính là người quản lý lĩnh vực tương ứng là không ổn, vì những người này thường có xu hướng tạo khó khăn cho các trường chứ không phải giúp đỡ họ. Đó là chưa nói đến có một số biểu hiện về sự chi phối của lợi ích nhóm đối với một số văn bản.
Về phía các cơ sở giáo dục đại học:  Tính không chuyên nghiệp của cán bộ quản lý học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng là vấn đề: phần lớn họ từng là giảng viên từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau chứ không được đào tạo từ lĩnh vực quản lý giáo dục đại học.

Một số người cố gắng tự học hỏi để nâng cao trình độ qua thời gian quản lý thì lại bị thay thế bởi người thiếu kinh nghiệm hơn mỗi khi chuyển đổi nhiệm kỳ hiệu trưởng.  Khi các cơ sở giáo dục đại học không thể “tự chủ” thì quan hệ “xin, cho” mặc nhiên hình thành, và điều đó tất yếu dẫn đến tiêu cực.
Điểm sáng quyền tự chủ đại học
Ngoài các ví dụ về khó khăn khi thực hiện quyền tự chủ về học thuật như đã nêu trên đây, chúng tôi cũng xin dẫn một trường hợp mà quyền tự chủ đại học được phát huy có hiệu quả.
Khi thực hiện dự án nghiên cứu để xây dựng Quy hoạch tổng thể cho giáo dục đại học nước ta vào năm 2012 [Master Plan …, 2012 ], chúng tôi có đi tìm hiểu về việc thực hiện cơ chế Hội đồng trường, một cơ chế được xem là cốt lõi để xây dựng một trường đại học tự chủ và dân chủ.
Trong khoảng mười trường đại học có hội đồng trường lúc ấy chúng tôi thấy duy nhất trường Đại học Tôn Đức Thắng áp dụng cơ chế này có hiệu quả, đặc biệt Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng chính là Chủ tịch Tổng Liên đoàn, không phải là một người nằm trong bộ máy của Hiệu trưởng và có vị thế thấp hơn hiệu trưởng.
Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng chính Hội đồng trường là chỗ dựa tốt cho Hiệu trưởng chứ không phải là trở ngại đối với hoạt động của hiệu trưởng như quan điểm của các trường khác.
Từ đầu năm 2015 Đại học Tôn Đức Thắng là một trong các cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao quyền tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017.
Thời gian gần đây có hai sự kiện liên quan đến tự chủ học thuật của Đại học Tôn Đức Thắng. Sự kiện thứ nhất là, theo dữ liệu của ISI Web of Science từ 2011 đến 2015  chất lượng nghiên cứu và công bố quốc tế thông qua tần số trích dẫn của Đại học Tôn Đức Thắng đã dẫn đầu các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu nước ta.
Sự kiện thứ hai là Đại học Tôn Đức Thắng đã tự thực hiện thành công việc phong chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư trong nội bộ nhà trường theo một quy trình rất chặt chẽ và minh bạch.
Việc áp dụng thành công cơ chế Hội đồng trường với các sự kiện về thành tích nghiên cứu khoa học và về thành công của quy trình tự chủ phong chức danh học thuật của Đại học Tôn Đức Thắng rõ ràng là có liên quan với nhau.
Đó chính là minh chứng cho sự vận dụng thành công cơ chế tự chủ đại học của Đại học Tôn Đức Thắng, một điểm sáng của các cơ sở giáo dục đại học nước ta.
Tự chủ, tự do học thuật và trách nhiệm giải trình của đại học ở Việt Nam
Có thể nói: nơi nào lãnh đạo của cơ sở Đại học Tôn Đức Thắng nắm vững và vận hành tốt các cơ chế tự chủ đại học thì nơi đó các hoạt động của nhà trường có khả năng thành công cao.
Sau khi trình bày và phân tích một số ví dụ về hiện trạng thực hiện tự chủ học thuật trong một số cơ sở giáo dục đại học nước ta, chúng tôi xin nêu một vài khuyến nghị sau đây:
Để đảm bảo thực hiện được tự chủ về học thuật, ngoài chủ trương chung về trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, cần có hệ thống văn pháp quy rõ ràng và có tính khả thi, để cơ sở giáo dục đại học có thể thực hiện được và các bộ phận quản lý nhà nước dễ dàng giám sát. Cần giảm bớt các quy định “trình, bẩm” dẫn đến cơ chế “xin, cho” là lý do trực tiếp tạo nên tiêu cực.
Cả phía các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học đều cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là quản lý về học thuật, đội ngũ này nên được đào tạo từ lĩnh vực quản lý giáo dục đại học tương ứng và đã kinh qua hoạt động ở trường đại học.
Đối với giáo dục đại học nước ta, mô hình quản trị và quản lý dựa vào “quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình” dù sao vẫn là một mô hình mới, do đó để thực hiện tốt cần tổ chức nhiều khóa tập huấn, trao đổi, nhằm tháo gỡ các khó khăn và phổ biến những kinh nghiệm thành công.
GS. TSKH Lâm Quang Thiệp