Monday, May 31, 2010

Thông tin học bổng (2): Học bổng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Na Uy

Thông tin về học bổng này có thể đọc ở đây. Ngoài ra, cần đọc thêm trang gốc tại địa chỉ http://siu.no/en/Programme-overview/Quota-Scheme để biết rõ hơn các thông tin chi tiết về loại học bổng này.

Dưới đây là tóm tắt một số thông tin cần lưu ý:

Each year universities and university colleges in Norway are allocated a certain number of quota students. Most of the universities and university colleges in Norway offer courses and educational programmes in English. The scheme normally includes courses at the Master and Ph.D. level, in addition to certain professional degrees. In order to locate a programme eligible under the scheme, please contact the Norwegian institutions directly.

(Loại học bổng: Thạc sĩ, Tiến sĩ, và một số bằng cấp chuyên nghiệp (vd như bằng Kỹ sư, vv)

The Norwegian State Educational Loan Fund ( Statens Lånekasse) is responsible for managing the financial support provided for the Quota students. Each student receives the same amount of money as a Norwegian student would do in an equivalent educational programme. About 30 per cent of the amount is given as a grant and 70 per cent as a loan. However, the loan portion is waived when the student returns to his/her home country after completing the course of study. Normally, the financial support will not not exceed a time span of four years for one definite study plan, or a combination of two programmes.

(Xuất học bổng: tương đương số tiền một sinh viên Na Uy được nhận từ chính phủ, thời gian hưởng tối đa là 4 năm. Trong đó, 30% là cấp hẳn và 70% được xem là vay, nhưng nếu về nước phục vụ thì được xóa nợ - có nghĩa là nếu ở lại đi làm thì phải trả tiền lại cho chính phủ Na Uy 70%)

Applications forms are available from the websites of the universities and university colleges. All applications should be sent directly to the International Office at the university/college to which the student applies.

The deadline for applying for the Quota scheme is usually December 1 every year. The Letter of Admission is normally sent to the successfull candidate by April 15 every year.

(Thủ tục: cần liên hệ trực tiếp với các trường để xin nhận học bổng mà chính phủ Na Uy đã cấp cho mỗi trường. Danh sách các trường có trong trang web học bổng mà tôi giới thiệu trong link ở đầu entry này).

Hoặc ai có thắc mắc, hay kinh nghiệm gì cần chia sẻ, có thể trao đổi trên trang này. Tôi giúp được gì sẽ giúp.

Chúc các bạn may mắn!

Friday, May 28, 2010

Thông tin học bổng (1): Học bổng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại ĐH Groningen (Hà Lan)

Vài lời phi lộ:
Thông tin về các loại học bổng thì tôi nhận thường xuyên lắm, gửi thẳng vào mailbox của tôi. Chả là vì ngày xưa khi còn làm ở khoa Anh của ĐH KHXH-NV, tôi rất quan tâm và tham gia rất nhiều mailing lists để tìm học bổng, trước hết là cho chính mình, rồi cho các đồng nghiệp trẻ trong khoa, trong trường.

Sau đó, có lẽ vì một ít kinh nghiệm của mình, tôi đã được chỉ định làm tại Trung tâm Du học của Trường, ban đầu là Phó Giám đốc, rồi kế đến là làm Giám đốc nữa chứ. Và cũng đã vùng vẫy, có một số thành tích, một số kinh nghiệm, và còn kiếm được một ít tiền cho Trung tâm thời ấy, để nuôi quân, đóng "nghĩa vụ" cho trường, và thực hiện các công việc của mình, một cách vừa kiếm sống chính đáng vừa phục vụ xã hội.

Nhưng lúc ấy tôi không thích làm lắm vì thị trường du học bát nháo, mà tôi không chụp giựt, cũng không lươn lẹo, nên rất mệt mỏi. Vì thế, tôi ... trả lại chức vụ cho trường, thậm chí đề nghị đóng cửa Trung tâm vì thiếu tính bền vững về mặt tài chính và nhân sự. Thế là Trung tâm ấy đóng cửa từ năm 2003 đến giờ, không bao giờ mở lại nữa, hic hic hic!

Sau lần đóng cửa Trung tâm ấy thì tôi ... thôi, không quan tâm nữa, vì con trai lớn của tôi thì dường như không thích chất hàn lâm của mẹ nó (cực khổ quá, mà hình như không đi đến đâu), con gái thì còn nhỏ, còn tôi thì rời Khoa để đi làm quản lý chất lượng, và quá bận rộn nữa chứ).

Nhưng bây giờ thì chính Trung tâm của tôi cũng cần có các thông tin này để cho các em còn trẻ ở Trung tâm có cơ hội đi học ở bên ngoài để về ... phục vụ tổ quốc (tôi nói nghiêm chỉnh, không đùa một chút nào). Và các học viên cao học của tôi nữa, họ cũng cần. Và nói chung là người trẻ của VN đều cần có cơ hội đi học ở bên ngoài VN để hiểu biết về thế giới, chuẩn bị tư thế để hội nhập.

Vì vậy, tôi quyết định mở mục này trên blog, với một mục đích duy nhất là phục vụ cộng đồng. Hy vọng là những thông tin tôi đưa ở đây là có ích.

Và đây là entry đầu tiên của mục này.

--
Thông tin về học bổng đã nêu có thể tìm thấy ở đây.

Dưới đây là một vài tóm tắt:

- điều kiện nhận học bổng:
Candidates should: be nationals of and have their permanent residence in one of the country’s listed (có Việt Nam, yên chí đi các bạn!), have a good command of the English language, be in good health so health insurance in the Netherlands can be arranged, be available for the whole period of the fellowship and be able to take part in the entire study programme, have no other means of financing the study in question.

Further criteria for approval are: (a) academic excellence, shown by academic performance and may be confirmed by letters of recommendation from university professors; (b) contribution of candidate’s education in terms of strengthening the scientific capacity in the candidate’s home country; (c) perspectives to a long-term linkage between the home institution and the University of Groningen.

- thời hạn nộp hồ sơ:
Deadline: Applicants need to meet the deadline of the respective Master’s or PhD programmes. Application forms for Master’s programmes can be found through the websites or Admissions Offices of the respective faculty or Graduate School . Application deadline for the scholarship is 22 February. (Như vậy bây giờ mọi người cần chuẩn bị hồ sơ để có thể nộp vào tháng 2/2011 nhé.)

- thông tin liên hệ:
For detailed information regarding the scholarship programme, please contact the office of the Ubbo Emmius Fonds. E-mail: msd@rug.nl, tel. +31 (0)50 363 7597, fax: +31 (0)50 363 7598. Postal address: Eric Bleumink Fund, University of Groningen, P.O. Box 72, 9700 AB Groningen, The Netherlands.

Muốn biết thêm chi tiết thì vào trang này: http://www.rug.nl/prospectiveStudents/scholarships/ericBleumink

Good luck! Nếu các bạn có thắc mắc hoặc muốn chia sẻ gì thì dùng chức năng comments của trang blog này nhé!

Khai mạc tập huấn về ĐBCL (đảm bảo chất lượng) của AUN-QA tại VNU-HCM

Quang cảnh đợt tập huấn
Sáng nay 28/5/2010, ĐHQG-HCM đã khai mạc đợt tập huấn 4 ngày (28-31/5/2010) cho 25 chuyên gia ĐBCL thuộc các trường đại học của VN. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của AUN dành cho các nước "yếu hơn" trong khối 10 nước thành viên ASEAN. 4 nước yếu hơn đó được gọi chung là nhóm CLMV, tức Campuchea, Laos, Myanmar, và ... Việt Nam. Hic, biết làm sao được, thì thực tế nó như vậy đó!

Dù sao thì cũng an ủi là cuộc tập huấn này do Trung tâm của tôi tổ chức (Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG-HCM), nhằm mục đích giúp mọi người hiểu rõ về cách quản lý chất lượng của những trường đại học có tiếng trong khu vực - trong đó có NUS của Singapore và Chulalongkorn của Thái Lan.
Các thành viên của đoàn chuyên gia AUN-QA
Một ít thông tin về đợt tập huấn dưới đây.

1. Mục đích của tập huấn:
- giúp các thành viên của AUN và cộng đồng ĐH của nước sở tại hiểu về công tác đảm bảo chất lượng theo AUN-QA
- giúp xây dựng một đội ngũ CQO (chuyên gia trong lãnh vực đảm bảo chất lượng) để triển khai các công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài theo AUN trong thời gian tới

2. Các mục tiêu cần đạt:
- 25 học viên của VN hiểu về bộ tiêu chuẩn chất lượng AUN và công tác tự đánh giá (cấp chương trình và cấp trường) theo AUN-QA
- các cơ sở giáo dục có cử người tham gia học hiểu biết về tầm quan trọng và có năng lực xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tại cơ sở giáo dục của mình
Giám đốc ĐHQG đọc phát biểu chào mừng các đại biểu đến dự tập huấn
3. Thành phần tham dự tập huấn:
25 học viên được AUN tuyển chọn thông qua hồ sơ gửi trước đến AUN (yêu cầu: đang hoạt động trong lãnh vực đảm bảo chất lượng cấp trường hoặc cấp khoa, có đủ tiếng Anh để tham dự lớp học trực tiếp bằng tiếng Anh, có hiểu biết và kinh nghiệm hoạt động trong một trường đại học).

Trong số 25 học viên này, gồm có:
+ 17 học viên thuộc các trường thành viên ĐHQG, kể cả người của TT, và các khoa có chương trình tài năng
+ 8 học viên các trường khác (sự có mặt của các trường ngoài là yêu cầu của AUN): ĐHQG Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Nha Trang, ĐH Nông Lâm, ĐH Cần Thơ
+ khách mời phía VN, xem như thay mặt Bộ GD để tham gia với phía bạn: TS Phạm Xuân Thanh của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục
Backdrop của đợt tập huấn

Trên đây là một vài thông tin và hình ảnh của buổi lễ khai mạc để chia sẻ thông tin với mọi người, và cũng là để giải thích sự ... thiếu cập nhật của trang blog này, vì lúc này tôi bận quá!!!!

Sẽ cập nhật thêm thông tin trên trang blog này sau, khi tôi có thêm một chút thời gian.

Enjoy!

Wednesday, May 26, 2010

Đại học đỉnh cao liệu có phát triển được ở Trung Quốc?

Câu hỏi này không phải của tôi, mà là của tác giả của bài viết cùng tên (không phải bằng tiếng Việt, tất nhiên; có lẽ bài gốc thoạt tiên được viết bằng tiếng Trung, nhưng tôi chỉ đọc được bản tiếng Anh). Bài viết ấy được đăng trên tờ Toàn cầu thời báo (Global Times) của Trung Quốc vào ngày 14/10/2009, ở đây.

Một bài viết ngắn, chỉ nhằm mục đích đặt câu hỏi chứ không cố gắng đưa ra câu trả lời nào - hẳn là học tập Đỗ Ngọc Bích với câu nói nổi tiếng (!!!), đại khái (tôi không nhớ nguyên văn) là chỉ có câu trả lời ngu xuẩn chứ không có câu hỏi nào ngu xuẩn!

Tuy nhiên, rất nhiều khi "hỏi tức là đã tự trả lời". Và theo tôi thì tác giả của bài viết này, chỉ qua một bài viết ngắn với một số quan sát chọn lọc và những nhận định cá nhân, đã đưa ra những phác họa rõ nét cho thấy tại sao giáo dục đại học Trung Quốc dường như đã "chạm nóc", nếu không có những thay đổi lớn về quản lý trong thời gian tới.

Bài báo viết gì? Về việc các trường ĐH hàng đầu của TQ, trong đó có các trường ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa, đã ký một thỏa ước đồng ý cùng nhau tìm cách xây dựng nhóm Ivy League - tạm dịch là nhóm ĐH đỉnh cao - của TQ, theo kiểu nhóm trường ĐH đỉnh cao của Mỹ (tìm hiểu thêm về Ivy League ở đây).

Theo thỏa ước này, nhóm Ivy League của TQ sẽ công nhận tín chỉ của nhau và cho phép sinh viên được lựa chọn địa điểm học trên bất kỳ cơ sở nào của các trường trong nhóm, nhằm tạo điều kiện chia sẻ nguồn lực giữa các trường.

Tốt quá, phải không? Nhưng tác giả của bài báo lại không nghĩ như vậy. Tại sao ư? Thiếu gì lý do, đây này:

1. Hệ thống đào tạo theo tín chỉ của TQ chưa hoàn chỉnh, và số môn học bắt buộc lên đến 80% tổng số môn, trong khi sinh viên các nước Anglo-Saxon chỉ phải học số môn bắt buộc là 40% tổng chương trình.

Với một hệ thống tín chỉ "nửa mùa" như vậy, tác giả đặt câu hỏi (rất chí lý) rằng "tự do chọn môn học ở ngay cơ sở đào tạo của mình còn chẳng được thì lấy đâu mà lựa chọn tự do giữa các trường?"

2. Các trường đại học của TQ, kể cả Ivy League, vẫn còn bị bó buộc quá thiếu khâu và thiếu tính tự chủ, ngay từ khâu đầu tiên là khâu tuyển sinh. Theo tác giả, nếu muốn có sự phân tầng thì các trường Ivy League trước hết phải có hệ thống tuyển sinh của riêng mình, nhằm lựa chọn được các tân sinh viên phù hợp với các yêu cầu riêng do mình đặt ra. Điều này, theo tác giả, có thể sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc đổi mới tuyển sinh đại học tại TQ: các trường sẽ được trao quyền chủ động nhiều hơn về mặt chuyên môn.

3. Các trường Ivy League của TQ quá giống nhau về nguồn lực và kinh phí, nên sự chia sẻ, trao đổi giữa các trường sẽ không có tác dụng gì nhiều. Theo tác giả, sự chia sẻ và trao đổi này nên diễn ra giữa các trường Ivy League của TQ với các trường khác, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao chất lượng của giáo dục đại học TQ lên nói chung.

Một nhận định rất thú vị, và cũng là kết luận của tác giả:
It is a good idea to encourage communication and exchange between universities. But it will end in vain if not aimed at the benefit of the students.

This is why a lot of agreements have been signed in the recent years, but not many changes have happened in higher education.

Trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm giữa các trường ĐH là rất tốt. Nhưng nếu việc này không nhắm đến lợi ích của người học thì cũng bằng thừa.

Đó là lý do tại sao các thỏa ước giữa các trường được ký rất nhiều, nhưng rồi cũng chẳng thấy thay đổi được mấy tí.

Vậy đấy. Đọc lên, sao cứ thấy giống giống giáo dục đại học VN? Vì cách đây mấy ngày, khi đang ở Sing, tôi cũng đọc được tin về một hội thảo gần đây về đào tạo theo tín chỉ. Ví dụ như ở đây. Và thấy, hình như ở VN đào tạo theo tín chỉ nói đi nói lại mãi mà vẫn chỉ có vậy. Thành tựu nửa mùa.

Nguyên nhân chính, suy cho cùng, phải chăng là nền giáo dục của chúng ta (cũng như của TQ) chưa lấy người học làm trung tâm. Cũng như quản lý nhà nước dường như chưa lấy người dân làm gốc vậy.

Nếu thế, chẳng trách nào giáo dục của ta cứ đổi mới đủ thứ, hết đổi mới chương trình rồi đến giáo trình rồi lại đến cách tổ chức đào tạo và giờ đây là đổi mới quản lý, mà cuối cùng cũng chẳng thấy đổi thay được mấy tí (giống y như nhận định về giáo dục TQ trong bài viết trên).

Và câu hỏi cho giáo dục đại học TQ có lẽ cũng là câu hỏi dành cho ta, nhưng có điều chỉnh một chút: một nền giáo dục đại học tử tế liệu có phát triển nổi trên đất Việt?

Có ai dám trả lời câu hỏi này không?

Monday, May 24, 2010

TOEFL là TOEFL nào?

Tôi đang ở Singapore để dự một hội thảo thường xuyên của AACSB - tổ chức kiểm định khối ngành doanh thương - nhằm giúp các trường có chương trình đào tạo trong khối ngành này chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng theo yêu cầu của AACSB.

Tiếp cận với bộ tiêu chuẩn của AACSB, rồi nghe kinh nghiệm của các trường trong khu vực như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, thì thấy rằng con đường của đại học VN còn gian lao vô cùng, và còn lâu lắm mới có thể ngang bằng với khu vực, chứ đừng nói thế giới.

Trước hết, sự yếu kém của giáo dục đại học VN nằm ngay ở khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập và công tác của cả giảng viên lẫn sinh viên. Mà nếu không có tiếng Anh thì còn nói gì đến việc hội nhập nền kinh tế tri thức ngày nay nữa!

Để viết về những yêu cầu kiểm định của AACSB (viết để khỏi quên), tôi lên mạng tìm thêm thông tin thì tình cờ đọc được mẩu tin này, đã đăng ít lâu trên báo Người Lao động về đề án tiếng Anh 2008-2020 cho hệ thống giáo dục của VN.

Liếc sơ qua bài viết, tôi đọc được dòng thông tin ... kỳ cục (!) như sau, xin trích nguyên văn:
Trong năm đầu tiên, khoảng 20% học sinh (HS) lớp 3 học ngoại ngữ theo chương trình mới và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015 - 2016 rồi 100% vào năm 2018 - 2019. Đối với môn tiếng Anh, HS tốt nghiệp tiểu học sẽ đạt trình độ bậc 1 (IELTS: 1, TOEFL: 100), tốt nghiệp THCS đạt trình độ bậc 2 (IELTS: 2, TOEFL: 200), tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc 3 (IELTS: 3, TOEFL: 300).

Đọc xong, tôi ... bủn rủn cả chân tay, vì trời ơi, trắc nghiệm tiếng Anh chính là nghề mà tôi được đào tạo, và luận án tiến sĩ của tôi viết đúng về TOEFL và IELTS đấy.

Xin cung cấp một chút thông tin nhanh. TOEFL đã trải qua nhiều phiên bản khác nhau, trong đó phiên bản giấy (PBT) hiện nay không còn ai dùng nữa (trừ institutional TOEFL có lẽ vẫn còn, nhưng institutional TOEFL chỉ dùng nội bộ, ví dụ trong các vòng sơ tuyển của cơ quan). Phiên bản mới hơn một chút là CBT, tức là phiên bản trên đĩa CD, chỉ tồn tại một số năm sau năm 2000, hiện nay cũng không còn sử dụng (trừ trên những đĩa CD với mục đích ôn tập). Phiên bản cập nhật hiện nay là phiên bản kiểm tra trực tiếp trên Internet, gọi là iBT TOEFL.

Mỗi phiên bản nói trên sử dụng một hệ thống điểm khác nhau. Theo tài liệu của ETS cung cấp năm 2005, ở đây, hệ thống điểm của TOEFL trên 3 phiên bản khác nhau là như sau:

- TOEFL PBT (trên giấy): từ 310 đến 677 (không có điểm nào dưới 300 cả!!!!!!!!!!)
- TOEFL CBT (trên đĩa CD): từ 0 đến 300 (điểm 100 CBT tương đương với điểm 407 PBT và điểm 200 CBT tương đương với 533 PBT)
- TOEFL iBT (trên Internet): từ 0 đến 120 (điểm cao nhất là 120, không có điểm nào cao hơn 120! Còn điểm 100 iBT thì tương đương với 250 CBT tức 600-603 PBT)

Riêng ở VN, vì hệ thống thi TOEFL trên giấy đã quá quen thuộc với mọi người (vì TOEFL có mặt tại miền Nam VN từ trước năm 1975), nên khi nói đến điểm TOEFL người ta thường dùng hệ thống PBT, trong đó vài mốc điểm hay được sử dụng là 450 (bắt đầu sử dụng độc lập, có thể sang Mỹ học dự bị), 500 (điểm tối thiểu để được nhận vào đại học ở những trường không kén chọn), 550 (điểm trung bình mà đa số các trường đòi hỏi để nhận vào đại học), 600 (điểm cần đạt để học sau đại học).

Vậy bài viết mà tôi đọc được đưa điểm TOEFL 100, 200 là TOEFL nào? Nếu là PBT, thì đâu có 100, 200 điểm hả trời???? Còn nếu là CBT, hoặc thậm chí iBT, thì không lẽ học sinh ta giỏi đến vậy? Mới hết tiểu học đã đạt 100 iBT, tức tương đương trình độ để nhận vào sau đại học? Hay nếu dùng CBT, thì cũng có thể đạt trình độ vào đại học rồi?

Hèn gì mà bài viết đó nêu là đề án ngoại ngữ "khó khả thi"! Đặt mục tiêu cao vòi vọi như thế (!!!!) thì "khó khả thi" là cái chắc!

Còn nếu không phải vậy, thì không lẽ đề án thực sự muốn đặt mục tiêu là sau khi học xong trung học phổ thông, điểm tiếng Anh của học sinh cũng chỉ mới đạt trình độ 300 PBT, tức là ... không biết gì hết, vì thi TOEFL mà quẹt đại tầm bậy tầm bạ cũng phải đâu đó trên 300 điểm rồi?

Tôi vẫn nhớ, lúc mới mở cửa vào đầu thập niên 1990, khi các trung tâm ngoại ngữ bắt đầu luyện TOEFL (lúc ấy còn TOEFL giấy), người ta cũng đã đăng trên báo các mẩu quảng cáo luyện TOEFL 100, 200, 300, 400, 500. Điều này chẳng qua là vì TOEFL 500 là mục tiêu cần đạt được của nhiều người nên một vài trung tâm ngoại ngữ đầu tiên đã đưa ra các lớp TOEFL 300, 400, 500; sau đó các trung tâm khác bắt chước nhưng không hiểu rõ bèn chế ra các lớp ... 100, 200!!

Lúc ấy, còn khá trẻ nhưng tôi cũng đã làm hết sức mình (!) bằng cách báo cho bạn bè trong nghề làm báo rằng không thể đăng những mẩu quảng cáo như vậy được. Và sau đó ít lâu thì thấy không còn những cái điểm ... "ảo" (vì không tồn tại) là TOEFL 100, 200 như vậy nữa.

Vậy mà bây giờ, gần 20 năm sau ngày TOEFL trở lại thịnh hành tại VN, những điểm số quái gở TOEFL 100, 200 lại được đưa vào đề án này sao? Không hiểu là nhà báo nhầm, hoặc người đánh máy (?) nhầm, hay người viết đề án nhầm (!!!!). Chà, khó hiểu quá!

Thế này thì đến bao giờ giáo dục VN mới hội nhập được nhỉ? Có ai trả lời cho tôi được không, hả trời?

Friday, May 21, 2010

Giáo dục đụng đâu ... dở đó!

Tựa của entry này là một phần của tựa bài viết của GS Văn Như Cương đăng trên Tuần VN hôm qua 20/5/2010. Ở đây.

Có đúng là giáo dục VN đụng đâu dở đó không? Tôi là nhà giáo, làm việc trong ngành GD gần 30 năm rồi, giờ lại còn đang làm nghề đánh giá chất lượng giáo dục nữa (chắc là nhàn lắm ha, có chất lượng đâu mà đánh giá, bạn bè tôi hay chọc ghẹo vậy), tôi không biết phải trả lời sao cho câu hỏi này. Đúng ư? Cũng đúng. Mà cũng không đúng, vì nói gì thì nói, cũng có chỗ này chỗ kia làm được chứ bộ? Đâu đến nỗi vứt đi hết, phải không?

Vậy chứ chỗ nào dở, chỗ nào không dở? Kinh nghiệm của tôi trong bao nhiêu năm nay cho phép tôi tạm kết luận như thế này: Hiện nay cái gì hay đều do những sáng kiến và nỗ lực cá nhân hoặc tập thể nhỏ, hay nói cách khác, là từ grassroot (cấp cơ sở, nói theo ngôn ngữ hành chính của ta) mà ra. Còn cái dở, đa số nằm ở tầm chiến lược, chính sách, và cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành quản lý.

Nói như thế có quá nặng không? Chắc là có. Tôi có một nhược điểm là hay nói "thẳng thừng", nghe nặng nề, không khéo léo - trong tiếng Anh gọi là no frills, hay là no cosmetics - không màu mè, trang điểm, nói toạc móng heo ấy mà. Nhưng nếu có nói hơi nặng, thì cũng không phải là từ không thành có. Mà ... sai ở tầm vĩ mô, thì nguy hiểm lắm chứ! Ảnh hưởng lâu dài, và sâu rộng đến toàn bộ một dân tộc, trong một vài thế hệ. Rất đáng lo!

Tôi có 2 đứa con, tuổi cách nhau 10 năm, nên cũng có thể nói là đại diện cho 2 thời kỳ khác nhau của đất nước. Đứa đầu sinh năm 1987, sinh vào thời kỳ khó khăn nhất, và lớn lên đi học là bắt đầu thời kỳ đổi mới giáo dục - hết đổi cái này đến đổi cái khác. Có những sáng kiến mới đầu là đúng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, nhưng sau đó lại trở thành phong trào, bắt chước lẫn nhau, rồi trở nên bát nháo, đại trà, biến tướng ... Một ví dụ là việc mở các trường, lớp năng khiếu, tài năng. Có những chủ trương đúng về mục đích, nhưng lại sai ngay từ lúc bắt đầu biến từ ý tưởng thành hiện thực, như việc cải cách tuyển sinh, hoặc mở rộng việc tiếp cận giáo dục đại học đến mọi khu vực địa lý.

Cũng có những chủ trương đúng, chiến lược đúng, triển khai được ít lâu rồi thì ... chết yểu vì thiếu nguồn lực, thiếu sự quan tâm chỉ đạo, thiếu hành lang pháp lý, thiếu theo dõi giám sát vv, như chủ trương về đại học mở (= open admission), hoặc về đào tạo từ xa. Và có những chủ trương đúng, triển khai được một chút ban đầu, rồi chưa kịp có kết quả thì lại bị nói ra nói vào, thiếu đồng thuận, do nôn nóng, hoặc do lợi ích cục bộ, khiến sự phát triển bị khựng lại, đi theo kiểu ốc sên (ngày leo 5 thước, đêm tụt xuống 4 thước), như chủ trương về các đại học quốc gia.

Và còn nhiều, nhiều nữa ...

Những ví dụ cụ thể hơn, và lập luận sắc sảo hơn, có thể đọc trong bài viết của GS Văn Như Cương. Tôi chỉ xin trích ở đây những đề xuất mà chính tôi cũng rất đồng ý:

1) Việc đổi mới giáo dục nên bắt đầu bằng việc đổi mới mới tư duy, và cách quản lí giáo dục, trước hết ở cấp Bộ.

2) Muốn vậy phải cải tổ bộ máy hành chính và chuyên môn ngay trong cơ quan đầu não của Bộ GD và ĐT. Cần giảm bớt những người không có năng lực, chỉ ngồi ở bàn máy tính, không sâu sát thực tế, cần tăng cường những người có nghiệp vụ tinh thông, có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

3) Không nên thay đổi xoành xoạch các chủ trương dầu là nhỏ, tránh tình trạng vừa thực hiện mới một lần rồi bỏ, thậm chí chưa thực hiện lần nào.

4) Đã hứa thì phải làm cho bằng được, bởi vậy đừng hứa trước những điều không dễ thực hiện. Chẳng hạn hứa rằng đến năm 2010 giáo viên có thể sống bằng lương, trong lúc đó lại bỏ việc phụ cấp chấm bài quá tiêu chuẩn...

5) Cần lắng nghe và hiểu rõ các ý kiến phản biện. Chẳng hạn vấn đề thi "2 trong 1", vấn đề chọn nhà giáo được học sinh yêu quý, vấn đề lương giáo viên...

Tôi đồng ý với tất cả các đề nghị trên, nhưng tâm đắc nhất là đề nghị cuối cùng. Lắng nghe, hiểu rõ (cả nội dung lẫn mục đích tốt đẹp của phản biện, không chụp mũ!), và quan trọng hơn nữa là nếu thấy đúng thì nên làm theo! Để giáo dục VN không còn tình trạng đụng đâu dở đó nữa.

Liệu có ai đang lắng nghe ý kiến phản biện này của tôi không?

Thursday, May 20, 2010

Kết quả xếp hạng ĐH Châu Á 2010: VN nên làm gì?

Bài viết (vội) này tôi viết cho một người bạn là phóng viên giáo dục (tôi có nhiều bạn bè làm nhà báo, và đa số làm mảng giáo dục - văn hóa - xã hội) như một phản ứng nhanh sau khi kết quả xếp hạng đại học châu Á năm 2010 của QS được công bố vào tuần trước.

Bài viết chỉ được yêu cầu khoảng 200 từ, nhưng vì vấn đề này vốn là việc tôi quan tâm từ lâu nay, nên viết một mạch lên đến 800-900 từ. Đã gửi đi hôm qua, chẳng biết có được sử dụng không, nay tôi đưa lên đây để bạn bè và công chúng đọc và trao đổi.

---
Trong mấy ngày qua, sau khi kết quả xếp hạng đại học châu Á năm 2010 được QS công bố, lập tức báo chí và công chúng liên tiếp có những phản ứng thất vọng và đặt câu hỏi: “Tại sao VN không có trường nào nằm trong top 200?” hoặc “Hiện nay đại học VN đang ở đâu, khi nào mới có mặt trong các bảng xếp hạng?”

Tôi nghĩ, đầu tiên cần phải nhấn mạnh là sự có mặt hay không có mặt tự nó chưa nói lên điều gì. Mỗi bảng xếp hạng có một phương pháp và cho điểm khác nhau, dựa trên các tiêu chí chất lượng khác nhau. Nhiều khi những tiêu chí đó hoàn toàn không phù hợp với mục đích mà nền giáo dục của một đất nước đặt ra. Vì vậy, sự không có mặt trong bảng xếp hạng có thể là một lựa chọn chủ động: không muốn/không cần tham gia, nên không cung cấp số liệu. Vì cách xếp hạng của QS là dựa trên sự tự nguyện tham gia của các trường, không giống như Webometrics tự động đo lường và thực hiện xếp hạng dựa trên trang web của các trường, chẳng hạn. (Điều này tôi biết rõ vì tôi đã có vài lần liên lạc với QS để dự định đưa một trường thành viên của VNU tham gia xếp hạng đại học châu Á từ năm đầu tiên là 2009).

Nhưng cũng phải nói luôn: nếu VN có tham gia xếp hạng, thì có lẽ trong thời gian đầu khó mà đạt được thứ hạng cao, mặc dù khả năng lọt vào top 200 của bảng xếp hạng này đối với một số trường hiện có “đẳng cấp” nhất tại VN hiện nay, ví dụ thành viên của như hai ĐHQG, không phải là hoàn toàn bất khả (dù hơi khó khăn). Tại sao tôi lại nói vậy?

Nói vắn tắt, cách chấm điểm của bảng xếp hạng đại học châu Á của QS dựa vào 5 yếu tố sau:
- uy tín khoa học của trường qua đánh giá của đồng nghiệp quốc tế: 30%
- thành tích nghiên cứu: 30% (gồm số bài báo trên giảng viên, 15%, và tần số trích dẫn, 15%)
- khả năng làm việc của sinh viên tốt nghiệp qua đánh giá của nhà tuyển dụng quốc tế: 10%
- tỷ lệ sinh viên trên giảng viên: 20%
- mức độ quốc tế hóa: 10%

Nhìn vào các chỉ số này thì thấy không có chỉ số nào thực sự đánh giá chất lượng của giảng viên và chương trình giảng dạy (là điều tôi thực sự lo ngại), mà ngược lại yếu tố chủ quan chiếm tỷ trọng rất cao, chiếm tổng cộng đến 40% (yếu tố 1 và 4). Tất nhiên yếu tố 1 và 4 cũng sẽ làm ta lo ngại, vì hình ảnh của các trường VN hiện nay chưa đủ mạnh để tạo ấn tượng đối với những “đồng nghiệp” và nhà tuyển dụng quốc tế được mời.

Tuy nhiên, với những trường đã có ít nhiều hình ảnh và thương hiệu như 2 ĐHQG, hoặc một vài đại học lớn như ĐH Đà Nẵng, BK Hà Nội, Cần Thơ vv thì sự công nhận của quốc tế có lẽ cũng đã có. Những yếu tố khác thì các trường đại học lớn nhất của ta có lẽ không tệ hơn những trường thường thường bậc trung khác trong khu vực.

Nhìn vào kết quả năm nay, bỏ qua 100 vị trí đầu tiên mà ta khó có cơ hội lọt vào ngay, có thể thấy khá nhiều trường trong khu vực Đông Nam Á như Padjadjaran University của Indonesia (không ai nghe bao giờ, phải không), hạng 201 năm 2009 và 161 năm 2010; Khon kaen University của Thái Lan, hạng 113 năm 2009 và 122 năm 2010 vv.

Những trường khác trong Mạng ĐH Đông Nam Á mà hai ĐHQG của VN cũng là thành viên có thứ hạng năm 2010 cao hơn nhiều, đa số trong top 100: University of Indonesia hạng 50, ĐH Ateneo của Philippines hạng 58, USM (University of Science, Malaysia) hạng 69, University of Philippines hạng 78, chẳng hạn. Những trường này có thể hơn VN nhiều, nhưng không lẽ VN không bao giờ có thể lọt vào top 200 của châu Á?

Nếu chú ý, ta sẽ thấy thứ hạng của các trường trong 2 năm 2009 và 2010 có những thay đổi đột ngột (ví dụ trường đã nêu của Indo tăng 40 hạng chỉ sau 1 năm?), cho thấy phương pháp và số liệu của cách xếp hạng này vẫn chưa ổn định lắm, và chỉ có tính tham khảo.

Nên làm gì? Hiểu rõ cái hay cái dở của từng bảng xếp hạng, và mạnh dạn tham gia, nếu muốn biết bên ngoài đánh giá ta như thế nào. Nhưng xếp hạng xong cũng không quá mừng rỡ nếu hạng cao và không quá buồn bã nếu hạng thấp. Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng. Cái chính là biết, tốt thì phát huy mà xấu thì sửa, chứ không phải lại là một bệnh thành tích mới, làm chỉ để khoe nếu tốt, hoặc nếu không tốt thì ... dấu biến đi và không có bất kỳ tác động nào hết cho hệ thống.
---
Nhân tiện, ai muốn đọc thêm các ý kiến về kết quả xếp hạng châu Á 2010 thì nên đọc trên blog cá nhân của GS Nguyễn Văn Tuấn, tại địa chỉ mới http://nguyenvantuan.net/. Tôi không hoàn toàn đồng ý với các ý kiến của ông, nhưng các bài viết đó cũng giúp ta hiểu thêm về các bảng xếp hạng, và có góc nhìn riêng, đáng chú ý.

Wednesday, May 19, 2010

Khủng hoảng giáo dục đại học tại TQ? (kỳ 2)

Bài viết này đã đăng trên Tạp chí Tia Sáng số ra ngày 15/5/2010. Kỳ 1 của bài viết này đã đăng trên blog này cách đây ít lâu. Nó ở đây.

Dưới đây là bản gốc mà tôi đã gửi đi. Bản đăng báo có thể đã được biên tập ít nhiều cho ngắn gọn và phù hợp với phong cách, mục tiêu của tờ báo.

----
Vì sao có thể nói là giáo dục đại học của Trung Quốc đã thất bại trong giấc mơ đẳng cấp quốc tế? Đó là bởi vì cho đến nay, không những Trung Quốc chưa thể lọt vào top 200 của bảng xếp hạng ARWU, mà ngay cả điều kiện cơ bản là có được một đội ngũ các giáo sư, các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh giỏi chuyên môn và có đạo đức học thuật thì Trung Quốc cũng chưa làm được. Ngược lại, tham vọng đẳng cấp quốc tế của giới lãnh đạo chính trị đã gây ra nhiều sức ép lên giới học thuật, cộng với sự lẫn lộn giữa vị trí hành chính và vị thế chuyên môn của các vị nắm quyền quản lý trong các trường đại học, đã tạo ra tình trạng “tham nhũng học thuật” nặng nề và một “thị trường đen học thuật” nhộn nhạo láo nháo với các chợ luận văn, các bài báo ma, công trình giả/dỏm, luận văn mua vv hỗn loạn trong giáo dục đại học Trung Quốc mà hiện nay toàn thế giới đều biết rõ.

Tuy nhiên, đánh giá thành tựu của giáo dục đại học Trung Quốc chỉ thông qua số lượng công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, các giải thưởng lớn về khoa học công nghệ, hay sự tồn tại của các trường đại học nghiên cứu có đẳng cấp quốc tế có lẽ là không chính xác. Bởi giáo dục đại học không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ ở đỉnh cao, mà có lẽ quan trọng hơn, là nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển kinh tế của một quốc gia.

Một quốc gia như Trung Quốc với trên một tỷ dân và một nền kinh tế mới nổi, đang chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, thì trước hết cần có các trường đại học giảng dạy (teaching universities) tốt, còn việc xây dựng các đại học nghiên cứu có tầm cỡ có thể cạnh tranh với Mỹ có thể cũng chưa cần thiết. Cũng vậy, các giảng viên làm việc trong các trường đại học giảng dạy như vậy không nhất thiết phải là những người có nhiều công bố trên các tạp chí khoa học mà đa phần là của các nước tư bản phương Tây, vốn có một truyền thống học thuật rất khác với Trung Quốc.

Như vậy, phải chăng cần tìm hiểu về thành tựu của giáo dục đại học Trung Quốc ở trên một khía cạnh khác, ví dụ như trong việc đào tạo nhân lực cho xã hội? Để đánh giá điều này, dễ nhất là tìm hiểu xem các sinh viên tốt nghiệp từ các đại học của Trung Quốc họ làm gì, ở đâu, và có cuộc sống nghề nghiệp ra sao. Vậy thì đây …

“Tốt nghiệp là thất nghiệp!”
Một câu nói rất mỉa mai cay độc, phải không? Đó là tựa một bài viết đăng ngày 24/3/2010 trên trang mạng youthiawaaz.com , một diễn đàn trực tuyến xuất phát từ Ấn Độ với mục đích kết nối thanh niên trên toàn thế giới. Bài viết mở đầu như sau:

“Trong vòng 5 năm trở lại đây, thật dễ dàng tìm được các mẩu tin và phóng sự về nạn thất nghiệp của thanh niên trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Vấn nạn thất nghiệp đã trở nên quá quen thuộc với thanh niên Trung Quốc đến nỗi hầu như mọi thanh niên Trung Quốc đều biết đến câu thành ngữ mới này: “tốt nghiệp là thất nghiệp”.

Nạn thất nghiệp trong những người có bằng đại học ở Trung Quốc thực sự tệ như vậy sao, hay đó chỉ là sự tuyên truyền của báo chí Ân Độ về Trung Quốc? Truyền thông chính thống của Trung Quốc nói gì về nạn thất nghiệp này? Dưới đây là những thông tin và số liệu lấy từ các tờ báo chính thống của Trung Quốc:

“Theo tin từ thành phố Đông Quản, một trong những trung tâm sản xuất chính tại tỉnh Giang Tô thuộc vùng châu thổ sông Châu Giang miền Nam Trung Quốc, có đến trên 90% các nhà máy nói rằng họ rất khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự vào 6 tháng cuối năm 2009, khi kinh tế bắt đầu hồi phục và các đơn đặt hàng từ nước ngoài bắt đầu đổ vào Trung Quốc. Việc hoạt động hết công suất dường như đối với các nhà máy của Trung Quốc chỉ còn là một giấc mơ đã xa lắm rồi.”

Mẩu tin trên lấy từ trang web của Trung Hoa Nhật báo bản tiếng Anh (China Daily) ngày 12/1/2010 . Phải chăng tình trạng này là do số lượng sinh viên tốt nghiệp chưa đủ để đáp ứng nhu cầu lớn lao của các khu công nghiệp? Hoàn toàn không phải! Theo bài viết này, tình trạng nói trên phần lớn là do sinh viên tốt nghiệp không phù hợp hoặc không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Một tình trạng thật đáng buồn, được phóng viên tóm tắt trong cái tựa thật “đắt”: “Nỗi đau giáo dục của người đi xin việc”.

Nạn ngụy tạo số liệu báo cáo
Không phải là nhà nước Trung Quốc không quan tâm đến tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Trái lại thì đúng hơn. Một mẩu tin gần đây trên China Daily cho biết “Tìm việc làm ở các địa phương cho sinh viên tốt nghiệp là ưu tiên hàng đầu của chính quyền”. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng được đánh giá dựa trên tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề sau một thời gian ngắn, thường từ 6 tháng đến 1 năm. Những biện pháp này cho thấy chính phủ Trung Quốc rất coi trọng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực của giáo dục đại học để phục vụ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Nhưng thật mỉa mai, trước những yêu cầu của chính quyền, thay vì cố gắng thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, và các hoạt động hỗ trợ để giúp sinh viên tốt nghiệp dễ dàng tìm được một việc làm phù hợp, thì một số trường đại học của Trung Quốc lại giở trò “gian lận” đã quen trong khi làm khoa học: đưa ra thông tin giả về tình trạng việc làm của cựu sinh viên. Một mẩu tin lấy từ trang web chính thức khác, trang china.org, vào tháng 7/2009 , đã cung cấp thông tin về sự việc này: “Các trường đại học ngụy tạo số liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp”:

“Trên hồ sơ lưu của trường đại học nơi cậu đã tốt nghiệp, Tiểu Đồng được ghi là đã có việc làm. Nhưng thực ra hiện nay cậu vẫn đang vật vã cố tìm một việc làm tại Bắc Kinh.
“Chỉ có 10 trong số 29 sinh viên tốt nghiệp lớp em đã tìm được việc làm đúng nghĩa,” Tiểu Đồng nói. Cậu tốt nghiệp từ một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. “Nhưng trường em lại khoe khoang với bên ngoài rằng 90% sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm.”


Số liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học của Bộ Nhân lực và An ninh xã hội (Ministry of Human Resources and Social Security) Trung Quốc cho biết tỷ lệ có việc làm của những người tốt nghiệp đại học trong vòng 3 năm qua dao động quanh mức 70%, tức tỷ lệ thất nghiệp lên đến xấp xỉ 30%, một tỷ lệ rất cao so với các nước khác trên thế giới. Đặc biệt, theo tin ngày 18/2/2010 trên China Daily thì tháng 6/2010 năm nay áp lực việc làm sẽ đặc biệt lớn, khi có đến 6.3 triệu sinh viên đại học và cao đẳng sẽ tốt nghiệp, một số lượng cao hơn các năm trước đây . Đây là kết quả của sự phát triển liên tục về số lượng của giáo dục đại học trong hơn 10 năm qua. Thử tưởng tượng, với tỷ lệ 30% thất nghiệp hiện nay, Trung Quốc sắp có thêm một đội quân thất nghiệp có trình độ đại học 2.1 triệu người nữa. Quả là một bài toán khó cho chính phủ Trung Quốc!

Nhưng số phận của những sinh viên tìm được việc làm cũng có vẻ chẳng khấm khá gì hơn bao nhiêu. Kết quả của một cuộc khảo sát vừa được công bố hồi tháng 3/2010, cũng trên trang mạng của Trung Hoa Nhật báo tiếng Anh cho biết:

“ 27% trong số 8,700 cựu sinh viên được khảo sát cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của họ là không có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Mối quan tâm lớn thứ hai của họ là lương; có đến 20% những người được hỏi cho rằng sau khi trừ hết chi phí ăn ở, sinh hoạt thì lương của họ hầu như không còn được một xu nào.”

Áp lực của việc học ở bậc đại học, cùng với viễn cảnh tương lai không mấy sáng sủa khi tốt nghiệp, đã đè nặng lên tâm lý của các sinh viên, đặc biệt là các sinh viên từ tỉnh lẻ lên thành phố ăn học. Tin từ China Daily cuối tháng 3/2010 cho biết một nữ sinh viên ở thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô đã treo cổ tự vẫn trong nhà tắm tại ký túc xá, để lại bức thư cho gia đình giải thích về cái chết của mình là do “áp lực quá sức chịu đựng khiến cho cô không thể quyết định sau khi tốt nghiệp sẽ tìm việc làm hay tiếp tục ôn tập để dự kỳ thi tuyển đầu vào sau đại học.”

Những bức tranh ảm đạm vừa nêu, được phác họa lên từ những tin tức và số liệu chính thức trên báo chí chính thống của nhà nước Trung Quốc – gạt sang một bên rất nhiều tin tức ảm đạm khác trên báo chí phương Tây và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hoặc UNESCO, liệu đã tạm đủ để bước đầu kết luận về sự khủng hoảng, ít ra là tiềm ẩn, của nền giáo dục đại học của Trung Quốc hay chưa?
---
Ghi chú: Bài này tôi dự tính viết xong trong 2 kỳ, nhưng khi viết hơi dài hơn dự kiến, vì cần phải thu thập và nêu đủ chứng cớ cho các lập luận của mình. Vì vậy nó kéo dài ra tới 3 kỳ, tức là còn 1 kỳ nữa. Không hiểu báo Tia Sáng có sẵn sàng đăng kỳ 3 không? Nhưng tôi cũng sẽ viết cho xong, và nếu báo đã chán chủ đề này thì tôi cũng sẽ đăng trên blog này cho đủ ý.

Hẹn các bạn ở kỳ 3!

Tuesday, May 18, 2010

Đạo văn, từ một góc nhìn khác

Tôi đã tưởng vụ đạo văn đã tạm lắng xuống rồi, nhưng không ngờ nó không những không lắng mà còn đang bùng lên, cứ như đám cháy rừng gặp gió!

Thật vậy, mấy hôm nay trên báo Tuổi trẻ có một loạt bài mang tên Vô tư "xào" sách, tiếp tục đề cập đến vụ đạo giáo trình om xòm trên báo chí hôm trước. Thậm chí còn có phần phỏng vấn tôi nữa chứ! Nó ở đây.

Bài phỏng vấn ấy được thực hiện cách đây vài ngày rồi, ngay sau khi bài viết về đạo văn của tôi được đăng trên báo NLĐ, nhưng hôm nay mới lên báo. Và ý kiến của tôi cũng đã được rút bớt một số phần, để dành chỗ cho nhiều ý kiến khác nhau.

Thật ra, trong bài phỏng vấn lần này, tôi không muốn tiếp tục lên án đạo văn (điều này đã rõ), nhưng muốn làm rõ thêm một vài ý tưởng mà các cuộc tranh luận cho đến nay dường như không chú ý. Những ý tưởng đó là:

1. Đạo văn có nhiều mức độ cũng như xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau. Và những người đã bỏ công chọn và "biên dịch" các sách giáo khoa của nước ngoài để phổ biến trong nước không phải là không có đóng góp gì, mà ngược lại họ đã góp công vào việc xây dựng một hệ thống thuật ngữ khoa học tiếng Việt cho những ngành học mà trước đây chúng ta không có. Chỉ có điều, đã là trí thức thì phải am tường những quy ước về học thuật đã được khắp thế giới công nhận và áp dụng.

2. Sự khắt khe về trích dẫn khoa học cũng như yêu cầu về tính trung thực của trí thức mà phương Tây áp dụng không chỉ để bảo vệ người có tài sản trí tuệ, mà còn là yêu cầu về tính trách nhiệm đối với cộng đồng của người trí thức. Để tên mình lên làm tác giả một ý kiến, một sản phẩm trí tuệ ... cũng có nghĩa là một cam kết về trách nhiệm đối với cộng đồng về giá trị của ý kiến/sản phẩm bày đó. Và điều này là một yêu cầu bắt buộc đối với người trí thức.

Để cho đủ ý, tôi xin đăng lại đầy đủ phần tôi đã chuẩn bị dưới đây.

---
Cần tăng cường phổ biến pháp luật và nhấn mạnh đạo đức cá nhân

Chuyện “chép” của nhau không dẫn nguồn không chỉ có trong chuyện viết sách mà rất nhiều lĩnh vực khác hiện đang rất phổ biến ở VN. Có thể lý giải việc này dưới hai khía cạnh: đạo đức và pháp luật.

Văn hóa phương Đông khuyến khích tính ẩn danh (khiêm tốn). Ngoài ra, có lẽ do trong một thời gian dài Việt Nam không có chữ viết riêng, nên cha ông chúng ta buộc phải lưu truyền tri thức của đời trước sang đời sau bằng cách truyền miệng, tạo ra một thói quen mà tôi tạm gọi là văn hóa truyền khẩu. Ảnh hưởng của văn hóa này làm cho ta chưa có thói quen coi tài sản trí tuệ là tài sản cá nhân mà xem là sở hữu của cả cộng đồng. Tôi nghĩ, điều này có thể giải thích ít nhiều cho việc tại sao nạn “đạo văn” lại phổ biến đến thế ở Việt Nam (và cả Trung Quốc nữa).

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ngày nay ta có thể nhân nhượng với nạn đạo văn. Đối với người làm khoa học khi đưa ra (sáng tạo) điều gì, họ không chỉ được quyền sở hữu mà còn phải chịu trách nhiệm cá nhân về những phát kiến đứng tên mình. Việc ẩn danh, truyền khẩu, tam sao thất bản nếu tiếp tục tồn tại sẽ không tạo điều kiện cho việc chịu trách nhiệm cá nhân, vì thế khoa học sẽ khó phát triển, xã hội sẽ lộn xộn và khó quản lý.

Về mặt luật pháp: hiện pháp luật VN đã có luật sở hữu trí tuệ (SHTT) từ năm 2005 và đã qua một lần sửa đổi. Ngoài ra, quy định về kiểm định chất lượng trường đại học năm 2008 cũng yêu cầu các trường có quy định về đạo đức trong hoạt động khoa học và có biện pháp đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đa số các giảng viên ĐH không được phổ biến hoặc giúp hiểu rõ về những luật này, và chắc chắn là các trường hoặc chưa xây dựng quy định hoặc nếu có thì cũng chỉ trên giấy chứ chưa đưa vào thực tế. Bản thân tôi cũng chỉ tự mình tìm hiểu về luật SHTT thông qua vụ đạo văn om xòm trên báo chí gần đây. Điều này cho thấy công tác phổ biến pháp luật tính cưỡng chế của pháp luật hiện nay ở VN còn kém.

Có rất nhiều định nghĩa về đạo văn đã được đưa ra. Tuy nhiên, cho dù có những khác biệt thì tất cả định nghĩa về đạo văn đều xem đó là hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhận trong giới trí thức. Tôi từng dạy ở một trường CĐ của nước ngoài, ở đó có qui định rất rõ và buộc sinh viên phải thực thi: sao chép, đạo văn từ trên internet hay từ đâu đó, không trích dẫn nguồn thì nếu bị phát hiện, đương nhiên bị đánh rớt ở môn học đó. Vì vậy bản thân sinh viên có ý thức cao và rất khắt khe trong việc này.

Theo tôi, về lâu dài chúng ta phải tăng cường giáo dục cho giới trẻ về vấn đề tôn trọng tác quyền. Các trường ĐH VN cần sớm có những quy định cùng các quy trình, thủ tục xử lý việc đạo văn và áp dụng nghiêm túc, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Nếu những điều này được làm tốt sẽ hạn chế được việc xâm phạm bản quyền tác giả. Đồng thời Nhà nước cần đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật trong người dân.
----

Chân không tới đất?

"Chân không tới đất" là cách nói về những ước mơ mang tính ... hoang tưởng. Và cụm từ đó nằm trong tựa của một bài viết mới trên Tuần Việt Nam sáng nay, ở đây. Vâng, đúng rồi, nó nói về giáo dục đại học của VN đấy ạ.

Một bài rất đáng đọc, không phải vì nó có gì mới - những vấn đề về chất lượng giáo dục đại học của VN thì mọi người đã biết quá rõ, vì đã nói quá nhiều và trong một thời gian quá lâu rồi. Mà vì sự mỉa mai, đau xót của những nhận định, sự thống thiết của những lời kêu gọi, và sự dồn dập của những dấu hỏi - những câu hỏi lớn mà lời đáp lẽ ra đã phải có từ lâu rồi, vì những vấn đề của VN thì nhiều nước trên thế giới cũng đã từng gặp và đã tìm ra những cách giải quyết khác nhau.

Hãy thử đọc một vài trích dẫn sau:

[...] [T]uyển dụng tràn lan giảng viên và tuyển sinh ồ ạt sinh viên, quá chỉ tiêu quy định. Có những giáo viên dạy nghề sau khi trường nghề nâng cấp trở thành trường ĐH, thì nghiễm nhiên thành giảng viên ĐH (!).

Có những thí sinh thi 3 môn được 5 điểm cũng nghiễm nhiên trở thành sinh viên ĐH. Rồi các hệ đào tạo tại chức (bây giờ đổi thành tên mới là "hệ vừa học vừa làm"), chuyên tu, văn bằng 2...ngành không kiểm soát nổi chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra. Câu nói của người xưa: "Thầy nào trò đấy" có lẽ phản ánh đúng thực trạng của nền giáo dục ĐH nước nhà chăng.

[...] [L]àm thầy không được mà làm thợ cũng không xong, làm sao có thể tạo ra những lợi ích cho xã hội?

[...][K]hông biết việc xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Bộ GD và ĐT có giống việc xây dựng các ĐH "tầm cỡ" như đã nói ở trên không? Tại sao ngành không đầu tư cho những trường ĐH hàng đầu hiện có trong nước? Chỉ biết rằng tiền vay nước ngoài rồi sẽ phải trả, và người dân lao động là những người phải nộp thuế để trả những khoản nợ này.
[...]
Trong mục tiêu chiến lược của mình, Bộ GD và ĐT tham vọng đến năm 2020, Việt Nam có 02 trường ĐH đứng trong top 200 ĐH hàng đầu thế giới. Không biết lãnh đạo ngành giáo dục ảo tưởng hay cả xã hội bị ảo tưởng?
[...]
Lẽ nào lãnh đạo Bộ GD và ĐT cho rằng từ giờ đến năm 2020, các trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam còn đang hình thành trên giấy tờ có thể đuổi kịp các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới với hàng chục, thậm chí hàng trăm năm lịch sử và kinh nghiệm?
[...]
Lẽ nào họ cho rằng chỉ có các trường ĐH ở Việt Nam phát triển, còn các trường ĐH khác không phát triển hay thụt lùi?
[...]
Không hiểu khi đọc bảng danh sách này, những người lãnh đạo của ngành giáo dục sẽ nghĩ thế nào, và không biết cái mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 2 trường ĐH của Việt Nam xếp trong top 200 thế giới có được cải chính không? Cũng không biết các trường ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ các trường ĐH thế giới và châu Á? Có ai trả lời được câu hỏi này không?


Có đau xót không, và thống thiết không, những câu hỏi dồn đập kia?

Mà ai phải trả lời những câu hỏi này nhỉ? Có phải là Bộ Giáo dục, hay Quốc hội, hay Trung ương Đảng? Hay là hiệu trưởng các trường đại học, hay từng giảng viên, từng sinh viên, hoặc thậm chí mỗi con người trong xã hội VN hiện nay? Tôi, thì tôi thiên về lựa chọn thứ hai.

Đừng nói rằng chúng ta không được phép. Đừng nói rằng do cơ chế ràng buộc nên chúng ta phải thế. Cơ chế cũng là do con người làm ra mà. Nếu từng người thầy đừng vi phạm đạo đức nhà giáo, nếu từng sinh viên, học viên cao học đừng quay cóp, đừng đi chùa thầy, đừng mua bằng giả; nếu mỗi nhà tuyển dụng kiên quyết chỉ sử dụng những người có năng lực thật, không quá quan trọng bằng cấp, không vị nể sự quen biết, nếu mọi người làm trong khu vực giáo dục công - những ông quan giáo dục - dám sẵn sàng "rũ áo từ quan" như những ông quan thanh liêm thời xưa, thì hẳn là giáo dục VN phải có ngày sáng sủa lên chứ?

Một dân tộc luôn tự hào với truyền thống hiếu học của mình mà để bây giờ như thế này, chẳng lẽ từng người chúng ta không hổ thẹn sao?

Hổ thẹn chứ, phải không? Vậy nếu hổ thẹn, thì phải phản ứng gì đi chứ? Hình như cũng đang có phản ứng đấy, ví dụ quanh vụ đạo văn vừa qua. Mọi người thì kêu bi quan quá, buồn quá, nhưng tôi lại nghĩ, có phản ứng là còn có hy vọng... Giống như khi chủng ngừa vậy.

Tôi vẫn tin vào một tương lai tươi sáng hơn cho nền giáo dục nước nhà. Miễn là ngay từ bây giờ chúng ta phải chịu đặt chân xuống đất, bắt đầu làm tốt từ những việc nhỏ nhặt nhất. Ví dụ, biên dịch giáo trình, tài liệu học tập cho tử tế, thay vì biên soạn những giáo trình theo kiểu đạo văn, độn văn, nhái văn, xào sách, luộc sách, ăn gỏi sách như hiện nay...

Ngày mai, trời sẽ sáng!

Monday, May 17, 2010

Top 10 đại học châu Á 2010, so sánh với 2009

Danh sách đầy đủ top 200 do QS cung cấp có thể tìm thấy ở đây.

Còn dưới đây là 10 trường đạt vị trí cao nhất của năm 2010 so sánh với năm 2009.

Ghi chú: do chép từ trên mạng đưa vào blog nên không có bảng biểu gì cả, hơi khó đọc. Để cho dễ, tôi đóng ngoặc các kết quả 2009, như vậy khi đọc thì con số đầu tiên sẽ là thứ hạng 2010, sau đó trong ngoặc đơn là kết quả 2009, sau đó đến tên trường rồi đến quốc gia/lãnh thổ.

1 (1) University of Hong Kong, Hong Kong
2 (4) The Hong Kong University of Science and
Technology, Hong Kong
3 (10=) National University of Singapore (NUS), Singapore
4 (2) The Chinese University of Hong Kong, Hong Kong
5 (3) The University of Tokyo, Japan
6 (8) Seoul National University, South Korea
7 (6) Osaka University, Japan
8 (5) Kyoto University, Japan
9 (13) Tohoku University, Japan
10 (12) Nagoya University, Japan

Chú ý, trong top 200 có khá nhiều trường của Đông Nam Á, đặc biệt là Mã Lai. Và tất nhiên không có trường nào của VN. Đơn giản là vì chưa có trường nào của VN tham gia cả. Câu hỏi đặt ra: có nên tham gia không?

Câu trả lời chắc là ... chờ đề tài của tôi thực hiện xong, có lẽ thế? ;-)

Danh sách này có làm cho ta suy nghĩ không, khi người hàng xóm tốt của chúng ta sau bao nhiêu năm nỗ lực vẫn chưa có được thứ hạng mong muốn trên bất kỳ bảng xếp hạng nào? Trong khi nạn đạo văn và tham nhũng học thuật thì ngày càng trầm trọng?

Sunday, May 16, 2010

Trung Quốc không lọt vào top 10 đại học châu Á, tại sao?

Để trả lời câu hỏi nêu trong tựa của entry này có lẽ có nhiều cách. Ví dụ, những khiếm khuyết và thiên lệch trong các hệ thống xếp hạng. Để chứng minh những khiếm khuyết và thiên lệch này chắc không khó, và đã có rất nhiều học giả chỉ ra rồi.

Nhưng ... mặc cho những thiên lệch và khiếm khuyết đó, chưa thấy trường đại học nào, hoặc quốc gia nào, phản đối khi chính mình được xếp vào hạng cao nhỉ? Đa số những sự chỉ trích đối với các bảng xếp hạng quốc tế đều do những người bị xếp hạng thấp nêu ra thì phải. Nên cách trả lời này không khéo sẽ bị người ta cho là ngụy biện mất.

Cũng có thể có một cách trả lời khác, "cao đạo" hơn: Thứ hạng thực ra chẳng có ý nghĩa gì cả. Vấn đề là mình muốn đạt mục tiêu gì, và có đạt được mục tiêu của mình hay không, đó mới là điều quan trọng.

Trung Quốc muốn gì? Rõ ràng là TQ muốn có những trường đại học tốt, để chứng tỏ vị thế hàng đầu của mình, và đồng thời cũng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước Trung Quốc. Đặc biệt là khi hiện nay xét theo thu nhập bình quân trên đầu người thì Trung Quốc vẫn chỉ mới đạt khoảng 4000 USD/năm, thua xa nhiều nước khác ngay trong khu vực châu Á, hoặc thậm chí Đông Nam Á như Singapore. Chẳng thế mà chính TQ đã tự mình tạo ra hệ thống xếp hạng đại học thế giới đầu tiên trong lịch sử, mặc dù sau nhiều năm phấn đấu, vị trí của các trường đại học TQ trong bảng xếp hạng này có vẻ vẫn dậm chân tại chỗ.

Nhưng tại sao Trung Quốc không có những trường đại học hàng đầu kể cả ở châu Á? Kết quả xếp hạng đại học châu Á năm 2010 mới công bố ngày 13/5/2010 vừa qua cho thấy cả ĐH Bắc Kinh lẫn ĐH Thanh Hoa, hai trường đại học tốt nhất mà ta có thể gọi là Oxford và Cambridge của TQ, đều không có trong top 10, trong khi hai trường dẫn đầu trong danh sách này lại là hai trường của Hongkong bé tí ti (well, một cách "kỹ thuật" thì Hongkong cũng thuộc TQ, vậy tức là TQ cũng có đại học dẫn đầu danh sách?). Những trường khác trong danh sách 10 trường hàng đầu này còn có Nhật (không có gì lạ) và Singapore, vv.

Một số câu trả lời mà tôi thu thập được, dù có thể cũng còn tranh cãi, của những người trong cuộc, trả lời từ TQ, cũng như một số quan sát viên khách quan từ bên ngoàilà như sau:

1. Xét về kết quả cuối cùng, ĐH Bắc Kinh có thể có số bài báo không thua kém gì ĐH Yale của Mỹ, nhưng xét về "phần mềm" (tức cơ cấu tổ chức và nhân sự) thì các đại học của TQ vẫn còn thua xa các trường đại học của các nước tiên tiến trên thế giới.

Ý kiến trên là của vị nguyên hiệu trưởng của ĐH Bắc Kinh, được đăng trên tờ Nhân dân nhật báo (People's Daily) ngày hôm nay, ở đây.

2. Nạn đạo văn hoành hành và sự giảm sút về chất lượng nghiên cứu trong thời gian gần đây có thể đã góp thêm vào vị trí thấp của của các đại học TQ.

Đây là ý kiến của Richard Holmes trên tờ University World News số ra ngày hôm nay 16/5, ở đây. Tôi cũng đồng tình với ý kiến này, vì một trong những tiêu chí chấm điểm để xếp hạng của QS là ý kiến của đồng nghiệp quốc tế. Nếu hình ảnh của giáo dục đại học của TQ bị hoen ố đi vì những vụ scandal về đạo văn, thì làm sao các trường đại học của TQ có thể có được điểm cao từ các đồng nghiệp quốc tế được, phải không?

3. Các trường đại học của TQ gần đây đang xuống dốc rất nhanh, vì các tệ nạn quan liêu (bureaucracy) và đạo văn đang có những tác hại nghiêm trọng đến chất lượng hoạt động của các trường.

Ý kiến trên là của GS Trương Minh, giáo sư chính trị học tại trường ĐH Remin tại Bắc Kinh, theo một bài viết đã đăng trên tờ báo Christian Science Monitor, ở đây. Tuy nhiên, ông cũng thêm là do cách quản lý hiện nay tách biệt trường đại học và viện nghiên cứu nên thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ của TQ không được nêu đầy đủ. Điều này cũng có thể đúng.

Còn nhiều câu trả lời nữa, nhưng những câu trên đây khá tiêu biểu. GD đại học của VN có học được từ những câu trả lời này chút gì không?

Tin giáo dục Mã Lai: "Giờ đây ai cũng có thể học đại học"

Tin đó ở đây.

Tóm tắt: mọi rào cản đối với việc học ở bậc đại học đã được tháo gỡ. Những người chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc không có thời gian, hoặc thậm chí không có đủ tiền, giờ đây đều có thể có cơ hội học đại học tại trường đại học mở của nước này, Open University of Malaya.

Chỉ cần tốt nghiệp trung học cơ sở, có kinh nghiệm làm việc, có những kỹ năng và kiến thức tối thiểu để tham gia học, học theo những thời gian linh động theo nhiều phương thức giảng dạy khác nhau (từ xa, trực tiếp lên lớp, hàm thụ vv), và thậm chí đóng tiền trả góp nhiều lần. Còn có lý do gì để ngăn cản một người không học đại học nữa chăng?

Cái lợi của một đất nước với tỷ lệ dân số tốt nghiệp đại học cao chắc không ai chối cãi. Đó là lợi thế của mô hình Mỹ với mô hình giáo dục đại học đại chúng và gắn liền với nhu cầu xã hội ngay từ triết lý và từ xuất phát điểm. Và những nước nào muốn phát triển đều học tập mô hình này theo những cách khác nhau.

Có thể nói, đại học mở là một sáng kiến của nước Anh với trường đại học rất nổi tiếng là The Open University, website ở đây. Địa chỉ link: http://www.open.ac.uk/. Sáng kiến này nhằm đáp ứng nhu cầu đại chúng hóa và phân tầng trong giáo dục đại học, tạo ra một mô hình đại học mới bổ sung cho mô hình đại học tinh hoa. Rõ ràng, để góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, thì không phải trường đại học nào cũng cần trở thành Oxford hay Cambridge.

Hiện tượng này sau đó đã được một số nước khác "nhập khẩu", ví dụ như Thái Lan với một trường đại học mở với số lượng sinh viên rất ấn tượng là một vài trăm ngàn gì đó, trong đó có cả những người đang bị phạt tù (học hàm thụ) mà tôi đã có dịp đến thăm vào năm 1993.

Ở VN, trước đây mô hình đại học mở theo kiểu Anh hoặc Thái Lan cũng đã được cổ súy. Tôi cũng rất may mắn có tham gia giảng dạy "đại học mở" thời đầu tiên của nó, đầu thập niên 1990. Tiếc thay, giờ đây "đại học mở" của VN chỉ còn là một cái tên, nó chẳng còn chút gì mở nữa! Kỳ thi ba chung, và kiểu quản lý "gà công nghiệp" của bộ giáo dục của VN đã biến 400 trường đại học của VN thành những trường làng nhàng, không bản sắc, không tinh hoa mà cũng chẳng đại chúng!

Chúng ta đang muốn đổi mới giáo dục. Vậy ta đổi mới như thế nào, nếu không chịu nhìn ra xung quanh và học hỏi những kinh nghiệm thành công của những người hàng xóm? Và kinh nghiệm Mã Lai rõ ràng là một kinh nghiệm không tồi. Thử nhìn sự phát triển ổn định của người hàng xóm này thì đủ rõ.

Có ai có suy nghĩ gì về vấn đề này không?

Saturday, May 15, 2010

Tin giáo dục Anh quốc: Cần tăng học phí đại học để tăng chất lượng

Tin đó ở đây.

Sáng ra nhìn blogroll thấy cái tựa bài viết trên tờ Telegraph, tôi vội đọc và điểm tin này ngay. Vì ở VN cũng đang có một vấn đề tương tự, đang gây tranh cãi rất dữ.

Tôi thuộc về nhóm người (nói ra thế nào cũng bị mọi người ... chửi) ủng hộ việc tăng học phí, mặc dù cũng rất ủng hộ việc phải có những giám sát chặt chẽ hơn và chế tài mạnh mẽ đối với những trường kém chất lượng (well, quan điểm này cũng sẽ bị chửi luôn cho mà xem, như thế tức là được cả 2 phe cùng ghét, do không chịu đứng hẳn về phe nào!)

Hãy xem quan điểm của "bọn đế quốc sài lang" về học phí là gì?
The 1994 Group, which represents top institutions such as York, Durham, Exeter, Lancaster and St Andrews, said that the existing £3,200-a-year cap should be lifted to “enhance excellence in learning and teaching”.

It said that fees for the poorest students should be subsidised, suggesting higher costs for those from middle-class backgrounds.

Universities should also be able to charge more for the most expensive or sought-after courses, it was claimed. This would lead to a rise in fees for those students taking subjects such as medicine or law.

Nói ngắn gọn: quan điểm là nhà nước không nên ấn định mức trần học phí. Sinh viên nghèo thì nên "bao cấp" hẳn, còn nhà trung lưu trở lên thì phải đóng học phí cao hơn. Các trường thì phải có quyền xác định mức học phí cho các ngành hot, có nhiều người mốn học, như y hoặc luật chẳng hạn.

Quan điểm đó dựa trên lập luận gì? Câu trích dẫn dưới đây theo tôi là rất đáng giá:
Professor Paul Wellings, 1994 Group chairman and vice-chancellor of Lancaster University, said: “Quality can only be maintained by a combination of increasing both institutional autonomy and funding. If the aim is to enhance quality, then a staged increase in the fee level above the baseline would be needed.”

Xin dịch phần in nghiêng đậm:

"Chất lượng chỉ có thể được duy trì bằng cách kết hợp gia tăng cả sự tự chủ đại học lẫn nguồn kinh phí. Nếu mục tiêu đặt ra là cải thiện chất lượng thì cần phải đưa ra một kế hoạch tăng học phí lên mức cao hơn mức trần hiện nay."

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm nói trên, chỉ thêm một câu: đúng, với điều kiện hệ thống giám sát chất lượng phải hoạt động hiệu quả, thưởng phạt nghiêm minh.

Vậy vấn đề công bằng trong giáo dục và cơ hội cho tất cả mọi người có tài năng (no adult left behind, "nhái" khẩu hiệu của Mỹ từ thời chính phủ Bush - hình như thế - no child left behind) thì sao hả, các bác "đế quốc Anh" kia?

Câu trả lời đây:
“Higher education fees should be subsidised for the poorest students. Non-repayable student support should be directed to those in most need.”

The 1994 Group also claimed that universities should be rewarded for having low drop out rates.

Giáo dục của VN có học được gì ở chỗ này không nhỉ? Hay là do tính ưu việt của hệ thống quản lý giáo dục đại học VN, nên ta không có gì để học của thế giới cả?

Và ... "bốn nghìn năm ta lại là ta"?

Friday, May 14, 2010

Nhập môn thống kê giáo dục (8): Ước lượng trong thống kê suy diễn

Bài này nhằm cung cấp thêm thông tin cho các học viên cao học Đo lường - Đánh giá Khóa 2 đang học môn Thống kê ứng dụng với tôi. Vì tôi nhận thấy các bạn bắt đầu có vẻ cảm thấy khó hiểu từ lúc chuyển từ thống kê mô tả sang thống kê suy diễn rồi.

Mà quả thật, hiểu đúng suy diễn thống kê là một điều không dễ các bạn ạ. Thời nay, khi các phần mềm máy tính có thể giúp người ta thực hiện mọi loại tính toán thống kê trong chỉ vài giây, thì cái khó của thống kê không còn là nhớ công thức và thực hiện các tính toán nữa, mà là hiểu đúng cái tư duy bên dưới các cách tính toán đó. Muốn hiểu, phải đọc nhiều, ngẫm nghĩ nhiều, đặc biệt là từ các ví dụ cụ thể.

Vậy thì đây, các bạn đọc nhé. Tôi chép nguyên văn từ trang wikipedia tiếng Việt, có thể tìm thấy ở đây. Hoặc đọc dưới đây, có gì thắc mắc thì hỏi luôn trong phần comment.

Enjoy!

---
Trong thống kê, một ước lượng là một giá trị được tính toán từ một mẫu thử (échantillon) và người ta hy vọng đó là giá trị tiêu biểu cho giá trị cần xác định trong dân số (population). Người ta luôn tìm một ước lượng sao cho đó là ước lượng "không chệch" (unbiased), hội tụ (converged), hiệu quả (efficient) và vững (robust).

Ví dụ về ước lượng
Muốn xác định độ cao trung bình của trẻ ở độ tuổi 10, ta thực hiện một điều tra trên một mẫu được lấy trên tập thể các trẻ em ở độ tuổi 10 (ví dụ mẫu điều tra là các em học sinh được lấy ngẫu nhiên từ nhiều trường ở nhiều vùng khác nhau). Chiều cao trung bình tính được từ mẫu điều tra này, thường là trung bình tích lũy, sẽ là một ước lượng cho chiều cao trung bình của trẻ em ở độ tuổi 10.

Nếu ta muốn xác định tỷ lệ bầu cử cho ứng cử viên A, ta có thể thực hiện một điều tra trên một mẫu dân số tiêu biểu. Tỷ lệ bầu cho A trong mẫu điều tra là một ước lượng của tỷ lệ bầu cho A của toàn thể dân số.

Giả sử ta muốn xác định tổng số cá có trong hồ, ta bắt đầu bằng cách bắt lên n con cá (ví dụ n=50), đánh dấu chúng, sau đó lại thả xuống hồ cho chúng lẫn với những con khác. Sau đó lấy một mẫu cá bất kỳ trong hồ, tính tỷ lệ p cá bị đánh dấu trong mẫu đó (ví dụ mẫu có 20 con trong đó có 2 con có dấu, p=1/10). Khi đó giá trị n/p (=500) là một ước lượng cho tổng số cá có trong hồ. Nếu trong mẫu không có con cá nào bị đánh dấu, ta thực hiện lại trên một mẫu khác.

Thông thường ta tìm ước lượng cho một trung bình, cho tổng dân số, cho một tỷ lệ hoặc cho một phương sai.

Đánh giá ước lượng
Một ước lượng là một giá trị x (x nhỏ) được tính toán trên một mẫu được lấy một cách ngẫu nhiên, do đó giá trị của x là một biến ngẫu nhiên với kì vọng E(x) và phương sai V(x). Nghĩa là giá trị x có thể dao động tùy theo mẫu thử, nó có ít cơ hội để có thể bằng đúng chính xác giá trị X (X lớn) mà nó đang ước lượng. Mục đích ở đây là ta muốn có thể kiểm soát sự sai lệch giá trị x và giá trị X.

+ Một biến ngẫu nhiên luôn dao động xung quanh giá trị kì vọng của nó. Ta muốn là kì vọng của x phải bằng X. Khi đó ta nói ước lượng là không chệch (unbiased). Trung bình tích lũy trong ví dụ về chiều cao trung bình của trẻ 10 tuổi một ước lượng đúng, trong khi ước lượng về tổng số cá trong hồ được tính như trong ví dụ là một ước lượng không đúng, đó là ước lượng thừa: trung bình tổng số cá ước lượng được luôn lớn hơn tổng số cá có thực trong hồ.

+ Ta cũng muốn là khi mẫu thử càng rộng, thì sai lệch giữa x và X càng nhỏ. Khi đó ta nói ước lượng là hội tụ. [Ở đây tôi cắt bỏ phần công thức toán vì tôi nghĩ các bạn không giỏi toán sẽ không hiểu (giống như tôi!), làm ngăn trở các bạn đọc tiếp. Nhớ rằng trong môn học này tôi chỉ chú trọng phần tư duy thống kê hơn là thao tác thống kê.]

+ Biến ngẫu nhiên dao động quanh giá trị kì vọng của nó. Nếu phương sai V(x) càng bé, thì sự dao động càng yếu. Vì vậy ta muốn phương sai của ước lượng là nhỏ nhất có thể. Khi đó ta nói ước lượng là hiệu quả (efficient).

+ Cuối cùng, trong quá trình điều tra, có thể xuất hiện một giá trị "bất thường" (ví dụ có trẻ 10 tuổi nhưng cao 1,80 m). Ta muốn giá trị bất thường này không ảnh hưởng quá nhiều đến giá trị ước lượng. Khi đó ta nói ước lượng là vững (robust). Có thể thấy trung bình tích lũy trong ví dụ về chiều cao trung bình trẻ 10 tuổi không phải là một ước lượng vững.

Ước lượng của trung bình và phương sai
[Phần này có nhiều ký hiệu và công thức nên tôi không chép vào được, đã bị cắt đi, các bạn đọc trực tiếp trên wikipedia vậy. Sở dĩ như thế là do tôi không biết cách chèn ký hiệu toán học và trong text trực tiếp trên blog như thế này - có lẽ sẽ làm được nếu đánh máy lại trên word chăng?]

Các ảnh hưởng của điều tra đến ước lượng
Phân chia dân số thành các lớp đồng nhất để làm mẫu điều tra có thể làm giảm đáng kể giá trị phương sai của ước lượng, do đó ước lượng sẽ càng hiệu quả.

Lấy mẫu một cách ngẫu nhiên với xác suất không đồng đều, dẫn đến điều tra nhiều lần hoặc co cụm, sẽ làm thay đổi các công thức được tính trên.

Cuối cùng, việc dùng thêm các thông tin phụ hợp lý cho phép chỉnh sửa các ước lượng để có được các kết quả gần với giá trị thật cần ước lượng hơn.

Ước lượng phân phối xác suất
Khả năng ước lượng kì vọng và phương sai cho phép ước lượng các tham số của một phân phối xác suất (phân phối bình thường, phân phối Poisson vv...).

Trong xác suất, ta thường xác định một phân phối xác suất lý thuyết dựa vào các thực nghiệm thống kê. [...] Để làm rõ sự sai khác giữa chúng có đáng kể hay không, ta thực hiện các kiểm định giả thuyết thống kê, trong đó phổ biến nhất là kiểm định χ² (Chi bình phương).
-----
Đọc thêm về ước lượng và khoảng tin cậy tại đây.

Thursday, May 13, 2010

Nhập môn thống kê giáo dục (7): Thống kê mô tả và thống kê suy diễn/suy luận

Phần trích dưới đây được lấy từ trang web Toán ứng dụng (toanungdung.com), ở đây.
---
Nhiệm vụ của thống kê là thu thập, phân tích, suy luận hoặc giải thích, và biểu diễn các số liệu (data). Ngoài ra thống kê cũng có nhiệm vụ dự báo (prediction and forecasting) từ việc phân tích số liệu. Thống kê được ứng dụng rộng rãi trong các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, trong nghiên cứu con người, trong công tác điều hành quản lý chính phủ, trong kinh doanh, ...

Thống kê học được phân chia thành 2 nhánh chính:

Thống kê mô tả (Descriptive statistics): nghiên cứu việc tổng hợp, số hóa, biểu diễn bằng đồ thị các số liệu thu thập được. Sau đó tính toán các tham số đặc trưng cho tập hợp dữ liệu như: trung bình, phương sai, tần suất, tỷ lệ, ...Mục đích là để mô tả tập dữ liệu đó.

Thống kê suy luận (Inferential statistics): nghiên cứu sự ngẫu nhiên, sai số của các tập dữ liệu, từ đó mô hình hóa và đưa ra các suy luận cho tập tổng thể. Các suy luận này có thể là: trả lời đúng / sai cho các giả thuyết đặt ra (kiểm định giả thuyết thống kê), ước lượng các tham số của tổng thể (ước lượng), mô tả sự tác động qua lại giữa các biến số (tương quan), mô hình hóa quan hệ giữa các biến số (hồi quy), nội suy các giá trị không thể quan sát được (extrapolation, interpolation). Các kỹ thuật mô hình hóa khác trong thống kê suy luận gồm: (M)ANOVA (phân tích phương sai), chuỗi thời gian (time series), và khai phá dữ liệu (data mining).

[...]

Một số phân ngành trong Thống kê ứng dụng:

+Khoa học bảo hiểm (actuarial science): nghiên cứu về rủi ro trong bảo hiểm, tài chính, ...

+Sinh thống kê: phân tích các số liệu sinh học.

+Hóa thống kê: Phân tích các số liệu hóa học.

+Phân tích số liệu (data analysis): tổng hợp, mô hình hóa, chọn lọc thông tin, từ đó đưa ra các kết luận, quyết định hoặc điều chỉnh các quyết định trước đó.

+Khai khá dữ liệu (data mining): là một chuyên ngành của phân tích số liệu (data analysis), mục đích là khai phá các thông tin khác tiềm ẩn thông qua số liệu đo được. Các ngành nhỏ của khai phá dữ liệu gồm: phân loại (classification), phân nhóm (clustering), hồi quy (regression), ... Khai phá dữ liệu được ứng dụng nhiều trong các ngành nghiên cứu tiếp thị thị trường (marketing), đặc biệt là tiếp thị địa lý (geomarketing), chẩn đoán phân loại trong y sinh học, ...

+Kinh tế lượng: ứng dụng các phương pháp thống kê trong việc tính toán, mô hình hóa các đại lượng và các quy luật kinh tế.

+Địa lý thống kê: nghiên cứu về cơ cấu và chuyển động của dân số.


+Thống kê năng lượng (Energy statistics): tổng hợp, phân tích các số liệu về năng lượng trên lãnh thổ quốc gia hoặc thế giới như dầu, khí ga, điện, và các nguồn năng lượng sạch (gió, mặt trời, ...). Mục đích là đìều tiết, dự báo, ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng năng lượng.

+Thống kê kỹ thuật (Engineering statistics): xây dựng thực nghiệm, quản lý chất lượng, quản lý quá trình sản xuất, hạn chế rủi ro trong xây dựng, thiết kế hệ thống.

+Dịch tễ học: nghiên cứu sai số trong dự báo, dự đoán bệnh, khả năng lây bệnh, hiệu quả của thuốc, ...

+Khí tượng và hải dương học: nghiên cứu các hiện tượng thời tiết, các nhân tố trong khí quyển như độ ẩm, nhiệt độ, trên mặt nước biển như nhiệt độ mặt nước biển, gió, độ cao của sóng, ... từ các quan sát thu được (từ các trạm quan sát, hình ảnh vệ tinh, v.v.), từ đó đưa ra các ước lượng, mô hình hoặc các dự báo. Các nghiên cứu này gắn liền với lý thuyết cơ học chất lỏng (fluid mechanics) và các phương pháp đồng hóa dữ liệu (data asimilation), ...

+Xử lý thông tin (signal processing): thu thập phân tích các thông tin dưới dạng sóng, tín hiệu, hình ảnh, từ đó phân tích, ứng dụng các kỹ thuật thống kê suy luận để sàng lọc, điều chỉnh các thông tin đó. Ví dụ như xử lý các tín hiệu kỹ thuật số, làm rõ hình ảnh, phân tích các chuyển động, nhận diện chuyển động trong các máy quay theo dõi,...

+Thống kê xã hội (Social statistics): dùng các hệ thống đo lường thống kê để nghiên cứu thái độ con người hoặc 1 nhóm người trong môi trường xã hội.

+Mô hình hóa thống kê: nghiên cứu, xây dựng mô hình các quy luật phân phối, chuyển động, phát triển của một hoặc nhiều biến số từ các dữ liệu đo được.

Tin giáo dục Mỹ: Sinh viên Hồ Quang Phương kiện cảnh sát lạm dụng vũ lực

Sáng ra đọc blogroll trên trang này, thấy có tin mới nóng hổi, nên đưa lên đây giới thiệu với mọi người. No comment on my part, bởi vì tôi chưa đọc kỹ và cũng chưa tìm hiểu về vụ này. Hình như trước đây trên trang blog của BS Hồ Hải có nói về vụ Hồ Quang Phương, mọi người có thể tìm ở đó. Hoặc hỏi Google!

Ai biết gì về việc này xin comment nhé!

Đọc ở đây.

Wednesday, May 12, 2010

Đạo văn là gì, và kẻ đạo văn phạm những tội gì?

Cập nhật lúc 10:30 ngày 12/5:
ĐÍNH CHÍNH: Trong bài viết tôi có bị nhầm một chỗ là VN tham gia công ước Berne vào năm 2004 chứ không phải 1994 như tôi đã ghi. Xin cám ơn bạn Anonymous 2 đã chỉ ra, và xin lỗi tất cả các bạn. Tôi đã sửa lại trong bài, và sẽ liên hệ báo để sửa lại!
---
Bài viết dưới đây của tôi đã được viết theo đặt hàng để góp phần vào cuộc tranh luận hiện nay về đạo văn, và được đăng trên báo Người Lao động online sáng nay ở đây. Do bài gốc của tôi hơi dài nên có những phần đã bị cắt bớt cho gọn lại, và cái tựa của tôi có lẽ cũng hơi ... nặng nên đã được sửa. Tôi đăng lại đây toàn bộ bài gốc để chia sẻ với mọi người, và mong nhận được những trao đổi và tranh luận.

----
Vụ đạo giáo trình Tài chính quốc tế do ông TNT đứng tên biên soạn đã có một khúc quanh mới khi báo chí nêu lên tình tiết chính ông cũng đã sử dụng phần lớn một giáo trình nước ngoài nhưng không “không dẫn nguồn tài liệu” . Câu hỏi đang được đặt ra là nếu đúng như vậy, chính ông TNT có phạm tội đạo văn hay không? Cần lưu ý là giáo trình đang được đề cập đến đã bị một người khác chép, và người ấy đã bị xử lý vì tội đạo văn. Cái khác của ông TNT so với người kia là trong khi người đó chỉ sao chép, thì ông TNT (và nhóm cùng đứng tên tác giả) đã mất thêm thời gian và công sức để dịch tài liệu, một việc mà GS Nguyễn Văn Tuấn gọi là “đạo dịch” trong bài viết gần đây trên blog cá nhân của ông.

Tôi nghĩ, sẽ có những người nghĩ việc quy kết trách nhiệm cố ý đạo văn cho nhóm biên soạn vào ngay thời điểm năm 1996 là hơi khắt khe. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, đặc biệt đã tham gia Công ước Berne từ năm 2004 và là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2006. Vì vậy, việc của ông TNT không chỉ là vấn đề nội bộ của Việt Nam mà rất có thể gây ra một vụ tranh tụng ầm ĩ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước. Do những trường hợp tương tự như của ông TNT có lẽ không ít tại Việt Nam, chúng ta cần bàn bạc để thống nhất một số nguyên tắc và căn cứ chung làm cơ sở để giải quyết những vụ việc tương tự.

Để góp phần vào cuộc đối thoại trên, trong bài viết này tôi xin đưa ra một số định nghĩa về đạo văn và những “trách nhiệm” về đạo đức cũng như luật pháp của một người đạo văn theo quan điểm của phương Tây. Hai tài liệu chính mà tôi sử dụng để viết bài này là:
1. “Plagiarism in Colleges in USA” (Đạo văn trong trường đại học ở Mỹ) của Ronald B. Standler, công bố năm 2000;
2. “Academic misconduct, definitions, legal issues, and management” (Vi phạm trong học thuật, định nghĩa, những vấn đề luật pháp, và việc quản lý) của P. A. Addison, công bố năm 2001 .

ĐẠO VĂN LÀ GÌ?
Cho đến nay, rất nhiều định nghĩa về đạo văn (plagiarism) đã được đưa ra. Những định nghĩa này có khác nhau ít nhiều về mặt kỹ thuật, chẳng hạn như phân biệt các mức độ chép từ bản gốc:
- chép nguyên văn (đạo văn - plagiarism),
- chép một phần và “chế” một phần mà O’Neill gọi là paraplage (có thể do ghép hai từ paraphrase và plagiarise, tạm dịch là “độn văn”) ,
- đạo văn cố ý và đạo văn không cố ý (intentional and unintentional plagiarism).
Tuy nhiên, cho dù có những khác biệt, thì tất cả mọi định nghĩa về đạo văn đều xem đạo đức là một hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhận của một người trong giới trí thức.

Đạo văn: chép không dẫn nguồn
Đơn giản và rõ ràng nhất, đạo văn là chép của người khác mà không dẫn nguồn. Đạo văn tồn tại ở những mức độ khác nhau, tùy theo chép nhiều hay ít. Dưới đây là định nghĩa của Standler (2000):
In minor cases, it can be the quotation of a sentence or two, without quotation marks and without a citation (e.g., footnote) to the true author. In the most serious cases, a significant fraction of the entire work was written by someone else: the plagiarist removed the true author(s) names(s) and substituted the plagiarist's name, perhaps did some re-formatting of the text […].
Trong trường hợp nhẹ, đạo văn là trích dẫn một vài câu, không đặt trong ngoặc kép và không chú dẫn tác giả thật. Trong trường hợp rất nặng nhất, phần lớn của bài viết/tác phẩm là của người khác: kẻ đạo văn đã bỏ tên tác giả thật ra và thay vào đó bằng tên mình, có thể thay đổi chút ít về hình thức văn bản […].


Diễn đạt lại hoặc dịch lại ý tưởng của người khác, có phải đạo văn?
Nếu diễn đạt lại ý tưởng của người khác bằng lời của mình chứ không chép nguyên xi thì có bị xem là đạo văn không? Theo Sandler, ngay cả khi câu chữ đã bị thay đổi hết nhưng ý tưởng gốc không đổi, thì vẫn bị xem là đạo văn như thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần chứng minh nghi can đạo văn có biết đến tác phẩm gốc, hoặc thậm chí có sẵn tác phẩm đó trong tay khi sửa lại câu chữ. Hiện tượng này có thể tạm gọi là “nhái văn”, một dạng của đạo văn, nó giống như làm hàng nhái, cũng là một loại ăn cắp ý tưởng.

Trong tiếng Anh, để tránh bị buộc tội “nhái văn”, việc dẫn nguồn cần được thực hiện như trong ví dụ sau, lấy từ bài viết của Sandler.

Câu gốc (vd của tác giả tên Smith):
If the solution turns pink, it is worthless, and should be discarded. (Nếu dung dịch chuyển sang màu hồng, lúc ấy nó đã trở nên vô dụng, và cần loại bỏ.)

Câu “nhái văn”:
When the liquid becomes light red, it is spoiled, and should be poured down the sink. (Khi chất lỏng đổi thành màu đỏ, lúc ấy nó đã bị hỏng và phải đổ xuống cống.)

Câu có chú dẫn đầy đủ (không bị xem là nhái văn):
Smith [citation/footnote number] has reported that when the liquid becomes light red, it is spoiled, and should be poured down the sink. (Tác giả Smith [nguồn trích dẫn/chú thích số] đã báo cáo rằng khi chất lỏng đổi thành màu đỏ, lúc ấy nó đã bị hỏng và phải đổ xuống cống.)


Việc dịch từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác (“đạo dịch” theo cách gọi của GS Nguyễn Văn Tuấn) về bản chất cũng giống như việc diễn đạt lại bằng lời lẽ của mình và vì thế cũng là đạo văn. Trong trường hợp của ông TNT nếu đúng là ông đã dịch gần như toàn bộ giáo trình nước ngoài thì đó là một vi phạm ở mức độ nghiêm trọng vì gần như toàn bộ tác phẩm của tác giả thật đã bị hô biến thành tác phẩm của người khác.

Không cố ý, phải chăng là đạo văn?
Chú ý là theo Standler, đạo văn là đạo văn, dù vô tình hay cố ý:
[…] [T]he intent of a plagiarist is irrelevant. The act of quoting material without including the indicia of a quotation is sufficient to convict someone of plagiarism. It is no defense for the plagiarist to say "I forgot." or "It is only a rough draft." or "I did not know it was plagiarism."
Việc vô tình hay cố ý không có can hệ gì ở đây. Hành vi sử dụng tài liệu mà không chú dẫn tự nó đã đủ để buộc tội một người nào đó là đạo văn rồi. Không thể bào chữa bằng cách nói rằng “Tôi quên” hay “Đây mới chỉ là bản nháp đầu tiên” hay “Tôi không biết đó là đạo văn”.


Addison (2001) cũng khẳng định: “Plagiarism, even if it is unintentional, is still morally unacceptable.” (Đạo văn, dù không cố ý, vẫn không thể chấp nhận được về mặt đạo đức). Tuy nhiên, theo tác giả này, nếu chứng minh được sự không cố ý, thì “tội” của kẻ đạo văn cũng được giảm nhẹ đi một chút. Nếu vô tình đạo văn thì điều đó nói lên sự yếu kém về mặt khoa học của nhà nghiên cứu, còn nếu cố tình đạo văn thì điều này cho thấy sự thấp kém về nhân cách của một người mang danh là nhà khoa học.

Cố ý đạo văn là để nhắm đến những cái lợi mà kẻ đạo văn sẽ có khi ăn cắp được tác phẩm của người khác. Nếu đạo văn không cố ý thì những cái lợi đạt được do đạo văn chỉ là tình cờ. Nhiều tác giả cho rằng những cái lợi mà việc đạo văn trót lọt có thể đem lại thật hiển nhiên, ví dụ được đánh giá cao về năng lực, hay được tưởng thưởng dưới một hình thức nào đó, nên khó mà tin được nếu có ai đó nói mình đạo văn chỉ là do vô tình không biết mà thôi.

KẺ ĐẠO VĂN (PLAGIARIST) PHẠM TỘI GÌ?
Đạo văn không chỉ là một vấn đề đạo đức của giới học thuật và cần để cho giới học thuật tự xử lý với nhau, mà còn là một vấn đề của luật pháp. Về mặt đạo đức học thuật, thông thường mỗi trường đại học của Mỹ đều có những quy định rất rõ ràng về đạo đức của giảng viên và sinh viên và các biện pháp xử lý vi phạm. Về pháp luật, theo Sandler trong luật Mỹ kẻ đạo văn bị xem là đã mắc phải nhiều tội cùng một lúc, trong đó có ít nhất hai tội là vi phạm luật bản quyền và mạo danh/lừa bịp.

Vi phạm luật bản quyền (copyright infringement)
Trong luật Mỹ, người sở hữu tác phẩm có bản quyền (trong đa số trường hợp thì người này cũng là tác giả thật) có thể kiện kẻ đạo văn ra tòa án liên bang vì vi phạm luật bản quyền. Trong bài viết của mình , Sandler nêu rõ mọi tác phẩm được tạo ra ở Mỹ sau ngày 1/3/1989 đương nhiên được bảo vệ bởi luật bản quyền, ngay cả khi trên tác phẩm không có ghi chú gì về quyền tác giả.

Lưu ý của Sandler là khi kẻ đạo văn có đưa thêm những phần sáng tạo của riêng mình vào trong tác phẩm thì điều đó cũng không bào chữa được cho tội đạo văn, vì ở đây đang xem xét những gì mà kẻ đạo văn đã làm sai, chứ không phải cái gì mà kẻ ấy đã làm đúng.

Mạo danh/lừa đảo (fraud)
Ngoài tội vi phạm luật bản quyền, Sandler cho rằng kẻ đạo văn còn phạm tội mạo danh. Bởi vì người ấy biết rõ mình không phải là tác giả thật của tác phẩm, nhưng lại sẵn sàng và cố tình để tên mình lên trên tác phẩm và che khuất tác giả thật. Hơn thế nữa, người này đã nộp tác phẩm này đi để có thể nhận được một sự tưởng thưởng nào đó, ví dụ như đạt điểm tốt cho một bài tiểu luận, hay luận án để được cấp bằng sau đại học, nhận học bổng, hoặc đoạt được giải thưởng trong hội chợ khoa học, vv.

Sự mạo danh, bản chất là một sự lừa bịp, thường đem lại cho kẻ đạo văn nhiều quyền lợi không chính đáng. Chính vì vậy, Sandler đã kết thúc phần viết về tội mạo danh của kẻ đạo văn với những lời lẽ rất nặng nề sau:

Using phrases like "academic misconduct" to describe plagiarism is too sterile, too kind. Plagiarism is fraud.
Dùng những từ như “vi phạm trong học thuật” để mô tả việc đạo văn là quá đơn giản, và quá nhẹ nhàng. Đạo văn chính là một sự lừa bịp.


Addison cũng có ý kiến tương tự về tội mạo danh hay lừa bịp của kẻ đạo văn mà ông gọi là “copyright fraud” (mạo nhận quyền tác giả) với những lời lẽ không kém nặng nề như sau:
Deception is a critical aspect of fraud. It is an artifice, a sham, a cheat, omething that is intended to deceive.
Lừa dối là một khía cạnh quan trọng của tội mạo danh. Nó là sự giả mạo, dối trá, lừa đảo, một cái gì đó nhằm lừa bịp người khác.

---
Phần trình bày nêu trên cho thấy văn hóa học thuật của phương Tây xem đạo văn như một sự vi phạm nặng nề xét trên cả hai khía cạnh đạo đức và luật pháp. Bỏ qua khía cạnh đạo đức, vốn gắn liền với các giá trị cốt lõi và các niềm tin đặc thù của từng nền văn hóa, khía cạnh luật pháp của đạo văn là điều rất đáng quan tâm trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào cộng đồng thế giới như hiện nay.

Quay trở lại trường hợp ông TNT. Cho dù có thể có những lý do và hoàn cảnh khiến việc “đạo dịch” của ông có thể hiểu được vào thời điểm ông bắt đầu “biên soạn” cuốn giáo trình kia, nhưng nếu xét theo quan điểm của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thì việc làm đó là một vi phạm nghiêm trọng về mặt luật pháp. Nó có thể dẫn đến một vụ kiện um xùm rất không tốt cho bản thân ông TNT, và tác hại đến hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới bên ngoài. Thiết nghĩ, nhà nước cũng như các trường đại học Việt Nam cần sớm có các quy định cùng các quy trình và thủ tục xử lý việc đạo văn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vũ Thị Phương Anh
Viết xong ngày 10/5/2010

Monday, May 10, 2010

Đạo văn, độn văn, nhái văn, và "đạo dịch"

Như đã viết trong entry trước, tôi đang viết một bài về việc đạo văn ở các nước phương Tây theo đặt hàng của một người bạn là phóng viên giáo dục. Bài viết đã được gửi đi, có lẽ sẽ đăng trong vài ngày nữa.

Do viết bài này nên tôi có tìm thấy khá nhiều từ ngữ khác nhau liên quan đến các hình thức và mức độ của nạn đạo văn, nên đưa lên đây giới thiệu để chia sẻ với các bạn.

Enjoy!

----
ĐẠO VĂN LÀ GÌ?
Cho đến nay, rất nhiều định nghĩa về đạo văn (plagiarism) đã được đưa ra. Những định nghĩa này có khác nhau ít nhiều về mặt kỹ thuật, chẳng hạn như phân biệt các mức độ chép từ bản gốc:
- chép nguyên văn (đạo văn - plagiarism),
- chép một phần và “chế” một phần mà O’Neill gọi là paraplage (đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy từ này trong tiếng Anh, có lẽ do ghép hai từ paraphrase và plagiarize, tôi tạm dịch là “độn văn” - nghe cũng có lý phải không các bạn?) ,
- đạo văn cố ý và không cố ý (intentional and unintentional plagiarism).
- nhái văn (paraphrase): ý tưởng là của người khác nhưng lời lẽ đã được thay đổi.

Phần mới chép trên đây là một đoạn trong bài viết tôi đã gửi đi, hy vọng nay mai các bạn sẽ đọc được trên báo. Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, và Internet hóa hiện nay, có một loại đạo văn rất phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như VN, đó là "đạo dịch", tức lấy tác phẩm gốc dịch ra một ngôn ngữ khác rồi nhận đó là của mình. Tương tự như trường hợp TNT đang om xòm gần đây.

Từ "đạo dịch" tôi mới gặp lần đầu tiên trong bài viết của GS NVT khi ông viết về nạn đạo văn cách đây ít lâu. Chẳng biết nó có phải của ông nghĩ ra không, nhưng không thấy chú thích là của ai khác nên tôi nghĩ ông là người đầu tiên dùng từ này --> bản quyền thuộc về ông.

Do đọc thấy từ "đạo dịch" nên tôi tò mò tìm thử xem trong tiếng Anh có thể có một từ tương tự như thế không. Google một cái, thấy ngay: "translated plagiarism", đúng là đạo dịch rồi, hay thật! Nó ở đây này! Đúng là google muôn năm!!!

Chép lại đây các định nghĩa về đạo văn trên bài viết nói trên cho các bạn tham khảo nhé:

• paraphrasing: changing grammar, similar meaning words, re-ordering sentences in original work. Or restating same contents in different words.
• artistic plagiarism: presenting some one else's work using different media, such as text, images, voice or video.
• code plagiarism: using program code, algorithms, classes, or functions without permission or reference.
• forgotten or expired links to resources: addition of quotations or reference marks but failing to provide information or up-to-date links to sources.
• no proper use of quotation marks: failing to identify exact parts of borrowed contents.
• misinformation of references: adding references to incorrect or non existing original sources.
translated plagiarism: cross language content translation and use without reference to original work.

Như vậy, trong 4 từ tôi giới thiệu ở tựa entry này, thì từ đạo văn là có sẵn, từ "đạo dịch" là của GS NVT, còn 2 từ "độn văn" và "nhái văn" là của tôi mới nghĩ ra để viết bài mà tôi đã được đặt hàng để viết. Vậy bản quyền của mấy từ đó là của tôi đó nhé :-). Nói rồi đó nghe, đừng nói là không biết. Mà có biết hay không thì đạo văn vẫn là đạo văn, vẫn cứ vô đạo đức như thường.

Bạn không tin ư? Vậy thì hãy đón đọc bài viết của tôi trên báo (báo nào nhỉ?) trong vòng mấy ngày nữa! ;-)
--
Thêm:
Mới tìm được vài thứ khác, đưa lên luôn để giới thiệu với các bạn và lưu cho mình:
- "crosslingual plagiarism", đạo văn xuyên ngôn ngữ, tức cũng là đạo dịch đấy các bạn ạ! Từ này tìm thấy ở đây.
- vụ đạo văn ở TQ và cách xử lý, ở đây.

Saturday, May 8, 2010

Sự trung thực của trí thức

Tệ nạn "đạo văn", "tham nhũng học thuật" trong giới trí thức Việt đang dần bị phơi bày trước công luận, và đang trở thành một vấn đề nóng trên báo chí. Một người bạn, cũng là một phóng viên giáo dục trên một trong rất nhiều tờ báo của cả nước đã nói với tôi rằng "Càng đi sâu vào vấn đề này, càng thấy nó phức tạp, đụng chạm đến nhiều người, thậm chí đến toàn bộ giáo dục đại học của Việt Nam."

Nghe mà đau xót! Tất nhiên, đó cũng chỉ mới là cảm nhận của một người, cho dù đó có là một phóng viên, có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau. Có lẽ, giáo dục đại học của VN không đến nỗi tệ hại như thế. Vì cũng vẫn có những thành tựu, những điểm sáng, những sản phẩm tốt, những con người đang đóng góp cho sự phát triển của xã hội này chứ?

Vả lại, ngay cả trong những người vi phạm, thì có lẽ cũng nên phân biệt những người vô tình, phạm tội vì không biết đó là tội, hoặc phạm tội vì cùng đường (tương tự như ăn cắp ổ bánh mì để ăn để khỏi bị đói lả), và những người biết là tội, không cùng đường, mà chỉ vì tham. Vì không thể bỏ tất cả vào trong cùng một rọ được. Cái đó, gọi là tính nhân đạo của luật pháp, phải không?

Vì vậy, để giải quyết vụ lùm xùm mới đây về một cuốn sách bị đạo đi, đạo lại tới mấy lần, khiến một PGS-TS đã xin từ chức hay nghỉ hưu gì đó tôi quên rồi, và một người khác đang phải đối mặt với sự lên án của dư luận, có lẽ cũng nên thống nhất những nguyên tắc và căn cứ rõ ràng trước khi kết luận về mức độ "thiếu sót" hay "ăn cắp", thậm chí "lừa bịp" của những người có liên quan (những từ tôi để trong ngoặc kép là trích dẫn trên báo chí và blog cá nhân nói về việc này trong mấy ngày qua).

Nhưng khi được người bạn phóng viên ấy hỏi về nguyên tắc và căn cứ để xem xét mức độ vi phạm của những trường hợp liên quan gần đây, tôi bàng hoàng nhận ra rằng hình như từ ngày tôi trở thành giảng viên cho đến nay, tức đã gần 30 năm, tôi chưa bao giờ được cầm trong tay một văn bản nào nêu cụ thể những yêu cầu về tính trung thực của người trí thức cả. Và tôi cũng chưa bao giờ được yêu cầu phải rèn luyện cho sinh viên của tôi cái đức tính mà nền văn hóa học thuật của phương Tây xem là hết sức quan trọng này. Quả thật vậy, xin thề có Chúa!

Những gì tôi đang cố làm, ví dụ tôn trọng sở hữu trí tuệ của người khác, ngay cả khi còn là ý tưởng, là do tôi được rèn luyện trong thời gian 4 năm học ở Úc, với văn hóa học thuật của phương Tây. Hoặc do truyền thống đạo đức của gia đình, của niềm tin tôn giáo của tôi, hoặc quy ước, chuẩn mực xã hội của cộng đồng nho nhỏ mang tính cá nhân mà tôi tham dự mà thôi - bạn bè thời trung học, họ hàng, người quen của gia đình vv.

Chẳng trách một người mà tôi đã từng xem là bạn, chắc chắn đang được xã hội xem là trí thức, và tất nhiên cũng tự nhận mình là trí thức, hiện đang nắm giữ một vị trí quan trọng trong một trường đại học tư tại thành phố này, đã từng thản nhiên (ngang nhiên?) viết cho tôi bằng email trong một cuộc tranh luận, với đại ý rằng: ý tưởng một khi đã nói ra thì người khác có quyền sử dụng theo ý của người đó, và đó không hề là ăn cắp. Còn nếu sợ người ta lấy mất thì tốt nhất là đừng nói ra!

Đúng là chỉ còn biết kêu trời! Tôi nghĩ, nói như vậy thì cũng giống như nói rằng, nếu sợ bị kẻ trộm rình rập lấy tiền của mình thì tốt nhất là đừng có sử dụng tiền nữa! Vì một khi đã sử dụng tiền, thì người ta sẽ biết là mình có tiền, và kẻ trộm có quyền tìm cách để lấy!!!!!!

Thử hỏi, nạn trộm cắp tri thức hoành hành một cách ngang nhiên như vậy mà ngay cả "giới trí thức" cũng xem là đương nhiên, thì làm sao mà mong khoa học VN có thể phát triển được. Ai ngu gì mà lao động và sáng tạo ra cái mới, cứ chờ mà lấy của người khác rồi xài chùa chứ!!!!! Đúng là bó tay thật.

Nội dung của bức thư đó tôi vẫn còn giữ, nhưng do những giá trị đạo đức của chính tôi chứ chẳng có ai bắt buộc, nên tôi đã không trích dẫn nguyên văn ở đây, cũng không nêu tên người ấy trong entry này. Tôi chỉ nêu lên để minh họa cho tình trạng thiếu vắng các nguyên tắc, các quy định, và các chuẩn mực về sự trung thực của người trí thức trong xã hội VN hiện nay.

Nhân tiện, người mà tôi nói đó, hiện nay hình như cũng vẫn ngựa quen đường cũ, vẫn tiếp tục thường xuyên quên "không ghi nguồn trích dẫn", khi sử dụng nguyên văn lời lẽ của người khác hay ít nhất là của tôi, đến nỗi tôi đã phải viết một mẩu ở blog cá nhân mang tên "Buồn hay phẫn nộ?", ở đây.

Viết tản mạn chỉ để ghi lại những suy nghĩ hiện tại của tôi; thực ra tôi đang thu thập các tư liệu của phương Tây để viết một bài về "sự trung thực của trí thức" theo quan điểm học thuật Anglo-Saxon mà tôi quen. Và thấy rằng phương Tây có những quy định rất tỉ mỉ, chi tiết về vấn đề này. Thử google mấy từ này "academic integrity", tức sự trung thực của người trí thức, sẽ tha hồ đọc.

đây là một trong những tư liệu rất đáng đọc về vấn đề đó, xin giới thiệu đến mọi người. Còn bài viết của tôi, thì sẽ xong trong vài ngày nữa, hy vọng thế!

Thursday, May 6, 2010

Không ghi nguồn trích dẫn, chẳng phải đạo văn sao?

Cập nhật ngày 9/5/2010:
Tôi mới đọc lại bài viết trên báo Thanh Niên và mới phát hiện ra rằng chính tôi cũng vừa phạm một lỗi kỹ thuật nho nhỏ, đó là trích dẫn sai cái tựa của bài phỏng vấn. Nó vốn là "Không dẫn nguồn tài liệu", nhưng tôi lại ghi và để trong ngoặc kép các từ "Không ghi nguồn trích dẫn". Thành thật xin lỗi tác giả bài báo, và tôi đã bỏ ngoặc kép khỏi các từ đó rồi, các bạn xem lại cái tựa mà xem.

Nói thêm, nếu tôi không sử dụng nguyên văn thì tôi không phải sử dụng ngoặc kép, nhưng yêu cầu của trích dẫn là vẫn phải nêu nguồn gốc của ý tưởng tức cái tựa báo Thanh Niên mà tôi đã mượn.

Cũng xin nhắc lại một yêu cầu nghiêm nhặt của trích dẫn: nếu sử dụng nguyên văn đương nhiên phải để trong ngoặc kép và nêu tác giả. Nhưng nếu không dùng nguyên văn vẫn phải nêu tác giả gốc đã nghĩ ra ý tưởng đó. Hoàn toàn không có chuyện ý tưởng của một người khi đã ra khỏi đầu, khỏi miệng của người đó thì AI CŨNG CÓ THỂ NHẬN LÀ TÁC GIẢ(!!!???) đâu nhé!

Ở đây có 2 việc khác nhau cần phân biệt: quyền sở hữu/sử dụng, thì có thể ai cũng dùng được (khoa học thường là như thế, nhà khoa học cống hiến ý tưởng cho đời), nhưng quyền tác giả (hay quyền nhân thân) thì CHỈ CÓ TÁC GIẢ GỐC MỚI ĐƯỢC NHẬN MÀ THÔI! Ví dụ như các công thức toán học, bây giờ chúng là của chung của nhân loại và ai cũng có thể sử dụng, nhưng chỉ có người nghĩ ra nó lần đầu tiên mới là tác giả thôi. Chứ không phải ai nghe thấy và hiểu được công thức đó thì đều có thể nhận vơ rằng công thức đó là của mình đâu nhé, trời ơi là trời!!!!

---
Tôi đang cầm trên tay tờ báo Thanh Niên ngày hôm qua Thứ Năm 7/5/2010, với bài viết đăng ở trang 8 liên quan đến một vụ scandal "đạo văn" với can phạm là các ... giáo sư, phó giáo sư ở một số trường đại học lớn (lớn về bề dày, về tiếng tăm, và/hoặc số lượng sinh viên).

Bài viết phỏng vấn một trong những nhân vật liên quan đến vụ lùm xùm ấy. Tựu trung, nhân vật này không thừa nhận là mình đạo văn, nhưng cũng không phủ nhận việc có một số đoạn, một số chương giống (hệt?) với một giáo trình khác của nước ngoài. Chi tiết của vụ đạo văn này, nếu ai quan tâm, xin đọc bài viết mà tôi đang đề cập đến, ở đây.

Còn ở đây, tôi chỉ muốn viết một chút về những suy nghĩ của tôi liên quan lập luận chính của nhân vật có liên quan đến vụ đạo văn ấy, rằng việc có tồn tại những chỗ giống (nếu có?) giữa giáo trình đứng tên ông với một giáo trình của nước ngoài chỉ là do "không dẫn nguồn tài liệu"!!!!!!!. Lập luận ấy đã được các phóng viên thực hiện bài phỏng vấn nêu lên thành cái tựa rất ... đắt của bài viết này.

Tôi không biết mọi người nghĩ thế nào, chứ tôi thì thực sự khó chịu và bức xúc khi đọc bài phỏng vấn này.

Vì hai lẽ: (1) những lập luận của người được phỏng vấn xem chừng rất lòng vòng, tránh né, thậm chí ngụy biện, không thể hiện sự nghiêm túc đối với một vấn đề dư luận đang quan tâm;

Và tệ hại hơn, (2) những lập luận này là của một người đã được phong "hàm" phó giáo sư, đang giảng dạy tại một trường đại học công lập có tên tuổi, là khối ngành đang cực hot tại VN, cũng đã từng đứng chủ trì biên soạn nhiều giáo trình cho sinh viên học từ nhiều năm nay, vừa có những phát biểu rất "cao đạo" về một đồng nghiệp khác "đạo văn" của mình. Nhưng người ấy lại thể hiện là mình hoàn toàn không biết gì về những quy ước đạo đức cơ bản của một người làm việc trong giới hàn lâm.

Sao tôi lại nói nặng lời vậy? Xin được trả lời bằng một vài trích dẫn từ tài liệu của nước ngoài, viết về nạn đạo văn của sinh viên (chỉ là sinh viên thôi nhé, chưa phải giáo sư đâu) ở dưới đây. Tài liệu gốc có thể tìm thấy ở đây.
Đạo văn là gì?
In minor cases, it can be the quotation of a sentence or two, without quotation marks and without a citation (e.g., footnote) to the true author.

In the most serious cases, a significant fraction of the entire work was written by someone else: the plagiarist removed the true author(s) names(s) and substituted the plagiarist's name, perhaps did some re-formatting of the text, then submitted the work for credit in a class (e.g., term paper or essay) or as part of the requirements for a degree (e.g., thesis or dissertation).

Như vậy, theo định nghĩa trên thì vị PGS nhà ta không chỉ phạm phải lỗi đạo văn nho nhỏ (trích một hai câu mà không để trong dấu ngoặc kép và không ghi nguồn), mà đã phạm phải lỗi đạo văn nghiêm trọng vì lấy một phần lớn trong tác phẩm của người khác, thay bằng tên mình, có những sửa chữa về hình thức, rồi đem nộp làm tác phẩm của mình.

Người đạo văn phạm tội gì ngoài tội ăn cắp? Fraud: Mạo danh!!!!
Beyond intellectual property issues (e.g., copyright and trademark), the plagiarist committed fraud. The plagiarist knows that he is not the true author of the work, yet the plagiarist willfully and deliberately puts his name on the work (thereby concealing the true author's name), then the plagiarist submits the work as an inducement to some kind of reward (e.g., good grade on a term paper, awarding a graduate degree for a thesis or dissertation, obtaining a scholarship, winning a prize in a science fair, ...).

Using phrases like "academic misconduct" to describe plagiarism is too sterile, too kind. Plagiarism is fraud.

Nói vắn tắt: Đạo văn không chỉ là ăn cắp, vi phạm luật sở hữu trí tuệ, mà (trong trường hợp của vị PGS mà bài báo đang đề cập đến) còn là mạo danh (fraud) nữa. Vô đạo đức đến 2 lần.

Vì ăn cắp chỉ mới là một tội danh phổ biến mà có lẽ nhiều người hay phạm trong tất cả mọi ngành nghề nếu không có sự chế tài của luật pháp và đạo đức của xã hội. Nhưng tội thứ hai, nặng hơn với tất cả mọi nghề nghiệp có yêu cầu cao về đạo đức cá nhân, đặc biệt là trong khu vực nhà nước, là tội mạo danh, tức lừa đảo, bịp bợm, dối trá!

Đấy, nước ngoài họ nghiêm nhặt như thế, ngay cả đối với sinh viên, là những người đang được rèn luyện để trở thành trí thức, chứ chưa nói đến những yêu cầu đối với những người đang đứng trên bục giảng của giảng đường để dạy đạo đức của giới trí thức cho người khác. Bảo sao tôi không bức xúc cho được?

Còn đây là kết luận của bài viết rất dài nói trên, xin mọi người đọc và suy nghĩ.
Academic degrees represent a college's public certification that a former student possesses at least some minimum amount of knowledge and intellectual skill. Such degrees are commonly used a minimum credential for being hired to fill a professional position, not only physicians, attorneys, engineers, scientists, teachers, but also managers. If academic degrees are to have any meaningful significance, then they must not be awarded to students who plagiarize material, cheat on examinations, commit fraud in reporting research results, and other kinds of serious misconduct. Plagiarizing, cheating, or fraud must not be an alternate route to a diploma. When a diligent student who writes an original paper gets a lower grade than a plagiarist, the instructor effectively punishes the honest student and rewards the wrongdoer.

It is time that colleges took an active stand against plagiarism. Professors should actively check for plagiarism. When possible plagiarism is detected, professors should report the case to the appropriate authorities on campus for investigation, hearing, and resolution.

Dưới đây là phần tôi dịch đoạn in nghiêng đậm ở trên:

Để các bằng cấp hàn lâm thực sự có giá trị, thì chúng không thể được cấp cho những sinh viên đạo văn từ các nguồn tài liệu, gian lận trong các kỳ thi, mạo danh trong các công trình nghiên cứu, và những hành vi sai trái nghiêm trọng khác. Đạo văn, gian lận, hoặc mạo danh không thể là con đường tắt để có được một tấm bằng.

Mà hình như những gì được nêu trong phần tôi mới dịch ở trên là ... chuyện thường ngày ở trường đại học của VN (và cả TQ) phải không vậy?

Tôi đang bận quá nên phải ngưng viết ở đây, nhưng hy vọng sẽ có lúc quay lại chủ đề này. Vì không thể để cho nạn đạo văn hoành hành như thế này, nếu muốn có một nền giáo dục thực sự có chất lượng.

Trí thức VN, trời ơi!
-----
Dưới đây là đường dẫn đến các trang web của các trường đại học nói về chính sách liên quan đến sự trung thực của trí thức và quyền sở hữu trí tuệ ở đây. Rất đáng đọc và tham khảo, đặc biệt để xây dựng quy định cho các trường đại học. Nhân tiện, đây cũng là yêu cầu của kiểm định chất lượng trường đại học tại VN, tiêu chuẩn 7. Có lẽ một ngày nào đó tôi lại phải viết về vấn đề này thôi.