Sunday, July 31, 2011

“Xếp hạng đại học có thực sự đo được gì không?”

“Xếp hạng đại học có thực sự đo được gì không?”

Đó là tựa một bài viết bằng tiếng Anh được đăng trên mục ý kiến của tờ Bangkok Post ngày 29/7 mới đây. Có thể đọc bản gốc tại đây. Một bài đáng đọc và suy nghĩ.

Nhưng trước hết, xin vài dòng phi lộ trước khi giới thiệu bài viết. Ở VN, có lẽ hiện nay sự háo hức, hăm hở tham gia xếp hạng đại học đã qua rồi, hình như chẳng ai còn quan tâm gì đến xếp hạng đại học nữa cả. VN ta là thế, ‘cả thèm, chóng chán” mà, y như trẻ con ấy (hèn gì mà nhà thơ Tản Đà đã từng phán “nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”). Tất nhiên, không hăm hở tham gia xếp hạng nữa cũng tốt, vì nếu cứ đổ xô vào đấy thì chỉ là một loại bệnh thành tích mới. Nhưng lờ đi, xem như xếp hạng không tồn tại thì cũng không đúng nốt.

Thái độ đúng đối với xếp hạng đại học, theo tôi là phải hiểu rõ nó, để biết đường “đối xử” với nó cho phù hợp. Kể cả nếu không tham gia xếp hạng, thì cũng phải biết tại sao, và có lập luận chặt chẽ, chứ không phải lúc còn mới thì thích, rồi sau đó chán rồi thì bỏ, mà chẳng hiểu tại sao. Ví dụ, nếu có ai đó nói rằng các trường đại học của ta thua Thái Lan, vì cho đến nay chẳng có bất kỳ một trường nào trong top 100 cả, thì cũng phải có ai đó hiểu rằng người ta nói như thế có đúng không chứ.

Và đó là lý do tại sao tôi vẫn kiên trì viết về xếp hạng đại học, để hy vọng mọi người hiểu hơn về một hiện tượng không thể tránh được của thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay (khiếp quá, từ ngữ to tát, nổ lốp bốp – nào là KT tri thức, nào là toàn cầu hóa, nghe dễ sợ thật).

Rồi, giờ thì quay lại bài viết. Bài ấy mở đầu bằng một đoạn giới thiệu rất “bắt mắt”, như sau:

It is May 27, 2011 and two media reports about Thai higher education tell very opposite stories. On one hand, a feel-good news item published in The Nation newspaper trumpets that 5 Thai universities were ranked among the top 100 in the QS Asian University Rankings 2011. Turn the pages of the Bangkok Post, however, and the editorial "Get real about bad education" laments the sorry state of quality at the country's colleges and universities.

Dịch tóm tắt: Cùng ngày 27/5, trên 2 tờ báo của Thái viết về GD ĐH đưa ra 2 bài viết trái ngược. Tờ Nation thì tỏ ra vui mừng vì có đến 5 trường đại học của Thái lọt và top 100 châu Á của bảng xếp hạng QS. Tờ Bangkok Post thì lại than phiền về chất lượng kém của các trường đại học và cao đẳng của Thái.

Hàm ý của tác giả: các kết quả xếp hạng đại học liệu có tin được không? Hay nói cách khác, các bảng xếp hạng đại học thực ra đo lường cái gì, và tại sao lại thế?

Muốn biết câu trả lời ư, các bạn chịu khó đọc bản gốc nhé, vì nó cũng khá dễ đọc (đọc đi để mà còn tăng trình độ tiếng Anh chứ, các bạn nhỉ). Ở đây tôi chỉ đưa lên phần kết luận của tác giả, mà tôi cũng hoàn toàn chia sẻ, mà thôi. Xin đọc dưới đây:

For these globally-focused comprehensive universities possessing similar resources and orientation, uniform rankings are probably useful.

[…] However, very few universities in developing countries can ever afford to compete with the finances available to these super-elite universities, to avail of the world's who's-who of intellectual talent, and to pick and choose from what is considered as cutting-edge research.

But even if they could, should they even try? Probably not […]. Rather than trying to "keep up with the Joneses" and conforming to the prevailing mono-culture approach to higher education by funnelling scarce public funds to create flagship universities, governments would be advised to ignore the rankings altogether.

Better to focus on the entire education system from kindergarten to post-graduate levels, to produce sufficiently skilled citizens who can benefit from inclusive socio-economic growth.

Một lời khuyên rất có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển như Thái Lan, hoặc, đúng rồi, VN nữa, tại sao không. Hãy (tạm) quên việc đổ ngân quỹ quốc gia eo hẹp để tạo ra những trường có đẳng cấp (để mà có vị trí cao trong các bảng xếp hạng), và chú trọng vào toàn bộ hệ thống giáo dục – từ mầm non đến sau đại học – để tạo ra những công dân có đầy đủ kỹ năng để tham gia một cách tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một lời khuyên dành cho chính phủ Thái Lan mà không hiểu sao cứ y như viết cho chính phủ VN vậy, thật thế. Đặc biệt là khi chính phủ VN đang quyết định về các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước hiện nay.

Hết sức mong mỏi các vị có trách nhiệm ghé mắt qua và đọc những dòng này.

Sunday, July 24, 2011

"Năm huyền thoại về quốc tế hóa"

Bản dịch bài viết của Jane Knight dưới đây là do Kim Khôi dịch cho Bản tin Giáo dục của ĐH Hoa Sen, và đã được đăng trên trang web của trường này kèm với lời giới thiệu. Xin được đăng lên blog này để chia sẻ với mọi người. Bản gốc tiếng Anh có thể tìm được theo đường link được cung cấp.
---------------

Nguồn: http://www.che.de/downloads/ICE_Winter_2011_newsletter_end_of_internationalisation.pdf

Jane Knight
Vũ Kim Khôi dịch

Cùng với sự trưởng thành của quốc tế hóa, quá trình này ngày càng trở nên quan trọng và phức tạp. Đồng thời, nó cũng trở thành một khái niệm rắc rối và dễ nhầm lẫn. Quốc tế hóa giờ đây không còn là một cái gì được thực hiện chỉ để « làm màu » trong ngắn hạn, mà đã được kết hợp vào tuyên bố sứ mạng của các trường, vào chính sách, chiến lược cũng như vào khung pháp lý quốc gia. Điều này cho thấy quốc tế hóa đã chín muồi, và đã trở thành một khung pháp lý cho chính sách, thực tiễn và nghiên cứu trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, do quốc tế hóa được xem là một khái niệm quá quan trọng rộng và “nổi tiếng”, nên nó đã được dùng để mô tả bất cứ điều gì có liên quan đến toàn thế giới, mang tính chất liên văn hóa, toàn cầu hóa hoặc có bản chất quốc tế. Tóm lại, nó đã trở thành một cụm từ thuận tiện để chỉ nhiều vấn đề và vì thế mất đi ý nghĩa và định hướng ban đầu. Bài viết này ngụ ý rằng trong nhiều năm qua đã có rất nhiều giả định – hoặc đúng hơn là các huyền thoại – về quốc tế hóa, và chúng cần được phơi bày và suy xét cặn kẽ. Dưới đây là 5 điều huyền thoại phổ biến nhất về quốc tế hóa:

Huyền thoại 1: Sinh viên quốc tế là tác nhân của quá trình quốc tế hóa

Một huyền thoại đã tồn tại lâu đời là việc cho rằng sự hiện diện của sinh viên quốc tế trong trường sẽ tạo ra một văn hóa trường học mang tính quốc tế và giúp quốc tế hóa chương trình đào tạo của trường. Mặc dù điều đó có thể là mong đợi của nhiều trường đại học, nhưng bức tranh thực tiễn lại hoàn toàn khác biệt. Tại nhiều trường đại học, các sinh viên quốc tế thường cảm thấy bị tách biệt về mặt xã hội cũng như về mặt học thuật, và thường phải chịu áp lực do sự khác biệt chủng tộc. Thường thì các sinh viên trong nước rất hay chống đối, hoặc, ít ra là thường tỏ ra dửng dưng trong việc tham gia vào những đề án hợp tác đào tạo hoặc tiếp xúc với các sinh viên quốc tế - trừ những chương trình đào tạo do chính trường của họ hay do các giáo viên hướng dẫn xây dựng. Các sinh viên quốc tế thường có khuynh hướng tụ họp lại với nhau và mỉa mai thay là chính họ lại có được nhiều kinh nghiệm liên văn hóa có ý nghĩa hơn các sinh viên nội địa mà không cần phải tiếp xúc quá sâu với nền lịch sử và văn hóa của nước bản địa. Tình trạng này tất nhiên không đúng với tất cả các trường, tuy nhiên nó cho thấy một vấn đề đối với giả thuyết ít bị nghi ngờ là việc tuyển sinh viên quốc tế sẽ giúp quốc tế hóa văn hóa trường học. Mặc dù đây là mục đích hoàn toàn chính đáng để thực hiện quốc tế hóa, nhưng thường thì mọi việc không diễn ra đúng như vậy, mà thay vào đó, nó chỉ che đậy những động cơ khác như tạo thêm nguồn thu cho trường, hoặc nỗ lực cải thiện thứ hạng của trường trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Huyền thoại 2: Danh tiếng quốc tế là một thước đo chất lượng

Huyền thoại này dựa trên quan điểm là một trường đại học càng quốc tế hóa thì nó càng nổi tiếng ; quốc tế hóa ở đây được tính trên sự hiện diện của các sinh viên, giảng viên quốc tế, các chương trình đào tạo và công trình nghiên cứu, các thỏa thuận hợp tác và sự tham gia vào các hiệp hội và tổ chức quốc tế. Điều này liên quan mật thiết đến quan điểm sai lầm là trường càng có danh tiếng quốc tế thì càng có chất lượng. Đã có nhiều ví dụ về những trường đại học có chuẩn tuyển sinh và tốt nghiệp đáng ngờ; những trường này hoàn toàn phụ thuộc vào doanh thu và “giá trị thương hiệu” của các sinh viên quốc tế. Những trường hợp như vậy là bằng chứng đanh thép khẳng định rằng quốc tế hóa không phải lúc nào cũng tương đồng với chất lượng cao hay có chất lượng. Ngoài ra, huyền thoại này còn bị làm phức tạp thêm bởi cuộc đua tranh giữa các trường nhằm đạt thứ hạng cao trong các hệ thống xếp hạng như THE hay ARWU. Liệu các bảng xếp hạng có đo được chính xác tính quốc tế hóa của các trường hay không là một điều cần xem xét lại, và quan trọng hơn là liệu yếu tố quốc tế hóa có luôn là một chỉ số đáng tin cậy về chất lượng hay không.

Huyền thoại 3: Các thỏa thuận hợp tác, liên kết quốc tế

Mọi người thường tin rằng một trường đại học càng có nhiều thỏa thuận hợp tác, hoặc là thành viên của càng nhiều tổ chức quốc tế thì trường đó càng nổi tiếng và càng hấp dẫn đối với các sinh viên hoặc với các trường khác. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy rằng, hầu hết các trường thường không thể quản lý, thậm chí chẳng thu được lợi lộc gì từ hàng trăm thỏa thuận hợp tác như vậy. Việc duy trì các mối quan hệ chủ động và thành công đòi hỏi ở các trường nhiều đầu tư về nhân lực cũng như tài lực từ bản thân các giảng viên, các khoa, và phòng hợp tác quốc tế của các trường. Vì vậy, nếu một trường có một danh sách dài lê thê các đối tác quốc tế thì danh sách đó chỉ có giá trị trên giấy mà thôi, chứ không hẳn đó là những mối quan hệ có hiệu quả. Một lần nữa, số lượng thường được xem là quan trọng hơn chất lượng, và danh sách các mối quan hệ quốc tế thường được dùng như một biểu tượng cho vị thế của trường, hơn là hồ sơ các mối quan hệ học thuật thiết thực. Tuy vậy, xu hướng gần đây của các trường là cắt giảm các mối quan hệ xuống còn từ 10 đến 20 trường đối tác ưu tiên. Điều này có thể thúc đẩy các mối quan hệ toàn diện và bền vững, mặc dù cũng sẽ phần nào khiến các giảng viên và nhà nghiên cứu không hài lòng về cách tiếp cận quốc tế hóa theo kiểu chỉ đạo từ trên xuống, cũng như sự thu hẹp những quan tâm cá nhân về nghiên cứu và chương trình đào tạo quốc tế.

Huyền thoại 4: Kiểm định quốc tế

Việc được kiểm định từ các cơ quan đánh giá chất lượng của nước ngoài (thường là của Hoa Kỳ) hoặc được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chuyên ngành thuộc khối ngành kỹ thuật và doanh thương hiện đang là xu thế phổ biến đối với các trường đại học tại khắp nơi trên thế giới. Giả thuyết ở đây là, một trường càng được nhiều tổ chức kiểm định quốc tế công nhận thì trường đó càng có tính quốc tế hóa, và hiển nhiên là trường đó sẽ phải tốt hơn các trường khác. Điều này hoàn toàn không đúng. Việc được một tổ chức kiểm định quốc tế công nhận về chất lượng không thể khẳng định được phạm vi, quy mô hoặc giá trị của những hoạt động quốc tế trong giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng thông qua quan hệ với xã hội hoặc với doanh nghiệp.

Huyền thoại 5: Xây dựng thương hiệu quốc tế

Huyền thoại thứ 5 liên quan đến giả định sai lầm rằng mục đích của việc quốc tế hóa tại một trường đại học là để cải thiện thương hiệu hay vị thế quốc tế của trường đó. Điều này gây nhầm lẫn giữa kế hoạch tiếp thị quốc tế với kế hoạch quốc tế hóa một trường đại học. Tiếp thị quốc tế là quảng cáo và xây dựng thương hiệu cho trường; trong khi quốc tế hóa lại là một chiến lược để tích hợp các yếu tố như tính quốc tế, liên văn hóa và toàn cầu vào mục tiêu sứ mạng của trường, vào những chức năng cơ bản của một trường đại học là giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Những mục tiêu, kết quả dự kiến và đầu tư vào một sáng kiến xây dựng thương hiệu toàn cầu hoàn toàn khác với những gì cần thiết để thực hiện quốc tế hóa học thuật của một trường. Vì vậy, huyền thoại này chính là việc coi kế hoạch tiếp thị quốc tế tương đương với kế hoạch quốc tế hóa. Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận thực tế rằng một chương trình quốc tế hóa mang tính chiến lược và thành công có thể làm cho một trường được biết đến hơn trên thế giới, tuy nhiên đó không phải là mục tiêu mà chỉ là một sản phẩm phụ mà thôi.

Năm huyền thoại vừa nêu có một điểm chung, đó là người ta tin rằng những lợi ích từ việc quốc tế hóa hoặc từ một phần của quốc tế hóa có thể đo được bằng con số cụ thể – như là số lượng sinh viên, giảng viên quốc tế, số lượng các mối quan hệ quốc tế, chương trình liên kết đào tạo, các đề án nghiên cứu, kiểm định quốc tế, các chi nhánh trường tại nước ngoài, v.v… Việc lượng hóa những kết quả đạt được thành những chỉ số hoạt động cốt lõi có thể đáp ứng được những yêu cầu về sự minh bạch, tuy nhiên những chỉ số đó không thể nào đo lường được những tác động vô hình từ sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và cộng đồng lên những lợi ích thu được từ quốc tế hóa.

Kết luận

Năm huyền thoại trên không hoàn toàn đúng với mọi trường đại học hay mọi quốc gia, tuy nhiên, chúng phản ánh rất rõ những giả định sai lầm và rất phổ biến. Tất nhiên là trên thực tế còn tồn tại nhiều huyền thoại cũng như những sự thật căn bản về quốc tế hóa mà ta cần phải tranh luận và suy xét. Mục đích của việc xác định và suy xét những huyền thoại và sự thật đó là để định hướng đúng việc quốc tế hóa và để đảm bảo rằng chúng ta nhận thức được những hậu quả mong đợi cũng như không mong đợi khi nền giáo dục đại học toàn cầu đang vượt qua thời kỳ tương đối hỗn loạn khi mà sự cạnh tranh, việc xếp hạng và thương mại hóa tồn tại như là những động lực thúc đẩy chính.

Sunday, July 17, 2011

Sinh viên đánh giá giảng viên: Tỷ lệ phản hồi nào là phù hợp?

"Sinh viên đánh giá giảng viên", tiếng Anh là "student evaluation of teaching", viết tắt là SET, là một trong những kỹ thuật thu thập thông tin về chất lượng giảng dạy, mới được du nhập vào VN trong vòng khoảng 10 năm đổ lại đây. Cách gọi này mặc dù phản ánh đúng tên tiếng Anh của nó, nhưng dường như không phù hợp lắm với văn hóa Khổng - Mạnh mà VN chịu ảnh hưởng, và vì vậy có một số nơi tránh không dùng từ "(sv) đánh giá (gv)" mà đổi thành "(sv cho) ý kiến phản hồi (về gv)". Tôi cũng thích cách gọi này hơn, vì nó phù hợp với quan niệm "quân, sư, phụ" của VN (học trò thì làm sao mà đánh giá thầy giáo được!)

Việc lấy ý kiến phản hồi của sv sau mỗi môn học hiện nay đã được thực hiện thường xuyên ở các trường đại học, do yêu cầu của công tác kiểm định chất lượng giáo dục (đây là một trong những yêu cầu của các tiêu chí đánh giá trong bộ tiêu chuẩn kiểm định trường đại học của VN). Tuy nhiên, mặc dù ý kiến phản hồi được thu thập đều đặn, nhưng việc sử dụng nó để cải thiện thì hình như vẫn còn rất ít nơi thực hiện. Ở một vài trường mà tôi biết thì kết quả phản hồi này được bộ phận đảm bảo chất lượng phân tích và viết thành báo cáo, trong đó có những khuyến cáo về các giảng viên nhận được mức độ hài lòng của sinh viên không cao. Tuy nhiên, như mọi người có thể đoán được, những gv bị đưa vào danh sách khuyến cáo như vậy không bao giờ chịu "tâm phục khẩu phục", mà luôn tìm cách chỉ ra những điểm chưa tốt trong việc lấy ý kiến của sinh viên (mặc dù cũng vẫn cách làm đó và giáo viên đó khi kết quả phản hồi ở mức tốt thì chẳng bao giờ thấy họ nói cách làm chưa tốt cả!).

Một trong những vấn đề kỹ thuật hay bị các giáo viên lôi ra để chứng minh rằng kết quả khảo sát sinh viên không thực sự chính xác là tỷ lệ phản hồi của sinh viên thấp (không quá 70% chẳng hạn). Vấn đề đặt ra ở đây là tỷ lệ phản hồi của sinh viên thực ra nên là bao nhiêu? 100%? 90% trở lên? Hay 80%? 70%? Quá bán? Hay dưới 50% đã là cao, vì tỷ lệ phản hồi của nhiều cuộc khảo sát chỉ đạt khoảng 20% đến 30%?

Câu hỏi đó đang được đặt ra cho tôi trong công việc hàng ngày của tôi, và làm tôi khá ... lúng túng do ở VN chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào về vấn đề này cả. Theo những trao đổi miệng của tôi với các đồng nghiệp ở những trường khác thì tỷ lệ luôn lên đến trên 90% (thậm chí 100%) do việc lấy ý kiến phản hồi thường được phòng đảm bảo chất lượng thực hiện vào trước hoặc sau buổi thi của từng môn học, khi tất cả thí sinh đều có mặt (nếu thực hiện trên lớp thì có thể có những sinh viên vắng mặt). Một số nơi khác thì nhờ chính giáo viên giảng dạy môn học thực hiện việc lấy ý kiến sv, và kết quả cũng đạt đến trên 80%, 90%. Tuy nhiên đó không phải là cách làm tốt nhất!

Ở trường mà tôi đang đề cập đến thì sinh viên thực hiện phản hồi trên mạng, và vì vậy hoàn toàn ẩn danh (chỉ có người quản trị mạng mới có thể tìm ra được mã số nào là sv nào); sv có thể làm bất cứ lúc nào và ở đâu trong thời gian thu thập ý kiến (thường mở trong vòng 1, 2 tuần). Tuy nhiên tỷ lệ phản hồi không quá cao, chỉ được 60-70%, sau đó thấp đi và ổn định ở khoảng còn xấp xỉ 50% mà thôi.

Tỷ lệ đó có tốt không, và việc phản hồi ngày càng giảm đi có bình thường không? Tôi tin là có, vì sinh viên phải trả lời phiếu mãi thì cũng chán, chưa kể là những giáo viên có khi dạy 2, 3 môn nên sv đã từng gặp rồi, đã nhận xét rồi nên không muốn nhận xét nữa. Nhưng đó chỉ là cảm nhận, còn nếu muốn khẳng định thì phải có số liệu. Không có ở VN thì cũng phải có ở nước ngoài. Và muốn biết thì phải đi tìm thôi.

Kỳ may là tôi mới tìm được một trường ở Mỹ có phân tích về tỷ lệ phản hồi này (không phải trường nào cũng làm, hay nói đúng hơn là rất ít trường làm, ấy là Mỹ đấy!). Và cũng rất may là tỷ lệ của họ cũng tương đương như mức của tôi: khoảng xấp xỉ 50%, và giảm dần! May quá, như thế là cảm nhận của tôi không đến nỗi sai!

Tôi phải lưu lại trang web của trường ấy ở đây để còn có thể tìm lại, và cũng là để chia sẻ với mọi người nếu có câu hỏi tương tự. Xin đọc ở đây, của University of Idaho, bằng tiếng Anh (of course)!

Một tài liệu khác, cũng trên mạng, đưa ra lời khuyên như sau:

When collecting feedback from students, lecturers should aim for a response rate of 60% and should treat with extreme care the results obtained where the response rate is below 30% (Brennan and Williams, 2004; Richardson, 2003). If questionnaires are issued during class time, this can help to achieve a high return rate, but of course it is dependent on attendance levels and also the extent to which those present on that day are representative of the class. Another issue which arises here is whether students may feel pressured into providing feedback in a class-type situation.

Tóm tắt: tỷ lệ phản hồi 60% trở lên là tốt, và không nên sử dụng nếu thấp hơn 30%. Phát phiếu trong lớp thì có thể cao, nhưng thường sẽ có kết quả không thật (vì sv gần như bị buộc phải trả lời - do nể nhà trường). Tài liệu này có thể tìm thấy ở đại chỉ này: http://www.nuigalway.ie/celt/documents/evaluation_ofteaching.pdf

Ai có kinh nghiệm khác về việc này, đặc biệt kinh nghiệm ở VN, thì xin chia sẻ nhé! Email của tôi: vtpanh@gmail.com.

Monday, July 11, 2011

"Cải cách tuyển sinh, đi lòng vòng!"

Đó là tựa bài viết của tôi đăng trên báo Pháp luật TP HCM ngày hôm nay, 11/7/2011, ở đây.

Bài viết đã được biên tập lại chút ít, và tựa bài đã được đặt lại. Cũng như mọi lần, việc biên tập của tờ báo quả là có làm cho bài viết hay hơn một chút - rõ ràng hơn, gãy gọn hơn. Trừ cái tựa thì tôi không thích lắm, vì nghe ... nặng quá. Nhưng tựa cũ của tôi thì dài dòng, có lẽ cũng không hay.

Thôi thì cứ đăng bài gốc lên đây, vì dù sao nó cũng là sản phẩm của mình. Bài đã biên tập xin xem trên báo, theo đường link đã đưa ở trên.
-------------
Hướng đến một kỳ thi quốc gia, lật lại đề án cải cách tuyển sinh
Vũ Thị Phương Anh

Tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học “ba chung” như hiện nay, trong khi đã có một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng được tổ chức ở cấp quốc gia, liệu có cần không? Đó là một câu hỏi đã được dư luận trong nước đặt ra từ nhiều năm nay.

Câu trả lời chính thức của Bộ rất rõ ràng: cho đến năm 2011 này, kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn chưa thể bỏ được. Cần nhắc lại rằng chính Bộ Giáo dục và Đào tạo là người đã đề ra kế hoạch bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học vào năm 2010. Lý do khiến kế hoạch này chưa thể thực hiện, trích lời Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trong một phát biểu được đăng trên trang VNExpress năm 2009 , là: Bỏ thi tuyển sinh đại học là một chủ trương lớn, cần có thời gian để đạt sự đồng thuận cao của xã hội; ngoài ra, bản thân Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần thời gian để chuẩn bị cho sự thay đổi nói trên.

Điều đáng nói là cách làm hiện nay của Bộ cũng không đạt được sự đồng thuận cao của xã hội. Mặc dù vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về kỳ thi tuyển sinh, nhưng hầu như mọi người đều đồng ý là việc tổ chức hai kỳ thi quốc gia liền nhau như hiện nay vừa trùng lắp không cần thiết, vừa quá tốn kém. Trong hai kỳ thi ấy, tốt nhất chỉ nên giữ lại một.

Đó cũng là mục đích của việc cải cách thi cử mà ngành giáo dục đã đặt ra cách đây vài năm. Lật lại đề án cải cách thi cử với mục tiêu chỉ còn một kỳ thi quốc gia vào năm 2010 (nay đã quá hạn), ta thấy những yếu tố hoàn toàn phù hợp với các nền giáo dục tiên tiến đã từng được đề xuất:

1. Chỉ giữ lại một kỳ thi quốc gia; kỳ thi đó sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh sẽ dự thi 8 môn trong chương trình học, và đa số các môn thi sẽ áp dụng hình thức trắc nghiệm. Vì đây là kỳ thi tốt nghiệp, nên yêu cầu của kỳ thi cần vừa sức, nghĩa là thí sinh chỉ cần đạt mức trung bình thì đã có thể đậu, mặc dù để đạt điểm cao vẫn sẽ không dễ dàng.
2. Kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ là một yếu tố quan trọng để xét tuyển vào đại học, nhưng không bắt buộc phải là yếu tố duy nhất. Không loại trừ việc các trường đại học tổ chức thêm một kỳ thi riêng nếu thấy cần thiết.

Nếu thực hiện đúng như trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có vai trò tương tự với kỳ thi Tú tài trước năm 1975 (kết quả thi Tú tài thời ấy được phân thành 5 hạng Tối ưu, Ưu, Bình, Bình thứ, Thứ). Kết quả của kỳ thi này được sử dụng để xét tuyển vào đại học đối với những trường thuộc loại “ghi danh” (ví dụ như Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học), hoặc là điều kiện để dự thi đại học ở những trường có tổ chức kỳ thi riêng (như Đại học Sư phạm, Đại học Y).

Đề án này khi đưa ra lấy ý kiến góp ý đã vấp phải một số ý kiến không đồng thuận, như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nêu ở trên. Thực ra, có nhiều điều tranh cãi chỉ xoay quanh là những vấn đề kỹ thuật cụ thể, và có thể điều chỉnh dễ dàng khi triển khai. Mối quan tâm lớn hơn của xã hội vào thời điểm ấy, cũng như bây giờ, là chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp. Một tiền đề quan trọng để thực hiện cải cách tuyển sinh vì vậy đã được đặt ra, đó là: chỉ bỏ thi đại học sau khi đã tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc và đúng thực chất.

Ngay từ năm 2007, ngành giáo dục Việt Nam đã chịu đau để thực hiện một kỳ thi tốt nghiệp theo hướng thực chất và chấp nhận một tỷ lệ tốt nghiệp khá thấp, nhưng vẫn được xã hội ủng hộ. Tiếc thay, vì nóng vội và sợ sức ép của dư luận, chúng ta đã vội vã thay đổi mỗi khi có ý kiến trái chiều, khiến cho việc tổ chức kỳ thi không năm nào hoàn toàn giống với năm nào. Vì vậy, tỷ lệ tốt nghiệp của các năm cũng không hoàn toàn so sánh được với nhau. Để giờ đây, dư luận lại có quyền nghi ngờ chất lượng của kỳ thi, khi tỷ lệ thi tốt nghiệp năm 2011 đã trở về tương đương với mức trước cải cách.

Phải chăng chúng ta đã đi một vòng để trở về đúng chỗ cũ? Theo tôi, mọi việc không hẳn là như thế. Những nỗ lực cải cách của ngành giáo dục trong những năm qua chắc chắn đã có những tác dụng của nó. Chính vì đã có những kinh nghiệm – cả tốt lẫn xấu – cũng như rất nhiều tranh luận, nên xã hội đã hiểu rõ hơn về yêu cầu của các kỳ thi khác nhau, cũng như vai trò của thi cử tại Việt Nam như một phần của nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục.

Chỉ có điều, những cải thiện đang diễn quá chậm chạp, trong khi đòi hỏi của thực tế vô cùng ráo riết. Giờ đây, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng áp dụng những giải pháp đã được đề ra trong đề án cải cách tuyển sinh với những lộ trình và bước đi cụ thể đã được xây dựng sẵn.

Công việc chắc chắn sẽ rất nhiều, và không hề dễ. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được, với một điều kiện: Bộ dứt khoát không bao biện, làm thay cho cấp dưới, mạnh dạn trao thêm quyền cho các địa phương trong việc tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp quốc gia (thi chung ngày, sử dụng chung đề thi, và áp dụng và quy trình chung của Bộ), và trả lại quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học.

Đến khi nào thì Bộ Giáo dục hoàn toàn sẵn sàng để thực hiện sự trao quyền này? Câu trả lời xin được nhường lại cho các vị có trách nhiệm của ngành giáo dục.

Saturday, July 9, 2011

Nhân kỳ thi tuyển sinh 2011, lật lại đề án cải cách tuyển sinh (đề án 2 trong 1!)

Cách đây ít hôm, một người bạn đồng môn, đồng khóa, và cũng là đồng nghiệp cũ của tôi có viết một bài ngắn đăng trên báo Tuổi Trẻ, đại khái đặt câu hỏi là kỳ thi tuyển sinh đang được tổ chức tại VN hiện nay thực ra có cần thiết hay không?

Hỏi, có lẽ cũng là đã trả lời. Một điều có lẽ "ai cũng hiểu, chỉ một (số) người không hiểu". Mà điều này đã được đặt ra nhiều lần rồi, câu trả lời cũng đã được đưa ra nhiều lần rồi, chỉ cần chọn thời điểm mà áp dụng thôi. Không hiểu sao vẫn khó khăn thế.

Tò mò, tôi bèn tìm lại một đề án đã được vạch ra cách đây vài năm, mà tôi rất quan tâm. Lúc ấy, đề án đó cũng nổi đình đám lắm, với mốc đặt ra là năm 2010 phải thực hiện. Với tên gọi ban đầu là kỳ thi 2 trong 1 (sau này do dư luận phản đối nên không gọi là 2 trong 1 nữa, mà gọi là 1 kỳ thi quốc gia).

Và sực nhớ là TTKT nơi tôi làm việc cho đến hôm nay (nhưng sẽ rời vào ngày 1/8, rất sắp rồi - vì nhiều lý do, chủ yếu là lý do cá nhân) cũng đã tổ chức một hội thảo lớn, có in một cuốn sách nữa, về kỳ thi này. Nay phải tìm lại để lưu, để xem đề án này bao giờ sẽ được thực hiện, hay là sẽ bị trôi vào quên lãng, rồi lại làm lại từ đầu: đặt vấn đề, tìm hiểu hiện trạng, đề xuất giải pháp (nhưng không thực hiện giải pháp, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, không theo dõi và đánh giá hiệu quả ...).

Thì đây, tìm thấy một lô, cần lưu lại, làm tư liệu.

1. Đề án kỳ thi 2 trong 1: nước đã đến chân. Đăng trên Tuổi Trẻ ngày 12/1/ 2009. Ở đây.

Đáng trích dẫn:
Ngay trong phương hướng năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia vào năm 2010. Kết quả của kỳ thi này được sử dụng vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Và để chuẩn bị, trong năm học 2008-2009 Bộ GD-ĐT sẽ ban hành khung chính sách cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ. Các trường căn cứ khung chính sách để tuyên bố tiêu chí và các điều kiện xét tuyển vào trường. Tuy vậy, đến thời điểm này câu trả lời có tổ chức kỳ thi như vậy hay không và tổ chức vào thời điểm nào các trường vẫn chưa nhận được.


2. Về kỳ thi 2 trong 1: tôi vẫn bàn ngang. Ý kiến của GS Văn Như Cương, đăng trên trang mạng của tờ Xứ Nghệ, 24/4/2008, ở đây.

Về các ý kiến của GS Văn Như Cương, tôi thấy có những ý đúng, nhưng cũng có những ý chưa đúng. Riêng chuyện "bàn ngang" này thì đúng là ... ngang thật! Việc đại sự quốc gia, có lẽ GS nên đóng góp chân tình, dù không đồng tình, chứ sao lại bàn ngang thế nhỉ?

Đáng trích dẫn:
Tôi nghĩ rằng, Bộ cũng nên giao quyền tự chủ cho các Sở trong việc thi tốt nghiệp THPT. Bộ chỉ nên quyết định 6 môn thi chung cho toàn quốc, còn mọi khâu tổ chức khác đều do Sở chịu trách nhiệm.

Thời điểm thi có thể khác nhau nhưng được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Đề thi do Sở tự ra trong khuôn khổ của chuẩn chương trình đã ban hành. Chúng ta nên tổ chức thi tốt nghiệp một cách nhẹ nhàng hơn.

Như vậy theo tôi đề án đổi mới thi nên định hướng như sau: “Thi tốt nghiệp THPT giao về cho các Sở, thi tuyển ĐH, CĐ, TC giao cho các trường ĐH, CĐ và TC”.

Việc các trường đó lựa chọn cách tuyển sinh như thế nào là tùy họ, thi hay không thi cũng tùy họ, thi môn gì, điểm sàn bao nhiêu cũng tùy họ (cố nhiên phải theo đúng luật pháp và các quy chế của Bộ).

Nhận xét thêm: Tuy nói là bàn ngang, nhưng tựu trung ý kiến của GS Văn Như Cương là Bộ nên trao quyền xuống cấp dưới (Sở, trường đại học). Về điểm này, tôi thống nhất quan điểm với GS VNC.

3.Chưa nên thực hiện 2 trong 1 trong năm 2009. Đăng trên CAND 17/5/2008, ở đây.

Đáng trích dẫn:
GS. TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban GDTNTN&NĐ Quốc hội: Lộ trình của đề án quá vội vã

Đề án nếu được nghiên cứu và điều chỉnh kỹ thì có thể thực hiện được. Nhưng trường ĐH chất lượng cao, trường trọng điểm, trường có điểm chuẩn đầu vào cao, trường năng khiếu không thể ghép vào đây. Đề án đưa quá nhiều ý tưởng vào kỳ thi (nhập 2 kỳ thi vào một, bảo lưu kết quả…) trong khi chúng ta đang cần so sánh năm trước với năm sau thì khó có thể thực hiện được. Lộ trình của đề án quá vội vã.

Trong tất cả các ý tưởng, giải pháp của đề án, chọn một vấn đề để thực hiện là tốt lắm rồi. Cần phải có lộ trình và bước đi vững chắc. Bảo lưu kết quả thi tốt nghiệp thì có thể chấp nhận, nhưng bảo lưu kết quả để xét vào ĐH thì không được. Hình thức thi trắc nghiệm chỉ nên áp dụng với những môn đã tổ chức trong vài năm vừa rồi. Đề án cần được hoàn thiện ở mức nhất định để thực hiện thắng lợi mục tiêu.

Nhận xét của tôi: Những ý kiến chưa đồng tình hầu như không có ai chống lại mục tiêu cải cách, mà chỉ băn khoăn về những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt mục tiêu mà thôi. Vậy giờ đây, sau vài năm chờ đợi, liệu ta đã có thể áp dụng được chưa? Hay chúng ta bàn bạc cho chán rồi ... bỏ?

4. Giữ hay bỏ kỳ thi đại học? Bài viết mới, ngày 22/2/2011, nhưng có nhiều thông tin mang tính lịch sử. Đáng đọc, không phải vì ý kiến hay, nhưng vì có rất nhiều thông tin, tư liệu. Ở đây.

Đáng trích dẫn:
Để bổ khuyết cho các cách làm trên, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã đưa ra “ĐỀ ÁN TỔNG THỂ VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI VÀ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG”. Đề án này đưa ra các biện pháp chủ yếu như sau:

“Ngoài các điều kiện về học lực và hạnh kiểm theo quy chế quy định: thi 6 môn, bao gồm 3 môn công cụ chung bắt buộc đối với tất cả thí sinh (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ); 1 môn do Bộ quy định hằng năm, 2 môn do thí sinh tự quyết định trong số các môn còn lại của kỳ thi.

Để đảm bảo cho kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa đánh giá được trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa đánh giá được khả năng vào học trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trong đề thi có khoảng 60% số điểm ứng với nội dung cơ bản trong chương trình trung học phổ thông chuẩn, đảm bảo cho những thí sinh có học lực trung bình, nắm được kiến thức cơ bản có thể tốt nghiệp.

Phần còn lại trong đề thi ứng với khoảng 40% số điểm có nội dung trong chương trình trung học phổ thông chuẩn và chương trình trung học phổ thông nâng cao, đòi hỏi thí sinh làm chủ và vận dụng kiến thức cơ bản ở mức cao hơn, đáp ứng yêu cầu phân loại trình độ thí sinh để tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp. Không chia cơ học các câu hỏi thành 2 phần riêng biệt trong đề thi.” (Nguyễn Hùng, báo Dân trí)

Đặc biệt, yêu cầu tổ chức kỳ thi này phải được nghiêm minh như kỳ thi tuyển sinh vào đại học hiện nay.

Nhưng nội dung của đề án này quá rắc rối và có nhiều phần không hợp lý như nhiều tác giả đã phân tích (Văn Như Cương, Đỗ Văn Xê, Phạm Tất Dong …).

Mặt khác, như ta đã thấy, khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tương đối nghiêm minh trong 2 năm 2007, 2008 thì số học sinh trượt tốt nghiệp ở con số thê thảm.

Niên khóa 2006 – 2007 chỉ tính riêng hệ trung học phổ thông kỳ thi lần một chỉ có 67,5% đỗ tốt nghiệp (thậm chí có trường không đỗ học sinh nào) thêm cả lần hai là 80,38%; hệ trung học bổ túc cả hai đợt là 46,26% so với năm học 2005-2006: THPT: 92% BTTH: 74,6%.

Niên khóa 2007 – 2008 tỷ lệ đỗ khoảng 76%.

Chỉ năm sau, việc thi lại trở lại bình thường và con số học sinh tốt nghiệp THPT dần trở lại con số tốt đẹp như cũ. Vậy, liệu có thể có một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc như kỳ thi ĐH, CĐ hiện nay không. Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Khả năng kỳ thi 2 trong 1 khó có thể thực hiện.



5. Nên tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học như thế nào?
Bài này là phần tiếp của bài trên, đăng ngày 1/3/2011. Ở đây.

Đáng trích dẫn:
Chúng tôi không có điều kiện tham khảo việc tuyển sinh nhiều nước trên thế giới, nhưng muốn giới thiệu về tuyển sinh đại học ở Mỹ. Mô hình tuyển sinh ở Mỹ cũng nên tham khảo để chúng ta cải cách việc tuyển sinh đại học.Mô hình này cũng đang được một số nước trong đó có Hàn Quốc học tập để áp dụng. Cũng là để thấy rằng việc tuyển sinh của chúng ta có quá nhiêu khê, quá tốn kém, loại bỏ nhân tài, tước bỏ quyền tự chủ của các trường đại học… như chỉ trích của một số bài báo hay không.

Tôi không hiểu sao một số bài báo lại khẳng định, ở Mỹ không có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học và kỳ thi tuyển sinh vào đại học.

Việc thi tốt nghiệp trung học (high school ) tùy theo quy định của từng bang. Chúng tôi không rõ kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Mỹ được tổ chức như thế nào, chỉ xin nêu 1 ví dụ như sau: bằng tốt nghiệp trung học ở Bang Iowa của Mỹ do Sở Giáo dục của Bang cấp và có chữ ký của Giám đốc Sở Giáo dục của Bang . Như vậy, không thể không có kỳ thi tốt ghiệp trung học được mà bằng tốt nghiệp được cấp chính quyền ký như vậy.

Việc tuyển sinh đại học ở Mỹ thì phức tạp và tốn kém hơn ở Việt Nam nhiều. Theo cuốn Study Ametica 2008 do Tổ chức Giáo dục quốc tế Mỹ tại Việt Nam ( IIE Việt Nam) ấn hành và 1 số trang web của trường đại học Mỹ, 1 thí sinh muốn được tuyển vào đại học ở Mỹ phải gửi cho trường đại học mà mình xin học các hồ sơ sau để được xét tuyển:

- Đơn đăng ký học vào trường đại học mà bạn xin học.

- Bằng tốt nghiệp trung học.

- Học bạ trung học: diểm học tại trường trung học được tính trong việc xét tuyển vào trường đại học ( điểm GPA). Người ta còn quan tâm đến thứ hạng của thí sinh đạt được trong lớp trung học như ở trong top 5%, hay 10% của lớp.
(Còn nhiều nữa, nhưng các bạn tự đọc thêm trong bài nhé!)

Nhận xét của tôi: Có lẽ tác giả bài viết này nhầm! Người ta không ai nói là Mỹ không có kỳ thi tuyển sinh, vì các kỳ thi SAT, ACT thì ai cũng biết mà. Người ta chỉ nói rằng, các kỳ thi ấy không do Bộ Giáo dục nắm giữ. ACT hoặc SAT là do tư nhân làm. Còn trường nào tuyển sinh ra sao thì do trường ấy tự quyết. Bộ Giáo dục cấp liên bang của Mỹ chỉ làm định hướng chính sách và tạo điều kiện về kinh phí cho các tiểu bang và các trường đại học để họ trực tiếp làm mà thôi!!!!!!

Đọc đến đây, tôi mệt quá. Hình như hiểu biết về các kỳ thi của VN vẫn còn nhiều chỗ hổng lắm. Mà Bộ thì hình như rất dễ bị dư luận tác động, thành ra giống như đẽo cày giữa đường. Thế này thì bao giờ mới cải cách được đây?

Sẽ còn mệt lắm, thi cử ở VN!
----
PS: Ai quan tâm đến đề án này xin tìm đọc tại đây: http://vanban.moet.gov.vn/?page=1.15&script=viewdoc&view=13224&opt=brpage.

Nói chuyện tiếng Anh (7): Viết sao cho dễ đọc

"Viết sao cho dễ đọc" là cách tôi dịch một cụm từ rất đơn giản nhưng không hề dễ dịch của tiếng Anh, "plain language".

Plain language nếu dịch sát nghĩa thì phải dịch là "ngôn ngữ đơn giản", tức là viết (nói) bằng ngôn ngữ bình thường, dễ đọc. Nhưng nếu dịch nguyên xi như trên thì lại chẳng dễ đọc chút nào. Ngôn ngữ đơn giản là ngôn ngữ làm sao, thế nào cũng có người hỏi thế. Chứng tỏ ngôn ngữ VN chẳng đơn giản chút nào!

Có một ngộ nhận phổ biến ở VN khi viết tiếng Anh, đặc biệt là với những người học tiếng Anh chuyên ngữ (như tôi chẳng hạn). Tức là những người chọn English làm ngành học của mình ở đại học ấy. Họ vào đó để học tiếng (Anh, tất nhiên), rồi học về lý luận ngôn ngữ, và lý luận văn học, học văn hóa, văn minh của các nước nói tiếng Anh, và học các tác phẩm văn chương Anh-Mỹ.

Những người này hẳn là giỏi tiếng Anh hơn người bình thường (well, ít ra là trên lý thuyết). Nhưng những người này - và từ họ, nhiều người khác cũng bị như vậy, do ảnh hwỏng, vì trong số những người học tiếng Anh chuyên ngữ có nhiều người đi dạy tiếng Anh - có một ngộ nhận cần sửa, đó là viết lách khá cầu kỳ, khó đọc.

Cầu kỳ, khó đọc, nhưng nếu được khen là hay thì thôi cũng ... ráng. Điều đáng nói là phong cách viết của tiếng Anh lại không thích viết lách cầu kỳ. Họ chỉ thích viết đơn giản, dễ đọc, rõ ràng, sáng sủa mà thôi.

Nghe thì dễ vậy, chứ làm thì khó lắm đấy! Đôi khi viết trong sáng, rõ ràng lại khó hơn viết dài dòng, rối rắm, bí hiểm rất nhiều. Vì trước hết chính đầu óc của người viết phải rõ ràng, chặt chẽ.

Vậy làm gì để đạt được đến năng lực viết sao cho dễ đọc? Well, câu trả lời ngắn là: viết, viết nữa, viết mãi. Practice makes perfect cơ mà.

Nhưng trả lời ngắn thế thì thà đừng trả lời còn hơn, vì có mấy ai tự làm được điều đấy? Ừ thì có câu trả lời dài đây: Phải tuân theo một số hướng dẫn.

Những hướng dẫn mà tôi giới thiệu ở đây được lấy taừ trang web Plain Language của Mỹ, một trang có đuôi .gov tức là của chính phủ Mỹ. Các bạn đọc ở đây này.

1. Chú trọng xem độc giả của mình là ai. Cái này quá đúng. Người VN dường như chỉ viết cho mình, nên không cần biết độc giả của mình là ai, và sẽ nghĩ gì. Nên viết ra xong rồi, hồi hộp chờ xem người ta có thích hay không. Thế thì thụ động quá phải không?

2. Cấu trúc bài viết theo nhu cầu người đọc. Là hệ quả logic của lời khuyên trên. Viết thế thì mới dễ đọc, chứ viết rất hay nhưng toàn là những điều người ta không cần, thì ai thèm đọc, phải không?

3. Hãy bắt đầu bằng cách nêu thông điệp chính. Nói cách khác, hãy nói toạc móng heo ra. Tất nhiên cần nói sao cho dễ lọt tai, nếu thông tin không tốt. Điều này sẽ nói ở đoạn sau. Còn ở đây, chỉ cần biết rằng ai cũng muốn nhanh chóng biết được thông điệp chính là gì. Dù xấu, dù tốt. Để mà còn chuẩn bị ra quyết định.

4. Hãy sử dụng một văn phong thân ái. Để cho người đọc dễ chấp nhận những điều mình nói, vậy thôi. Nhưng thân ái là sao? Tuyệt đối tránh những lời văn mang tính lên án. Ví dụ, thay vì nói, "anh đã không làm rõ ...", nên nói "chúng tôi chưa rõ ...". Đại khái thế.

5. Viết thành những đoạn ngắn. Những đoạn văn dài lê thê là tối kỵ, vì thông thường người ta chỉ đọc lướt vài câu đầu và câu cuối của một đoạn. Những đoạn văn quá dài sẽ bị bỏ qua, không đọc. Mà độc giả đã không đọc thì làm sao họ hiểu được chúng ta? Khó hiểu là cái chắc!

Còn một số lời khuyên khác, kỹ thuật hơn trong bài viết, nhưng thôi, để cho các bạn đọc chứ! Thông điệp chính của tôi đã đưa ra rồi: cần viết sao cho dễ đọc, chứ đừng phô trương khả năng ngôn ngữ và kiến thức hàn lâm, viết dài lằng ngoằng như viết luận văn tiến sĩ. Chẳng có ai đọc đâu, tôi nói thật đấy! Trừ chính tác giả của nó, và những người ngồi trong hội đồng để chấm cuốn luận văn đó, chắc thế;-)!

Enjoy!

Sunday, July 3, 2011

Làm gì để thoát cảnh "dân số vàng, dân trí thấp"?

Tựa của entry này dựa trên cái tựa của bài viết rất hay và đáng suy nghĩ của PV Mai Lan đã đăng trên tờ Pháp Luật TP HCM ngày 3/7, ở đây.

Không có thời gian để viết nhiều hơn, tôi chỉ xin trích ở đây một đoạn từ bài viết kèm bình luận nhanh của tôi về việc cần thay đổi tuyển sinh ĐH-CĐ như thế nào để tận dụng cơ cấu dân số vàng hiện nay:

Trình độ học vấn bậc phổ thông chỉ là nền tảng kiến thức cơ bản của một đời người, trình độ kỹ thuật chuyên môn của nhóm dân thuộc độ tuổi lao động mới thực sự là bệ phóng cho sự phát triển của đất nước. Song, đáng tiếc Việt Nam vẫn phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc đào tạo các kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hiện tại. Đây là sự lệch pha kéo dài minh chứng hiệu quả của giáo dục đào tạo rất thấp. Ngành giáo dục không tạo được nhiều cơ hội đào tạo kỹ năng, nghề và kỹ thuật chuyên môn ở các cấp độ sau phổ thông cho thanh niên ở độ tuổi vàng. Và có vẻ như giáo dục VN vẫn chưa có động thái nào thoát khỏi sự lệch pha này. Những nỗ lực ôm đồm qua các kỳ thi phổ thông mà chúng ta vừa chứng kiến cho thấy những người làm giáo dục chỉ đang tiếp tục lối mòn, thúc đẩy sự lệch pha ngày càng trầm trọng hơn thay vì rẽ hướng mới.


Vậy phải làm gì để thúc đẩy phát triển giáo dục sau trung học? Tôi nghĩ, ngay lập tức cần thực hiện cùng lúc một số giải pháp sau đây:

- Chấm dứt ngay việc tổ chức 2 kỳ thi quốc gia cùng một lúc vào cuối thời gian học trung học như hiện nay: vừa thi TN THPT, sau đó lại thi tuyển sinh đại học. Trong 2 kỳ thi ấy, nhà nước chỉ cần kiểm soát 1 kỳ cho tử tế. Tôi thiên về giữ lại kỳ thi TN THPT, nhưng đó phải là một kỳ thi nhẹ nhàng, vừa sức, dù nghiêm túc. Vì kỳ thi này giống như một loại tổng điều tra dân số của ngành giáo dục, để biết được mặt bằng chung của học sinh tốt nghiệp THPT của cả nước, và có những chính sách vĩ mô phù hợp.

- Kỳ thi đại học thì nên trả lại cho các trường, trong đó, nên khuyến khích việc xét tuyển dựa trên kỳ thi TN THPT và quá trình học tập ở THPT. Không nên ngại việc đầu vào kém nếu không thi tuyển (!), vì đó là trách nhiệm đào tạo của trường tiếp nhận. Khi sv vào trường mà thiếu kỹ năng, kiến thức gì thì trường cần tổ chức dạy, có thể là dự bị, có thể là phụ đạo vv (cái này giống như ở Mỹ có các lớp remedial courses cho sv các đại học cộng đồng).

- Cho phép các trường đại học tự xác định mức học phí phù hợp để có thể đảm bảo được chất lượng đầu ra, nhưng có cơ chế hữu hiệu để hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi và các đối tượng chính sách. Để buộc các trường phải có trách nhiệm với chất lượng đào tạo của mình, nên áp dụng một cơ chế tài chính cho giáo dục tương tự như ở Mỹ: sinh viên có quyền vay tiền để đóng học phí (lãi suất bằng không trong suốt thời gian học, chỉ bắt đầu trả sau khi tốt nghiệp 1 năm, và lãi suất thấp vv), với điều kiện phải học ở những trường được kiểm định. Cần chú trọng kiểm định các trường nước ngoài đang hoạt động tại VN!!!!!!!

- Triển khai kiểm định độc lập với Bộ Giáo dục, và nhanh chóng cho phép thành lập tổ chức kiểm định tư nhân, nhấn mạnh kiểm định nghề nghiệp (professional accreditation). Nhà nước chỉ làm trọng tài, xử phạt các tổ chức kiểm định này (kể cả tổ chức kiểm định do nhà nước thành lập). Trong các yêu cầu kiểm định, đặc biệt chú trọng yêu cầu sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.

Mọi giải pháp (về mặt kỹ thuật) đều đã tồn tại trên thế giới, chỉ cần nhà nước VN có quyết tâm để làm thôi! Còn tại sao không quyết tâm, do ưu tiên cái gì khác ... thì tôi không rõ, nên xin không trả lời ạ!!!!!!