Saturday, December 5, 2009

Bài đáng đọc: "Yêu nước xã hội chủ nghĩa"

Mấy ngày nay cộng đồng mạng tiếng Việt đang bàn bạc về kết quả một nghiên cứu gần đây về "chuẩn mực đạo đức của con người VN hiện nay", trong đó có bài của GS Tuấn. Nhận thấy bài viết này có thể giúp làm rõ những sai lầm của những người nghiên cứu tại VN khi thực hiện khảo sát, phù hợp với chương trình đào tạo của ngành đo lường đánh giá hiện nay, nên xin mạn phép GS Tuấn cho chép về đây để lưu cho sv học.
--

Friday, December 4, 2009
Bài của GS Tuấn có thể đọc bên dưới, hoặc có thể tìm thấy tại đây

Yêu nước xã hội chủ nghĩa

Trong một entry trước, Gs Nguyễn Đăng Hưng có nhắc đến vấn đề nhập nhằng giữa giáo dục học đường và tuyên truyền chính trị, và chứng từ cho nhận định này có lẽ hiển nhiên nhất qua “khảo sát” được mô tả trên Vietnamnet.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa “đạo đức” là “Những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, qui định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội”, hay “phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có”. Trích dẫn định nghĩa như thế để thấy nghiên cứu về đạo đức không dễ chút nào, do thiếu một chuẩn mực có thể định lượng. Và, trong điều kiện như thế, thì nghiên cứu định tính (qualitative research) có lẽ là một cách tốt nhất để tiếp cận vấn đề.

Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam đã làm một nghiên cứu như thế trên 1200 học sinh và sinh viên (HS-SV). Họ hỏi HS-SV rằng “Xin anh (chị) cho biết những nội dung nào sau đây được xem là những chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam hiện nay và cho biết mức độ quan trọng của các phẩm chất này?” Kết quả được trình bày trong bài báo trên Vietnamnet. Tôi thử cắt bảng số liệu, dán vào Excel, làm một động tác “sort” thì cho ra danh sách về “chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam hiện nay” (nhấn mạnh: hiện nay) như sau:

1. Có tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa
2. Sống phải tuân theo pháp luật
3. Sống phải biết giữ nghiêm kỉ cương phép nước
4. Ham học hỏi
5. Tự hào là người dân Việt Nam
6. Tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc
7. Lối sống có văn hóa
8. Sống có kỉ luật
9. Có chí tiến thủ, cầu tiến bộ
10. Kết hợp tinh thần dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản
11. Cần kiệm liêm chính
12. Sẫn sàng xả thân vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
13. Sẵn sàng vượt qua khó khăn
14. Thông minh, năng động, sáng tạo
15. Nhân ái, sẵn sàng cưu mang giúp đỡ con người
16. Vị tha, đức độ
17. Đúng mực trong đối nhân xử thế
18. Ý thức cộng đồng cố kết dòng họ - gia đình - xóm làng - Tổ quốc
19. Chịu đựng gian khổ
20. Thủy chung
21. Yêu lao động, coi trọng chất lượng và hiệu quả
22. Trung thực trong kinh doanh

Như vậy theo nhận xét của HS-SV thì chuẩn mực đạo đức số 1 của người Việt Nam hiện nay là “Có tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa”. Lại còn có chuẩn mực thứ 10 là “Kết hợp tinh thần dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản”. Cả hai đều liên quan đến tiêu chuẩn chính trị, chứ không phải là đạo đức. Thật thú vị. Như vậy, nếu nhìn tiêu chuẩn đạo đức là phân định giữa cái sai và cái đúng, thì những ai yêu nước mà không yêu xã hội chủ nghĩa, hay những ai không có tinh thần quốc tế vô sản nhưng đoàn kết dân tộc, thì lệch chuẩn mực đạo đức, hay nói trắng ra là “thiếu đạo đức”?

Nói như thế để thấy những vấn đề cơ bản và cũng là những sai lầm cơ bản nhất của “nghiên cứu” này. Sai lầm thứ nhất là cách đặt câu hỏi và câu trả lời. Giới nghiên cứu xã hội học có câu đại khái rằng: anh có thể tìm được câu trả lời mình thích nếu biết cách hỏi. Chẳng hạn như nếu tôi muốn “chứng minh” rằng các em HSSV yêu nước xã hội chủ nghĩa, tôi chỉ cần cho các em câu trả lời “Có tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa”, và các em không có lựa chọn nào khác, nên đành phải “tick” vào cái câu trả lời đó! Nhưng nếu tôi cho 2 câu trả lời như “Có tinh thần yêu nước và yêu dân tộc” và “có tinh thần yêu xã hội chủ nghĩa” thì các em sẽ có lựa chọn và chắc chắn tần suất câu trả lời sẽ rất khác. Nói cách khác, cái sai lầm thứ nhất của nghiên cứu này là thiếu tính khách quan.

(Cái này gọi là lỗi GIGO = garbage in, garbage out, hoặc câu hỏi mớm cung!)

Cái sai lầm thứ 2 là nhập nhằng giữa những câu trả lời. Chẳng hạn như làm sao các em HSSV có thể phân biệt được “Sống phải tuân theo pháp luật” và “Sống phải biết giữ nghiêm kỉ cương phép nước”, vì cả hai đều phản ảnh một khía cạnh: tôn trọng pháp luật. Ấy thế mà họ tách thành 2 câu trả lời, và cũng không ngạc nhiên khi thấy các em chọn hai câu này liền nhau.

(Cái này gọi là ngôn ngữ không rõ ràng, gây khó trả lời, và làm giảm/mất giá trị của kết quả)

Cái sai lầm thứ 3 là tính mập mờ. Chẳng hạn như câu trả lời “Thủy chung” là thủy chung với ai, với Nhà nước, với người yêu, hay với xã hội chủ nghĩa? Và, thế nào là thủy chung? Không ngạc nhiên khi thấy các em cho câu trả lời này vào hàng chót.

(Cái này cũng cùng một lỗi với phần trên, tức là ngôn ngữ không rõ ràng, làm giảm giá trị của kết quả)

Cái sai lầm thứ 4 là kết luận. Họ (các nhà nghiên cứu) kết luận rằng “Có thể nói, kế thừa, phát triển, hiện đại, dân tộc, quốc tế, quy phạm là những tính chất điển hình trong chuẩn mực đạo đức ở con người Việt Nam,” nhưng kết quả trình bày trên và dữ liệu thực tế chẳng thấy nói gì hay có liên quan gì đến kế thừa, hiện đại cả. Thật ra, nếu kết luận cho phù hợp với dữ liệu thì có lẽ các kết quả này cho chúng ta thấy chuẩn mực đạo đức của người Việt hiện nay là yêu nước xã hội chủ nghĩa, có tinh thần thượng tôn pháp luật, lười biếng (vì ít yêu lao động) và thiếu thành thật trong kinh doanh.

(Cái này là lỗi rất thường gặp ở VN: số liệu một đàng, kết luận một nẻo. Gọi là lỗi kết án trước khi xử!)

Thật ra, có thể còn liệt kê vài sai lầm nữa, nhưng thiết nghĩ bao nhiêu đó cũng đủ để thấy rằng giá trị khoa học của nghiên cứu này quá thấp, nếu không muốn nói là 0. Vấn ề phương pháp lớn nhất có lẽ là những câu trả lời này thiếu tính mà giới xã hội học gọi là "internal validity", tức là hợp lí nội tại, tức là các câu trả lời không phản ảnh khái niệm gì cụ thể cả. Còn cho rằng nghiên cứu đã được lặp lại 2 lần trong 2 năm thì điều này không nói lên giá trị khoa học mà chỉ nói lên độ reliability của câu hỏi mà thôi. Ai làm về qualative research cũng đều biết điều căn bản này.

Thật ra, theo tôi thì chẳng có thể kết luận gì từ nghiên cứu này. Thật vậy, tôi cũng từng tham gia thiết kế và thực hiện những nghiên cứu loại mà chúng tôi gọi là “soft” hay qualitative như thế này, nhưng tôi thật không hiểu nổi những kết quả được mô tả trong bài báo có ý nghĩa gì. Nó không có ý nghĩa, chẳng những vì công trình nghiên cứu thiếu tính khoa học, mà còn vì sự nhập nhằng giữa hai khía cạnh tuyên truyền chính trị và đạo đức xã hội.

(Và đây là lỗi lớn nhất: nghiên cứu không rõ mục tiêu! Mục tiêu là tuyên truyền, tức mục tiêu chính trị, hay mục tiêu là hiểu rõ các giá trị, chuẩn mực hiện nay, để có cơ sở đưa ra những chính sách và luật lệ phù hợp nhằm điều chỉnh hành vi xã hội, tức mục tiêu khoa học?)

NVT
Posted by Nguyễn Văn Tuấn at 1:40 PM
--

Còn dưới đây là những trao đổi của tôi với các bạn bè trên mạng cũng về phương pháp thực hiện nghiên cứu này. Cũng xin đưa lên đây để lưu và khi có cơ hội sẽ trao đổi với sinh viên.


Tôi không xem được toàn văn nghiên cứu này mà cũng chỉ đọc trên báo như các bác thôi. Nhưng tôi đồ rằng phương pháp thực hiện cũng chẳng khác gì hàng trăm, hàng ngàn (?) nghiên cứu khác đã thực hiện trong lãnh vực tâm lý - giáo dục hiện nay. Cách làm như sau:

1. Soạn ra một cái phiếu hỏi (questionnaire) theo cảm tính chủ quan của người nghiên cứu (có lẽ có góp ý của một nhóm người, chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp của nhau, quen nhau, và gọi là phương pháp "chuyên gia"). Các câu hỏi thường là câu hỏi đóng, dùng thang 4 hoặc 5 (cho nó tiện!), và kèm thêm một số câu hỏi mở nào đó, nhưng ít khi thấy phân tích.

2. Phát cho một số lượng đủ lớn (lớn về số tuyệt đối, ví dụ trên 1000) đối tượng nào đó, mà chủ yếu là những đối tượng mà nhà nghiên cứu có thể tiếp cận được một cách dễ dàng và ít tốn kém (tất nhiên rồi, điều này không có gì sai), bất chấp đối tượng đó có thực sự phù hợp không, có theo một khung mẫu nào không. Tôi rất dốt về thống kê, không dám hó hé gì đâu, nhưng hình như cái cách mà họ hiểu là "chọn mẫu ngẫu nhiên" (random sampling) thì thật ra nó là "chọn mẫu thuận tiện" hay "chọn mẫu cơ hội" (convenience sampling) mà thôi.

3. Cách xử lý thống kê phổ biến nhất được áp dụng cho các nghiên cứu kiểu này là tỷ lệ số người chọn từng câu trả lời, hoặc khá hơn một chút (!) là lấy điểm trung bình, sau đó xếp thứ tự cao thấp (như nghiên cứu đang bàn ở đây), rồi cuối cùng thì ... bình loạn cả lên!

4. Các nghiên cứu như thế, đầy định tính, được xem là nghiên cứu định lượng các bác ạ, vì nó ... lấy thịt đè người mà, tới cả nghìn phiếu chứ có ít đâu!

Vậy đấy. Tôi không dám bình luận gì thêm nữa đâu. Chỉ đặt ra một giả thuyết: phải chăng có mối liên hệ thuận giữa số lượng các nghiên cứu kiểu này với số lượng các vấn nạn trong giáo dục hiện nay, kiểu như tạt axit vào thầy, hoặc thầy giáo bắt học trò thụt dầu đến nỗi vào bệnh viện, vv?

No comments:

Post a Comment