Tuesday, December 22, 2009

Tiếng Anh chuyên ngành tại VN? Phần trả lời phỏng vấn của PA

Phần câu hỏi phỏng vấn này đã được gửi cho mình hơn tuần nay, nhưng vì bận nhiều việc, nay mới trả lời. Chẳng biết họ có sử dụng hay không, nhưng cứ đăng lên blog cái đã - để xác lập quyền SHTT của mình :-)!

--
1. Theo đánh giá của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) về tình hình học tập của sinh viên cho thấy việc học tiếng Anh chuyên ngành tại trường ĐH hiện vẫn còn là lỗ hổng. Việc đào tạo tiếng Anh chuyên ngành thiếu chiều sâu do giảng viên chuyên Anh phụ trách chứ không phải giảng viên chuyên ngành kỹ thuật giảng dạy. TS đánh giá thế nào về thực tế này?

Tôi đồng ý với nhận định của VEF là kết quả giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành tại các trường đại học hiện nay là chưa tốt. Tuy nhiên tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định rằng chỉ cần thay giảng viên chuyên Anh thành giảng viên chuyên ngành kỹ thuật thì mọi việc sẽ tốt lên.

Thật ra để việc dạy tiếng Anh chuyên ngành tốt lên thì cần có nhiều điều kiện khác. Trước hết là đầu vào - hiện nay hầu như không có trường nào xác định mức đầu vào cần thiết để có thể học tiếng Anh chuyên ngành cho có hiệu quả. Kế đến là giáo trình – thông thường các giáo trình tiếng Anh chuyên ngành được soạn sẵn trên thị trường đều không có hiệu quả và kém hấp dẫn, do quá nặng phần ngôn ngữ (chủ yếu là ngữ pháp và từ vựng chuyên ngành), nhưng lại không mang tính cập nhật về nội dung chuyên môn của ngành; vì vậy để đạt hiệu quả cao thì giáo viên phải có năng lực chọn và biên soạn tài liệu giảng dạy cho phù hợp.

Một nguyên nhân rất quan trọng khác nữa là sự không phù hợp giữa một bên là đầu vào, chương trình, thời lượng, và bên kia là mục tiêu đặt ra. Các mục tiêu thường được đặt rất cao so đến mức không khả thi, và làm giảm động cơ giảng dạy và học tập của cả thầy lẫn trò. Chính vì vậy mà việc giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành hiện nay có thể xem là chưa thành công, nếu không muốn nói là thất bại.

Khi đã xem xét các yếu tố trên rồi thì cuối cùng mới có thể nói đến đội ngũ giảng viên. Mà cũng không thể thay thế giảng viên tiếng Anh chuyên ngành bằng cách yêu cầu các giảng viên chuyên môn sang dạy tiếng Anh chuyên ngành, vì điều này là thậm phi lý (người được đào tạo để dạy tiếng Anh thì không được dạy, còn người lẽ ra phải được sử dụng thời gian để dốc sức vào nghề chuyên môn chính thì lại bị buộc phải dạy tiếng Anh – dù là tiếng Anh chuyên ngành! Trong khi đó, ở các nước, người ta vẫn để giáo viên tiếng Anh giảng dạy, nhưng có sự kết hợp chặt chẽ giữa giảng viên ngoại ngữ và giảng viên chuyên ngành sao cho việc dạy học có thể đạt được kết quả cao nhất.

2. Một số bất cập khác trong việc dạy và học tiếng Anh chuyên ngành hiện nay theo nhận định của TS? Nguyên nhân của những bất cập này?

Tôi nghĩ tôi đã phân tích gần như toàn bộ các bất cập này trong câu trả lời số 1 rồi phải không?

3. Theo TS, lỗ hổng tiếng Anh chuyên ngành sẽ ảnh hưởng thế nào đến quá trình tiếp thu kiến thức chuyên ngành của sinh viên, đặc biệt là sinh viên kỹ thuật? Những cản trở nếu thiếu tiếng Anh chuyên ngành khi sinh viên ra trường đi làm hoặc học cao hơn?

Theo tôi, mọi người đang có một cái nhìn quá hạn hẹp về mục tiêu của việc dạy tiếng Anh chuyên ngành. Dựa trên nhiều nghiên cứu đã thực hiện tại VN (trích từ các đề tài luận vàn cao học của các sinh viên chuyên ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Anh đã thực hiện) thì hiện nay việc dạy tiếng Anh chuyên ngành chủ yếu chỉ nhằm cung cấp một một số điểm ngữ pháp thường gặp và một khối lượng lớn (với quan điểm càng nhiều càng tố) các từ vựng chuyên ngành, với hy vọng rằng sau khi đã được trang bị như vậy thì sau này sinh viên tốt nghiệp chắc chắn sẽ tự sử dụng được.

Thật ra, theo lý thuyết giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành đã được các chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh trên thế giới khẳng định, thì mục tiêu của việc dạy tiếng Anh chuyên ngành không chỉ hạn hẹp như vậy, mà rất cần phải có thêm một số kỹ năng quan trọng khác để hỗ trợ, bổ sung cho việc học ngoại ngữ chuy ền ngành, trong đó tối thiểu phải có thêm 3 kỹ năng là: học cách học (study skills, ở đây là học cho biết cách học ngoại ngữ sao cho có hiệu quả); học cách trình bày, diễn đạt tiếng Anh theo đúng vàn phong kỹ thuật; và học kỹ năng tìm kiếm thông tin liên quan đến ngành chuyên môn mà mình đang học.

Có được những kỹ năng này, việc học tiếng Anh vừa trở nên hiệu quả hơn, mà đồng thời còn hấp dẫn, thú vị hơn, nâng cao động cơ học tập, khiến kết quả học tập và hiệu quả giảng dạy lại càng cao hơn nữa.

4. Theo TS việc nhiều trường hiện nay lấy chuẩn đầu ra TOEIC là hợp lý chưa? Chương trình này có phù hợp và hữu ích không, đặc biệt đối với sinh viên kỹ thuật?

“Chuẩn đầu ra TOEIC”, hoặc tương tự như vậy, chuẩn đầu ra TOEFL, chuẩn đầu ra Michigan vv là một cách nói hoàn toàn phi khoa học.

Trước hết, cần định nghĩa cụm từ chuẩn đầu ra có nghĩa là gì. Đây là một cụm từ được dịch từ ra từ cụm từ “learning outcomes” trong tiếng Anh, là một cụm từ này rất quen thuộc với những người hoạt động trong ngành giáo dục ở phương tây, đặc biệt là từ sau tiến trình Bologna được bắt đầu tại Châu Âu.

Theo tài liệu Khung văn bằng chứng chỉ chung cho Không gian đại học Châu Âu được công bố năm 2005, “chuẩn đầu ra” có nghĩa là “các phát biểu về kỹ năng cụ thể và năng lực tổng quát mà người học phải biết và thực hiện được khi kết thúc việc học ”.

Những từ khóa cần chú ý trong định nghĩa trên: “phát biểu”, “kỹ năng cụ thể”, “năng lực tổng quát”, “hiểu và thực hiện được”. Như vậy, rõ rang là một điểm số khô khan và vô hồn như 400 TOEIC hay 61 TOEFL iBT thì làm sao có thể được xem là chuẩn đầu ra của việc giảng dạy tiếng Anh? Vì cho đến nay vẫn không ai trả lời được một người đã đạt chuẩn đầu ra là 400 TOEIC thì liệu có kỹ năng cụ thể là gì, năng lực tổng quát ra sao, và liệu 2 người cùng đạt “chuẩn đầu ra 400 TOEIC” có phải là do có cùng năng lực, hay do một người “ăn may” khi làm bài thi trắc nghiệm, còn một người thì dựa trên năng lực của chính mình?

Thật ra, các mức chuẩn đầu ra của việc giảng dạy ngoại ngữ hiện nay đã được xác định sẵn trong Khung quy chiếu năng lực ngoại ngữ CEFR, có nguồn gốc xuất phát từ châu Âu mà hiện nay cả thế giới – kể cả Mỹ - đều đang áp dụng để xây dựng chương trình đào tạo ngoại ngữ của mình – và không chỉ riêng cho tiếng Anh mà còn rất nhiều các ngôn ngữ khác như Pháp, Đức, Nga, Trung, vv.

5. Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả việc giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trong các trường ĐH hiện nay?

Câu hỏi này tôi đã tự đặt ra cho mình từ năm 1996 khi hoàn tất luận án tiến sĩ ở nước ngoài, rồi sau đó tiếp tục đặt ra ở các khía cạnh khác nhau trong những đề tài khác nhau, đồng thời cũng được hỏi qua các hội thảo, các cuộc phỏng vấn rất nhiều lần, và cũng đã nhiều lần đưa ra câu trả lời rồi, nhưng không hiểu sao cho đến nay vẫn còn dược hỏi.

Vì vậy, ở đây tôi xin trả lời câu hỏi trên, hy vọng là lần cuối cùng, ngắn gọn trong 2 nguyên nhân căn bản sau: (1) do đặt sai mục tiêu của việc giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành (chỉ chăm chăm nhấn mạnh việc mớm sẵn cho sinh viên một số vốn ngôn ngữ “đóng hộp” để hy vọng có thể đi làm), và (2) do sự thiếu thốn quá mức về các điều kiện để thực hiện mục tiêu sai lệch đó. Nếu sửa được 2 cái này, thì mới hy vọng có được sự cải thiện đối với việc dạy tiếng Anh tại VN.


Cảm ơn chị đã trả lời câu hỏi của PV Báo Người Lao Động.


4 comments:

  1. bạn lại không đúng rồi!
    phải học anh văn trước khi được học anh văn chuyên ngành
    trong quá trình dạy giáo viên nhắc lại văn phạm ....và những gì cần thiết
    hiện nay trường ĐH YDƯỢC TPHCM không phải BS dạy,trường ĐH y Cần thơ trước đây không phải BS dạy. Nay hình như do PhDr NGUYEN dạy(master doctor urologist of university medicine of HCM city ) lúc học phổ thông bạn này học trường Việt Mỹ. Có nthể bạn nói với MỸ không bằng bạn này đâu

    ReplyDelete
  2. trước đây trường ĐHY DƯỢC TP HCM do BS dạy nhưng những người này học anh văn trường khoa học tự nhiên trước khi học bác sĩ, nhất là học giỏi mới được học y khoa, những người này dạy ok rồi
    người ta nói nhất y nhì dược ,tạm được .....
    hiện nay vẩn đúng trừ hệ bổ túc, chuyên tu

    ReplyDelete
  3. bac Treo oi

    toi dang o san bay Changi, sap ve VN, thay comment cua bac nen viet voi may giong.

    cam on bac da comment. toi con muon trao doi nhieu voi bac ve viec nay, nhung chac phai gap bac offline, uong cafe mot bua, roi noi chuyen duoc khong?

    vi noi gian tiep nhu the nay co le kho hieu nhau thi phai? hay tai vi bac dang test toi, xem kha nang biet lang nghe y kien khac voi y kien minh cua toi co cao hay khong?

    nhung rat cam on bac, ve nhieu thu.

    va chuc bac Merry Christmas. khong khi christmas o day dang rat ro nen toi cung muon chuyen no den bac mot chut, cho no ... vui vay ma bac!

    kinh bac

    ReplyDelete
  4. hi bác trèo, again,

    tôi mới về SG rồi. đọc lại comment của bác, thấy có một câu bác viết bỏ lửng, thú vị lắm.

    nên tôi viết nốt phần bỏ lửng của bác nhé, thời tôi với thời bác đi học thì cũng là một thời mà!

    nhất y nhì dược, tạm được bách khoa
    sư phạm tránh xa, bỏ qua tổng hợp!


    tôi chọn chỗ người ta bỏ qua đấy bác ạ, nhưng vẫn hãnh diện vì nó - sức mạnh tổng hợp (viết hoa) chứ có phải là chuyện giỡn đâu ;-)

    I took the one less travelled by
    And that has made all the difference!

    (thơ của Robert Frost thì phải, nhà thơ Mỹ? - ngày ấy, xưa lắm rồi, ngày mà dân học Văn khoa như tôi vẫn còn hết sức lãng mạn, chép thơ vào sổ tay, và thuộc nằm lòng những bài thơ hay để sẵn sàng xổ ra khi tức cảnh sinh tình!)

    kính bác

    ReplyDelete