Friday, December 11, 2009

GD VN trên blog tiếng Việt: "Xây dựng đại học hàng đầu Việt Nam theo tiêu chuẩn của các đại học nổi tiếng thế giới"

Không rõ tác giả blog này là người Việt trong nước hay là "kiều", nhưng thấy bài này có liên quan đến vấn đề mình quan tâm nên đem về đây cất trước đã, liên hệ với tác giả sau vậy!
Mạn phép tác giả nhé!

http://hx.thienbac.net/index.php/giaoduc-khoahoc/61-xay-dung-dai-hoc-hang-dau

---

Xây dựng đại học hàng đầu Việt Nam theo tiêu chuẩn của các đại học nổi tiếng thế giới

Giáo dục - Khoa học Trong một thế giới đang chuyển mình nhanh chóng, giáo dục luôn được coi là chiến lược hàng đầu của các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển. Ở thời đại kỹ thuật và thông tin, sự tụt hậu về tri thức sẽ kéo theo sự tụt hậu của cả quốc gia. Do vậy, Việt Nam cần phải xây dựng một đại học hàng đầu của mình có tầm vóc ngang hàng với các đại học nổi tiếng của các nước láng giềng. Hiện nay các diễn đàn của một số báo điện tử tại Việt Nam đã đề cập về đại học đẳng cấp quốc tế. Nhân đây, tôi xin đóng góp một số điểm quan trọng sau:

1. Thế giới chưa có hệ thống tiêu chuẩn cho ‘đại học đẳng cấp quốc tế'

Hầu hết các quốc gia đều có các đại học hàng đầu của riêng mình. Ngoại trừ các quốc gia đã phát triển lâu đời và có hệ thống giáo dục rất nổi tiếng như Anh (có ĐH Oxford và Cambridge), Mỹ (Harvard, Viện Kỹ Thuật Công Nghệ Massachusetts - MIT, Princeton, Stanford, Yale), Pháp (ĐH Paris)… các quốc gia khác cũng có một số đại học hàng đầu được nhiều người biết tới. Trung Quốc có ĐH Thanh Hoa và Bắc Kinh, Singapore có ĐH Quốc Gia Singapore, Hàn Quốc có ĐH Quốc Gia Seoul, Đài Loan có ĐH Quốc Gia Đài Loan, Nhật Bản có ĐH Tokyo và Kyoto. Các đại học này đóng vai trò hàng đầu và đại diện về khả năng học thuật và nghiên cứu của quốc gia mình. Người ta có thể đánh giá hệ thống giáo dục của một quốc gia dựa vào khả năng và thành tựu của các đại học hàng đầu của quốc gia ấy.

Tuy nhiên cho đến bây giờ, chưa có hệ thống tiêu chuẩn nào được lập ra để đánh giá rằng liệu một đại học có thuộc vào hàng ‘đẳng cấp quốc tế' hay không. Người ta chỉ có thể phân các đại học ra làm hai loại chính: đại học nổi tiếng thế giới, và đại học không nổi tiếng, và việc phân loại này cũng dựa theo cảm tính mà thôi. Nói đến Harvard hay Oxford mọi người đều nói đấy là nổi tiếng, nhưng nói đến đại học Florida hay đại học Birmingham thì ta có thể nói các đại học này không phải nổi tiếng lắm, và tất nhiên không phải là hàng đầu. Do vậy, ý kiến cho rằng cần phải xây dựng ĐH có ‘đẳng cấp quốc tế' là không chính xác.

2. Các chỉ tiêu được sử dụng để so sánh các đại học

Làm sao có thể so sánh các đại học trên thế giới? Hiện nay một số tổ chức quốc tế đánh giá các đại học dựa trên nhiều tiêu chuẩn khác nhau, và không thể dựa vào chỉ một tiêu chuẩn để đánh giá đại học này là tốt hơn đại học khác. Ví dụ như tiêu chuẩn giải Nobel, ĐH Cambridge có 81 giải, ĐH Oxford có 47 giải, ĐH Harvard có 43 giải, tuy nhiên đâu thể nào nói rằng Harvard kém nổi tiếng hơn, hay Oxford có đẳng cấp thấp hơn Cambridge.

Tuy các tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá các đại học rất khác nhau và tuỳ thuộc vào từng cơ quan đánh giá, người ta vẫn dựa vào một số chỉ tiêu chung và cơ bản nhất như: tỉ lệ giáo viên trên sinh viên, số lượng bài báo được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng, sự thành công của sinh viên sau khi ra trường, số lượng sinh viên và giáo viên quốc tế, số sách trong thư viện… Đã có nhiều bài báo nói về vấn đề này nên tôi xin không phân tích sâu hơn mà chỉ xin tập trung vào vấn đề của Việt Nam

3. Việt Nam nên làm gì để có đại học hàng đầu

a. Sử dụng các chỉ tiêu so sánh các đại học nổi tiếng để định hướng phát triển

Tất nhiên trong tương lai gần, đại học hàng đầu Việt Nam (ĐHHĐVN) không thể nào trở thành hàng đầu thế giới được. Mục tiêu đơn giản hơn và hiện thực hơn là xây dựng một hoặc vài ĐHHĐVN có tầm vóc lớn nhất quốc gia và có trình độ tương đương với các đại học nổi tiếng của các quốc gia gần cạnh ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.

Để xây dựng ĐHHĐVN, ta cần phải có những chỉ tiêu rõ ràng (đã nói trong mục 2) cho đại học này, chứ không nên cứ là ‘đại học đẳng cấp quốc tế' chung chung. Điều đấy có nghĩa là ĐHHĐVN sẽ phải có tỉ lệ giáo viên cho mỗi sinh viên cao, xuất bản được nhiều công trình nghiên cứu trên các báo chuyên ngành trên thế giới, sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ có các việc làm tốt nhất trong xã hội, nhiều sinh viên và giáo viên quốc tế, có thư viện chứa nhiều sách và tạp chí (in và điện tử)…

b. Có chương trình học cập nhật và tương đương với các đại học nổi tiếng thế giới

Hiện nay chương trình khung của Bộ GDĐT quá cồng kềnh. Sinh viên Việt Nam học nhiều lý thuyết mà ít thực tế, học nhiều môn thừa và không áp dụng được vào thực tiễn trong khi các môn chuyên ngành thì ít và lại có chất lượng kém.

Các chương trình giảng dạy của các đại học nổi tiếng trên thế giới đã được chuẩn hoá. Họ có những nhà nghiên cứu giỏi để xây dựng bộ khung chương trình hiện đại. Các sách tham khảo, tài liệu giảng dạy, bài tập làm thêm, chủ đề thảo luận nhóm… của các môn học này đã được tối ưu hoá cho sinh viên và bảo đảm mang lại kết quả cao nhất. ĐHQG Singapore và ĐH Thanh Hoa đã mua thiết kế và bản quyền sử dụng các tài liệu giảng dạy của một số ngành học của ĐH Harvard và MIT, vì vậy sinh viên các ngành học đấy ra trường có chất lượng cải thiện hơn hẳn so với trước đây. ĐHHĐVN nên sử dụng chương trình dạy học của các đại học lớn, và hoàn toàn độc lập với chương trình khung hiện nay của Bộ GDĐT.

Hiện nay Việt Nam đã có một số đại học của các nước khác đến mở chi nhánh đào tạo như Royal Melbourne Institute of Technology - RMIT (Úc), Asian Institute of Technology (Thái Lan)… Các cơ sở này đã có giáo viên đủ tiêu chuẩn và tuyển sinh viên rất gắt gao cả về trình độ chuyên môn lẫn tiếng Anh. Ta có thể đề nghị các trường này hợp tác và trở thành một phần của ĐHHĐVN. Các trường này sẽ đào tạo các môn chuyên ngành mà họ có thế mạnh, các môn khác/ngành khác sẽ do các đơn vị khác đảm nhiệm. Như vậy ĐHHĐVN sẽ được sinh viên đào tạo các ngành chuyên sâu và không phải mất nhiều thời gian chuẩn bị, và các trường trên sẽ được giảm tải các môn học cơ bản.

c. Thiết lập các mối quan hệ quốc tế sâu rộng

Các đại học trên thế giới có rất nhiều mối quan hệ rộng. Ví dụ như ĐH Thanh Hoa năm 2004 đã mời 16000 khách quốc tế đến tham quan và làm việc. Khách mời của đại học này bao gồm Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Châu Âu, nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng, bộ trưởng, đại sứ của các nước và chủ tịch của các tập đoàn quốc tế như IBM, Wal-Mart, Intel hay BMW, cùng với 7 vị đoạt giải Nobel. ĐHQG Seoul có các giáo viên đến từ 56 nước khác nhau trên thế giới, và họ giảng dạy 264 môn khác nhau bằng tiếng Anh.

ĐHHĐVN phải giao lưu với các đại học lớn khác bằng cách trao đổi sinh viên và giáo viên, kết hợp cùng nghiên cứu khoa học và xây dựng các khoá học liên kết. Hiện nay trên thế giới cũng có các hiệp hội của các đại học như Universitas 21 (hệ thống các đại học nghiên cứu chuyên sâu), IARU (International Alliance of Research Universities – Liên minh quốc tế của các đại học nghiên cứu), ta có thể đăng ký tham gia để hoà nhập vào môi trường quốc tế.

d. Có nguồn vốn dồi dào để trả lương cao và nghiên cứu

Không phải tất cả đại học có nhiều tiền đều nổi tiếng hơn đại học có ít tiền hơn. ĐH Oxford với 5,1 tỉ USD xếp hạng 10 về trên thế giới về vốn, nhưng lại đứng thứ 4 trong xếp hạng đại học thế giới năm 2005 của tờ Times Higher Education. Trong khi đó ĐH Yale với 15,2 tỉ USD xếp hạng 2 về vốn, nhưng lại đứng thứ 7 trong cùng bảng xếp hạng đại học.

Nhưng như vậy không có nghĩa là không có nhiều tiền thì vẫn có được đại học tốt. Các đại học chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng bao giờ cũng là các đại học giàu với vốn lên đến vài tỉ USD. Harvard có vốn 29,2 tỉ USD, giàu nhất thế giới (bằng 50% tổng GDP của Việt Nam), và vị trí số 1 của Harvard hầu như không bao giờ bị cạnh tranh trong những năm gần đây. Năm học 2004-2005, ĐHQG Singapore có thu nhập từ học phí và các nguồn khác chỉ có 113 triệu USD, nhưng được tài trợ thêm 529 triệu (trong đó chính phủ tài trợ 377 triệu). Họ sử dụng hết 613 triệu. Tổng số tiền chi năm 2005 của ĐH Oxford là 978 triệu USD, ĐH Harvard là 2,8 tỉ.

Do Việt Nam còn nghèo nên ĐHHĐVN cũng sẽ không có hàng tỉ USD, nhưng đại học này phải có nhiều kinh phí. Các nguồn tài trợ có thể đến từ chính phủ, các dự án nghiên cứu theo hợp đồng, tiền học phí của sinh viên, hay từ các nhà hảo tâm và cựu sinh viên. Câu nói ‘có thực mới vực được đạo' luôn luôn đúng. Các nghiên cứu kỹ thuật cao luôn cần rất nhiều tiền. Lấy ví dụ về nghiên cứu sinh học phân tử, các thí nghiệm này toàn phải sử dụng thiết bị và hoá chất mắc tiền với giá hàng chục, hàng trăm nghìn USD.

ĐHHĐVN còn phải trả lương cao cho đội ngũ giảng viên. Do có các giảng viên có trình độ cao, đại học này phải trả lương tương đương với đại học nổi tiếng của các nước khác để tránh tình trạng chảy máu chất xám. ĐHHĐVN còn phải trả lương để mời giáo sư thỉnh giảng từ các đại học khác đến, và số tiền này phải bằng hoặc cao hơn mức họ nhận tại các đại học khác.

Do cần nhiều kinh phí, ĐHHĐVN cũng phải lấy học phí tương tự với các đại học nổi tiếng. Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều sinh viên hàng năm đi du học với hy vọng tiếp thu kiến thức hàng đầu của thế giới, và họ sẳn sàng trả học phí vài chục ngàn USD/năm. ĐHHĐVN có thể thu hút các sinh viên này. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho các sinh viên nghèo vì họ sẽ không đủ kinh phí để đăng ký học. Vì vậy, đại học này sẽ phải cung cấp nhiều chương trình học bổng bán phần và toàn phần cho sinh viên của mình để hổ trợ các sinh viên không đủ khả năng tài chính. ĐHHĐVN còn phải liên kết với các ngân hàng để mở các khoản vay cho sinh viên và họ sẽ trả dần sau khi tốt nghiệp.

e. Đào tạo thế hệ tương lai có khả năng làm việc xuất sắc

ĐHHĐVN, với mục tiêu tối thượng là phục vụ xã hội, nhằm vào đào tạo đại học và sau đại học với chất lượng tốt và thực hiện nhiều nghiên cứu chiến lược. Sinh viên ĐHHĐVN phải có kiến thức hàng đầu cả nước và tương đương với sinh viên của các đại học nổi tiếng trong vùng như ĐHQG Singapore. Sinh viên ra trường phải có khả năng làm việc tốt trong chuyên ngành của mình, có thể thích ứng theo các điều kiện làm việc khác nhau, nhanh chóng nắm bắt cơ hội và làm việc tốt theo nhóm. Giảng viên và nghiên cứu viên của ĐHHĐVN phải có trình độ quốc tế, và phải được kiểm định bởi các thành tựu mà họ đã đạt được như công trình xuất bản trên thế giới, các giải thưởng thế giới, hay khả năng tìm kiếm dự án quốc tế…

Các đại học trong vùng và quốc tế phải chấp nhận là tương đương, và trao đổi sinh viên/giảng viên/nghiên cứu viên với ĐHHĐVN. Các công ty/ngành công nghiệp phải tìm kiếm sinh viên của đại học này sau khi ra trường để mời về làm việc. Cựu sinh viên sau khi ra trường vẫn giữ một mối quan hệ tốt với đại học và luôn mang theo mình một niềm hãnh diện cùng với tên tuổi của đại học mình.

Một điều quan trọng không kém là đội ngũ quản lý. Tất cả các nhân viên của ĐHHĐVN, từ tổng giám đốc cho đến nhân viên quét dọn, đều một lòng phục vụ. Kiên quyết loại trừ các loại tệ nạn trong giáo dục hiện nay như chạy theo thành tích, dối trá bằng cấp, chạy trường chạy điểm…

http://hx.thienbac.net/index.php/giaoduc-khoahoc/61-xay-dung-dai-hoc-hang-dau

No comments:

Post a Comment