Monday, December 14, 2009

Chống tham nhũng và giáo dục công dân

Như vậy là chính phủ đã phê duyệt đề án đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục.

Tại một quốc gia nghèo, đang phát triển như VN, vào thời điểm tham nhũng tràn lan khắp nơi, kể cả trong ngành giáo dục như TS McCornac đã nêu trong bài viết của ông (đã đăng trên vietnamnet): "tham nhũng lan rộng như một bệnh dịch", việc làm vừa nêu của chính phủ không phải là không có lý.

Để việc thực hiện chủ trương này đạt được hiệu quả cao nhất, cần có những tiếng nói phản biện. Một tiếng nói như vậy đã được cất lên từ Ông Hà Văn Thịnh, giảng viên ĐH Huế, trong bài viết được đăng trên vietnamnet vào tuần trước. Trong bài viết của mình, Ông Thịnh cho rằng việc chống tham nhũng cần bắt đầu từ nhà giáo, với hàm ý việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục sẽ vô ích nếu như nhà trường chính là một môi trường tạo ra văn hóa tham nhũng.

Điều Ông Thịnh nói trong bối cảnh hiện nay có lẽ không sai. Văn hóa tham nhũng tại nhà trường thể hiện ở những chuyện rất nhỏ nhặt như cô giáo yêu quý và thân thiện hơn vói các em có học thêm ở nhà riêng với mình, đến việc phụ huynh học sinh tiểu học tặng quà cho thầy cô vào những dịp lễ tết để thầy cô chú ý đến con mình nhiều hơn trong giờ học, đến những việc lộ liễu hơn như sinh viên đưa phong bì cho thầy cô quanh mùa thi để xin điểm, để hỏi đề, rồi tệ hơn nữa là nạn chạy trường, chạy lớp, chạy cả các hội đồng chấm luận văn, các hội đồng xét duyệt đề tài khoa học, thậm chí đến cả các hội đồng phong chức danh giáo sư, phó giáo sư .... Tất cả những việc này không được ngăn chặn từ sớm nên giờ đây môi trường giáo dục của một dân tộc hiếu học và tôn sư trọng đạo trở thành một trận địa bị tham nhũng đánh phá tan hoang ...

Nhưng nói như Ông Thịnh, lẽ nào tất cả sự tham nhũng trong xã hội hiện nay chỉ do các thầy cô, hoặc rộng hơn, chỉ do ngành giáo dục mà ra, nên chỉ có ngành giáo dục là phải chịu trách nhiệm thay đổi? Tôi cho rằng nên nhìn vấn đề theo một cách khác, tích cực hơn, đó là ngành giáo dục không phải - và không thể - là nguyên nhân tạo ra nền văn hóa tham nhũng. Ngược lại, nên nhìn nhận đề án như sự thể hiện lòng mong đợi của nhà nước đối với ngành giáo dục, hy vọng thông qua đề án này sẽ hun đúc được tinh thần "nói không với tiêu cực và tham nhũng" như một phần của bổn phận công dân Việt Nam trước nạn tham nhũng hiện nay. Tôi cũng đồng ý với mục tiêu của đề án là "trang bị kiến thức về PCTN cho học sinh, qua đó nâng cao nhận thức của các em về mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh PCTN; xây dựng được thái độ, ý thức đấu tranh, bài trừ tệ nạn tham nhũng".

Vấn đề là, liệu việc này có thể làm được chỉ với vài tiết học theo một số giáo trình, tài liệu, nội dung, hình ảnh, hoạt động vv được cung cấp từ đề án kia hay không? Ở đây, tôi chia sẻ với Ông Thịnh mối lo ngại rằng điều này sẽ khó, vì lâu nay khi nói đến "giáo dục" chúng ta vẫn thường quá coi trọng việc nhồi nhét "kiến thức" vào đầu học sinh - trong trường hợp này sẽ là một số từ ngữ, một số điều luật, một số nguyên tắc, khái niệm về tham nhũng và phòng chống tham nhũng, dù đúng và cần thiết nhưng sẽ là vô hồn và e rằng sẽ không thể có tác dụng vì chúng trừu tượng và xa lạ với các em.

Nếu vẫn làm như lâu nay, chắc chắn các em sẽ xem nội dung phòng chống tham nhũng như là một phần thêm vào chán ngắt và vô bổ, một môn học khô khan mà các em cần phải học thuộc lòng như các môn khoa học xã hội khác - như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân - vốn đã rất nặng nề đối với các em hiện nay. Trong khi chính những môn học này lẽ ra phải hun đúc lòng yêu nước, tinh thần công dân, niềm tự hào dân tộc, và trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Và như thế, nếu không cẩn thận, thì rồi lại có thêm một đề án chịu chung số phận với khá nhiều đề án hoành tráng nhằm cải tổ giáo dục trong thời gian vừa qua, đó là khi dự án thực hiện xong, tiền hết, thời gian hêt, thì ... nhìn lại không thấy có chút kết quả hữu ích nào khả dĩ để lại sau đề án, nếu không phải là tác dụng ngược!

Có lẽ, điều mà ngành giáo dục nên làm hiện nay không phải là đưa thêm bất kỳ nội dung nào vào chương trình nữa (thậm chí còn phải tiếp tục cắt giảm nội dung chương trình). Nhìn trên giấy, trên sách vở tài liệu, thì đa số những điều mà ta muốn dạy cho học sinh, sinh viên đã có khá đầy đủ rồi. Điều đáng nói là chúng đang được dạy như thế nào; làm sao thay đổi phương pháp giảng dạy đối với các môn học sẵn có, đặc biệt là các môn khoa học xã hội, để chúng không còn là những môn vô bổ, chán ngán, và chẳng học sinh nào muốn học nếu chúng không được hỏi trong các kỳ thi.

Nói cách khác, việc phòng chống tham nhũng trong nhà trường có lẽ phải được bắt đầu bằng cách dạy cho tốt các môn học như lịch sử, địa lý, văn học, đạo đức, và nhất là môn giáo dục công dân - những môn chú trọng phần dạy người, cụ thể là những con người công dân Việt Nam ở thế kỷ 21 này, trước những vấn đề lớn của dân tộc, của đất nước, và của thế giới. Trong đó có cả vấn đề tham nhũng.

Có một điều ngành giáo dục không bao giờ được quên, nhưng đã bị quên quá lâu ở Việt Nam, là khái niệm "giáo dục" không bao giờ chỉ là những bài giảng khô khan bằng lời trên lớp học, được trả lại cho thầy cô và nhà trường bằng những bài thi trên giấy, và được ghi nhận bằng những con số vô hồn trên học bạ. Giáo dục, trước hết và trên hết, phải bắt nguồn từ các cử chỉ, hành vi, tình cảm của các cá nhân trong cùng một cộng đồng, là thơ là văn là nhạc, là kiến trúc, là trang phục, là ẩm thực, là thói quen; là tình cảm thầy trò, bạn bè, là các giá trị của cá nhân và của cộng đồng, là lịch sử và truyền thống của dân tộc. Là niềm tự hào rưng rưng của mỗi người Việt Nam khi nghe bản quốc thiều, khi nhìn màu cờ sắc áo của đội bóng Việt Nam trong mỗi trận đấu ...

Tất cả những điều đã nêu, có lẽ chẳng thể nào làm được chỉ trong thời gian của một đề án. Mặt khác, chúng cũng chẳng hề nặng nề, gây áp lực, hay quá tải đối với học sinh, sinh viên, trái lại còn là một niềm vui sướng nếu có những người thầy truyền đạt đến chúng với tất cả tâm hồn... Những điều đó cũng chẳng cần có lộ trình, chẳng cần thí điểm và tổng kết, chẳng cần chuyên gia và tập huấn... Mà nó có thể bắt đầu ngay bây giờ, chính giây phút này, bởi chính mỗi người chúng ta, nếu chúng ta có sẵn lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Phải chăng điều mà đề án thực sự cần làm là cải cách việc giáo dục công dân trong nhà trường hiện nay, sao cho nhà trường có thể góp phần quan trọng trong việc tạo ra những con người xứng đáng được gọi là công dân Việt Nam chân chính?

2 comments:

  1. Tôi hòan tòan đồng ý với chị. Tôi cũng đã nghĩ như vậy. Tôi không tán thành việc làm khổ thêm học sinh, sinh viên. Bằng trải nghiệm cá nhân tôi nhận ra rằng cái gì bị bắt buộc học thì khó vào đầu lắm.
    Tôi không hiểu Chính phủ muốn thu được cái gì với chủ trương rõ ràng là sẽ thất bại này.
    Tuy nhiên, tôi không đồng ý "đánh đồng" hành vi nhận quà cáp (kể cả là không trong sáng thì nhiều lắm cũng chỉ là NHẬN ĐÚT LÓT) của các thày cô VỚI VIỆC ĂN HỐI LỘ CỦA CÁC QUAN CHỨC. Dân gian đã nói rồi: Phải có chức, có quyền mới tham nhũng được, VÀ MỚI LÀ THAM NHŨNG.
    Người ta đang cố tình đánh tráo khái niệm nhằm đẩy "mũi giáo dư luận" né sang hướng khác.

    ReplyDelete
  2. Anh Kiên thân mến,

    1. Chính phủ có nhiều mục đích khi đưa ra đề án này, trong đó chắc chắn là có mục đích làm hài lòng các nhà tài trợ. Vì đây là một động thái cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc chống tham nhũng. Cần biết rằng khi trong chỉ số CPI (chỉ số cảm nhận tham nhũng) có một nhóm yếu tố liên quan đến các nỗ lực và sáng kiến của chính phủ trong việc chống tham nhũng. Có thể với đề án này (được công bố rộng rãi, nêu trên báo chí), thì chỉ số CPI của VN sang năm sẽ tăng thêm một chút nữa?

    2. Việc đưa nội dung chống tham nhũng vào trường học không chỉ có ở VN mà các nước khác cũng làm anh Kiên ạ. Chỉ có điều họ làm khác ta, vì cách giáo dục của họ cũng khác ta. Giáo dục của VN như báo chí đã nói, là nặng dạy chữ mà quên dạy người. Và đó là sai lầm lớn nhất, là một bi kịch của nền giáo dục hiện nay, tôi nghĩ vậy anh Kiên ạ.

    Vài dòng chia sẻ.

    ReplyDelete