Thursday, April 14, 2011

"Phần Lan và PISA", và 9 bí quyết của sự thành công

Phần Lan và PISA, tức "Finland and PISA", là tên của một trang blog mà tôi mới tình cờ tìm thấy khi lướt web hôm nay. Rất đáng đọc, cần được lưu và chia sẻ với mọi người. Có thể tìm thấy trang blog ấy ở đây.

Chủ nhân của blog này, theo lời tự giới thiệu trên trang blog, là một người mới hoàn tất luận án tiến sĩ giáo dục, trong đó nghiên cứu về sự thành công của Phần Lan trong cuộc thi PISA hàng năm. Trang blog ấy thực ra là phần tóm tắt những nét lớn của của cuốn luận án ấy. Một cách làm rất hay, rất sáng tạo, vừa để chia sẻ tri thức, vừa để tự quảng cáo mình. Hay thật đấy, đúng là nói gì thì nói, rõ ràng công nghệ thông tin đã thực sự đem lại một cuộc cách mạng trong giáo dục.

Các bạn chú ý kỹ nhé: Phần Lan và những thành công của nó trong cuộc thi PISA đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, đến nỗi đã trở thành đề tài nghiên cứu của một luận án tiến sĩ của ngành giáo dục. Vậy mới thấy, Phần Lan đúng là một hiện tượng đặc biệt mà chúng ta cần nghiên cứu, học hỏi. Và may quá, đã có người nghiên cứu đến tận nơi tận chốn, lại còn làm trang blog về nó để chia sẻ cho chúng ta đọc nữa chứ.

Nhưng trang blog ấy đem lại cho chúng ta những thông tin gì cần biết về bí quyết thành công của Phần Lan nhỉ? À, thật ra cũng không nhiều thông tin trực tiếp, mà chỉ là những chỉ dẫn đến những nguồn thông tin khác mà thôi. Tuy nhiên, trong số các chỉ dẫn này (không nhiều lắm) thì tôi tìm thấy một "kho báu" mà các bạn nào đang học trong ngành giáo dục thì rất nên vào và đọc.

Nếu không có thời gian đọc nhiều thì tôi nghĩ ít ra các bạn cũng nên đọc các nguyên lý căn bản - cũng là những bí quyết thành công - của nền giáo dục này. Có thể đọc nguyên bản tiếng Anh ở đây.

Xin điểm qua tóm tắt ở đây các nguyên lý ấy. Ai cần đọc bản đầy đủ xin vào đường link ở trên.

1. Bình đẳng về cơ hội (equal opportunities): Tất cả mọi người đều được đi học. Giáo dục căn bản (basic education) là hoàn toàn miễn phí, bao gồm cả: sách vở tài liệu, các bữa ăn tại trường, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh răng miệng, xe cộ đi lại, giáo dục theo các nhu cầu đặc biệt, và phụ đạo. Thế này thì đúng là thiên đường cộng sản rồi, cần gì phải tìm ở đâu xa nữa nhỉ? Mà tại sao Phần Lan lại không chịu tự nhận mình là nước cộng sản vậy ta?

2. Giáo dục bao quát (comprehensiveness of education): Giáo dục căn bản (miễn phí) kéo dài từ 7 đến 16 tuổi. Mọi học sinh đều được nhận, không chọn lọc, không chia nhóm hay phân loại học sinh theo bất kỳ tiêu chí nào. Điều này dường như trái ngược với VN sao ấy nhỉ. Vì VN tồn tại mọi dạng "phân biệt" đối với học sinh: trường chuyên, lớp chọn, chương trình tài năng, thí điểm, tăng cường, tiên tiến, chất lượng cao, vân vân và vân vân.

Chà, chẳng biết có mối liên hệ nào giữa việc phân biệt/ không phân biệt học sinh với năng lực đầu ra của học sinh không nhỉ? Nếu có, và nếu Phần Lan ngược với ta như thế, thì không lẽ ... nếu Phần Lan đứng đầu bảng thì VN phải đứng chót bảng hay sao ta? Không thể thế được!


3. Giáo viên có năng lực (competent teachers): Ở mọi trình độ, giáo viên đều phải giỏi và tận tâm. Tất cả phải có trình độ thạc sĩ. Giáo viên được hưởng toàn quyền tự chủ trong lớp học.

Cái này lại cũng trái ngược với ta. Cả một thời gian dài ở VN, "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Mà lỡ vào đó rồi, thì sẽ bị cả một bộ máy hành chính từ Phòng, Sở, rồi Bộ đè nặng, chẳng còn chút quyền gì về chuyên môn cả, chưa kể ở trong trường thì giáo viên không chỉ giảng dạy với lương thấp, mà còn họp hành, đoàn thể các kiểu, hội thao, chủ nhiệm lớp, vân vân và vân vân. Thành ra, nếu chất lượng mà không thấp thì mới là lạ; thấp thế này chứ thấp nữa chắc cũng ... hiểu được mà, phải không?

4. Tư vấn học sinh và giáo dục theo nhu cầu đặc biệt (Student counselling and special needs education): Cái này là gì thì chắc ai cũng biết rồi. Ở VN, mấy việc như thế này là quá xa xỉ, phụ huynh mà muốn thì bỏ tiền ra cho con cái đi học thêm ở ngoài thôi!

5. Khuyến khích thường xuyên kiểm tra đánh giá (Encouraging assessment and evaluation): Cần chú ý rằng mục đích của kiểm tra để biết những điểm mạnh điểm yếu nhằm hỗ trợ học sinh học tốt hơn. Chứ không phải để lấy điểm ghi vào sổ, làm thành tích cho trường!

6. Tầm quan trọng của giáo dục đối với XH (Significance of education in society): Cả nước quan tâm đến giáo dục, các chính sách giáo dục quốc gia có sự đồng thuận và ủng hộ của nhiều phía. Cái này vừa giống và vừa khác với VN. Giống: Cả nước quan tâm đến giáo dục. Khác: Chính sách giáo dục chẳng ai đồng ý với ai, cứ tranh cãi ... loạn cả lên!

7. Hệ thống linh hoạt dựa trên sự trao quyền (A flexible system based on empowerment): Nguyên tắc quản lý giáo dục của Phần Lan là "chỉ đạo từ trung ương, triển khai tại địa phương" (centralised steering, local implementation). Trường học và giáo viên cớ toàn quyền tự chủ về chuyên môn. Bao giờ thì VN có cái đó nhỉ?

8. Hợp tác (Cooperation): Tương tác và phối hợp là nguyên tắc cốt lõi của toàn bộ quá trình giáo dục ở mọi cấp độ, cũng như giữa ngành giáo dục và mọi bộ phận khác trong xã hội. Đây cũng là một bí quyết quan trọng của sự thành công.

Chẳng bù cho VN mình: sự chia cắt, "thập nhị sứ quân" tồn tại ở mọi cấp độ trong suốt quá trình giáo dục. Ví dụ: cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học, cao đẳng, dạy nghề, vv được quản lý bởi các vụ khác nhau trong một bộ, và bởi các bộ khác nhau. Rồi ở đại học thì ngay giữa các ngành trong một trường và giữa các trường cũng chẳng có liên thông liên kết gì cả! Tại sao ư, cái này cần vài luận án tiến sĩ giáo dục học để trả lời, có lẽ thế!

9. Quan điểm học tập tích cực và hướng về người học (A student-centered, active conception of learning): Học tập là sự tương tác tích cực giữa thầy và trò, giữa trò này với trò khác, và giữa người học với môi trường xung quanh. Một quan điểm rất sư phạm và rất nhân văn. Còn ở VN ư, học sinh tiểu học đi học mang cặp nặng đến gù cả lưng, cắm đầu cắm cổ làm bài đến cận thị, và suốt ngày ngồi một chỗ để tụng, để gạo bài, nên chẳng có chút kỹ năng xã hội nào cả. Ngay cả đến hè cũng phải đi học hè. Còn gì là tuổi thơ, và còn người nữa, thực vậy!

Đọc 9 bí quyết của Phần Lan xong, tự nhiên à ra, hèn gì giáo dục của mình ... kém. Hic!

2 comments:

  1. Xin giới thiệu đến chủ blog trang của một bloger người Việt. Vị nầy có khá nhiều bài viết về PISA và giáo dục Phần Lan.
    http://sites.google.com/site/huyfinland/
    Hy vọng là tôi không gởi link về..chủ của nó! Hihi...

    ReplyDelete
  2. Vâng, link rất hữu ích. Cám ơn bạn.

    ReplyDelete