Wednesday, September 29, 2010

Top 200, Simon Marginson, và 2060!

Slide so sánh VN với các nước trong khu vực, trong bài trình bày của GS Marginson. Nhìn vào đây thì thấy ĐH VN chỉ nên benchmark với Indo trước đã, mà Indo hiện nay cũng có mấy trường trong top 500 của QS rồi đó. Còn VN thì vẫn mờ mịt chân mây?
----------------
Cái tựa của entry này hẳn sẽ làm cho nhiều người thắc mắc, tôi nghĩ thế.

Số là tôi đang đọc, tìm hiểu và viết về benchmarking và ranking trong giáo dục đại học. Và đang định viết một bài so sánh các kết quả xếp hạng đại học thế giới năm 2010, vì đây là năm đầu tiên mà QS và THE tách ra làm 2 hệ thống khác nhau, nên hiện nay có đến 3 bảng xếp hạng quốc tế với các kết quả không giống nhau: ARWU (của SJTU mà ta quen dịch là ĐHP Giao thông Thượng Hải); QS (vốn trước đây là THES, sau đổi thành THE-QS), và THE, hệ thống mới với cách xếp hạng mới được cho là đã cải thiện đáng kể so với hệ thống của THE-QS mà hiện nay QS vẫn tiếp tục sử dụng.

Cả 3 bảng xếp hạng đều đã công bố kết quả năm 2010, trong đó "giựt gân" là QS đưa ra kết quả Cambridge lần đầu tiên vượt qua Harvard ở vị trí đứng đầu thế giới, và gần đây nhất là THE đưa Harvard trở lại vị trí đầu còn Cambridge lui trở về vị trí thường thấy ở các bảng xếp hạng trước nay, dưới Harvard.

Tóm lại, "top 200" trong cái tựa của entry này là nói về các danh sách xếp hạng đó, trong đó danh sách của THE mới công bố gần đây nhất là một danh sách top 200 (QS công bố danh sách top 500, và ARWU cũng vậy). Thế còn Simon Marginson và 2060?

Ừ, tôi nhớ ra Simon Marginson là vì báo Doanh nhân Sài Gòn mới đây có đưa bài viết của GS Marginson nhân dịp THE công bố kết quả xếp hạng năm nay. Ai quan tâm có thể đọc bài viết ấy ở đây. Nhưng thật ra, những ý kiến này GS Marginson đã đưa ra cách đây 2 năm chứ không phải là đưa vào dịp THE công bố kết quả xếp hạng 2010 của mình mới đây.

Vậy chứ GS Marginson đưa ra những ý kiến đó vào dịp nào thế? À, nếu các bạn chịu khó tra mạng thì sẽ tìm thấy một hội thảo có tầm cỡ do ĐHQG Hà Nội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cách đây 2 năm về vấn đề xếp hạng, trong đó có mời các nhà nghiên cứu/thực hành về xếp hạng đại học trên thế giới đến báo cáo. Hội thảo đó tôi cũng có đi dự, và ấn tượng nhất là về bài báo cáo của GS Marginson (mà cũng có thể là tôi hơi ... thiên vị chăng, vì GS Marginson đến từ Úc, là nơi tôi học trước đây, nên có thể sẽ thấy có thiện cảm hơn ;-)).

Thực ra thì trong những người báo cáo hôm ấy, GS Marginson là có tầm cỡ nhất (những người khác thì có kinh nghiệm của practitioners), và khách quan nhất, vì ông không phải là người thực hiện xếp hạng mà chỉ là nhà nghiên cứu, quan sát "hiện tượng" xếp hạng. Và đó là lần đầu tiên ông đến VN, với những phát biểu rất ngoại giao nhưng cũng rất dễ thương, gây thiện cảm, khi ông nói ông đến VN như về nhà (các bạn xem bài viết mà tôi đưa link ở trên).

Và điều tôi ấn tượng nhất ở GS Marginson là ông rất thẳng thắn về "ước mơ đẳng cấp quốc tế" của VN. Khi hỏi về khả năng đạt top 200 vào năm 2020, ông tỏ ra rất nghi ngờ (và điều đó là đúng), và có đưa một con số mà lúc ấy làm cho nhiều người rất shock (hay nói đúng hơn là tỉnh cơn mê!): đó là VN chỉ có thể có một trường trong top 200 thế giới vào năm 2060 mà thôi.

Lúc ấy, nhiều người không tin vào con số 2060 của ông, cho rằng đấy là một sự mỉa mai, phóng đại, hoặc thậm chí ... sỉ nhục. Tôi cũng nghĩ, ông nói đại khái, để nhấn mạnh. Nhưng nay nghĩ lại, thấy ông nói không hề sai. Năm nay đã là 2010 rồi, mà VN thì còn chưa thấy đâu trên bản đồ ĐH thế giới cả. Tôi sẽ viết thêm về điều này sau. Còn TQ, họ đã cải tổ từ năm 1976, và năm 1989 tôi có dịp đi Mỹ, tận mắt thấy số sinh viên TQ tràn ngập các đại học Mỹ. Từ ấy đến nay đã hơn 30 năm, chính phủ TQ cũng đã có nhiều kế hoạch rót tiền cho các đại học trọng điểm của họ, và cải tổ nhiều mặt, thì nay họ mới bắt đầu có một số trường lọt vào top 200 của các bảng xếp hạng. Vậy thì tại sao VN lại có thể cần thời gian ít hơn 50 năm, đặc biệt là ngay từ bây giờ hình như ta vẫn chưa có những bước đi đúng hướng?

Tôi đã đọc lại bài viết của GS Marginson và thấy nó rất đáng đọc, đáng được dịch đầy đủ để phổ biến cho mọi người đọc. Giá mà không bận như hiện nay thì tôi cũng dịch nó ra đấy, nhưng bận quá! Thôi thì đưa mấy đường link để giới thiệu với mọi người. Và xin kết bài này với phần kết luận trong slide của GS Marginson (ý tưởng là của GS Marginson, còn lời là của tôi):

- Hãy quên đi ước mơ vào top 200 các đại học nghiên cứu của thế giới (theo bảng xếp hạng của SJTU)
- Nếu muốn ước mơ thì có thể nghĩ đến lọt vào top 500 vào khoảng năm 2025 hoặc 2030, mặc dù điều này cũng không phải là dễ.
- Lọt vào top 200 chỉ có thể là năm 2060, nhưng điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố [ý nói: phụ thuộc vào chính sách đầu tư cho KH-CN của chính phủ VN]
- Cần đầu tư tập trung vào một số trường đại học nghiên cứu với mức đầu tư cạnh tranh được với thế giới [diễn nghĩa của tôi: không thể trả lương cho một người có bằng tiến sĩ và gần 30 năm làm trong ngành giáo dục như tôi với mức lương và mọi thứ thu nhập chưa đến 10 triệu như hiện nay - quá phi lý!]
- Chỉ những trường đó mới nên tham gia xếp hạng thế giới
- Còn xếp hạng quốc gia thì không nên có một loại bảng xếp hạng duy nhất, mà cần có nhiều bảng xếp hạng khác nhau tùy theo sứ mạng và loại hình trường.

Những lời khuyên thật chí lý! Còn dưới đây là link dẫn đến bài viết và slide của ông:

1. Bài viết:
www.cshe.unimelb.edu.au/.../Marginson/VNU%20rankings%20symposium%2013%20November%202008.pdf

2. Slide: www.cshe.unimelb.edu.au/.../Marginson/VNU13Nov2008%20slides.pdf

Thế đấy. 2060 thì tôi 100 tuổi rồi. Thôi thì ráng sống khỏe, sống vui, và sống lâu, 50 năm nữa bằng tuổi đại tướng Võ Nguyên Giáp, biết đâu tôi còn sống và sẽ thấy một đại học của VN vào top 200 thế giới nhỉ? Lúc ấy, tôi sẽ nói: cách đây 50 năm tôi đã bỏ công nghiên cứu về xếp hạng và đối sánh các trường đại học, nên bây giờ chúng ta mới có ngày nay!

Ừ, ai cấm mình mơ ước, các bạn nhỉ?
-----
Cập nhật lúc 8:38 tối cùng ngày

Tôi mới tìm được trên mạng Kỷ yếu hội thảo mà tôi đã nêu ở trên, bản dịch tiếng Việt. Các bạn có thể vào đây để download và đọc nhé.

7 comments:

  1. Em đính chính chút: Trường vượt qua Harvard trên bảng xếp hạng QS là Cambridge. Còn trên bảng xếp hạng của THE thì Cambridge đứng thứ 6, ngang Oxford.

    http://www.topuniversities.com/university-rankings/world-university-rankings/2010/results
    http://www.timeshighereducation.co.uk/world-university-rankings/2010-2011/top-200.html

    SGK

    ReplyDelete
  2. Hi SGK,
    Ơ, đúng là cô nghĩ đến Cambridge, mà sao lại viết Oxford nhỉ? Em nói cô mới đọc lại đấy, và rất ngạc nhiên!

    Còn về việc Cambridge đứng thứ 6 trong THE thì cô không đọc kỹ, nên cám ơn em về chi tiết này.

    ReplyDelete
  3. Hi SGK (tt)

    Cô sửa lại rồi đấy, cám ơn em nhé.

    ReplyDelete
  4. Chào cô

    Em đã đọc sơ qua paper của GS Marginson. Tình cờ khi nãy Google paper đó (vì không bấm trực tiếp vào link cô đưa dc), em mới thấy một link vào blog cũ bác Tuấn, trong đó bác phê bình khá gay gắt nhận định của GS Marginson (nhưng là nhận định vào năm 2010, trong một hội thảo ở ĐH Monash):

    http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/03/phat-bieu-cua-gs-marginson-ve-ai-hoc.html

    Em xin không bình luận gì thêm về văn phong, lập luận trong entry của bác Tuấn, để đưa ra để mọi người tham khảo. :D

    SGK

    ReplyDelete
  5. Còn TQ, họ đã cải tổ từ năm 1976, và năm 1987 tôi có dịp đi Mỹ, tận mắt thấy số sinh viên TQ tràn ngập các đại học Mỹ

    Chị PA,
    Ngay sau khi Dặng Tiểu Bình lên, TQ dã dưa liền sinh viên sang học rồi. Tôi nhớ, chỉ khoảng 78-79, một hôm trong trường tôi, mọi người bàn tán khi thấy khoảng 25-30 sinh viên Á châu xuất hiện trong campus. Tất cả ăn mặt dồng phục kaki màu xám xanh, di giày vãi, dội mũ vãi, giống các công nhân bên TQ, y hệt trong các phim cô Kủng lợi dóng. Họ di dâu, cũng di chung từng nhóm trong trường. Buổi trưa, chắc dã dược ai dó dặn dò trước, khi dến cafeteria, nhóm sinh viên này tản ra, mỗi cô chia nhau dến một bàn ăn, ngồi chung với sinh viên trong trường. Không biết sao tất cả sang học ngành KHXH năm dó và con gái chiếm da số dến 80 %. Tôi vẫn còn nhớ một diều là sao gương mặt họ xanh mét, y hệt những người sống trong các vườn cao su lâu năm, không ra ánh sáng mặt trời. Khoảng 6 tháng sau, chắc cũng dược lệnh nào dó, các sinh viên này bỏ dồ dồng phục di, mặc dồ y hệt các sinh viên khác. Từ dó, họ hoà nhập y hệt các sinh viên Tàu dến từ Singapore, Hong Kong, Dài Loan v.vv

    Dặng Tiểu Bình lên cầm quyền, ông nói rằng TQ vô phương cạnh tranh với phương Tây,nếu không dưa sinh viên sang học khoa học kỹ thuật của họ. Ông dua sang khoảng 300 ngàn sinh viên, 2/3 số người này trở lại TQ, 1/3 ở lại. Hiện nay, TQ tìm kiếm các TS tốt nghiệp các trường top cuả Mỹ, dem về cho các Dại Học bên TQ, trong dó có các TS người Việt ( tin BBC một TS người Việt, tốt nghiệp Yale về Dại Học Thượng Hãi ). GS Ngô Bảo Châu cho biết ông nhận dược thư TQ mời sang TQ dạy học, nhưng 3 trường Dại Học gởi chung một lá thư, nói rằng ông về trường nào cũng dược. Trong khi dó, diều dáng buồn là Quốc Hội của nước ta thì ngăn chận lại, không cho GS Việt về nước vì sợ bị cài cấm v.vv ( theo GS Tuấn ).

    Van

    ReplyDelete
  6. (1) Một điển hình về tư duy chủ nghĩa lí lịch có thể xem qua hai phát biểu mới đây trong Quốc hội. Ông Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc Hội, nói : “không tán thành việc cho phép công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức vì quan ngại có thể bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động chống phá”. Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn thì cho rằng : “Nếu quy định Việt kiều được dự tuyển viên chức được thông qua thì phải quy định rất cụ thể về ngành, nghề và xem xét cả quá trình làm việc cũng như nhân thân của người dự tuyển …”

    http://nguyenvantuan.net/misc/9-misc/1094-lo-con-tau-anh-sang

    Một số các quan chức cho rằng rất khó quản lý các GS Việt Kiều, khi họ về giảng dạy trong nước, cho dù họ vô quốc tịch Viet Nam. Tại sao chúng ta phải quan tâm dến các dối tượng này ?

    ReplyDelete
  7. @Van và Anonymous: ý kiến về việc vấn đề Việt kiều trở về thi công chức báo Việt Nam Net từng có đăng nhưng ko biết có rút lại ko mà search không thấy.
    Chỉ tìm thấy 1 bài sơ lượt thế này
    http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201004/Viet-kieu-co-duoc-lam-vien-chuc-904100/
    Tuy nhiên báo Pháp luật TPHCM vẫn còn giữ 1 đoạn
    Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được dự tuyển viên chức là nội dung còn nhiều ý kiến trái chiều khi UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Viên chức chiều 20-7. Sau khi dự luật trình ra QH tại kỳ họp vừa qua, do còn có ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Pháp luật trình hai phương án. Phương án 1, đồng ý với quy định của dự luật: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam có thể đăng ký tuyển dụng làm viên chức. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể những lĩnh vực, ngành nghề, vị trí, điều kiện, quyền, nghĩa vụ… trong trường hợp Việt kiều được tuyển dụng làm viên chức.

    Phương án 2 là không quy định việc tuyển dụng viên chức là Việt kiều trong dự luật mà có thể sử dụng các cơ chế khác để huy động chất xám, trí tuệ của họ như ký hợp đồng vụ việc, hợp đồng lao động có thời hạn…

    Một số thành viên UBTVQH không đồng tình với phương án 1 vì cho rằng Việt kiều có hai quốc tịch (Việt Nam và nước ngoài) nếu cho thi tuyển viên chức sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, rắc rối trong quản lý… Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng cho rằng nếu quy định Việt kiều được dự tuyển viên chức được thông qua thì phải quy định rất cụ thể về ngành, nghề và xem xét cả quá trình làm việc cũng như nhân thân của người dự tuyển…
    http://phapluattp.vn/20100720114159486p0c1013/chinh-phu-se-trinh-vao-thoi-diem-thich-hop.htm

    ReplyDelete