Thursday, September 2, 2010

Đối sánh trong giáo dục đại học (1): Dẫn nhập

Loạt bài này tôi viết nhằm phục vụ một đề tài khoa học mà tôi đang thực hiện tại Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo.

Nghiên cứu thực sự là một quá trình gian lao và cô đơn. Đọc, nghiền ngẫm, viết, xóa đi rồi viết lại từ đầu; có khi càng viết càng thấy rối rắm, càng đọc càng thấy vấn đề phức tạp, và công việc không sao đi tới được. Đó là tâm trạng của tôi hiện nay.

Nên đưa lên đây, trước hết là để ... lưu, và để cho chính mình có cảm giác là công việc có chút tiến triển. Và cũng là để chia sẻ với những người cùng mối quan tâm, có thể là các bạn học viên trẻ đang cần tìm tài liệu để học, hoặc các đồng nghiệp và đàn anh. Quan trọng hơn hết, là hy vọng nó sẽ tạo ra một cuộc trao đổi, để giúp cho vấn đề sáng sủa, rõ ràng hơn. Một điều rất cần thiết để bổ sung cho quá trình tư duy độc lập trong cô đơn (hoan tịnh?) của một nhà nghiên cứu.

Xin các bạn đọc ở dưới đây. Hôm nay chỉ mới là phần 1, dẫn nhập. Và các tư liệu tham khảo cho đến nay. Hy vọng những phần tiếp sẽ nhanh chóng xuất hiện.

------
Dẫn nhập

Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang đổi mới quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, và tăng trách nhiệm giải trình của giáo dục đại học đối với xã hội, một số quan niệm và cách tiếp cận trong quản lý của phương Tây đã được đưa vào sử dụng, trong đó có benchmarking, mà ở đây chúng tôi tạm dịch là “đối sánh”. Đây là một cách tiếp cận trong quản lý trường đại học đang được áp dụng ở hầu hết các nước tiên tiến, được xem là có tiềm năng đem lại một giải pháp hữu hiệu giúp giáo dục đại học Việt Nam xác định được vị trí của mình trên bản đồ giáo dục đại học thế giới – một yêu cầu được đặt ra cho ngành giáo dục đã lâu nhưng đến nay dường như vẫn chưa thực hiện được.

Nhưng đối sánh, hay benchmarking, là gì? Xem xét các bài viết có liên quan đến đối sánh trong các tài liệu đã công bố ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy hiện nay sự hiểu biết về nó trong giới quản lý đại học còn quá ít ỏi. Điều này cũng dễ hiểu, trước hết là vì đây là một khái niệm còn khá mới trong giáo dục đại học, chỉ mới được áp dụng phổ biến trong quản lý giáo dục đại học từ thập niên 1990 trở lại đây. Không những thế, khái niệm này vẫn còn đang trong quá trình phát triển và thường xuyên có những bổ sung, điều chỉnh, và thay đổi, tùy theo chúng được áp dụng khi nào và ở đâu. Vì vậy, trước khi quyết định áp dụng đối sánh trong quản lý trong giáo dục tại Việt Nam, trước hết cần phải hiểu sâu hơn về khái niệm này, những điều kiện cần thiết để có thể áp dụng, và các khó khăn có thể gặp khi áp dụng trong thực tế của một trường đại học. Bài viết này được thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề vừa nêu.
----
Tài liệu tham khảo
(Ưu tiên đưa lên đây những tài liệu có thể tìm được trên Internet. Các chỉ dẫn về tài liệu cứng - in thành sách - mà tôi có trong tay sẽ được đưa lên sau, khi bài viết có yêu cầu trích dẫn).

1. Hai phương pháp định lượng nhằm tiếp cận ĐH đẳng cấp quốc tế. Vũ Thị Phương Anh, Phạm Thị Ly (2008). Đã đăng trên Tia Sáng, ở đây.

2. Chuẩn đối sánh (Benchmarking) và Phương pháp thực hành tốt nhất (Best Practices). Nguyễn Thị Lê Hoa. Tìm thấy ở đây.

3. Học hỏi từ phương pháp thực hành tốt nhất. Nguyễn Lê Hoa. Tìm thấy ở đây.

4. Benchmarking in HE. Tài liệu bằng tiếng Anh từ database của ERIC. Có thể tìm thấyở đây

2 comments:

  1. Tôi tò mò không biết chị tâm đắc với triết lý giáo dục của ai? Dewey?

    ReplyDelete
  2. Chào Minh Minh,
    Cám ơn bạn ghé nhà. Câu hỏi của bạn hay lắm và nó bắt tôi phải suy nghĩ, do trước giờ tôi cũng chưa bao giờ đặt câu hỏi này cho mình. Có lẽ tôi thuộc phái ecclectism, tức không theo hẳn chủ nghĩa nào, bạn ạ. Nhưng Dewey là một trong những nhà giáo dục mà tôi ngưỡng mộ.

    ReplyDelete