Các hệ thống phân loại đối sánh
Song song với sự tồn tại rất nhiều định nghĩa khác nhau về đối sánh, các hệ thống phân loại đối sánh cũng rất nhiều và đa dạng, dựa trên các cơ sở phân loại khác nhau. Nhìn chung, có thể nêu ba cơ sở để phân loại đối sánh: phân loại theo chuẩn đối sánh (so sánh với ai?), phân loại theo mục tiêu đối sánh (so sánh để làm gì?), hoặc phân loại theo phương pháp thực hiện (so sánh như thế nào?).
a) Phân loại theo chuẩn đối sánh
Phân loại theo chuẩn đối sánh (so sánh với ai) là cách phân loại dễ nhận ra nhất, và cũng là cách phân loại cơ bản nhất. Hệ thống phân loại đầu tiên dựa trên chuẩn đối sánh là do Camp đưa ra vào năm 1989, gồm 3 loại như sau (dẫn lại theo Dale et al 2007:481-482):
1. Đối sánh nội bộ (Internal benchmarking)
Theo nhóm tác giả Dale et al (2007:481), đây là cách đối sánh đơn giản và dễ thực hiện nhất. Việc so sánh được thực hiện trong nội bộ của các đơn vị thuộc cùng một hệ thống. Một đơn vị khi mới bắt đầu thực hiện đối sánh thường áp dụng phương pháp này để so sánh các bộ phận với nhau, và thông qua việc này những phương pháp thực hành hoặc sáng kiến tốt có thể được chia sẻ rộng rãi trên toàn hệ thống.
2. Đối sánh cạnh tranh (Competitive benchmarking)
Theo Dale et al (2007:481), loại đối sánh này nhằm so sánh một đơn vị với đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình. Đối tượng của sự so sánh có thể là bất kỳ điều gì – từ sản phẩm, dịch vụ, đến quy trình hoạt động trong thị trường mà mình nhắm đến (target). Đa số các dự án đối sánh đều thực sự nhắm vào loại đối sánh này. Tuy nhiên, đối sánh cạnh tranh không hề dễ thực hiện, nếu không muốn nói là không thể thực hiện, vì việc thu thập thông tin để so sánh sẽ khó khăn do bản chất cạnh tranh giữa hai bên.
3. Đối sánh chức năng/đối sánh tổng quát (Functional/generic benchmarking)
Loại đối sánh này nhằm khắc phục nhược điểm thiếu thông tin của phương pháp đối sánh cạnh tranh. Dale et al (2007:481-482) định nghĩa đối sánh chức năng/tổng quát là sự so sánh với các quy trình tối ưu của một ngành công nghiệp cụ thể nào đó, trong đó “đối sánh chức năng” được sử dụng nếu các đơn vị được so sánh có sự tương tự về mặt tổ chức, còn “đối sánh tổng quát” được sử dụng khi các đơn vị không giống nhau về tổ chức nhưng vẫn có những quy trình hoạt động tương tự như nhau, và vì thế có thể học hỏi được của nhau. Rõ ràng là so với đối sánh cạnh tranh thì loại đối sánh này dễ thực hiện hơn nhiều, do giữa các đơn vị đơn vị tham gia đối sánh không có sự cạnh tranh nên sẵn sàng chia sẻ thông tin và việc công khai học hỏi lẫn nhau cũng dễ dàng hơn.
(còn tiếp)
Friday, September 3, 2010
Đối sánh trong giáo dục đại học (3): Các hệ thống phân loại đối sánh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment