b) Phân loại theo mục tiêu đối sánh
Hệ thống phân loại của Camp (1989) khá đơn giản, dễ hiểu và được hầu hết các tác giả chấp nhận như một hệ thống phân loại cơ bản. Tuy nhiên, vì nó khá tổng quát, nên tính hữu ích của nó chưa cao, và cần được bổ sung bằng những cách phân loại khác. Một hệ thống như vậy đã được đưa ra trong Appleby (1999:60-66), theo đó có thể nhóm các loại đối sánh theo 3 mục tiêu chính như sau: đối sánh để hiểu rõ hiện trạng của chính mình; đối sánh để xác định khoảng cách giữa mình và các chuẩn mực khách quan bên ngoài mà mình muốn đạt đến; và đối sánh để học hỏi phương pháp thực hành tốt nhất từ bên ngoài hòng triển khai thực hiện tại đơn vị.
Tương ứng với các mục tiêu nói trên là 3 loại đối sánh mà Appleby (1999:60) gọi là đối sánh trắc lượng (metric benchmarking), đối sánh chẩn đoán (diagnostic benchmarking), và đối sánh quy trình (process benchmarking).
1. Đối sánh trắc lượng (Metric benchmarking)
Theo Appleby (1999:61), đối sánh trắc lượng vốn thường được áp dụng trong sản xuất và dịch vụ nhằm so sánh trực tiếp để xác định vị trí của một đơn vị/bộ phận so với những đơn vị/bộ phận khác, có thể trong cùng một hệ thống hoặc so sánh với bên ngoài,. Từ “trắc lượng” (metrics) được dùng như một từ đồng nghĩa với của cụm từ “chỉ báo hoạt động” (performance indicator, PI), nhưng nhấn mạnh tính khả lượng (đo lường được) và khả sánh (so sánh được) của các kết quả đo đạc.
Đối sánh trắc lượng thường là bước đầu tiên trong quá trình áp dụng đối sánh trong quản lý. Phương pháp này giúp các nhà quản lý nắm được những thông tin nhanh về hoạt động của đơn vị, chẳng hạn như tỷ lệ giảng viên trên sinh viên hoặc chi phí bình quân trên đầu sinh viên của một trường. Những kết quả trắc lượng như vậy khá dễ hiểu, và một khi các thông tin cần thiết đã được thu thập thì việc so sánh giữa đơn vị này với đơn vị khác cũng rất dễ dàng, thuận tiện.
Việc áp dụng đối sánh trắc lượng vì vậy đã trở nên rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Ở nhiều nước, chẳng hạn như ở Mỹ từ lâu nay, và gần đây là cả Việt Nam với yêu cầu “ba công khai” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường được yêu cầu phải công bố các số liệu) thông dụng về hoạt động của một trường đại học rộng rãi đến công chúng. Các bảng xếp hạng trường đại học (league table hoặc college ranking list) mà các cơ quan truyền thông vẫn thực hiện và cung cấp cho độc giả hằng năm cũng có thể được xem là một loại đối sánh trắc lượng, chúng giúp các độc giả nhanh chóng so sánh các trường với nhau.
Tuy nhiên đối sánh trắc lượng khá hữu ích và thuận tiện trong triển khai, nhưng cần lư ý rằng bản thân việc đối sánh trắc lượng chưa hề có bất kỳ tác động gì trong việc cải tiến hoạt động của một trường. Điều này là do mục tiêu của đối sánh trắc lượng chỉ hạn chế trong việc giúp đơn vị hiểu rõ chính mình thông qua vị trí so với các đơn vị khác, chứ chưa quan tâm đến việc tìm hiểu khoảng cách giữa mình và những người tốt hơn, càng chưa thể nói đến việc tìm cách để lấp đầy khoảng trống đó. Những điều này sẽ được giải quyết bởi hai loại đối sánh còn lại.
(còn tiếp)
Friday, September 3, 2010
Đối sánh trong giáo dục đại học (4): Các hệ thống phân loại đối sánh - Phân loại theo mục tiêu
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment