Thursday, September 2, 2010

Đối sánh trong giáo dục đại học (2): Xuất xứ, định nghĩa, và khái niệm

Đối sánh: Xuất xứ, định nghĩa, và khái niệm

Đối sánh là một cách tiếp cận quản lý xuất phát từ lĩnh vực kinh doanh, được sử dụng phổ biến tại Hoa Kỳ từ thập niên 80, sau thành công của tập đoàn Xerox khi áp dụng đối sánh để cải thiện hoạt động và tồn tại trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ Nhật Bản (Dale et al 2007: 480). Theo nhóm tác giả Smith et al (1999:55), đối sánh có thể được xem là một phần của quá trình cải tiến liên tục theo triết lý quản lý mới được cổ xúy bởi phong trào TQM (Total Quality Management, tức Quản lý chất lượng tổng thể) – một phong trào bắt đầu từ một vài thập niên trước đó.

Việc áp dụng đối sánh trong quản lý giáo dục đại học xảy ra vào khoảng thập niên 1990. Vào thời điểm này, giáo dục đại học trên toàn thế giới đang trải qua rất nhiều thay đổi, như sự gia tăng đột biến nhu cầu học tập ở bậc đại học, sự cắt giảm các khoản hỗ trợ từ ngân sách của chính phủ dành cho các trường đại học, áp lực cạnh tranh giành sinh viên của các trường, và đòi hỏi của xã hội về trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Những thay đổi trên đã khiến các nhà lãnh đạo và quản lý các trường đại học quan tâm tìm ra những phương pháp quản lý hữu hiệu để tiếp tục tồn tại và cạnh tranh, tương tự như sự cạnh tranh giữa các công ty Mỹ và Nhật trên thương trường cách đó khoảng một thập niên. Đây chính là lý do thúc đẩy các trường đại học quan tâm áp dụng đối sánh trong việc quản lý nhà trường (Smith et al 1999).

Cho đến nay, đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về đối sánh, và đây chính là một trong những lý do dẫn đến những nhầm lẫn trong việc hiểu và áp dụng phương pháp đối sánh trong quản lý (Smith et al 1999:54). Để minh họa cho nhận định này, Smith et al đã liệt kê một loạt các định nghĩa của các tác giả khác nhau như dưới đây (1999:54-55). Để bạn đọc tiện theo dõi sự phát triển của khái niệm đối sánh, chúng tôi đã sắp xếp lại các định nghĩa được nêu trong Smith et al (1999) theo trình tự thời gian.

[Đối sánh là] một quá trình liên tục có hệ thống để đánh giá các sản phẩm, dịch vụ và quy trình làm việc tại các đơn vị đã được xác định là đại diện cho phương pháp thực hành tốt nhất nhằm mục tiêu cải thiện tổ chức.
Spendolini, 1992

Đối sánh làm cùng một lúc hai việc: Đề ra các mục tiêu bằng cách sử dụng các chuẩn khách quan bên ngoài, và học hỏi xem phải cần bao nhiêu, và có lẽ quan trọng hơn cả, là học hỏi xem cần làm như thế nào [nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra]
Boxwell, 1994

Đối sánh là quá trình liên tục đo lường các sản phẩm, dịch vụ và quy trình và so sánh với các đối thủ mạnh nhất hoặc những đơn vị có danh tiếng nhất trong lãnh vực riêng của họ.
Ziari and Leonard, 1994

Đối sánh là tìm kiếm và triển khai các phương pháp thực hành tốt nhất.
Camp, 1995

Đối sánh là quá trình tìm kiếm các phương pháp thực hành tốt nhất (best practices) từ bất cứ công ty nào, trong bất kỳ ngành công nghiệp nào, tại bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Evens and Lindsay, 1996

Đối với một người lần đầu tiên tiếp xúc với thuật ngữ “đối sánh” thì những định nghĩa nói trên – và đây chỉ mới là một liệt kê sơ khởi chứ chưa phải là tất cả – khá là phức tạp và rối rắm. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp đặt những câu hỏi thông thường what, how, by whom, và why để tìm hiểu khái niệm đối sánh qua các định nghĩa vừa nêu, ta có thể thấy hai yếu tố nghĩa cốt lõi của khái niệm đối sánh như dưới đây. Những từ được in đậm là những từ trích nguyên văn từ các định nghĩa ở trên.

a)Đối sánh là gì và được thực hiện như thế nào?

Đối sánh là hoạt động đánh giá, đo lường, hoặc so sánh các sản phẩm, dịch vụ, hoặc quy trình hoạt động của một đơn vị với một chuẩn bên ngoài. Hoạt động này được thực hiện theo một quá trình liên tục và có hệ thống. Đối tượng của đối sánh, tức “chuẩn đối sánh”, được chọn vì nó là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất hoặc đơn vị tốt nhất trong lãnh vực của mình.

b)Đối sánh để làm gì?

Mục đích của đối sánh là đề ra các mục tiêu cho một đơn vị bằng cách sử dụng các chuẩn khách quan từ bên ngoài, và học hỏi để triển khai những phương pháp thực hành tốt nhất tại đơn vị của mình với mục đích tự cải thiện.

Sử dụng ngôn ngữ bình dân, với hai yếu tố nghĩa nêu trên ta có thể đưa ra một định nghĩa khá đơn giản về “đối sánh” như sau: “Đối sánh (a) là bắt chước cách làm của những người khá hơn mình, (b) để mình cũng có thể đạt được kết quả tốt như họ”. Với định nghĩa “nôm na” này, logic của việc áp dụng đối sánh trong quản lý để cải tiến là rất hiển nhiên và không thể tranh cãi, đồng thời việc thực hiện đối sánh dường như cũng là một việc làm khá đơn giản, dễ dàng.

Thật ra, trên thực tế mọi việc phức tạp hơn rất nhiều, vì khi bắt đầu áp dụng đối sánh ta sẽ thấy một loạt câu hỏi cần được đặt ra, ví dụ như: Bắt chước ai? Tại sao bắt chước người này mà không bắt chước người khác? Bắt chước mỗi nơi một ít có được không, hay phải bắt chước một người từ đầu đến cuối? Bắt chước thế nào đây khi điều kiện của ta không hoàn toàn giống họ? Liệu bắt chước rồi có chắn chắn sẽ thành công giống như họ hay không? Cũng chính là để giải quyết những vấn đề được đặt ra trong những câu hỏi trên mà các nhà lý luận và thực hành về quản lý đã liên tục đưa ra rất nhiều phương pháp đối sánh khác nhau. Các phương pháp đối sánh trong phần tiếp theo.
----------
Tài liệu tham khảo
Dưới đây là những tài liệu tham khảo trong phần 2 này. Sorry, tài liệu giấy, chứ không có trên mạng đâu nhé!

1. Dale, G. B., T. van der Wiele, and J. van Iwaarden (eds) (2007) Managing Quality (5th ed) Oxford: Blackwell.
2. Smith, H., M. Armstrong, and S. Brown (eds) (1999) Benchmarking and threshold standards in higher education. London: Kogan Page.

No comments:

Post a Comment