Saturday, October 2, 2010

Đối sánh trong giáo dục đại học (8): Đối sánh trắc lượng và Xếp hạng

Như các bạn đã biết, tôi đang viết về đối sánh để phục vụ cho một đề tài liên quan đến xếp hạng đại học cho giáo dục VN.

Bài đang viết thì bị bỏ dở, gián đoạn do tôi có nhiều việc khác nên không tập trung được. Và cứ mỗi lần tôi đọc lại bài viết cũ thì tôi lại sửa một ít, nên đến nay nó đã rất khác với bản mà tôi lưu trên blog này.

Dù sao thì hôm nay tôi cũng đã viết thêm một vài ý mới, nên muốn đưa lên đây để cất giữ, và chia sẻ với mọi người, đồng thời mong có thêm những ý kiến trao đổi để có hứng và có ý tưởng mà viết tiếp.

Phần tôi đưa lên đây là phần tôi viết lại và bổ sung thêm kha khá vào phần "Đối sánh trắc lượng" (metric benchmarking) mà tôi đã viết hôm trước.

Read, and enjoy (?), và comment, các bạn nhé!

----------------
Theo Appleby (1999:61), đối sánh trắc lượng là một phương pháp rất thường được áp dụng trong sản xuất và dịch vụ để so sánh một đơn vị/bộ phận với những đơn vị/bộ phận khác, trong cùng một hệ thống hoặc ngoài hệ thống. Từ “trắc lượng” (metrics) được dùng ở đây như một từ đồng nghĩa với của cụm từ “chỉ báo hiệu suất” (còn gọi là “chỉ số hoạt động”, tiếng Anh là performance indicator, viết tắt là PI), nhưng nhấn mạnh tính khả lượng (đo lường được) và khả sánh (so sánh được) của các kết quả đo đạc.

Đối sánh trắc lượng thường là bước đầu tiên trong quá trình áp dụng đối sánh trong quản lý giáo dục đại học. Phương pháp này giúp các nhà quản lý nắm được những thông tin nhanh về hoạt động của đơn vị, chẳng hạn như tỷ lệ giảng viên trên sinh viên hoặc chi phí bình quân trên đầu sinh viên của một trường. Những kết quả trắc lượng như vậy khá dễ hiểu, và một khi các thông tin cần thiết đã được thu thập thì việc so sánh giữa đơn vị này với đơn vị khác cũng rất dễ dàng, thuận tiện.

Hiện nay, việc áp dụng đối sánh trắc lượng trong quản lý giáo dục đã rất phổ biến trên thế giới. Ở Mỹ, từ nhiều năm nay các trường đã tự nguyện công bố rộng rãi các số liệu thông dụng về hoạt động của một trường đại học thông qua Bộ số liệu chung (Common Data Set, viết tắt là CDS), nhằm giúp nhau hiểu rõ hơn về hoạt động của ngành. Với bộ số liệu này, các trường hoàn toàn có thể thực hiện việc đối sánh với các “đối thủ” hoặc “thần tượng” do chính mình chọn, từ đó có thể học hỏi và cải thiện theo những mục tiêu được xác định trước.

Cần mở ngoặc ở đây để so sánh đối sánh trắc lượng với xếp hạng. Nhìn bên ngoài, xếp hạng rất giống đối sánh trắc lượng vì cả hai cùng thực hiện đo đạc hoạt động của các đơn vị rồi đem ra so sánh. Thật ra, sự giống nhau đó chỉ liên quan đến phương pháp thực hiện; còn mục tiêu của xếp hạng và đối sánh là rất khác nhau. Trong xếp hạng, việc so sánh có mục đích tự thân: so sánh để xác định vị trí cao thấp, với mục đích xem ai hơn, ai kém. Có được thứ hạng của các trường, đó là mục đích cuối cùng của việc xếp hạng đại học. Trong khi đó, đối sánh không đặt mục đích so tài cao thấp. Suy cho cùng, điều ấy đã được xác định trước khi so sánh, vì đối tác đối sánh thường là người ngang tầm cỡ hoặc khá hơn mình. Đối sánh chỉ nhằm giúp một đơn vị hiểu rõ những cái dở của chính mình và học hỏi từ những cái hay của người khác.

Đến đây ta có thể hiểu được lý do của sự nhầm lẫn thường gặp liên quan đến hai khái niệm “đối sánh” và “xếp hạng” khi nói đến chất lượng trường đại học. Hai khái niệm này giống nhau về phương pháp triển khai, còn khác biệt của chúng thì nằm ở mục đích của hành động. Vì vậy, khi các trường tự nguyện cung cấp thông tin và tham gia xếp hạng hàng năm để có được sự so sánh với đối thủ hoặc thần tượng của mình nhằm mục đích học hỏi và cải thiện, thì lúc ấy xếp hạng trở thành đối sánh trắc lượng mà các trường không tự làm và ủy quyền cho một đơn vị bên ngoài thực hiện. Kết quả so sánh giữa các trường (tức thứ hạng của các trường) lúc ấy sẽ được sử dụng như một phần của kế hoạch tự cải thiện. Trong trường hợp xếp hạng đã được xem như "đối sánh ủy quyền" thì dù một trường có đạt thứ hạng nào cũng không quan trọng. Điều quan trọng là hiểu được tại sao mình lại có thứ hạng ấy, và phải làm gì để cải thiện các hoạt động của mình.

Trở lại với đối sánh trắc lượng, do phương pháp này nhấn mạnh tính khả lượng và khả sánh của các kết quả đo đạc nên nó được xem là khá hữu ích đối với những nhà quản lý. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phương pháp định lượng cũng có những hạn chế của nó, vì không phải mọi điều có ý nghĩa đều có thể đo được, và không phải cái gì đo được cũng có ý nghĩa. Ngoài ra, cần hết sức lưu ý rằng bản thân việc đo đạc và so sánh tự nó không tạo ra sự cải tiến. Đối sánh trắc lượng (hay xếp hạng có chủ đích, xin xem thêm phần thảo luận về xếp hạng trong đoạn trên) trong trường hợp lý tưởng nhất cũng chỉ có thể giúp một đơn vị hiểu rõ mình đang ở đâu so với các đơn vị khác. Tuy nhiên, nó không chỉ ra được nguyên nhân tại sao mình đứng ở vị trí đó mà không phải là vị trí của một đối thủ/thần tượng thành công hơn mình, và càng không thể chỉ ra các biện pháp giúp xóa đi khoảng cách đó. Vì vậy, nhất thiết phải có những phương pháp đối sánh khác.

No comments:

Post a Comment