2. Đối sánh chẩn đoán (diagnostic benchmarking)
Đối sánh chẩn đoán, như tên gọi của nó, có mục đích chẩn đoán – tức xác định khoảng cách giữa đơn vị của mình so với những chuẩn khách quan bên ngoài do chính đơn vị tự lựa chọn. Loại đối sánh này dường như không được áp dụng phổ biến, mà chỉ sử dụng như những dự án tìm hiểu thông tin về những vấn đề cần quan tâm khi thực sự cần thiết – giống như ta chỉ đi khám bệnh khi tìm thấy những triệu chứng của bệnh.
Trong bài viết “The business approach to benchmarking – An exploration of the issues as a background for its use in higher education” (1999: 117-31), Yarrow (1999) đã thuật lại một dự án đối sánh chẩn đoán được thực hiện ở Anh trong thập niên 1990. Theo Yarrow (1999:121), đối sánh chẩn đoán bổ sung rất tốt cho những hạn chế của phương pháp đối sánh trắc lượng, vì nó không chỉ thu thập những số liệu (“trắc lzượng”) rời rạc và khô khan (ví dụ: tỷ lệ máy tính trên sinh viên, tỷ lệ giảng viên ztrên sinh viên, vv). Ngược lại, nó buộc người tham gia phải có cái nhìn tổng hợp về mọi khía cạnh của vật đối sánh (đơn vị thực hiện đối sánh) và chuẩn đối sánh (đối thủ mạnh nhất hoặc đơn vị thành công nhất của ngành, vv), trên cơ sở lấy kết quả cuối cùng để làm căn cứ xác định khoảng cách – tức những gì chưa tốt mà đơn vị cần biết rõ và có biện pháp cải thiện để cạnh tranh được với đối thủ.
Ở trên ta đã nhận xét đối sánh trắc lượng là một cách làm rất giống với xếp hạng. Sự khác biệt giữa đối sánh trắc lượng với xếp hạng là ở chỗ trong đối sánh thì chính vật đối sánh là người chọn tiêu chí và thực hiện so sánh để đưa ra kết quả cho chính mình, còn trong xếp hạng thì mọi việc là do một bên thứ ba thực hiện. Ở đây, ta lại thấy có tình trạng tương tự giữa đối sánh chẩn đoán và tự đánh giá trong kiểm định chất lượng. Cả hai đều nhằm mục đích tìm ra khoảng cách giữa thành quả đạt được của đơn vị và một chuẩn mực khách quan nào đó từ bên ngoài. Sự khác biệt chủ yếu giữa hai phương pháp này là ở chỗ, đối sánh chẩn đoán so sánh thành tựu của chính mình với thành tựu mà một đơn vị khác đã đạt được (tức lấy đơn vị khác làm chuẩn cho mình), còn tự đánh giá trong kiểm định chất lượng thì so sánh thành tựu hiện có của chính mình với một bộ chuẩn tổng quát do cơ quan kiểm định đặt ra.
Trong hoàn cảnh chưa có một định nghĩa chính thức cho đối sánh chẩn đoán, chúng tôi tin rằng so sánh vừa nêu về sự tương đồng và khác biệt giữa đối sánh chẩn đoán với tự đánh giá trong kiểm định chất lượng cũng có thể giúp ta hiểu được bản chất của phương pháp đối sánh này. Nói vắn tắt, đối sánh chẩn đoán là một bước phát triển tiếp theo của đối sánh trắc lượng trong việc giúp đơn vị hiểu rõ những chỗ thiếu của mình để có thể lập kế hoạch thay đổi và trở nên mạnh như đối thủ hoặc thần tượng của mình.
Saturday, September 4, 2010
Đối sánh trong giáo dục đại học (5): Đối sánh chẩn đoán (diagnostic benchmarking)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment