Tôi đã định không nói gì về CSU. Lý do ư? Chỉ là sự thận trọng, không muốn xô đẩy hoặc lôi kéo dư luận, tạo ra đám đông hoan hô đả đảo ầm ĩ. Và cũng không muốn là một phần của cái đám đông ấy. Một trò mà ở VN nếu không có tôi thì cũng đã có nhiều lắm rồi, không cần phải tôi góp tay thêm vào đấy nữa, tôi nghĩ vậy. ;-)
Nhưng không nói gì khi mình có thông tin, đặc biệt là khi thông tin ấy có thể có ích cho người khác, thì cũng không phải là tính cách của tôi. Thực ra, hồi trẻ hơn (mới cách đây chừng vài năm thôi), tôi còn bị nhiều người rất ghét vì ... việc chẳng phải của mình cũng chõ mũi vào!
Dài dòng thế, để giải thích entry này. Cũng như nhiều entries khác trên blog này, tôi viết vì có bạn bè, người thân, hoặc sinh viên gọi đến và hỏi thông tin. Vì gần đây, trên báo chí và các blog cá nhân có đề cập đến trường này với hai luồng dư luận trái ngược nhau (well, có lẽ cũng hơi giống vụ UBI): 1. Đây là một trường dỏm, và đào tạo như vậy là lừa đảo người học; 2. Đây là một trường tốt, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có điều kiện học hành (thậm chí còn giúp Bộ Giáo dục đạt chỉ tiêu đào tạo mấy trăm ngàn thạc sĩ, mấy chục ngàn tiến sĩ để nâng cao chất lượng đào tạo nữa!)
Trước hết, xin nói về những hiểu biết của tôi về CSU. Cũng giống như UBI, tôi biết về trường này đã lâu, thậm chí có thời gian được mời làm tutor cho trường này nữa chứ! Tutor, theo định nghĩa của họ, là những người có bằng cấp (họ prefer những người có bằng tiến sĩ, nhưng thạc sĩ cũng được), có thể đọc hiểu tài liệu bằng tiếng Anh và cũng đứng lớp được bằng tiếng Anh, được mời để giúp học viên hiểu tài liệu (họ đưa sách giáo khoa kèm slide bài giảng cho mình) và có thể làm được các bài kiểm tra cuối mỗi bài học. Còn giảng viên của trường thì họ cũng có bay sang, nhưng rất ngắn, hình như mỗi lần sang 1, 2 tuần gì đó là xong một môn học (không kể thời gian tutor như tôi đã nêu ở trên).
Như vậy, tức là họ cũng có hoạt động ... tương đối đàng hoàng, tôi nghĩ thế, chứ không phải cố tình gian lận, vì họ có tổ chức giảng dạy thật, có giúp sinh viên hiểu bài, và học hành thì cũng kiểm tra đầy đủ. Kiểm tra như thế nào ư? Họ dùng Blackboard, mỗi sinh viên có một account, có thể vào trao đổi về bài học trong mỗi môn học (tôi thấy hình như học viên chẳng trao đổi gì mấy thì phải), lấy tài liệu đọc thêm, và thực hiện các bài kiểm tra trên tên của mình. Tất nhiên, có phải đúng là chính học viên làm, hay người khác làm còn học viên chỉ việc đánh kết quả vào, lại là chuyện khác. Cái đó thuộc về đạo đức của mỗi sinh viên (mà gian lận, quay cóp thì ở đâu chẳng có nhỉ, học từ xa hay "học từ gần" gì cũng thế, có điều "học từ gần" thì giảng viên có thể nắm trình độ của học viên tốt hơn nên cũng khó gian lận hơn).
Chương trình học của họ thì công khai trên trang web, ai cũng có thể kiểm tra được, và tôi nghĩ không thấp hơn những chương trình chung. Nhưng thật ra chương trình thì ai chẳng có thể bắt chước từ một nơi khác phải không (các trường VN bây giờ cũng tham khảo chương trình quốc tế vậy). Quan trọng là giảng viên có tốt hay không thôi.
Giảng viên ở bên kia qua thì thực sự tôi không biết, nhưng riêng khoản tutor thì họ cũng ... hơi ẩu thật đấy. Từ kinh nghiệm của tôi, tôi thấy họ chẳng cần chuyên môn gì (mặc dù cũng bắt nộp lý lịch và nộp bằng). Thì bằng của tôi là giáo dục, và đo lường đánh giá mà, chứ đâu có phải là quản trị kinh doanh gì đâu. Khi tôi được giới thiệu tham gia, tôi hiểu đó chỉ là kèm phần ngôn ngữ, té ra là có những học viên (well, ở mấy cái lớp mà tôi phụ trách) mong đợi hết ở mình như một giảng viên, họ đến lớp chẳng chuẩn bị gì, mình cứ như là giảng viên chính thức ấy, phải giảng lại mọi thứ, rồi bắt họ làm việc, mà họ thì đi học bữa đực bữa cái, đến trễ về sớm (mặc dù có điểm danh), và có những người chỉ chăm chăm quan tâm đến việc giải các bài kiểm tra (khá dễ) sau mỗi bài học hoặc sau mỗi phần trong chương trình.
Tóm lại, là một môi trường dạy học rất lạ, đối tượng học viên cũng rất khác, và môn học thì hoàn toàn xa lạ với tôi, nên sau một thời gian tham gia một cách vật vã, tôi ... quit!
Đấy, trường CSU qua kinh nghiệm của tôi là như thế. Kinh nghiệm đó cũng rất ngắn, chỉ vài tháng, tổng cộng mười mấy buổi tiếp xúc với học viên thôi. Nhưng cũng nêu ra cho các bạn biết.
Nhưng đấy không phải là thông tin chính mà tôi muốn đưa. Mục đích chính của entry này là thông tin đến các bạn về những đánh giá của chính học viên Mỹ về CSU - vâng, đây là một truờng chuyên dạy online, đang hoạt động hợp pháp (hợp pháp thì khác với có chất lượng nhé, mà chất lượng thì là một khái niệm tương đối và một trong những định nghĩa của chất lượng là "đáng đồng tiền", hoặc "phù hợp mục tiêu", các bạn ạ). Ở Mỹ cũng rất nhiều người học, và, vì là Mỹ mà, nên nếu bạn muốn tìm hiểu về truờng này chỉ cần lên mạng tìm những thông tin do xã hội dân sự cung cấp - báo chí, các công ty truyền thông giáo dục, các nhóm cùng quan tâm tập hợp lại một cách tự nguyện theo kiểu câu lạc bộ, các tổ chức đánh giá giáo dục tư nhân vv - là có đủ thông tin ngay thôi.
Và hôm qua, sau khi nghe một người quen gọi điện hỏi, tôi đã "do a bit of research" trên mạng, và tìm thấy trang này, mà theo tôi là rất tốt. Một trang để các học viên vào đánh giá (review) về các trường mà họ đã học.
Trong trang này có gì? Cho đến sáng nay, đã có 126 bản reviews của cựu học viên của CSU rồi, và có những review rất chi tiết, có nhiều giá trị thông tin. Rủi thay cho CSU, review gần đây nhất, ngày 26/8/2010, là một review rất xấu. Các bạn cứ thử vào đọc xem, tôi không trích ở đây vì tôi muốn giữ vai trò khách quan, không yêu không ghét, để những phán đoán của mình được chính xác.
Tôi ngồi đọc những review kế tiếp, và thấy review ngay sau bản review rất xấu (và khá dài) mà tôi nêu ở trên là một review ... rất tốt (nhưng rất ngắn gọn). Tò mò, tôi ngồi đọc kỹ 10 review trên cùng, rồi dựa trên bài review để tự mình cho điểm từ 1 (rất xấu) đến 5 (rất tốt) và chia trung bình 10 bản review đó, và tôi có điểm trung bình là ... 3.5 (3 là mức giữa, tức đạt loại trung bình). Vậy 3.5 là ... trên trung bình một chút! (Ấy chết, đó không phải là kết luận đâu, chẳng qua là tôi hay đo đạc, nên thử ... nghịch ngợm một chút với các điểm số mà thôi. Nhưng hình như nó cũng trùng với suy nghĩ của tôi hay sao ấy?)
Và những thông tin cuối cùng đây:
- Trong các reviews mà tôi đã đọc, những người khen CSU chủ yếu khen những điểm sau: (1) chương trình linh hoạt về thời gian, tiện cho người đi làm; (2) đầu vào dễ, học dễ, dễ lấy bằng (!). Ngoài ra, có một số người còn khen (3) giảng viên và nhân viên phục vụ tận tình (4) tài liệu đầy đủ. Đa số những người khen CSU cũng thừa nhận là CSU không có kiểm định vùng mà chỉ kiểm định quốc gia, khó chuyển đổi qua lại (nói theo kiểu VN là không liên thông), nhưng họ cũng chấp nhận điều đó.
- Còn những người chê, thì họ cũng chê thậm tệ và chủ yếu là ở điểm 2 mà tôi nêu ở trên. Họ shocked vì chương trình quá dễ, chẳng đòi hỏi sinh viên làm việc, đầu vào cũng dễ, thi cử như ... cà rỡn (!), ai học thì nếu không tự bỏ học giữa chừng chắc cũng qua hết, ngon ơ! Học hành như thế nên nếu các truờng kiểm định vùng nó chê không chấp nhận cũng là đúng thôi! Và xin đi làm cũng không phải ai cũng chấp nhận (thì tôi đã nói, kiểm định của DETC chỉ là sơ sơ, phơn phớt thôi, nó kiểm định loại chương trình từ xa, là loại dành nâng cao dân trí, giống tại chức ở VN ấy, chứ không phải để đào tạo nhân tài như Hội Khuyến học đã phát biểu đâu ạ!)
Đấy, thông tin tôi có là như thế. Lời khuyên ư? Tôi bắt chước các nhà tư vấn kiểu Mỹ: tùy mục tiêu và điều kiện của các bạn. Cũng giống như ở VN, nếu không có điều kiện học chính quy, thì học tại chức, tại sao không? Vấn đề còn lại nằm ở người sử dụng lao động, họ đối xử ra sao với loại bằng tại chức như thế này. Nếu chẳng cần chất lượng, cứ hễ có bằng, dù tại chức chuyên tu, hay giả, dỏm gì cũng được đưa vào vị trí cao hơn (như hiện nay, hic hic hic), thì có cấm CSU hay Irvine hay UBI ví dụ thế, thì các trường khác cũng sẽ vào, hoặc các trường dỏm trong nước sẽ xuất hiện (thật ra là đã xuất hiện!!!), cũng đâu vào đó các bạn ơi!
Cho nên, vấn đề bằng giả, bằng dỏm vv theo tôi nghĩ, không chỉ nằm ở việc cấm hay không cấm các trường nước ngoài (tất nhiên cũng phải quản lý chứ không buông lỏng như thế này), mà còn cần, trước hết là mỗi người học tự ý thức, rồi kế đó và quan trọng nhất là thái độ đối với bằng cấp của người sử dụng lao động ra sao. Đây mới là mấu chốt của vấn đề, thực thế!!!!!
Tôi lại nhớ một câu mà GS Nguyễn Chung Tú, trước đây dạy ĐH Khoa học Sài Gòn, sau 1975 vẫn còn dạy ở ĐH Tổng Hợp, có lần đã viết hình như trên Tuổi Trẻ, đại khái là "xã hội cần những con người như thế nào thì ngành giáo dục sẽ tạo ra những con người như thế". Các bạn cứ thử ngẫm nghĩ mà xem, sâu sắc lắm đấy!
-----
À quên nữa, tôi có một đề nghị tha thiết: Mấy người có bằng loại này, ai sử dụng đâu thì sử dụng, tốt nhất là để họ làm business, nhưng TUYỆT ĐỐI KHÔNG NÊN ĐỂ CHO HỌ NẮM CÁC CHỨC VỤ QUẢN LÝ VỀ CHUYÊN MÔN Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHÉ! Nếu không thì ... ngành giáo dục của Việt Nam chắc là chết tiêu thôi, Bộ Giáo dục ơi!!!!!!!!
Wednesday, September 8, 2010
Columbia Southern University (CSU) là một trường như thế nào?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Thưa,
ReplyDeleteTôi vừa đọc xong loạt bài gần đây của chị Phương Anh thấy khác nhiều so với loạt bài tôi đọc cách đây khoảng nửa tháng. Vẫn cái giọng văn bộc trực ấy, nhưng đã nhiều hơn sự suy xét từ nhiều hướng. Điều đó là tích cực bởi vì với sự vận động của xã hội như hiện nay có thể nói rằng: thông tin từ blog của một cá nhân đặc biệt - sức ảnh hưởng có thể còn lớn hơn - thông tin báo chí của một cơ quan truyền thông.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng: Tất cả những thông tin truyền đạt tới những người đọc blog này còn chưa xứng đáng với cái nghiệp, cái tâm, cái tầm của chị Vũ Thị Phương Anh. Do đó, trên quan điểm của nhu cầu lao động, nhu cầu sử dụng lao động, và nhu cầu quản lý... tôi xin nhờ cậy chị Vũ Thị Phương Anh chia sẻ những bài viết nghiên cứu làm sáng tỏ mối quan hệ cũng như tính chất của việc học tập và nghiên cứu ở cấp độ thạc sỹ - để làm cơ sở "lựa chọn" khả dĩ phù hợp như dưới đây:
1. Học tập và nghiên cứu ở trong các trường đại học Việt Nam ở Việt Nam.
2. Học tập và nghiên cứu ở ngoài các trường đại học Việt Nam ở Việt Nam
3. Học tập và nghiên cứu ở trong các trường đại học không Việt Nam không ở Việt Nam.
... Một lần nữa cảm ơn chị, bởi vì tôi tin tưởng không chỉ những nhà chuyên môn mới có thể hiểu được những kết quả nghiên cứu gắn với thực tiễn đời sống của một người bảo vệ luận án tiến sĩ ở Úc, năm 36 tuổi; đến nay, đã làm việc trong ngành giáo dục 28 năm và hiện là giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn -
Thưa,
ReplyDeleteTôi vừa đọc xong loạt bài gần đây của chị Phương Anh thấy khác nhiều so với loạt bài tôi đọc cách đây khoảng nửa tháng. Vẫn cái giọng văn bộc trực ấy, nhưng đã nhiều hơn sự suy xét từ nhiều hướng. Điều đó là tích cực bởi vì với sự vận động của xã hội như hiện nay có thể nói rằng: thông tin từ blog của một cá nhân đặc biệt - sức ảnh hưởng có thể còn lớn hơn - thông tin báo chí của một cơ quan truyền thông.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng: Tất cả những thông tin truyền đạt tới những người đọc blog này còn chưa xứng đáng với cái nghiệp, cái tâm, cái tầm của chị Vũ Thị Phương Anh. Do đó, trên quan điểm của nhu cầu lao động, nhu cầu sử dụng lao động, và nhu cầu quản lý... tôi xin nhờ cậy chị Vũ Thị Phương Anh chia sẻ những bài viết nghiên cứu làm sáng tỏ mối quan hệ cũng như tính chất của các việc học tập và nghiên cứu ở cấp độ thạc sỹ, như dưới đây:
1. Học tập và nghiên cứu ở trong các trường đại học Việt Nam ở Việt Nam.
2. Học tập và nghiên cứu ở ngoài các trường đại học Việt Nam ở Việt Nam
3. Học tập và nghiên cứu ở trong các trường đại học không Việt Nam không ở Việt Nam.
----> Để qua đó làm cơ sở "lựa chọn" khả dĩ phù hợp, nếu có thể cụ thể hóa là “Thạc sỹ quản trị kinh doanh” (liên quan đến dư luận hiện hành) thì càng có ích ạ!... Một lần nữa cảm ơn chị, bởi vì tôi tin tưởng không chỉ những nhà chuyên môn mới có thể hiểu được những kết quả nghiên cứu gắn với thực tiễn đời sống của một người bảo vệ luận án tiến sĩ ở Úc, năm 36 tuổi; đến nay, đã làm việc trong ngành giáo dục 28 năm; và hiện là giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
(Xin lỗi tôi post một lần nữa, comment này rõ ý hơn thay cho bài trước)
- Nguyễn -
Cám ơn chị đã cho tôi và nhiều người đọc cái nhìn cận cảnh về CSU.
ReplyDeleteTôi đồng ý với anh Nguyễn và đang chờ đợi những bài viết mới đầy trách nhiệm của chị.
Anh Kiệt
Tôi thấy chị Phương Anh có bài viết logic. Cuối cùng thì vấn đề chất lượng và đánh giá cũng cần có và đã có một nền tảng lý luận / triết lý của nó. Chỉ có cái chúng ta học, vận dụng và phát triển thế nào mà thôi.
ReplyDeleteVì những mục đích hướng tới phát triển xã hội, phát triển giáo dục, vì những người làm giáo dục.
Nội dung dưới đây bắt đầu từ những nhận xét mang tính trực giác của tôi: Rằng dường như báo chí đã đang chạy theo blog mà đưa tin cực đoan về giáo dục và đào tạo. Tại thời điểm này tôi có thể nhận thấy rõ một nhu cầu nội tại là làm rõ nhận xét với chứng lý cụ thể. Các chứng lý lấy từ chính các báo, blog liên quan, vì tinh thần trách nhiệm, hi vọng các vị không phản đối. Cũng như chị Vũ Thị Phương Anh ở trên đã "dài dòng giải thích", tôi chia sẻ trên quan điểm lợi ích cộng đồng, đặc biệt là xin tránh sự công kích cá nhân:
ReplyDeleteTrước tiên xin trích dẫn lại mang tính chất đặt vấn đề từ blog BS Hồ Hải: http://bshohai.blogspot.com/2010/09/loan-ao-tao-mba-va-nhan-dien-impact.html?showComment=1284549625774#c3766900509185431999
Hoa Sen nói...
BS Hồ Hải,
Bài này sau khi đối chiếu từ các link lão huynh đã dẫn, có một số nhận xét như dưới đây (có thể có hại cho "số má" (danh tiếng) của cá nhân, do đó anh có thể không cho hiện):
1. "Bộ GD Hoa Kỳ và Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục ĐH không kiểm định trường đại học" (http://vietnamnet.vn/giaoduc/201009/Dai-su-Hoa-Ky-tu-van-nhan-dang-DH-ga-rung-935512/)có lẽ là câu trả lời cho thắc mắc của lão huynh: "Có một điều lạ là tại sao CHEA lại không có tên một số trường tốt nhất nước Mỹ". Xin hỏi thầm là Lão huynh sống được bao nhiêu năm ở Hoa Kỳ, hay cũng chỉ học tập và nghiên cứu... online?
2. "Các trường kiểm định cấp quốc gia đưa ra các chương trình đào tạo kỹ thuật, chương trình dạy nghề và hướng nghiệp và là những trường hoạt động theo lợi nhuận" (đã dẫn), như vậy có sẵn ít tiền, có bằng cử nhân, có công ty nho nhỏ... mà học cao về quản trị kinh doanh qua.... "IMPAC University (IPU), một trong những trường được DETC công nhận đào tạo online"... thì cũng là chuyện bình thường thôi.
3. Ở Hoa Kỳ, ai cũng có thể thành lập một cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, việc kiểm định lại là tự nguyện. Các cơ sở giáo dục không được kiểm định vẫn tồn tại hợp pháp, tuy nhiên, người học phải có nhiệm vụ tìm ra cơ sở có chất lượng, và kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục là một cách để nhận ra điều đó" (đã dẫn). Vậy là dường như có một khoảng bất khả tri luận về "chất lượng", nghĩa là may mà ở Việt Nam chứ, ở Hoa Kỳ lão huynh có thể bị kiện... cho cháy túi đấy!
Kính, coong! (cười)
(không phải Nguyễn Trần Bạt)
Tái bút: Ngoài ra, hic nếu để ý mà tìm thì còn nhiều vấn đề ở chính các bài viết tâm huyết của lão huynh lắm! Ví dụ "Chuyện này làm tôi nhớ lại cái viện UBI của Bỉ liên kết với đại học QG TPHCM để đào tạo MBA online" hình như sai sót so với nội dung từ đường link này: http://phapluattp.vn/20100901010638816p0c1019/cong-ty-dao-tao-tien-si.htm.
> Hoa Sen
Đôi điều tâm sự với chị Phương Anh!
ReplyDeleteĐọc bài của chị tôi thấy có nhiều vấn đề với chị cần làm rõ hơn:
1. Chị đánh giá về CSU không được tốt mặc dù đã tham gia giảng dạy như chị nói nhưng tại sao chị không nói ngay sau khi "quịt " mà bây giờ khi thấy báo chí nói mới tát nước theo mưa?
2. Gốc của vấn đề không phải ở chỗ CSU hay một trường nào khác mà vấn đề là ở Bộ Giáo dục, họ kiểm tra giám sát như thế nào mà lại để những trường hợp như CSU xảy ra? Chị chỉ tập trung vào CSU hay một vài trường để nói thì có khách quan và giải quyết được gì.
3. Chị viết không khách quan như chị tự cho là vậy khi kết luận đã đưa ra ý kiến tiêu cực về những người có bằng của CSU.
4. Theo tôi, chị không nên đưa ra những nhận xét hay bài viết không có giá trị như bên trên vì nó ảnh hưởng tới nhiều người mà chị không có quyền làm họ bị ảnh hưởng. Vấn đề này để cơ quan hữu quan giải quyết.
TÔI NGHĨ TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT KHÔNG PHẢI CỦA RIÊNG AI, ĐỨNG TỪ GÓC ĐỘ NGƯỜI HỌC MÀ NÓI - XIN MẠN PHÉP TRÍCH DẪN LẠI:
ReplyDeleteTừ: Dong A Tran
Ngày: 09:04 Ngày 17 tháng 6 năm 2010
Chủ đề: Về trả lời của Ông Nguyễn Thiện Toản trên báo Thanh Niên ngày 16/06/2010.
Đến: vang@hanu.vn, naninh@moet.gov.vn, pmhung@moet.gov.vn, pvluan@moet.gov.vn, vanphongbo@moet.edu.vn, toasoan@thanhnien.com.vn, tshanoi@thanhnien.com.vn, baophapluat@phapluattp.vn, info@dantri.com.vn, citc@fpt.vn, citchcm@hcm.fpt.vn, khuyenhocvn@gmail.com, hanhcitc@hcm.fpt.vn
Kính gửi:
- Ông Phạm Vũ Luận-Thứ trưởng phụ trách Cục Đào tạo nước ngoài-Bộ GD&ĐT.
- Ông Nguyễn Xuân Vang: Cục trưởng Cục đào tạo nước ngoài - Bộ GD&ĐT.
- Ông Nguyễn An Ninh: Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ GD&ĐT.
- Văn phòng Bộ GD-ĐT.
- Báo Thanh Niên.
- Báo Pháp luật TPHCM.
- Báo Dân Trí.
Sau khi đọc trả lời phỏng vấn của Ông Nguyễn Thiện Toản - Trưởng Phòng Dự án-Cục Đào tạo với nước ngoài của Bộ GD&ĐT tại bài báo "Cấp phép cũng sai luật" trên báo Thanh Niên ngày 16/06/2010, tôi có một số thắc mắc như sau:
1. Về chương trình học:
Ông Toản nói chương trình học của Trường Nam Columbia chưa được Bộ GD & ĐT phê duyệt, vậy xin hỏi Bộ đã phê duyệt được chương trình học của bao nhiêu trường Đại học trên thế giới và các trường có liên kết đào tạo tại Việt Nam. Nếu có thì chúng tôi phải tra cứu ở đâu để tham khảo trước khi học? Tôi không thấy bất cứ thông tin nào liên quan trên Website của Bộ GD & ĐT, vậy tôi làm sao biết trường nào, cơ sở liên kết nào được Bộ đồng ý hay phê duyệt. Trách nhiệm của Bộ GD & ĐT ở đâu trong việc cung cấp thông tin để bảo vệ quyền lợi công dân VN.
Ngoài ra, nhiều quan chức Chính phủ cũng theo học các trường Đại học ở nước ngoài như Harward... Vậy Bộ đã phê duyệt chương trình học của những trường này chưa? Nếu chưa thì bằng cấp của các quan chức đó có được công nhận không?
Theo sự giới thiệu của Hội Khuyến học thi trường Nam Columbia cũng là trường có uy tín và được kiểm định, cụ thể:
Trường Đại học Nam Columbia – Hoa Kỳ có trụ sở chính tại thành phố Orange Beach, bang Alabama, là thành viên được kiểm định chính thức của Hội đồng Giáo dục và Đào tạo Từ xa (DETC). Uỷ ban Kiểm định của DETC được Bộ giáo dục Hoa Kỳ xếp loại là tổ chức công nhận cấp quốc gia và là thành viên của Hội đồng Kiểm định Đại học Hoa Kỳ (CHEA). Là thành viên cấp bằng được công nhận của Hội đồng Giáo dục và Đào tạo Từ xa, Trường Đại học Nam Columbia cũng là thành viên tổ chức của Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học(http://www.citc.edu.vn/truongcolumbia.asp?key=1).
Theo những thông tin trên thì bằng cấp của trường Nam Columbia có xứng đáng để được công nhận không? Nếu không thì Bộ GD & ĐT dựa rên cơ sở nào để đánh giá?
(còn tiếp)
(tiếp theo)
ReplyDelete2. Về chương trình đào tạo:
a) Việc để cho trường Nam Columbia đào tạo tại VN sai pháp luật như Ông Toản nói trong 8 năm làm ảnh hường đến hàng ngàn người thì Bộ GD & ĐTcó lỗi không? Nếu báo chí không nhắc đến thì việc đào tạo còn diễn ra đến bao giờ? Hơn nữa, Trường tổ chức quảng cáo, thông báo chiêu sinh một cách công khai trên báo chí trong 08 năm mà Bộ GD & ĐṬ không biết, không kiểm tra theo chức năng, vậy trách nhiệm của Bộ GD & ĐṬ ở đâu? Bộ sẽ giải quyết thế nào với những trường hợp đã học và tốt nghiệp.
b) Nếu theo Ông Toản nói việc đào tạo tại Việt Nam của trường Nam Columbia là sai pháp luật và bằng cấp không được công nhận thì những sinh viên đăng ký học trực tiếp với trường qua internet hoặc học tập tại trụ sở của trường ở Mỹ thì bằng cấp sẽ được đánh giá như thế nào, có được công nhận không?
3. Trung tâm Hợp tác Đào tạo Quốc tế - Hội Khuyến học Việt Nam lừa đảo?
Theo website của Hội Khuyến học VN thì Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức xã hội do Chính phủ Việt Nam thành lập, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội là một tổ chức phi chính phủ của các nhà hoạt động chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, kinh tế, các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, đứng đầu là những cá nhân từng là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước:
- Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Chủ tịch là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm.
- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội: GS.TS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương.
- Phó Chủ Tịch: PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
.......
Hội được lãnh đạo bởi những người có uy tín như vậy, tôi có nên tin không? Nếu theo ông Toản nói thì trường Nam Columbia đào tạo tại VN là sai pháp luật, phải chẳng Hội khuyến học biết luật mà vẫn cố tình tổ chức các lớp học để thu phí. Vậy Hội khuyến học có vi phạm pháp luật VN không? Nếu có thì chúng tôi phải làm gì để đòi hỏi quyền lợi (thời gian, tiền bạc, công sức đã bỏ ra để hòan tất khóa học) và hướng xử lý của Bộ GD & ĐT như thế nào để bảo vệ quyền lợi của những người đã theo học, vì Bộ cũng có phần trách nhiệm liên quan trong việc không kiểm tra giám sát theo chức năng
Trên đây là một số thắc mắc của cá nhân tôi, một người đã theo học và tốt nghiệp. Rất mong các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết thỏa đáng để bảo vệ quyền lợi của tôi và hàng nghìn người đã, đang theo học chương trình Thạc sỹ do trường Nam Columbia dạy và cấp bằng.
Trân trọng./.
---------------
Nguồn: http://www.mba-csu.com/showpost.php?p=2114&postcount=9
VÔ DANH
Cô Phương Anh thân mến!
ReplyDeleteBài viết của cô cách đây đã gần 7 năm rồi nhưng sức ảnh hưởng của nó vẫn còn rất lớn và được rất nhiều người quan tâm đến.
Những lời khen chỉ có giá trị cổ vũ, còn những phê phán thực lòng sẽ có giá trị xây dựng.
Có lẽ nhờ bài viết này của cô Phương Anh mà CSU ở Việt Nam đã thay đổi để hoàn thiện hơn so với 7 năm về trước.
Bản thân tôi hiện đang là học viên của CSU và cũng trong luồng nói về CSU xin phép cô Phương Anh cho tôi được chia sẻ một chút về CSU của hiện tại 2017 cho những ai đang quan tâm được biết.
Về cơ bản CSU là trường đào tạo trực tuyến nên chất lượng có lẽ chưa thể so sánh được với đào tạo trực tiếp. Nó phụ thuộc nhiều vào ý thức của các học viên. Nhưng ở Việt Nam các học viên của CSU được CITC và trợ giảng của CSU hỗ trợ rất tốt cho việc hiểu bài. Về chương trình học tập thì tôi không thể nói nó tốt hơn hay kém hơn vì tôi chưa biết đến các chương trình học tập khác. Nhưng tôi thấy nó rất mới, bài luận đề cập luôn đến vấn đề hiện tại đang diễn ra. Thậm chí ngay môn học đầu tiên của tôi đã luận về những vấn đề mà tôi vẫn hay gặp phải trong công việc của mình và nó đã giúp tôi xử lý công việc hiệu quả hơn. Về thử thách trong học tập, yêu cầu qua môn học không quá khó chỉ cần chăm chỉ một chút.
Lời khuyên: Nếu bạn có điều kiện, thì du học để tham gia vào các trường giảng dạy trực tiếp vẫn là tốt nhất, nếu bạn cần một môi trường học tập có thử thách cao để phát triển tốt hơn thì CSU có vẻ không thích hợp lắm. Các trường hợp còn lại thì tôi nghĩ CSU là lựa chọn khá tốt.
= = >> Ngọc Huấn << = =