Monday, September 6, 2010

Đối sánh trong giáo dục đại học (7): Tóm tắt những khác biệt giữa hai hệ thống phân loại

(phần này bổ sung cho phần 6 đã viết hôm trước về hệ thống phân loại của Appleby)

Có hai điểm cần lưu ý liên quan hệ thống phân loại đối sánh của Appleby (1999) khi so sánh với hệ thống phân loại của Camp (1989):

- Appleby (1999) không loại trừ Camp, mà bổ sung cho Camp, hoặc nói đúng hơn, là bao trùm lên Camp: 3 loại đối sánh của Camp chỉ là một hệ thống con trong hệ thống cuả Appleby).

- Không giống như hệ thống phân loại của Camp chỉ phân biệt các loại đối sánh khác nhau, Appleby sắp xếp 3 loại đối sánh của mình theo một hệ thống cấp bậc từ thấp lên đến cao. Thứ tự ấy như sau: đối sánh trắc lượng để tự hiểu mình, đối sánh chẩn đoán để xác định khoảng cách của mình so với mục tiêu cần đạt, và đối sánh quy trình để học hỏi từ người làm tốt hơn mình nhằm mục đích cải tiến. Vai trò của các loại đối sánh này trong tiến trình tự cải thiện của một trường đại học đã được Yarrow (1999:118) tóm tắt gọn ghẽ trong sơ đồ dưới đây.

Phân loại đối sánh: một cái nhìn so sánh

Qua phần trình bày về hai hệ thống phân loại đối sánh nêu trên, hẳn mọi người đều đồng ý rằng khái niệm “đối sánh” quả là rắc rối. Chính vì sự rắc rối này nên những nhầm lẫn hiện đang tồn tại quanh khái niệm “đối sánh” và những lúng túng trong việc áp dụng “đối sánh” như một cách tiếp cận quản lý mới là hoàn toàn dễ hiểu. Trước khi chuyển sang nói về những khó khăn và thách thức khi áp dụng đối sánh trong quản lý trường đại học, chúng tôi xin làm một bản so sánh tóm tắt về hai hệ thống phân loại đối sánh vừa nêu. Những tóm tắt này là phần tổng hợp của chúng tôi dựa trên cả hai quan điểm có ít nhiều khác biệt của Love và Dale (2007:480-481) và Appleby (1999:53-69) .

1. Đối sánh hiểu theo nghĩa rộng và tổng quát là “học hỏi từ thành công của người khác để tự cải thiện”. Định nghĩa này đúng cho mọi trường hợp, không phân biệt đó là các ngành công nghiệp, kinh doanh hay giáo dục, vì đó chỉ một hành động hợp lý trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Bất kỳ ai cũng muốn tự cải thiện, và cách dễ nhất là bắt chước những người đã thành công. Love và Dale đặt tên cho cách hiểu này là “đối sánh truyền thống” (traditional benchmarking) (2007:481) và cho rằng hầu hết mọi công ty, đơn vị, tổ chức đều có thực hiện loại đối sánh này.

2. Tuy phổ biến, nhưng “đối sánh truyền thống” thường không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp do thiếu hệ thống và mục tiêu lại quá mơ hồ. Dưới cái nhìn của những người làm quản lý chất lượng trong lãnh vực công nghiệp, Love và Dale (2007:481) xem đây chỉ là một loại “du lịch công nghiệp” (industrial tourism) được chăng hay chớ, và đề nghị phải có cách tiếp cận khác, chuyên nghiệp hơn, mà các tác giả gọi là “đối sánh chính thức” (formal benchmarking) để phân biệt với “đối sánh truyền thống” để thực sự đạt được hiệu quả của việc đối sánh.

3. Cách phân loại đối sánh của Camp (1989) tuy được xem là kinh điển và được Love và Dale (2007) chấp nhận là cơ sở lý luận về đối sánh, nhưng quá đơn giản và không thực sự phù hợp cho lãnh vực quản lý giáo dục đại học vốn phức tạp hơn nhiều. Hệ thống phân loại của Appleby (1999), dưới quan điểm của một nhà quản lý giáo dục đại học, đã có những bổ sung rất tốt cho hệ thống phân loại của Camp (1989), trong đó bổ sung quan trọng nhất là làm rõ các mục tiêu của các phương pháp đối sánh khác nhau trong tiến trình cải tiến chất lượng của một đơn vị - tự hiểu mình, xác định khoảng cách giữa hiện trạng và mục tiêu, và học hỏi từ bên ngoài và chuyển giao vào bên trong để tự cải thiện.

4. Hệ thống phân loại của Appleby bắt đầu với đối sánh trắc lượng, trong đó nhấn mạnh các thông tin khả lượng và khả sánh (Appleby 1999:61). Mặc dù nó chỉ là bước đầu tiên và thậm chí chưa có liên quan gì đến việc so sánh, mà chỉ mới là đo lường hoạt động của một đơn vị, nhưng nó lại là bước hết sức quan trọng có tính quyết định cho sự thành công của những bước tiếp theo, đặc biệt là trong giáo dục đại học. Có thể nói, đây chính là bước đầu tiên của việc “chính thức hóa” phương pháp đối sánh trong quản lý giáo dục, mà nếu không có nó thì mọi nỗ lực đối sánh trong giáo dục vẫn sẽ chỉ là “đối sánh truyền thống”, một loại “du lịch công nghiệp”, thiếu hệ thống và hiệu quả thấp như Love và Dale đã nêu (2007:481).
(còn tiếp)
---
Tài liệu tham khảo cho phần này (sorry, chỉ có tài liệu trên giấy):

Smith, H., M. Armstrong, and S. Brown (eds) (1999) Benchmarking and Threshold Standards in Higher Education. London: Kogan Page.

Appleby (1999) Benchmarking theory – A framework for the business world as context for its application in higher education. In Smith et al, Chapter 3, pp. 53-69.

Yarrow, D (1999) The business approach to benchmarking – An exploration of the issues as background for its use in higher education. In Smith et al, Chapter 8, pp. 117-131.

1 comment:

  1. Vẫn chờ để đọc tiếp loạt bài này của cô.

    Link của Smith et al (1999) có thể tìm trên google books:

    http://books.google.fr/books?id=T1E9AAAAIAAJ&lpg=PP1&ots=IuN3P1y8yB&dq=Benchmarking%20and%20Threshold%20Standards%20in%20Higher%20Education&pg=PA53#v=onepage&q&f=false

    ReplyDelete