Friday, June 29, 2012

Hoạt động ĐBCL trên thế giới (3): Úc

(Trâm Nguyễn dịch, Phương Anh hiệu đính)
Trang 65, 66
-------------------
 
8.3 Úc


Các trường đại học và các cơ sở sau trung học tại Úc là những tổ chức tự kiểm định. Thông thường, các trường này có một hệ thống đánh giá chính thứctheo chu kỳ và sử dụng các đánh giá viên từ bên ngoàinhằm đánh giá các chương trình và các cơ sở đào tạocá. Quy trình đảm bảo chất lượng tại các trường đại học ở Úc gồm có:

- Khảo sát đích đến của sinh viên tốt nghiệp và khảo sát ý kiến đánh giá của sinh viên;

- Kiểm định/công nhận từ những hiệp hội nghề cho các khóa học về sức khỏe, y, luật, v.v.Chấm chéo từ bên ngoài đối với các chương trình đại học

Tháng 3 năm 2000, Hội đồng Bộ trưởng giáo dục, đào tạo tạo và thanh niên (Ministerial cCuncil on Education, Training and Youth Affairs) chính thức thành lập Cơ quan chất lượng đại học Úc (Australian Universities Quality Agency- AUQA) như một cơ quan quốc gia độc lập, phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy, kiểm toán, và báo cáo các vấn đề về đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học tại Úc. Những mục tiêu của AUQA là:

- Sắp xếp và quản lý một hệ thống kiểm toán định kỳ về đảm bảo chất lượng liên quan đến những hoạt động tại các trường Đđi học Úc cũng như các cơ quan kiểm định giáo dục đại học thuộc các tiểu bang và vùng lãnh thổ;

(trang 66)

- Giám sát, đánh giá, phân tích và cung cấp các báo cáo về đảm bảo giáo dục đại học tại Úc

- Báo cáo về các tiêu chí kiểm định của các trường đại học mới thành lập và các khóa học sau trung học không được cấp bằng khác; và

- Báo cáo về các tiêu chuẩn có liên quan đối với hệ thống giáo dục đại học tại Úc.

-

Các trường đại học tự trả chi phí kiểm toán. Mặc dù quy trình đảm bảo chất lượng theo AUQA dưa trên việc giám sát chất lượng bên ngoài, quy trình này không có những tiêu chí cụ thể, bởi vì mỗi trường được kiểm toán sẽ có những hệ thống tương thích với những mục tiêu và đặc điểm của nó. Vì vậy, AUQA chấp nhận mục tiêu của một trường đang được kiểm định như một điểm khởi đầu. “Rõ ràng trách nhiệm của một trường đang được kiểm toán là lập ra một quy trình mang tính hệ thống để đánh giá những mục tiêu của mình dựa trênnhững tiêu chí như: tsự phù hợp, lợi ích, tính khả thi, tính minh bạch, tính khả lượng (tức có thể đo lường được) v.v. Để kiểm tra những chính sách, quy trình và thực tiễn, để biết mình có đang đạt được mục tiêu đề ra hay không, và để tìm cách cải thiện các hoạt động, một trường hoặc cơ quan phải có những phương pháp và chỉ số mang tính định tính và định lượng phù hợp” (AUQA, 2005, tr.10). Quy trình giám sát chất lượng bên ngoài bắt đầu bằng việc tổ chức đang được kiểm toán thực hiện báo cáo tự đánh giá và gửi tới AUQA. Nhóm đánh giá đồng nghiệp của AUQA sẽ thực hiện chuyến viếng thăm thực địa để đánh giá ngoài. Trong quá trình đánh giá, nhóm AUQA cũng sẽ xem xét liệu nhà trường có tuân thủ các yêu cầu của Bộ Nguyên tắc quốc gia về các quy trình xét duyệt trong giáo dục đại học(National Protocols for Higher Education Approval Processes). AUQA sẽ đưa ra những đề xuất để các trường xem xét lại báo cáo tự đánh giá trong bối cảnh hệ thống chất lượng của họ theo các điểm sau:

- Mục tiêu của từng quy trình là gì?

- Những mục tiêu này phù hợp với các mục tiêu của tổ chức đến mức độ nào?

- Ai chịu trách nhiệm về từng quy trình? Có ai khác cùng chịu trách nhiệm cho những giai đoạn khác nhau trong từng quy trình hay không?

- Quy trình được triển khai như thế nào?

- Những tài liệu nào cần có hay có liên quan đến quy trình?

- Tính hiệu quả của quy trình được giám sát như thế nào? Những thông số nào được sử dụng?

- Hiện trạng của việc thực hiện các mục tiêu được thể hiện qua những thông số và giám sát nào?

- Những phân tích nào được thực hiện liên quan đến các quy trình đảm bảo chất lượng nói trên? Việc phân tích này cho ta thấy tính hiệu quả của các hoạt động ra sao?

- Những kế hoạch hoặc đề xuất gì đã được đưa ra nhằm mục đích phát triển hoặc cải thiện nhà trường? (AUQA 2005, tr 11-12)

Trách nhiệm của trường có liên quan là thực hiện những khuyến nghị được nêu trong báo cáo kiểm toán. Bởi vì báo cáo này là cơ sở cho quyết định cấp kinh phí của chính quyền liên bang hoặc của chính quyền từng tiểu bang nên việc không thực hiện các khuyến cáo nêu trong báo cáo kiểm toán có thể khiến các trường ị cắt giảm kinh phí.

Hệ thống quản lý chất lượng tại Úc khá khác với Mỹ, Anh và cả Ấn Độ. Tại Úc, giám sát chất lượng bên ngoài hay kiểm định chất lượng được thực hiện bởi AUQA (cơ quan trung ương) cùng với những tổ chức kiểm định thuộc các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Không có tiêu chí cụ thể đối với việc đảm bảo chất lượng, và vì vậy chỉ AUQA kiểm tra quy trình đảm bảo chất lượng bên trong của các trường được kiểm định. Báo cáo đánh giá kiểm toán bao gồm hai phần “những thành tích đáng tuyên dương” và “ những điều cần cải thiện”, vàkhông có điểm số.

Cho đến nay, chúng ta có nhận thấy rằng Anh, Mỹ và Úc có những hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học khác nhau. Nhưng cả ba nước đều thực hiện giám sát chất lượng bên ngoài. Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về những tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng.



Bài tập

Hãy lên trang web của Cơ quan đảm bảo chất lượng Úc (http://auqa.edu.au). Giải thích sự khác biệt giữa “kiểm toán chất lượng” và “cải thiện chất lượng” theo cách hiểu của AUQA.

Chú thích: Do tài liệu này được biên soạn từ năm 2007 nên  đến nay đã có một chút lạc hậu so với tình hình. Ví dụ như ở Úc, hiện nay AUQA không còn tồn tại mà được thay bằng TEQSA. Có thể tìm hiểu thêm về cơ quan này tại đây: www.teqsa.gov.au/about-teqsa.



Wednesday, June 27, 2012

Hoạt động ĐBCL trên thế giới (2): Anh Quốc


(Trang 64, 65. Trâm Nguyễn dịch, Phương Anh hiệu đính) 

-------------
8.2. Anh Quốc
Được thành lập vào năm 1997, Cơ quan Đảm bảo chất Lượng (QAA) Giáo dục đại học là một cơ quan trung ương độc lập với kinh phí hoạt động do các trường đại học và cao đẳng tại Anh Quốc đóng góp dưới hình thức hội phí. Vai trò của QAA là đảm bảo với  công chúng rằng các tiêu chuẩn và chất lượng trong giáo dục đại học luôn được bảo đảm và nâng cao. Sách trắng của chính phủ Anh Quốc có tựa đề Tương lai của giáo dục đại học - nêu rõ rằng “Cơ quan đảm bảo chất lượng đóng một vai trò quan trọng việc đảm bảo những tiêu chuẩn và chất lượng học thuật trong giáo dục đại học. Thông qua việc đánh giá giảng dạy trong quá trình rà soát môn học  (Subject Reviews), QAA đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các tiêu chuẩn giảng dạy đồng thời tạo điều kiện để xác định và loại bỏ những chương trình/môn học chưa được tốt” (UKDES, 2003).

Tại Anh Quốc, đảm bảo chất lượng được thực hiện chủ yếu thông qua kiểm toán cơ sở giáo dục và rà soát các môn học.  Kiểm toán cơ sở giáo dục  nhằm đảm bảo rằng các cơ sở giáo dục đại học đang:

-                    Cấp phát các chứng chỉ và văn bằng có chất lượng và phù hợp với tiêu chuẩn học thuật; và
-                  Thực hiện quyền hạn hợp pháp của mình trong việc cấp pháp văn bằng một cách phù hợp (khi có điều kiện thích hợp).

Đánh giá/rà soát cơ sở giáo dục được thực hiện theo chu kỳ 6 năm bắt đầu từ năm 2006. Quá trình kiểm toán cơ sở giáo dục là một quá trình kiểm tra chi tiết và toàn diện hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, nghiên cứu văn bản tự đánh giá được do chính các trường chuẩn bị, và kiểm toán trên  thực địa. Đoàn kiểm toán sẽ  ghi nhận kết quả đánh giá theo các mức ‘đáng tin cậy’ (broad confidence), ‘tương đối tin cậy’ (limited confidence) hoặc ‘không đáng tin cậy’ (no confidence). Toàn bộ quá trình này dựa trên bộ quy tắc thực hành đảm bảo các tiêu chuẩn và chất lượng học thuật trong giáo dục đại học. Bộ quy tắc này gồm  10 điều như sau :

-                      Các chương trình nghiên cứu sau đại học
-                      Hợp tác đào tạo
-                      Sinh viên khuyết tật
-                      Chấm chéo từ bên ngoài
-                      Yêu cầu và khiếu nại của sinh viên về những vấn đề học thuật
-                      Đánh giá sinh viên
-                      Phê duyệt, giám sát và rà soát chương trình

(trang 65)
-                      Hướng dẫn, cung cấp thông tin, và giáo dục hướng nghiệp
-                      Học qua thực tập (placement learning)
-                      Tiếp thị và tuyển sinh
Bộ quy tắc thực hành đề ra những hướng dẫn về thực tiễn tốt, và mỗi điều đều có những nguyên tắc mà nhà trường phải đáp ứng, có kèm những hướng dẫn để nhà trường có thể đạt được các nguyên tắc đó. 

Về triết lý, hệ thống đảm bảo chất lượng tại Anh Quốc và Ấn Độ tương tự nhau, dù trong thực tế thì cơ chế báo cáo và những tiêu chí chi tiết là hoàn toàn khác nhau. Điều này là do môi trường bối cảnh về đảm bảo chất lượng ở hai quốc gia này khác nhau.

Bài tập
Hãy lên trang web của Cơ quan đảm bảo chất lượng của Anh Quốc (http://qaa.ac.uk) và xem xét các hoạt động của cơ quan này tại Anh cũng như trên thế giới rồi viết một bài ngắn khoảng 300 từ để giới thiệu các hoạt động của tổ chức này.

Monday, June 25, 2012

Hoạt động ĐBCL trên thế giới (1): Hoa Kỳ

Dưới đây là phần dịch tiếp tục của tài liệu mà tôi đã đưa lên mạng cách đây ít lâu, liên quan đến đề án đào tạo chuyên viên đảm bảo chất lượng trong các trường đại học do Ngân hàng thế giới tài trợ cho Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học  ngoài công lập. Bản dịch do Trâm Nguyễn thực hiện, hiệu đính bởi tôi, Phương Anh.
-----------
(trang 62-63)

8. Hoạt động ĐBCL trên thế giới

Trong phần này chúng ta sẽ xem xét hoạt động đảm bảo chất lượng ở các nước phát triển và thảo luận về hợp tác quốc tế trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học thông qua việc thành lập các hiệp hội và mạng lưới nghề nghiệp. Các bạn sẽ thấy mỗi quốc gia có một cách nhìn khác nhau về đảm bảo chất lượng. Mỗi nước có triết lý và phương pháp riêng, mặc dù chúng ta vẫn có thể rút ra một vài đặc điểm chung trong quá trình tự đánh giá và giám sát chất lượng bên ngoài. Với những hệ thống kiểm định và các hệ thống giáo dục khác nhau trên toàn thế giới, nhu cầu hợp tác quốc tế và khu vực là cần thiết. Điều này dẫn tới việc thành lập các mạng lưới tổ chức đảm bảo chất lượng ở trong khu vực và trên thế giới nhằm tăng cường hiểu biết về hệ thống hoạt động ở mỗi quốc gia. Ngoài việc giúp đỡ các cơ quan quốc gia  cải tiến phương pháp đánh giá, những mạng lưới này phát triển một tiêu chuẩn đánh giá chung và đảm bảo việc chuyển đổi tín chỉ, sự cơ động của sinh viên cũng như việc công nhận bằng cấp lẫn nhau.

8.1 Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, đảm bảo chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện thông qua kiểm định, đảm bảo rằng các cơ sở  đáp ứng và duy trì tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng liên quan đến các hoạt động: học thuật, quản lý và các dịch vụ liên quan. Ở Hoa Kỳ không có tổ chức liên bang cũng như Bộ Giáo dục để quản lý và kiểm soát các trường từ  trung học phổ thông trở lên. Việc kiểm định được thực hiện bởi những tổ chức tư nhân phi lợi nhuận, được thiết kế và công nhận cho từng mục đích riêng biệt. Vì vậy, giám sát chất lượng bên ngoài chính là phương pháp đảm bảo chất lượng tại Hoa Kỳ. 

Ủy ban kiểm định (COA) được thành lập năm 1949 là cơ quan quốc gia đầu tiên tại Hoa Kỳ đã phát triển các tiêu chí và công nhận các tổ chức kiểm định. Như vậy, sự tham gia của các tổ chức tưnhân trong kiểm định được xem là một chuẩn mực. Vào năm 1974, Uy ban kiểm định và Liên hiệp các  ủy ban kiểm định giáo dục đại học khu vực (FRACHE) đã sát nhập thành Hội đồng kiểm định giáo dục sau trung học (COPA), tổ chức này hoạt động đến năm 1993 để thúc đẩy và đảm bảo chất lượng giáo dục sau trung học tại Hoa Kỳ. Tháng 1 năm 1994, một tổ chức mới có tên Ủy ban công nhận kiểm định sau trung học (CORPA) được thành lập để tiếp tục thực hiện công việc của COPA.

CORPA giải thể vào tháng 4 năm 1997 sau khi Hội đồng kiểm định giáo dục đại học (CHEA) được thành lập, đây là tổ chức thực hiện chức năng công nhận hiện nay (USDE, 2005). Như vậy, các tổ chức kiểm định khu vực, quốc gia và chuyênngành phải đăng ký để được công nhận bởi CHEA hoặc bộ giáo dục Hoa Kỳ (USDE). Sự công nhận từ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (USDE) là cần thiết đối với các tổ chức kiểm định muốn có được nguồn tài trợ liên bang và quỹ hỗ trợ sinh viên, đồng thời Hội đồng kiểm định giáo dục đại học (CHEA) công nhận tính hợp pháp về học thuật đối với các tổ chức kiểm định. Sự công nhận của Hội đồng kiểm định giáo dục đại học (CHEA) đối với các tổ chức kiểm định có giá trị trong vòng 10 năm, trong đó báo cáo được thực hiện 5 năm một lần, và Bộ Giáo dục Hoa Kỳ xem xét công nhận 5 năm một lần.

Việc kiểm định tại Hoa Kỳ là một quá trình liên tục. Việc một cơ sở giáo dục đại học được kiểm định lần đầu không có nghĩa là họ được đảm bảo tình trạng được kiểm định vô thời hạn. Nói chung quá trình kiểm định có 5 đặc điểm chính:

-        Tự đánh giá: các trường chuẩn bị một bản tóm tắt các hoạt động bằng văn bản dựa trên các tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định

-        Đánh giá đồng nghiệp: được thực hiện dựa trên báo cáo tự đánh giá bởi một nhóm đồng nghiệp trong cùng lãnh vực;

-        Kiểm tra thực địa: được tổ chức bởi nhóm đánh giá đồng nghiệp nhằm xem xét lại những lời khẳng định được nêu ra trong báo cáo tự đánh giá. Thông thường các thành viên tham gia dưới hình thức tình nguyện không lương;

-        Quyết định của tổ chức kiểm định: Tổ chức kiểm định sẽ xét  đạt hoặc không đạt kiểm định; và

-        Đánh giá ngoài thường xuyên: Sau một khoảng thời gian các trường và chương trình lại tiếp tục được đánh giá nhằm mục đích tái kiểm định. Việc này sẽ được thực hiện theo chu kỳ  từ vài năm cho đến khoảng 10 năm (Eaton, 2000).

Phương pháp kiểm định tại Hoa Kỳ tương tự với  phương pháp thực hiện tại Ấn Độ do tổ chức NAAC, tuy nhiên có hai điểm khác biệt:

-        Các chương trình hoặc cơ sở giáo dục  sẽ được xét đạt hoặc bị không đạt kiểm định. Không có việc phân loại/ xếp hạng/ cho điểm.

-        Có nhiều cơ quan kiểm định (khu vực, quốc gia và chuyên ngành  cho từng cho từng môn học hoặc theo các hiệp hội nghề nghiệp)). Tuy nhiên, các cơ quan này phải được công nhận bởi USDE và CHEA. Vì vậy hệ thống kiểm định có hiệu lực tại Hoa Kỳ là một hệ thống hai tầng.

Bài tập

Hãy lên trang web của CHEA (http://chea.org) rồi vào mục “Nghiên cứu và Ấn phẩm” để đọc một số ấn phẩm mới nhất trong mục này. Một số tài liệu có định dạng file pdf, và bạn sẽ cần có phần mềm Acrobat Reader trên máy tính để có thể đọc được.


Thursday, June 21, 2012

Liên kết đào tạo giữa ĐHQG Hà Nội và ĐH Griggs: Nhiều thông tin cần dược làm rõ


Bài viết này của tôi - viết theo đề nghị của Tia Sáng để làm rõ một số vấn đề chưa rõ - vừa được đăng trên trang mạng của Tạp chí Tia Sáng hôm nay. Để viết bài này, tôi có sử dụng lại một số thông tin và cấu trúc của một bài viết từ năm 2011, nhưng mọi thông tin đều đã kiểm tra lại và bổ sung, cập nhật đến tận ngày hôm qua. Các bạn vào link để đọc, hoặc đọc bài gốc bên dưới nhé.

Link đây: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5293
-------------
Vừa qua, Thanh tra chính phủ vừa có kết luận thanh tra về những sai phạm về liên kết đào tạo với nước ngoài tại ĐHQG Hà Nội, kèm kiến nghị xem xét không công nhận hơn 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài cấp. Trong số các văn bằng này có một số không nhỏ từ chương trình liên kết với ĐH Griggs của Hoa Kỳ. Kiến nghị này sau đó đã được ĐHQG Hà Nội phản hồi khá gay gắt là “không đúng pháp luật và không hiểu biết”, vì “học viên hoàn toàn yên tâm về những tấm bằng do các chương trình liên kết đào tạo tại ĐH Quốc gia đã cấp cho các em”, và “chương trình MBA của ETC liên kết với ĐH này [tức ĐH Griggs] đã được DETC - một tổ chức kiểm định của Hoa Kỳ - kiểm định và cấp chứng nhận”.

Thực hư của việc này là như thế nào? Dưới đây chúng tôi xin cung cấp một số thông tin mà chúng tôi đã thu thập được về trường ĐH Griggs và việc kiểm định chương trình đào tạo theo DETC, nhằm làm rõ hơn những vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Về tư cách pháp nhân của Griggs

Trường Đại học Griggs là một phần của tổ chức giáo dục tư nhân có tên là Griggs University & International Academy. Tổ chức này do Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm (Seventh-day Adventist, một hệ phái Tin Lành của Mỹ) thành lập từ năm 1909 trước hết nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo cho hệ phái tôn giáo này, và sau đó mở rộng cho các đối tượng khác. Cần chú ý đây không phải là một cơ sở giáo dục đầy đủ theo nghĩa truyền thống mà là một tổ chức chuyên cung cấp các chương trình đào tạo từ xa (các chương trình hàm thụ trước khi có mạng Internet, và các chương trình hỗn hợp kết hợp học tập truyền thống và học tập từ xa qua mạng). Điều này được phản ánh rõ qua lịch sử và các tên gọi của tổ chức này: đầu tiên nó mang tên là The Fireside Correspondence School (Trường Hàm thụ Lửa hồng, hàm ý người học có thể học tại nhà, bên lò sưởi), sau đó đổi thành Viện Đào tạo tại gia (The Home Study Institute), rồi Viện đào tạo tại gia quốc tế (Home Study International), và từ đầu thập niên 1990 mới có tên Griggs University như hiện nay .

Lời tự giới thiệu của Griggs University and International Academy trên trang web của tổ chức này cũng nêu rõ:

Griggs là một tổ chức có nguồn gốc tôn giáo chuyên cung cấp các chương trình học tập từ xa và học tập tại gia “được kiểm định”. Griggs cung cấp từng môn học riêng biệt hoặc toàn bộ chương trình đào tạo ở mọi trình độ từ mẫu giáo đến đại học . (Tình trạng kiểm định của ĐH Griggs sẽ được bàn thêm ở phần sau).

Cần lưu ý rằng theo thông tin chính thức của Griggs thì từ ngày 1/11/2010 quyền sở hữu Griggs University & International Academy đã được chuyển toàn bộ sang ĐH Andrews, và trụ sở của Griggs cũng đã được chuyển từ Maryland sang Michigan, nơi ĐH Andrews tọa lạc. Cũng theo thông tin chính thức từ trên mạng của Griggs, với sự thay đổi quyền sở hữu này, tất cả các chương trình đào tạo từ xa của Griggs đều được chuyển về bộ phận đào tạo từ xa của ĐH Andrews .

Một điểm khác cần lưu ý, cũng theo thông tin cập nhật nhất trên trang web chính thức của Griggs, thì tất cả mọi chương trình đại học của Griggs đều do các trường đại học khác tổ chức giảng dạy và cấp bằng. Ba trường đại học mà Griggs có “liên kết đào tạo” là ĐH Andrews (nay là sở hữu chủ của Griggs), ĐH Oakwood (chỉ thực hiện các môn học riêng lẻ), và ĐH Cơ Đốc Phục Lâm Washington – cả 3 đều là các trường trong hệ thống các trường đại học của Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm đã nêu ở trên. Như vậy, có thể kết luận là hiện nay ĐH Griggs không có quyền cấp bằng đại học tại Mỹ, chỉ đóng vai trò người cung cấp tài liệu giảng dạy, quản lý việc học tập và thi cử qua mạng mà thôi .

Điều không rõ ràng là hiện nay các chương trình đào tạo được thực hiện tại Việt Nam là do ai cấp bằng: ĐH Andrews, ĐH Cơ Đốc Phục Lâm Washington, hay ĐH Griggs? Nếu nơi cấp bằng cho các sinh viên của Việt Nam là ĐH Griggs thì liệu bằng cấp này có được ai công nhận hay không?

Về tình trạng kiểm định của Griggs


Lời tự giới thiệu của ĐH Griggs (đúng hơn là tổ chức có tên gọi là “ĐH và Học viên quốc tế Griggs” (Griggs University & International Academy) đã nêu ở trên khẳng định đây là một tổ chức “được kiểm định”. Như chúng ta đã biết, hệ thống kiểm định của Mỹ khá phức tạp, vì có rất nhiều tổ chức kiểm định khác nhau cho các chương trình và các loại hình cơ sở đào tạo khác nhau. Trong khi đó, Griggs là tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo ở nhiều trình độ khác nhau, đồng thời vừa cung cấp từng môn học riêng rẽ (tương tự như dạy kèm) vừa cung cấp toàn bộ chương trình đào tạo thông qua việc liên kết với các trường đại học khác, nên chắc chắn sẽ được kiểm định bởi nhiều tổ chức kiểm định. Vậy tình trạng kiểm định của Griggs cụ thể là như thế nào?

Theo thông tin chính thức trên trang web của Griggs, ta thấy Griggs được kiểm định bởi 4 tổ chức khác nhau, trong đó có 2 tổ chức chuyên kiểm định giáo dục phổ thông và một tổ chức chuyên kiểm định các trường có nguồn gốc tôn giáo nên không liên quan đến chương trình liên kết tại Việt Nam. Tổ chức còn lại là DETC (Distance Education and Training Council), là tổ chức được ĐHQG Hà Nội nêu như một bảo đảm về chất lượng chương trình đào tạo của Griggs đang được liên kết giảng dạy tại Việt Nam. Điều này có chính xác không?

Có lẽ ở Việt Nam ai cũng biết DETC là tổ chức chuyên kiểm định các hoạt động đào tạo từ xa (ít nhất 51% khối lượng học tập được thực hiện theo phương thức ĐTTX); tuy nhiên, chúng ta ít chú ý rằng DETC thực hiện kiểm định ở mọi trình độ từ mẫu giáo đến đại học. Như đã nêu ở trên, hiện nay Griggs không trực tiếp cấp bằng đại học tại Mỹ mà liên kết với các trường đại học khác để tổ chức giảng dạy, trong đó Griggs chỉ đóng vai trò người cung cấp chương trình, tài liệu học tập, và quản lý các hoạt động học tập từ xa. Như vậy, có thể tạm kết luận rằng việc kiểm định của DETC đối với Griggs chỉ bao gồm các môn học/chương trình đào tạo ở các bậc đào tạo từ trung học trở xuống, chứ không bao gồm trình độ đại học và sau đại học như các chương trình liên kết tại ĐHQG Hà Nội.

Một điểm cần lưu ý là cho đến cuối năm 2011 thì DETC chỉ thực hiện kiểm định cho các cơ sở đào tạo hoạt động tại Mỹ, không kiểm định các chương trình triển khai ở nước ngoài. Nói cách khác, ngay cả khi Griggs có được DETC kiểm định cho các chương trình/môn học ở bậc đại học thì trong thời gian qua, điều đó cũng không có ý nghĩa đối với chương trình liên kết tại VN, mà chỉ có ý nghĩa nếu chương trình được triển khai tại Mỹ. Nói cách khác, trong một thời gian rất dài thì chất lượng của các chương trình đào tạo liên kết tại nước ngoài của các trường đại học của Mỹ không nằm trong phạm vi quan tâm của DETC; điều này chỉ mới thay đổi vào đầu năm 2012 mà thôi.

Quy định mới của DETC, có hiệu lực từ đầu từ năm nay, đã đưa ra những yêu cầu đối với những chương trình đào tạo từ xa được các trường đại học Mỹ thực hiện ở bên ngoài nước Mỹ. Theo quy định này, mọi chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bên ngoài nước Mỹ đều phải tuân thủ theo đúng các yêu cầu mà DETC đã đặt ra cho các trường đại học tại Mỹ. Đặc biệt, cần lưu ý rằng DETC đòi hỏi mọi hợp đồng hợp tác với nước ngoài phải được báo cáo đến DETC để xem xét và phê duyệt trước khi được tiến hành . Như vậy, lời khẳng định củ ĐHQG Hà Nội rằng chương trình liên kết tại Việt Nam của ĐH Griggs là thực sự có chất lượng vì đã được DETC kiểm định liệu có chính xác?

Một điều khác cần được làm rõ là khi ĐH Griggs đã đổi chủ sở hữu, đồng thời cũng không phải là cơ sở giáo dục được cấp bằng đại học tại Mỹ, thì những chất lượng của các chương trình liên kết tại Việt Nam và các tấm bằng được cấp cho sinh viên sau khi hoàn tất sẽ do ai chịu trách nhiệm giám sát, và giá trị của những tấm bằng này sẽ được ai công nhận?

----------------

Trên đây là một số thông tin mà chúng tôi đã thu thập được, tất cả đều từ những nguồn tin chính thức của ĐH Griggs hoặc của tổ chức kiểm định DETC. Những điểm chưa rõ ràng mà chúng tôi đã nêu ra cho thấy lời phản bác của ĐHQG Hà Nội đối với những kết luận và kiến nghị của Thanh tra chính phủ chưa thực sự thuyết phục. Thiết nghĩ ĐHQG Hà Nội cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng hơn và làm rõ những điều chưa rõ, hòng lấy lại niềm tin của người học đối với một đại học hàng đầu của Việt Nam nói riêng, và nền giáo dục Việt Nam nói chung.
-------------------------
Cập nhật thêm những thông tin đáng chú ý:

1. Trên trang web của ĐH Andrews (truy cập ngày hôm nay) có nêu rõ:

Griggs University is currently owned and operated by Andrews University. Currently Griggs’ Accreditation is separate from Andrews as listed below. As the merger progresses, Griggs programs will become Andrews programs and under Andrews accreditation. This process may take through 2014. 

Link: https://www.andrews.edu/distance/about/accreditation/
 
Dịch thoát: Hiện nay ĐH Griggs là do ĐH Andrew sở hữu và vận hành. Ngay lúc này thì Griggs và Andrews được kiểm định riêng biệt (thông tin về kiểm định được liệt kê trên trang của ĐH Andrews). Khi quá trình sáp nhập tiếp diễn mọi chương trình của Griggs sẽ trở thành chương trình của Andrews và sẽ được kiểm định theo Andrews. Quá trình này có thể kéo dài đến năm 2014.

Wednesday, June 20, 2012

Quy định mới về kiểm định của DETC đối với các chương trình (liên kết) quốc tế

Có lẽ ở Việt Nam ai cũng biết DETC là tổ chức chuyên kiểm định các hoạt động đào tạo từ xa, và là một tổ chức kiểm định quốc gia (national accreditors). Tuy nhiên, có lẽ ít người chú ý rằng DETC thực hiện kiểm định ở mọi trình độ từ mẫu giáo đến đại học, và, cho đến cuối năm 2011, chỉ kiểm định các chương trình đào tạo/ cơ sở đào tạo hoạt động trên đất Mỹ, chứ không quan tâm đến các chương trình được triển khai thực hiện ở nước ngoài.


Đây chính là một kẽ hở của DETC, vì có nhiều trường đại học Mỹ được DETC kiểm định những chương trình tổ chức giảng dạy trên nước Mỹ, nhưng lại triển khai những chương trình tương tự ở nước ngoài nhưng không hề chịu một sự giám sát nào hết từ phía Mỹ. Điều này cũng đúng với các chương trình ĐTTX của các trường ĐH Mỹ đang được triển khai tại Việt Nam (vd, các chương trình liên kết của ĐH Nam Columbia hoặc của ĐH Griggs tại VN).


Tuy nhiên, điều này giờ đây đã thay đổi. Quy định mới của DETC, có hiệu lực từ đầu từ năm nay, đã đưa ra những yêu cầu đối với những chương trình đào tạo từ xa được các trường đại học Mỹ thực hiện ở bên ngoài nước Mỹ. Theo quy định này, mọi chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bên ngoài nước Mỹ đều phải tuân thủ theo đúng các yêu cầu mà DETC đã đặt ra cho các trường đại học tại Mỹ. Đặc biệt, cần lưu ý rằng DETC đòi hỏi mọi hợp đồng hợp tác với nước ngoài phải được báo cáo đến DETC để xem xét và phê duyệt trước khi có thể tiến hành giảng dạy[1]. (Chương 17, điều 3)

Với quy định này, có thể hiểu là các chương trình  của các trường ĐH Mỹ "được kiểm định bởi DETC" nhưng đang triển khai tại VN thì cho đến nay đều là những chương trình chưa được kiểm định, vì nó nằm ngoài phạm vi quan tâm và tầm kiểm soát của DETC. Với việc ban hành quy định mới, ta có thể mong đợi trong tương lai sẽ có những trường được DETC cho phép triển khai hoạt động tại VN, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra sau khi DETC đã xem xét đầy đủ các điều kiện thực hiện triển khai chương trình ở nước ngoài, vì DETC đòi hỏi các điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu học tập, thư viên, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên vv của cơ sở giáo dục ở nước ngoài phải hoàn toàn tương xứng với trường gốc tại Mỹ - một điều không phải là lúc nào cũng có thể đáp ứng được tại các trường ĐH của VN.

Một điểm đáng chú ý khác là DETC đòi hỏi các chương trình giảng dạy của các ĐH Mỹ ở nước ngoài phải được thực hiện bằng tiếng Anh (chỉ chấp nhận các ngôn ngữ khác nếu điều này đã được nêu rõ ngay từ đầu khi trường nộp hồ sơ xin kiểm định, và đã được DETC chấp thuận). Điều này có nghĩa là chúng ta có thể hy vọng rằng từ nay sẽ không còn tình trạng các chương trình mang tiếng là quốc tế nhưng lại giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt, như đã từng có ở VN. (Chương 17, điều 7)

Không những thế, DETC còn đòi hỏi tất cả mọi tài liệu nhằm cổ động và quảng cáo cho chương trình, nếu được viết bằng tiếng địa phương, đều phải dịch ra tiếng Anh và báo cáo về cho văn phòng ở Hoa Kỳ. Mỗi chương trình/ cơ sở đào tạo của địa phương phải cử một người đại diện thành thạo cả hai ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng địa phương) để kiểm tra, giám sát và báo cáo về văn phòng ở Mỹ tất cả mọi hoạt động của chương trình, để bảo đảm mọi việc được vận hành theo đúng tinh thần và quy định của DETC. (Chương 17, điều 10)

Trên đây là một số điểm đáng lưu ý liên quan đến hoạt động của các trường ĐH của Mỹ tại nước ngoài. Quy định mới của DETC cũng còn nhiều điểm khác đáng lưu ý; các bạn nào có quan tâm có thể vào trang web của DETC để download toàn bộ quy định mới (áp dụng năm 2012) của DETC để đọc. Địa chỉ trang web của DETC: www.detc.org


Tuesday, June 19, 2012

Nói thêm về Griggs University

Lẽ ra tôi không viết gì về ĐH Griggs nữa, vì không còn liên quan đến công việc của mình. Như các bạn đã biết, trước đây khi tôi làm việc tại Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG-HCM thì tôi có viết một bài về ĐH Griggs (đã được đăng lên trên blog này) vào tháng 3/2011, vì lúc ấy ĐH Griggs đang có ý định mở rộng liên kết với một trường thành viên của ĐHQG-HCM.

Với chức năng của mình (cung cấp những thông tin về chất lượng của các trường), tôi đã tìm hiểu và thấy có nhiều thông tin không có lợi, và đã đưa ra lời tham mưu rằng đây không phải là một đối tác tương xứng với ĐHQG-HCM. Và may quá, lời tham mưu ấy của tôi đã được nghe theo, nên bây giờ ĐHQG-HCM không phải đối diện với những khó khăn mà ĐHQG Hà Nội đang gánh chịu. Bài viết cũ ấy các bạn có thể search trên blog này để đọc.

Tưởng rằng "duyên nợ" với ĐH Griggs đến đấy là đã hết, không ngờ hôm nay tôi lại phải viết tiếp về trường này. Số là tôi gần đây có một vài người quen đã theo học chương trình liên kết đào tạo với Griggs ở Hà Nội, có nhờ tôi tìm hiểu thêm về ngôi trường này hiểu rõ thực hư. Tôi đã nhận lời, vì cũng muốn làm rõ thêm một số điều chưa rõ ràng về ngôi trường này từ lần tìm hiểu trước, nhưng chưa kịp làm thì cách đây vài hôm đã đọc trên báo thấy quyết định của Thanh tra chính phủ không công nhận bằng cấp của một số chương trình liên kết, trong đó có trường ĐH Griggs.

Mới vừa kịp thấy "hú hồn" cho ĐHQG-HCM (và cho chính mình, vì nếu thời ấy tôi không xem xét kỹ thì ĐHQG-HCM cũng đã đồng ý cho liên kết, thì bây giờ sẽ phải chịu một phần trách nhiệm), thì hôm nay lại thấy báo Tuổi trẻ đăng tin về việc ĐHQG Hà Nội phản đối kết luận của Thanh tra chính phủ, ở đây: http://tuoitre.vn/Giao-duc/497615/DHQG-Ha-Noi-phan-doi-ket-luan-Thanh-tra-Chinh-phu.html. Nói vắn tắt, ĐHQG Hà Nội cho rằng những kết luận của Thanh tra chính phủ là chưa thỏa đáng, trong đó có cả những kết luận liên quan đến ĐH Griggs.

Trong bài viết ấy, tôi chú ý những đoạn này:


ĐH Quốc gia đã có báo cáo giải trình rất đầy đủ gửi đến Thanh tra Chính phủ yêu cầu điều chỉnh kết luận thanh tra và có công văn kiến nghị khẩn cấp xem xét lại bản kết luận đó. Chương trình đào tạo MBA của Griggs chỉ liên quan đến chuyên ngành quản trị kinh doanh, không có môn nào liên quan đến tôn giáo, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngoài hơn 2.000 em đã được cấp bằng, chương trình liên kết này vẫn đang đào tạo cho những lứa học viên hiện tại.

Tôi khẳng định kiến nghị của thanh tra là không đúng pháp luật và không hiểu biết. Các học viên hoàn toàn yên tâm về những tấm bằng do các chương trình liên kết đào tạo tại ĐH Quốc gia đã cấp cho các em.

Và:

Thanh tra Chính phủ cũng nêu hai chương trình liên kết với ĐH Irvine và ĐH Griggs của ĐH Quốc gia không được kiểm định. Còn ĐH Quốc gia cho rằng từ năm 2008 trường đã đưa kiểm định thành một điều kiện đối với các chương trình của các đối tác đến từ các nước có hệ thống kiểm định. Do đó, vì chưa có điều kiện này nên từ năm 2008 ĐH Quốc gia đã dừng tuyển sinh.

Theo lý giải của ĐH Quốc gia, việc dừng tuyển sinh không có nghĩa đó là chương trình triển khai không đúng quy định hay kém chất lượng. Riêng chương trình MBA của ETC liên kết với ĐH này đã được DETC - một tổ chức kiểm định của Hoa Kỳ - kiểm định và cấp chứng nhận.



Đọc 2 đoạn trên, nếu tôi hiểu đúng thì hình như có một chút gì mâu thuẫn, chút gì không rõ ràng, và có cả một chút nhầm lẫn. Xin nêu dưới đây:

Ở đoạn 1, ĐHQG Hà Nội khẳng định chương trình này vẫn đang hoạt động (phần in nghiêng đậm trong đoạn đầu tiên ở trên). Tuy nhiên, chương trình này cũng đã ngưng tuyển sinh từ năm 2008 vì chưa có kiểm định ( phần in nghiêng đậm, đoạn 3). Cũng có nghĩa là các sinh viên đang học trong chương trình liên kết với Griggs là những sinh viên cuối cùng của chương trình này, vì sau đó không tuyển thêm ai nữa.

Tuy đã ngưng tuyển sinh vì chưa có kiểm định (xem lại đoạn 3) nhưng chương trình này vẫn được khẳng định là đúng quy định và có chất lượng, và đã được DETC kiểm định (đoạn 4)? Hình như có chút mâu thuẫn và khó hiểu, phải không? Nếu chương trình đã được kiểm định và có chất lượng, đúng quy định, thì tại sao lại phải ngưng tuyển sinh cơ chứ?

Tôi nghĩ ở đây có sự khác biệt giữa hai bên (thanh tra và ĐHQG) về định nghĩa thế nào là được kiểm định. Hình như Thanh tra chính phủ cho rằng kiểm định phải được thực hiện bởi 6 tổ chức kiểm định vùng (regional accreditors), trong khi ĐHQG Hà Nội thì chấp nhận cả các loại kiểm định khác, kể cả kiểm định của DETC (được gọi là kiểm định quốc gia national accreditors).

Thực ra, ngay cả ở Mỹ người ta cũng phân biệt giữa kiểm định vùng và kiểm định quốc gia (và tất nhiên là không chấp nhận các lò kiểm định dỏm). Kiểm định vùng mới là có chất lượng thực sự (tiêu chuẩn vàng), còn kiểm định quốc gia thì giá trị khá hạn chế. Và nếu tôi không nhầm thì Bộ Giáo dục của VN chỉ cho phép liên kết với các trường được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định khu vực mà thôi.

Dưới đây tôi xin cung cấp thêm những thông tin mà mọi người cần biết về Griggs, và một số câu hỏi cho những người có trách nhiệm:

1. Từ đầu tháng 11 năm 2010, ĐH Griggs đã chuyển toàn bộ quyền sở hữu của mình sang cho ĐH Andrews, một trường đại học tư có trụ sở ở Michigan (ĐH Griggs có trụ sở tại Maryland). Thông tin này do chính ĐH Griggs đưa ra từ cuối năm 2010, tại đây: http://www.griggs.edu/new-ownership.html. Hiện nay, tất cả các chương trình của Griggs tại Hoa Kỳ đều do do các trường khác đảm nhiệm, đó là trường ĐH Andrews (chủ sở hữu mới của Griggs), ĐH Oakwood, và ĐH Cơ đốc Phục Lâm Washington. Thông tin chính thức do Griggs đưa ra ở đây: http://www.griggs.edu/new-ownership.html.

Câu hỏi: Như vậy thì bộ phận của ĐH Griggs hoạt động tại VN và những thu chi từ chương trình này hiện đang làm việc với ĐH Griggs hay với ĐH Andrews, sở hữu chủ chính thức của Griggs hiện nay nhỉ? Điều này  còn mù mờ quá!


2. Riêng các chương trình đào tạo từ xa của Griggs thì được nhập chung hoàn toàn vào ĐH Andrews và sử dụng tình trạng kiểm định của ĐH Andrews. ĐH Griggs chỉ cung cấp các tài liệu giảng dạy, tuyển sinh, tổ chức thi cử, còn AU sẽ là người giám sát chuyên môn. Người học sẽ nhận chứng chỉ/bằng cấp của ĐH Andrews. Xem thông tin chính thức từ trang của Griggs dưới đây:


Andrews University Distance Education Program (AU)
Griggs has a cooperative arrangement with Andrews University to offer several degree programs by distance education. Andrews University (Berrien Springs, Michigan) is accredited by the North Central Association of Colleges and Schools. Students seeking college credits or degrees through AU’s Distance Education Program must be formally accepted by AU. A number of individual courses are available for transfer purposes. Griggs provides course materials and processes course enrollments, lessons, and exams. AU supervises the academic program. Credits are granted by Andrews University. Students receive an AU diploma upon graduation from the program. (Nguồn: 
http://www.griggs.edu/college.html)

Câu hỏi: Chương trình ở VN thì sẽ được ai cấp chứng chỉ, văn bằng nhỉ? Vì trên thực tế, ĐH Griggs hầu như không còn tồn tại như một trường đại học từ khi nó chuyển quyền sở hữu sang ĐH Andrews, mà chỉ tồn tại như một pháp nhân để giải quyết những vấn đề tồn đọng từ trước đó thôi.


3. Catalog chính thức và cập nhật nhất 2011-2013 lấy trên trang web của Griggs, ở đây: http://www.griggs.edu/pdfs/college/catalog/GU_catalog.pdf, nêu rõ chương trình MBA của trường này chỉ thực hiện ở nước ngoài, không tổ chức giảng dạy ở Bắc Mỹ. Ngoài ra, chương trình này được tiến hành thông qua hợp tác với ĐH Cơ đốc Phục lâm Washington. Xem đoạn trích:


The Master of Business Administration degree provides individuals with the opportunity to develop advanced business skills using the flexibility and convenience of distance education. The curriculum consists of 36 hours of study and provides a solid foundation in major business functional areas. Information literacy, speaking, writing, and interpersonal skills are stressed throughout the curriculum. This program is available internationally only, not in North America.


Please note that this program is offered through consortial collaboration between Washington Adventist University and Griggs University.

Câu hỏi: Chương trình MBA đang thực hiện ở VN thì thế nào? Washington Adventist University có vai trò gì không? Hay chương trình ở VN là một chương trình độc lập hoàn toàn, không liên quan đến những gì được nêu trong catalog? Và nếu nó độc lập, thì ai công nhận?

Những câu hỏi trên rõ ràng cần được ĐHQG Hà Nội giải thích rõ ràng hơn. Bằng không, thì sẽ gây cho ta cảm giác là ĐHQG Hà Nội không đủ cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tác, không đủ kỹ lưỡng trong tìm hiểu thông tin, và cũng chưa hết trách nhiệm với người học đã tin tưởng vào ĐHQG Hà Nội để theo học các chương trình liên kết tại một trong hai đại học lớn nhất Việt Nam này.
-----------------
Bài viết cũ liên quan đến Griggs:
http://ncgdvn.blogspot.com/2011/03/thong-tin-ve-truong-ai-hoc-griggs-co.html

Monday, June 18, 2012

Nghĩ vụn về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012

Entry này tôi viết vội, vì không thể không ghi lại những sự kiện, cảm xúc và suy nghĩ của tôi trong lúc này, mặc dù tôi cần có thêm thời gian để sắp xếp lại ý tưởng cho mạch lạc, rõ ràng hơn, để có thể dễ đọc hơn và hữu ích hơn.

Như vậy là kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm nay đã được công bố, với những con số khá đẹp. Đẹp, nhưng không mấy ai vui, không chỉ vì dư âm của sự kiện Đồi Ngô còn quá rõ, mà còn là chẳng mấy ai tin vào chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay. Một cách nào đó, kết quả tốt nghiệp "đẹp" của năm nay cũng giống như cái tin về việc VN đứng hạng nhì thế giới về hạnh phúc vậy.

Thử nghĩ xem, ta cần gì cái hạng nhì ấy khi danh sách 10 quốc gia hàng đầu trong danh sách (trong đó có VN) toàn là những nước nghèo, lạc hậu và tham nhũng có tiếng. Thật giống hệt như danh sách các tỉnh có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao nhất (98, 99%) của VN năm nay lại có cả những tỉnh mà vào năm 2007 khi thực hiện kỳ thi hai không nghiêm túc nhất (nghiêm túc duy nhất?) trong lịch sử thi cử của VN hiện đại thì tỷ lệ đậu chỉ có vài chục phần trăm, thậm chí vài phần trăm?

Kết quả tốt nghiệp đẹp đẽ của năm nay vì vậy là một kết quả không vui. Mọi người không hài lòng, và mong chờ một sự thay đổi. Và trong mấy ngày qua tôi đã nhận được đến mấy cú điện thoại của các tờ báo để phỏng vấn tôi về những suy nghĩ của tôi về kết quả này. Một trong những câu hỏi được đặt ra là, thi cử như thế thì liệu có nên thi nữa hay không, vì chỉ tốn kém vô ích? Và tóm lại là Bộ Giáo dục, hoặc rộng hơn là nhà nước, nên làm gì để cải thiện tình hình hiện nay?

Được hỏi về thi cử thì thì là đúng nghề của tôi rồi đấy. Nếu là những năm trước thì thế nào tôi cũng hào hứng mà đưa ra ý kiến nọ kia về việc cần làm gì, phải cải cách ra sao, vv. Nhưng năm nay, sao tôi thấy mệt mỏi quá, và vô vọng quá. Bỏ thi ư, phải rồi, thi mà chẳng có tác dụng gì hết, thì thi để làm gì? Nhưng nếu nói như vậy, thì chúng ta lại cũng có thể nói tiếp, đóng cửa hết các trường ở vùng sâu, vùng xa đi cho xong, vì dạy dỗ gì mà chất lượng thấp như thế, ví dụ học hết tiểu học rồi mà chưa biết đọc, biết viết gì cả, thì đi học để làm gì?

Hoặc một việc khác tương tự như thế, đó là bỏ hẳn môn tiếng Anh đi không dạy nữa, vì giáo viên gì mà khi kiểm tra trình độ theo "chuẩn châu Âu" thì rớt như sung rụng như thế, trình độ giáo viên còn kém như vậy thì dạy ra học trò "câm, điếc" tiếng Anh có gì là lạ đâu? Tổ chức dạy làm gì cho tốn kém, vô ích?

Ý của tôi là chúng ta tổ chức thi tốt nghiệp, hay giảng dạy tiếng Anh, xây trường, tổ chức giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, là vì sự cần thiết phải làm những việc này - ví dụ, để nắm được thông tin về mặt bằng dân trí chung và có những chính sách đầu tư phù hợp cho các địa phương, hoặc để nâng cao dân trí, hoặc để chuẩn bị một lực lượng lao động có đủ trình độ ngoại ngữ trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu. Vậy nếu chúng ta làm những điều ấy chưa được tốt khiến cho nó trở nên tốn kém vô ích, thì điều cần làm là phải làm cho nó tốt lên, chứ không phải là bỏ đi không làm nữa.

Điều này cũng tương tự như việc chúng ta đang bị Trung Quốc lấn lướt trên mặt trận kinh tế, hàng hóa Việt bị thua ngay trên sân nhà, mà có chống mấy, có kêu gọi dân chúng ủng hộ hàng Việt, tẩy chay hàng TQ vì chúng toàn là hàng dỏm, hàng độc hại, nhưng vì hàng TQ giá rẻ nên chẳng có ai nghe, kêu gọi cũng vô ích thôi. Nhưng nếu thế, thì ... đành chịu bó tay, không làm gì nữa hay sao? Cũng vậy, biển Đông của chúng ta bị lấn, ngư dân bị đuổi đánh, ngư trường bị thu hẹp, nhưng có nói mấy, chống mấy hình như cũng chẳng được gì vì TQ thì thâm hiểm mà lại mạnh lắm. Như vậy, thái độ đúng đắn sẽ là ... thôi vậy, nói nữa cũng vô ích, thôi bỏ đi không đòi nữa, không chống nữa, hay sao?

Rõ ràng là câu hỏi cần đặt ra không phải là có nên chấm dứt hay không vì đang làm dở quá, mà phải là việc ấy được thực hiện để làm gì, có thực sự cần thiết hay không. Nếu nó cần thiết thì phải tìm mọi cách để làm tiếp - ở đây là tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp. Nhưng mà làm như thế nào đây, người ta hỏi tôi như thế, khi Bộ thì không đủ sức tổ chức cho xuể cho một kỳ thi quốc gia trên cả 64 tỉnh thành, mà nếu đưa về địa phương tổ chức thì lại sợ gian lận như hiện nay?


Hỏi như thế, là bởi vì mọi việc đã xảy ra rồi chứ có phải không đâu, năm 2007 tổ chức nghiêm túc thì kết quả như thế nào ai cũng đã rõ, vậy mà chỉ vài năm sau thì mọi việc lại trở về như cũ (thậm chí kết quả còn đẹp hơn trước đó), vậy có phải là bệnh thành tích (nói cho đúng là bệnh gian dối) của mình đã trở thành thâm căn cố đế, không hy vọng gì chữa được nữa hay không?


Phải chăng, nếu bây giờ có cố làm nghiêm túc thì cũng sẽ lập lại việc đã xảy ra năm 2007 thôi, khi Bộ vừa buông tay ra thì mọi việc đâu lại hoàn đấy. Tóm lại, hình như phát triển theo hình "sin", cứ lên đến đỉnh lại tụt xuống đáy, đó là quy luật phát triển muôn đời của VN hay sao ấy nhỉ? 


Nếu cứ thế này thì còn hy vọng gì nữa cơ chứ, hèn gì mà mọi người chẳng nản, nên mới có ý kiến là bỏ quách kỳ thi tốt nghiệp cho xong (xem phần trên). Thực là một cái vòng lẩn quẩn không lối thoát, "kiến trong miệng chén còn bò đi đâu"!

Nhưng phải chăng, hiện nay chúng ta thực sự không có hy vọng gì để thay đổi nữa? Thực ra, cuộc sống luôn vận động, và sự đổi thay đang đến hàng ngày, dù nó có thể đến một cách bất ngờ và không đúng như chúng ta mong đợi hoặc thiết kế ra. Tôi nghĩ, đã đến nước này thì không mong có một giải pháp đúng toàn diện cho cả nước, mà phải tùy thuộc vào từng địa phương, từng trường, từng gia đình, từng cá nhân. Trong cái bức tranh u ám của năm nay, tôi vẫn thấy một vài đốm sáng của hy vọng, dù rất nhỏ.

Này nhé, năm nay ở TP HCM, thủ khoa tốt nghiệp với số điểm cao nhất lại không đến từ những ngôi trường "sao" như Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong, Phổ thông năng khiếu vv, mà đến từ một trường tư thục, trường Nguyễn Khuyến! Cũng đến từ ngôi trường này, cách đây một vài bữa tôi đã đọc bài viết của một giáo viên dạy văn, phát biểu lên án "công nghệ đạo văn" và nói về những nỗ lực giúp học sinh tự tư duy, tự diễn đạt suy nghĩ của mình về môn học lẽ ra phải giúp phát triển ở người học sự sáng tạo này.

Như vậy, phải chăng những nỗ lực âm thầm để làm đúng, không gắn với sự tưởng thưởng của hệ thống chính trị (ví dụ: thăng chức, khen thưởng của cấp trên vv), đang đem lại những chiến thắng lặng lẽ?


Một ví dụ khác. Hôm qua tình cờ tôi đọc tin về kết quả thi tốt nghiệp ở TP HCM, một thành phố lớn với nhiều thành tích trong giáo dục, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp hình như cũng không hơn, nếu không nói là thậm chí còn kém hơn một chút, so với những tỉnh thành vùng sâu vùng xa, điều kiện học tập khó khăn. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng nói, mà là đáng nói là quan điểm của lãnh đạo ngành giáo dục ở TP về việc không công bố danh sách những trường đậu 100%. 


Các bạn xem ở đây này: http://www.baomoi.com/TPHCM-khong-cong-bo-cac-truong-tot-nghiep-100/108/8707899.epi


Chẳng biết mọi người nghĩ sao, chứ tôi thấy việc thành phố HCM không xem việc có 100% học sinh đậu tốt nghiệp là một cái gì đó quá quan trọng (vì thực ra nó không phản ánh được đầy đủ bức tranh về chất lượng của một trường) là một dấu hiệu rất đáng mừng của việc không chạy theo thành tích. Vì nếu công bố ra, thì tất nhiên là mọi trường sẽ chạy đua để lọt vào danh sách ấy, và sẽ làm đủ cách, ví dụ cấm học sinh yếu đi thi để giữ được tỷ lệ cao. Là một điều vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi, và là một việc làm vô cùng phản sư phạm và thiếu tinh nhân văn đến không thể chấp nhận được.


Như vậy đó, giữa sự hỗn loạn của giáo dục VN hiện nay, có lẽ điều duy nhất mà chúng ta có thể làm được, và phải bằng mọi giá để làm, là tìm mọi cách để thoát ra khỏi những ràng buộc của hệ thống nặng nề, cũ kỹ và quá nhiều vấn đề này. Không có một câu trả lời chung, nhưng cuộc sống vẫn đang diễn ra, và, có lẽ thế, nếu giáo dục của chúng ta dường như đã đến đường cùng, thì rồi cùng tắc biến, biến sẽ tắc thông thôi!

Đành phải như vậy, chứ biết sao giờ?
---------------

Bài phỏng vấn tôi trên Vietnamnet:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/77094/thi-khong-thuc-chat-thi-bo-se-hon-.html

Friday, June 15, 2012

Nói chuyện tiếng Anh (10): Dịch là phản, và present perfect luôn là "đã từng"?

Entry này tôi sẽ viết ngắn. Mục đích của nó là để đồng ý về tổng thể với bsngoc trong bài viết mới nhất của ông (?) trên blog bsngoc.wordpress.com rằng "dịch (đúng) là phản", và để phản bác chỉ một câu duy nhất mà bsngoc đã đưa ra để "bắt bẻ" bài dịch mà ông (?) cho là phản kia.

Dịch là phản, thì đúng rồi. Và ông Hồ Hải dịch sai nhiều tôi cũng đồng ý nốt, vì tôi đã đọc một vài bài dịch khác trên blog của ông ta với khá nhiều chỗ sai. Riêng bài "Hai trăm năm nghiên cứu ung thư" thì tôi không đọc vì tôi không quan tâm đến vấn đề này, và từ lâu cũng không đọc blog của ông Hồ Hải nữa.

Nhưng hôm nay khi ngồi đọc trên trang Ba Sàm thấy tựa bài viết "Dịch là phản - một bài dịch có quá nhiều sai sót" thì tôi đi theo đường dẫn và được đưa tới "nhà" của bsngoc, mới biết rằng đây là bài phê bình bản dịch của ông Hồ Hải. Đọc sơ sơ, tôi chú ý câu này của bsngoc:

3.- Câu “but prevention has been an elusive goal” mà dịch là “Tuy nhiên công tác phòng bệnh một mục tiêu khó khăn” là thể hiện sự hụt hẫng về tiếng Anh. Câu đó có nghĩa là “nhưng phòng bệnh từng là một mục tiêu khó đạt”.


Tôi không có nhận định gì về bất kỳ chỗ nào khác trong bài viết của bsngoc, nhưng theo tôi, riêng câu này thì ông Hồ Hải không sai (dù câu tiếng Việt chưa thực rõ), còn bsngoc mới là người nhầm lẫn. Nếu các bạn xem lại câu của ông Hồ Hải và câu sửa lại của bsngoc thì thấy chúng chỉ khác nhau ở một điểm duy nhất, nếu không kể những khác biệt về cách dùng từ (tuy nhiên/nhưng; công tác phòng bệnh/phòng bệnh; khó khăn/khó đạt), đó là cách dịch cụm từ "has been".

Cụm từ này (tôi đã in đậm để làm rõ) ông Hồ Hải dịch là "là", bsngoc dịch là "từng là". Bsngoc cho là ông Hồ Hải dịch như vậy là "thể hiện sự hụt hẫng về tiếng Anh". Nhưng có đúng như vậy không?

Trong tiếng Việt, "từng là" có nghĩa là trước đây thì như thế, nhưng ngày nay đã khác. Còn "has been", tức thì present perfect trong tiếng Anh, thì tùy theo ngữ cảnh, có lúc có nghĩa là "đã từng" (= trước thì thế, giờ thì khác) như bsngoc nói, nhưng cũng có lúc có nghĩa "vẫn là" (= trước đã thế, giờ vẫn thế).

Cập nhật 10:24 ngày 15/6:
Xin đưa 2 ví dụ để minh họa 2 ý nghĩa mà tôi đã nêu ở trên:

1. I've heard that song before. --> Tôi đã từng nghe bài hát đó rồi. (Đã xảy ra trong quá khứ, và chấm dứt rồi).

2. I've been a teacher since 1983. --> Tôi (vẫn) là giáo viên từ 1983 đến giờ. (Trước đây là giáo viên, đến giờ vẫn là giáo viên).

Nhìn vào trong bản gốc thì thấy câu mà bsngoc trích nằm trong đoạn này:


Cancer Prevention

No matter how easy cancer treatment may become, it is preferable to prevent cancer. But prevention has been an elusive goal. Figure 2illustrates three notable pathways to success, with discoveries of the connection between viruses and cancer, methods of chemoprevention, and the role of tobacco in cancer. When the cause of cancer is known, its prevention becomes a problem in modifying human behavior
[...]
To date, the historic goal of creating a cancer vaccine has been realized only for cancers that are caused by viral infections. Even when the causal virus has been identified, the elapsed time from discovery to prevention has been long.


Như vậy, bài viết nêu rõ ràng là cho đến nay, việc phòng ngừa [ung thư] vẫn là một điều khó khăn (well, "một mục tiêu khó đạt" như lời bsngoc). Nếu dịch như bsngoc là "từng là", thì phần còn lại của bài viết hẳn  phải nêu những phương cách phòng ngừa mà hiện nay người ta có thể áp dụng. Nhưng, như tôi trích dẫn ở trên (phần in nghiêng đậm) thì có thể thấy rõ việc phòng ngừa ung thư cho đến này vẫn còn khó khăn lắm, đúng là "an elusive goal". Nói tóm lại, câu trên cần phải dịch là "việc phòng ngừa vẫn là một mục tiêu khó đạt", chứ không thể dịch "phòng ngừa từng là một mục tiêu khó đạt".

Bản dịch của ông Hồ Hải (riêng cho câu này thôi) tuy không có chữ "vẫn" để cho thấy ông có chú ý đến thì "present perfect" nhưng thật ra lại đúng tinh thần của câu viết hơn, vì nó không làm cho người ta nghĩ rằng việc phòng ngừa ung thư ngày nay đã dễ dàng hơn.

Xin có vài lời trao đổi như trên, để cho mọi việc rõ ràng hơn.

Tuesday, June 12, 2012

Nói chuyện tiếng Anh (9): "Vietnam's got talent"!

"Vietnam's got talent" là cách nói phỏng theo chương trình "Britain's got talent" của Anh quốc mà cách đây mấy năm đã giúp phát hiện ra một tài năng âm nhạc lạ lùng, một người phụ nữ Scotland 48 tuổi, không trẻ và không đẹp, chưa gia đình, cô Susan Boyle. Câu chuyện của cô hệt như chuyện con vịt biến thành một con thiên nga đẹp đẽ trong cổ tích thời xưa vậy.


Nhưng cái tựa của tôi không liên quan gì đến âm nhạc, mà là tiếng Anh. Chả là hôm nay tôi mới nhận dược qua mail bản tin này của Cambridge ESOL, nói về cuộc thi "tài năng tiếng Anh" toàn cầu mới đây, trong đó VN lọt vào trong 4 vị trí đầu tiên. Hãnh diện lắm chứ, phải không? Nguyên văn cái tin đó tôi chép lại ở dưới đây, các bạn đọc để "ngưỡng mộ" các tài năng ấy nhé.

Chỉ có một điều hơi đáng tiếc, đó là mới hôm qua thôi, trên báo Tuổi Trẻ (hình như vậy?) mới đăng một bài phóng sự về kết quả khảo sát trình độ giáo viên tiếng Anh trên toàn quốc theo chuẩn CEFR. Theo đó, trình độ giáo viên tiếng Anh VN còn xa lắm mới đạt đến chuẩn mong muốn, dù tất cả (đa số?) mọi người đều có bằng cấp đầy đủ, được đào tạo chính quy bài bản theo chuẩn mực của VN!!!!

Đọc bài phóng sự đó hôm qua, rồi lại đọc mẩu tin của Cambridge ESOL hôm nay, tôi chợt có một ý nghĩ ... vụn: VN có tài năng chứ không phải là không có. Chỉ có điều, tài năng đó đang được sử dụng ra sao, đang phục vụ ai, và liệu những tài năng này sẽ được tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển hay sẽ bị thui chột, bào mòn đi; đó là câu hỏi mà chắc chắn là tôi không trả lời được.

Chẳng hiểu ai sẽ phải trả lời câu hỏi này đây? Quốc hội? Chính phủ? Đảng? Thôi thì xin nhường lời lại cho các vị có chức phận vậy.
-----------------------


Cambridge ESOL - Vietnam's got talent

Sau hơn 3 tháng phát động (từ ngày 18 tháng 1 đến hết ngày 16 tháng 4 năm 2012) trên toàn cầu, cuộc thi Cambridge ESOL và Giáo viên Thế Giới 2012 đã chọn ra được 4 gương mặt xuất sắc trong đó một giải xuất sắc thuộc về cô Phạm Thanh Thủy, hiện là giảng viên tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Ba giải còn lại thuộc về Julieta Caffarel tại Uruguay, Natalia Cheskidova tại Nga và Nora Beatriz Brussolo tại Argentina.


Bốn thí sinh xuất sắc này sẽ dành được xuất học bổng là khóa học phát triển chuyên môn giảng dạy trong 2 tuần từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 14 tháng 7 năm 2012. Khóa học sẽ diễn ra tại Trường ĐH Homerton, trực thuộc Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh.

Đây là lần thứ hai Việt Nam vinh dự có thí sinh nhận được giải thưởng xuất sắc của Cuộc thi Cambridge ESOL và Giáo Viên Thế Giới. Cuộc thi tương tự vào năm 2010 đã mang đến cho Cô Lê Xuân Hằng, giáo viên cấp 2 tại Bến Tre, giải thưởng đặc biệt này.

Đây là cuộc thi do Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại Học Cambridge (Cambridge ESOL) tổ chức với sự tài trợ của tổ chức giáo dục Bell.
 
Cùng lúc đó, em Trịnh Hoàng Nam, học sinh lớp 11 của trường Trung Học Á Châu thành phố Hồ Chí Minh, cũng đang chuẩn bị lên đường đến Cambridge để tranh tài trong Cuộc thi Hùng Biện tiếng Anh Cambridge Châu Á được tổ chức vào ngày 05/07 sắp tới. 8 thí sinh còn lại của Vòng Chung Kết Châu Á đến từ 8 quốc gia Châu Á khác là Hongkong, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, và Indonesia.
Cuộc thi do Cambridge ESOL tổ chức và được phát động trong suốt năm 2011 tại 9 quốc gia nói trên,  thông qua kết quả sàng lọc từ những thí sinh có kết quả xuất sắc nhất của các kỳ thi FCE, BEC và BULATS. Đại diện của Việt Nam, em Trịnh Hoàng Nam, đã xuất sắc vượt qua gần 2,000 thí sinh và chinh phục được ban giám khảo ở Vòng thi Chung kết Việt Nam để giành quyền vào Vòng Chung Kết khu vực sẽ diễn ra vào ngày 5 tháng 7 năm 2012 tới tại Cambridge.
Hai thí sinh xuất sắc nhất của Vòng Chung Kết khu vực Châu Á sẽ nhận được học bổng là một khóa học MBA – Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại London hoặc một khóa học tại Thương Mại Quôc Tế tại Úc.
Dưới đây là danh sách của 9 thí sinh tham gia Vòng Chung Kết khu vực:

Chermaine Hui - Hong Kong
Trinh Hoang Nam – Vietnam
Wei Feng - China
Sruthi Vijayachandran - India
Kyeong Eun Rhee - Korea
Yu Han Hou - Taiwan
Bong Yang - Malaysia
Sherly - Indonesia
Minami Yamamoto - Japan

Thursday, June 7, 2012

Ghostwriter, ghostwriting và ngôn ngữ học mô tả

Quả thật tôi không ngờ entry của tôi giới thiệu các định nghĩa về đạo văn của plagiarism.org cách đây vài hôm lại có thể thu hút nhiều người đến đọc, tranh luận (và cả lên án, ném đá nữa) nhiều đến thế. Theo kinh nghiệm của tôi, sự thu hút này không phải do đề tài nóng, hoặc vì tôi viết hay (!), mà là do trong bài tôi có nhắc đến sự khác biệt giữa định nghĩa mà tôi giới thiệu với cái định nghĩa mà GS Tuấn nhắc đến trong bài viết trên blog của ông về "tác giả ma".

Phải giải thích thêm một chút về lý do tại sao tôi lại nhắc đến định nghĩa mà GS Tuấn sử dụng. Cách đây ít lâu, có lẽ khoảng cách đây 2 năm (?), tôi có tham gia vào diễn đàn thảo luận của trang "giáo sư dỏm" - một trang khá nổi đình đám khi mới ra đời vì dám đem rất nhiều vị có tên tuổi, chức vụ cụ thể ra phân tích để kết luận rằng đấy là những người ... dỏm (!) theo định nghĩa của trang này. Tôi vào đó không phải vì quan tâm đến việc ai dỏm, ai không, mà là vì có bạn bè cho biết tôi và đơn vị của tôi (lúc ấy tôi còn đang làm giám đốc một trung tâm nho nhỏ trong một đơn vị thuộc khối công lập) đang bị vu khống và ném đá ở trong ấy, bởi một người đã có thời gian tôi mời đến làm việc với đơn vị của tôi. Vì vậy, tôi phải vào trang đó chỉ để đòi hỏi người vu khống và ném đá tôi phải đính chính và xin lỗi.

Trang "giáo sư dỏm" ấy ban đầu cũng làm cho tôi có ấn tượng khá tốt, vì mục đích nêu ra có vẻ rất cao cả, đó là làm trong sạch nền học thuật/khoa học của nước nhà. Một điều tôi cảm nhận rất rõ qua thời gian trao đổi trên đó là những người lập ra trang này rất ngưỡng mộ GS Tuấn, có lẽ vì ông có nhiều bài đăng trên các tạp chí có trong danh mục của ISI và có IF cao. Điều này thì tốt thôi, nhưng thỉnh thoảng tôi còn cảm nhận sự ngưỡng mộ ấy hình như làm cho họ có cái nhìn thiên lệch, dường như những gì GS Tuấn nói hoặc viết ra thì họ đều xem là chân lý cả; điều này không hợp với không khí tranh luận khoa học. Nhưng thôi, đó là quyền của những người lập ra trang web này; tôi là khách, không đồng quan điểm thì rút lui thôi.

Trong những lần trao đổi ấy, có một lần nào đó tôi nhắc đến ghostwriter theo cái nghĩa mà tôi hiểu theo "định nghĩa" của turnitin, mặc dù lúc ấy tôi còn chưa biết đến sự có mặt của trang plagiarism.org. Nói cách khác, tôi hiểu ghostwriting là một loại đạo văn nặng nề nhất, và ghostwriter (mà hiện nay đang được dịch là "tác giả ma") là một kẻ "đạo văn" hàng đầu, vì đã sử dụng hoàn toàn một bài của người khác mà không bỏ ra bất kỳ một chút công sức nào, trong khi những loại đạo văn khác thì còn có chút xíu lao động. Và ngay lập tức tôi bị sửa lưng, bị chê là hiểu sai, hiểu ngược.

Bị sửa lưng như vậy, tôi cũng khá ngỡ ngàng vì tôi vẫn hiểu về ghostwriter và ghostwriting như thế trong một thời gian khá lâu rồi. Tôi bèn kiểm tra trên mạng, thì thấy đúng rồi, chỉ cần gõ "ghostwriter" là google có thể cho ta hằng hà sa số các định nghĩa tương tự như định nghĩa mà GS Tuấn đưa ra trong mấy bài viết của ông. Vậy có nghĩa là lâu nay tôi hiểu sai mà không biết ư? Thắc mắc lắm, nhưng vì định nghĩa về ghostwriter sờ sờ trên mạng đúng là như thế nên tôi chấp nhận là mình sai và mừng là đã có người chỉ ra chỗ sai của mình để mình học hỏi. Quá tốt.

Nhưng rồi thỉnh thoảng lại thấy có người hiểu sai (?) giống mình, mà đấy là người bản ngữ mới chết chứ. Nên vẫn cứ còn vương vấn mãi cái thắc mắc đó trong đầu.

Vương vấn, cho đến khi tôi tìm thấy định nghĩa về ghost-writer trên trang của plagiarism.org mà tôi đã đề cập đến trong entry vừa rồi. Đó là lý do tại sao tôi đã thốt ra mấy dòng cảm nghĩ liên quan đến GS Tuấn và về biển học mênh mông vv (xin nói thêm là câu "biển học mênh mông ..." là tôi viết cho chính mình để răn mình đấy các bạn ạ, chả hiểu sao mà một số bạn lại đọc ra rằng tôi mỉa mai GS Tuấn, rồi thì ngụy biện, chụp mũ, ghen tỵ nữa chứ, đủ cả!)

Nhưng cũng nhờ có những người xông vào trang blog của tôi mà tranh cãi, rồi lên án, ném đá nữa chứ, nên tôi mới bỏ công ra tra tìm cho thật kỹ về cách dùng của ghost-writer và ghost-writing, và hiện nay có thể (tạm) kết luận như sau:

- Định nghĩa ghostwriter hay ghostwriting như GS Tuấn nêu ra là không có gì để bàn cãi. Ở đây không có chuyện tôi nói GS Tuấn sai khi sử dụng định nghĩa đó. Không hiểu sao một số bạn lại đọc ra cái hàm ý đó trong bài của tôi nhỉ?


- Điều đáng nêu ra ở đây, cũng là mục đích của tôi khi đem so sánh định nghĩa của turnitin với định nghĩa (rất phổ biến) mà GS Tuấn nêu ra, đó là cách hiểu ngược lại cũng không sai! Tóm lại, vấn đề không phải là "ai thắng ai" như thời chiến tranh lạnh, mà vấn đề là việc chấp nhận nhiều cách hiểu; tức là, không có ai đúng ai sai, mà cả hai cùng đúng!

Nhưng nếu một trong hai phía cứ nhất định bên kia phải sai (vì mình đúng mà!), vì cách hiểu của mình phổ biến hơn (!), hoặc logic hơn (!), thì ... xin thưa là tôi phải đầu hàng ngay thôi ạ, không tranh cãi nữa mà làm gì, vừa mất thì giờ vừa không đi đến đâu hết.

Xin kết thúc entry này bằng vài nguyên tắc của ngôn ngữ học mô tả (descriptive linguistics) mà tôi đã có thời là "tín đồ". Xin nói trước là tôi diễn đạt theo lời của tôi, chứ không trích dẫn ai, nên có thể không hoàn toàn chính xác từng lời của các nhà ngôn ngữ học lớn, và xin mọi người đừng bắt bẻ ở đây nhé vì tôi viết cho tôi và bạn bè, chẳng đem nộp nó đi đâu để nhận được thành tích hàn lâm gì cả, cũng chẳng phải để làm mẫu mực cho người khác (sinh viên) học theo. Những "nguyên tắc" đó là:

- Chúng ta không thể bắt ngôn ngữ phải vận hành và phát triển theo ý mình, cho dù điều mình nghĩ có thể là rất hay, rất logic. Language is, and not "should be".


 - Sự đa dạng ngôn ngữ (đa dạng về cách hiểu, cách phát âm, cách sử dụng vv) là một thực tế luôn tồn tại. Người Bắc có thể nói "thế à?", người Nam nói "dzậy sao?", cả hai đều đúng và chẳng có ai sai, cũng chẳng có ai "logic" hơn hay "thanh nhã" hơn!


- Sự biến đổi ngôn ngữ diễn ra hàng ngày, hàng giờ, nên một từ ngữ đầu tiên có thể có nghĩa này, nhưng sau  một hồi sử dụng thì lại thành nghĩa khác, điều đó chẳng có gì là lạ cả.

Tóm lại, với tư cách là người sử dụng ngôn ngữ - tức là tất cả chúng ta - thì thái độ duy nhất đúng là quan sát và ghi nhận, vậy thôi, chứ không phán đoán ai đúng ai sai.

Riêng tôi, thì tôi có một giả thuyết nho nhỏ về việc ghost-writer bị chuyển nghĩa từ "tác giả thực" (viết mà không đứng tên) sang "tác giả ... dỏm" (đứng tên mà không viết), như sau:

- Khi các trường đại học muốn dạy cho sinh viên về thái độ đúng đắn đối với việc đạo văn (= ăn cắp văn của người khác) thì cái mà họ quan tâm không phải là ai là tác giả thực (tức là con ma trong từ ghost-writer), mà là người phạm tội ăn cắp văn (ở đây là sinh viên nộp bài của người khác).

- Vì vậy, khi từ ghost-writer được dùng để chỉ các sinh viên đạo văn theo kiểu nhờ người khác viết bài rồi lấy đem nộp (hoặc cũng có thể là đi tìm bài có sẵn ở đâu đó rồi chép nguyên xi để nộp) thì lúc ấy "ghost-writer" đang được hiểu theo nghĩa: "One who is accused of ghostwriting", còn ghostwriting thì được định nghĩa là "a kind of plagiarism where the wirter submits something that somebody else has written", vậy thôi.

Chú ý rằng định nghĩa ghostwriting mà tôi mới nêu ở trên là hoàn toàn đúng, nhưng không phân biệt rõ ai  là người viết và ai là người đứng tên. Vì vậy, khi các trường bắt được những trường hợp vi phạm vào ghostwriting như vậy thì chính người nộp bài (các sinh viên, tức người ăn cắp văn của người khác) bị gọi là "ghost-writer" chứ không phải là ai khác. Bởi vì "con ma" (theo nghĩa là tác giả thực của tác phẩm) nó đâu có ra mặt đâu mà bắt được, và cũng chẳng cần bắt để làm gì. Các trường chỉ cần quan tâm giáo dục sinh viên của mình thôi chứ!

Wow, không ngờ tôi viết một hơi dài thế. Thôi thì cũng viết một lần cho rõ mọi việc, rồi thì xin hoàn toàn chấm dứt vụ ghost-writer với ghost-writing ở đây nhé.

Và rất cám ơn bạn Raphy đã theo dõi cuộc tranh luận với những nhận xét rất khách quan, đúng mực. Là một điều mà có lẽ người VN chúng ta cần phải học hỏi để cải thiện văn hóa tranh luận của mình. Trong đó, tất nhiên là tôi đang nói cả tôi nữa.