Thursday, October 10, 2013

Tư liệu: Thị dân và văn hóa thị dân

Tư liệu dưới đây tôi đã dịch và gửi cho Tạp chí Nghiên cứu phát triển của TP HCM, giờ được báo là  đăng lên số gần đây nhất, không rõ có được biên tập lại gì không. Nay tôi đăng tư liệu này lên đây để chia sẻ, và cũng là để lưu cho mình, vì lưu trên blog là dễ tìm nhất đối với tôi. Enjoy các bạn nhé.
---------------
Thị dân và văn hóa thị dân
Vũ Thị Phương Anh dịch và giới thiệu
Lời giới thiệu

Thị dân – tiếng Anh là urbanite hoặc city-dweller - là gì? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng hóa ra lại khá phức tạp. “Thị dân” tất nhiên không phải là “người nhà quê”, mà phải là một người sinh sống ở các vùng đô thị (urban). Nhưng như thế nào là sống ở thành thị, ví dụ, những người công nhân quê ở tỉnh lẻ nhưng đến tham gia vào lực lượng lao động ở các thành phố lớn như TP HCM hoặc Hà Nội thì có phải là thị dân không? Mà một nơi như thế nào mới được xem là “đô thị” nhỉ? Chẳng hạn, ở Việt Nam thì Hà Nội và TP HCM chắc hẳn phải là “đô thị” rồi, nhưng còn những thành phố khác thì sao? Liệu có phải chỉ những thành phố cấp trung ương mới được xem là “đô thị” chăng, hay những thành phố lớn khác cũng được?


Thực ra, câu hỏi tưởng chừng đơn giản này lại có một định nghĩa khá phức tạp. Không thể định nghĩa “thị dân” bằng cách xác định nơi một người sinh sống, mà phải định nghĩa nó dưới cái nhìn văn hóa.  Dưới đây xin giới thiệu hai định nghĩa quan trọng liên quan đến khái niệm thị dân và đô thị. Trước hết, xin giới thiệu định nghĩa  về “thị dân” trên từ điển mạng có tên là Từ điển Đô thị (urbandictionary.com) , cũng là nghĩa phổ biến trên các phương tiện truyền thông của phương Tây hiện nay. Phần tiếp theo là định nghĩa và phân loại có tính hàn lâm về đô thị và các nền văn hóa đô thị theo Từ điển bách khoa Britanica, phiên bản trực tuyến.
 ---
[Thị dân] là người sinh sống ở một trong những thành phố lớn trên thế giới, có độ tuổi từ 17 đến 44. Là người tiêu dùng khá giả, có quan điểm sống lạc quan và rất khác những người sống ở "thị trấn nhỏ" hoặc khu vực nông thôn.

Văn hóa thị dân vừa là một tiểu văn hóa (subculture), vừa là một lối sống hiện đại. Thị dân có 6 đặc điểm chính: Thiếu thời gian, tự hào về văn hóa đô thị, có hiểu biết về truyền thông (media-literate), có ý thức về thương hiệu hàng hóa, tiêu dùng theo thị hiếu (trend-sensitive) và có ý thức về văn hóa.

Tờ báo Metro của Anh đã liệt kê 10 "Kỳ vọng lớn" (Great expectations) tác động đến đời sống thị dân:

01. Kỳ vọng có một cuộc sống đô thị có ý nghĩa và đầy kinh nghiệm phong phú.
02. Kỳ vọng thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống (chứ không chỉ là nghề nghiệp).
03. Kỳ vọng đạt được thỏa mãn đầy đủ từ công việc của mình (không chỉ về khía cạnh tiền bạc).
04. Kỳ vọng có một mạng lưới bạn bè rộng lớn.
05. Kỳ vọng vẫn có tình yêu đích thực trong thế giới hiện đại.
06. Biết rằng mình sẽ phải sắp xếp cuộc sống để có được thời gian và tận hưởng thời gian.
07. Biết là có thể phải vay nợ (tín dụng) để có thể tiêu xài và tiêu xài ngay bây giờ.
08. Kỳ vọng có một chính phủ tiến bộ và đem lại được những gì đã hứa.
09. Kỳ vọng sẽ được sống trong một khu vực "làng đô thị" trong thành phố của mình.
10. Kỳ vọng sẽ sống một cách trách nhiệm như một người tiêu dùng đô thị.

Thị dân là một người dễ mến: Anh ta rất thích sống ở thành phố, ăn mặc đẹp, theo dõi những hoạt động văn hóa đương đại, thường xuyên tổ chức những sự kiện và đi đến những nơi thú vị, luôn có ý thức xã hội mặc dù luôn than phiền là không có thời gian. Quả là một thị dân đích thực!

 -----------------
Định nghĩa đô thị và các loại hình văn hóa đô thị

Nghiên cứu văn hóa đô thị tất nhiên tập trung vào việc đưa ra định nghĩa về các định chế, về đô thị, về lối sống, hoặc các dạng thức văn hóa đã hình thành và phát triển trong các đô thị. Quá trình nghiên cứu đô thị đã liên tục thúc đẩy việc hình thành một quan niệm về đô thị và các kiểu văn hóa đô thị - một quan niệm thoát khỏi tính vị chủng (ethnocentrism), có giá trị lịch sử và xuyên văn hóa.

  

Đến tận giữa thế kỷ 20 quan niệm về đô thị vẫn phát triển theo quan điểm là chỉ có một kiểu đô thị đích thực hoặc tiêu biểu mà thôi. Henri Pirenne khi nghiên cứu về đô thị Châu Âu thời Trung Cổ, đã đưa ra lập luận trong tác phẩm Các thành phố Trung cổ (1925) rằng có hai đặc điểm căn bản cho việc phát triển văn hóa đô thị: một là, cần có một tầng lớp trung lưu (tiểu tư sản), những người này dựa vào buôn bán mà có được sự giàu có và độc lập về chính trị, không phụ thuộc vào các lãnh chúa phong kiến vốn không phải là dân đô thị; và hai là, cần có một tổ chức cộng đồng của công dân đô thị nhằm tạo ra sự gắn kết cần thiết để giải phóng độ thị ra khỏi sự kiểm soát của lãnh chúa phong kiến địa phương và quyền lực của giới tăng lữ. Mặc dù điều này vẫn còn được xem là định nghĩa tổng quát về đô thị (từ đó có quan niệm thông thường rằng đã là đô thị thì phải có chức năng thương mại), công thức của Pirenne vẫn chưa đầy đủ vì công thức này chỉ xem thành phố Trung cổ Châu Âu và những cư dân trung lưu của nó mới được xem là tiêu biểu cho một đô thị đích thực.

  

Max Weber trong tác phẩm Đô thị (1921) đã cung cấp một định nghĩa khác về đô thị. Tương tự như Pirenne, ông đối chiếu đô thị phương Tây và đô thị phương Đông. Theo Weber, một cộng đồng đô thị có 5 đặc điểm, có nghĩa là nó phải có: (1)  pháo đài; (2) chợ; (3) bộ luật và hệ thống tòa án của riêng mình; (4) tổ chức của công dân đô thị nhằm tạo cho người dân cảm giác thuộc về một tổ chức; (5) sự tự chủ về chính trị để lựa chọn thống đốc của thành phố cho các thị dân của nó. Weber tin rằng các đô thị phương Đông không bao giờ đạt được đầy đủ tất cả những đặc điểm này vì căn tính về gia đình, dòng tộc, hoặc sắc tộc đã cản trở những người dân đô thị tạo thành một cộng đồng thị dân đoàn kết để chống lại sự kiểm soát của nhà nước. Thậm chí đối với các đô thị phương Tây thì định nghĩa của Weber cũng loại trừ đa số các thành phố trước thời hiện đại, bởi vì sự độc lập của đô thị mà ông đòi hỏi chỉ mới tồn tại ở Bắc Âu và Ý, và ngay ở những nơi này thì cũng chỉ được một giai đoạn ngắn vào cuối thời Trung cổ. Kết quả là một quan niệm quá hạn chế về nền văn hóa đô thị, và vì thế, rất khó tạo ra một sự hiểu biết phù hợp cho tất cả mọi nền văn hóa.
  
Vào thập niên 1940, Robert Redfield, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ từ Louis Wirth và các thành viên khác của trường phái nghiên cứu sinh thái học của trường Đại học Chicago, đã đưa ra quan niệm về đô thị với những đặc điểm là phi cá nhân, không đồng nhất, thế tục, và pha trộn. Trong mô hình đô thị dân gian (folk-urban model), như trong bài viết "Xã hội dân gian” (The Folk Society), Redfield đã so sánh hình ảnh đời sống đô thị với hình ảnh cộng đồng dân gian, mà ông mô tả là nhỏ bé, thiêng liêng, có đặc điểm cá nhân cao độ và có tính đồng nhất. Ông cho rằng, khi các cá nhân di chuyển từ một cộng đồng dân gian [tức nông thôn – chú thích của người dịch] đến thành phố, hay khi toàn bộ một xã hội chuyển sang một nền văn hóa độ thị hóa, thì các truyền thống văn hóa sẽ bị phá vỡ. Các cá nhân và xã hội đang được đô thị hóa sẽ dẫn đến sự phá vỡ về mặt văn hoá và sẽ kéo theo các bệnh lý xã hội như ly hôn, nghiện rượu, tội phạm, và sự cô đơn.
  
Quan niệm về đô thị của Redfield xuất phát từ các nghiên cứu của các nhà xã hội học được tiến hành tại các thành phố công nghiệp của Mỹ, chủ yếu là Chicago. Với cái nhìn vị chủng, ông cho rằng phát hiện của các nhà xã hội học Mỹ có thể khái quát hóa cho tất cả mọi kiểu văn hóa đô thị. Những nghiên cứu sau đó cho thấy quan niệm này có nhiều điểm sai ngay cả đối với các thành phố công nghiệp của Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù quan niệm này có tính thiên vị chủng tộc và không đầy đủ ngay cả khi áp dụng cho các thành phố của Mỹ, nó vẫn có ảnh hưởng rất lớn trên cách suy nghĩ phổ biến; cách nghĩ cho rằng mọi thành phố, ở mọi nền văn hóa và trong mọi thời đại, đều là những trung tâm du mục, của những thử nghiệm xã hội, của sự bất đồng quan điểm, tình trạng bừa bãi, tội phạm, và những tình trạng tương tự - dù xấu dù tốt – tạo ra bởi sự phá vỡ trật tự xã hội.
  
Gideon Sjoberg (trong tác phẩm Thành phố tiền công nghiệp, quá khứ và hiện tại, 1960), đã tiến hơn một bước trong việc tạo ra sự hiểu biết xuyên văn hóa về đô thị, thách thức quan niệm văn hóa đô thị hẹp hòi về mặt chủng tộc và lịch sử trước đó. Ông phân chia các trung tâm đô thị trên thế giới ra thành hai loại, đô thị tiền công nghiệp và đô thị công nghiệp, mà ông phân biệt dựa trên trình độ phát triển công nghệ của xã hội. Theo Sjoberb thì các thành phố tiền công nghiệp hiện diện trong các xã hội chưa có trình độ công nghệ tinh vi, nơi sản xuất kinh tế còn dựa trên sức người và động vật. Thành phố công nghiệp chiếm ưu thế trong các quốc gia hiện đại hóa của Tây Âu và Mỹ, nơi các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng nguyên tử đã làm tăng đột biết sản lượng kinh tế. Đối với Sjoberg, văn hóa đô thị tiền công nghiệp rất khác với văn hóa đô thị công nghiệp: cư dân của các đô thị tiền công nghiệp gắn kết với nhau bởi những mối dây ràng buộc mang tính cá nhân về chủng tộc và sắc tộc; loại đô thị này duy trì kết nối dòng tộc mạnh mẽ và hầu như không thấy sự phá vỡ trật tự xã hội, nhà thờ hoặc các định chế tôn giáo khác vẫn giữ địa vị thống trị tương tự như niềm tin văn hóa ở khu vực đô thị; và chức năng chủ yếu của đô thị là vai trò hành chính của đế chế hơn là vai trò sản xuất công nghiệp.

 
Mặc dù quan điểm của Sjoberg về loại hình đô thị tiền công nghiệp đã là một sự cải tiến lớn so với những định nghĩa trước đó, nó cũng cũng phạm một sai lầm là khái quát hóa quá mức. Sjoberg đã nhập chung các nền văn hóa đô thị vốn rất khác nhau thành một loại duy nhất là đô thị tiền công nghiệp, ví dụ, các đô thị của các đế chế cổ xưa lại được nhập chung với những đô thị hiện nay của thế giới thứ ba. Những nền văn hóa đô thị trong quá khứ vốn không phù hợp với những quan niệm của Sjoberg, ví dụ như các thành phố tự trị của đầu Châu Âu thời đầu hiện đại, đã bị bỏ qua như những biến thể tạm thời và bất thường của loại hình tiền công nghiệp hơn là những biến thể quan trọng của văn hóa đô thị.

Trong tác phẩm "Vai trò văn hóa của đô thị", Robert Redfield và Milton Singer đã cố gắng cải thiện tất cả các quan niệm về đô thị đã có từ trước kể cả quan niệm mà chính ông đã đưa ra về mô hình đô thị dân gian, bằng cách nhấn mạnh các vai trò văn hóa đa dạng của các đô thị trong xã hội. Redfield và Singer xác định hai vai trò văn hóa của đô thị mà mọi thành phố đều thực hiện, mặc dù chúng có các cường độ và mức độ phức tạp khác nhau. Các đô thị mà vai trò văn hóa của nó chủ yếu là tạo dựng và hệ thống hóa các truyền thống của xã hội thì thực hiện chức năng “trực sinh” (đơn sinh). Trong những nền văn hóa đô thị như vậy, các văn nhân đưa ra lập luận về một "Truyền thống lớn” về văn hóa cho toàn xã hội. Các thông điệp văn hóa phát ra từ các thành phố như Delhi, Paris, Washington D.C, và các thủ đô khác của đế chế cổ điển hoặc các quốc gia hiện đại, là nhằm phát triển và bảo vệ truyền thống văn hóa. Ngược lại, các thành phố mà vai trò văn hóa chính yếu của nó là “dị sinh” (heterogenetic) theo như định nghĩa của Redfield và Singer, là những trung tâm về kỹ thuật và kinh tế, và chúng vận hành để sáng tạo và giới thiệu những ý tưởng mới, vũ trụ luận (cosmologies) và các thực tiễn xã hội mới. Những thành phố như London, Marseille, hay New York, thì giới trí thức thách thức các phương pháp cũ, chất vấn những truyền thống đã có sẵn, và giúp biến các thành phố đó thành các trung tâm văn hóa sáng tạo.
  
Tiếp tục mối quan tâm của Redfield và Singer về vai trò văn hóa của đô thị trong xã hội, Paul Wheatley trong tác phẩm Trung Hoa tứ đại cổ đô[1] (The Pivot of the Four Quarters, 1971) đã cho rằng hình thức cổ xưa nhất của văn hóa đô thị là trung tâm lễ nghi tôn giáo, có chức năng tổ chức và thống trị khu vực nông thôn quanh nó thông qua việc thực hành các nghi lễ và quyền lực. Theo Wheatley, chỉ mãi sau này thì quyền lực về kinh tế và chính trị mới được thêm vào. Theo truyền thống của Redfield và Singer, Wheatley đã xác lập rằng mọi quan niệm về văn hóa đô thị đều phải bắt nguồn từ vai trò văn hóa của đô thị trong xã hội của chúng; các nghiên cứu phải đề cập cụ thể đến vai trò của văn hóa đô thị trong việc tạo ra niềm tin và tổ chức hành đạo trong các nền văn hóa rộng lớn vượt ra ngoài khuôn viên đô thị, và từ đó đề cập đến ảnh hưởng của vai trò này đến nững lối sống và các nhóm xã hội (các hình thức văn hóa) nhất định trong đô thị.
  
Bắt đầu vào thập niên 1970, David Harvey (trong tác phẩm Công bằng xã hội và đô thị, 1973), Manuel Castells (trong tác phẩm Câu hỏi đô thị, 1977), và các học giả chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác tạo ra một thay đổi lớn trong quan niệm về vai trò văn hóa đô thị. Mặc dù họ chủ yếu nghiên cứu về các đô thị trong các nền văn hóa tư bản phát triển, nhưng cách tiếp cận của họ cũng có khả năng áp dụng tổng quát hơn. Thay vì đứng từ góc nhìn đô thị để nhìn rộng ra văn hóa đô thị nói chung thì cách tiếp cận mới này xem đô thị như một trạm dừng để các chức năng văn hóa xuất phát từ các nền văn hóa rộng hơn hoặc thậm chí từ  hệ thống thế giới đổ đến. Chẳng hạn, Harvey đã kết nối những thay đổi lớn trong lối sống đô thị Mỹ với văn hóa đô thị của chủ nghĩa tư bản phát triển: đối với ông, sự phát triển của vùng ngoại ô là do chủ nghĩa tư bản đã cổ động cho những cách thức tiêu thụ mới nhằm mục tiêu lợi nhuận. Castells thì quan niệm đô thị như một đấu trường cho các xung đột xã hội xuất phát từ sự phân chia giai cấp trong xã hội tư bản.

Cách tiếp cận Mác-xít này không mâu thuẫn với quan điểm nhấn mạnh đô thị như nguồn gốc của các vai trò văn hóa mà bổ sung cho nó. Nghiên cứu về vai trò văn hóa của đô thị cần phải bao gồm không chỉ các niềm tin cũng như các thực hành văn hóa xuất phát từ đô thị mà còn cả các hình thức văn hóa đã phát triển trong đô thị do tác động của nền văn hóa đô thị. Bằng cách này, việc nghiên cứu có thể tạo ra một quan niệm xuyên văn hóa và có giá trị về mặt lịch sử về đô thị, về các hình thức văn hóa của chúng và các nền văn hóa đô thị mà trong đó chúng được thiết lập.


[1] Bốn kinh đô cổ của Trung Hoa là: Tràng An, Lạc Dương, Yên Kinh và Nam Kinh.


Friday, October 4, 2013

Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp: Phải chăng còn thiếu một mắt xích?

Cuối tuần, xin gửi đến các bạn một bài viết mới của tôi, viết cho Nhân dân cuối tuần (!). Đây là bài thứ hai tôi viết cho tờ báo nổi tiếng là ... ít người đọc này (hu hu), vì đó là báo của Đảng, chắc là chỉ có Đảng viên đọc thôi, mà ĐV ở VN thì chỉ chưa đến 5% dân số.

Nhưng kinh nghiệm (hết sức ngắn ngủi) của tôi khi cộng tác với tờ báo này khá là dễ chịu. Tự nhiên có một ngày đẹp trời kia, một PV của báo (nghe giọng nói thì có thể đoán là còn rất trẻ) gọi điện cho tôi và cho biết đã xin số điện thoại của tôi từ một tờ tạp chí mà tôi hay cộng tác, để đặt bài viết về những vấn đề giáo dục đang nóng hổi mà tờ báo quan tâm. Vì đây là báo của Đảng mà, nên tôi hỏi là tôi viết có phải theo định hướng gì không, nhưng câu trả lời là chị cứ viết đúng ý chị, vì đây là vấn đề chuyên môn mà. Không có định hướng gì cả, báo cần câu trả lời chuyên môn cho những vấn đề xem ra chưa có lời giải.

Thế là tôi viết, bài đầu là về tại chức, thấy OK, vì không bị sửa đổi gì (chỉ cắt ngắn đôi  chút cho hợp với phần đất dành cho bài viết). Tưởng chỉ một lần, không ngờ tôi lại được mời thêm lần thứ hai (nhưng quá bận nên tôi đã không hoàn tất được bài), và rồi sau đó là lần thứ ba, tức là lần này.

Có một điều lạ là cậu PV của báo khi gọi cho tôi thì có giới thiệu rằng đã đọc nhiều bài của chị, và thậm chí đã đọc blog của chị (ui da!). Thế mà họ vẫn muốn mời tôi viết, khiến tôi khá ngạc nhiên: Phải chăng đã có ít nhiều thay đổi; Đảng đã bắt đầu muốn nghe những người có ý kiến khác mình?

Nhưng dù có đăng ở đâu thì bài viết của tôi cũng vẫn chỉ chứa những điều tôi thực sự nghĩ và thực sự tin. Nên tôi vẫn cám ơn báo ND đã mời tôi viết và đăng lên; ai biết được sẽ có lúc có người có trách nhiệm và có quyền đọc và ... từ đó tạo ra những thay đổi?

Đây là link dẫn đến bài viết, đã biên tập lại chút ít: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/21342502-thieu-mat-xich-quan-trong.html. Còn bên dưới là bài gốc, chưa biên tập, dài hơn và có nhiều chi tiết hơn.

Enjoy các bạn nhé!
--------------------

Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp: Phải chăng còn thiếu một mắt xích?

Tốt nghiệp rồi thất nghiệp?

“Tốt nghiệp … thất nghiệp” là tựa của một bức biếm họa cười ra nước mắt được đăng trên một tờ báo gần đây. Không hề cường điệu, bức biếm họa đó nhằm minh họa cho một thực trạng đáng buồn của giáo dục đại học Việt Nam. Tình trạng nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc phải làm những công việc không liên quan gì đến ngành nghề đào tạo đã kéo dài nhiều năm nay.

Bài viết có tựa “Nghịch lý cử nhân … thất nghiệp” vừa đăng ngày 28/9/2013 trên trang web của tờ Petrotimes dẫn số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cho biết tính đến thời điểm 1/10/2012, trong số gần 1 triệu người thất nghiệp tại Việt Nam hiện nay có đến xấp xỉ 18% số có trình độ cao đẳng và đại học, trong đó cao đẳng là 5,6% và đại học trở lên là 11,3%. Cũng theo bài báo trên, tình trạng cử nhân phải đi làm những công việc không cần có bằng cấp như lễ tân, tiếp thị, hoặc bảo vệ không phải là hiếm, kể cả đối với sinh viên tốt nghiệp những trường tốp trên như Đại học Ngoại thương. Điều này khẳng định lại kết quả của một cuộc khảo sát trên một mẫu khoảng vài ngàn sinh viên do Trường ĐHKHXH-NV thuộc ĐHQG Hà Nội thực hiện và công bố vào năm 2011, theo đó có đến gần 1/3 số sinh viên ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Ở một góc nhìn khác, báo cáo công bố năm 2012 của Viện Chiến lược Công nghệ thông tin về nhân lực của ngành công nghệ thông tin cho biết có đến 72% sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp ra trường không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết trong lĩnh vực nào có thể hành nghề tốt nhất, 70% không thành thạo ngoại ngữ và 77,2% doanh nghiệp CNTT phải đào tạo lại các nhân viên mới. Số liệu mới nhất – thu thập trong năm 2013 – của Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM liên quan đến ngành CNTT vẫn tiếp tục là một gam màu xám. Chỉ có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp là có thể sử dụng ngay, còn lại đều phải đưwcj doanh nghiệp đào tạo lại. Nếu số liệu của ngành công nghệ thông tin –  ngành đào tạo được xem là thế mạnh của Việt Nam – mà còn chẳng có gì là sáng sủa, thì ta hoàn toàn có thể suy ra rằng tình trạng của những ngành nghề khác cũng chỉ tương tự nếu nói là tệ hơn.

Nhà trường và doanh nghiệp: Mối quan hệ kém mặn mà

Sinh viên tốt nghiệp để rồi thất nghiệp vì thiếu kỹ năng, hoặc doanh nghiệp tuyển nhân sự phải bỏ thêm chi phí ra để đào tạo trước khi sử dụng, rõ ràng là một sự lãng phí khó lòng thể chấp nhận.Nhưng làm thế nào để giải quyết tình trạng nói trên? Câu trả lời có lẽ không ai là không biết: Cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường trong quá trình đào tạo ở bậc đại học. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra và duy trì sự gắn kết ấy? Trong những năm gần đây mặc dù hầu hết các trường đại học đều có ý thức về vấn đề này và đã có những nỗ lực lớn nhỏ khác nhau để tạo ra mối liên kết với các doanh nghiệp, nhưng kết quả đạt được vô cùng hạn chế. Có thể nói, tuyệt đại đa số các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn không quan tâm gì đến việc tạo dựng quan hệ với các trường đại học.

Không kể đến việc một vài nhân sự trong khối doanh nghiệp có tham gia giảng dạy do có quan hệ cá nhân, sự tham gia của doanh nghiệp đối với quá trình đào tạo tại các trường hiện nay nếu có thường chỉ dừng lại ở chỗ nhận sinh viên vào thực tập tại công ty. Nhưng ngay cả trong việc này thì nhiều doanh nghiệp cũng không thực sự hào hứng, vì cho rằng các sinh viên thực tập chỉ làm vướng chân chứ không đóng góp được gì. Mặt khác, nhiều sinh viên cũng than phiền về việc không học được gì, do nhiều doanh nghiệp không cho phép sinh viên tham gia trực tiếp vào công việc mà chỉ được quan sát chung chung, cũng không có những hướng dẫn hoặc giải đáp khi sinh viên có thắc mắc. Đó là chưa kể tình trạng sinh viên được nhận vào thực tập chỉ để được sai vặt, như được nêu trong một phóng sự có tựa là “Cử nhân thực tập nghề … bê nước, pha trà” trên tờ Tiền Phong vào tháng 1/2013. Nói vắn tắt, các doanh nghiệp không mặn mà bắt tay với các trường đơn giản là vì họ không thấy có ích lợi gì trong việc hợp tác này cả.

Sẽ là không công bằng nếu nói đến sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhưng lại chỉ xét đến vai trò của doanh nghiệp mà bỏ qua vai trò của các trường. Thực tế cho thấy, không kể một số trường thực sự năng động và có nhiều quan hệ với doanh nghiệp, hầu như các trường đều không thực sự tích cực để tìm ra những phương cách tạo ra mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp. Ngay cả trong việc thực tập – một yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo – nhiều trường cũng bỏ mặc cho sinh viên tự đi tìm nơi thực tập, miễn là có sự xác nhận của doanh nghiệp như một thủ tục bắt buộc, rồi sau đó làm một báo cáo mang tính hình thức, thì có thể xem là đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo, như trong bài báo đăng trên tờ Tiền Phong đã dẫn ở trên.

Phải chăng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào lòng tốt và ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, và chừng nào điều này chưa xảy ra thì việc sinh viên ra trường để thất nghiệp vẫn sẽ là một tình trạng đương nhiên?

 “Vòng xoắn ba” Nhà trường – Doanh nghiệp – Nhà nước: Kinh nghiệm của các nước phát triển

Kinh nghiệm của các nước công nghiệp phát triển có thể sẽ gợi ý cho cho chúng ta một vài ý tưởng. Thật vậy, đối với các nước phát triển phương Tây thì sự liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp được xem là một điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cả hai phía trong nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu ngày nay. Trong mối quan hệ này, doanh nghiệp đóng vai trò đòn bẩy kích thích sáng tạo và thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, đồng thời cũng cung cấp thêm một nguồn lực tài chính cho các hoạt động của nhà trường; ngược lại, các trường đại học là nơi sáng tạo ra tri thức mới và tìm tòi các giải pháp cho các vấn đề mà thực tế đặt ra cho các doanh nghiệp, bên cạnh vai trò truyền thống là nguồn cung cấp cho nhu cầu về nhân lực có trình độ.

Cần lưu ý rằng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp tại các nước phát triển là mối quan hệ bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chứ không phải là mối hỗ trợ từ một phía. Tại các nước này, các trường đại học – đặc biệt là các trường có tầm cỡ – đồng thời cũng là những trung tâm sáng tạo với những phát minh sáng chế quan trọng, nơi tụ tập những tài năng lớn và đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp, được nhà nước đầu tư đáng kể về phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại để thực hiện những công trình nghiên cứu quan trọng. Tận dụng nguồn lực này để giải quyết những vấn đề của riêng mình qua những hợp đồng khoa học công nghệ chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn so với việc từng doanh nghiệp tự đầu tư để thực hiện các nghiên cứu riêng lẻ – tất nhiên là trừ những doanh nghiệp lớn có sẵn bộ phận nghiên cứu và phát triển.

Nhưng mối quan hệ thuận lợi giữa nhà trường và doanh nghiệp tại các nước phát triển không phải tự nhiên mà có. Mặc dù không lộ diện, nhưng trong mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp luôn có sự hiện diện của nhà nước thông qua hệ thống chính sách và môi trường pháp lý. Đó chính là mô hình “vòng xoắn ba” (triple helix) gồm nhà trường – doanh nghiệp – nhà nước mà các tài liệu về nghiên cứu của phương tây thường hay đề cập đến. Một ví dụ rõ ràng là vấn đề sở hữu trí tuệ. Chính vì nhà nước đã tạo ra được một môi trường nơi sản phẩm trí tuệ của các nhà khoa học được bảo vệ chặt chẽ, nên các nhà khoa học phương tây hoàn toàn yên tâm nghiên cứu và phổ biến các ý tưởng sáng tạo của mình rộng rãi đến công chúng. Trong một môi trường như vậy thì các nhà nghiên cứu và các trường mong càng có nhiều người biết đến và áp dụng các ý tưởng và giải pháp của mình để sinh lợi càng tốt,bởi khi doanh nghiệp thu lợi từ ý tưởng của họ thì lúc ấy chính họ sẽ được hưởng quyền lợi chính đáng dành cho người có quyền sở hữu trên sản phẩm trí tuệ ấy.

Một ví dụ rõ ràng khác trong mối quan hệ khắng khít của “vòng xoắn ba” này là vấn đề kiểm định nghề nghiệp và cấp chứng chỉ hành nghề. Ở Mỹ, các hội nghề nghiệp có một vai trò rất quan trọng trong quá trình đào tạo của các trường đại học. Hội nghề nghiệp là nơi xác định các tiêu chuẩn năng lực cần có và nội dung của các kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề của một người bắt đầu bước chân vào một ngành nghề chuyên nghiệp nào đó. Những tiêu chuẩn này đồng thời cũng được đưa vào bộ tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo (còn gọi là kiểm định nghề nghiệp, ví dụ như tiêu chuẩn của ABET) để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường. Thông qua kiểm định nghề nghiệp, nội dung chương trình đào tạo của các trường sẽ thường xuyên được đánh giá về mức độ cập nhật và phù hợp với thị trường, nhằm tránh tình trạng sinh viên ra trường nhưng không có những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Nhà nước không cần can thiệp vào quá trình kiểm định này, mà chỉ công nhận giá trị của các tổ chức kiểm định nghề nghiệp, và đưa ra các chính sách tài chính đối với người học và nhà trường đối với các trường, chẳng hạn như trường nào không thực hiện kiểm định thì sinh viên của họ sẽ không được cấp học bổng hoặc các khoản tín dụng học tập.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Kinh nghiệm của các nước phát triển về “vòng xoắn ba” khiến ta không khỏi thắc mắc, phải chăng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo là vì vòng xoắn hiện còn thiếu một sợi dây thứ ba? Chẳng hạn, nếu như các doanh nghiệp không mặn mà với các trường vì họ không được lợi gì từ mối quan hệ này, thì liệu nhà nước đã có chính sách gì để khuyến khích sự gắn kết này hay chưa? Nhà nước có vai trò gì không khi tuyệt đại đa số giảng viên trong các trường đại học của Việt Nam không say sưa nghiên cứu để sáng tạo ra tri thức mới, khi tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn tràn lan trên mọi lãnh vực, hoặc khi bằng cấp thật, chất lượng dỏm dường như ngày càng trầm trọng vì số trường đại học mở ra thì nhiều nhưng chưa có một hệ thống kiểm định hoàn chỉnh? 

Vâng, có lẽ điều cần làm để giải quyết tình trạng hiện nay không phải là tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết với doanh nghiệp, hoặc kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ quá trình đào tạo của các trường để chứng tỏ trách nhiệm xã hội, mà là nhanh chóng có được một vài chính sách vĩ mô để tác động vào mối quan hệ này, như chính sách về kiểm định nghề nghiệp chẳng hạn. Nếu không thì  hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp xong để tham gia vào lực lượng thất nghiệp không giảm đi mà có lẽ sẽ còn cao hơn nữa, đặc biệt là trước viễn cảnh Cộng đồng Kinh tế Asean vào năm 2015!