Saturday, September 11, 2010

"Cẩn trọng trong quan hệ"

Bài viết này của tác giả Philip Altbach, một nhà nghiên cứu về giáo dục đại học quốc tế người Mỹ, GS tại ĐH Boston, được đăng trên blog The World View (Nhãn quan thế giới) của tờ Inside Higher Education ngày 18/8 vừa qua.

Do nó có liên quan đến giáo dục đại học của VN và những vụ scandals liên quan đến liên kết đào tạo đại học trong thời gian gần đây, tôi có nhờ Khôi (con trai tôi) dịch và sau đó gửi cho báo Văn hóa Nghệ An, một tờ tạp chí ở một địa phương nhỏ mà tôi chỉ mới quan tâm đến gần đây do lời giới thiệu của bạn bè. Đọc, và thấy thích nó, nên nhận lời cộng tác.

Nay báo đã đăng, nên theo đúng luật chơi (luật bất thành văn), tôi "được quyền" đem về blog của mình để lưu giữ và giới thiệu với thân hữu của blog này "thưởng thức".

Các bạn đọc, và có gì thì cho ý kiến nhé! À quên, ai muốn đọc Văn hóa Nghệ An thì vào địa chỉ này: http://vanhoanghean.vn/index.php.
------
Cẩn trọng trong quan hệ: một trường hợp cần cảnh báo[1]
Tác giả: Philip G. Altbach
Thứ sáu, 10 Tháng 9 2010 15:38

Vừa qua, báo chí trong nước có phanh phui thông tin về một trường đại học “dỏm” của Mỹ là ĐH Irvine có liên kết với một trong những đại học hàng đầu của Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội. Mặc dù đã chấm dứt từ năm 2008 vì ĐHQG HN chê đối tác là không có thứ hạng cao, nhưng liên kết này cũng đã kéo dài nhiều năm, và đã thực hiện đến 10 khóa đào tạo với tổng số học viên tuyển vào lên đến 300 người. Đáng nói hơn nữa, khi bị báo chí phanh phui, lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội dường không phân biệt được sự hợp pháp của một đơn vị với tình trạng được hoặc không được kiểm định của một trường đại học như ĐH Irvine. Vì thế mới có những phát biểu nhầm lẫn và đáng tiếc khiến dư luận phản ứng.

Trong thời đại nối mạng thông tin và toàn cầu hóa như hiện nay, hầu như không có việc gì xảy ra ở một nơi mà thông tin lại không lan ra khắp thế giới. Vụ liên kết với đại học “dỏm” của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia. Bài viết dưới đây của GS Philip Altbach, một giáo sư và nhà nghiên cứu giáo dục quốc tế hàng đầu của Mỹ hiện nay với rất nhiều bài viết đã được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam, đã phân tích những bài học cần rút kinh nghiệm qua vụ việc này để tránh những sai lầm tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Bài viết trên vừa được đăng vào ngày 18/8/2010 trên trang blog mang tên World View, vốn được xem như một phụ trương trên mạng của tờ tạp chí giáo dục đại học nổi tiếng Inside Higher Education của Mỹ. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến tất cả các bạn.

------------
Trong giáo dục đại học quốc tế, các trường thường bị xã hội đánh giá qua các mối quan hệ của họ. Vì vậy, việc chọn lọc cẩn thận các đối tác của mình đóng vai trò tối quan trọng. Các trường cần chắc chắn rằng thương hiệu và uy tín của mình được bảo vệ, và quan hệ với đối tác đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Một trường hợp đáng cảnh báo đã xuất hiện tại Việt Nam. Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những trường hàng đầu tại Việt Nam, hiện đang phấn đấu trở thành trường đẳng cấp quốc tế, đã có mối quan hệ chính thức với Đại học Irvine tại Hoa Kỳ. Tôi xin miễn bình luận chi tiết về Đại học Irvine vì tôi không muốn bị họ kiện, chỉ xin nêu rằng Đại học Irvine không được kiểm định bởi bất kỳ tổ chức kiểm định nào được Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (U.S. Education Department) hoặc Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA) công nhận. Điều này có nghĩa là sinh viên của trường không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính của chính phủ và chính quyền ở một số bang sẽ xem bằng cấp của sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Irvine là không đáp ứng được những yêu cầu về giáo dục dành cho công chức. Sẽ không thể tìm thấy vị trí của Đại học Irvine trên bất cứ bảng xếp hạng đại học thông dụng nào – thậm chí không có ngay cả ở vị trí cuối bảng.

Dường như ĐHQG HN đã chấm dứt quan hệ của họ với Đại học Irvine, nhưng không phải mọi tin tức có đề cập đến quan hệ với Đại học Irvine trên website của họ đều đã được loại bỏ. ĐHQG HN có nhiều mối quan hệ trên thế giới – theo website của họ thì họ có đến 88 mối quan hệ, bao gồm 19 quan hệ với các trường đại học tại Hoa Kỳ, 27 quan hệ với các tổ chức của Nhật Bản, bao gồm một số tập đoàn lớn như Fujitsu, 2 quan hệ với các trường của Anh, v.v…. Số lượng các đối tác ở đây nhiều một cách phi thực tế. Thật ra, trường hợp của ĐHQG HN không phải duy nhất. Nhiều trường đại học trên thế giới dường như chỉ quan tâm đến việc có được những biên bản ghi nhớ (MoU) hoặc các thỏa thuận hợp tác vốn chẳng có ý nghĩa gì hơn là một tờ giấy ghi lại các quan hệ đó. Những bản thỏa thuận này trông khá “xôm” khi đăng trên website, lại có vẻ là dấu hiệu của sự quốc tế hóa và bằng chứng cho các hợp tác toàn cầu. Nhưng trong thực tế, những mối quan hệ như vậy không có mấy ý nghĩa đối các bên tham gia.

Có lẽ không ai muốn chỉ trích một cách bất công đối với ĐHQG HN, vì nhiều trường đại học ở các nước đang phát triển ra những quyết định kỳ lạ khi lựa chọn đối tác vì họ thiếu thông tin, do họ bị ảnh hưởng bởi những lợi nhuận do các đối tác hứa hẹn, hoặc do tác động của các mối quan hệ cá nhân phức tạp. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, các cá nhân ở cấp lãnh đạo cao nhất hoặc các tổ chức có quan hệ chặt chẽ với chính phủ như ĐHQG thường sẽ nhận được rất nhiều yêu cầu hợp tác từ các trường đại học nước ngoài và thường không sẵn sàng từ chối. Bên cạnh đó, họ hầu như chẳng mất gì khi đồng ý thiết lập quan hệ.

Nhưng ở đây có những bài học cần chú ý. Bài học đầu tiên là các trường rất dễ bị dính vào những mối quan hệ không cân xứng. Những mối quan hệ này có thể gây tổn hại cho danh tiếng của trường và, quan trọng hơn, gây tổn hại cho sinh viên và giảng viên khi họ bị dính líu với những đối tác có vị trí hoặc danh tiếng thấp hơn ở trong nước cũng như trên thế giới. Có quá nhiều mối quan hệ quốc tế như thế có thể tạo ra những vấn đề cho việc đảm bảo chất lượng và quản lý cũng như bảo vệ danh tiếng. Và một trường đại học với quá nhiều đối tác có thể bị xem là vô trách nhiệm hoặc ít nhất là không biết chọn lọc.

May mắn thay, những vấn đề trên có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Yếu tố quan trọng nhất là có được một hoặc hai nhà quản lý hiểu rõ về bức tranh giáo dục đại học thế giới. Bỏ thì giờ nghiên cứu và khám phá những tác động của các mối quan hệ cũng là một việc quan trọng. Bên cạnh đó, phải có một chiến lược giáo dục quốc tế rành mạch, tương tự như một chính sách ngoại giao của nhà trường, từ đó vạch ra những chiến lược và kế hoạch cụ thể, cung cấp một lộ trình cho các liên kết quốc tế. Đối với các nước đang phát triển, yếu tố quan trọng nhất có lẽ là sự cam kết phục vụ lợi ích cao nhất của nhà trường và của quốc gia, hơn là đồng ý với mọi lời mời gọi hợp tác từ bên ngoài.
-------------
Nguồn: http://www.insidehighered.com/blogs/the_world_view/the_company_we_keep_a_cautionary_tale

6 comments:

  1. Lời dẫn: Tại thời điểm này để phù hợp với những điều kiện mới (và hiểu biết mới của mình), thì nếu bắt đầu viết có lẽ tôi sẽ viết khác hơn so với bài viết tại thời điểm 19/08/2010. Bài viết 19/08/2010 đã đăng tải trên http://www.topmba.vn/forum/tranh-luan/ubi%27s-scandal/msg35028/#msg35028 có lẽ cũng đã ít nhiều giúp trưởng thành hơn (hiểu biết hơn làm người ta trưởng thành hơn) một bộ phận con người nằm trong dư luận khi dư luận còn non nớt, như trích dẫn dưới đây:

    * * *

    - Văn bằng của Irvine University (IU) có thể được Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam công nhận hay không?

    1. - “Có thể được “công nhận”, bởi vì văn bằng này có “giá trị” ngay cả ở Hoa Kỳ” – đây có lẽ là câu trả lời đáng mong đợi của các anh chị học viên liên quan. Nhưng để có cái nhìn sâu sắc hơn, trước tiên xin mạnh dạn đặt “vấn đề” với câu hỏi. Thật vậy, sự phong phú và sống động của đời sống vốn không thể đặt gọn và không hề chờ đợi những “giới hạn” của (xã hội) con người [http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n2nnn4n3n31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1]. Ví như doanh nhân có quyền làm mọi điều mà pháp luật không cấm (luật doanh nghiệp 2005), theo đó một anh chị đã đang học tập và nghiên cứu quản trị kinh doanh – thật khó (tin) có thể kinh doanh thành công khi không có được tố chất chủ động! Cũng vậy trong lĩnh vực giáo dục (tham khảo bài viết: http://www.cynosura.org/index.php?option=com_content&view=article&id=74:nhin-li-giao-dc-i-hc-vit-nam-hu-wto), chúng ta học tập để làm gì khi không (tự thấy) có giá trị trước khi được kẻ khác “công nhận”?

    2. Như sự trực ngôn của một người đã theo học “Thạc sỹ quản trị kinh doanh”:“Có lẽ nước VN này xuất phát từ một nền văn hóa bị trị quá lâu, cho nên hầu như không thể tự chủ” . “Nền văn hóa bị trị” có thể hiểu là một cách nói - về xã hội phong kiến trong đó học (vẹt) là cách duy nhất để làm quan (làm quan thì cả họ được nhờ); và gần đây hơn là thời kỳ bao cấp khi mà vai trò của nhà nước có tính cực đoan, sự bình đẳng trong nhân dân được hiểu một cách thô cứng. Kể từ Đại hội Đảng năm 1986, công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế của nước ta đã trải qua những dấu mốc quan trọng như là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ (15 năm trước), ký kết hiệp định thương mại Việt – Mỹ (10 năm trước) và gia nhập tổ chức thương mại thế giới (5 năm trước).

    3. Khi đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam cần phải thực hiện hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) đối với 12 ngành dịch vụ, trong đó có giáo dục. Nghĩa là giáo dục được nhìn nhận không chỉ là một phúc lợi xã hội mà còn là một dịch vụ thương mại. Không thể không chấp nhận những xu hướng, cơ chế, tiêu chuẩn… được hình thành trên cơ sở quan hệ cung – cầu trên thị trường Việt Nam, và rộng hơn là thị trường toàn cầu. Theo đó, dưới đây chúng ta hãy phân tích và hiểu đúng hơn ý nghĩa từ ngữ “được công nhận” (accredited) ở Hoa Kỳ, từ đó đối chiếu trở lại với ý nghĩa tương ứng trong các ý kiến xoay quanh các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam hiện nay.

    4. Trong số các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam, ngoài những chương trình được Bộ phê duyệt http://vietnamnet.vn/giaoduc/201007/112-chuong-trinh-dao-tao-nuoc-ngoai-hop-phap-o-VN-925908/, thì cũng có những chương trình không cần thiết được Bộ phê duyệt, mà một trong số đó là chương trình Thạc sỹ quản trị kinh doanh của Irvine University (IU) liên kết với Đại học quốc gia (HN). Không chỉ có Đại học quốc gia (HN), mà nhiều trường khác (như là Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ…) cũng có được quyền tự chủ (một điều thiết yếu để nâng cao chất lượng giáo dục). Có thể quản lý theo mô hình của một doanh nghiệp, các trường đại học Việt Nam cung cấp dịch vụ - giáo dục: có quyền tự quyết nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  2. (tiếp theo)

    5. Các trường đại học Việt Nam cần phải thực sự đổi mới, nghĩa là trước hết phải chủ động ứng dụng những luật lệ của thị trường – thậm chí một thị trường phi biên giới. (Đặc biệt, thử hỏi nếu một trường kinh doanh không chủ động thì sao có thể tự tin rằng đào tạo được những nhà kinh doanh chủ động!?). Thực tế từ nhiều năm trước, pháp luật Việt Nam đã thừa nhận tính chất “kinh doanh” trong lĩnh vực giáo dục: Ví dụ, theo nghị định Số: 18/2001/NĐ-CP, các cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhằm mục đích thu lợi nhuận không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này và được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (cùng các quy phạm pháp luật liên quan).

    6. Theo như phản hồi từ Đại học quốc gia Hà Nội http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=876 thì theo chủ trương của Bộ giáo dục và đào tạo, hoạt động liên kết đào tạo quốc tế được tích cực triển khai như một biện pháp hợp lý và hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt ở bậc sau đại học, nhằm nhanh chóng vươn lên hội nhập quốc tế. Và cũng nói rõ rằng chương trình Thạc sỹ quản trị kinh doanh liên kết với Irvine University (Hoa Kỳ) là một thực tế hợp lý trong giai đoạn đầu “tìm tòi” và “bề bộn”, đặc biệt là phù hợp với điều kiện và nhu cầu của (học viên) Việt Nam. Xin nhấn mạnh ở điều kiện và nhu cầu của (học viên) Việt Nam: học tập vì mục tiêu học vấn hay công việc? chuẩn nào với yêu cầu tiếng anh và bằng cấp đầu vào? khả năng tài chính đáp ứng đến đâu (xin nhấn mạnh ở điều này)? v.v… và v.v…

    7. Trong chương trình nói trên, phía Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về chương trình, giáo sư, phương pháp… (học thuật), và phía Việt Nam chịu trách nhiệm về tư vấn, hỗ trợ, pháp lý… (tổ chức); tương ứng là tấm bằng học viên nhận được là “một dấu” (hợp pháp) của đối tác Hoa Kỳ (kèm theo đó là giấy tờ xác nhận tham gia chương trình từ phía Việt Nam). Nếu vậy lẽ nào tấm bằng do Irvine University cấp lại không được “công nhận”? Nên chăng có thể nói trong các bài viết của một vài giáo sư/ tiến sỹ trong nước/ ngoài nước “đầu trò dậy sóng dư luận” hiện nay, dù “kém hiểu biết” hay là “có ý đồ”: đã không chỉ rõ (được) hai nghĩa trong tiếng Anh: (1) Chuẩn y pháp lý (Approval) và (2) Công nhận chất lượng (Accredited), mà tương ứng với đó lại (chỉ) là một từ ngữ - “công nhận” (tiếng Việt). Vậy ở Việt Nam thực chất “ai” có thể là chủ thể “công nhận”, hay như thế nào là hiểu đúng hơn về “giá trị” của một văn bằng (nước ngoài)?

    8. Tại Hoa Kỳ, ví dụ đại học University of California: Irvine (UCI) thuộc tiểu bang California được công nhận chất lượng (Accredited) bởi Western Association of Schools and Colleges (WASC). Về cơ bản: WASC hoạt động dựa trên các tiêu chuẩn được thiết lập bởi cộng đồng các cơ sở giáo dục đáp ứng các nhu cầu của người học và xã hội nhằm nâng cao hiệu quả thực tế của từng cơ sở giáo dục nói riêng và chất lượng giáo dục trong khu vực nói chung. b) đáp ứng nhu cầu của “người sử dụng dịch vụ” (cá nhân và doanh nghiệp) ---> c) Nhà nước Hoa Kỳ nói chung (mỗi tiểu bang cũng là một “nhà nước”) đã đang thừa nhận “giá trị” của các tổ chức công nhận chất lượng (đã dẫn).

    (còn nữa)

    ReplyDelete
  3. (tiếp theo)

    9. Ý nghĩa thực tế của việc “công nhận” là: Một văn bằng sử dụng được cho nhu cầu học vấn (học cao hơn), cho nhu cầu công việc (thi tuyển, nâng lương v.v...). Thí dụ - trong doanh nghiệp, hai nhân lực đều nộp vào tấm bằng Hoa Kỳ hình thức giống hệt nhau (degree) và bảng điểm cũng giống hệt nhau (transcript), nhưng sau một thời gian làm việc, một người (A) làm việc hiệu quả, được thăng chức; còn người kia (B) làm việc sai hỏng, bị phê bình. Theo đó ông chủ doanh nghiệp (muốn sa thải nên tìm cớ) đặt vấn đề với phòng nhân sự về tấm bằng nước ngoài của (B). Trưởng phòng nhân sự nói: “Em không thể nói gì được hơn nhưng để em tìm đến… Bộ giáo dục và đào tạo xin một kết luận xem sao!”. Giả định Bộ giáo dục và đào tạo có văn bản không “công nhận” văn bằng của (B): (B) ghen tức nói lại rằng: “(A) cũng không thể được “công nhận”. Vậy trong tình huống này, có thể được xử lý như thế nào thưa các anh chị?!

    10. Trong tình huống trên, doanh nghiệp (công chúng) đã ủy quyền “công nhận” một văn bằng, nhưng suy xét kỹ hơn thì có thể nói: Căn cứ trên văn bằng, bảng điểm và các giấy tờ khác (nếu có) được cung cấp, Bộ giáo dục và đào tạo chỉ có quyền, và quan trọng hơn là có khả năng đưa ra kết luận "có thể sử dụng được". Nghĩa là khi tấm bằng đó được chính quyền Hoa Kỳ “công nhận” (pháp lý), thì chính quyền Việt Nam cũng (mặc nhiên) “công nhận”. Còn (văn bản) “công nhận” mà dựa trên yếu tố “chất lượng” (gắn liền với năng lực của người có tấm bằng) – thì không nên có và được đưa ra bởi một cơ quan công quyền là Bộ giáo dục và đào tạo. Nói chung kết quả giáo dục (con người) phản ánh sự khác biệt về “trình độ phát triển” (phát triển theo nghĩa là sự thay đổi về chất, tức là kết quả của sự tương tác giữa các mặt đối lập – đánh giá của thị trường và điều tiết của nhà nước).

    11. Con người và tự nhiên vừa phụ thuộc vừa độc lập: hai điều này có mẫu số chung là trí tuệ. Đánh giá trí tuệ cụ thể thì phải căn cứ vào thực tiễn đời sống cụ thể. Hãy khách quan trả lời rằng: kinh tế thị trường ở Việt Nam so với kinh tế thị trường ở Hoa Kỳ như nào? Và sau đó mới tự hỏi rằng những giá trị cơ bản của nền giáo dục Hoa Kỳ có đáng để nền giáo dục Việt Nam học hỏi? http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/11/061130_tranvanhien_giaoduc.shtml Ví dụ đơn giản là một sinh viên điển hình ra trường “xịn” ở Việt Nam có thể đáp ứng ngay được yêu cầu làm việc điển hình của doanh nghiệp trong đời sống kinh tế hội nhập toàn cầu hay không?... Khi không đặt trong những tương quan cụ thể thì mọi đánh giá “dỏm/ xịn” đều chỉ mang tính tương đối, là sự áp đặt không có ý nghĩa thực chất! Và quan trọng là phải có cái nhìn tích cực và hành động phù hợp, cái gì sai hỏng thì có thể sửa chữa, cái gì chưa biết thì có thể học hỏi, cái gì cần thiết thì khuyến khích vươn tới!

    12. Ở một nơi được coi đang phát triển thì không thể “tương đương” với ở một nơi được biết đến là đã rất phát triển. Hay nói dễ hiểu hơn, một cách hợp lý: Một tấm bằng hợp pháp Việt Nam mà “chất lượng” (chưa có hệ thống đánh giá) được coi là rất cao thì cũng không bằng một tấm bằng hợp pháp Hoa Kỳ dù chưa được công nhận chất lượng (accredited). Ở Hoa Kỳ, mọi trường đại học đều bắt đầu từ chưa được công nhận chất lượng (accredited) - một tương quan giá trị: Irvine University (IU) có khoảng cách so với University of California: Irvine (UCI) ; và UCI có khoảng cách so với… Harvard University (HU) [có lẽ không cần bàn thêm]. Như vậy - “Trường tốt không nhất thiết phải là được (đông đảo xã hội ngay lập tức) công nhận chất lượng (accredited), nhưng nếu một trường gian dối về chuyện được công nhận chất lượng (accredited) - thì đó là trường không tốt”.

    (Nguyễn)

    ReplyDelete
  4. Dề nghị anh Nguyễn viết từng phần và nhắm vào chủ dề chính, như thế người dọc sẽ dễ hiểu ý anh muốn nói hơn. Blog của Bs HH cũng viết về chủ dề này, dược dông dảo người dọc trong và ngoài nước tham gia ( hơn 30 ngàn truy cập mỗi ngày ) vì ông chia ra nhiều bài viết khác nhau dể không lạc hướng và mọi người dễ theo dỏi. Chỉ có chuyện ông BS, hơi nổ một chút thôi, cho vui, nhưng không ai than phiền vì ông không hại ai, mà làm cho hàng ngàn người tránh bị lừa vì thiếu thông tin về các Diploma Mills.

    Nếu tôi không lầm thì cái ý chính của anh nằm ngay phần 12)

    Ở Hoa Kỳ, mọi trường đại học đều bắt đầu từ chưa được công nhận chất lượng (accredited) - một tương quan giá trị: Irvine University (IU) có khoảng cách so với University of California: Irvine (UCI) ; và UCI có khoảng cách so với… Harvard ...

    Doạn anh viết, tôi không có gì dể không dồng ý với anh, nhưng muốn nói là thời gian dể dược công nhận chất lượng ( accreditation ) là 5 năm và trước dó ( trước 5 năm ) thì xem như chua dược công nhận. Thí dụ như trường anh vừa nói dến là University of California - Irvine, tháng 8 năm 2009, trường này mới mở Khoa Luật khóa dầu tiên www.law.uci.edu và dang xin dược công nhận từ American Bar Association ( Lưu ý : Cơ quan kiểm dịnh cho Law School tại Mỹ là American Bar Association, trường nào dược Full ABA ( Accreditation ) thì sinh viên tốt nghiệp dược quyền xin thi lấy bằng hành nghề tất cả các tiểu bang. Tuy nhiên, tại tiểu bang California, State Bar of California có cách tính riêng của họ. Muốn dược công nhận, American Bar Association sẽ dến xem xét trường Luật này như Campus, Faculty staff ( Giáo sư tốt nghiệp trường nào, có Dại Học Online nào chui vào dây không .. ), thu viện của Khoa Luật, giáo trình, cơ sỏ vật chất như book store, giảng dường v.vv

    Bây giờ trở lại Irvine University http://www.irvineuniversity.edu/, dịa chỉ tại 10900 183 St. Ste#330 Cerritos, CA 90703 là một cơ sở chỉ có 2 phòng ( suite 330 ) thuê trong một building, không có Campus, phân khoa, thu viện, văn phòng giáo sư gì cả. Tất cả nhân sự của Irvine University này chỉ gồm 5 người, kể cả Hiệu Trưởng. Anh có thực lòng nghỉ rằng có cơ quan nào sẽ cho họ Accreditation không ?

    Van

    ReplyDelete
  5. Thưa Van,

    Ngay khi bắt đầu để các bạn đọc, tôi cũng có lưu ý rằng, bài viết để đọc chơi, và có thể để suy ngẫm, chứ không phải để tranh luận. Bài viết đó thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, đặt vấn đề với Irvine University để mọi người bình tĩnh suy xét theo “những hệ quy chiếu khác nhau”. Và hãy lưu ý - dư luận, dẫu cho “Thế đấy, qui nạp nó vĩ đại thế đấy” (BS Hồ Hải), nhưng… không đủ để bạn phải tin tưởng 100%.

    Bài viết đó của tôi là tổng hợp của 12 đoạn, tạm ví như một sợi dây mềm gắn kết giữa giáo dục đào tạo Hoa Kỳ và giáo dục đào tạo Việt Nam, bạn hãy nghĩ tới tất cả những những sự giống nhau và khác biệt. Thực tiễn thì đa dạng, có người biết một, có người biết hai, có người biết ba v.v... có người biết nhiều hơn một nhưng chưa tới hai... và biết đến đâu thì vừa tới đấy!

    Nghĩa là cho dù mình rất thật lòng với mình, thì cũng không nên lấy quan điểm của mình mà áp đặt cho tất cả mọi người, và hơn nữa là lôi kéo cả những người vốn không giống mình. Ví như thực sự quán thông thì trước bất cứ vấn đề nào cũng thấy sự hợp lý, mà biểu hiện ra ngoài có thể chỉ là một nụ hàm tiếu, chúng sinh bình đẳng là vậy! (cười)

    Nền giáo dục Hoa Kỳ hiện nay không phải là không có những vấn đề của họ. Nhưng so sánh với chính họ hàng trăm năm trước thì đã có một quá trình... tốn nhiều giấy mực, của nhiều nhà chuyên môn v.v... và v.v... http://bshohai.blogspot.com/2010/03/tu-duy-giao-duc-bac-ai-hoc.html. Trên quan điểm phát triển, tôi nghĩ về nền giáo dục của Việt Nam với một thái độ tích cực hơn... dư luận (!)

    Ví dụ tôi không đưa ra kết luận cho tất cả mọi người ở Việt Nam: rằng một trường của Hoa Kỳ chưa được công nhận chất lượng (accredited)... là “không có giá trị”, là “dỏm”, là “lừa đảo” (cứ như khẩu hiệu biểu tình). Tôi đã từng nói bài viết không phải để bênh vực bất kỳ một cơ sở giáo dục đào tạo nào. Và tôi cũng chia sẻ rằng, tôi rất trân trọng việc cung cấp thông tin chính xác.

    "Bây giờ trở lại Irvine University http://www.irvineuniversity.edu/..." nếu như những thông tin Thomas Nguyễn đưa là chính xác, thì "tôi" không cho họ Accreditation, "tôi" không lựa chọn họ là đối tác, "tôi" không đóng tiền cho họ,... Vậy đơn giản, vấn đề là ở chỗ thiếu thông tin, và thiếu hụt thì có thể khắc phục...? Hãy thử tin cuộc sống luôn tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề! (cười)

    “Vì với hơn 5000 trường đại học ở Mỹ, thì... Princeton Review chọn ra chỉ có 373 trường đáng để theo học. Không phải các trường khác không đáng để theo học, mà để học tốt chỉ nên chọn 1 trong 373 trường tốt nhất nước Mỹ mà thôi. Còn không đủ khả năng xin học thì tốt nhất học các trường tốt ở Việt Nam.” http://bshohai.blogspot.com/2010/09/nhan-dien-york-university.html (BS Hồ Hải).

    … Thứ lỗi cho tôi không có đủ nhiệt tình, đủ hiểu biết, đủ thời gian v.v… để có thể viết bài như BS Hồ Hải, chợt nghĩ với “uy tín” của mình nên chăng BS Hồ Hải nên mở một công ty tư vấn du học để giúp ích cho “vận mệnh dân tộc”... Và, mấy sợi dây thần kinh của bộ óc lên bật tung lên (cười): Phải chăng các trường đại học đứng thứ nhất, thứ hai…nước Mỹ thì chỉ có toàn những lời khen?...

    Tái bút: Tôi cũng như chị TS Vũ Thị Phương Anh, http://ncgdvn.blogspot.com/2010/09/columbia-southern-university-csu-la-mot.html: "Chỉ là sự thận trọng, không muốn xô đẩy hoặc lôi kéo dư luận, tạo ra đám đông hoan hô đả đảo ầm ĩ. Và cũng không muốn là một phần của cái đám đông ấy". Ở Mỹ nếu không muốn thua kiện, thì đừng “hơi nổ một chút thôi, cho vui…”; còn ở Việt Nam vấn đề thực tế cũng không phải… đơn giản (!)

    ReplyDelete
  6. Tôi cũng như anh, chúng ta không thể dến ngay tại chổ, dể kiểm chứng Irvine University. Nhưng vào Web site của Irvine University như College of Law, tôi thấy ngay nhiều cái khác thường.

    1) Họ chỉ cho biết dịa chỉ của College of Law, khi có hẹn gặp.

    " Directions to Irvine University College of Law Cerritos campus will be provided when appointments are made."
    http://www.irvineuniversity.edu/index.php/programs/college-of-law/student-bar-association/news/

    2) Trường Luật này, không có thư viện mà dùng thư viện của Loyola Law School bên Los Angeles , cách dó rất xa.
    http://www.irvineuniversity.edu/index.php/student-services/

    3) Tại Mỹ, diều kiện dể vào trường Luật rất khó, thời gian dào tạo rất lâu, gấp dôi bên Vietnam. Phải có bằng Cử Nhân hoặc Thạc sỹ, diểm GPA cao , mới xin vào dược. Nhưng quan trọng hơn cả là phải di thi LSAT, một kỳ thi giống như MCAT cho trưòng Y khoa, diểm rất cao ( > 150 ) mới dược nhận. Ngoài ra còn 2 lá thư giới thiệu của Giáo sư v.vv Irvine University hoàn toàn không dòi hỏi các diều kiện rất quan trọng này.

    Dó là không kể một số hình ảnh các sinh viên tốt nghiệp College of Law, vui mừng khi thi dổ vào Luật Sư Doàn năm 2008, cách dây hơn một tháng còn thấy,nay dã dược gở xuống hết.

    Khi chúng ta thấy một con gì, di y hệt con vịt, kêu cạp cạp, cũng y hệt con vịt, thì chúng ta kết luận rằng nó dúng là con vịt rồi, không phải con công. Kiên nhẩn chờ con vịt di xin Accreditation rằng nó là con công thì biết dến bao giờ.

    Nếu tôi là học viên Irvine University thì tôi có giải pháp là, tôi dòi tiền lại (rất khó, trừ phi nhờ LS bên California, tìm một thương lượng "Out of Court" nào dó, có lợi cho hai bên). Tôi sang Montréal di học MBA, học phí cũng bằng tôi trả bên VN là khoảng 8000 US, thời gian là 12 tháng. Trong một năm này, tôi tìm việc làm trong các nhà hàng, quán phở v.vv của người Việt, lảnh tiền cash ( không có giấy tờ khai thuế ) như nhiều du sinh Viet Nam dang làm dể tự túc. Khi học xong, chính phủ Canada cho phép tôi ở lại di làm 3 năm là dủ diều kiện dể tôi xin thường trú. Sau khi tôi có song tịch ( nhu GS Ngô Bảo Châu ), tôi mới về lại Viet Nam.

    Chúc một ngày vui.

    ReplyDelete