Sunday, September 26, 2010

Action research (1): "Nghiên cứu hành động" là gì?

Tôi viết bài này trước hết là cho chính tôi, và sau đó là cho những người đồng nghiệp, những học viên cao học, và cả những người bạn, những người tôi đã biết và những người tôi chưa biết nhưng hy vọng một lúc nào đó sẽ biết nhau và trở thành những người bạn của nhau. Một tình bạn không biên giới trong thế giới phẳng này.

Lý do nào đẩy đưa tôi đến việc viết bài này? Ừ, trước hết là vì gần đây tôi có vướng vào một cuộc tranh luận không mấy thú vị nhưng kết quả cuối cùng lại rất hữu ích, liên quan đến việc định nghĩa nghiên cứu khoa học là gì, và thế nào là sản phẩm khoa học.

Cuộc tranh luận đó, như bất kỳ cuộc tranh luận nào, đã kết thúc. Mỗi bên có lẽ đã hiểu ra được hơn một chút về bên kia. Và tôi tin rằng mỗi bên đều có nhu cầu nhìn lại chính mình để hiểu mình hơn, hầu có thể hiểu và phán đoán về người khác đúng hơn.

Ít ra, đó là nhu cầu của tôi. Và trong nhu cầu hiểu chính mình đó, tôi thấy cần phải làm rõ với mọi người những đặc điểm thuộc về bản chất của "nghiên cứu" trong khối ngành KHXH-NV.

Và tôi tin rằng "action research", nà tôi tạm dịch là nghiên cứu hành động, là loại hình nghiên cứu mang đặc trưng rõ nhất của khối ngành XH-NV, mà đặc biệt là ngành giáo dục.

Vậy, action research là gì? Các bạn đọc ở dưới đây, và cùng tôi trao đổi nhé.

------------------
Nghiên cứu hành động, tức action research trong tiếng Anh, là một cụm từ rất thường được nhắc đến trong các course học về phương pháp nghiên cứu khoa học trong ngành giáo dục, nhưng dường như lại rất ít được đề cập đến ở VN.

Nhưng nghiên cứu hành động - action research - là gì? Theo tác giả của bài viết này, có thể định nghĩa nghiên cứu hành động một cách rất đơn giản là sự kết hợp giữa nghiên cứu và hành động. Nói cách khác, nó là suy nghĩ phản tỉnh (reflective thinking) về những gì mình đang làm, những suy nghĩ ấy dựa trên những số liệu (chủ yếu bằng phương pháp quan sát) được thu thập trong công việc hàng ngày, rồi sau đó biến thành những hành động nhằm cải thiện công việc của mình - những công việc mà đằng nào mình cũng phải làm, không ngưng được.

Cũng theo tác giả trên, bản chất của nghiên cứu hành động là "tham dự" (participatory). Không có tính tham dự thì không phải là nghiên cứu hành động. Nói cách khác, không có nghiên cứu hành động nào được thực hiện trong phòng thí nghiệm do một nhóm người xa lạ và độc lập với công việc hàng ngày của những người là một phần của thực tại cần nghiên cứu. Ví dụ, muốn nghiên cứu về việc dạy và học trong nhà trường phổ thông tại VN để cải thiện nó, thì theo quan điểm của nghiên cứu hành động, việc nghiên cứu ấy phải do chính các giáo viên hoặc nhà quản lý ở từng trường nghiên cứu về những công việc hàng ngày của mình, rồi đưa ra trao đổi với những người có liên quan, rồi sau đó là cùng đồng ý với những gì cần thay đổi, và rồi cứ thế mà hành động.

Nghe có vẻ ... rất không chuyên nghiệp, phải không? Nhưng nghiên cứu trong giáo dục đa số nó là như thế đấy, và đó là một loại hình nghiên cứu rất phổ biến ở các nước phương tây mà tôi biết (nhóm Anglo-Saxon). Tất nhiên, những người thực hiện nghiên cứu hành động như vậy cũng phải được huấn luyện về các phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật thu thập thông tin, dữ liệu phù hợp với mục đích nghiên cứu cụ thể của mình. Những điều ấy tôi sẽ nói trong những bài sau.

Còn để kết thúc bài đầu tiên này, tôi chỉ xin đưa một số đường links cho những bạn nào muốn quan tâm tìm hiểu sâu hơn:

1. emichaelbrady.weebly.com/.../hrd667ol_action_research_and_eval_methods.pdf - Đây là một bản đề cương chi tiết môn học có tên là Action Research and Evaluation Methods, dạy ở trình độ sau đại học, của trường ĐH Southern Maine của Mỹ.

2. http://www.methodspace.com/page/links-qualitative-research - Link này dẫn đến trang MethodSpace, một trang khá hay với nhiều tư liệu về phương pháp nghiên cứu, trong đó có action research.

3. http://www.eresearchcollaboratory.com/new_page_3.htm - Tương tự như 2, trang này dẫn đến các kho tư liệu về phương pháp nghiên cứu, từ triết lý đến thiết kế và các loại hình nghiên cứu khác nhau. Rất đầy đủ và hữu ích.

4. http://www.cehs.ohio.edu/centers-partnerships/centers/c4he/CHEWP_1_2009_AMWilliford.pdf - Đây là một bài viết rất hay, liên quan đến institutional research, công việc mà tôi và TT của tôi đang làm, rất mới mẻ nhưng cũng rất xa lạ đối với VN, dù rất có ích. Theo tác giả bài viết này, IR chính là một loại action research; điều này rất rõ, nếu xét theo định nghĩa mà tôi đã nêu ở trên: action research là nghiên cứu rồi hành động.

Tạm thời thế. Tôi sẽ còn trở lại chủ đề này thường xuyên.
---
Cập nhật lúc 13:30 cùng ngày:

4. http://www2.fhs.usyd.edu.au/arow/arer/008.htm - Đây là một bài viết rất hay về Action Research và QA. Rất có liên quan đến công việc hiện nay của tôi.

5. Và trang gốc của bài viết về AR mà tôi đã đưa ở trên: http://www.scu.edu.au/schools/gcm/ar/arm/op000.html - Rất đáng đọc, ngôn ngữ bình dân dễ hiểu.
----
Cập nhật tiếp ngày 4/10/2010:

6. http://www.enquirylearning.net/ELU/Issues/Research/Res1Ch4.html - Một trang tôi mới tìm được, cực hay về AR.

25 comments:

  1. Haha, cám ơn chị P.Anh đã raise topic này lên. Nhìn thấy cái tựa này là tôi không thể không ưu tiên đọc... Từ năm 2005, tôi đã được tham dự 1 khóa học chính quy cho PhD về Action Research tại cái lò luyện của tôi (tại SLU, Uppsala, Sweden). Qua khóa này, và mãi sau này được tham dự khá nhiều seminars của các đồng nghiệp khác đến từ khá nhiều châu lục trên thế giới về các proposals, kết quả nghiên cứu từ action research, tôi rút ra được cái kim chỉ nam cho riêng mình mà tôi muốn chia sẻ, xin phép mượn diễn đàn của chị P.Anh ở đây để lạm bàn.

    Đúng như chị P.Anh đã nêu trên đây, đặc biệt là từ participation là mấu chốt của vấn đề so với các phương pháp nghiên cứu khác. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nhấn mạnh chủ thể của từ này, chính là nghiên cứu viên, tác giả của công trình nghiên cứu đó. Theo đó, trong quá trình thực hiện action research (trong lĩnh vực giáo dục như chị P.Anh đề cập, hay trong natural resource management như tôi từng va chạm nhiều), phương pháp này cho phép nghiên cứu viên áp dụng các vốn kiến thức lý thuyết mà mình có được tác động vào các actors khác trong môi trường phạm vi nghiên cứu của mình. Sự tác động này nhằm làm cho kết quả nghiên cứu diễn tiến theo chiều hướng có lợi cho mục tiêu mình đang cần nghiên cứu, hay mình cho là tối hảo (thay vì như theo truyền thống trước đây, họ chỉ quan sát, ghi nhận, phân tích để rồi khá nhiều khi kết quả nghiên cứu diễn tiến không thuận lợi lắm theo kết quả dự kiến cần đat được).

    Đúng như chị P.Anh nhận định, phương pháp này đã được sử dụng khá phổ biến trong các ngành KHXH&NV.

    Tuy nhiên, tôi có suy nghĩ riêng của mình (chỉ mang tính cá nhân thôi nhé), là ở phương tây, nền giáo dục của người ta nói chung đã được chuẩn hóa khá tốt. Do đó, khi áp dụng phương pháp nghiên cứu này, người ta không hoài nghi nhiều về 'standard' của nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cái gội là standard của bản thân các nhà nghiên cứu còn khác nhau nhiều quá, nên việc định chuẩn (standardized) các vấn đề từ phía các nhà nghiên cứu không thôi đã khó khăn, hay gần như tôi chưa bao giờ thấy.

    Nếu đặt giả định rằng các nghiên cứu sau khi bảo vệ xong đều phải có khả năng triển khai nhân rộng, nhưng khi việc define các standards của nhà nghiên cứu không được đưa ra cụ thể, việc triển khai nhân rộng ra sẽ bất khả thi.

    Đây là một thách thức lớn, tôi nghĩ, trong việc áp dụng phương pháp nghiên cứu này trong điều kiện Việt Nam ta. Dù là thách thức, cuối cùng rồi nghiên cứu KHXH&NV (trong đó có giáo dục) đều lấy con người để làm 'thí nghiệm', nên việc áp dụng action research trong nghiên cứu để không làm hỏng đi các 'samples' của mình trong quá trình nghiên cứu là hết sức cần thiết (và tôi thiết nghĩ là mang tính nhân đạo nữa cơ).

    Trên đây chỉ là các suy nghĩ, quan điểm rất vắn tắt của tôi về action research. Mong được nghe ngóng, giải đáp thêm (trong tầm hiểu biết của tôi) và trao đổi nhiều hơn nếu có nhiều người quan tâm.

    Cám ơn tác giả đã tạo điều kiện để topic này có chỗ thảo luận trong cộng đồng người Việt mình.

    Tòng Anh

    ReplyDelete
  2. Chào anh Tòng Anh,

    Rất vui lại gặp anh, và biết được rằng anh cũng quan tâm đến Action Research.

    Tôi nghĩ mình nên tạo network để đẩy mạnh nghiên cứu trong khối ngành XH-NV của VN theo hướng đi chung của thế giới, anh ạ. Làm như thế nào thì sẽ là việc cần bàn, nhưng đã có quyết tâm rồi thì sẽ làm được thôi.

    Những điều anh nêu cũng rất hay, và đúng là những thách thức. Nhưng chúng ta sẽ không làm được gì nếu cứ làm riêng rẽ. Phải kết nối lại với nhau và làm thôi anh ạ.

    Tôi gửi anh link này, có những bài viết rất hay về action research:

    http://www.scu.edu.au/schools/gcm/ar/whyar.html

    Và mong tiếp tục được trao đổi.

    ReplyDelete
  3. Cô mở chủ đề này trên blog nên em xin mạnh dạn post bài viết dưới có liên quan. Em có gửi bài này cho bác Tuấn nhưng bác ấy trả nói gì. Để đỡ phí công của đồng nghiệp em compose một entry rất dài, em post lên đây để mọi người cùng tham khảo nhé.
    Danh tính của đồng nghiệp em thì em không muốn tiết lộ vì bản thân chị ấy muốn cẩn thận, không muốn rơi vào các chuyện của giới "giang hồ". Nhưng chị này là một tiến sỹ đang giảng dạy tại Học viện giáo dục quốc gia Singapore.

    THP

    ReplyDelete
  4. Sau đây là bài viết của chị ấy trên Facebook, dành cho một nhóm bạn bè thân thiết.

    "Hôm trước có một em đồng nghiệp ở VN viết thư hỏi ý kiến mình về một số bài viết của bác Nguyễn Văn Tuấn về các vấn đề về nghiên cứu khoa học đăng trên blog của bác ấy (http://nguyenvantuan.net/). Từ lâu mình đã muốn viết thư cho bác Tuấn để … phản đối, mình cũng đã hứa trên trang flickr Hội đồng Giáo sư rởm sẽ viết rõ lý do vì sao mình không đồng ý với bác Tuấn khi bác ấy phê phán quan điểm của bác Văn Như Cương, nhưng mà viết thành bài phản hồi tử tế thì mất thời gian lắm, mà mình thì lại trót say mê và muốn tập trung thời gian vào nghiên kíu (xem thêm ý kiến bạn TA) nên đến nay mình vẫn chưa làm :P.

    Hôm nay nhân mua được cái váy đẹp, hở ngực (xem thêm bài viết của Trang Hạ) mà lại rẻ, mình hứng thú ghi nhanh lại dưới đây một số ý kiến, vừa để trả lời em đồng nghiệp kỹ hơn, vừa cung cấp “tư liệu”, để em ấy lập hội phản đối bác Tuấn :)) Nói vậy cho vui chứ mình luôn đánh giá cao bácTuấn. Mình nghĩ bác ấy có tâm với đất nước. Nếu bác ấy có truyền bá kiến thức sai, thì cũng vì bác ấy chưa nhìn bao quát ra các ngành khoa học khác bên ngoài ngành y của bác ấy, và có lẽ do đó cần có người góp ý với bác ấy.

    Trong note này mình sẽ trình bày ý kiến của mình về bài viết “Thế nào là nghiên cứu khoa học” đăng trên blog Nguyễn Văn Tuấn (cũ) (http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/04/nao-la-nghien-cuu-khoa-hoc.html). Note sau mình sẽ viết về bài “Văn phong khoa học” cũng trên blog nói trên.


    Bài viết “Thế nào là nghiên cứu khoa học” có những ý chính sau đây:

    -Nghiên cứu khoa học hướng tới mục đích mở rộng tri thức, phát triển tri thức mới, đóng góp thêm tri thức cho kho tàng tri thức của con người.
    - Tri thức này phải có tính phổ quát, có thể khái quát hóa được.
    -Nghiên cứu khoa học là điều tra/ khảo sát có hệ thống và có phương pháp. Tính hệ thống và tính phương pháp được hiểu là 1 nghiên cứu phải tuân theo 1 quy trình chuẩn gồm 8 bước: đặt câu hỏi; thu thập thông tin hiện hành; đặt giả thuyết; thử nghiệm và thu thập dữ liệu; phân tích dữ liệu; diễn giải kết quả phân tích; công bố kết quả; và tái kiểm định giả thuyết.
    -Ví phương pháp khoa học có độ tin cậy cao nên kết quả nghiên cứu có tính lặp lại, được hiểu là nếu 1 nhà nghiên cứu độc lập lặp lại nghiên cứu đó với phương pháp tương tự trong 1 điều kiện tương tự thì phải đạt được kết quả tương tự.
    -Kết quả nghiên cứu phải được diễn giải bằng bằng chứng, không đi ra ngoài phạm vi của dữ liệu cho phép.
    -Kết quả nghiên cứu có tính phổ quát nên nó không hẳn tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh địa phương.

    Mình thấy những ý nêu trên không hề sai, tuy nhiên nó hoàn toàn chưa đầy đủ và khái quát, vì nó chỉ áp dụng với các nghiên cứu định lượng, thiên về thí nghiệm, nhưng không áp dụng được cho các nghiên cứu định tính, và nhất là các nghiên cứu có thiên hướng áp dụng trực tiếp cho các đối tượng cụ thể, VD action research (dịch ra TV là gì thì mình chịu) như trong ngành giáo dục.

    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  5. Tiếp tục

    "Trước hết, mục tiêu của nghiên cứu KH không chỉ là mở rộng tri thức hay đóng góp tri thức cho kho tàng tri thức nhân loại. Cũng như nghiên cứu KH không chỉ xuất phát từ sự tò mò, muốn tìm câu trả lời cho một vấn đề lý thuyết, mà nó còn xuất phát từ mong muốn giải quyết một vấn đề thực tiễn. Trong khoa học giáo dục có một loại hình nghiên cứu được gọi là “action research” (dịch ra TV là gì thì mình chịu nhé, vì hình như không có thuật ngữ tương đương?). Action research là loại hình nghiên cứu của những người thực hành (practitioners) ví dụ như giáo viên, để giải quyết 1 vấn đề thực tiễn cụ thể mà họ gặp phải trong quá trình thực hành (đối với giáo viên là giảng dạy). Ví dụ, trong quá trình dạy, một giáo viên nhận thấy học sinh của mình không có hứng thú với một số giờ học, và do đó hiệu quả của giờ học không cao. Giáo viên đó muốn tìm hiểu nguyên nhân, để có thể nâng cao hiệu quả giờ học và giúp học sinh tiến bộ. Vậy giáo viên đó phải làm thế nào? Cách dễ dàng nhất là tự suy diễn xem vì sao học sinh không thích học một số giờ nhất định. Nhưng đây cũng là cách tìm hiểu cho kết quả sai nhiều nhất, vì những gì giáo viên nghĩ chưa chắc đã là những gì học sinh nghĩ. Thay vì suy diễn, giáo viên đó có thể quan sát, khảo sát, phỏng vấn, yêu cầu học sinh ghi lại nhật ký về các giờ học, vv để tìm hiểu nguyên nhân. Biết được nguyên nhân, giáo viên sẽ điều chỉnh lại phương pháp dạy, và đo lường hiệu quả của phương pháp giảng dạy mới qua quan sát, khảo sát, phỏng vấn, nhật ký, điểm số, vv. Dựa vào kết quả đo lường này, giáo viên lại tiếp tục điều chỉnh, và lặp lại các bước nói trên cho đến khi đạt được kết quả như ý muốn. Như vậy, khác với các nghiên cứu có mục đích đóng góp về mặt lý thuyết, nghiên cứu dạng action research nghiêng về ứng dụng cho các trường hợp cụ thể, và những “tri thức” mà nó sản xuất ra được không có nhiều tính phổ quát, vì mỗi lớp học có đặc điểm khác nhau, do đó đòi hỏi các phương pháp giải quyết vấn đề khác nhau, rất khó phổ quát, và phổ quát tri thức cũng không phải là mục tiêu mà nghiên cứu dạng action research hướng đến."

    (Còn tiếp)

    ReplyDelete
  6. Tiếp theo

    "Sự ra đời của nghiên cứu dạng action research xuất phát từ sự phản ứng của những người thực hành đối với các nghiên cứu lý thuyết. Theo họ, các nghiên cứu lý thuyết không giúp ích nhiều cho việc giải quyết các vấn đề thực tiễn vì khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn khá là xa vời. Còn các nhà nghiên cứu lý thuyết phản ứng ra sao trước sự ra đời của các nghiên cứu dạng action research? Nhiều người trong số họ không coi action research là “nghiên cứu khoa học” theo đúng nghĩa chính xác nhất của từ này. Vì kết quả của nó không có tính phổ quát và lặp lại như các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Nhưng kết quả của các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm phổ quát đến đâu, nhất là đối với các ngành khoa học xã hội, trong đó có khoa học giáo dục, là điều còn phải bàn. Giả sử, muốn khảo sát xem 2 phương pháp giảng dạy A và B có hiệu quả tương ứng thế nào đối với người học, một nhà nghiên cứu truyền thống sẽ tiến hành như sau: chọn mẫu ngẫu nhiên từ quần thể nghiệm thể (TA: population, chả hiểu dịch vậy ra TV có đúng ko?), sau đó chia mẫu đó thành 3 nhóm cũng bằng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên, để kiểm soát các yếu tố gây nhiễu kết quả. 1 nhóm được gọi là nhóm kiểm soát (TA là control group), nhóm này sẽ không được giảng dạy theo bất kỳ phương pháp A hay B (giống như nhóm nhận giả dược trong các nghiên cứu y học). 1 nhóm sẽ được dạy theo phương pháp A. 1 nhóm còn lại sẽ được dạy theo phương pháp B. Người dạy 3 nhóm cũng được lựa chọn cẩn thận để kiểm soát yếu tố giáo viên. Thường sẽ chọn 1 người để dạy luôn 3 nhóm. Trong quá trình thí nghiệm, người học trong mỗi nhóm cũng sẽ được kiểm soát cẩn thận để đảm bảo họ chỉ được tiếp cận kiến thức từ 1 trong 3 phương pháp kiểm soát, A hoặc B nói trên, để tránh nhiễu kết quả. Nhà nghiên cứu sẽ tiến hành khảo sát trình độ đầu vào của 3 nhóm trước khi tiến hành thí nghiệm, sau đó lại khảo sát lần nữa sau khi thí nghiệm kết thúc. So sánh kết quả khảo sát trước và sau thí nghiệm của 3 nhóm sẽ cho biết phương pháp A và B có hiệu quả hay không, và phương pháp nào hiệu quả hơn phương pháp nào. Tuy nhiên, trên thực tế, hiếm nghiên cứu nào làm được chặt chẽ như vậy, và kể cả khi có tiến hành chặt chẽ như vậy thì kết quả của nó áp dụng được đến đâu là một câu hỏi vì thực tế mỗi lớp học không như phòng thí nghiệm nơi nhà nghiên cứu có thể kiểm soát mọi yếu tố. Khoa học xã hội và nhân văn khác với khoa học tự nhiên ở chỗ đó, vì đối tượng nghiên cứu là con người, mà hành vi, cảm xúc, và tư tưởng, trí tuệ rất phực tạp, và tri thức sản sinh từ những nghiên cứu về con người thường đa dạng và khó phổ quát hơn. Trở lại với action research, cho dù các nhà nghiên cứu lý thuyết bảo thủ có không công nhận nó là nghiên cứu KH đúng nghĩa, thì trong khoa học giáo dục dạng nghiên cứu này càng ngày càng có chỗ đứng. Thậm chí đã có các công trình nghiên cứu cấp tiến sĩ theo đường hướng này. (Action research cũng được coi là một nội dung không thể thiếu trong các chương trình đào tạo và phát triển chuyên môn cho giáo viên, cũng như nó được coi là 1 kỹ năng không thể thiếu đối với giáo viên để phát triển và rèn luyện nghiệp vụ. Giáo viên cần thiết phải hồi tưởng, đánh giá và cải thiện giờ giảng của mình và action research là phương pháp giúp họ đạt được điều đó. VD ở Singapore, action research đã được BGD nỗ lực triển khai ở các trường học giúp giáo viên cải thiện nghiệp vụ. Đối với những người thực hành, khái niệm nghiên cứu KH vì thế không xa vời như các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, mà gần gũi mật thiết với đời sống của họ và có ứng dụng ngay tức thì, tailor-made, chứ ko phải one-size-fit-all như các nghiên cứu lý thuyết)."

    (Còn tiếp)

    ReplyDelete
  7. Tiếp theo và hết

    "Về phương pháp nghiên cứu, thì nghiên cứu định tính thường dùng trong khoa học xã hội và nhân văn – (mình dùng từ “thường dùng” để chỉ mức độ phổ biến, nhưng không có hàm ý rằng khoa học XHNV chỉ theo đường hướng định tính. Trên thực tế, có rất nhiều nghiên cứu định lượng trong ngành. Mình cũng là người thiên về nghiên cứu định lượng, lý do là vì mình thấy nó dễ hơn nghiên cứu định tính :D).Quy trình nghiên cứu định tính hoàn toàn khác với quy trình nghiên cứu định lượng. Do đó quy trình 8 bước mà Dr. Tuấn nêu trong bài viết không áp dụng cho nghiên cứu định tính, và do đó ko phải là “chuẩn mực” duy nhất để đánh giá tính khoa học của 1 nghiên cứu. Nghiên cứu định tính không đặt giả thuyết, vì nó không hướng tới mục đích kiểm tra giả thuyết. Mục đích của nghiên cứu định tính “mở” hơn theo nghĩa nó hướng tới việc tìm hiểu sâu về (explore) bản chất vấn đề, và không bị bó buộc bởi các giả thuyết đặt trước. Nhà nghiên cứu sẽ để data dẫn dắt, và hướng của nghiên cứu vì thế không cố định từ ban đầu mà có thể thay đổi trong quá trình tùy thuộc vào các phát hiện dựa trên data. Nghĩa là nó data-driven hơn là theory-driven, interpretive hơn là confirmative (bạn nào dịch hộ mấythuật ngữ này ra TV nhé?). Do tính chất như vậy nên quy trình của nghiên cứu định tính thường không phải là 1 đường thẳng, mà được minh họa như một vòng tròn xoáy ốc, trong đó hướng nghiên cứu có thể mở rộng dần hay thu hẹp dần và các bước tiến hành thường lặp lại cho đến khi nhà nghiên cứu có câu trả lời cho vấn đề mới nảy sinh từ data. Tính tin cậy và tính giá trị của nghiên cứu định tính vì thế cũng được hiểu khác với tính tin cậy và tính giá trị của nghiên cứu định lượng. Tính tin cậy (hay độ chính xác) của 1 nghiên cứu định tính không nằm ở tính có thể lặp lại của kết quả, vì như đã nói, đối tượng nghiên cứu của nó là các hiện tượng xã hội mà bản chất là đa dạng và khó phổ quát như nghiên cứu về các hoá chất trong phòng thí nghiệm. Tính tin cậy của 1 nghiên cứu định tính chủ yếu trông cậy vào phương pháp phân tích số liệu, vì số liệu của nó thường giàu có, đa dạng, phức tạp, đa chiều và khó phân tích hơn số liệu của nghiên cứu định lượng (chủ yếu là con số có thể so sánh nhờ vào các phương pháp sác xuất thống kê). Tính giá trị của nghiên cứu định tính không dựa vào giá trị phổ quát của kết quả nghiên cứu vì mục đích của nghiên cứu định tính không hướng đến phổ quát tri thức, mà phụ thuộc vào khả năng áp dụng kết quả đó sang một điều kiện/ bối cảnh có nhiều điểm tương đồng với điều kiện/ bối cảnh nghiên cứu. Do đó, bối cảnh và điều kiện cụ thể của từng địa phương là yếu tố rất quan trọng mà không nhà nghiên cứu định tính nào bỏ qua. Các báo cáo nghiên cứu định tính thường dành rất nhiều công sức cho việc mô tả chi tỉết bối cảnh/ điều kiện của địa phương để giúp người đọc diễn giải kết quả được chính xác và sâu sắc hơn, cũng như đánh giá tính áp dụng của nghiên cứu."

    Nguồn: Phản hồi bài viết “Thế nào là nghiên cứu KH” của Dr. Nguyễn Văn Tuấn (Úc) (bài viết của một giảng viên giấu tên)

    Người post bài: THP

    ReplyDelete
  8. Trước hết, em muốn nhờ mọi người phân biệt hộ mấy thuật ngữ dưới đây: scientific research, academic research, theoretical research, basic research. Em đọc link 4 thì có cảm giác tác giả muốn nói institutional research và theoretical research là hai khái niệm tách biệt, không biết có đúng không?

    SGK

    ReplyDelete
  9. Hi THP,

    Tôi nghĩ tôi biết em là ai; nhận ra vì "giọng văn" không lẫn được của em. ;-)

    Và cám ơn em đã bỏ công post bài của người bạn em, bài viết mà tôi cho là rất hay. Em có thể cho tôi liên lạc với người bạn đó được không? (Không liên quan gì đến giới giang hồ em ạ!)

    SGK,
    Cô chưa rõ em nói "tác giả" là tác giả nào?

    All,
    Tôi đưa lên đây link dẫn đến một tài liệu rất hay về action research, viết cho lay people đọc.

    http://eprints.qut.edu.au/4399/1/4399.pdf

    Tựa của tài liệu: Ethnographic Action Research. Là loại hình nghiên cứu rất phổ biến trong giáo dục, của những người là giáo viên đứng lớp.

    Trong đó có nhiều đoạn viết rất hay và dễ hiểu.

    ReplyDelete
  10. Chào cô

    Ý em là Michael Williford, tác giả bài viết Institutional research in support of student and institutional success (link số 4):
    "Institutional researchers practice a kind of 'action research'. Action research is an approach to social and behavioral research, introduced by psychologist Kurt Lewin in the 1940’s, in which the purpose and objectives of inquiry are practical, rather than theoretical or academic."

    Nói chung em thấy hiện nay người ta dùng các cụm từ "theoretical research", "academic research", "scientific research", "basic research" khá nhiều, nhưng không thấy định nghĩa cụ thể. Lấy ví dụ cụm từ "academic research". Chữ "academic" nên hiểu thế nào? Có tương đương "scientific" trong scientific method/research không? Khi các bác bên JIPV nói về nghiên cứu khoa học, thì các bác hiểu "khoa học" như thế nào? Theo cách GS Tuấn hiểu?

    Hỏi thế có vẻ chung chung quá, nên em thử lấy ví dụ sau đây, là 1 bài viết có ảnh hưởng lớn trong ngành Xã hội học, về looking-glass self:
    http://media.pfeiffer.edu/lridener/courses/LKGLSSLF.HTML

    Xét về văn phong, cách trình bày ý tưởng,...có thể gọi đây là một bài "hàn lâm" (academic) hay xem là thành quả nghiên cứu khoa học, theo cách hiểu của các bạn "hành tẩu giang hồ", được không?


    Nói thêm, bài này trích trong quyển Human nature and social order của Charles Horton Cooley. Link http://www.brocku.ca/MeadProject/Cooley/Cooley_1902/Cooley_1902toc.html đưa ra nhận định về quyển sách này như sau:

    "Cooley's Human Nature and the Social Order is a landmark in the emergence of sociological social psychology. Most famous for its introduction of the ideas "the looking-glass self," the book presents his psychological view how a society operates. The perspective might be called "introspectionist sociology," premised as it is on the idea that society exists as a set of ideas among it members. These two notions -- the looking-glass self and society as set of ideas -- are the most referenced parts of this work."

    SGK

    ReplyDelete
  11. Hi SGK,

    Cô thử định nghĩa:

    1. scientific research
    Nguồn: http://www.vetmed.wsu.edu/courses-jmgay/GlossScience.htm

    Scientific Research: The systematic, controlled, empirical and critical investigation of hypothetical propositions about the presumed relations among natural phenomena (Kerlinger, 1964). The objective inquiry into natural phenomena using currently accepted investigation procedures, the immediate product of which is evidence, with the objective of discovering how that aspect of the physical world works. It is an empirical, conceptual system of learning about the physical world that organizes publicly observable facts and reasoning within a structure of theories and inferences. The methods of inquiry are constructed to minimize the effects of natural human biases in observation and interpretation. By convention, the evidence, the procedures used to acquire it, and subsequent interpretation is subjected to peer evaluation as a prelude to publication in the primary literature where it is publicly available for further scrutiny and use.

    Định nghĩa này lấy ở trang về dịch tễ học, nên chắc là hợp với bác NVT?

    2. academic research
    Không giống với scientific research, academic research được dùng nhưng lại không thấy định nghĩa. Đành phải tra từ "acdemic", rồi ghép lại để thành academic research vậy.

    Nguồn: http://www.thefreedictionary.com/academic

    ac·a·dem·ic
    adj.
    1. Of, relating to, or characteristic of a school, especially one of higher learning.
    2.
    a. Relating to studies that are liberal or classical rather than technical or vocational.

    b. Relating to scholarly performance: a student's academic average.
    3. Of or belonging to a scholarly organization.
    4. Scholarly to the point of being unaware of the outside world. See Synonyms at pedantic.
    5. Based on formal education.
    6. Formalistic or conventional.
    7. Theoretical or speculative without a practical purpose or intention. See Synonyms at theoretical.
    8. Having no practical purpose or use.
    ----
    Em có chú ý không: nó liên quan đến liberal arts, và scholar(ship) theo nghĩa: hàn lâm, kinh viện, lý luận. Là research của khối XH-NV, đặc biệt là khối Văn, Triết.

    Any comments, anyone?

    ReplyDelete
  12. Chào cô

    Có lẽ em sẽ chờ xem có ai góp thêm ý gì để phân biệt scientific/academic/theoretical research không. Bản thân em đó giờ vẫn dùng mấy từ "academic" với "scientific" gần như interchangeably mà không hiểu nghĩa cặn kẽ, nên nhân dịp này muốn tìm hiểu thêm.

    Em xin bổ sung ở đây một bài báo mà kết quả có tính sample-specific và khó, hoặc không thể, tổng quát hóa: http://www.viet-studies.info/Vn_SexIndustry_KimberlyHoang.pdf ( Economies of Emotion, Familiarity, Fantasy, and Desire: Emotional Labor in Ho Chi Minh City’s Sex Industry).

    Em cũng muốn nói thêm là: khi thảo luận về nghiên cứu khoa học/hàn lâm, có lẽ cũng nên tách ra KHTN, KHXH và nhân văn, thay vì gộp KHXH với nhân văn. Em tra thử chữ Humanities trong wikipedia thì thấy định nghĩa như sau: "The humanities are academic disciplines which study the human condition, using methods that are primarily analytic, critical, or speculative, as distinguished from the mainly empirical approaches of the natural and social sciences." Như vậy method của humanities cũng có chỗ khác với social sciences. Sở dĩ em nói điều này là vì gần đây em có theo dõi một cuộc tranh luận trên tờ Financial Times, trong đó một ông có background về Lịch sử (1 ngành Humanities) phê phán xu hướng đưa ra những nhận định mang tính khái quát hóa (mainly for forecasting purposes) của ngành Kinh tế (1 ngành Social Science): http://www.ft.com/cms/s/0/93d9ff2a-b9e1-11df-8804-00144feabdc0.html: "History can suggest lessons and parallels and provide wisdom – but what it cannot do is provide a sociological equivalent of the laws of physics. Yet this seems to be the aspiration of many economists, who notoriously suffer from 'physics envy'".

    SGK

    ReplyDelete
  13. Ôi Khoa học?

    Liên tưởng chút xíu: Sao kinh tế học (vĩ mô) với đầy công cụ toán học lại không dự báo được khủng hoảng kinh tế?

    ReplyDelete
  14. Chào bác Người Hà Nội

    "Sao kinh tế học (vĩ mô) với đầy công cụ toán học lại không dự báo được khủng hoảng kinh tế?"



    Mình cũng có thể lật ngược lại vấn đề: Bộ có nhà kinh tế học nào từng bảo hễ có đầy công cụ toán học là có thể dự báo được khủng hoảng kinh tế sao? :-)

    Đó là chưa kể, thật ra vẫn có một số ít các nhà kinh tế đưa ra cảnh báo về bong bóng địa ốc và khả năng xảy ra khủng hoảng, chẳng hạn như Noriel Roubini (http://www.nytimes.com/2008/08/17/magazine/17pessimist-t.html). Xin trích:

    "On Sept. 7, 2006, Nouriel Roubini, an economics professor at New York University, stood before an audience of economists at the International Monetary Fund and announced that a crisis was brewing. In the coming months and years, he warned, the United States was likely to face a once-in-a-lifetime housing bust, an oil shock, sharply declining consumer confidence and, ultimately, a deep recession. He laid out a bleak sequence of events: homeowners defaulting on mortgages, trillions of dollars of mortgage-backed securities unraveling worldwide and the global financial system shuddering to a halt. These developments, he went on, could cripple or destroy hedge funds, investment banks and other major financial institutions like Fannie Mae and Freddie Mac."

    Tiếc là trong "đám đông vô thức" thời kì tiền khủng hoảng, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và thậm chí nhiều nhà kinh tế có ảnh hưởng, ít ai chịu để ý đến cảnh báo của những người người như Roubini (được mệnh danh Dr Doom vì những dự báo ảm đạm của ông).

    Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa Kinh tế học hoàn toàn "vô can" khi khủng hoảng xảy ra.

    Nhiều người đã thảo luận về chủ đề này. Nếu có thời gian và hứng thú thật sự, bác Người Hà Nội có thể đọc bài viết rất dài sau đây của Paul Krugman, nhà kinh tế được giải Nobel năm 1998 và cây bút bình luận nổi tiếng của The New York Times:

    http://www.nytimes.com/2009/09/06/magazine/06Economic-t.html


    Còn nếu bác sợ tốn thời gian và muốn đọc tiếng Việt, thì bác có thể tham khảo bài viết sau đây của tác giả Trần Hữu Dũng:

    http://www.viet-studies.info/THDung/THDung_KhungHoangKinhTe.htm

    Nói thêm, bài viết này cho biết nữ hoàng Anh cũng thắc mắc tương tự bác :-)

    "Vào ngày 5 tháng 11, 2008, trong lúc viếng thăm Trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics) nổi tiếng, nữ hoàng Anh Elizabeth II hỏi các nhà kinh tế hiện diện: “Tại sao không ai tiên đoán được cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay?” (Nghe đâu hoàng gia đã mất ít nhất 50 triệu bảng Anh vì cuộc khủng hoảng này)."


    Nói ngoài lề như vậy có lẽ đã đủ, SGK xin dừng lại để mọi người tiếp tục thảo luận về action research.

    SGK

    ReplyDelete
  15. đông vui quá... tham luận một tí về academic research, chị P.Anh ạ. Search trên answer.com (http://wiki.answers.com/Q/What_is_the_definition_of_academic_research) cho thấy 1 định nghĩa vô cùng ngắn là "is a research on scholar purpose, that in not client oriented", mà tôi hiểu theo thiển ý của tôi (bám theo nghĩa non-client related) là không nghiên cứu trực tiếp trên một chủ thể (sống?) nhất định nào. Trang blog này (http://researchpaperwriter.net/blog/research-paper/research-proposal) thì cũng lại nhấn mạnh vào các ý tưởng hơn là các chủ thể (sống?) trong nghiên cứu. Khó diễn giải quá, nhưng tôi nghĩ nếu mình tạm dịch là "nghiên cứu hàn lâm", thì theo tôi, các loại nghiên cứu này chủ yếu tiến hành trên lý thuyết là chính.

    Một ví dụ có thể khá đúng cho academic research là loại hình "literature review" mà các PhD scholar hay làm trong giai đoạn đầu của nghiên cứu của mình. Đối với các tạp chí lớn, các literature reviews này rất có giá trị, và thú thật tôi cũng rất hay sục sạo cái này khi tiếp cận với 1 lĩnh vực nào đó mà tôi không chuyên hay am hiểu lắm, để xem cho đến thời điểm hiện tại (khi tài liệu đó được công bố), kiến thức loài người đã biết những gì về lĩnh vực đó.

    Vài hàng chia sẻ cùng mọi người

    Tòng Anh

    ReplyDelete
  16. Cám ơn anh Tòng Anh về phần chia sẻ. Rất dễ hiểu, và trùng với ý của tôi (anh đã nói giúp tôi rồi anh T. Anh ạ!)

    Đúng là thuật ngữ trong tiếng Việt để trao đổi, thảo luận về những vấn đề này còn quá thiếu phải không anh? Và đó là công việc của chúng ta đó!

    Và cũng cám ơn SGK về những tranh luận thú vị với Người Hà Nội! ;-)

    ReplyDelete
  17. Chào chú Tòng Anh

    Câu trả lời trên wiki.answers.com hình như có vấn đề về mặt tiếng Anh nên con không hiểu rõ nghĩa của nó lắm. Có điều con nghĩ "client-oriented" tức là nghiên cứu nhẳm giải quyết một vấn đề nào đó do khách hàng (có thể là doanh nghiệp) đặt ra. Chẳng hạn Thành ủy TPHCM đặt hàng DHQG giải quyết các vấn đề như kẹt xe, ô nhiễm,...(http://www.baomoi.com/Info/Dat-hang-DH-Quoc-gia-TPHCM-giai-quyet-nhung-van-de-nong/122/4674439.epi) Trái ngược với client-oriented research (có lẽ là 1 phần của applied research) là kiểu nghiên cứu để giải quyết những vấn đề về mặt lý luận (có thể có hoặc không có ứng dụng thực tiễn ngay lập tức) - 1 kiểu research for the sake of research. :-) Có lẽ ý người trả lời là "academic research" thuộc nhóm thứ hai. Tuy nhiên, trưa nay con cũng thử tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi "academic research là gì", và thấy gần như mỗi người tự có 1 định nghĩa riêng (tương tự như trường hợp benchmarking) - chẳng hạn có người định nghĩa "academic research" là bất cứ hoạt động R&D nào do 1 trường đại học thực hiện (bao gồm cả nghiên cứu được đặt hàng, nghiên cứu của ngành tự nhiên,...).
    Về "literature review": thật ra con nghĩ bản thân "literature review" chỉ là một phần trong một nghiên cứu (cả applied research lẫn basic research) để mình biết những người đi trước đã làm được gì và tránh trường hợp "phát minh lại cái bánh xe". :-) Có điều tự thân "literature review" thôi thì không đủ, vì sau bước này mình vẫn chưa tìm ra tri thức mới. Nó chỉ góp phần định hướng nghiên cứu cho mình thôi.

    SGK

    ReplyDelete
  18. "Nhiều người đã thảo luận về chủ đề này. Nếu có thời gian và hứng thú thật sự, bác Người Hà Nội có thể đọc bài viết rất dài sau đây của Paul Krugman, nhà kinh tế được giải Nobel năm 1998 và cây bút bình luận nổi tiếng của The New York Times:

    http://www.nytimes.com/2009/09/06/magazine/06Economic-t.html"


    Cho em đính chính chút.

    Paul Krugman được giải Nobel năm 2008 chứ không phải 1998. :-)

    SGK

    ReplyDelete
  19. Bạn SGK thân mến; thật ra tôi cũng đã không khiêm tốn lắm khi trích dẫn khoa học từ trang wiki (cái này cấm kỵ, và do đó, tôi xin lỗi, vì tôi cho rằng diễn đàn này cho phép sự du di đó). Do đó, khi tôi hiểu chữ client, tôi cũng 'cố tình' mở rộng nó ra thành đối tượng/chủ thể nghiên cứu (bởi vậy bạn thấy tôi mở ngoặc và có dấu hỏi liên tục, ừm, dấu hiệu của người không tự tin lắm đó bạn). Kết hợp với trang thứ hai tôi trích, và theo kinh nghiệm mà tôi có để suy luận thì đối với tôi, chứ client có thể hiểu như vậy.

    Nếu nói theo bạn (cứng nhắc hơn), tức client nhất thiết phải là khách hàng, và chỉ có khách hàng thôi, thì các nghiên cứu theo yêu cầu của các doanh nghiệp đặt hàng cho các 'chòi' khoa học chúng mình mới KHÔNG được gọi là academic research, thì thưa bạn, đây cũng chính là một dạng applied research, tức nó trùng hợp (và do đó mâu thuẫn) với vế thứ hai bạn đưa ra.

    Còn literature review mà bạn nói là một phần của một (hay bất kỳ) nghiên cứu khoa học nào, tôi đồng ý với bạn rằng việc này là bắt buộc, nhưng đối với các nghiên cứu lớn, ở những lĩnh vực mà sự thay đổi, khám phá, phát minh của loài người khá nhanh theo thời gian, literature review được tách ra khỏi nghiên cứu đó, và đăng thành 1 bài trên các tạp chí chuyên ngành hẳn hoi đó bạn. Tôi lấy ví dụ nhà xuất bản Elsevier nổi tiếng có đến 80 tạp chí chuyên ngành chỉ xoáy quanh chủ đề literature review cho các chuyên ngành hẹp khác (http://www.elsevier.com/wps/find/advproductsearch.cws_home?action=product_search&doctype=pr&title=&author_editor=&isn=&pubdate_startmonth=Any&pubdate_startyear=Any&pubdate_endmonth=Any&pubdate_endyear=Any&pubtype=J&sh1code=Any&needs_keyword=true&product_keyword=literature+review&search.x=0&search.y=0).

    Theo tôi, tất cả 80 tạp chí này đều là các công trình academic research. Thôi, tránh làm loãng đề tài action research, kẻo chị P.Anh lại rầy tụi mình nữa...

    T.Anh

    ReplyDelete
  20. @SGK: Mình hiểu biết còm cõi nhưng mà cũng muốn chia sẻ.
    Thế nào là khoa học hiện đang là một vấn đề triết học gây nhiều tranh cãi.
    Nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì nghiên cứu khoa học đặc trưng bởi những điều mà bác Tuấn viết trong bài của bác ấy.
    Các ngành nghiên cứu xã hội ra đời sau và ban đầu có sử dụng các phương pháp giống như trong tự nhiên nên có cái gọi là khoa học xã hội.
    Về sau thì người ta thấy các phương pháp trong tự nhiên không phù hợp nên ngành nghiên cứu xã hội áp dụng ngày càng nhiều phương pháp định tính, rất khác biệt với các phương pháp trong ngành tự nhiên. Có người vẫn muốn gọi các phương pháp định tính đó là khoa học, còn có người không muốn gọi nó là khoa học.
    Nếu mở rộng ra xét tới cả các ngành như là triết học hay nghiên cứu tâm linh chẳng hạn thì vấn đề càng trở nên phức tạp.
    Người ta vẫn cứ tranh cãi xem là nên dùng từ "khoa học" để chỉ cái gì. Mỗi lần cái từ "science" xuất hiện mà không kèm theo giải thích thì sẽ rất khó biết nó là gì. Nhưng cách hiểu phổ biến nhất của nó thì là như định nghĩa mà cô P.A. đã trích dẫn.
    "Academic research" dịch sang tiếng Việt là nghiên cứu học thuật thì không gợi nên sự mâu thuẫn trong quan điểm về thế nào là khoa học nên người ta bây giờ hay dùng hơn, để chỉ chung các loại hình nghiên cứu trong giới học thuật. Cụm từ "scholarly research" cũng hay được dùng.
    "Theoretical research", mình hiểu là nghiên cứu nhằm kiểm định hay xây dựng lý thuyết. Vậy nên có thể hiểu nó theo hai cách, tương ứng với hai kiểu làm việc khác nhau với lý thuyết. Cách hiểu phổ biến là tương đồng nó với loại nghiên cứu kiểm tra giả thuyết.
    Ngoài ra, trong nghiên cứu xã hội còn có phương pháp xây dựng lý thuyết theo kiểu data-driven là phương pháp grounded theory.
    Literature review cũng có 2 dạng. Dạng thứ nhất là literature review như là một phần làm nền tảng để tiến hành primary research.
    Dạng thứ hai thì literature review is an end. Nghiên cứu thứ cấp (secondary research) hoàn toàn có thể đưa ra các tri thức mới.
    Literature review as an end cũng có 02 loại.
    Loại thứ nhất là quantitative, dựa trên meta-analysis những dữ liệu định lượng có được từ các nghiên cứu trước.
    Loại thứ hai là qualitative, dựa trên grounded theory. Từ việc đọc các nghiên cứu đã làm về một vấn đề nào đó, người ta có thể phát triển ra một lý thuyết mới.
    Để viết ra những cái này một cách bài bản và có chất lượng có lẽ mất vài năm. Nhưng rất may là người ta đã viết cả hết rồi. Mình cũng là do đọc được chứ chẳng thể tự nghĩ ra cái gì.
    SGK có thể tìm đọc quyển Foundations of Social Research của Micheal Crotty (cực kì hay), quyển Qualitative Research của Patton.
    Google thì chắc cũng ra một vài thông tin.
    @cô P.A.: Vâng, em sẽ gửi cô địa chỉ liên lạc ạ.

    THP

    ReplyDelete
  21. Cám ơn mọi người đã chia sẻ.

    @ chú Tòng Anh:
    "
    Nếu nói theo bạn (cứng nhắc hơn), tức client nhất thiết phải là khách hàng, và chỉ có khách hàng thôi, thì các nghiên cứu theo yêu cầu của các doanh nghiệp đặt hàng cho các 'chòi' khoa học chúng mình mới KHÔNG được gọi là academic research, thì thưa bạn, đây cũng chính là một dạng applied research, tức nó trùng hợp (và do đó mâu thuẫn) với vế thứ hai bạn đưa ra."

    Dạ, thật ra ý của con chỉ là hiện nay có khá nhiều định nghĩa cho cụm từ "academic research", mà đôi khi những định nghĩa này cũng không hoàn toàn "consistent" với nhau. Có điều con nghĩ hiểu "academic" trong "academic research" theo nghĩa rộng như chị (?) THP nói có lẽ cũng phù hợp - cũng như khi nói đến "academic integrity" thì người ta hiểu là liêm chính trong học thuật nói chung, cho dù là KHXH, KHTN hay nhân văn.


    @all: Cám ơn thông tin của mọi người về các dạng literature review khác nhau.

    SGK

    P.S: Hồi chiều SGK có 1 comment đính chính lại 1 chi tiết trong phần trả lời cho Người Hà Nội mà không thấy đâu. Paul Krugman được giải Nobel năm 2008 chứ không phải 1998.

    ReplyDelete
  22. hic ! không hiểu gì cả !

    ReplyDelete
  23. Em đang chuẩn bị viết thesis cho applied linguistics. Có ai cũng về ngành này không cho em hỏi chút với ạ.

    ReplyDelete
  24. Chào cô T.Phương Anh Vũ!
    Vô tình trong quá trình tìm hiểu nghĩa của từ " Hành động" mà em gặp bài viết của cô về "Nghiên cứu hành động" là gì, phục vụ cho công tác giáo dục. Quả thực không trực tiếp tham gia trải nghiệm thực tế thì sao có thể hiểu đúng lý thuyết! mà sao hiểu được chính xác người trực tiếp hành động đang gặp vấn đề gì mà giúp họ giải quyết. Mặt khác nếu chỉ hành động bản năng mà ko có sự nghiên cứu đánh giá hành động, hành vi của đối tượng( có thể là bản thân hoặc đồng nghiệp, học sinh, những người liên quan), không có kiến thức, phương pháp nghiên cứu thì sao có thể đưa ra một giải pháp đầy đủ về mọi mặt để cải tiến, giải quyết vấn đề đang gặp phải.
    Vậy em thiết nghĩ thực sự cần có những người " Nghiên cứu đồng thời hành động" mới thực sự cải tiến, có được phương pháp mới.
    Trong thời buổi hiện nay còn có quá nhiều người làm việc theo bản năng, dập khuôn, máy móc, dẫn đến việc não bộ ngày càng hoạt động kém hiệu quả, khả năng tư duy, phân tích, tìm hiểu ngày một giảm sút, hành động mà không hiểu vì sao, ngay cả dùng từ mà không hiểu từ. Mọi vấn đề được giải quyết đại khái, chung chung. Chính vì thế việc dạy học thay vì hướng dẫn đồng hành giúp học sinh hiểu thì nay phương pháp chủ yếu là ghi nhớ và nhắc lại.
    Để thực sự có một thế hệ tương lai phát triển mạnh về tri thức theo " ngu kiến" của bản thân em là cần huấn luyện những người bố, mẹ phương pháp cung cấp thông tin, kỹ năng, tri thức thực tế cho trẻ ngay từ khi sinh ra, tiếp đó là các cô giáo mầm non rồi tiểu học.... Nếu các đối tượng này có được một phần cái nhìn của người Nghiên cứu cộng thêm việc họ đang hành động thực tiễn thì tốt rồi.

    ReplyDelete
  25. Chào cô T.Phương Anh Vũ!
    Vô tình trong quá trình tìm hiểu nghĩa của từ " Hành động" mà em gặp bài viết của cô về "Nghiên cứu hành động" là gì, phục vụ cho công tác giáo dục. Quả thực không trực tiếp tham gia trải nghiệm thực tế thì sao có thể hiểu đúng lý thuyết! mà sao hiểu được chính xác người trực tiếp hành động đang gặp vấn đề gì mà giúp họ giải quyết. Mặt khác nếu chỉ hành động bản năng mà ko có sự nghiên cứu đánh giá hành động, hành vi của đối tượng( có thể là bản thân hoặc đồng nghiệp, học sinh, những người liên quan), không có kiến thức, phương pháp nghiên cứu thì sao có thể đưa ra một giải pháp đầy đủ về mọi mặt để cải tiến, giải quyết vấn đề đang gặp phải.
    Vậy em thiết nghĩ thực sự cần có những người " Nghiên cứu đồng thời hành động" mới thực sự cải tiến, có được phương pháp mới.
    Trong thời buổi hiện nay còn có quá nhiều người làm việc theo bản năng, dập khuôn, máy móc, dẫn đến việc não bộ ngày càng hoạt động kém hiệu quả, khả năng tư duy, phân tích, tìm hiểu ngày một giảm sút, hành động mà không hiểu vì sao, ngay cả dùng từ mà không hiểu từ. Mọi vấn đề được giải quyết đại khái, chung chung. Chính vì thế việc dạy học thay vì hướng dẫn đồng hành giúp học sinh hiểu thì nay phương pháp chủ yếu là ghi nhớ và nhắc lại.
    Để thực sự có một thế hệ tương lai phát triển mạnh về tri thức theo " ngu kiến" của bản thân em là cần huấn luyện những người bố, mẹ phương pháp cung cấp thông tin, kỹ năng, tri thức thực tế cho trẻ ngay từ khi sinh ra, tiếp đó là các cô giáo mầm non rồi tiểu học.... Nếu các đối tượng này có được một phần cái nhìn của người Nghiên cứu cộng thêm việc họ đang hành động thực tiễn thì tốt rồi.

    ReplyDelete