Wednesday, September 20, 2017

Về bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh

Xin ghi lại vài ý kiến của tôi về bằng cấp của ông NXA vốn đang làm nóng dư luận trong mấy ngày qua. Những ý kiến này đã được đăng trên fb cá nhân, giờ đăng lại ở đây để lưu.
--------

Bằng cấp của ông Xuân Anh không phải là bằng giả, và trường đại học đã cấp bằng cho ông ta cũng không phải là trường ma. Trường này từ trước đến nay vẫn hoạt động hợp pháp tại Mỹ.
Điều duy nhất có thể làm người ta nghi ngại về "chất lượng" của trường này là, vào thời điểm lúc ông Xuân Anh học và được cấp bằng thì trường này chưa được kiểm định (hiện nay trường này đã được kiểm định bởi một cơ quan kiểm định khu vực, tức là hoàn toàn "đảm bảo chất lượng).
.
Theo tôi, bằng cấp của ông Xuân Anh không thể và không nên là một trong những lý do để kỷ luật ông ta vì pháp luật Việt Nam tại thời điểm ông theo học và lấy bằng không hề có quy định gì về việc phải lấy bằng của một trường đã được kiểm định. Ngoài ra, công việc của ông ta cũng không có quy định phải có bằng tiến sĩ, nên ông ta không có lý do gì để phải khai "không trung thực".
Vì vậy, đưa yếu tố bằng cấp của ông Xuân Anh như một vi phạm cần phải kỷ luật thì tôi cho là không hợp lý.

Ở Mỹ, các trường đại học "không được kiểm định" (nói đúng hơn là "không tham gia kiểm định" - vì kiểm định tại Mỹ là một việc làm tự nguyện chứ không bắt buộc), trong đó có nhiều trường đào tạo 100% theo phương thức trực tuyến, tồn tại hoàn toàn hợp pháp và phục vụ một đối tượng riêng.

Những người theo học tại những trường như trên đa số là những người không thể theo học theo phương thức truyền thống, và cũng không có ý định tham gia vào lĩnh vực học thuật (giảng dạy, nghiên cứu, công bố khoa học), mà chỉ muốn học để lấy thêm những kiến thức mà họ cho là cần thiết cho công việc của họ. (Ở đây tôi không tính đến những người đi học và lấy bằng chỉ vì muốn giải quyết khâu "oai".)

Tất nhiên, do sự "rộng mở" ở đầu vào và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quá trình cũng như đầu ra nên bằng cấp của những trường như vậy không được giới hàn lâm đánh giá cao, và không được chấp nhận khi xin tham gia vào một số vị trí đòi hỏi trình độ học thuật cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những tấm bằng nói trên hoàn toàn không có giá trị. Chỉ có điều, giá trị của tấm bằng, hoặc của những kiến thức mà tấm bằng đó mang lại cho người học, thì chỉ có những người đã tham gia chương trình hoặc sử dụng tấm bằng đó đánh giá được mà thôi!

Do đó, sự tồn tại của những trường như trường CSU (trước đây là SCUPS) mà ông NXA đã theo học và những người theo học các chương trình như vậy chẳng bị ai đánh giá là xấu, là lừa đảo, là thiếu lương thiện hoặc thiếu trung thực gì cả - miễn là nhà trường không nhập nhằng về việc đã được kiểm định, và người học không cố tình lấy một tấm bằng không theo chuẩn mực hàn lâm để nhảy vào giữ vị trí lãnh đạo ở các trường đại học hoặc thâm chí các cơ quan quản lý giáo dục (như ở VN, chẳng hạn).

Tôi e rằng việc đưa bằng cấp của ông NXA vào như một trong nhiều lý do để kỷ luật là một nhầm lẫn đáng tiếc. Nếu ông ấy lấy bằng tiến sĩ để làm quan chức trong Bộ Giáo dục hoặc lãnh đạo các trường đại học, ví dụ thế, thì rõ ràng là cần lên án. Đằng này, ông ấy đâu có sử dụng bằng tiến sĩ của ông ta để giảng dạy hoặc ngồi ở những vị trí đòi hỏi phải có trình độ tiến sĩ theo định nghĩa truyền thống của giới hàn lâm đâu nhỉ? 

XẾP HẠNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM: NÊN HAY KHÔNG NÊN?

XẾP HẠNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM: NÊN HAY KHÔNG NÊN?

Vũ Thị Phương Anh

(Bài sắp đăng trên tạp chí Văn hóa Nghệ An)

Kết quả xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập thực hiện và công bố cách đây không lâu đã khiến cho đề tài xếp hạng đại học một lần nữa làm nóng dư luận. Như có thể đoán trước, kết quả xếp hạng này đã gây ra các phản ứng rất khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược, ở các nhóm đối tượng khác nhau.

Sẽ không có gì ngạc nhiên khi những phản ứng trái ngược này đến từ các trường là đối tượng của bảng xếp hạng. Như thường thấy, các trường có thứ hạng cao trong có khuynh hướng cho rằng thứ hạng mà nhà trường đạt được đã phản ánh chính xác những nỗ lực thành tựu của trường trên các khía cạnh được xếp hạng. Ngược lại, những trường có thứ hạng không như mong muốn thường chỉ ra nhiều chứng cứ về những sai sót và nhầm lẫn về phương pháp hoặc dữ liệu xếp hạng, hoặc thậm chí hoàn toàn phản đối việc xếp hạng vì không thể sử dụng cùng một thước đo để xếp hạng các trường có sứ mạng, phạm vi hoạt động, và đặc điểm  đôi khi rất khác nhau.

Đáng quan tâm hơn là phản ứng của giới nghiên cứu và quản lý vĩ mô về giáo dục đại học - những người không phải là đối tượng của việc xếp hạng, và vì vậy không chịu bất kỳ sức ép tâm lý nào trước các kết quả xếp hạng.  Thật lạ lùng, ngay cả ở đây cũng tồn tại sự bất đồng quan điểm tương tự. Một mặt, sự ra đời của một bảng xếp hạng đại học riêng của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các nhà nghiên cứu và đặc biệt là các nhà chính sách. Những người này tin rằng xếp hạng là một trong những phương cách quản lý chất lượng hữu hiệu và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, vì nó cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch và dễ sử dụng đến toàn thể xã hội để có thể giám sát các hoạt động và đánh giá các thành tựu của các trường.

Sự ủng hộ này được thể hiện qua những bài viết khen ngợi việc công bố kết quả xếp hạng vừa qua như một nỗ lực đáng trân trọng và cần được cổ vũ, vì nó "góp phần khiến xã hội nhìn nhận lại giá trị cốt lõi của giáo dục đại học theo hướng tiệm cận dần những chuẩn mực và thông lệ quốc tế" và thậm chí có thể khiến "các nhà làm chính sách, các trường đại học phải xem lại công việc của mình" [1].

Bên cạnh những lời khen ngợi và cổ vũ nói trên, cũng tồn tại không ít những nghi ngại cùng những lời cảnh báo từ giới nghiên cứu rằng cần phải rất thận trọng với mọi bảng xếp hạng, đặc biệt là bảng xếp hạng mới của nhóm nghiên cứu độc lập vừa công bố vì giá trị của nó còn cần được thời gian kiểm chứng. Rõ ràng là kết quả xếp hạng vừa qua vẫn có những điểm chưa rõ ràng (liệu có thể tin được giá trị của các số liệu tự khai?), thiếu chính xác (kết quả xếp hạng cơ sở vật chất của một số trường dường như không phản ánh đúng thực tế?), hoặc không phù hợp (liệu có thể so sánh tỷ lệ giảng viên của một trường thuộc khối ngành kỹ thuật với một trường chuyên đào tạo các ngành xã hội - nhân văn?).

Khi những câu hỏi trên - và rất nhiều câu hỏi tương tự khác - chưa có câu trả lời thỏa đáng, thì những thông tin do bảng xếp hạng đại học Việt Nam vừa đưa ra chỉ có giá trị tham khảo hết sức hạn chế. Đó là chưa kể những tác hại khó lường của việc xếp hạng ở một nơi đầy "bệnh thành tích" như Việt Nam, như việc "mượn tên" những người có học hàm, học vị để tăng tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ của một trường, hoặc "mua bài báo" của những giảng viên đã có sẵn thành tích khoa học từ nước ngoài để tang điểm trong các bảng xếp hạng - những hiện tượng đã lác đác xảy ra và có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. 

Vậy đâu là chân lý? Thực ra, dù chúng ta có muốn hay không thì – như nhận định của các chuyên gia quốc tế – "trò chơi xếp hạng đại học"  sẽ vẫn tiếp tục tồn tại để đáp ứng đòi hỏi về thông tin của "người tiêu dùng giáo dục". Sự gia tăng các bảng xếp hạng và số lượng các trường sử dụng thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng như một công cụ thông tin (đúng hơn là “công cụ tiếp thị”), để thu hút sinh viên trong thị trường giáo dục đại học đầy cạnh tranh ngày nay là một điều hầu như chắc chắn.

Và, như mọi loại công cụ chuyên nghiệp, để sử dụng chúng một cách có hiệu quả và tránh được những rủi ro tiềm ẩn, thì người sử dụng công cụ cần hiểu rõ những đặc điểm và tính năng của loại công cụ mà mình đang sử dụng. Cụ thể, để xác định giá trị thông tin mà một bảng xếp hạng có thể cung cấp, mỗi người cần phải tự trả lời được cho mình ít nhất là ba (03) câu hỏi dưới đây: 

(1) Liệu có thể xếp hạng được tất cả các khía cạnh đa dạng của một trường đại học hay không? Nếu câu trả lời là không, thì cần phải ý thức rõ những khía cạnh nào có thể xếp hạng của một trường đại học và những khía cạnh nào là không, để tránh việc khái quát hóa quá mức. Ai cũng biết rằng một trường có nhiều thành tựu về nghiên cứu và vì thế có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng chưa chắc đã là một trường quan đến việc việc chăm sóc học viên hoặc chú trọng đến việc giảng dạy tốt). 

(2) Bảng xếp hạng đang được sử dụng có phù hợp với sứ mạng của trường đại học được xếp hạng hay không? Nếu một bảng xếp hạng dành một trọng số đáng kể cho các thành tựu về nghiên cứu khoa học (là điều thường xảy ra vì việc cho điểm các thành tích khoa học dựa trên số lượng công bố và nơi công bố thì dễ hơn là cho điểm mức độ hiệu quả của việc giảng dạy), thì một trường đại học với sứ mạng giảng dạy và đang thực hiện tốt sứ mạng đó của mình sẽ chẳng có lý do gì để buồn phiền khi không đạt được thứ hạng cao trong một bảng xếp hạng hoàn toàn không phù hợp với mình.

(3) Dữ liệu được sử dụng để xếp hạng có tin cậy được không, và làm thế nào để kiểm chứng điều này? Đây là một câu hỏi quan trọng đối với tất cả các bảng xếp hạng trên thế giới, và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, khi các số liệu của chúng ta thường mang tính đối phó và hình thức, hơn là phản ánh thực trạng của một trường đại học. Một khi số liệu được dùng để xếp hạng không chính xác thì việc xếp hạng thực sự là một việc làm vô ích.

Cuối cùng, để trả lời cho câu hỏi mà một số người đang đặt ra và kỳ vọng là liệu có thể sử dụng bảng xếp hạng vừa công bố (hoặc một phiên bản tương tự) để triển khai việc phân tầng và xếp hạng các trường đại học Việt Nam như đã được quy định trong Nghị định số 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tôi tin rằng chừng nào mà căn bệnh thành tích trong giáo dục của Việt Nam vẫn còn chưa được chữa trị dứt điểm, thì câu phát biểu  của tác giả Vardi trong bài viết "Academic rankings considered harmful" (Xếp hạng đại học được cho là có hại) được công bố năm 2016 vẫn còn nguyên giá trị [2].

Phát biểu ấy như sau:

Tôi tin rằng xếp hạng đại học [nhìn chung] là có hại. Chúng ta có trách nhiệm phải thông tin tốt hơn đến công chúng, bằng cách chấm dứt "trò chơi xếp hạng" và [thay vào đó là] cung cấp đến công chúng những thông tin thực sự có liên quan.