Tuesday, September 14, 2010

Cần một nền giáo dục vì con người

Cập nhật ngày 15/9/2010

Tôi mới "nhặt" được câu này trên mạng, thấy hay hay và hợp với ý trong bài viết này của tôi, nên đem nó về đây để cất. Nó như thế này:
An education is about more than getting into a good college or getting a good job when you graduate. It’s about giving each and every one of us the chance to fulfill our promise—to be the best version of ourselves we can be.

Bản dịch của tôi:
Giáo dục không chỉ là vào được một trường đại học tốt hay tìm được một việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Giáo dục là làm sao từng người và tất cả mọi người phải có cơ hội để thực hiện mơ ước của mình - đó là, phát triển tối đa tiềm năng sẵn có trong mỗi chúng ta.


Nguồn: http://www.facebook.com/vtpanh?v=wall&story_fbid=154536684574866#!/barackobama
---------------------------------------------------------------
Bài viết này tôi viết cho một tờ tạp chí nhân dịp đầu năm học, nhưng ... bị chê, không được đăng. Mặc dù tôi đã viết hết cảm xúc thật của mình. Cũng có thể là bài viết bị chê vì có một vài đoạn hơi ... sáo, do tôi mới được góp ý là nên cẩn trọng hơn trong ngôn từ. Vì khi đăng lên blog, tức là bài viết đã có sự hiện diện công cộng. Mà ứng xử công cộng thì phải khác với ứng xử cá nhân, khi chỉ có riêng mình.

Thôi, báo không dùng thì cũng đăng bài viết lên đây để chia sẻ với mọi người. Mong mọi người đọc và trao đổi. Và giúp tôi đoán xem vì sao bài không được đăng, nhé?

-----------
Năm học 2010-2011 bắt đầu trong bao nỗi ngổn ngang. Bạo lực học đường tràn lan; đạo đức xã hội xuống cấp; bệnh thành tích, giả dối, nạn sính bằng cấp trầm kha dẫn đến nạn bằng giả, trường dỏm; rồi nạn “thất nghiệp có bằng cấp” vì đào tạo không dựa trên nhu cầu xã hội; phong trào tị nạn giáo dục; nạn chảy máu chất xám … tất cả đang bày ra trước mắt chúng ta, và đều cấp bách. Nhưng giải pháp cho tình trạng này dường như chưa tồn tại, hoặc tồn tại nhưng mơ hồ và không thể triển khai, hoặc đã có kế hoạch rõ ràng, chi tiết đến từng hoạt động kèm chi phí ước tính, nhưng lại thiếu thuyết phục nên không được sự ủng hộ của xã hội.

Nhưng dù ngổn ngang, bừa bộn đến đâu, thì năm học mới cũng đã đến, năm đầu tiên của thập niên thứ hai trong thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại. Những bước đầu tiên của ngành giáo dục để đưa đất nước đến dần với tầm nhìn 2020. Cần bắt đầu từ chỗ nào đây? Câu hỏi này có lẽ mọi người Việt Nam đều đang tự đặt ra, nhưng câu trả lời ở tầm quốc gia chỉ có thể đến từ những vị lãnh đạo đất nước.

Theo dõi tin tức trên báo chí trong những ngày đầu năm học, tôi chú ý đến phát biểu của hai vị lãnh đạo cao nhất của đất nước và của ngành giáo dục, mà theo tôi đã hàm chứa câu trả lời cho câu hỏi nói trên. Phát biểu trong dịp lễ khai giảng, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã dặn dò ngành giáo dục phải chú trọng việc dạy người. Trả lời phỏng vấn với tư cách tân bộ trưởng, người vừa được giao trọng trách lèo lái con tàu giáo dục của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói ông không có ý định tạo dấu ấn riêng . Phải chăng sai lầm của chúng ta lâu nay chính là ở đây: điều hành ngành giáo dục nhằm mục tiêu có được những thành tích nổi bật và tạo dấu ấn, mà chưa chú trọng đầy đủ đến mục tiêu dạy người?

Có một điều đơn giản mà hình như ở Việt Nam chúng ta hay quên, đó là giáo dục (education) không chỉ là đến trường (schooling). Khắp đông tây kim cổ, mọi nền giáo dục chân chính đều nhằm vào phát triển con người. Sự thành công của một nền giáo dục được đo bằng khả năng phát triển những tài năng sẵn có – đã bộc lộ hoặc còn tiềm ẩn – của từng cá nhân đến mức cao nhất. Để làm được điều này, không thể tiếp tục làm theo cách một chiều từ trên xuống như hiện nay.

Tại sao không? Thử bình tĩnh nhìn lại cung cách vận hành của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay, ta sẽ thấy dường như đang tồn tại một sự mâu thuẫn. Cuộc sống thì biến chuyển hàng ngày, nhu cầu của con người là vô hạn, còn tài năng của các cá nhân thì hết sức đa dạng, phong phú và luôn phát triển. Nhưng hầu hết các hoạt động trong ngành giáo dục đều xuất phát từ cùng một nguồn và theo cùng một quy trình vạch sẵn. Trước hết là những chủ trương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó ngành giáo dục sẽ đề ra những chương trình hành động đầy quyết tâm, những dự án tham vọng với những chỉ tiêu cụ thể dù đôi khi phi thực tế; và kèm theo đó là cách quản lý chặt chẽ nhấn mạnh tính tuân thủ và bóp nghẹt sự sáng tạo. Đến nỗi cả những “sáng kiến” cải tiến của ngành giáo dục để giải quyết những vấn đề thực tế đa dạng của lớp học cũng vẫn theo trình tự nói trên. Phải chăng chính mâu thuẫn này là nguyên nhân sâu xa của nhiều vấn nạn trong nền giáo dục Việt Nam ngày nay?

Giáo dục theo nghĩa phát triển con người không thể chỉ là những gì diễn ra trong trường lớp và được quản lý bởi ngành giáo dục. Trước hết và trên hết, nó là sự nỗ lực lâu dài, bền bỉ nhằm phát triển tài năng cùng các giá trị sống của từng người học, từng gia đình, từng thầy cô, cùng sự hỗ trợ và tiếp sức của cộng đồng nơi các em sinh sống và học tập. Thành tựu của giáo dục Việt Nam vì thế không phải là kết quả của những đề án như đại học đẳng cấp quốc tế, phát triển hệ thống trường chuyên vv, cũng chẳng phải là kết quả của những “phong trào” dạy kỹ năng sống hay đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào trường học, như cách chúng ta vẫn suy nghĩ hiện nay.

Thành tựu giáo dục đích thực phải là những con người với những tài năng riêng biệt được phát triển tối đa, và một xã hội nơi mọi tài năng đỉnh cao đích thực được tôn trọng và vinh danh. Nếu không có được điều này, thì mọi đề án của ngành giáo dục Việt Nam dẫu có thành công vẫn sẽ là vô ích.

Nói đến tài năng và sự vinh danh, năm học 2010-2011 không chỉ bắt đầu với những ngổn ngang, mà còn có những điểm sáng. Dư âm của niềm vui về sự kiện Ngô Bảo Châu đến giờ vẫn còn đầy ắp. Theo tôi, Ngô Bảo Châu là một bằng chứng sống động của quan điểm giáo dục không phải là những kế hoạch được triển khai tỉ mỉ của ngành giáo dục, mà trước hết và trên hết là một môi trường phát triển nhân cách lành mạnh, sự kiên trì vun đắp tài năng theo thiên hướng cá nhân của gia đình, và sau đó là môi trường giáo dục trong lành của nhà trường, nơi đó vai trò của người thầy được tôn trọng và phát huy đúng mức.

Giáo dục là phát triển con người, đó là triết lý duy nhất đúng. Triết lý giáo dục vị nhân sinh. Theo tôi, ở mức độ cá nhân, triết lý ấy vẫn luôn sống mạnh mẽ trong những con người Việt Nam nghèo khó, những người luôn tâm niệm phải nỗ lực học hành để phát triển cá nhân, thoát kiếp nghèo và giúp đỡ được cho gia đình, rồi từ đó góp sức xây dựng cộng đồng, làng xóm. Với triết lý như vậy, cô bé Bình Gấm bán khoai năm nào đã thi đậu cùng một lúc vào 3 trường đại học, để nay trở thành bác sĩ công tác tại Bệnh viện Thống Nhất gần nơi tôi sinh sống trước đây – một quận nghèo, nhiều dân nhập cư, nhưng cũng rất nhiều người thành đạt, vươn lên từ nghèo đói.

Cả Ngô Bảo Châu ở miền Bắc lớn lên trong thời chiến tranh và xuất thân từ một gia đình học thức, lẫn Bình Gấm ở miền Nam lớn lên sau ngày đất nước thống nhất trong một gia cảnh khốn khó, mỗi người theo cách riêng của mình đều là những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam ở những mức độ khác nhau. Những thành tựu đó hoàn toàn không phải là kết quả trực tiếp của bất kỳ chủ trương, kế hoạch, đề án, hoặc phong trào nào, mà là của những nỗ lực đúng hướng của cá nhân và gia đình, cùng với môi trường sinh sống và học tập lành mạnh mà những cá nhân đó may mắn được hưởng.

Để trả lời cho câu hỏi “Nên bắt đầu từ đâu?”, trong tiếng Anh người ta nói “Hãy bắt đầu từ đầu. Begin at the beginning.” Câu trả lời hiển nhiên và luôn luôn đúng, dù rất dễ bị quên. Nếu mục đích của giáo dục là phát triển con người, thì hơn ai hết, ngành giáo dục cần chứng tỏ mình thực sự vì con người bằng cách trân trọng chính những con người hoạt động trong môi trường giáo dục.

Hãy tôn trọng từng cá nhân người học bằng cách tôn trọng tiếng nói riêng của các em, hãy tôn trọng những con người trực tiếp đóng góp vào thành quả giáo dục của một dân tộc – các thầy cô giáo – bằng cách trả cho họ một đồng lương xứng đáng. Hãy tôn trọng các vị lãnh đạo các trường bằng cách giảm bớt những can thiệp từ trên vào những quyết định chuyên môn của họ. Hãy tôn trọng cả môi trường trong lành của giáo dục bằng cách nghiêm khắc với những giả dối và tiêu cực trong môi trường giáo dục như chạy điểm, chạy trường, chạy hội đồng, bệnh thành tích, bệnh sính bằng cấp và nạn bằng cấp không đi kèm năng lực….

Về phần mình, ngành giáo dục cũng cần được toàn xã hội hỗ trợ. Sự hỗ trợ ấy thật đơn giản: hãy tôn trọng các sản phẩm và thành tựu thật của giáo dục bằng cách tôn trọng các tài năng đích thực mà nền giáo dục ấy mang lại, bằng cách tạo cho họ những môi trường làm việc trong sạch với những vị trí và điều kiện làm việc xứng đáng nhất mà đất nước có thể tạo ra.

Vâng, chỉ cần bắt đầu từ đầu, và làm đúng từ những việc nhỏ nhặt nhất, thì những thành tựu lớn của giáo dục sẽ tự đến vào đúng thời điểm của nó. Lúc ấy, chắc chắn giáo dục Việt Nam sẽ có được một vụ mùa bội thu.
-------------
Viết xong ngày 13/9/2010

16 comments:

  1. Vấn đề là thật giả lẫn lộn, làm sao biết đâu thật đâu giả hở Cô? Tâm lý cào bằng, trọng bằng cấp, học vẹt vẫn ăn sâu vào nếp nghĩ của học sinh. Trước đây thì bảo phải cải cách từ học sinh, nay thì bảo phải cải cách từ giáo viên. Em thấy nên làm cả hai. Và làm từ gốc rễ. Làm thật triệt để. VN mình cái gì cũng làm nửa vời, xuê xoa. Thực trạng-giải pháp đầy ra nhưng toàn nói, ko thấy làm. Riết rồi dân cũng mất niềm tin.

    ReplyDelete
  2. Chào cô

    Em nghĩ có thể có 2 nguyên nhân.

    1. "Cuộc sống thì biến chuyển hàng ngày, nhu cầu của con người là vô hạn, còn tài năng của các cá nhân thì hết sức đa dạng, phong phú và luôn phát triển. Nhưng hầu hết các hoạt động trong ngành giáo dục đều xuất phát từ cùng một nguồn và theo cùng một quy trình vạch sẵn. Trước hết là những chủ trương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó ngành giáo dục sẽ đề ra những chương trình hành động đầy quyết tâm, những dự án tham vọng với những chỉ tiêu cụ thể dù đôi khi phi thực tế; và kèm theo đó là cách quản lý chặt chẽ nhấn mạnh tính tuân thủ và bóp nghẹt sự sáng tạo. Đến nỗi cả những “sáng kiến” cải tiến của ngành giáo dục để giải quyết những vấn đề thực tế đa dạng của lớp học cũng vẫn theo trình tự nói trên." Đoạn này có hơi nhạy cảm không? Đề nghị thay đổi một quy trình mà Đảng nằm ở vị trí then chốt, phải chăng là một góp ý dễ đụng chạm?

    2. Văn phong bài này gần với một bài diễn văn hơn là một bài báo (xã luận). Ý tưởng trong một bài bình luận cho báo có lẽ cần được diễn đạt một cách cô đọng và hàm súc hơn. Dĩ nhiên nếu bài này trở thành diễn văn lễ khai trường thì tốt cô ạ, ít ra cũng có nội dung hơn hẳn các diễn văn em từng nghe trong quá khứ.

    Chỉ là vài suy đoán của em. Bên kia mọi chuyện hình như vẫn còn tiếp diễn hả cô?

    SGK

    ReplyDelete
  3. Cô có hơi ảo tưởng về Tia Sáng Tia Chớp, hay báo chí Việt Nam nói chung, quá không khi gửi bài này cho họ? Các bác lãnh đạo nói không phải là để cô trích và đưa lên mặt báo!!! You quoted the unquotable, untouchable, unquestionable, and put it in your text and context, though for good will. That's the problem, an appropriation of sacred teachings, claims, utterances....
    Mà bài này cô đả phá cái "thượng tầng kiến trúc", đưa con người, chứ không phải abstract structures and powers, vào trung tâm của mọi vấn đề, do vậy cô hơi bị hậu cấu trúc, không cho đăng là phải. Chưa hết, nghe như kiểu cô đang ủng hộ một loại "secularization". Nhà thờ không còn là quyền lực cứu rỗi, mà chính ở mỗi con người!!! Nghe cứ như Martin Luther đóng một "văn kiện" lên trước cửa một nhà thờ ở Đức để tạo ra "Protestanism". Cô có thấy chữ "protest" không? Sao đăng được? Chưa bị Giáo hoàng "excommunicate" như Luther là may!
    Đố cô comment này của ai?

    ReplyDelete
  4. Chào cô,
    Vì bài trên bloganhvu em không thấy nên em viết ở đây. Em nghĩ tranh luận với BS Hồ Hải chỉ phí thời giờ. Bác ấy có thể muốn "đóng góp" cho GDVN, nhưng con người như bác ấy không bao giờ làm được. Chỉ cần người biết về GD Mỹ một chút là biết tầm của bác Hải đến đâu rồi. Riêng việc lấy College Board ra để nói chuyện đã thấy bác ấy chỉ nói được một phần vô cùng nhỏ. Đi học ThS, PhD chẳng ai ngó tới các College Board ấy cả. Còn nhiều thứ khác nữa.
    Chỉ mong cô bớt bực mình,
    NB
    Một NCS ủng hộ cô (không phải trong cuộc tranh luận với BS Hải, mà trong các ý kiến của cô về GDDT)

    ReplyDelete
  5. “Cần một nền giáo dục vì con người” – Tôi đánh giá cao tâm ý của chị Vũ Thị Phương Anh. Có thể nói con người hiện nay nằm giữa những đòi hỏi chủ quan của chính trị và những đòi hỏi khách quan của đời sống, đây cũng là những mâu thuẫn cơ bản đối với giáo dục đào tạo đang trong quá trình giải quyết. Giáo dục có mối quan hệ nhạy cảm đối với chính trị, bởi vì nói đến giáo dục, đào tạo là nói đến con người với tất cả những phẩm chất và năng lực, quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân.

    Nhà nghiên cứu Phương Anh, bác sỹ Hồ Hải, nhà báo Trương Hiệu… trong giới hạn năng lực nghề nghiệp của mình đều mong muốn “giáo dục đào tạo” thực sự phát triển, và vì thế sẵn lòng làm những điều mình tin là đúng. Tuy nhiên những niềm tin đó (tốt/ xấu), những hành động đó (đúng/ sai)… phải được đánh giá trong những tương quan hợp lý của thực tiễn, tương quan vĩ mô như là truyền thống văn hóa, chế độ chính trị, cơ cấu kinh tế, v.v…

    Đời sống xã hội nói chung với những quan hệ biện chứng, và vấn đề giáo dục đào tạo nói riêng cũng không ngoại lệ: Người ở ngoài nói bao giờ cũng dễ dàng hơn là người ở trong làm. Ngay chỉ ở công tác nghiên cứu mà còn “càng viết càng thấy rối rắm, càng đọc càng thấy rối rắm, và công việc không sao đi tới được” (TS Vũ Thị Phương Anh ). Vậy thì: giải pháp cho vấn đề giáo dục đào tạo của Việt Nam là gì? - Là "lật đổ bộ máy chính quyền hiện hành từ trung ương cho tới địa phương" chăng?...

    Nói như một nhà lý luận: "Đổi mới" của đất nước ta không đơn giản là bước theo dấu chân ai. Có khi chúng ta phải đi thì mới có đường, tất phải có những cái mới xuất hiện mà theo đó là nhiều những quan điểm tốt, quan điểm xấu: Nhà báo cần phải nói, phải viết với những bằng chứng xác đáng và những lý lẽ sắc bén để đem lại lợi ích cho nhận thức và hành động của đông đảo xã hội. Nhưng xem ra hiện tại đang tồn tại nhiều bài báo “phóng tác”,… có những báo chí từ lúc nào mà đã trở thành một “công cụ” của blog?...

    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  6. (tiếp theo)

    Rất may vẫn có những nhà báo tòa báo người đủ tâm và tài: “Cháu hiểu được những tiêu chuẩn của bác nêu ra là hợp lý và cũng chia sẻ những trăn trở của bác về nền giáo dục nước nhà. Cháu chỉ muốn đề cập đến tính khả thi của vấn đề. Thay đổi là một quá trình lâu dài và phức tạp. Chúng ta khó có thể hy vọng nền giáo dục nước ta một bước thành rồng. Vấn đề là phương pháp, và tiêu chuẩn hợp lý cho từng giai đoạn. Theo cháu nghĩ, việc duy ý chí chỉ gây thêm sự chống đối và bất đồng”. (trích blog BS Hồ Hải).

    “Đức Phật đã từng dùng pháp phương tiện để giáo hóa chúng sanh. Tại sao chúng ta không thể phương tiện?” (trích blog BS Hồ Hải). Vâng! Báo chí (hỡi ôi) đã đang chạy theo công kích quá đà những hiện tượng “mua bán kinh doanh giáo dục” (http://ncgdvn.blogspot.com/2010/09/lai-phai-noi-ve-ubi.html#comments), chúng ta đặt vấn đề “Ai xây móng cho giáo dục Việt xuống dốc hôm nay”? (http://bshohai.blogspot.com/2010/09/ai-xay-mong-cho-giao-duc-viet-xuong-doc.html). Nhưng có thể trăm năm sau nhìn lại thì đó đơn giản là những cái mới xuất hiện trong những điều kiện mới của đất nước (bình thường).

    Nhưng là những người lãnh đạo của quốc gia (không chỉ là lãnh đạo ngành giáo dục, không chỉ lãnh đạo một viện nghiên cứu giáo dục…) thì không thể trăm năm sau nhìn lại mà cần có tầm nhìn tới trăm năm sau. Đời người ba vạn sáu ngàn ngày mấy chốc do đó không thể có mọi điều như ý (duy ý chí), do đó trước hết mỗi một người sẽ phải tự chủ quyết định điều gì là phù hợp nhất đối với mình, và xã hội phải bằng trước hết là pháp luật tạo điều kiện tốt nhất cho sự tự do lựa chọn đó.

    … Tạm kết, xã hội này đang vận hành dựa trên sự chuyên môn hóa lao động, sự chuyên môn hóa ngày càng sâu rộng. Do đó trước hết hãy đưa ra giải pháp xứng đáng với tâm huyết, năng lực, trách nhiệm… của các vị, còn không chỉ là cái dư luận trong chốc lát… nhưng những sự như là phủ định cực đoan… thì có thể gây cười mãi về sau. Xin nhớ: Điều cần thiết cho con cháu chúng ta, và với chính chúng ta có lẽ lại chính là sự yên tĩnh. Chúng ta có tấm lòng nhiệt thành nhưng cũng cần có lý trí sắc lạnh, cần thận trọng khi đặt giáo dục, đào tạo bên cạnh ý chí chính trị.

    Hoa Sen <

    ReplyDelete
  7. Chúng ta bàn, nói, viết về giáo dục nhiều quá mà thực trạng giáo dục vẫn chưa cải thiện gì mấy.

    Có bao giờ chị nghĩ là chị bị bệnh nghề nghiệp không?

    Đề nghị bà chị dạy học vài tháng ở một lớp hay một trường cấp 3 toàn học sinh cá biệt, không muốn học chỉ muốn quậy thôi.

    Hãy thôi nhìn màn hình máy tính nhìn vào cuộc đời đi!

    ReplyDelete
  8. Bài viết hay vậy sao không đăng mới là chuyện bình thường.Nhập đề ko kính thưa,kínhbáo,kính trình,rồi kể tội..."nạn sính bằng cấp..trường dỏm,bằng giả... tị nạn giáo dục..."Nghe 2 chữ" tị nạn" mà thấy ghét..Hãy cố gắng viết dở dở biết đâu chừng đựoc đăng!hic hic!!!
    Cà tửng hơi lạc đề về " 1 thông báo nhỏ" của chị:Từ vụ tranh luận với QM về "Tứ diệu đế" của Đạt Lai Lạt Ma(1h32/23/8/10 trên blog của chị.Tôi đã nghĩ ông ấy thuọc hàng tự cao tự đại.
    Chị PA ơi!hãy xem những gì ông ấy nói là điều vớ vẫn...Tôi chia sẻ sự cô đơn với chị.
    Mong chị có nhiều bài hay về chuyên đề giáo dục.
    Thân mến,

    ReplyDelete
  9. Anh Hoa Sen,

    Giáo dục Viet Nam rất cần một giải pháp, chứ không nhẩn nha như trước dến nay dược.Hiện tượng báo chí chạy theo ông HH, xem như một "shock therapy", dể cho các vị lảnh dạo nhìn thấy tình trạng hiện nay. Ta có thể thấy Bộ GD và DT dứng về phía Hội Khuyến Học, hội này dưa ra các vị chủ tịch danh dự như Dại Tướng VNG, cựu Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầm, chắc muốn nói rằng hội không làm gì sai trái vì dã có hai ông.

    Tình trạng GD nước ta hiện giờ là hệ quả của chính sách Hồng hơn Chuyên năm xưa. Cứ nhìn một Bộ trưởng GD, về hưu rồi mới sang Anh di học Anh ngữ. Một GS di phong hàm GS cho cả nước, trong dó có diều kiện phải thông ngoại ngữ, khi nói chuyện với Bill Gate không nói "drop out", lại nói "cancel", ông nói very happy, ai happy dây ? v.vv. Hình như nước ta dã di ngược hướng là thay vì dể họ di học xong, mới cho làm lớn, dàng này cho họ làm (xong), nghĩ hưu mới cho di học. Tôi mới dọc một bài viết, của một ông cựu GS Dại Học Khoa Học Sài Gòn trước 75. Ông bảo khi ông xong TS Khoa Học, về Sài Gòn, ông dược làm GS. Ông thứ trưởng Giáo Dục, tốt nghiệp TS Giao dục tại Mỹ, bổ nhiệm ông và hai TS nữa, cũng tốt nghiệp tại hai trường M.I.T và Cal Tech ( tôi doán là GS Dặng Dình Áng ) vào một tiểu bang giám dịnh bằng cấp, các ngành Kỹ sư và Khoa Học. Vì tất cả dều học tập gần 10 năm tại Dại Học Mỹ, nên khi cả 3 người họp lại, công việc rất nhanh chóng.

    Cứ nhìn trong các Dại Học, nếu các vị nắm phần Dào tạo và liên kết là những GS tốt nghiệp từ Mỹ mà không phải từ Liên Xô, Dông Âu như hiện nay, thì tôi tin rằng sẽ tránh dược tình trạng "bát nháo" như hiện giờ.

    ReplyDelete
  10. Nền Giáo dục việtnam là để đào tạo con nguời mới Xã Hội Chủ Nghĩa. Thành thử xin miễn bàn.

    ReplyDelete
  11. Thưa Anonymous September 15, 2010 10:57 PM,

    Cá nhân tôi không quen nhìn vào một mặt nào mà suy đoán, rồi phủ định toàn bộ hiện thực. Không nói chuyện chính trị, mà trên phương diện giáo dục, đào tạo thì tôi không chắc cứ GS tốt nghiệp từ Mỹ thay vì từ Liên Xô, Đông Âu thì giúp tránh được cái gì.

    Và đặc biệt không muốn đứng về bên nào, nhưng vì bạn đã nói như kia, thì tôi xin nói như này: Các bác cựu lãnh đạo học tập từ trong thực tiễn sinh động, đến khi có tuổi vẫn vì dân mà nêu gương khuyến học, đáng kính thay! (cười)

    Còn về BS Hồ Hải, thật hay hơn nếu như ông biết tránh những đôi co cá nhân, nhưng tôi không thể không ghi nhận nhiệt thành vì dân vì nước của ông, tôi đặc biệt đánh giá cao khi ông biết dương tốt khuyến thiện (mặc dù tôi chưa tự biết cụ thể xem cái tốt cái thiện ấy như nào):

    Hoa Sen nói (http://bshohai.blogspot.com/2010/09/vai-suy-nghi-ve-tam-nhin-trong-lien-ket.html?showComment=1284459882079#c1337535737245142589)...

    NÊN DƯƠNG TỐT KHUYẾN THIỆN THAY VÌ CHỈ CÓ VẠCH XẤU TRỪNG ÁC, DO ĐÓ BÀI NÀY LÀ MỘT BƯỚC ĐỘT PHÁ LÃO HUYNH HỒ HẢI Ạ!

    Trong cuộc sống cái tốt cái xấu, cái thiện cái ác... không phải khi nào cũng dễ dàng phán xét! Do đó đôi khi tưởng mình làm tốt lại hóa ra làm xấu, tưởng mình làm thiện lại hóa ra làm ác!

    Dùng ác đối ác ư, không loại trừ nhưng phải rất đủ bản lĩnh! Bởi vì người ác thì... có người ác hơn, ác chồng lên ác thì... cuối cùng sẽ đi đến đâu?

    Đó là chưa nói cái tưởng ác nhưng thực ra lại không ác, người trừng ác nhưng lại không giữ mãi được thiện. Ví như tác động không khéo với một tế bào bình thường, thì nó có thể lại trở nên rất ác!

    Tóm lại, tôi đồng ý: "Khi biểu dương cái Thiện thì cái Ác sẽ chui vào trong hang. Khi cái Ác chui vào trong hang lâu ngày thì nó thoái hoá. Sự thoái hoá của cái Ác là mục tiêu của tiến bộ xã hội”. (Nguyễn Trần Bạt)

    Hoa Sen

    ReplyDelete
  12. em xin lỗi cô cho em gửi đôi lời tới bác Minh Minh: có lẽ bác đang dạy ở một trường cấp 3 có nhiều học sinh chỉ "muốn" quậy và không muốn học, thế bác đối xử với những học sinh ấy như thế nào? 1)Thờ ơ và làm tròn nhiệm vụ cấp trên giao? 2)Coi những học sinh ấy như "cặn bã" xã hội và chửi mắng, chì triết họ? 3)Truyền cho họ niềm tin vào cuộc sống, uốn nắn họ (thông qua nêu gương, nghiêm khắc, công bằng và luôn quan tâm đến họ). Cháu biết là làm người thầy tốt trong thời đại này rất khó, nhưng nếu đã là người trong ngành giáo dục - đặc biệt là người thầy thì nên có, dù rất ít, một chút tâm huyết, trăn trở, trách nhiệm, và lòng nhân ái.

    Kotaro Wu

    ReplyDelete
  13. "Khi biểu dương cái Thiện thì cái Ác sẽ chui vào trong hang. Khi cái Ác chui vào trong hang lâu ngày thì nó thoái hoá. Sự thoái hoá của cái Ác là mục tiêu của tiến bộ xã hội”. (Nguyễn Trần Bạt)

    Câu này rất hay nhưng tôi nghi ngờ rằng không dem ra áp dụng dược. Cái thời của Dức Phật thì còn áp dụng dược, con người còn hiền. Đến khi con nười biết di theo cách mạng, thì cái Ác chẳng thấy chui vào trong hang ( tính chiến dấu dâu mà rút lui ) mà còn xuất hiện ngày càng nhiều, công khai. Nhất là khi cái Ác có lá chắn bao che, không bị phạt ( ... Tôi ba năm nay chưa phạt ai bao giờ ... ).

    Báo chí của ta nhiều khi còn bênh vực cho cái Ác. Nhìn những bức hình chụp vụ ông Xầm Dức Xương , Hà Giang. Toàn những hình chụp hai cô học trò xấu hổ ( người thật, việc thật dây ! ), lấy tay che mặt. Không có bức hình nào chụp ông Xầm Dức Xương, hoặc rất ít, mà dáng lẽ ra họ phải chụp hình ông mới dúng. Không chụp hình thủ phạm lại di chụp hình nạn nhân ( khi hai em còn học sinh, cần tiền ) !

    ReplyDelete
  14. UBI thừa nhận sai lầm.

    http://nld.com.vn/20100914123835201P0C1017/ubi-thua-nhan-sai-lam.htm

    Liên kết dào tạo chui.
    Hảy nhìn các "dân oan bằng liên kết dỏm" dang bức xúc.

    http://nld.com.vn/20100907012334701P0C1017/lien-ket-dao-tao-chui.htm

    Tình trạng này nếu không ai giải quyết, Bà Tư Hường ra nắm phần dào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ cho cả nước là xong !

    ReplyDelete
  15. Thưa bạn "Vô Danh" September 16, 2010 11:37 PM,

    “NÊN DƯƠNG TỐT KHUYẾN THIỆN THAY VÌ CHỈ CÓ VẠCH XẤU TRỪNG ÁC”. Vậy ạ - bởi vì tốt xấu là tương đối, thay đổi theo cách nhìn khác nhau. Nghĩa là, có thể nói “dương tốt khuyến thiện” tạo điều kiện cho “vạch xấu trừng ác”; và “vạch xấu trừng ác” cũng là để “dương tốt khuyến thiện”. Nên chăng chúng ta đừng quá đơn giản hóa, ví dụ như đưa ra xét đoán cuộc sống là “như nào” chỉ với một (vài) ông “Xầm Dức Xương” (cười).

    Vấn đề không phải ở có thể đem ra áp dụng cái gì hay không, nghĩa là tất nhiên xã hội chúng ta phải biểu dương cái thiện, và không bênh vực cái ác. Nhưng đâu là thiện mà biểu dương, đâu là ác mà không bênh vực thì phải được làm rõ bởi nhà báo và công luận với bằng chứng vững chắc và lý lẽ sắc bén (nhấn mạnh). Nhưng cũng cần phải đứng ở phía ở những người đày tớ của nhân dân, hay nói cách khác là nền tảng đạo đức lãnh đạo và giá trị pháp lý đối với sự phát triển tự do của người dân:

    “Người xưa đã chỉ ra rằng, phải trị dân thế nào cho dân không nỡ nói dối. (Đức độ quan trên phải như sao sáng, như đèn giời ấy cơ). Chưa đủ. Còn phải trị dân thế nào để dân không dám nói dối. (Bắt được đứa nói dối, trị sặc gạch cho cạch đến già). Lại còn phải trị làm sao để dân không thể nói dối (pháp luật phải đồng bộ, chặt chẽ). Thế là có cả đức trị và pháp trị đấy”.
    (http://tuanvietnam.net/2010-09-14-doi-moi-chinh-tri-voi-nhung-y-tuong-manh-nha-)

    NGUYỄN-HOA SEN

    Tái bút: Cá nhân tôi có tâm thế cẩn trọng khi nhìn thấy những tiêu đề mang tính kết luận như thế này “UBI thừa nhận sai lầm”, “Liên kết đào tạo chui”… Bởi vì một người phải đối mặt ngày càng nhiều vấn đề cuộc sống. Mỗi vấn đề ngày càng ít có thời gian tự mình xem xét, suy nghĩ… lắng đọng. Mà càng ngày càng nhìn bằng đôi mắt của người khác, nghe bằng đôi tai của người khác… thậm chí, nghĩ bằng cái đầu của người khác. Nghĩa là nhìn vào … cuộc sống, mà càng ngày càng dễ dàng nảy sinh: định kiến.

    ...

    ReplyDelete