Tuesday, August 31, 2010

Kiểm định là kiểm định nào?

Gần đây, những vụ bằng dỏm, trường dỏm của nước ngoài liên tiếp bị báo chí trong nước phanh phui. Một trong những nguyên nhân khiến các trường dỏm, bằng dỏm có thể lọt qua các "bộ lọc" để vào VN làm ăn là do "người tiêu dùng giáo dục" trong nước có quá ít hiểu biết và thông tin về hệ thống giáo dục thế giới. Điều này lại càng đúng đối với hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ vì sự đa dạng và phức tạp của nó.

Một trong những điều làm mọi người rối trí hơn cả là vấn đề kiểm định. Tại Hoa Kỳ, khi nói một trường đại học nào đó không được kiểm định thì điều này gần như hoàn toàn đồng nghĩa với việc đây là một trường đại học "dỏm", vì bằng cấp của nó sẽ không được ai công nhận. Tuy nhiên, điều ngược lại thì không phải bao giờ cũng đúng. Nếu một trường đại học nói rằng nó "đã được kiểm định" thì điều đó không có nghĩa là nó không dỏm, mà người học vẫn tiếp tục phải xem xét thêm xem nó đã được kiểm định bởi tổ chức nào, có được công nhận hay không.

Ngay cả trong số các tổ chức kiểm định được công nhận thì không phải tổ chức nào cũng có giá trị như nhau, do sự đa dạng và phân tầng cao độ của hệ thống giáo dục Mỹ. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc phán đoán xem nên chọn học ở trường nào. Nạn nhân của sự thiếu hiểu biết này không chỉ là những người học ở các nước thế giới thứ ba, mà ngay cả học viên người Mỹ cũng mắc phải.

Bài viết bằng tiếng Anh dưới đây là một mẩu tư vấn trên mạng, được đưa lên từ năm 2004, trả lời một câu hỏi của học viên Mỹ về việc chuyển đổi tín chỉ từ một trường "đã được kiểm định" bởi một tổ chức kiểm định quốc gia (national accreditator), được công nhận bởi cả CHEA và USDE, để chuyển sang học tại một trường đại học khác. Như có thể thấy trong bài viết, các tín chỉ đã học đã không được công nhận! Lý do của sự không công nhận này nằm ở chỗ: kiểm định khu vực và kiểm định quốc gia được xem là 2 hệ thống khác nhau và không thể liên thông. Nó cũng giống như không thể giải bài toán 2 quả cam cộng với 3 quả chuối thành mấy quả.

Xin giới thiệu bài viết này đến các bạn. Tôi bận quá không dịch ra tiếng Việt được, nên đã viết lời giới thiệu này. Các bạn có thể sử dụng google dịch để hiểu sơ sơ. Nếu có gì thắc mắc thì hỏi trong comment. Hoặc có bạn nào dịch giúp thì tốt quá.

----------
Ask the Experts: Accreditation Issues
Featured Expert: E. Faith Ivery, Ed.D.

Question: I am about to receive my Associates of Applied Science in Computer Aided Drafting, and I was looking into going to a state university for my bachelor's degree, but they will not accept my associate's degree. I was informed that they cannot accept credits from my school because they do not accept ACICS accreditation. I am told I would have to start all over again, and re-take all my gen-ed classes. Is there anything I can do or am I just out of luck? I know of no schools in my state that teach architecture that accept this type of accreditation (nationally recognized.) Please, if you have any suggestions I would greatly appreciate it. - Mark

Answer: Mark - accreditation! I can’t tell you how many students have contacted my company – many in tears – with the same problem. I have called several proprietary schools and pretended to be a potential student. I ask about transfering credit, and accreditation. I find that most representatives of “nationally accredited” schools don't understand the difference between accrediting bureaus, ACICS and regional accreditation. So, often students enroll in these schools with little or no understanding of the differences. They pay lots of money, graduate, and then find out about “accreditation”.

The differences in accreditation has to do with the level of content, curriculum and agency of the accreditor. (See the Accreditation FAQ for more information.) The term “national” accreditation does not define a better or worse accreditation than “regional” accreditation. They are just different. It is important for the consumer to understand the differences before selecting a school. These proprietary schools are more “entry-level” in instruction, and more “skill” oriented than theory-based. They tend to quickly prepare students for employment. Their degrees are meant to be for more terminal learning. Years ago they were called vocational schools (or technical schools), and they issued diplomas or certificates. I have known of students who retained an attorney for recovery of tuition, because they were not properly advised about the accreditation.

Drafting and architecture are two very different careers. Regionally accredited colleges and universities consider architecture to be a professional school within the institution. Most often the admission requirements are higher than the general departments within the college or university. There are a few regionally accredited colleges and universities which accept direct credit from ACICS schools: the University of Phoenix, Kaplan University, Capella University – but they do not offer architecture degrees. Some regionally accredited colleges/universities may allow you to validate equivalent learning through a portfolio process, and grant credit towards their bachelor degree.

I know of no architecture program to do this. I would suggest taking as many CLEP exams as you can to “replace” your general education learning with college credit – ask the counselor at the regional college/university which exams to take. Other than that, you basically will need to start over at a regionally accredited college/university. You may want to use your learning to start a job with a company that has tuition assistance benefits to pay for your bachelor degree. My recommendation is to always earn an associate degree at a regionally accredited community college if you are planning to continue your education for a bachelor degree. Many of their courses are accelerated, and cost much less than proprietary schools. Proper advising can assure you take courses which can directly be transferred to a 4-year program to earn the bachelor degree. - Faith
Nguồn: http://www.back2college.com/newslettermay0104.htm
------
Một người bạn tốt của blog này, bạn Quang Minh, đã giúp tôi dịch nhanh phần thông tin trên sang tiếng Việt (các bạn sẽ thấy trong phần comment). Tôi đưa lên đây để mọi người dễ đọc hơn, vì có một số người không có thói quen đọc các comments.

Thấy bài này có nhiều thông tin giúp sv VN hiểu hơn về hệ thống giáo dục của Mỹ, tôi làm nhanh kiểu thông dịch "mì ăn liền".

Câu hỏi: Tôi sắp nhận bằng AA (tương đương với Trung cấp chuyên nghiệp 2 năm ở VN) chuyên về Vẽ Kỹ thuật trên Máy tính. Tôi cũng đang định học chuyển tiếp sang 1 trường đại học ngành kiến trúc nhưng rất không may là trường đh này không chấp nhận bằng AA của tôi. Họ giải thích với tôi lý do họ không chấp nhận bằng AA này vì trường họ trước giờ không liên thông với các trường được kiểm định bởi ACICS. (ACICS là viết tắt của Hội đồng kiểm định các trường không phụ thuộc). Họ cũng nói là tôi phải bắt đầu lại từ zero, học lại tất cả các môn đại cương. Vậy bây giờ tôi phải làm gì hay vô vọng? Tôi biết là không có trường ĐH nào trong tiểu bang của tôi có ngành kiến trúc mà chấp nhận bằng AA này. Vui lòng cho tôi vài lời khuyên. Cám ơn rất nhiều. (Tôi tên Điểm)

Trả lời: Chào Điểm. Đây là vấn đề có điểm hay mất điểm!!! (chỗ này ông giáo trả lời chơi chữ). Tôi không biết là có bao nhiêu sinh viên gọi đến công ty tôi vừa nói vừa khóc cũng bị tình trạng y chang như bạn. Tôi cũng thử gọi cho 1 vài trường tư giả bộ là sinh viên xin nhập học để hỏi họ về vấn đề chuyển tiếp các môn ở trường khác và về sự kiểm định của trường. Và tôi vỡ ra rằng, hầu hết những người đại diện các trường “kiểm định toàn quốc” đều không hiểu về sự khác nhau giữa cục kiểm định, ACICS và tổ chức kiểm định vùng. Vì thế nhiều học sinh đã vào học các trường này với sự mù mờ thông tin kiểm định. Họ phải trả khá nhiều tiền, cũng tốt nghiệp rồi lúc đó mới hiểu ra “kiểm định” thực sự là gì.

Sự khác nhau giữa các hệ thống kiểm định là họ làm việc với các cấp khác nhau về nội dung, về chương trình và về đối tượng của cơ quan kiểm định. (Xem mục các câu hỏi thường gặp về kiểm định để biết thêm). Thuật ngữ “kiểm định toàn quốc” không phải có ý nghĩa là tốt hơn hay tệ hơn “kiểm định vùng”. Đơn giản là chúng khác nhau, không so sánh được. Một điều rất quan trọng đối với người đi học là hiểu được sự khác nhau đó trước khi chọn trường cho mình. Những trường tư này hầu hết thiên về giảng dạy những điều rất cơ bản hoặc thiên về kỹ năng hơn là học thuật. Họ đi theo hướng "mì ăn liền" cung cấp cho người học 1 kỹ năng nào đó để xin việc làm. Do đó bằng cấp của họ kiểu như giấy chứng nhận, tức là học xong 1 khóa gì đó rồi chấm dứt chứ không có nghĩa được dùng để học tiếp lên nữa. Hồi xưa người ta gọi họ là trường dạy nghề (hoặc là trường kỹ nghệ). Họ chỉ cấp chứng chỉ hay giấy chứng nhận. Theo chỗ tôi biết thì chưa có học sinh nào nhờ cậy luật sư để đòi lại học phí với lý do họ đã không được hướng dẫn đầy đủ về việc kiểm định.

Vẽ kỹ thuật và kiến trúc là 2 nghề rất khác nhau. Những trường college đã được kiểm định vùng hoặc trường đại học xem ngành kiến trúc thuộc về 1 trường chuyên nằm trong 1 viện đại học. Thông thường phòng ghi danh yêu cầu đầu vào ngàh này cao hơn những khoa khác trong cùng trường đại học. Chỉ có 1 ít trường có “kiểm định toàn quốc” chấp nhận cho chuyển tiếp từ các trường ACICS, trong số đó có Uni of Phoenix, Kaplan Uni, Capella Uni – nhưng rất tiếc họ không có ngành kiến trúc [Để ý 3 trường liệt kê ở đây được chính phủ Mỹ liệt vào loại for-profit instituion - trường hoạt động vì lợi nhuận. Ở Mỹ trường vì lời nhuận LUÔN LUÔN bị xã hội đánh giá thấp hơn trường phi lợi nhuận]. Chỉ vài trường college hay đại học “kiểm định vùng” đồng ý cho bạn hợp thức hóa môn học tương đương thông qua quá trình xem xét hồ sơ và cho bạn tiếp tục học chương trình cử nhân của họ.

Theo tôi biết chắc là không có chương trình kiến trúc của trường nào chấp nhận việc này. Tôi nghĩ việc bạn có thể làm bây giờ là đăng ký thi kiểm tra CLEP càng nhiều càng tốt các môn mà bạn nghĩ bạn có đủ kiến thức (nhớ hỏi ông thầy tư vấn của trường mà bạn muốn học để biết đăng ký thi môn nào). [CLEP là viết tắt của College Level Examination Program – là chương trình cho phép bạn đăng ký thi 1 số môn mà không cần phải đăng ký học. Dĩ nhiên bạn phải đóng 1 số tiền mới được thi, thi đậu thì miễn học môn đó, còn rớt thì mất tiền ráng chịu]. Còn không thì bạn chỉ có cách học lại toàn bộ từ đầu ở 1 trường “kiểm định vùng”. Hoặc bạn có thể dùng kiến thức đã học AA của mình để kiếm việc ở công ty nào mà nó có chương trình hỗ trợ học phí cho nhân viên đi học. Khuyến cáo của tôi là LUÔN LUÔN lấy bằng cấp tại 1 trường cộng đồng được "kiểm định vùng" vì như vậy bạn sẽ tiếp tục học lên cử nhân dễ dàng hơn. Rất nhiều môn học ở các trường này được tăng tốc và giảm giá so với trường tư mà bạn đã học. Những lời khuyên đúng đắn bảo đảm cho bạn nên học những môn nào mà có thể chuyển tiếp lên các trường 4-năm để lấy cử nhân. Bảo đảm luôn!
Lưu ý: những chỗ trong ngoặc [] là giải thích của tôi (tức người dịch, Quang Minh) thêm vào.

------
Nói thêm của tôi, PA, chủ nhân blog này
Tôi vừa tìm thấy ở đây thông tin về việc VN đang xây dựng dự thảo luật bảo vệ người tiêu dùng. Tôi thấy đó là một việc làm hết sức cần thiết cho VN trong lúc này, khi chúng ta đã gia nhập WTO và mở cửa thị trường nước ta cho nước ngoài vào "bán hàng", trong đó có cả giáo dục - có lẽ phải nói, "nhất là giáo dục", vì nó là một ngành vô cùng quan trọng.

Tôi cũng đã tô đậm (bold) mấy câu trong phần dịch ở trên, để nhắc các bạn học viên những điều cần nhớ khi chọn trường. Và để nhắc rằng, với tư cách người tiêu dùng, các bạn có quyền đòi hỏi được cung cấp thông tin, được bảo vệ quyền lợi, hoặc ít nhất nếu chưa có luật lệ gì và các nhà cung cấp dịch vụ cũng thiếu trách nhiệm, thì các bạn nên dùng quyền lựa chọn của mình để họ sợ mà làm ăn cho đàng hoàng. Thì mọi việc mới tốt dần lên được.

Phải tự cứu mình thôi các bạn ơi! Tôi tin rằng nước Mỹ mạnh cũng là vì dân của họ biết đòi hỏi những quyền lợi của mình - quyền lợi chính đáng và được pháp luật bảo vệ. Nước mình tuy nghèo, lạc hậu và luật lệ có thể chưa đủ, nhưng hãy hiểu biết về luật lệ và đòi hỏi được áp dụng đầy đủ các luật hiện hành, thì có lẽ cũng đã làm cho xã hội tiến bộ lên nhiều lắm, các bạn nhỉ?

Monday, August 30, 2010

"Lời nói dối trắng trợn của giới đại học"?

Tựa entry này là tôi dịch cái tựa tiếng Anh "Higher Ed's Big Lie", tựa bài viết của tác giả Ann Larson đã đăng hồi tháng 6/2010 trên tờ báo viết về giáo dục đại học nổi tiếng của Mỹ, Inside Higher Education. Có thể tìm thấy và đọc bài viết ấy ở đây.

Một bài viết rất đáng đọc, và có tác dụng làm tỉnh cơn say (sobering effect) đối với bằng cấp, đặc biệt là bằng cấp nước ngoài, trong xã hội VN hiện nay.

Rất tình cờ, cách đây vài hôm tôi cũng đọc được một bài viết khác trên tờ báo mạng có tên là MercatorNet, mà thông điệp cũng tương tự như bài viết mà tôi đang giới thiệu tại entry này. Bài viết đó có cái tựa rất hay là The College Bubble, mà tôi đã dịch là "Bong bóng đại học".

Bong bóng đại học là cái gì? Đơn giản, đấy là cách nói theo kiểu "bong bóng địa ốc" trước đây, chỉ sự phát triển quá nóng và không có thật, nên sẽ nổ tung ra khi bị thổi phồng quá mức, giống như bong bóng xà phòng.

Chợt nhớ là từ bao năm nay, VN vẫn nói đến chuyện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông. Không phải ai cũng nên vào đại học, mà thật ra thì cũng chẳng có đủ chỗ để cho tất cả mọi người vào học. Nhưng không hiểu sao, mọi người vẫn cứ đổ xô vào đại học, dù là đại học ... bong bóng.

Tôi phải dừng ở đây, nhưng sẽ quay lại chủ đề này vì thực sự nó rất liên quan đến những vấn đề mà ngành giáo dục của VN đang phải đối mặt: nạn bằng giả, trường dỏm, chất lượng đào tạo thấp, và sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng không đáp ứng về năng lực.

Thật là quá nhiều vấn đề, đôi khi không còn biết nên bắt đầu từ đâu nữa, thật thế!
---
Nhân tiện, cũng xin giới thiệu bài này, rất đáng đọc, trên Tia Sáng:
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=3357

Nói về liên kết đào tạo SĐH ở VN, và những gì cần tránh.
---
Một bài khác, mới toanh, cũng rất đáng đọc:
But what about the students?. Nói về việc ngưng hợp đồng giữa các trường cao đẳng cộng đồng của Cali với Kaplan, một trường đại học tư, online.

Dường như Mỹ đang bắt đầu xem xét lại vai trò của for-profit higher education, các bạn ạ! Một chủ đề rất thú vị, và rất liên quan đến VN hiện nay.

"Chỉ làm những điều mình tin là đúng"

Đó là tựa của một bài phỏng vấn do báo DNSG thực hiện, người được phỏng vấn là tôi. Mà báo chí chỉ thích phỏng vấn tôi về vấn đề giáo dục - một chủ đề "màu mỡ", nhiều vấn đề để viết, để nói hiện nay.

Hôm nay, thấy bài đã được đưa lên Tuần Việt Nam, nên đưa link lên đây để ... khoe, và hy vọng là mọi người sẽ đọc, trao đổi, và tranh luận với tôi về những điểm tôi nói chưa đúng trong bài.

Và lưu lại đây bức tranh chân dung của tôi, mà tôi cho là khá giống (nhưng ... đẹp hơn tôi ở ngoài, vì là tranh mà!)

Một tuần làm việc mới đang chờ. Chỉ làm những gì mình tin là đúng thì đôi khi cũng mệt mỏi lắm các bạn ạ!

Các bạn đọc bài phỏng vấn ở đây.

Friday, August 27, 2010

Giáo dục VN, một cái nhìn cận cảnh - ý kiến của GS Phong Lê

Một người bạn cùng khóa với tôi, PGS TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ của trường ĐH KHXH-NV mới chuyển cho tôi bài viết của GS Phong Lê về giáo dục VN.

Một bài viết theo dạng nêu ý kiến, mà tôi đồng tình ở nhiều điểm. Bài này dài, nhìn toàn bộ nền giáo dục VN, đã (sẽ?) được đăng trên trang web của Khoa VH-NN của trường XH-NV. Còn trên blog này, tôi xin đăng lại phần ý kiến về giáo dục đại học của VN, phần có liên quan đến công việc của tôi và cũng là phần tôi có hiểu biết nhiều nhất và quan tâm nhất.

----
Tiếp tục cái nhìn cận cảnh cho bậc Đại học và sau Đại học sẽ càng thấy có lắm điều xót xa cho sự học. Mùa tuyển sinh, để đủ được số lượng sinh viên cần chọn, có trường Đại học đã hạ điểm chuẩn đến mức tối thiểu là... vài ba điểm cho ba môn thi; có trường nhận đến vài trăm thí sinh rớt ở các trường khác, qua một đường dây xuyên quốc gia khai tăng hàng chục điểm để có điểm chuẩn; thậm chí không cần hồ sơ mà chỉ cần một tờ... cam kết được Hiệu trưởng nhận là có thể nhập học. (Bây giờ gần như mỗi tỉnh trong cả nước đều có trường Đại học thì việc chiêu sinh, gạn cho đến đáy cũng chưa chắc đã đủ số).

Sau Đại học chính quy là sự mở rộng các hệ Đại học tại chức và từ xa. Dạy từ xa, với hệ thống thầy được mượn ở nhiều nơi; với sự cập kênh giữa giáo trình, người giảng, người ra đề thi, người chấm bài, học viên không biết lo liệu, đối phó bằng cách nào; thế nhưng cuối cùng thì tỷ lệ đỗ đạt vẫn cao, kết quả ấy làm sao có thể khác được!... Cao học (để có bằng Thạc sĩ) là một bậc đáng vị nể khi chưa có Tiến sĩ.

Nhưng quan sát bậc Cao học ở nhiều nơi tôi thấy chất lượng học và luận văn Thạc sĩ rất đáng buồn. Số lớn các chuyên đề đều do các Tiến sĩ ở cơ sở đào tạo giảng; có người giảng vài chuyên đề; sau giảng là hướng dẫn, mỗi Tiến sĩ mỗi khoá học được phép hướng dẫn 3 Thạc sĩ; chỉ vài năm mỗi Tiến sĩ - kể cả người vừa ra lò, có thể cho ra đời hàng chục Thạc sĩ. Bây giờ nếu làm một thống kê – tên đề tài luận văn (riêng khu vực Ngữ Văn) ở tất cả các cơ sở đào tạo trong cả nước, tôi tin là sự trùng lặp có thể lên đến dăm bảy mươi phần trăm!

Rồi đến bậc Tiến sĩ. Theo tôi quan sát, từ khi Bộ có chủ trương cho điểm Xuất sắc thì gần như hầu hết các luận án được bảo vệ đều có điểm Xuất sắc, nếu không phải là 100% thì cũng là 80-90%; trừ khi luận án quá yếu hoặc trong Hội đồng có mâu thuẫn với nhau, thì học trò đành phải chịu thiệt.

Việc gần đây Bộ Giáo dục - đào tạo chủ trương “tạm dừng tuyển sinh Tiến sĩ 101 chuyên ngành, kể từ 2010” cho nhiều trường Đại học lớn của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, do “chưa đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cán bộ khoa học, cần có thời gian để củng cố và bổ sung đội ngũ" đủ cho thấy sự so lệch giữa cái ta muốn, một cách duy ý chí với khả năng thực tế là khủng khiếp đến thế nào!

Cả chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư theo cái đà mong muốn ấy, cũng được “ăn theo” trên các tiêu chuẩn tôi cho là quá thấp. 6 điểm công trình, tức là 6 bài báo cho Phó Giáo sư ở khu vực Đại học và 10 điểm công trình ở các Viện nghiên cứu, tính cả quy đổi - thế mà cũng ít người đạt được. Không ít ứng viên phải nhặt nhạnh, vơ bèo vạt tép khắp nơi mới đủ được số lượng. Còn về chất lượng thì quả là một báo động bởi, qua dăm bảy bài góp nhặt lại thì sao mà hình dung nổi tư chất chuyên gia ở một người đã lọt vào hàng ngũ Giáo sư?

Một đánh giá của PGS.TS. Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học KHXH và NV TP. Hồ Chí Minh, trong một Hội thảo khoa học gần đây rất đáng cho ta giật mình: “Tôi xin lỗi tất cả để nói rằng: đào tạo KHXH & NV của chúng ta hiện nay là kém nhất trong lịch sử: thua giáo dục thời phong kiến, thời thực dân Pháp, thua miền Bắc và miền Nam trước 1975. Chúng ta không có nổi một trường Quốc tử giám danh giá bậc nhất Đông Nam Á, một trường Viễn Đông bác cổ mà người Nhật phải khâm phục như ông cha chúng ta đã tạo ra. Chúng ta không đào tạo nổi những Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, hay Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Bửu Cầm... về học vấn cũng như tư cách mà những nền giáo dục quá khứ đã tạo ra”.

Về phần tôi, với bài này, tôi muốn góp một tiếng nói đồng tình triệt để với nhận xét đó.

Bên chất lượng, điều quan trọng hơn, còn là mục tiêu. Nếu hiểu học để có tri thức, và tri thức đó phải được đưa vào đời sống, phải có ích cho đời sống; để khi rời học đường mỗi người đều có một nghề, vừa là để nuôi thân, vừa là có đóng góp cho cộng đồng lớn nhỏ, thì đó là câu chuyện hoang đường cho lớp lớp các thế hệ cử nhân ở ta lâu nay. Những điều tra xã hội học gần đây cho thấy tỷ lệ số sinh viên các ngành khoa học xã hội ra trường được sử dụng chỉ khoảng dăm phần trăm. Vậy thì số còn lại khoảng trên 90% vẫn cứ là thất nghiệp, hoặc đành phải chuyển nghề sau 5 năm đào tạo!

Dễ hiểu, “đầu ra” là thế thì “đầu vào” càng là một con số cũng chẳng vui gì. Một thông tin cho thấy: “Ngày 17-4-2010 cơ quan đại diện Bộ Giáo dục - đào tạo phía Nam hoàn tất việc nhận hồ sơ với khoảng 20.000 bộ hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó khoảng 60% - vào nhóm kinh tế. Khoảng 30% - kỹ thuật. Trong khi khối xã hội - nhân văn chỉ 5%”.

Bên cạnh cái học mà không hành được - nó gần như là hiện tượng phổ biến ở nước ta, khiến cho bậc Đại học được xem là Phổ thông cấp Bốn, và Cao học là Phổ thông cấp Năm, lại có cái học chỉ nhằm vào những mục tiêu khác. Chẳng hạn chỉ là để có danh, khi trong xã hội đang náo nức những cuộc đua theo các chức danh. Bởi đã có danh tất có phận. Và có phận rồi lại muốn thêm danh cho nó sang. Ai đó đang rất cần có một cái bằng cho sự đề bạt hoặc giữ vững một chức vụ, một cấp bậc nào đó mà thiếu tri thức, thiếu kiên nhẫn, hoặc thiếu thời gian theo đuổi thì bằng mọi cách, cái bằng đó phải được tạo ra, bằng xin xỏ, nhờ cậy hoặc... mua, dựa vào các mối quan hệ qua lại, hoặc vào một đường dây thi hộ, làm bài hộ, mua hộ.

Câu chuyện vị Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhận bằng Tiến sĩ chỉ sau 6 tháng “tu nghiệp” tại gia, và trước đó ông Giám đốc Sở văn hóa- thể thao- du lịch Phú Thọ được cấp bằng “Tiến sĩ Hoa Kỳ” mà không có một hột chữ tiếng Anh nào trong bụng không biết đã đủ cho một sự cười ra nước mắt cái tệ chạy theo hư danh bằng lừa dối. Thói tệ chạy theo bằng cấp, danh vị còn lọt đến những chỗ còn thâm nghiêm hơn. Tôi rất kính trọng những bậc lãnh đạo có tri thức, có học vấn; hoặc những người đã kinh qua nghề trí thức trước khi tham gia vào đời sống công quyền. Nhưng khi xuất thân không phải ở môi trường học vấn mà lại cố chạy thêm cho được cái hàm, vị khoa học kèm theo thì lại rất vô duyên.

Không biết đến bao giờ người ta mới biết xấu hổ vì những gì không là thực chất mà chỉ là hình thức; hơn thế, đây chỉ là một thứ hình thức phô trương theo kiểu vàng mã, trang kim.

----
Phần đăng ở trên là phần II của bài viết. Tựa đầy đủ của bài viết là MỘT CÁI NHÌN CẬN CẢNH VỀ HIỆN TRẠNG GIÁO DỤC BẬC PHỔ THÔNG VÀ ĐẠI HỌC CÙNG SAU ĐẠI HỌC) Ở XỨ TA…. Tác giả là GS Phong Lê. Ai quan tâm, có lẽ search tựa và tên tác giả thì sẽ tìm thấy toàn bài để đọc.

Mong nhận được ý kiến trao đổi của các bạn.

Monday, August 23, 2010

Thông báo tạm ngưng trao đổi về UBI

Chào tất cả các bạn,

Trong thời gian qua, đã có những thông tin và dư luận về UBI và các chương trình liên kết giữa UBI tại VN, bắt nguồn từ một bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn.

Với tư cách một người nghiên cứu có quan tâm đến những vấn đề giáo dục của VN, tôi đã đưa những thông tin mà tôi thu thập được lên trên blog này để nhận được những chia sẻ, trao đổi, và đóng góp của bạn bè trong và ngoài nước. Có những người tôi quen biết, có những người tôi chỉ biết dưới một cái nick, và cũng có những người hoàn toàn ẩn danh.

Những trao đổi cho đến nay đã giúp tôi thu thập được khá nhiều thông tin hoặc chỉ dẫn tôi đến những nguồn thông tin khác hữu ích cho việc hiểu rõ vấn đề. Cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau, có những người đồng ý và những người không đồng ý với tôi. Tất cả những ý kiến đa dạng đó đã giúp tôi hiểu rõ hơn về thực trạng của việc liên kết giữa UBI và các đơn vị có liên kết với UBI tại VN, trong đó có cả một trường thành viên tại ĐHQG-HCM.

Đến nay, tôi thấy thông tin cũng tạm rõ để tôi có thể đi đến một kết luận tạm thời về vấn đề này. Ngoài ra, tôi cũng đã nhận được thông tin là UBI đã có phản hồi với các sinh viên và cựu sinh viên của mình. Vì vậy, với tư cách là một người đang làm việc tại ĐHQG-HCM, tôi tự thấy bây giờ không nên có thêm những trao đổi ngược xuôi về UBI trên blog này nữa vì sẽ làm mọi việc rối rắm không cần thiết.

Vì vậy, tôi xin thông báo là bắt đầu từ khi tôi gửi thông báo này, tôi sẽ tạm ngưng những trao đổi về UBI, cho đến khi có những thông tin chính thức từ phía ĐHQG-HCM và UBI cung cấp đến công chúng.

Trong thời gian chờ đợi thông tin chính thức, tôi cũng sẽ tạm rút xuống các bài tôi đã viết về UBI trên blog này, và sẽ đặt chế độ kiểm duyệt nhận xét trên blog, cho đến khi mọi việc đã được quyết định xong.

Rất cám ơn tất cả các bạn đã tham gia trao đổi và cung cấp thông tin trong thời gian qua để giúp tôi và mọi người nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau, và hiểu rõ vấn đề hơn.

Mong mọi người hiểu và tiếp tục ủng hộ diễn đàn phi chính thức này của tôi. Những vấn đề khác - ngoài UBI, hiện đang trong giai đoạn làm rõ - tôi vẫn sẽ tiếp tục đưa lên trên blog và mong nhận những trao đổi, góp ý của các bạn.

Saturday, August 21, 2010

NetAcademy là ai?

Entry này tôi bắt đầu từ ngày 21/8, đang viết dở dang, nhưng bận công việc nên gác lại. Nay viết tiếp, vì có người lại hỏi đến nó.
---
Có một số bạn bè, đồng nghiệp, và người thân gọi điện và hỏi thăm tôi về NetAcademy, một công ty cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến ở Mã Lai.

Họ hỏi, không phải vì họ quan tâm gì đến cái "academy" của anh bạn láng giềng Mã Lai này, mà chỉ vì họ thấy quảng cáo khắp nơi ở VN về việc học các chương trình đào tạo QTKD ở mọi trình độ, BBA, MBA, và DBA cấp bằng của UBI thông qua công nghệ của NetAcademy mà thôi.

Nên lại phải bỏ thời gian ra tìm hiểu nhanh và đưa lên đây để ai quan tâm thì lên đây đọc, cho tiện. Để tôi khỏi mất công nói đi nói lại nhiều lần! (Thời giờ là tiền bạc mà!);-)

Trước hết, để trả lời câu hỏi có phải NetAcademy đã nói dối mọi người khi nói rằng họ có quan hệ với UBI hay không, xin trả lời rằng, quan hệ này là có thật. Giữa NetAcademy và UBI rõ ràng có một mối quan hệ hợp tác đúng như quảng cáo đã nêu: UBI cung cấp nội dung và cấp bằng, NetAcademy cung cấp công nghệ dạy online, và một đối tác thứ ba sẽ làm nhiệm vụ quảng cáo, tuyển sinh, thu phí, cung cấp địa điểm học (qua mạng), quản lý sinh viên, và làm đầu mối liên lạc giữa học viên và 2 đối tác còn lại.

Website của NetAcademy ở đây: http://www.netacademy.com.my

Vậy NetAcademy là ai? Thưa, là một công ty tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến (online) đến người học ở khắp nơi trên thế giới. Đã là trực tuyến, thì người học có thể ở bất cứ nơi đâu. Nhưng thông thường, những công ty như thế này không có tên tuổi gì, nên muốn "bán hàng" ra nước ngoài thì họ cần phải có một đối tác ở địa phương. Đối tác này sẽ làm những việc mà tôi có nhắc đến ở trên: tuyển sinh, thu phí, cung cấp địa điểm học vv. Và quan trọng hơn hết, là nó tạo ra sự tin tưởng thông qua những giao tiếp trực tiếp giữa người học tiềm năng và người đại diện cho nơi cung cấp dịch vụ.

Học trực tuyến với những công ty như NetAcademy có tốt không? Xin thưa, đối với những "dịch vụ đào tạo trực tuyến" như vậy, việc dạy có tốt hay gần như không phụ thuộc ở nơi cung cấp nội dung và văn bằng, chứng chỉ, mà ở nỗ lực của từng người học và sự chia sẻ của các nhóm học viên với nhau. Nói cách khác, chất lượng của những nơi này không được đảm bảo, vì chất lượng của người tốt nghiệp là rất khác nhau nhưng vẫn được cấp bằng như nhau.

Không đảm bảo chất lượng, vậy có thể gọi là "đồ dỏm" không, và có nên cấm hay không? Đến đây, câu trả lời trở nên khá khó khăn đối với tôi. Vì giáo dục hiện nay đã được công nhận là một loại dịch vụ. Và nó có nhiều đối tượng phục vụ khác nhau. Nếu chỉ bán toàn đồ xịn, đắt tiền, vv thì sẽ có rất ít người có thể tiếp cận. Như vậy, chất lượng ở đây không phải chỉ là "có" hay là "không có", mà nó là một dải khá rộng ở nhiều cấp độ khác nhau.

Viết đến đây thì mệt quá, hết ý. Thôi thì cứ đưa lên đây để mong mọi người có ý kiến nhé. Tôi sẽ quay lại chủ đề này sau.

Thursday, August 19, 2010

MBA của UBI được WES thẩm định như thế nào, và WES là ai?

Tôi vừa nhận được link do bạn Lê cung cấp trong một comment cho entry mới đây của tôi. Link này dẫn đến bài viết nói lên kinh nghiệm và tâm sự của một bạn cựu học viên UBI, nay sang Mỹ xin học tiếp, và đã được yêu cầu gửi bằng MBA của mình sang cho WES thẩm định. Một bài viết rất hay, người thật việc thật, rất đáng đọc. Ở đây: http://nhimxu2311.multiply.com/journal/item/42/42.

Do mọi người đang rất quan tâm đến UBI, nên tôi nghĩ cũng cần tóm tắt nhanh kết quả thẩm định MBA của UBI do WES cung cấp cho mọi người nắm. Nói ngắn gọn, bằng MBA của UBI sang Mỹ hoàn toàn không được thừa nhận.

Thực ra, WES cũng ghi nhận là có học, nhưng tương đương với việc học ở một trường KHÔNG CÓ REGIONAL ACCREDITATION, trong khi bằng cử nhân của VN cấp thì được xem là tương đương với bằng cử nhân của một trường đại học Mỹ có regional accreditation.

Trích lại nguyên văn lời của tác giả mẩu tâm sự nói trên:
Tóm tắt đánh giá của WES về bằng cấp của em như sau: Two bachelor's degrees from a regionally accredited instituition and one year of post-secondary study at an institution that does not have regional accreditation.

[N]hìn vào phần đánh giá này cả nhà cũng thấy là tổng cộng chương trình UBI mình học là 45 credits, thì chỉ được WES đánh giá 30 credits thôi và U.S equivalency không phải là bằng MBA mà là one-year of post-secondary study. Trong khi hai trường đại học ở VN em theo học là Trường ĐH KHXH &NV Tp.HCM & trường ĐH Ngoại Thương thì được công nhận U.S Equivalency là Bachelor's Degrees.


Như vậy, có thể kết luận về vụ UBI có phải là trường dỏm hay không được chưa, hở các bạn? Dưới đây là ý kiến của tôi:

- Nếu xem việc học MBA với UBI là bồi dưỡng, bổ túc kiến thức và kinh nghiệm thực tế cho những người đang/sẽ làm công tác quản trị, thì nó (có lẽ) là một chương trình tốt, như đánh giá của những cựu học viên MBA của UBI.

- Nhưng nếu xét về khả năng được công nhận bằng cấp trong hệ thống hàn lâm, thì nó hoàn toàn vô nghĩa trong hệ thống hàn lâm của Mỹ.

Với kết quả thẩm định như WES đã nêu bằng ngôn ngữ hơi chuyên nghiệp, tôi xin "dịch ra" ngôn ngữ bình dân như sau: "WES thừa nhận người có tấm bằng này có đi học ở một cái trường nào đó mà chất lượng chưa ai biết cả (vì không phải là trường "chuẩn" = có regional accreditation) trong một khoảng thời gian tương đương với 30 tín chỉ của Mỹ".

Chấm hết!

Nói cách khác, không thể xem bằng MBA của UBI là một giấy chứng nhận đáng tin cậy về những năng lực tối thiểu tương đương với một chương trình MBA chuẩn ("chuẩn" không có nghĩa là xuất sắc, mà chỉ có nghĩa là đảm bảo không tệ hơn những yêu cầu chính đáng) của quốc tế. Hay nói theo văn phong chính trị, MBA của UBI không phải là một giấy chứng nhận về "nhân thân khoa học" của người cầm tấm bằng đó.

Điều tôi mới nói trên cũng phù hợp với một bài viết của một cựu học viên UBI trong trang mạng topMBA, trong đó có nêu (hình như thế) nhận xét của "GS" TTNT rằng người tốt nghiệp UBI ra có thể bay cao mà cũng có thể sè sè ngọn cỏ!

Nên nếu có ai nói UBI là trường dỏm, và bằng của UBI là bằng dỏm (nói chung, chứ còn xét riêng thì có thể có người này người khác), như GS NVT đã nói, có lẽ cũng không oan lắm. Vì cái giá trị mà nó hứa mang lại cho người học (tức được công nhận là có trình độ của một MBA chuẩn) đã không được đáp ứng.

VN cần làm gì? Tôi nghĩ, vì UBI hoạt động đã lâu ở VN, và đã cấp bằng cho nhiều người, thì để giải quyết cái "scandal" tiềm ẩn hiện nay, không nên "im như thóc" như chúng ta đang làm, mà chỉ cần lập hội đồng thẩm định ở một cấp nào đó (vd: cấp ĐHQG, hay cấp ... nhà nước) rồi đưa ra một quy định về sự tương đương của các văn bằng do UBI cấp tại VN, là xong!

Với kết quả thẩm định của WES, tôi đề nghị VN công nhận bằng MBA của UBI tối đa là tương đương với Graduate Diploma in Business Administration theo hệ thống của Úc. Tất nhiên để được công nhận phải làm thủ tục xin công nhận, có hội đồng thẩm định đàng hoàng.

Tôi còn cần viết thêm về WES, nhưng phải đi làm, nên tạm dừng và sẽ quay lại sau nhé. Và mong các bạn trao đổi thêm.
---
Cập nhật ngày 21/8/2010

Tôi có nhận được thư của một bạn đọc của blog này, hỏi tại sao WES chỉ thừa nhận UBI-MBA tương đương với 1 năm (30 tín chỉ) sau trung học, mà tôi lại đề nghị công nhận UBI-MBA là tương đương với Graduate Diploma in Business Administration? Bởi vì Grad Dip, như tên gọi của nó, một văn bằng SAU ĐẠI HỌC, chứ không phải là sau trung học = đại học? Đây cũng là thắc mắc của bạn Kotaru Wu (không nhớ rõ tên) trong một comment dưới đây.

Vì thấy rằng đây là vấn đề cần trao đổi thêm nên tôi chép lên đây và biên tập, bổ sung lại câu trả lời của tôi đã gửi cho bạn ấy để mọi người cùng đọc và thảo luận.

Thẩm định của WES và Grad Dip: Đúng như em nói, ở SEAMEO có tổ chức đào tạo Grad Dip chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh. WES có thể không hiểu nhiều về MBA của UBI-VN nên họ thận trọng xác nhận như thế: 30 tín chỉ của 1 trường không kiểm định, sau trung học (chứ không nói tương đương năm thứ mấy).

Còn tôi thì tôi nghĩ nó tương đương với Grad Dip của Úc vì (a) đầu vào đòi hỏi đã tốt nghiệp ĐH; (b) kết thúc môn học phải làm essay, project và đòi hỏi phải vận dụng kiến thức đã học được cùng tư duy phê phán, sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, hợp tác vv để giải quyết những vấn đề mới được đặt ra trong công việc và cuộc sống.

Như vậy yêu cầu này tương đương trình độ sau đại học, nhưng mang tính nghề, và không đòi hỏi nghiên cứu hàn lâm và sáng tạo ra tri thức mới.

Tôi thấy cái bằng Grad Dip của Úc này rất hay, nó cho phép người ta sau khi học một cái bằng cử nhân về khoa học cơ bản (ví dụ, sinh, hóa, toán, lý vv) có thể học thêm một cái bằng nghề sau đại học để tham gia một ngành nghề nào đó, vd: giảng dạy tiếng Anh phải học Grad Dip về TESOL sau khi có bằng cử nhân ngữ văn anh; điều dưỡng phải học ngành Grad Dip về nursing sau khi có bằng đại học những ngành liên quan, thường là sinh hoặc hóa, ví dụ thế.

Khi đối chiếu với ý kiến của bạn Đại trong những comment dưới đây, cùng những nghiên cứu cá nhân, tôi càng tin rằng Grad Dip của hệ thống Úc rất giống Thạc sĩ chuyên nghiệp (không phải Thạc sĩ hàn lâm) của hệ thống châu Âu mà UBI là một ví dụ.

Nói thêm: Thạc sĩ chuyên nghiệp, hoặc rõ hơn là Grad Dip của Úc, không được xem là đầu vào đủ để học tiếp. Ở Úc, Grad Dip tương đương với năm đầu của Cao học. Có Grad Dip, phải học tiếp 1 năm Cao học, trong đó có làm minor thesis khoảng 15 đến 20 ngàn từ, rồi mới được công nhận thạc sĩ để đủ đầu vào Tiến sĩ.


Các bạn đọc rồi trao đổi thêm nhé!

Tuesday, August 17, 2010

Cảm nhận nhanh về kết quả xếp hạng đại học của Giao thông Thượng Hải 2010

Hình chụp màn hình 10 trường hàng đầu 2010 theo SJTU: thấy toàn là cờ Mỹ!!!!
Nóng hổi, mới ra lò hôm Chủ nhật 15/8.

Vài cảm nhận nhanh:

- Mỹ (tư bản giãy chết) vẫn chiếm địa vị độc tôn, với 8/10 chỗ trong top 10, đứng đầu là Havard với điểm tuyệt đối 100/100 cho tất cả các tiêu chí! 2 trường còn lại (damn it) là người anh em của Mỹ, UK, với Cambridge và Oxford ở vị trí 5 và 10. Chưa hết, trong 100 vị trí hàng đầu, cũng có đến 54 trường Mỹ!

- Sau Mỹ, thì trung tâm trí tuệ của nhân loại vẫn là Châu Âu, vì trong 100 vị trí đầu bảng chỉ thấy loáng thoáng có vài trường châu Á, chủ yếu là Nhật, và 1 trường của Úc (mà Úc thì cũng bà con với Anh, Mỹ mà thôi, mặc dù nó nằm ở châu Á!).

- Trung Quốc cũng đã có một số trường lọt vào top 200, đó là (of course) Thanh Hoa và Bắc Kinh. Ngoài ra, các trường châu Á (không kể Nhật và Úc) lọt vào top 200 còn có NTU của Đài Loan (National Taiwan University, xin đừng nhầm với NTU của Singapore) và một trường của Hongkong. Nếu tính Hongkong cũng thuộc TQ (mặc dù thể chế khác, một quốc gia hai chế độ mà) thì TQ có 3 trường thuộc top 200.

- Còn VN? Bao giờ có trong top 200? Câu trả lời của tôi: hãy đối sánh với TQ, thực vậy. Hãy xem nhà nước TQ đã làm gì cho giáo dục đại học của họ trong thời gian qua. Bao nhiêu tiền và thời gian đã được đổ ra để đầu tư vào đấy, xuất phát điểm của các trường là ở nơi nào so với VN, và quan trọng hơn hết, là những cải tổ trong cách quản lý, và cả triết lý giáo dục của họ nữa.

Không những thế, còn phải xem xét cả những đổi mới và cởi mở về thể chế chính trị của TQ. Một điều có thể tóm tắt nhanh: trong thời gian qua, mọi đổi mới thành công của TQ đều đi theo hướng dân chủ hóa, phát huy sức mạnh của xã hội dân sự, và phi chính trị hóa các trường đại học. Hiện nay thậm chí họ đang bàn đến việc xóa bỏ vị trí công chức/quan chức trong hệ thống chính trị của các hiệu trưởng đại học.

Hãy đọc, và suy nghĩ, và chia sẻ cảm nhận của mình ở đây, các bạn nhé. Tìm ở đây này: http://www.arwu.org/. Xin báo trước: trang web của họ đang terribly busy!!!! Khó vào lắm.

Còn dưới đây là Press Release chính thức của họ, ai không vào được thì đọc tạm nhé!
-----------------------------------------------------------
Sunday, August 15, 2010

Shanghai, People's Republic of China

The 2010 Academic Ranking of World Universities (ARWU) is released today by the Center for World-Class Universities of Shanghai Jiao Tong University. Starting from 2003, ARWU has been presenting the world top 500 universities annually based on a set of objective indicators and third-party data. ARWU has been recognized as the precursor of global university rankings and one of the most influential lists.

US still dominates 2010 list with 8 universities in the top 10 and 54 universities in the top 100. Harvard University remains the No. 1 in the world for the eighth year, followed by Berkeley and Stanford. MIT, Caltech, Princeton, Columbia, Chicago also appear in top 10 as in 2009.

The best ranked UK universities are Cambridge (5th) and Oxford (10th), other well placed European universities include: ETH Zurich (23rd) and University of Zurich (51st) in Switzerland, Paris 6 (39th) and Paris 11 (45th) in France, Copenhagen (40th) and Aarhus (98th) in Denmark, Karolinska (42nd) and Uppsala (66th) in Sweden, Utrecht (50th) and Leiden (70th) in Netherlands, Munich (52nd) and TU Munich (56th) in Germany, Helsinki (72nd) in Finland, Moscow (74th) in Russia, Oslo (75th) in Norway, and Ghent (90th) in Belgium.

106 universities from Asia-Pacific region are ranked among top 500 in 2010, among them the leaders are: Tokyo (20th) and Kyoto (24th) in Japan, ANU (59th) and Melbourne (62nd) in Australia, and Hebrew University of Jerusalem (72nd) in Israel. While the ranking methodology has been kept the same, the number of top 500 Chinese universities reaches 34 in 2010, which is more than doubled of that in 2004 (16), with National Taiwan University, Peking, Tsinghua, and Chinese University of Hong Kong ranked among top 200. Universities in Middle East countries are making significant progress, King Saud University and King Fahd University of Petroleum & Minerals of Saudi Arabia first enters into top 400 and top 500 respectively, Istanbul University in Turkey and University of Teheran in Iran are very close to top 400.

Besides the overall ranking, the 2010 Academic Ranking of World Universities by Broad Subject Fields (ARWU-FIELD) and 2010 Academic Ranking of World Universities by Subject Field (ARWU-SUBJECT) are also published. These rankings list the world top 100 universities in five broad subject fields and in five selected subject fields, where the top 3 universities are:

Natural Sciences and Mathematics – Harvard, Berkeley and Cambridge
Engineering/Technology and Computer Sciences – MIT, Stanford and Berkeley
Life and Agriculture Sciences – Harvard, UC San Francisco and MIT
Clinical Medicine and Pharmacy – Harvard, UC San Francisco and John Hopkins
Social Sciences – Harvard, Chicago and Stanford
Mathematics – Princeton, Berkeley and Harvard
Physics – Harvard, MIT and Caltech
Chemistry – Berkeley, Harvard and Cambridge
Computer Science – Stanford, MIT and Berkeley
Economics / Business – Harvard, Chicago and MIT
The complete lists and detailed methodology can be found at the Academic Ranking of World Universities website at http://www.arwu.org/.

Center for World-Class Universities of Shanghai Jiao Tong University (CWCU): CWCU has been focusing on the study of world-class universities for many years, published the first Chinese-language book titled world-class universities and co-published the first English book titled world-class universities with European Centre for Higher Education of UNESCO. CWCU initiated the "First International Conference on World-Class Universities" (WCU-1) in 2005 and organizes the conference every second year, which attracts a large number of participants from all major countries. CWCU endeavors to build databases of major research universities in the world and clearinghouse of literature on world-class universities, and provide consultation for governments and universities.

Contact: Dr. Ying CHENG ranking@sjtu.edu.cn

Monday, August 16, 2010

Không tin được dù đó là sự thật!

Cái gì không tin được? Đây này: Làm công văn giả để bịt bằng giả.

Sáng ra, đọc thấy tin này nên tôi phải đưa lên đây ngay lập tức để ... cho mọi người biết, cho đỡ tức. Và thấy rằng, nếu ta như thế này, thì làm sao trách được bọn tư bản đế quốc mang trường giả/dỏm, bằng giả/dỏm, kiểm định dỏm vào VN để làm ăn nhộn nhịp suốt bấy lâu nay?

Có lẽ, thay vì viết "Tại sao nước Mỹ là lò bằng giả quốc tế", tôi nên viết: "Tại sao VN là thị trường béo bở cho các lò bằng giả quốc tế" thì mới đúng hiện trạng hơn, nhỉ?

Buồn thế! Chợt nhớ Tú Xương: "Cái học ngày nay đã hỏng rồi!"
---
Cập nhật lúc 9 giờ sáng cùng ngày
Có bạn nói với tôi là link tôi đưa vào không được. Nhưng tôi lại vào được? Thật khó chịu. Thôi thì tôi chép về đây cho mọi người đọc vậy. Bài đã đăng trên Tiền Phong online ngày 14/8/2010.
---
Làm công văn giả để bịt bằng giả

TP - Không chỉ là chuyện bằng giả. Một số cán bộ đã đi xa hơn, mạo dựng công văn xác minh bịt đi chuyện bằng giả khi bị phát hiện.

Có người còn mạo dựng cả “bản tường trình”, kể lại chuyện mình làm việc với cán bộ xác minh ra sao, hòng gian dối đến cùng. Nhiều công chức sử dụng bằng giả, khi bước đầu bị phát hiện, bèn… làm giả cả công văn xác minh để đối phó với cơ quan quản lý.

Bằng giả, công văn cũng giả

Ngày 29-3-2010, Ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên (An Giang) có công văn kính gửi Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, nội dung: “Kính đề nghị Phòng Khảo thí Sở GD-ĐT TP Cần Thơ giúp đỡ xác minh việc cấp bằng tốt nghiệp trung học, hệ bổ túc đối với cán bộ Lâm Thanh Tùng”. Kèm theo là bản sao bằng tốt nghiệp THBT ghi: Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cấp cho ông Lâm Thanh Tùng; sinh ngày 9-10-1970; nơi sinh Tịnh Biên, An Giang; học sinh Trung tâm GDTX Bình Thủy, trúng tuyển kỳ thi ngày 18-8-2007 tại hội đồng thi Tiểu học Trần Quốc Toản.

Ngày 5-4-2010, Trưởng phòng Khảo thí Nguyễn Thị Thuận, thừa lệnh Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, ký công văn trả lời Ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên, khẳng định: Bằng tốt nghiệp của ông Tùng là giả, vì “khóa thi ngày 18-8-2007 tại TP Cần Thơ không có hội đồng thi Tiểu học Trần Quốc Toản” và ông Tùng “không có tên trong danh sách dự thi và tốt nghiệp trung học hệ bổ túc, và không được cấp bằng tốt nghiệp”.

Thế nhưng, ở Ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên lại xuất hiện công văn của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ với nội dung khác hẳn: Bằng tốt nghiệp của ông Tùng là thật. Tương tự ông Tùng là trường hợp ông Lê Văn Hiếu, sinh ngày 20-6-1971, sử dụng bằng giả nhưng khi bị phát hiện lại “tòi” ra công văn khẳng định đó là thật.

Do dư luận xôn xao, ngày 21-6-2010, Ban tổ chức Huyện ủy Tịnh Biên có công văn và cử cán bộ trực tiếp đến làm việc với Sở GĐ-ĐT TP Cần Thơ. Sự thật sáng tỏ: Cái công văn xác nhận bằng tốt nghiệp của ông Tùng và ông Hiếu là thật, hóa ra là công văn giả, từ chữ ký đến con dấu.

“Tường trình” cũng giả nốt!

Bà Nguyễn Thị Thuận, Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết, có công chức bảo vệ cái... bằng giả của mình đến cùng. Điển hình là trường hợp ông Hà Hữu Hiểu, sinh ngày 3-10-1963, theo tự giới thiệu là “xã đội trưởng xã Thạnh Thới An, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng”.

Khi tỉnh Sóc Trăng đề nghị xác minh 10 bằng và giấy chứng nhận tạm thời tốt nghiệp trung học hệ bổ túc, trong đó có bằng của ông Hà Hữu Hiểu, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ có công văn trả lời, tất cả là giả. Hơn 2 tháng sau, ông Hiểu bỗng trình ra “Giấy xác nhận” có chữ ký của bà Thuận, đóng dấu Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho rằng “Bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc của Hà Hữu Hiểu do Sở GD-ĐT Cần Thơ cấp là thật”.

Ông Hiểu còn kèm theo “Tờ tường trình” viết tay, kể về cuộc gặp giữa ông với bà Thuận: “Cô Thuận hỏi anh tên gì, năm sinh mấy, ở đâu. Em trả lời Hà Hữu Hiểu, sinh năm 1960 là đúng, ở Sóc Trăng. Cô Thuận kêu anh ngồi đó chờ tôi một chút. Lúc đó thấy cô đi vô rồi xem giấy tờ hồ sơ, và ký tên đóng dấu tờ xác nhận, đưa cho tôi”. Cuối tờ tường trình, ông Hiểu cam kết: “Lời khai trên là đúng sự thật, nếu khai gian tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Được xem “Giấy xác nhận” và “Tờ tường trình” trên, bà Thuận khẳng định: Chữ ký của bà và con dấu của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ là giả; bà chưa hề gặp ông Hiểu và có những hành vi như ông Hiểu tường trình. Nguyên tắc xác minh bằng cấp, theo bà Thuận, chuyên viên kiểm tra hồ sơ, viết văn bản, trình bà ký và đi đóng dấu, “bản thân tôi không trực tiếp đi đóng dấu”.

Bà Thuận cho biết thêm, thời gian qua xác minh rất nhiều văn bằng tốt nghiệp trung học hệ bổ túc và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời do tỉnh Sóc Trăng đưa lên, kết quả “số lượng giả mạo là 90%”. Còn bao nhiêu công chức sử dụng bằng giả đã làm giả công văn để bịt đi, thì bà không biết.

Xin chậm lại sau đại hội Đảng (?!)

Bà Nguyễn Thị Thuận, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, nói với PV Tiền Phong: “Có người khi biết vừa có công văn xác minh bằng cấp gửi đi đã điện thoại đến cơ quan gặp tôi, đặt “điều kiện nọ kia” nhưng tôi kiên quyết từ chối thì lại đề nghị tôi gửi công văn xác minh chậm lại, sau khi địa phương đã đại hội Đảng xong”.

Bà có thấy cần châm chước cho họ không?

Không. Chúng tôi xác minh và trả lời theo đúng quy định. Tôi cũng không hiểu, nhiều công chức còn trẻ mà sao không chịu học để tốt nghiệp trung học hệ bổ túc đâu có khó khăn gì ghê gớm lắm, mà lại tìm con đường gian dối như vậy.

Công văn đề nghị xác minh vừa gửi đi thì người bị xác minh đã biết để xin xỏ nọ kia; công văn xác minh gửi lại, người bị xác minh cũng biết để làm giả, bắt chước chữ ký lẫn con dấu?

Tôi ngạc nhiên lắm, nên biết bằng cấp giả rất nhiều mà không biết bao nhiêu trong số đó đã bị tráo công văn xác minh để trở thành bằng thật.

Sáu Nghệ

Sunday, August 15, 2010

Xếp hạng các bảng xếp hạng chương trình MBA

Bạn biết bao nhiêu bảng xếp hạng các chương trình MBA? Không biết bất cứ cái nào ư? Thật kém! Có biết ư? Tốt, vậy có nhiêu bảng nhỉ, và quan trọng hơn nữa, là nên tin theo bảng nào? Hừm, rắc rối thật.

Nhưng bạn đừng quá buồn. Không riêng gì bạn, mà rất nhiều người khác, kể cả những bạn đọc ở các nước phương tây cũng không biết. Nhưng bạn cũng không phải lo: giờ đây, câu trả lời cho câu hỏi trên đã có người đưa ra rồi.

Đúng sai, xin tạm miễn bàn. Dù gì thì cũng phải có một bước khởi đầu chứ nhỉ? Vậy thì đây: Ranking the MBA rankings. Ở đây.

Các bạn hãy đọc nhé. Tôi cũng chỉ mới đọc lướt. Chưa có nhiều thời gian, nên tạm ghi lại đây cái đã. Sẽ quay trở lại đọc kỹ hơn, và bình luận chút xíu, để có cái trao đổi với mọi người, cho vui. Và hy vọng nó cũng cung cấp chút thông tin ít nhiều chính xác, một điều đang rất cần cho giáo dục VN thời hội nhập này.

Enjoy!

Saturday, August 14, 2010

Cơ cấu thu của trường đại học Mỹ


Tôi đang quan tâm đến một số chỉ số hoạt động (Performance Indicators) của các trường đại học, vì nó cho phép rút ra những kết luận mang tính so sánh về hiệu quả giữa các trường đại học với nhau.

Và tìm được bài này, rất hay, nên phải đưa lên đây để lưu, và chia sẻ với mọi người. Tựa bài viết là "To license or to certify in HEIs: That is (still) the question" của Karsten Mause viết năm 2007. Phần tôi mới nhắc tới nằm ở trang 14 của tài liệu, có tựa là Table 1 - Revenues of public and private degree-granting institutions, by source of funds (2000-2001). Nguồn số liệu do Bộ GD Mỹ cung cấp năm 2006.

Xin tóm tắt một số điểm ở đây:

1. Học phí: 18% ở trường công, 38% ở trường tư phi lợi nhuận, và trên 87% ở trường tư vì lợi nhuận.

2. Nhà nước liên bang: 11% (công), trên 16% (tư phi lợi nhuận), gần 4% (tư vì lợi nhuận).

3. Nhà nước tiểu bang và địa phương: gần 40% (công), khoảng 2% cho 2 loại trường sau.

4. Hiến tặng và hợp đồng: 5% (công), trên 19% (tư phi lợi nhuận), không đáng kể (tư vì lợi nhuận).

5. Các dịch vụ có thu của trường: trên 9% (công), trên 10% (tư phi lợi nhuận), 3.5% (tư vì lợi nhuận).

6. Bệnh viện: 9.5% (công), 8.7% (tư phi lợi nhuận), không có (tư vì lợi nhuận).

Theo như tôi biết, hiện nay ở VN thì kinh phí của các trường công chủ yếu là do ngân sách nhà nước (xấp xỉ 50%), còn lại là học phí (khoảng gần 50% còn lại), những thu khác là không đáng kể.

Ghi lại đây để làm tư liệu, và mong mọi người chia sẻ thêm thông tin, kinh nghiệm.

Giám đốc chương trình UBI tại Việt Nam (presumably) nói gì?


Hôm nay ngày nghỉ, tôi lang thang trên mạng tìm hiểu thêm về các CTLK, vì gần đây mới nổ ra nhiều vụ ... đáng ngờ, trong đó có cả UBI là một chương trình mà tôi có nghe về khá nhiều và thậm chí có khi còn ... định theo học, hoặc cho con trai theo học.

Nói như thế để nói rằng tôi không có thành kiến xấu gì với UBI, mà chỉ muốn tìm hiểu một cách khách quan xem UBI thật ra là gì? Tốt, xấu, không tốt không xấu, trung thực hay không trung thực, và "danh tiếng" của nó tại VN có thực sự phản ánh đúng chất lượng và giá trị của nó hay không.

Nói đi, thì cũng phải nói lại. Tuy đã từng có ấn tượng khá tốt (nhưng không có cơ sở khoa học, mà chủ yếu vì sự tồn tại lâu dài của UBI tại VN, và những lời ... ca ngợi về chương trình này do chính những người đã và đang học ở đây đưa ra), nhưng tôi cũng bắt đầu nghi ngờ và cảnh giác với UBI sau một số diễn biến gần đây, dặc biệt thông qua việc UBI hợp tác với NetAcademy để đào tạo MBA, DBA vv qua mạng. Về diều này, tôi đã nói trong các entry trước có liên quan đến UBI.

Sự nghi ngại của tôi tăng lên nhiều khi có bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn, vì thế tôi đã tự mình tìm hiểu qua mạng. Các thông tin tôi có được không những không làm tôi giảm sự nghi ngại, mà lại càng làm cho sự nghi ngại này tăng lên. Tôi cũng đã viết những điều mình tìm thấy trong 2 entries cũ về UBI.

Một điều mà tôi thắc mắc, và cũng là thắc mắc của một bạn đọc blog này nêu trong comment của bạn ấy, là tại sao GS TTNT không thấy lên tiếng? Ừ, quả thật thế. Nếu UBI là một trường tốt, danh tiếng, "MBA hàng đầu châu Âu" như quảng cáo của chính họ, thì bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn hẳn phải là một sự bôi nhọ và xúc phạm. Phải lên tiếng chứ, vì nếu không thì các học viên và đối tác của họ sẽ hoang mang, mà bổn phận của người cung cấp dịch vụ là UBI phải có trách nhiệm giải thích. Nhưng không, chỉ là một sự im lặng khó hiểu.

Nay thì tôi tìm thấy bài viết này ký tên GS TTNT đăng trên mạng đúng ngày hôm nay, 14/8/2010. Đọc sơ qua (tôi chưa đọc kỹ), có cảm tưởng ... có khá nhiều chi tiết chưa chính xác, đôi khi có hơi hướng ... ngụy biện thì phải?

Nên chép nguyên văn đưa lên đây, và chụp màn hình để lưu, vì trang web có thể sẽ thay đổi thường xuyên. Và mong các bạn đọc và tranh luận cho ra vấn đề nhé. Tôi cũng sẽ có những nhận xét của tôi khi có thời gian.

Ghi chú: Những chỗ in nghiêng đậm trong bài là do tôi thêm vào để nhấn mạnh, và những chỗ in nghiêng trong ngoặc vuông [...] là ý kiến của tôi về bài viết.

---
Link: http://mba.edu.vn/print.asp?cat=046&item=1000
---------------------------------------------------------------
http://www.mba.edu.vn 14/08/2010

Toàn cầu hóa và bùng nổ MBA: Chất lượng và bằng cấp? (phần 4)

MBA liên quốc gia?

Năm 1989, CEU (Central European University) được thành lập tại Budapest với sự liên kết của nhiều đội ngũ giáo sư thuộc nhiều đaị học Mỹ và châu Âu trên cơ sở tài trợ hàng năm từ 15 đến 20 triệu USD của nhà tỷ phú Mỹ gốc Hung, Georges Soros. Việc hình thành CEU mở đầu cho quá trình phát triển “đào tạo quản lý kinh doanh liên quốc gia” (“Transnational Business Administration Education”). Năm 1991, Phòng Thương mại và Công nghệ Paris (CCIP, Chambre de Commerce et d’Industrie de Paris) kết hợp với Ðại học Ngoại Thương của Nga mở trường đào tạo MBA lấy tên là CGFR (Centre de Gestion Franco-Russe). Ðến năm 1999, CGFR lại liên kết với Ðại học Lomonosov tại Moscow, tăng thời lượng học từ 380 tiết lên đến 550 tiết và bổ sung thêm đội ngũ giảng viên đến từ Pháp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xin được xét duyệt vào trường thành viên của các tổ chức quốc tế. Cũng trong năm 1991, Ðại học Mercer (Mỹ, AACSB công nhận) và Ðại học Wales (Anh, AMBA công nhận) liên kết xây dựng một chi nhánh đào tạo BBA, MBA và DBA tại Brussels mang tên UBI (United Business Institute). Ðến năm 2001, UBI, trở thành cơ sở độc lập, lại liên kết với Ðại học Clark (Mỹ, được AACSB công nhận) để phát triển thêm một chi nhánh mới ở Luxemburg. Năm 1994, Cộng đồng Chung châu Âu tài trợ cho nhiều đại học Tây Âu để thành lập tại Ðại học Thượng Hải một trường chuyên đào tạo MBA (300 học viên/năm) mang tên CEIBS (China-Europe International Business School). Năm 1995, Ðại học Chicago (AACSB công nhận) mở chi nhánh đào tạo MBA và DBA tại Barcelona (Tây Ban Nha). Năm 1996, Ðại học Perdue (Mỹ, AACSB công nhận) mở chi nhánh tại Hanover (Ðức). Năm 1997, Ðại học Kellog (Mỹ, AACSB công nhận) lại thành lập chi nhánh tại Coblence (Ðức) và Ðại học Duke (Mỹ, AACSB công nhận) xây dựng chi nhánh tại Franfurt (Ðức). Năm 2000, Harvard mở Trung tâm nghiên cứu và thực tập tại Paris. Và mới đây nhất, năm 2001, Ðại học Wharton (Mỹ, AACSB công nhận) cùng với Ðại Học Kellog (Mỹ, AACSB công nhận) mở chi nhánh đào tạo BBA, MBA và DBA tại Hyderabad (Ấn Ðộ) mang tên NISM (New India School of Management).

Nếu các bằng cấp của CEU, CGFR, CEIBS và NIMS được các Bộ Giáo dục của các nước nơi đặt cơ sở đào tạo công nhận (Hung, Nga, Trung Quốc, Ấn Ðộ) thì ngược lại bằng cấp của các chi nhánh đào tạo do các trường Mỹ và Anh thành lập ở các nước Ðức, Tây Ban Nha, Bỉ đều không được Bộ Giáo dục của các nước ấy công nhận mặc dù giá trị bằng cấp của các chi nhánh ấy đều được chấp nhận tương đương bởi các trường quản lý kinh doanh ở ngay chính các nước Tây Ban Nha, Ðức và Bỉ cũng như ở khắp thế giới và không ít chi nhánh ấy lại đôi khi được xếp đầu bảng, nổi tiếng hơn cả trường “gốc” !

[Nhận định của tôi: (1) Chính GS TTNT (presumably) thừa nhận bằng cấp của UBI không được chính phủ của Bỉ công nhận; (2) tuy nhiên ông vẫn gián tiếp khẳng định trường của ông rất xịn, thậm chí xịn hơn trường gốc???]


Tương đương bằng cấp ?
Ðể bằng cấp của mình có thể được chấp nhận tương đương bởi các trường khác trên thế giới, các chi nhánh đào tạo nói trên phải trải qua một quá trình thông thường gồm hai giai đoạn.

Giai đoạn I gồm có ba điều kiện. Một: tổng thời lượng giảng ở lớp học của chi nhánh phải có ít nhất là 400 tiết bao gồm các môn học có nội dung đúng theo các môn đang giảng trong chương trình tại trường “gốc”. Hai: trong thời gian ba khoá đào tạo đầu tiên, thành phần giảng dạy tại các chi nhánh phải gồm ít nhất là 80% các giảng viên đang thực thụ đảm nhiệm dạy các môn ấy tại trường “gốc” (tỷ lệ này được giảm dần kể từ khoá thứ tư). Ba: Các giảng viên ấy phải giảng tại các chi nhánh đúng theo số tiết của môn học mà họ đang giảng ở trưòng “gốc”.

Giai đoạn II (khởi đầu sau 5 khoá đào tạo) là lúc mà chi nhánh có thể hoạt động như một thực thể độc lập, nghĩa là không còn phải trực thuộc hoàn toàn vào chương trình và đội ngũ giảng viên cũng như “tên tuổi” của trường “gốc”: lúc ấy chi nhánh có thể tự mình chỉnh trang, thiết kế chương trình và đội ngũ giảng viên để phù hợp hơn với những đòi hỏi thực tiễn tại chỗ. Nói cách khác, kể từ giai đoạn II, việc chấp nhận tương đương bằng cấp không còn phải xét thông qua việc so sánh hai chương trình đào tạo của chi nhánh và của trường “gốc” mà là trực tiếp từ chương trình và phương pháp đào tạo của chi nhánh. Chính vì thế mà đôi khi lại xảy ra chuyện chi nhánh rốt cuộc lại có một vị thế và “danh tiếng” riêng vượt trội hơn cả trường “gốc”.

Cần phải nói rõ về việc dùng từ để hiểu cho chính xác: “công nhận bằng cấp” hay “tương đương bằng cấp” ở đây không có nghĩa là bằng cấp được xét duyệt mà chính là chương trình, nội dung các môn học, phương pháp, thời lượng giảng dạy và đội ngũ giảng viên được xét duyệt (Xét duyệt bằng cấp xem có đủ các con dấu và các chữ ký hay không chỉ là chuyện hành chính). Và sau khi chương trình, nội dung, phương pháp, thời lượng, đội ngũ đã được xét duyệt theo các chuẩn mực chất lượng hiện hành thì lúc ấy bằng cấp mới được công nhận hay chấp nhận tương đương. Chính vì thế mà từ ngữ “bằng chuẩn” thường nghe ở Việt Nam là một lối nói “tắt” dễ gây hiểu lầm nguy hại. Không có “bằng chuẩn” mà chỉ có chương trình, nội dung giảng dạy, v.v… là “chuẩn” hay “không chuẩn”: bằng cấp phát, dưới cái nhìn của trường xét duyệt chấp nhận tương đương, sẽ không có giá trị khi hồ sơ học trình đính kèm theo bằng (transcript) không hội đủ các yêu cầu phổ biến tối thiểu của một chương trình đào tạo !

[Nhận định của tôi: (1) bài viết của ông không nêu căn cứ nào cho lời khẳng định của ông về việc cần 2 giai đoạn để chấp nhận tương đương, trong khi theo tôi biết thì luật lệ, quy định của các nước, và thậm chí các khu vực khác nhau trong cùng một nước, có thể rất rất khác nhau; (2) đoạn nói về 'bằng chuẩn' của ông dường như hơi nhập nhằng, ngụy biện. Cách dễ nhất để tranh luận là làm rõ định nghĩa của ông thế nào là 'bằng chuẩn' hay 'chương trình chuẩn', rồi sau đó mới có thể tranh luận rằng cách nói ở VN có đúng hay không.

Nhìn chung, tôi cho rằng bài viết của GS TTNT (presumably) không có tác dụng làm rõ những tranh luận, dư luận hiện nay liên quan đến UBI, cũng không cho thấy trách nhiệm với học viên, mà dường như chỉ nhằm khẳng định UBI dù không được nhà nước Bỉ công nhận (chính ông thừa nhận ở trên) thì vẫn là chương trình 'xịn', thậm chí 'xịn' hơn trường gốc. Một kiểu danh tiếng 'tự phong'!]

(Còn nữa)

GS. Tôn Thất Nguyễn Thiêm

Giáo sư Đại học Brighton (Vương quốc Anh) và Đại học United Business Institute - UBI (Vương quốc Bỉ), Giám đốc chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ quản trị kinh doanh của UBI tại Việt Nam.
--------
Mọi người nghĩ sao về bài viết này và những nhận định của tôi? Xin mọi người có ý kiến nhé!

Friday, August 13, 2010

Tại sao nước Mỹ lại là lò bằng giả quốc tế?

Đó là một câu hỏi và cũng là lời đặt hàng mà Tạp chí Tia Sáng đã gửi đến tôi cách đây ít lâu, nhân việc bằng giả/dỏm ngày càng bộc lộ tính chất nghiêm trọng và sâu rộng của nó ở VN.
Được rao bán trên Internet: Bằng cấp "giá phải chăng", được "kiểm định" cẩn thận nữa! Mại dzô, mại dzô!

Tìm câu trả lời cho câu hỏi này thực ra cũng là điều tôi muốn làm, không chỉ vì nó đáp ứng yêu cầu của tờ báo và của đông đảo bạn đọc, mà còn vì nó phục vụ công việc của Trung tâm nơi tôi đang làm việc nói chung (đánh giá chất lượng đào tạo), và hơn hết, là vì nó thỏa mãn đầu óc hay thích tìm tòi đến tận cùng của tôi (trong khả năng và điều kiện cho phép, tất nhiên).

Câu trả lời cho câu hỏi trên hiện đã có lờ mờ trong đầu tôi, nhưng tôi chưa viết được. Tôi có tật viết chậm, vì mỗi câu viết ra lại trăn đi, trở lại, tìm chứng cớ, rồi lại tự phản biện, và vì thế lại xóa đi. Có lẽ nó là thói quen tôi bị 'nhiễm phải' từ thời còn học ở Úc với ông thầy hướng dẫn vô cùng khó chịu, và biến thành phương pháp làm việc của tôi rồi.

Vì vậy nên tôi mới phải viết blog, chỉ là ghi lại những suy nghĩ đang diễn ra mà chưa chốt lại thành kết luận của tôi. Giống như đang trao đổi với các đồng nghiệp và những người cùng mối quan tâm.

Và đây là câu trả lời (tạm thời) của tôi cho câu hỏi đã đặt ra trong cái tựa của entry này: Nước Mỹ là lò bằng giả quốc tế vì mấy lý do sau:

1. Bằng cấp của nền giáo dục đại học Mỹ là ước mơ của hầu hết mọi người muốn có một tấm bằng đại học/sau đại học. Cầu cao, tất sẽ thúc đẩy cung.

Để giữ được danh tiếng lừng lẫy của mình, các trường đại học hàng đầu của Mỹ rất khắt khe trong việc chọn sinh viên vào học. Vì thế, rất ít người có thể vào được các trường đại học vốn đem lại danh tiếng cho nền đại học Mỹ. Điều này có tác dụng đẩy nhu cầu đến mức cao hơn, trong khi sự đáp ứng thì hạn chế, dẫn đến tình trạng gần như khan hiếm.

Nói thêm: các trường ĐH Mỹ rất khôn ngoan khi tuyển chọn sinh viên đầu vào gắt gao. Nguyên liệu đầu vào thật chọn lọc sẽ làm cho quá trình đào tạo dễ dàng hơn rất nhiều, vì những người được chọn vào hầu như đã có sẵn tất cả các tố chất của sự thành công mà không cần nhiều đến sự tác động của nhà trường. Với những sinh viên tốt, các trường chỉ cần cung cấp điều kiện học tập thật tốt (thư viện, điều kiện giao lưu, tiếp xúc với những nhà khoa học hàng đầu vv) thì kết quả có được sẽ đương nhiên tốt.

2. Triết lý quản lý của nước Mỹ là tạo quyền tự do cho các cá nhân (tư nhân) triển khai các sáng kiến và hoạt động của mình, nhà nước không can thiệp nhiều, vì như thế sẽ làm giảm sự nhạy bén của tư nhân, cản trở sự phát triển của xã hội.

Cũng nhờ vào triết lý này mà nước Mỹ từ lâu đã là một nước chấp nhận xem giáo dục như một dịch vụ, và cũng là nơi giáo dục đại học tư nhân (phi lợi nhuận) rất thành công. Vì thế, với sự nhạy bén của tư nhân, nên khi giáo dục đại học phát triển bùng nổ trên toàn cầu thì các công ty tư nhân cung cấp dịch vụ giáo dục đại học xuyên quốc gia xuất phát từ Mỹ rất nhiều, và được khuyến khích. Chính quyền chỉ đưa ra luật lệ, quy định chung, sao cho lợi ích của các bên có liên quan được điều hòa hợp lý, và can thiệp khi có bằng chứng rõ ràng về sự vi phạm.

Sự ít can thiệp của nhà nước ở Mỹ tuy có lợi cho việc thúc đẩy các sáng kiến của doanh nghiệp tư nhân nhưng cũng tạo nên một rủi ro là người dân không được bảo vệ khỏi những kẻ lừa đảo cho đến khi bị phát hiện. Tuy nhiên, để bù lại điều này, nước Mỹ có một xã hội dân sự rất phát triển, trong đó vai trò của các hội nghề nghiệp, các tổ chức dân sự theo dạng nhóm lợi ích đặc biệt (special interest group), và các tổ chức thiện nguyện đều được phát huy rất mạnh. Ngoài ra, vốn xã hội của đất nước này rất lớn, nên người dân nói chung không chỉ được nhà nước bảo vệ mà chủ yếu là có thể tự bảo vệ chính mình. Điều này, các nước đang phát triển như Việt Nam còn rất thiếu.

3. Nạn nhân của các lò bằng giả chủ yếu là các nước đang phát triển. Các lò bằng giả ít hoạt động tại Mỹ, vì nếu có hoạt động cũng dễ dàng và thường xuyên bị phát hiện.

Một trong những lý do của việc này là do (a) sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của cả xã hội về nguy cơ bị lừa; (b) hệ thống luật lệ quy định còn lỏng lẻo, vốn là hệ quả tất yếu của a; và (c) có tình trạng các nạn nhân khi bị phát hiện lại bênh vực kẻ lừa đảo và trở thành "nạn nhân tự nguyện", chưa kể những người ngay từ đầu đã hiểu rõ về việc lừa đảo và chấp nhận sử dụng dịch vụ dỏm này.

Về tình trạng "nạn nhân tự nguyện", tôi nghĩ điều này hết sức đáng quan tâm và cần phân tích thêm. Riêng tôi, tôi cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm về việc này: khi chỉ ra một vụ lừa đảo, chính các nạn nhân của vụ lừa đảo này lại đứng ra bênh vực kẻ lừa đảo và chống lại tôi một cách ... kiên cường! Rất thú vị, và đáng quan tâm.

Viết vội mấy giòng để khỏi quên ý tưởng, rất mong các bạn trong và ngoài nước tiếp tục trao đổi để làm rõ vấn đề này nhé.

Monday, August 9, 2010

"Nhận diện trường ngoại chưa được công nhận"


Tựa của entry này là tựa bài báo của tôi viết cho PLTP cách đây ít lâu để tham gia vào vụ bằng giả/dỏm om xòm lâu nay, đã đăng hôm nay, ở đây.

Thật ra, tựa gốc của tôi đặt nghe nặng nề hơn, nhưng theo tôi cũng đúng bản chất hơn. Vì khi viết 'đại học dỏm' thì tôi nghĩ đến 'diploma mill' trong tiếng Anh, mà diploma mill - xưởng bằng dỏm/giả chắc chắn là có nghĩa tiêu cực, chứ không 'nhẹ nhàng', khách quan như cụm từ 'chưa được công nhận' mà báo đã dùng.

Nhưng tôi cũng hiểu tại sao PLTP lại phải biên tập như thế: dầu gì, nhiều trường 'chưa được công nhận' cũng đã và đang hoạt động tại VN, nên nếu nói nặng quá mà lại chưa có đủ chứng cứ và lý lẽ thật chặt chẽ thì có thể sẽ bị những đụng chạm và phiền phức không đáng có.

Ngoài việc sửa cái tựa thì tôi nghĩ báo PLTP không sửa thêm gì. Nhưng thôi, để cho chắc, tôi sẽ đăng nguyên văn bản gốc của tôi lên đây để các bạn đọc. Có gì, xin trao đổi thêm ở phần comment nhé!

Mong nhận được các ý kiến trao đổi của các bạn.

----
Nhận diện các trường đại học quốc tế dỏm

Gần đây, các thông tin về các bằng dỏm, bằng giả quốc tế (chủ yếu là từ Mỹ và một số nước tiên tiến khác) thông qua các chương trình liên kết tại Việt Nam liên tục bị phơi bày trên báo chí trong và ngoài nước, gây ra nhiều hoang mang trong dư luận. Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra là, thế nào là một trường đại học dỏm, và làm thế nào để nhận ra chúng?

Tiếc thay, cho đến nay trên thế giới vẫn chưa có một định nghĩa chính thức và thống nhất thế nào là một trường đại học dỏm, mà trong tiếng Anh gọi là diploma mill, tạm dịch là ‘xưởng bằng giả’. Một trong những lý do của điều này là ngay trong các trường đại học dỏm cũng có nhiều mức độ dỏm khác nhau. Chính vì vậy, tuy không có một định nghĩa chung, nhưng người học vẫn có thể dựa vào một số dấu hiệu để có thể nhận ra một trường đại học có thể là một xưởng bằng giả hay không. Theo trang web thông tin bảo vệ người tiêu dùng Consumer Fraud Reporting , 10 đặc điểm hàng đầu có thể giúp nhận dạng các xưởng bằng giả gồm:

1. Thời gian hoàn tất việc học ngắn hơn một cách đáng kể so với các trường khác (vd: hoàn tất bằng Tiến sĩ chỉ trong thời gian 2 năm?)

2. Cho phép miễn giảm nhiều môn học dựa trên kinh nghiệm thực tế của người học (thông thường, đây là lý do mà các xưởng bằng giả sử dụng để làm cớ rút ngắn thời gian học)

3. Website của ‘trường’ không sử dụng tên miền có đuôi .edu. (vd: trường hợp của International American University, với địa chỉ website là www.iau.la)
Hình này và hình trên là bản chụp màn hình trang web của University of Northwest, một trường có nhiều dấu hiệu của một diploma mill. Địa chỉ web của nó là www.unw.ac, không có đuôi .edu!

4. Đã có nhiều báo cáo xấu trong trang cơ sở dữ liệu của Better Business Bureau (BBB, www.bbb.org). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trường nào không có trong cơ sở dữ liệu của BBB đều là trường tử tế.

5. Trường được cấp phép tại một quốc gia, nhưng hoạt động chủ yếu ở một hoặc nhiều quốc gia khác. Đây là trường hợp của Irvine University hoặc International American University, có giấy phép hoạt động tại Hoa Kỳ nhưng lại hoạt động mạnh ở Việt Nam.

6. Thông tin về trường không đầy đủ, vd: thiếu thông tin về giảng viên, không ghi địa chỉ của trường, thiếu số điện thoại liên lạc, mọi liên lạc với trường chỉ có thể thực hiện qua email và website. Đặc biệt, nếu địa chỉ gửi thư chỉ là một hòm thư bưu chính (PO Box) hoặc là địa chỉ của một ngôi nhà, một căn hộ ở chung cư, vv thì chắc chắn ta đã gặp một xưởng bằng giả.

7. Trường có tên nghe hao hao giống một trường đại học khác, thường là những trường nổi tiếng (ví dụ Irvine University, nghe giống UC Irvine; hoặc Berkeley International University, nghe giống UC Berkeley).

8. Cung cấp thông tin nhiễu về tình trạng kiểm định, ví dụ lờ đi không nêu gì về tình trạng kiểm định của trường, hoặc sử dụng một cơ quan kiểm định dỏm không được Bộ Giáo dục Mỹ công nhận.

9. Trang web của trường sơ sài, nghèo nàn, ít thông tin. Đôi khi có sử dụng những thông tin (bài viết, hình ảnh) có sẵn trên Internet.

10. Quy mô đào tạo quá lớn so với nguồn lực của trường. Học viên không được yêu cầu và cũng không có điều kiện để tiếp xúc, trao đổi với giảng viên.

Một trường càng có nhiều dấu hiệu nhận diện như đã nêu trên càng có nguy cơ là một xưởng bằng giả. Nếu áp dụng các dấu hiệu này vào để phân tích một số trường hợp trường dỏm mới bị vỡ lở ra gần đây, ta có thể thấy rõ chúng có khá nhiều các dấu hiệu nhận dạng của một xưởng bằng giả. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp các bạn có thể giảm bớt hoặc loại trừ khả năng chọn nhầm các trường dỏm quốc tế, vốn đang hoành hành ở các nước đang phát triển như Việt Nam và Trung Quốc.

Sunday, August 8, 2010

"Cảnh giác với các lò kiểm định dỏm"

Đó là cái tựa của một entry mới trên blog của Dr Mark Ashwill, người gần đây đã đưa ra danh sách nổi tiếng gồm 21 trường dỏm của Mỹ đang hoạt động tại VN. Danh sách ấy có thể tìm thấy ở nhiều nơi, nhưng tôi cũng xin chép lại ở đây để lưu và tiện cho mọi người đọc.
1. ĐH quốc tế Adam (Adam International University) thuộc bang Georgia.
2. ĐH Akamai (Akamai University) thuộc bang Hawaii.
3. ĐH American City (American City University) bang California.
4. ĐH Di sản Mỹ (American Heritage University) nằm ở phía nam California.
5. ĐH American Pacific (American Pacific University). Đây là ĐH được đặt tại TP HCM.
6. ĐH quốc tế American Pacific (American Pacific University - International) thuộc bang New Mexico/ California.
7. ĐH Apollo (Apollo University) bang California.
8. ĐH quốc tế Đại Tây Dương (Alantic International University) thuộc bang Hawaii.
9. ĐH Capstone (Capstone University) bang California.
10. ĐH Cosmopolitan (Cosmopolitan University).
11. ĐH Frederick Taylor (Frederick Taylor University) thuộc bang California.
12. ĐH Honolulu (Honolulu University) thuộc bang Hawaii.
13. ĐH Irvine (Irvine University) thuộc bang California.
14. ĐH Quốc tế Mỹ (International American University) bang California.
15. ĐH Kỹ thuật Paramount (Paramount University of Technology) thuộc bang California.
16. ĐH Pebble Hills (Pebble Hills University) thuộc bang Pennsylvania.
17. ĐH Preston (Preston University) thuộc bang California.
18. ĐH Tây Nam Mỹ (Southwest American University) thuộc bang California.
19. ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) thuộc bang Delaware.
20. ĐH quốc tế Washington (Washington International University) thuộc bang Pennsylvania.
21. ĐH quốc tế Berkeley (Berkeley International University), bang Delaware.
Xin mở ngoặc một chút: Các bạn có nhận xét gì về danh sách này không? Đây là nhận xét của tôi: trừ 2 bang Pennsylvania và Georgia mỗi bang cung cấp 1 trường dỏm vào danh sách, thì tất cả các trường dỏm này chỉ đến từ 3 tiểu bang mà thôi, trong đó tuyệt đại đa số đến từ bang California, kế đó là Hawaii và Delaware.

Kết luận: Hãy cẩn thận với một trường đại học Mỹ đến từ các bang này, đặc biệt khi chúng có tên hao hao giống một trường xịn (vd: Irvine Uni là nhái trường UC Irvine), hoặc có thêm từ "International", và khi các yêu cầu của những ngôi trường nghe có vẻ hoành tráng như vậy lại rất 'phải chăng'. Phải chăng về giá cả, về thời gian, và về yêu cầu đầu vào vv.

Vâng, cũng Dr Ashwill nổi tiếng này, hôm nay lại viết trên blog cá nhân của mình một mẩu cảnh báo về các lò kiểm định dỏm với cái tựa mà tôi đã đưa lên thành tựa entry này. Có thể tìm thấy bài viết của ông ở đây.

Bài viết cũng không có nhiều thông tin lắm (không giống như danh sách 21 trường 'nổi tiếng' kia), nhưng nó cho ta thấy một khía cạnh khác của vấn nạn trường dỏm hiện nay: kiểm định dỏm!

Thật đáng sợ, đúng không? Trước đây, vì dốt, nên thấy trường nào mang danh Mỹ cũng đều tưởng là tốt, nhất là nếu có cái tên kêu kêu một chút. Nay, khôn lên rồi, nhìn một trường rồi còn phải hỏi: có được kiểm định không? Nếu không, là dứt khoát không chơi!

Còn nếu câu trả lời là đã được kiểm định thì sao? Thì ... tốt quá, phải không? Không, hoàn toàn không phải thế! Hãy đọc lại cái tựa kia kìa!

Đáng sợ thật chứ. Vì chẳng đâu xa, mới hôm qua thôi, một người quen cũ đã phải lặn lội đến nhà tôi để hỏi về một trường đại học của Mỹ (chẳng hiểu có đang liên kết với VN không, cũng là chương trình MBA đấy, nhưng mà bạn tôi không chịu nói!), "nhưng trường này được kiểm định rồi!"

Trường gì thế? Vâng, nó là DIU - Delta International University of New Orleans. Của Mỹ. Website đây: http://www.delta-university.org/.

Không hiểu, đến giờ này bạn đã đủ tinh để 'ngửi thấy' mùi đại học dỏm chưa nhỉ? Thì đấy, tên nó có từ 'international' kìa!

Nhưng trường này được kiểm định cơ mà? Vậy ai kiểm định nó? Đây: Nó được kiểm định bởi IADL của Anh. Các bạn xem hình dưới đây này.Ấn tượng quá, phải không?

Không, chẳng có ấn tượng gì cả! Nó là kiểm định dỏm đấy, bà con ạ! Quá sức dỏm là đàng khác, phải không? Tôi hy vọng các bạn nói thế.

Còn nếu các bạn cũng bị nhầm, thì ... thật là bó tay chấm com!

À quên, cái trường này không có trong danh sách của Ashwill đâu, mà là phát hiện của tôi đó! Vậy, các bạn nhớ bổ sung DIU vào bảng phong thần ở trên, nhé!

Friday, August 6, 2010

Vì sao có thể nghi ngờ UBI là một diploma mill?

Sau bài viết trên blog của GS Nguyễn Văn Tuấn về UBI mà hôm trước tôi có đề cập đến trong entry "UBI, hay 10 năm phong trào du học và 'du học tại chỗ' tại VN", rất nhiều người bạn bè và người thân của tôi có gọi đến và hỏi tôi thêm thông tin về ngôi trường này. Tựu trung, câu hỏi của tất cả mọi người là: UBI có phải là trường dỏm không, và làm sao biết? Vì chỉ một bài viết trên blog của GS Nguyễn Văn Tuấn mà kết luận là UBI là trường dỏm thì liệu có vội vã quá hay không, hay là cần những thông tin chính thức?

Và câu trả lời của tôi đối với mọi người, trước hết là tôi không biết chắc chắn, và sự nghi ngờ của tôi cũng chỉ là phán đoán cá nhân mà tôi muốn chia sẻ với mọi người để cùng nhau tự bảo vệ, chứ cũng chẳng phải là thông tin chính thức gì cả. Tuy nhiên, tôi vẫn có khá nhiều lý do để nghi ngờ rằng UBI là một diploma mill.

Lý do ư? À, thì ... kinh nghiệm nghề nghiệp - ý tôi nói là nghề làm "đánh giá chất lượng giáo dục đại học" ấy mà. Đối với tôi, UBI có khá nhiều dấu hiệu của một diploma mill, mà tôi có thể liệt kê như sau:

1. Mặc dù luôn tự quảng cáo là một trường đào tạo QTKD có uy tín thuộc loại hàng đầu, nhưng UBI lại phải sử dụng 'dịch vụ' validation của ĐH Wales để được công nhận văn bằng. Thông tin này do chính UBI cung cấp trên website của mình, có thể đọc . Trên facebook của UBI (địa chỉ: http://www.facebook.com/pages/United-Business-Institutes/117901261571476) cũng nêu thông tin này, xin trích ở đây:
United Business Institutes is a Brussels-based business school awarding a BA and MA from the University of Wales along with a widely regarded MBA and DBA.
http://www.ubi.edu/
UBI là một trường doanh thương đặt tại Bỉ đào tạo cấp bằng BA và MBA của trường ĐH Wales, song song với một chương trình đào tạo MBA và DBA được đánh giá cao [well, đánh giá cao này là do ai nhỉ, hay là tự phong?]

Đối với các bạn chưa hiểu validation là gì, xin được giải thích nôm na (không chính xác hoàn toàn, nhưng dễ hiểu) là nó na ná như các chương trình liên kết đào tạo tại địa phương tại VN, tức là các trường cao đẳng hoặc đại học ở địa phương liên kết với các trường đại học lớn để cho trường ấy đỡ đầu cho mình về mặt chuyên môn.

2. Thông tin về trường này trên trang web của trường thật sơ sài, thậm chí lập lờ. Chỉ mới thành lập vào năm 1991/1992 (trên trang web thì nói 1991, nhưng trên facebook thì ghi 1992), nhưng logo của trường lại là một huy hiệu có vẻ cổ kính, gây cho người ta cái ấn tượng rằng trường này rất cổ, chẳng hạn như Cambridge, Oxford của Anh. Và sự lập lờ này thể hiện rõ qua cách trường này tự giới thiệu về mình trên trang web: trường thì mới thành lập, nhưng UBI lại giới thiệu mình như sau:
A cozy 1.200 m2 mansion dating back to the 19th century, with full modern conveniences. Easily accessible, UBI is located in the center of Brussels, 200 m. from the Porte de Namur / Naamsepoort. Metro stations, bus stops, and taxis are all within a 300 m. radius. Additionnally, two train stations (Central and Luxembourg) are 1000 m. away.

Bạn có để ý đoạn tôi tô đậm không: "từ thời thế kỷ thứ 19". Mới đọc thoáng qua tôi cứ tưởng là trường này đã tồn tại hơn 100 năm, nhưng không! Đấy là nó tọa lạc trên khuôn viên của một biệt thự (mansion) cổ hơn 100 năm, chứ! UBI có nói là nó tồn tại trên 100 năm bao giờ đâu? Tại tôi tự đọc nhầm thôi.

3. Đội ngũ giảng viên của UBI dường như vô cùng mỏng so với số lượng sinh viên đông đảo của UBI trên toàn thế giới. Thông tin trên website của UBI liệt kê một danh sách tổng cộng là 39 người, nhưng số lượng sinh viên của họ thì có lẽ nhiều vô kể, vì trường này giảng dạy từ cử nhân đến tiến sĩ, mà lại liên kết đào tạo khắp nơi, nào Việt Nam (từ Bắc chí Nam!), Trung Quốc, Mã Lai, Ấn Độ, Ba Lan, Croatia (toàn những nước thuộc diện 'dễ bị lừa' như bài dịch về 'diploma mill' mà tôi mới đưa lên hôm qua).

Sự đa dạng về khu vực địa lý của sinh viên UBI mới thật đáng nể: UBI có sv từ 53 nước trên thế giới theo học! Tôi không hiểu với số lượng giáo sư như vậy, và số chương trình liên kết ở khắp nơi như thế kia, thì làm sao họ có thể đảm nhiệm nổi nhỉ? Hay có những nơi họ sử dụng giáo viên tại chỗ? Mà nếu thế, thì chất lượng giáo viên và chất lượng chương trình họ kiểm tra như thế nào, không thấy họ nói gì cả?

4. Và cuối cùng, điều làm cho tôi thực sự nghi ngờ UBI là 'diploma mill' là đây:

a. UBI không được kiểm định bởi bất kỳ tổ chức nào cả. Chính họ khẳng định điều này. Hãy xem trên trang facebook của họ, ở đây. Điều này cũng trùng với những gì GS Tuấn đã nói trên blog của ông.

b. "Hãy nói cho tôi bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người như thế nào." Như tôi đã nói trong entry trước về UBI, tôi thực sự nghi ngờ UBI khi tiếp xúc với một đại diện ở VN của NetAcademy khi họ đến 'chào hàng' chương trình online của UBI liên kết với NetAcademy, rồi NetAcademy lại đi tìm nơi liên kết (và gặp ngay tôi!), cứ y như bán hàng đa cấp vậy! Mà NetAcademy là ai? Là một công ty tư nhân chuyên 'kinh doanh giáo dục' của Mã Lai, có trang web ở đây. Các bạn cứ vào đó đọc thì ắt sẽ phán đoán được.

(Mở ngoặc: Trong tay tôi vẫn còn đang cầm một brochure quảng cáo cho chương trình MBA của UBI liên kết với NetAcademy bằng 2 thứ tiếng Tàu và tiếng Anh. Vậy mà cũng UBI này đang liên kết với một số trường được xem là có tiếng, thậm chí hàng đầu ở VN đấy, các bạn ạ! Như vậy có nghĩa là các trường hàng đầu của VN là cùng hội cùng thuyền với NetAcademy sao? Chao ôi, đau xót quá các bạn ơi!)

Đấy, lý do mà tôi nghi ngờ UBI là 'diploma mill' là thế. Không chính thức, chỉ là phán đoán của cá nhân tôi thôi. Đã thuyết phục được các bạn chưa, hay vẫn phải có thông tin chính thức? Mà cần gì thông tin chính thức nhỉ, tôi thấy có rất nhiều điều quan trọng trong đời, ví dụ như lập gia đình, bạn có cần ai thông tin chính thức cho bạn về người bạn định lấy làm vợ, làm chồng đâu, mà tự bạn quyết định trên những phán đoán của mình đấy chứ?

Ôi, giáo dục đại học của Việt Nam ôi! Bao giờ mới khá lên được đây, chẳng lẽ cứ mãi thế này sao?

À quên, xin chép lên đây một vài ý kiến của các học viên về chương trình đào tạo của UBI tại VN để các bạn tiếp tục có thêm thông tin mà phán đoán:

Nguyen Tuyen:
Trung thực mà nói, có quá nhiều chương trình MBA liên doanh liên kết theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó và chẳng cần học cũng có bằng. Chính vì vậy mà không những bạn Federer mà rất nhiều người khác khi có ý định học MBA đều thực sự không biết chọn vì vàng thau lẫn lộn, trường nào cũng quảng cáo là .. hàng đầu, đâu có ai chịu nhận hàng cuối bao giờ.

Tôi có vài người bạn đang theo học chương trình MBA Việt 100%, khi tôi hỏi sao không học chương trình của nước ngoài dạng liên kết đào tạo thì được vỗ vào mặt bằng hàng loạt dẫn chứng.....nào là anh ấy, chị nọ cũng học chương trình của Mỹ, Bỉ....etc đấy, có cần học gì đâu mà vẫn có có bằng. Quả thật như vậy nên tôi tịt ngòi luôn, lên diễn đàn thì mạnh miệng nói vậy thôi chứ ra ra ngoài đâu dám khoe học UBI hay này nọ đâu.

Túm lại, nhu cầu đang rộ, mọi người cần thì sẽ có nơi cung, có bạn cần tấm bìa, có người cần kiến thức. Cùng một lớp và cùng một chương trình, cùng thày cung học.. nhưng có người thì "bay rất cao", vận dụng được kiến thức đã học vào công việc của mình, thấy trưởng thành và tự tin hơn nhưng cũng có không ít (có lẽ là số đông) chỉ "sè sè ngọn cỏ" - Trích lời GS. T.T.N Thiêm.
Nguồn: http://www.topmba.vn/forum/index.php/topic,1596.20/wap2.html
Random:
Quote from: Federer on October 07, 2009, 08:23:43 AM
Kính chào các anh, chị và các bạn,
Rất vui được tham gia diễn đàn topmba và được trở thành member mới toanh.
Ngày hôm trước, tôi vừa nộp hồ sơ xét tuyển khoá EMBA tháng 10/2009. Tuy nhiên qua nói chuyện với một anh vừa tốt nghiệp EMBA niên khoá 2008 và đọc kỹ thông tin các bạn đã chia sẻ trên diễn đàn này tôi thực sự lo lắng và có thể sẽ phải thay đổi kế hoạch của mình với những lý do sau:

1.Một lớp học khoảng 60-70 người nghe giảng qua phiên dịch cho một khoá MBA quốc tế (171 triệu VND) thì có hiệu quả gì không vì cái chúng ta cần cải thiện là tiếng Anh thì rốt cuộc về tay không, chưa nói đến nội dung môn chuyên ngành. Lớp đông như vậy có thể vì xét tuyển, mà xét tuyển thì đa số là "trúng".

2.Thiết nghĩ chương trình này quả thật cho các bác lãnh đạo ở tầm vĩ mô vì các môn học quá chung chung. Học xong lại không phải bảo vệ luận văn thì sẽ không phát triển kỹ năng cá nhân của mình và thực sự tôi thấy không có bất kỳ một áp lực nào, thế thì học EMBA ... thuận lợi quá!!!

Đây chỉ là quan điểm cá nhân (một cách chủ quan) vì mỗi người chúng ta đều có một hướng đi riêng của mình.

Thông qua topic, cho em hỏi các anh/chị đã tốt nghiệp MBA chương trình chuẩn 15 môn dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh tại SGS thì phải thi đầu vào những môn gì, yêu cầu tiếng Anh và mức học phí là bao nhiêu?
Chân thành cảm ơn các anh chị và các bạn đã quan tâm.
.
Nguồn: http://www.topmba.vn/forum/index.php/topic,1596.15/wap2.html

"Xưởng bằng giả: Tác hại đối với sinh viên và xã hội"

Cập nhật ngày 17/10/2010
Dịch xong bài viết này để gửi cho TS, tôi cũng đồng thời gửi email xin phép 2 tác giả (vì họ có cung cấp email để liên lạc). Vì 2 người nên phải chờ lâu, lại là những nhân vật đình đám, bận rộn. Nhưng hôm nay tôi đã nhận được thư đồng ý của cả 2 tác giả rồi, nên cập nhật lên đây, để ... khoe, và cũng để thấy rằng, có lẽ VN nên tập thói quen xin phép, vì trong đa số trường hợp thì người ta đồng ý thôi.

Chúng ta cần phải bắt đầu lại từ đầu, có phải không? Từ việc xây dựng lại một nền văn hóa học thuật tôn trọng sự thật, tôn trọng sở hữu trí tuệ của người khác, và tôn trọng thông lệ quốc tế. Bắt đầu từ hôm nay, và vào ngay lúc này, các bạn nhỉ.


Bài viết này tôi vừa gửi cho Tia Sáng, và đã được đăng ngay trên trang mạng online. Tôi đã chọn nó định dịch để làm tư liệu và cho đăng lên bản tin của TTKT nơi tôi làm việc, nhưng do tính thời sự của vấn đề, nên đã gửi đến Tia Sáng để có thể đến được với đối tượng độc giả rộng rãi hơn.

Trong entry này, tôi xin đăng lại lời giới thiệu về bài viết đã được dịch ra tiếng Việt này, kèm mấy trích đoạn mà tôi cho là quan trọng. Mong mọi người đọc và cho ý kiến nhé!
-----
Giới thiệu bài viết (Phương Anh giới thiệu)

Những tin tức dồn dập hàng ngày trên các tờ báo lớn đang làm cho công chúng Việt Nam bắt đầu tỉnh thức với nạn bằng giả, trường dỏm đang hoành hành khắp nơi trên cả nước. Nhưng bằng giả, trường dỏm không chỉ có ở Việt Nam, mà đang là một vấn nạn toàn cầu. Nhiều nỗ lực quan trọng trên phạm vi quốc tế để chống lại nạn trường dỏm, bằng giả này đã và đang được thực hiện.

Các nỗ lực chống bằng giả, trường dỏm có thể phân loại thành 3 nhóm hoạt động chính: (1) tăng cường sự giám sát của chính quyền đối với các việc cấp phát và sử dụng bằng cấp, và thực hiện các biện pháp chế tài nghiêm nhặt đối với những trường hợp vi phạm; (2) tăng cường vai trò của giới truyền thông trong việc cung cấp thông tin minh bạch về các trường đại học trong và ngoài nước; và (3) giáo dục người tiêu dùng giáo dục (tức các sinh viên và gia đình), người sử dụng lao động, và toàn xã hội, về những tác hại có thể có do việc tham gia học tập ở những trường đại học dỏm (trong tiếng Anh gọi là diploma mill, tạm dịch là ‘xưởng bằng giả’) gây ra. Cả 3 nhóm hoạt động nói trên đều quan trọng và cần được triển khai đồng thời và nhịp nhàng để tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng làm tăng hiệu quả của nỗ lực chống bằng giả, trường dỏm.

Bài viết dưới đây của hai tác giả Judith S. Eaton thuộc CHEA (Hội đồng kiểm định giáo dục đại học Hoa Kỳ) và Stamenka Uvalic – Trumbic thuộc UNESCO nhằm nêu tổng quan về vấn nạn xưởng bằng giả trên phạm vi toàn thế giới. Bài viết đã được đăng trên trang web của CIHE (Center for Interational Higher Education, Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học quốc tế thuộc ĐH Boston, Hoa Kỳ) từ năm 2008.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết này đến các bạn đọc như một nỗ lực của giới truyền thông nhằm ngăn chặn bớt những tác hại của các xưởng bằng giả quốc tế trong giai đoạn đang hội nhập sâu rộng như hiện nay. Phần in nghiêng đậm là do tôi thêm vào để nhấn mạnh, không có trong bản gốc.
.
Phương Anh giới thiệu – Kim Khôi dịch

Xin đọc toàn bài tại đây.
---------
‘Xưởng bằng giả’ - Tác hại đối với sinh viên và xã hội
Judith S. Eaton và Stamenka Uvalic – Trumbic
Judith S. Eaton là Chủ tịch Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học đặt tại Washington D.C, Hoa Kỳ. Email: eaton@chea.org và Stamenka Uvalic-Trumbic hiện là Trưởng Bộ phận Cải cách, Đổi mới, và Đảm bảo Chất lượng, Phòng Giáo dục Đại học, UNESCO tại Paris, Pháp. Email: s.uvalic-trumbic@unesco.org.

[...]
Đặc điểm của các xưởng bằng giả

Tuy không có một khái niệm được thừa nhận rộng rãi về xưởng bằng giả, nhưng hầu hết những “trường” này đều có chung một số đặc điểm. Bằng cấp của các “trường” này đều có thể mua được. Chúng không đòi hỏi hoặc đòi hỏi rất ít việc tham gia lớp học của sinh viên (trực diện hoặc trực tuyến). Sinh viên ở đây được yêu cầu làm rất ít bài tập, và yêu cầu tốt nghiệp là ở mức tối thiểu. Việc quyết định cấp bằng có thể dựa một phần rất lớn trên lý lịch cá nhân hoặc kinh nghiệm thực tế, và những yêu cầu trên có thể không được quy định bằng văn bản. Một số xưởng bằng giả có thể không có giấy phép hoạt động của tiểu bang. Tên của các “trường” này thường được chọn sao cho nghe hao hao giống những trường đại học, cao đẳng nổi tiếng. Nhằm gia tăng lòng tin của khách hàng, một vài “trường” còn mạo nhận về các tổ chức quốc tế như UNESCO hoặc WHO, tuyên bố sai sự thật rằng đã được các tổ chức nêu trên kiểm định. Những ‘trường’ này có thể không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy về chất lượng của mình – chẳng hạn như đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định được công nhận.

[...]

Đa số các quốc gia xuất khẩu các xưởng bằng giả này lại là những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh Quốc và Úc; trong khi các quốc gia nhập khẩu một cách hoàn toàn tự nguyện và không nghi ngại chính là những quốc gia đang phát triển.

Thật khó có thể xác định được số lượng các xưởng bằng giả đang hoạt động, và những ước lượng về số trường dỏm này cùng với phạm vi hoạt động của chúng cần được xem xét cẩn thận. Phạm vi tài chánh của một xưởng bằng giả có thể xê dịch từ nửa tỉ đô-la cho đến hàng tỉ đô-la hằng năm.

Những rủi ro từ những xưởng bằng giả

Các xưởng bằng giả gây ra những tác động đáng kể về mặt xã hội, vì vậy mọi người có liên quan đến giáo dục đại học đều có trách nhiệm ngăn cản sự tồn tại của những tổ chức đáng ngờ này. Những người có liên quan không chỉ là sinh viên mà còn là các nhà tuyển dụng và chính phủ, cũng như là các trường đại học và cao đẳng thực chất.

Đối với sinh viên, dù họ là những người cố tình tìm kiếm bằng cấp bằng con đường dễ dãi hoặc là nạn nhân của những quảng cáo sai lệch từ các xưởng bằng giả, đều là những người bị hại vì những bằng giả mắc tiền đó đều là lừa đảo và trong nhiều trường hợp là không có giá trị. Các sinh viên và phụ huynh tại các quốc gia đang phát triển, những người bị thu hút bởi cơ hội có được một bằng cấp nước ngoài một cách linh động chính là nhóm đối tượng dễ bị hại nhất. Điều rất thường xảy ra là những bằng giả này không thể dùng để xin việc hoặc thăng chức. Số tín chỉ từ các xưởng bằng giả không được chuyển đổi sang những trường hợp pháp. Nếu một bằng đại học được chứng minh là giả, nó sẽ không được chấp nhận để vào học sau đại học.

Các nhà tuyển dụng bị tổn thương khi họ vô tình tin tưởng vào những bằng cấp giả mạo và xem đó là bằng chứng về năng lực của nhân viên mà họ tuyển dụng. Một nhân viên có bằng giả như vậy, ở mức nhẹ nhất, sẽ làm cho đơn vị bị mất mặt. Ở mức nặng nhất, những người sử dụng bằng dỏm là mối đe dọa cho người khác, đặc biệt khi những bằng dỏm ấy lại được sử dụng như sự đảm bảo về mặt chuyên môn trong những lĩnh vực như điều dưỡng và công trình sư. Lúc đó, mạng sống của nhiều người sẽ bị đe dọa.

[...]

Các trường đại học và cao đẳng cũng chịu thiệt hại do các xưởng bằng giả gây ra vì chúng làm suy giảm những nỗ lực hợp pháp của các trường đại học chân chính trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục đại học có chất lượng. Khi các xưởng bằng giả nhái tên những trường đáng tin cậy để phục vụ nhu cầu bất chính của các xưởng bằng giả này, chúng đã tạo ra sự nhầm lẫn và nghi ngờ trong các sinh viên tiềm năng và xã hội đối với những trường chân chính. Sự nghi ngờ của xã hội đối với các xưởng bằng giả khiến cho những trường đại học hợp pháp bị vạ lây, làm giảm đi các nỗ lực duy trì niềm tin của công chúng và nỗ lực phục vụ xã hội của các trường đại học tử tế.

Nguồn:
[Online] Available: http://www.bc.edu/bc_org/avp/soe/cihe/newsletter/Number53/p3_Eaton_Uvalic-Trumbic.htm

Wednesday, August 4, 2010

UBI, hay 10 năm phong trào du học và 'du học tại chỗ' tại VN

Tôi vừa đọc trên blog cá nhân của GS Nguyễn Văn Tuấn một bài viết về các chương trình liên kết. Ở đây. Rất đáng đọc. Còn tôi, tôi đọc, và giật mình thon thót!

Tại sao lại giật mình? Là vì bài viết nhắc đến cái tên UBI, viết tắt của United Business Institute, một tên tuổi quen thuộc trong lãnh vực đào tạo QTKD tại VN.

Phải kể lể dài dòng một chút: Trước khi làm tại đơn vị hiện nay (Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo thuộc ĐHQG-HCM), tôi đã làm việc tại trường ĐH KHXH-NV, một trường thành viên của ĐHQG-HCM, và có vài năm làm Phó Giám đốc rồi sau đó là Giám đốc Trung tâm Du học, kiêm Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế. Lúc ấy là khoảng đầu thiên niên kỷ (khoảng 2000-2001). Tôi làm ở đó cho đến khi rời ngôi trường mà tôi đã làm việc đúng 20 năm để chuyển sang vị trí hiện nay, vào cuối năm 2003.

Với vị trí lúc ấy, tôi đã từng gặp gỡ rất nhiều 'đối tác tiềm năng' từ Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Nga, Úc, Anh, rồi cả Trung Quốc, Ấn Độ nữa vv đến đề nghị hợp tác trong lãnh vực du học. Tôi còn nhớ, thời đó TTDH nơi tôi làm việc cứ thường xuyên (có thể một vài tháng lại có một hội thảo) nhận được lời mời cùng tổ chức hội thảo du học - thực chất là một buổi giới thiệu thông tin tiếp thị cho một trường hoặc một chương trình đào tạo của nước ngoài, mà trong đó đối tác phía VN có vai trò gần như người phục vụ không công và đứng ra bảo lãnh về mặt nhân thân cho họ, để họ chiêu dụ khách hàng.

Du học, và 'du học tại chỗ' mà ngày nay gọi là 'liên kết' lúc ấy dường như mới trở thành cái mốt hay sao ấy, hoặc cũng có thể là một cái cớ để người ta có thể đi ra nước ngoài sinh sống, nên thị trường làm ăn có vẻ nhộn nhịp ghê lắm, và ai làm khéo thì dịch vụ du học lúc ấy là một dịch vụ béo bở, hầu như không bỏ vốn mà thu lời bằng ngoại tệ mạnh! Một bằng cớ hiển nhiên là Trung tâm Hợp điểm, tôi biết họ từ lúc họ chưa có mảnh đất cắm dùi nên có một số hoạt động còn phải nhờ Phòng HTQT của tôi làm giúp, mà rất nhanh chóng sau đó đã trở thành một tập đoàn, hình như thế, làm ăn phát đạt ra phết!

Tất nhiên, nguồn thu là từ sinh viên. Các trường bên đó thường thỏa thuận rằng nếu đưa được 1 sinh viên sang bên ấy, thì phía VN sẽ được một số tiền nào đó để trang trải chi phí phía VN (hình như chuẩn mực là 10% học phí năm đầu, và có những nơi còn cao hơn nhiều). Lúc ấy, tôi nhớ tình hình cả nước hình như chẳng có bất kỳ có ai quan tâm về chất lượng của đối tác và chương trình gì cả.

Thật ra nhà nước cũng có luật lệ và quản lý, đúng rồi, nhưng chủ yếu là để quản lý an ninh - trật tự (ngoại kiều có ai ra, ai vào), và hành chính (ghi nhận lại các hoạt động để cuối năm thống kê lại xem đã có bao nhiêu chương trình liên kết, chúng tên gì, liên kết với ai, vv). Do mới mở cửa, không kinh nghiệm, và thiếu hướng dẫn, nên sơ hở, sai sót vào lúc ấy chắc chắn phải là nhiều lắm lắm!

Riêng nói hoạt động của tôi. Do được học hành khá nghiêm chỉnh, đào tạo bài bản, nên hồi đó tiếng là làm TTDH thì có tiền (?) nhưng tôi chủ yếu quan tâm cung cấp thông tin miễn phí và những lời khuyên đúng cho khách hàng về những gì họ cần biết, mà chủ yếu là về các kỳ thi quốc tế (nghề của tôi). Ngoài hoạt động thông tin (miễn phí), tôi còn tổ chức các lớp dạy tiếng Anh để chuẩn bị du học - riêng chuyện này thì tôi làm khá đàng hoàng, và cũng có chút uy tín, có thu nhập tí chút để nuôi quân.

Nhưng làm đàng hoàng, không chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, mà lại chẳng được ai đầu tư, phải tự trang trải, lại còn phải nộp thuế (vì là hoạt động có thu), nên chỉ làm 2 năm là tôi quá mệt, đề nghị đóng cửa trung tâm, và trả lại chức GĐ, và loay hoay sao, lại chuyển sang làm 'chất lượng' (trái nghề hoàn toàn, dù tất nhiên tôi cũng được trang bị sẵn một số phương pháp và kiến thức của ngành giáo dục, và của khoa học đo lường đánh giá).

Nói dài dòng thế chỉ để dẫn nhập. Phần chính là đây: trong thời gian tôi làm (gần 3 năm ở TTDH) thì tôi đã tiếp xúc khá nhiều tay 'môi giới', chủ yếu là Việt kiều, nhưng cũng có cả người nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, Singapore, và Mã Lai, đến giới thiệu nhiều chương trình, mà bây giờ, 10 năm sau, với gần 7 năm làm chất lượng, tôi biết chắc chắn là đa số là những đối tác dỏm và những chương trình dỏm.

May sao hồi ấy tôi có một ông sếp (đã quá cố, may he rest in peace) rất khó tính, chất vấn vặn vẹo đủ thứ, và bản thân tôi cũng ... phi lợi nhuận quá đi, nên hình như các đối tác ... dỏm tự động bỏ đi dần. Mà khách hàng của tôi cũng thế: họ muốn những câu trả lời ăn chắc, ví dụ: đảm bảo 100% được nhận vào học, 100% có visa, không cần chứng chỉ tiếng Anh, vv, còn tôi thì tôi không làm như vậy được, luôn trả lời đúng sự thật, ví dụ 'tiếng Anh của em còn yếu lắm', 'khi phỏng vấn em nên nói sự thật, đừng học sẵn câu trả lời mang tính đối phó, không đóng kịch' vv, nên họ ... nản, và cũng bỏ đi nơi khác hết. Nên TT của tôi mới khó khăn thế, và tôi mới đề nghị đóng cửa, là thế (dù bây giờ nghĩ lại, tôi cũng bắt đầu có uy tín trong giới làm du học thời ấy).

Vậy còn UBI thì sao? À, chương trình này đầu tiên là xuất phát từ trường của tôi, nhưng (may quá), nó được quản lý như một chương trình độc lập hoàn toàn. Và là một chương trình rất ăn khách. Thật ra thì nó đáp ứng đúng nhu cầu của VN mới mở cửa, cần kiến thức về QTKD. Nói gì thì nói, nó cũng làm được cái việc là 'khai hoang' cho người học về QTKD, vì trước đó có lẽ không ai biết gì. Và nó trở thành một tên tuổi ở VN. Sau đó, tôi thấy nó mở rộng hợp tác sang nhiều đối tác VN khác.

Vì nó đã có mặt khá lâu ở VN, và học viên của nó cũng có nhiều người tôi cho rất tốt, đặc biệt là những người lớp đầu tiên, có chí tiến thủ, có những người bây giờ khá thành đạt và giữ những vị trí cao trong quản lý, kể cả quản lý giáo dục, và có cả những người tôi biết. Thậm chí, ngay cả tôi có lúc cũng muốn đi học (vì tin rằng kiến thức QTKD sẽ giúp ích cho công việc quản lý của tôi), mà UBI thì sau một hồi hoạt động đã được tin là một địa chỉ tương đối có uy tín (tôi chỉ nói là được tin thôi nhé, chứ không khẳng định gì về uy tín, lại càng không biết gì về chất lượng của nó).

Nhưng quả thật, ngay từ thời ấy tôi đã ngờ ngợ về nó, vì có một em làm trong chương trình ấy có hỏi tôi một câu gì đó mà tôi không trả lời được. Đại khái hình như trong brochure giới thiệu chương trình có nêu, UBI là trường của Bỉ, nhưng bằng cấp được công nhận tại một nước nào khác tôi không nhớ. Hơi phi lý! Nhưng chỉ thoáng thắc mắc, rồi thôi!

Tôi cũng nhớ, khoảng năm 2002, có một học giả của chương trình Fulbright vốn đã từng làm PHT của một trường đại học Mỹ, hay nói chuyện với tôi, và khi thấy các brochure giới thiệu du học mà tôi có (do các 'đối tác' gửi cho), đã khuyên tôi hãy cẩn thận, vì có nhiều khả năng những chương trình đó là dỏm. Tôi nghe, cũng ngờ ngợ vậy thôi - hồi ấy còn ngơ ngác lắm, và mọi người thì còn đang hăng hái, phấn khởi lắm khi đất nước mới mở cửa, cho người dân đi ra ngoài học tập dễ dàng như vậy (ngày trước, được ra nước ngoài quả là một sự kiện once in a lifetime, thực thế!)

Cho đến rất gần đây, khoảng cách đây 2 tháng, một trường ĐH tư thục mới mở ở VN mà tôi có quen biết, có hỏi ý kiến tôi về một chương trình hợp tác cũng về QTKD. Lúc này, với gần 7 năm lăn lộn trong nghề chất lượng, và đọc nhiều, đi nhiều, tôi bắt đầu có cặp mắt cú vọ, và ngửi thấy 'hơi tiền' trong mối quan hệ hợp tác đó.

Đại khái, họ 'bán' cho mình một 'chương trình đào tạo' đã được số hóa (digitised) với giá lump sum là 3000 USD cho một bằng cử nhân và 5000 USD cho một bằng MBA, và sẽ cấp bằng của một trong mấy đối tác của nó, trong đó có hình như là cái trường International American University (IAU) 'khét tiếng' mà tôi đề cập đến trong entry mới đây, và ... UBI!!!! Còn phía VN, thì có quyền sử dụng nội dung đó để dạy (tùy ý), và được quyền thu tiền học viên kiểu gì và bao nhiêu cũng được, miễn là cứ một học viên thì trả cho họ 3000/5000 USD tùy trình độ. Well, đó là nói thẳng thừng, thô thiển, còn họ thì nói khéo léo hơn, văn hoa hơn, sử dụng uyển ngữ nhiều hơn!

Vâng, UBI!!! Là trường mà GS Nguyễn Văn Tuấn vừa nói đến trong bài của ông. Tôi cũng vừa tra mạng, và thấy vài thông tin rất đáng ngờ về UBI sau đây, xin đưa link vừa để lưu vừa để thông tin đến những ai quan tâm:

1. UBI (Belgium) is zapped!
Ở đây: http://www.degreediscussion.com/forums/viewtopic.php?f=5&t=7168

2. Net Academy có liên kết với UBI và IAU!!!
Trời ơi, Net Academy chính là đối tác mà tôi đã gặp đại diện phía VN mà tôi mới nhắc đến ở trên đó. Ở đây này: http://online.degree.net/accredited-unaccredited-state-approved-diploma-mill/t-any-to-say-about-united-business-institutes-of-belgium-1720.html

3. UBI có thực sự chất lượng?
Trên một diễn đàn tiếng Việt. Rất nên đọc, để hiểu người học VN nghĩ gì (tôi chưa nói đúng hay sai). Ở đây: http://www.topmba.vn/forum/index.php?topic=1843.0.

Chà, đã 1:40 sáng rồi. Tôi đau đầu quá, phải đi ngủ thôi! Nhưng việc này rõ ràng phải tìm hiểu tiếp. Các bạn nào biết gì hơn về UBI hoặc các trường có nghi vấn khác, xin góp ý nhé!