Wednesday, September 29, 2010

Top 200, Simon Marginson, và 2060!

Slide so sánh VN với các nước trong khu vực, trong bài trình bày của GS Marginson. Nhìn vào đây thì thấy ĐH VN chỉ nên benchmark với Indo trước đã, mà Indo hiện nay cũng có mấy trường trong top 500 của QS rồi đó. Còn VN thì vẫn mờ mịt chân mây?
----------------
Cái tựa của entry này hẳn sẽ làm cho nhiều người thắc mắc, tôi nghĩ thế.

Số là tôi đang đọc, tìm hiểu và viết về benchmarking và ranking trong giáo dục đại học. Và đang định viết một bài so sánh các kết quả xếp hạng đại học thế giới năm 2010, vì đây là năm đầu tiên mà QS và THE tách ra làm 2 hệ thống khác nhau, nên hiện nay có đến 3 bảng xếp hạng quốc tế với các kết quả không giống nhau: ARWU (của SJTU mà ta quen dịch là ĐHP Giao thông Thượng Hải); QS (vốn trước đây là THES, sau đổi thành THE-QS), và THE, hệ thống mới với cách xếp hạng mới được cho là đã cải thiện đáng kể so với hệ thống của THE-QS mà hiện nay QS vẫn tiếp tục sử dụng.

Cả 3 bảng xếp hạng đều đã công bố kết quả năm 2010, trong đó "giựt gân" là QS đưa ra kết quả Cambridge lần đầu tiên vượt qua Harvard ở vị trí đứng đầu thế giới, và gần đây nhất là THE đưa Harvard trở lại vị trí đầu còn Cambridge lui trở về vị trí thường thấy ở các bảng xếp hạng trước nay, dưới Harvard.

Tóm lại, "top 200" trong cái tựa của entry này là nói về các danh sách xếp hạng đó, trong đó danh sách của THE mới công bố gần đây nhất là một danh sách top 200 (QS công bố danh sách top 500, và ARWU cũng vậy). Thế còn Simon Marginson và 2060?

Ừ, tôi nhớ ra Simon Marginson là vì báo Doanh nhân Sài Gòn mới đây có đưa bài viết của GS Marginson nhân dịp THE công bố kết quả xếp hạng năm nay. Ai quan tâm có thể đọc bài viết ấy ở đây. Nhưng thật ra, những ý kiến này GS Marginson đã đưa ra cách đây 2 năm chứ không phải là đưa vào dịp THE công bố kết quả xếp hạng 2010 của mình mới đây.

Vậy chứ GS Marginson đưa ra những ý kiến đó vào dịp nào thế? À, nếu các bạn chịu khó tra mạng thì sẽ tìm thấy một hội thảo có tầm cỡ do ĐHQG Hà Nội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cách đây 2 năm về vấn đề xếp hạng, trong đó có mời các nhà nghiên cứu/thực hành về xếp hạng đại học trên thế giới đến báo cáo. Hội thảo đó tôi cũng có đi dự, và ấn tượng nhất là về bài báo cáo của GS Marginson (mà cũng có thể là tôi hơi ... thiên vị chăng, vì GS Marginson đến từ Úc, là nơi tôi học trước đây, nên có thể sẽ thấy có thiện cảm hơn ;-)).

Thực ra thì trong những người báo cáo hôm ấy, GS Marginson là có tầm cỡ nhất (những người khác thì có kinh nghiệm của practitioners), và khách quan nhất, vì ông không phải là người thực hiện xếp hạng mà chỉ là nhà nghiên cứu, quan sát "hiện tượng" xếp hạng. Và đó là lần đầu tiên ông đến VN, với những phát biểu rất ngoại giao nhưng cũng rất dễ thương, gây thiện cảm, khi ông nói ông đến VN như về nhà (các bạn xem bài viết mà tôi đưa link ở trên).

Và điều tôi ấn tượng nhất ở GS Marginson là ông rất thẳng thắn về "ước mơ đẳng cấp quốc tế" của VN. Khi hỏi về khả năng đạt top 200 vào năm 2020, ông tỏ ra rất nghi ngờ (và điều đó là đúng), và có đưa một con số mà lúc ấy làm cho nhiều người rất shock (hay nói đúng hơn là tỉnh cơn mê!): đó là VN chỉ có thể có một trường trong top 200 thế giới vào năm 2060 mà thôi.

Lúc ấy, nhiều người không tin vào con số 2060 của ông, cho rằng đấy là một sự mỉa mai, phóng đại, hoặc thậm chí ... sỉ nhục. Tôi cũng nghĩ, ông nói đại khái, để nhấn mạnh. Nhưng nay nghĩ lại, thấy ông nói không hề sai. Năm nay đã là 2010 rồi, mà VN thì còn chưa thấy đâu trên bản đồ ĐH thế giới cả. Tôi sẽ viết thêm về điều này sau. Còn TQ, họ đã cải tổ từ năm 1976, và năm 1989 tôi có dịp đi Mỹ, tận mắt thấy số sinh viên TQ tràn ngập các đại học Mỹ. Từ ấy đến nay đã hơn 30 năm, chính phủ TQ cũng đã có nhiều kế hoạch rót tiền cho các đại học trọng điểm của họ, và cải tổ nhiều mặt, thì nay họ mới bắt đầu có một số trường lọt vào top 200 của các bảng xếp hạng. Vậy thì tại sao VN lại có thể cần thời gian ít hơn 50 năm, đặc biệt là ngay từ bây giờ hình như ta vẫn chưa có những bước đi đúng hướng?

Tôi đã đọc lại bài viết của GS Marginson và thấy nó rất đáng đọc, đáng được dịch đầy đủ để phổ biến cho mọi người đọc. Giá mà không bận như hiện nay thì tôi cũng dịch nó ra đấy, nhưng bận quá! Thôi thì đưa mấy đường link để giới thiệu với mọi người. Và xin kết bài này với phần kết luận trong slide của GS Marginson (ý tưởng là của GS Marginson, còn lời là của tôi):

- Hãy quên đi ước mơ vào top 200 các đại học nghiên cứu của thế giới (theo bảng xếp hạng của SJTU)
- Nếu muốn ước mơ thì có thể nghĩ đến lọt vào top 500 vào khoảng năm 2025 hoặc 2030, mặc dù điều này cũng không phải là dễ.
- Lọt vào top 200 chỉ có thể là năm 2060, nhưng điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố [ý nói: phụ thuộc vào chính sách đầu tư cho KH-CN của chính phủ VN]
- Cần đầu tư tập trung vào một số trường đại học nghiên cứu với mức đầu tư cạnh tranh được với thế giới [diễn nghĩa của tôi: không thể trả lương cho một người có bằng tiến sĩ và gần 30 năm làm trong ngành giáo dục như tôi với mức lương và mọi thứ thu nhập chưa đến 10 triệu như hiện nay - quá phi lý!]
- Chỉ những trường đó mới nên tham gia xếp hạng thế giới
- Còn xếp hạng quốc gia thì không nên có một loại bảng xếp hạng duy nhất, mà cần có nhiều bảng xếp hạng khác nhau tùy theo sứ mạng và loại hình trường.

Những lời khuyên thật chí lý! Còn dưới đây là link dẫn đến bài viết và slide của ông:

1. Bài viết:
www.cshe.unimelb.edu.au/.../Marginson/VNU%20rankings%20symposium%2013%20November%202008.pdf

2. Slide: www.cshe.unimelb.edu.au/.../Marginson/VNU13Nov2008%20slides.pdf

Thế đấy. 2060 thì tôi 100 tuổi rồi. Thôi thì ráng sống khỏe, sống vui, và sống lâu, 50 năm nữa bằng tuổi đại tướng Võ Nguyên Giáp, biết đâu tôi còn sống và sẽ thấy một đại học của VN vào top 200 thế giới nhỉ? Lúc ấy, tôi sẽ nói: cách đây 50 năm tôi đã bỏ công nghiên cứu về xếp hạng và đối sánh các trường đại học, nên bây giờ chúng ta mới có ngày nay!

Ừ, ai cấm mình mơ ước, các bạn nhỉ?
-----
Cập nhật lúc 8:38 tối cùng ngày

Tôi mới tìm được trên mạng Kỷ yếu hội thảo mà tôi đã nêu ở trên, bản dịch tiếng Việt. Các bạn có thể vào đây để download và đọc nhé.

Sunday, September 26, 2010

Action research (1): "Nghiên cứu hành động" là gì?

Tôi viết bài này trước hết là cho chính tôi, và sau đó là cho những người đồng nghiệp, những học viên cao học, và cả những người bạn, những người tôi đã biết và những người tôi chưa biết nhưng hy vọng một lúc nào đó sẽ biết nhau và trở thành những người bạn của nhau. Một tình bạn không biên giới trong thế giới phẳng này.

Lý do nào đẩy đưa tôi đến việc viết bài này? Ừ, trước hết là vì gần đây tôi có vướng vào một cuộc tranh luận không mấy thú vị nhưng kết quả cuối cùng lại rất hữu ích, liên quan đến việc định nghĩa nghiên cứu khoa học là gì, và thế nào là sản phẩm khoa học.

Cuộc tranh luận đó, như bất kỳ cuộc tranh luận nào, đã kết thúc. Mỗi bên có lẽ đã hiểu ra được hơn một chút về bên kia. Và tôi tin rằng mỗi bên đều có nhu cầu nhìn lại chính mình để hiểu mình hơn, hầu có thể hiểu và phán đoán về người khác đúng hơn.

Ít ra, đó là nhu cầu của tôi. Và trong nhu cầu hiểu chính mình đó, tôi thấy cần phải làm rõ với mọi người những đặc điểm thuộc về bản chất của "nghiên cứu" trong khối ngành KHXH-NV.

Và tôi tin rằng "action research", nà tôi tạm dịch là nghiên cứu hành động, là loại hình nghiên cứu mang đặc trưng rõ nhất của khối ngành XH-NV, mà đặc biệt là ngành giáo dục.

Vậy, action research là gì? Các bạn đọc ở dưới đây, và cùng tôi trao đổi nhé.

------------------
Nghiên cứu hành động, tức action research trong tiếng Anh, là một cụm từ rất thường được nhắc đến trong các course học về phương pháp nghiên cứu khoa học trong ngành giáo dục, nhưng dường như lại rất ít được đề cập đến ở VN.

Nhưng nghiên cứu hành động - action research - là gì? Theo tác giả của bài viết này, có thể định nghĩa nghiên cứu hành động một cách rất đơn giản là sự kết hợp giữa nghiên cứu và hành động. Nói cách khác, nó là suy nghĩ phản tỉnh (reflective thinking) về những gì mình đang làm, những suy nghĩ ấy dựa trên những số liệu (chủ yếu bằng phương pháp quan sát) được thu thập trong công việc hàng ngày, rồi sau đó biến thành những hành động nhằm cải thiện công việc của mình - những công việc mà đằng nào mình cũng phải làm, không ngưng được.

Cũng theo tác giả trên, bản chất của nghiên cứu hành động là "tham dự" (participatory). Không có tính tham dự thì không phải là nghiên cứu hành động. Nói cách khác, không có nghiên cứu hành động nào được thực hiện trong phòng thí nghiệm do một nhóm người xa lạ và độc lập với công việc hàng ngày của những người là một phần của thực tại cần nghiên cứu. Ví dụ, muốn nghiên cứu về việc dạy và học trong nhà trường phổ thông tại VN để cải thiện nó, thì theo quan điểm của nghiên cứu hành động, việc nghiên cứu ấy phải do chính các giáo viên hoặc nhà quản lý ở từng trường nghiên cứu về những công việc hàng ngày của mình, rồi đưa ra trao đổi với những người có liên quan, rồi sau đó là cùng đồng ý với những gì cần thay đổi, và rồi cứ thế mà hành động.

Nghe có vẻ ... rất không chuyên nghiệp, phải không? Nhưng nghiên cứu trong giáo dục đa số nó là như thế đấy, và đó là một loại hình nghiên cứu rất phổ biến ở các nước phương tây mà tôi biết (nhóm Anglo-Saxon). Tất nhiên, những người thực hiện nghiên cứu hành động như vậy cũng phải được huấn luyện về các phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật thu thập thông tin, dữ liệu phù hợp với mục đích nghiên cứu cụ thể của mình. Những điều ấy tôi sẽ nói trong những bài sau.

Còn để kết thúc bài đầu tiên này, tôi chỉ xin đưa một số đường links cho những bạn nào muốn quan tâm tìm hiểu sâu hơn:

1. emichaelbrady.weebly.com/.../hrd667ol_action_research_and_eval_methods.pdf - Đây là một bản đề cương chi tiết môn học có tên là Action Research and Evaluation Methods, dạy ở trình độ sau đại học, của trường ĐH Southern Maine của Mỹ.

2. http://www.methodspace.com/page/links-qualitative-research - Link này dẫn đến trang MethodSpace, một trang khá hay với nhiều tư liệu về phương pháp nghiên cứu, trong đó có action research.

3. http://www.eresearchcollaboratory.com/new_page_3.htm - Tương tự như 2, trang này dẫn đến các kho tư liệu về phương pháp nghiên cứu, từ triết lý đến thiết kế và các loại hình nghiên cứu khác nhau. Rất đầy đủ và hữu ích.

4. http://www.cehs.ohio.edu/centers-partnerships/centers/c4he/CHEWP_1_2009_AMWilliford.pdf - Đây là một bài viết rất hay, liên quan đến institutional research, công việc mà tôi và TT của tôi đang làm, rất mới mẻ nhưng cũng rất xa lạ đối với VN, dù rất có ích. Theo tác giả bài viết này, IR chính là một loại action research; điều này rất rõ, nếu xét theo định nghĩa mà tôi đã nêu ở trên: action research là nghiên cứu rồi hành động.

Tạm thời thế. Tôi sẽ còn trở lại chủ đề này thường xuyên.
---
Cập nhật lúc 13:30 cùng ngày:

4. http://www2.fhs.usyd.edu.au/arow/arer/008.htm - Đây là một bài viết rất hay về Action Research và QA. Rất có liên quan đến công việc hiện nay của tôi.

5. Và trang gốc của bài viết về AR mà tôi đã đưa ở trên: http://www.scu.edu.au/schools/gcm/ar/arm/op000.html - Rất đáng đọc, ngôn ngữ bình dân dễ hiểu.
----
Cập nhật tiếp ngày 4/10/2010:

6. http://www.enquirylearning.net/ELU/Issues/Research/Res1Ch4.html - Một trang tôi mới tìm được, cực hay về AR.

Saturday, September 25, 2010

How to perform responsible research

How to perform responsible research

"Việt Nam - con hổ về giáo dục ở châu Á"?!

Theo lời "giới thiệu" của bạn bè (thực và ảo), tôi vừa đọc bài viết trên VnExpress, có tựa là cái tựa của entry này. Bài viết ấy ở đây.

Đoạn mở đầu nhằm giới thiệu bài viết nguyên văn như sau:
Báo Christian Science Monitor của Mỹ viết về những bước đi mới trong đào tạo đại học ở Việt Nam, nước mà tờ báo này đánh giá có thể trở thành một con hổ mới trong giáo dục và đào tạo ở châu Á.


Đọc những giòng này, tôi cảm thấy hết sức ngạc nhiên. Trước hết là vì trong kinh nghiệm ít ỏi của tôi, tôi không nghĩ rằng các nước đang đánh giá về giáo dục VN như thế. Nói đến con hổ giáo dục đại học châu Á, ngoài những nước đã thành công rõ ràng như Nhật, Hàn, Singapore, hoặc có thể là Đài Loan, hay Mã Lai, có lẽ hiện nay người ta chỉ nghĩ đến Trung Quốc, chứ chưa nghĩ đến VN đâu. Nếu có nghĩ đến VN, chắc là chỉ nghĩ đến tham nhũng trong giáo dục, và chất lượng giáo dục đại học thấp, mà thôi.

Vả lại, bản gốc của bài viết này tôi cũng đã đọc qua rồi và không hề có cảm giác giống như lời giới thiệu kia. Bài ấy viết bằng tiếng Anh, trên tờ Christian Science Monitor, cách đây ít lâu. Tôi chỉ nhớ bài viết nhằm giới thiệu VGU, tức Đại học Việt Đức, một trong 4 trường ĐH được thiết kế để trở thành trường ĐH đẳng cấp quốc tế vào năm 2020 theo "mơ ước" của chính phủ VN, sử dụng vốn vay của các tổ chức tài trợ quốc tế, hình như là của World Bank, và cũng có thể là có cả Asian Development Bank nữa.

Một bài viết không sắc sảo, nhưng có lẽ được đăng vì nó đưa một cái tin ... là lạ, đó là VN cho phép trường ĐH có hiệu trưởng là người nước ngoài được thử một cơ chế quản lý mới tại nước mình.

Và bài báo nếu còn gì hấp dẫn thì có lẽ là do cách đặt vấn đề của tác giả có chút ít mỉa mai, vì "mơ ước" của chính phủ VN xem chừng ... ngây thơ quá! Vì một trường đại học với chỉ hơn 10 năm hoạt động (năm nay đã là 2010, đến 2020 chỉ còn 10 năm, VGU thì mới tuyển sinh được 2 lần thì phải), làm sao lại có thể vào ngay được top 200 trên thế giới như vậy được?

Trong khi ĐH La Trobe nơi tôi học (trường này cũng chỉ là một trường thường thường bậc trung của Úc thôi), với hơn 40 năm tồn tại (La Trobe thành lập năm 1967) và hoạt động trong điều kiện của Úc, tức tốt hơn điều kiện VN rất nhiều, có đầy đủ quyền tự chủ đại học theo "mô hình mới" mà trường VGU đang cố gắng áp dụng, thì hiện nay cũng chưa trong top 200 của QS (kết quả năm 2010 là 286).

Vì vậy, khi đọc bài trên từ VnExpress, tôi buộc phải tìm lại bài tiếng Anh để đọc lại, xem tôi hiểu đúng hay tờ VnExpress hiểu đúng. Bản tiếng Anh ở đây này, các bạn đọc cùng tôi nhé.

Đấy, tôi đã bảo mà. Đúng là họ mỉa mai mình. Chỉ cần đọc cái tựa và mấy giòng đầu tiên thôi, thì thấy ngay.
Asia's next economic tiger? Hint: it's not India or China

Vietnam is building up its universities in an effort to join economic tigers Taiwan and South Korea. Roadblock: hidebound university practices.

Nếu tôi mà dịch đoạn trên, thì tôi sẽ dịch như thế này này:
Đố biết con hổ kinh tế mới ở Châu Á là ai? Nhắc tí: Không phải Ấn Độ hay Trung Quốc đâu

Việt Nam đang xây dựng các trường đại học của mình trong nỗ lực tham gia vào đội ngũ các con hổ kinh tế là Đài Loan và Hàn Quốc. Trở ngại: cách điều hành "hủ lậu" tại các trường đại học.


Các bạn chú ý cách dùng từ nhé: hidebound. Trong tiếng Anh, "hide" là bộ da thú, còn "bound" (quá khứ phân từ của bind) là trói chặt, bó chặt. Hidebound nghĩa đen là bị bọc trong bộ da (chật hẹp). Phần giải thích nghĩa của từ hidebound, lấy ở đây, có thể xem dưới đây:

hide·bound
adj.
1. Stubbornly prejudiced, narrow-minded, or inflexible.
2. Having abnormally dry, stiff skin that adheres closely to the underlying flesh. Used of domestic animals such as cattle.
3. Having the bark so contracted and unyielding as to hinder growth. Used of trees.

The American Heritage® Dictionary of the English Language, Fourth Edition copyright ©2000 by Houghton Mifflin Company. Updated in 2009. Published by Houghton Mifflin Company. All rights reserved.
-----------------------------------------------------
hidebound [ˈhaɪdˌbaʊnd]
adj
1. restricted by petty rules, a conservative attitude, etc.
2. (Life Sciences & Allied Applications / Zoology) (of cattle, etc.) having the skin closely attached to the flesh as a result of poor feeding
3. (Life Sciences & Allied Applications / Botany) (of trees) having a very tight bark that impairs growth
Collins English Dictionary – Complete and Unabridged © HarperCollins Publishers 1991, 1994, 1998, 2000, 2003
-----------------------------------------------------
Đó là phần đầu của bài viết. Phần còn lại thì nói về VGU, trong đó điểm duy nhất đáng quan tâm là nó được trao quyền tự chủ.

Sau đó là phần cuối, nói về điều mà ai cũng biết rồi, đó là giáo dục ĐH của VN nếu muốn phát triển thì nên học tập TQ, tức thu hút những người đi học Tiến sĩ ở nước ngoài về đây làm việc. Nhưng muốn vậy, phải có môi trường mới, trong đó có tự do học thuật (và tất nhiên là phải có rất nhiều tiền, vì nghiên cứu không hề rẻ.)

Bài viết như vậy mà bảo, họ xem mình là con hổ về giáo dục ở Châu Á sao? Tôi nghĩ, báo VnExpress đã hiểu không đúng bài này. Thành ra, viết bài tiếng Việt với cái tựa như thế rất dễ làm độc giả hiểu lầm. Có lẽ cần sửa lại.

Và tôi cũng nghĩ tiếp, có lẽ VN hãy khoan đừng nghĩ tới việc thành rồng thành hổ gì cả. Mà hãy làm đúng, làm tốt những cái đang làm. Ví dụ, có một đề án tiếng Anh trên cả nước kia kìa, hãy cố gắng làm nó cho thật tốt đi đã. Chứ đừng đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi.

Tóm lại, theo tôi thì thế này: muốn cho giáo dục đại học VN, và cả khoa học VN nữa (cái này là ảnh hưởng của bài viết tôi mới đọc trên trang web của GS NVT viết về sự thống trị của tiếng Anh trên PubMed Central), có ngày mở mặt mở mày với thiên hạ, thì trước hết, hãy học và dạy tiếng Anh cho tốt đã. Hãy là những người Việt Nam nói đúng tiếng Việt, sử dụng tốt tiếng Anh, rồi sau này muốn thành rồng thành cọp gì cũng được. Chuyện ấy, tính sau.

Tôi nghĩ thế, chẳng hiểu có đúng hay không nữa? Không hiểu những người khác thì nghĩ thế nào nhỉ?
-------
Cập nhật ngày 3/10/2010

Tình cờ tìm thấy bài này của tôi được Văn hóa Nghệ An đưa lên trang mạng của mình, phần Diễn đàn, nên đưa link về đây cất. Nó ở đây.

Bài đã viết ra rồi, chỉ mong có nhiều người đọc và chia sẻ. Nên báo VHNA đưa lên để chia sẻ với mọi người tức đã giúp đưa nhận định của tôi đến rộng rãi hơn với mọi người rồi đó. Vậy thì, thanks (anyway), VHNA nhé!

Why college education costs so much in the USA

Why college education costs so much in the USA

How much does teaching count in World University Rankings?

How much does teaching count in World University Rankings?

Ranking educational innovation

Ranking educational innovation

International comparisons in higher education: the OECD’s Education at a Glance

International comparisons in higher education: the OECD’s Education at a Glance

Friday, September 24, 2010

Cơ cấu thu chi của ĐH Harvard

Tôi mới tham gia một đoàn đánh giá ngoài cho một trường đại học vừa xong. Và đang có một thắc mắc: liệu có một "công thức vàng" nào đó cho cơ cấu thu và chi của một trường đại học không nhỉ?

Nói cách khác, một trường đại học tốt có cơ cấu thu chi như thế nào? Phải chăng nguồn thu chủ yếu là từ học phí? Hay từ nguồn ngân sách nhà nước? Và tỷ lệ chi như thế nào là hợp lý?

Để trả lời câu hỏi này, tôi đi tìm số liệu từ các trường nước ngoài. Trước hết là ngôi trường Number One của thế giới, Harvard.

Một vài số liệu năm 2009:

1. Tổng thu: 3,827,564 USD (gần 4 tỷ đô là Mỹ)
2. Tổng chi: 3,756,071 (chênh lệch thu chi khoảng trên 60 triệu đô)
3. Cơ cấu thu: học phí (trừ các khoản tài trợ cho học bổng) chỉ chiếm 18%, nguồn kinh phí tự có do hiến tặng (endowment) chiếm đến 37%, nhà nước cấp 15%, thu khác 18% (xin xem hình)

4. Cơ cấu chi: chi giảng dạy 26.5%, chi nghiên cứu 16.6%, học bổng 3%, phục vụ sinh viên (student services) 3.7% (xin xem hình)

Những số liệu này có nói lên điều gì không nhỉ? Ít ra, hiện nay phần chi cho nghiên cứu từ các trường của VN là quá thấp! Mà hình như tiền cấp cho hoạt động KHCN của Bộ KHCN sử dụng không hết, năm nào cũng còn dư thì phải?

Thông tin về thu chi của Harvard ở đây.

Tuesday, September 21, 2010

"Ai đào tạo nên Ngô Bảo Châu?"

Một người bạn học cũ gửi cho tôi bài viết này.

Thấy bài viết có nội dung tốt, có nhiều điều cần suy nghĩ, lại phù hợp với chủ đề về sự trung thực và về việc giáo dục cần chú trọng dạy người mà TBT Nông Đức Mạnh đã phát biểu trong dịp đầu năm học, nên tôi đưa lên đây chia sẻ với mọi người.

Mọi người đọc và trao đổi thêm nhé!

-------------------------
Dư âm về giải “Nobel toán học” đã chuyển sang tranh luận: Ai là người có công đào tạo nên Ngô Bảo Châu?

GS-TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn một lần khẳng định rằng đó là bằng chứng chứng minh chủ trương mở các lớp chuyên là hoàn toàn đúng đắn, bởi từ cấp hai Châu đã học chuyên toán...

Bản thân Ngô Bảo Châu phát biểu ngay sau phút đăng quang: “Để tôi trưởng thành như ngày hôm nay, có công lao của rất nhiều thầy. Người thầy đầu tiên mà tôi muốn nói tới là thầy Hồ Ngọc Đại, mặc dù ông không dạy tôi môn toán, song ông đã có ảnh hưởng tới cách tiếp cận cuộc sống và hình thành nhân cách của tôi…”. (Trước đó, tháng 4-2010, khi GS Hồ Ngọc Đại nhận giải thưởng Phan Châu Trinh, Ngô Bảo Châu cũng đã viết: “Cái cách thầy đặt ra ngoài tầm quan tâm mọi hư danh phù phiếm, để cho việc làm của mình và suy nghĩ của mình luôn song hành chính là cái mà trò luôn hướng theo để học tập”).

Thế nhưng trong phát biểu hiếm hoi về sự kiện này, GS Hồ Ngọc Đại đã kiên quyết không nhận công lao này và một mực nói rằng đó là thành tích của cá nhân Châu.

Thực tế “bổ đề cơ bản” là bài toán đã tồn tại hơn 30 năm, thách đố hàng trăm bộ óc siêu việt trên thế giới. Chính Châu cũng phải mất 15 năm đơn độc để tới đích và chiến thắng. Cái ý chí cũng như cách Ngô Bảo Châu tiếp cận “bổ đề cơ bản” đã có sự khác biệt, vượt ra khỏi “những chỉ dẫn có sẵn của các bậc sĩ phu, những người được trang trí bằng những danh hiệu to lớn…” đúng như những gì thầy Đại mong muốn truyền đạt đến các học trò mình.

Ngô Bảo Châu nhận giải “Nobel toán học”, các trang báo đã và sẽ tràn ngập những câu chuyện kể của những người thầy về cậu học trò siêu việt này. Chỉ có một người vẫn thầm lặng, thậm chí từ chối công lao, bởi quan niệm “khi học sinh biết được nhiều cách sống khác nhau thì trong đời chúng không bao giờ bị áp đặt, không chịu nô lệ. Từ đó, chúng sẽ biết chấp nhận cái khác, biết chấp nhận người khác… để đạt đến tầm văn hóa cao hơn”.

Hình như sự tự trọng, trung thực mới là tiền đề cho nhân tài?

"Tiếng khóc của sự sáng tạo"

Một độc giả của blog này gửi cho tôi truyện ngắn có tựa được đưa làm tựa entry này, nhân đọc entry cũ của tôi trích trên báo Tuổi trẻ về cải cách giáo dục VN.

Tôi đã đọc truyện ngắn ấy, và thấy rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Vì tôi nghĩ truyện ngắn đó mô tả chính xác điều đang xảy trong các trường tiểu học của chúng ta (tất nhiên có thể không phải là tất cả). Vì vậy, tôi nghĩ, nếu độc giả của trang blog này có những thầy cô giáo ở tiểu học, rất mong các thầy cô suy nghĩ và trao dổi thêm.

Nhân tiện, trước đây trên trang blog này tôi cũng có đưa một bài dịch từ báo tiếng Anh của Trung Quốc có tựa là "Phá xiềng trí não". Bài ấy cũng nói về giáo dục sự sáng tạo, và so sánh giữa TQ và phương Tây. Tình trạng ở TQ cũng giống VN. Có phải do ảnh hưởng của Khổng giáo?

Các bạn đọc, suy nghĩ và trao đổi nhé!

--------------------
TIẾNG KHÓC CỦA SỰ SÁNG TẠO

Sana là một cô bé rất dễ thương. Cô bé vừa thông minh vừa sáng tạo. Cha mẹ cô bé cho cô ăn mặc thật đẹp, và thổi vào tâm hồn cô niềm đam mê sáng tạo. Cô bé ngày càng đáng yêu và sáng tạo.

Cô thích sống trong ngôi nhà mơ ước của mình - căn phòng của cô được trang trí như ở nơi tiên cảnh, ở đó cô sẽ nghịch những món đồ chơi của mình, giải những câu đố rắc rối, vẽ tranh bằng những cây bút chì màu, và chìm đắm trong những hoạt động sáng tạo.

Cô bé đã quen hít thở sự sáng tạo. Cô yêu cha mẹ mình, những người chỉ có một mong ước duy nhất là nhìn cô bé lớn lên và trở thành một người sáng tạo.

Một lần, họ nói với cô bé rằng đã đến lúc bắt đầu đến trường rồi. Cô bé liền hỏi: "Tại sao ạ?"

Mẹ cô bé trả lời: "Để có thêm những niềm vui..."

Cô bé phản đối: "Nhưng con đã có mọi niềm vui trong căn phòng của mình với Chuột Mickey, Tom và Jerry và Shrek! Họ là những người bạn của con, chúng con chơi với nhau rất vui vẻ...Tại sao con phải đến trường?"

Cha cô bé giải thích: "Cô giáo của con sẽ dạy con rất nhiều điều, những điều con chưa từng biết. Con sẽ trở nên sáng tạo hơn và cũng sẽ có nhiều niềm vui hơn..."

Sana vô cùng hào hứng. Cả đêm cô bé bồn chồn không ngủ được, cô mơ về trường học và tưởng tượng rằng nó giống như xứ sở thần kỳ của Alice. Cô bé tin rằng ngôi trường của mình cũng đẹp như xứ sở thần kỳ mà cha mẹ cô gọi là "trường học".

Buổi sáng hôm sau, cô bé cùng cha mẹ đến trường.

Đối với một cô bé như Sana, ngôi trường quả là rộng lớn - rộng như cung điện của nhà vua vậy. Nhưng khi cô bé phát hiện ra không có bất kỳ lính gác nào và cô có thể bước vào lớp học một cách tự do và không sợ hãi, cô bé bỗng cảm thấy thật hạnh phúc. Ngôi trường không còn có vẻ rộng lớn và nguy nga nữa.

Trong buổi học đầu tiên, cô giáo mang đến lớp rất nhiều hộp son, bút chì màu, giấy vẽ và bao nhiêu thứ khiến Sana hào hứng. Cô bé chờ đợi được làm những việc sáng tạo như thể một con ngựa tốc hành. Cô giáo nói: "Hôm nay cô và các em sẽ có một buổi học thật vui vẻ..."

Tất cả học sinh đều reo lên hào hứng: "Vâng, thưa cô."

Sana cũng hết sức phấn khích, nhưng cô bé không hòa giọng cùng các bạn. Cô giáo bèn tiến đến chỗ cô bé và hỏi: "Sana, em không hào hứng ư?"

"Có ạ, em..."

Cô giáo ngắt lời Sana: "Thế thì em hãy nhắc lại câu mà các bạn khác vừa nói:"Vâng, thưa cô""

Thế là Sana bắt chước đúng giọng nói và âm sắc ấy: "Vâng, thưa cô."

"Tốt". Cô giáo thấy vui, nhưng Sana thì không. Cô giáo nói tiếp: "Hôm nay chúng ta sẽ vẽ một bức tranh."

"Tuyệt!" Cô bé nghĩ. Sana rất thích vẽ tranh. Cô có thể vẽ những con sông, những con sếu, những con chim én, con cú, con bướm, những chiếc ô tô, chiếc thuyền, tàu điện và cả máy bay. Cô bé lấy hộp bút chì màu ra và bắt đầu vẽ, cô muốn vẽ nhanh hơn và đẹp hơn tất cả các bạn.

Nhưng cô giáo la lên: "Đợi đã! Vẫn chưa đến lúc bắt đầu."

Cô bé dừng lại, chờ đợi với vẻ thất vọng. Cô giáo chờ cho đến khi các học sinh đều sẵn sàng để bắt đầu.

Rồi cô nói: "Bây giờ chúng ta sẽ cùng vẽ những bông hoa."

"Tuyệt!" - Sana nghĩ. Cô bé thích vẽ những bông hoa, hoa sen, hoa nhài, hoa huệ tây và cô bắt đầu vẽ những bông hoa mình chọn bằng những cây bút chì màu tím, xanh lá cây, vàng, xanh da trời và đỏ.

Nhưng cô giáo lại la lên: "Đợi đã! Cô sẽ chỉ cho các em cách vẽ." Và cô vẽ một bông hoa lên bảng. Đó là một bông hồng đỏ cành xanh. "Sau đó", cô giáo nói: "Giờ thì các em có thể bắt đầu."

Sana nhìn vào bông hồng đỏ cành xanh trên bảng của cô giáo, rồi lại nhìn vào bông hoa mình vẽ - một bông sen trăng mọc trên mặt ao. Em thích bông hoa của mình, nhưng không dám nói ra. Cô bé chỉ lật một trang giấy khác rồi vẽ một bông hoa giống với bông hoa của cô giáo - một bông hồng đỏ cành xanh.

Một hôm khác, khi cô bé lo lắng chờ đợi tiết học thủ công tiếp theo, cô giao bước vào lớp và tuyên bố: "Chào các em, hôm nay chúng ta sẽ học thật vui!"

Cả lớp đồng thanh: "Vâng, thưa cô". Lần này Sana nói hùa theo cùng cả lớp.

"Hôm nay chúng ta sẽ dùng đất sét để nặn," cô giáo nói.

"Tuyệt!", Sana nghĩ. Em rất thích nặn đồ chơi bằng đất sét.

Em có thể nặn ra tất thảy mọi thứ: người tuyết, chim cánh cụt, gấu Teddy, sóc, rắn, voi,.. và cô bé bắt đầu nhào nặn miếng đất sét của mình.

Nhưng cô giáo nói: "Đợi đã! Vẫn chưa đến lúc bắt đầu!". Rồi cô giáo chờ đợi cho đến khi cả lớp đều có vẻ sẵn sàng.

"Bây giờ," cô giáo nói: "chúng ta sẽ nặn một cái đĩa bằng đất sét."

Sana thích nặn đĩa bằng đất sét, đủ dạng hình thù và kích cỡ, và cô bé bắt đầu nặn.

Nhưng cô giáo lại nói: "Đợi đã! Cô sẽ dạy cho các em cách làm!" Và cô giáo chỉ cho cả lớp cách nặn một chiếc đĩa sâu lòng. Rồi cô nói: "Bây giờ, các em có thể bắt đầu."

Sana nhìn vào chiếc đĩa của cô giáo, rồi lại nhìn chiếc đĩa của mình. Cô thích chiếc đĩa mình nặn ra, nhưng rồi lại không nói gì. Cô bé lại nặn một chiếc đĩa giống như cô giáo. Chiếc đĩa sâu lòng bằng đất sét.

Và không lâu sau, cô bé học được cách chờ đợi và quan sát, và làm mọi thứ giống như cô giáo. Từ đó, Sana không còn làm những thứ của riêng mình nữa.

Thời gian dần trôi...

Thế rồi cô bé cùng gia đình mình chuyển đến ngôi nhà mới ở một thành phố khác, và cô bé lại phải đi học ở một ngôi trường khác. Lần này cô không còn cảm thấy hào hứng nữa. Cô bé đã chẳng còn mơ về một xứ sở kỳ diệu nữa.

Ngôi trường này thậm chí còn lớn hơn ngôi trường đã cũ. Ngay ngày đầu tiên đến trường, cô giáo đã nói: "Nào các em, hôm nay chúng ta sẽ học thật vui!"

Cô bé Sana reo lên: "Vâng thưa cô."

Giọng nói lẻ loi của Sana vang dội khắp căn phòng, khiến em vô cùng bối rối khi bị các bạn học sinh khác tủm tỉm cười. Em trở nên sợ hãi. Cô giáo tiến đến ôm và an ủi Sana, một điều em chưa từng trải qua. Điều đó khiến em xúc động và những giọt nước mắt trào ra khỏi khóe mắt.

"Hôm nay chúng ta sẽ vẽ một bức tranh", cô giáo nói, và các học sinh vô cùng hào hứng.

Chỉ riêng Sana không mấy nhiệt tình. Cô đợi cô giáo bảo mình phải làm gì, nhưng cô giáo chỉ im lặng và đi xung quanh lớp học.

Khi đến chỗ cô bé, cô giáo hỏi: "Em không vẽ ư?"

"Có ạ", Sana nói.

"Em định vẽ cái gì?", cô giáo hỏi.

Sana chỉ nhìn cô giáo mà không bắt đầu vẽ, em vô cùng bối rối.

"Cô sẽ không biết em vẽ gì cho đến khi em vẽ xong," cô giáo nói.

"Em phải vẽ thế nào thưa cô?" Sana hỏi.

- Tại sao em lại hỏi như vậy, em có thể vẽ bất cứ thứ gì em thích

- Còn về màu sắc thì sao ạ?

- Bất cứ màu gì - cô giáo nói - nếu mọi người cùng vẽ một bức tranh, và dùng những màu sắc giống nhau, thì làm sao cô biết được ai là người vẽ, và các bức tranh khác biệt ra sao? Hãy sáng tạo...- cô giáo khích lệ - Em có khả năng sáng tạo riêng của mình phải không nào?

- Sáng tạo - Sana thì thầm - Không. Trước kia, em đã có sự sáng tạo - cô bé trả lời ngây thơ.

- Vậy điều gì đã xảy ra với sự sáng tạo của em?

- Có người đã đánh cắp nó!

- Ai đánh cắp nó?

- Em không biết - cô bé khe khẽ nói. Sana lấy giấy vẽ, cầm bút vẽ và mở hộp màu của mình ra. Cô bắt đầu vẽ một bức tranh. Đó là một bông hoa - bông hoa hồng đỏ cánh xanh.

Và...

Nước mắt lăn dài trên gò má cô bé và cô không nói gì nữa. Một giọt nước mắt - giống như một giọt sương, lấp lánh trên bông hồng đỏ...

(Trích “Quạ Khôn Không Bao Giờ Khát - Tác giả: Moid Siddiqui)
Nguồn tải truyện ngắn này: http://www.box.net/shared/tvebt50urq
------

Monday, September 20, 2010

"Cải cách để có một nền giáo dục trung thực"

Đầu tuần, đầu ngày, nên không có thời gian để viết. Nhưng vì vừa đọc thấy trên yahoo news tin này (nguồn từ Tuổi trẻ) nên phải đưa vào đây để lưu, và sẽ quay lại viết một chút về nó.

Có thể tìm bài ấy ở đây.

Một vài trích dẫn đáng lưu ý:
Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, khoa học và công nghệ ngày càng tiến triển mạnh mẽ, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, đều thấy rằng để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển thì con người là yếu tố quyết định.

Muốn vậy cần phải có một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, đủ sức tạo ra chất lượng và hiệu quả thật sự trong sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng văn hóa và con người VN. Tiếc rằng trong các dự thảo văn kiện, phần viết về giáo dục chưa thể hiện được điều đó.

Nhận xét của tôi: Nguyên Phó Chủ tịch nước NTB nói đến một "nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại". Còn tôi, tôi cho rằng hãy cứ nhấn mạnh tính trung thực, thì đương nhiên sẽ dẫn đến lành mạnh. Còn hiện đại thì đương nhiên rồi, không cần phải kêu gọi, nó vẫn cứ tồn tại vì cuộc sống đòi hỏi thế.

Cải cách giáo dục là quá trình tạo ra giai đoạn phát triển mới về chất của một nền giáo dục. Đó là sự thay đổi cơ bản, sâu sắc và toàn diện về mô hình phát triển giáo dục, bao gồm thay đổi về mục tiêu, nguyên lý hoạt động, về cơ cấu hệ thống, về nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, về cách thức đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ giáo viên, về cách thức tổ chức và quản lý nhà trường...

Tất nhiên muốn thế phải có những thay đổi lớn về quan điểm và chính sách. Với cách hiểu như vậy, những chủ trương đổi mới như đã thực hiện do không đồng bộ lại dựa trên cơ sở những quan điểm và chính sách đã bị cuộc sống vượt qua, nên không thể xem là cải cách, cho dù những nhà hoạch định cho rằng chủ trương được vạch ra là “căn bản, toàn diện, mạnh mẽ”.

Những chỗ tôi in đậm ở trên là những chỗ cần quan tâm nhất theo quan điểm và kinh nghiệm của tôi.

Tôi sẽ còn trở lại với entry này. Rất mong các bạn có ý kiến trao đổi nhé, về vấn đề rất cấp thiết và hệ trọng này đối với vận mệnh đất nước hiện nay.

Sunday, September 19, 2010

"Các tiêu chí xếp hạng đại học của tạp chí Times Higher Education (THE)"

Hình này minh họa tương quan lực lượng giữa các cường quốc giáo dục đại học trên thế giới theo kết quả xếp hạng 2010 của THE, được lấy trên mạng, ở đây.

Đọc được bài này có liên quan đến những điều tôi đang quan tâm nên tôi đưa về đây để lưu. Nó ở đây.

Những bài có liên quan:

1. "Tạp chí Times Higher Education công bố xếp hạng 200 đại học hàng đầu", ở đây.

2. "Harvard đứng đầu top 200 đại học hàng đầu thế giới", ở đây.

3. "Xếp hạng đại học: Mỹ áp đảo, Anh rớt hạng" ở đây.

4. "Times Higher Education công bố danh sách đại học tốt nhất", ở đây.

5. Trên BBC, sáng nay 21/9/2010: "Hoa Kỳ áp đảo ...", ,ở đây.

Vài nhận xét ngắn: (1) Giới truyền thông VN lúc này quan tâm đến xếp hạng đại học toàn cầu quá. (2) Các trường đại học TQ đang tiến lên một cách đáng kể, lọt vào top 50.

Có thể nhận thấy những khuynh hướng sau đang xuất hiện tại VN:

- Giáo dục đã được xem như một loại hàng hóa thực sự, và vì vậy cần cung cấp thông tin thị trường nhanh gọn đến độc giả.

- Toàn cầu hóa giáo dục đại học và hiện tượng "luân chuyển chất xám" đang diễn ra rõ rệt ở VN (VN là sending country, và các nước có trường đại học ở hàng top là receiving countries).

- Việc hiểu biết về các hệ thống xếp hạng đại học và trắc lượng khoa học (science metrics) là thực sự cần thiết, trước hết là để tự biết mình, rồi sau đó sẽ biết mình cần làm gì để đi đến mục tiêu đã đặt ra.

Tuesday, September 14, 2010

Cần một nền giáo dục vì con người

Cập nhật ngày 15/9/2010

Tôi mới "nhặt" được câu này trên mạng, thấy hay hay và hợp với ý trong bài viết này của tôi, nên đem nó về đây để cất. Nó như thế này:
An education is about more than getting into a good college or getting a good job when you graduate. It’s about giving each and every one of us the chance to fulfill our promise—to be the best version of ourselves we can be.

Bản dịch của tôi:
Giáo dục không chỉ là vào được một trường đại học tốt hay tìm được một việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Giáo dục là làm sao từng người và tất cả mọi người phải có cơ hội để thực hiện mơ ước của mình - đó là, phát triển tối đa tiềm năng sẵn có trong mỗi chúng ta.


Nguồn: http://www.facebook.com/vtpanh?v=wall&story_fbid=154536684574866#!/barackobama
---------------------------------------------------------------
Bài viết này tôi viết cho một tờ tạp chí nhân dịp đầu năm học, nhưng ... bị chê, không được đăng. Mặc dù tôi đã viết hết cảm xúc thật của mình. Cũng có thể là bài viết bị chê vì có một vài đoạn hơi ... sáo, do tôi mới được góp ý là nên cẩn trọng hơn trong ngôn từ. Vì khi đăng lên blog, tức là bài viết đã có sự hiện diện công cộng. Mà ứng xử công cộng thì phải khác với ứng xử cá nhân, khi chỉ có riêng mình.

Thôi, báo không dùng thì cũng đăng bài viết lên đây để chia sẻ với mọi người. Mong mọi người đọc và trao đổi. Và giúp tôi đoán xem vì sao bài không được đăng, nhé?

-----------
Năm học 2010-2011 bắt đầu trong bao nỗi ngổn ngang. Bạo lực học đường tràn lan; đạo đức xã hội xuống cấp; bệnh thành tích, giả dối, nạn sính bằng cấp trầm kha dẫn đến nạn bằng giả, trường dỏm; rồi nạn “thất nghiệp có bằng cấp” vì đào tạo không dựa trên nhu cầu xã hội; phong trào tị nạn giáo dục; nạn chảy máu chất xám … tất cả đang bày ra trước mắt chúng ta, và đều cấp bách. Nhưng giải pháp cho tình trạng này dường như chưa tồn tại, hoặc tồn tại nhưng mơ hồ và không thể triển khai, hoặc đã có kế hoạch rõ ràng, chi tiết đến từng hoạt động kèm chi phí ước tính, nhưng lại thiếu thuyết phục nên không được sự ủng hộ của xã hội.

Nhưng dù ngổn ngang, bừa bộn đến đâu, thì năm học mới cũng đã đến, năm đầu tiên của thập niên thứ hai trong thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại. Những bước đầu tiên của ngành giáo dục để đưa đất nước đến dần với tầm nhìn 2020. Cần bắt đầu từ chỗ nào đây? Câu hỏi này có lẽ mọi người Việt Nam đều đang tự đặt ra, nhưng câu trả lời ở tầm quốc gia chỉ có thể đến từ những vị lãnh đạo đất nước.

Theo dõi tin tức trên báo chí trong những ngày đầu năm học, tôi chú ý đến phát biểu của hai vị lãnh đạo cao nhất của đất nước và của ngành giáo dục, mà theo tôi đã hàm chứa câu trả lời cho câu hỏi nói trên. Phát biểu trong dịp lễ khai giảng, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã dặn dò ngành giáo dục phải chú trọng việc dạy người. Trả lời phỏng vấn với tư cách tân bộ trưởng, người vừa được giao trọng trách lèo lái con tàu giáo dục của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói ông không có ý định tạo dấu ấn riêng . Phải chăng sai lầm của chúng ta lâu nay chính là ở đây: điều hành ngành giáo dục nhằm mục tiêu có được những thành tích nổi bật và tạo dấu ấn, mà chưa chú trọng đầy đủ đến mục tiêu dạy người?

Có một điều đơn giản mà hình như ở Việt Nam chúng ta hay quên, đó là giáo dục (education) không chỉ là đến trường (schooling). Khắp đông tây kim cổ, mọi nền giáo dục chân chính đều nhằm vào phát triển con người. Sự thành công của một nền giáo dục được đo bằng khả năng phát triển những tài năng sẵn có – đã bộc lộ hoặc còn tiềm ẩn – của từng cá nhân đến mức cao nhất. Để làm được điều này, không thể tiếp tục làm theo cách một chiều từ trên xuống như hiện nay.

Tại sao không? Thử bình tĩnh nhìn lại cung cách vận hành của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay, ta sẽ thấy dường như đang tồn tại một sự mâu thuẫn. Cuộc sống thì biến chuyển hàng ngày, nhu cầu của con người là vô hạn, còn tài năng của các cá nhân thì hết sức đa dạng, phong phú và luôn phát triển. Nhưng hầu hết các hoạt động trong ngành giáo dục đều xuất phát từ cùng một nguồn và theo cùng một quy trình vạch sẵn. Trước hết là những chủ trương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó ngành giáo dục sẽ đề ra những chương trình hành động đầy quyết tâm, những dự án tham vọng với những chỉ tiêu cụ thể dù đôi khi phi thực tế; và kèm theo đó là cách quản lý chặt chẽ nhấn mạnh tính tuân thủ và bóp nghẹt sự sáng tạo. Đến nỗi cả những “sáng kiến” cải tiến của ngành giáo dục để giải quyết những vấn đề thực tế đa dạng của lớp học cũng vẫn theo trình tự nói trên. Phải chăng chính mâu thuẫn này là nguyên nhân sâu xa của nhiều vấn nạn trong nền giáo dục Việt Nam ngày nay?

Giáo dục theo nghĩa phát triển con người không thể chỉ là những gì diễn ra trong trường lớp và được quản lý bởi ngành giáo dục. Trước hết và trên hết, nó là sự nỗ lực lâu dài, bền bỉ nhằm phát triển tài năng cùng các giá trị sống của từng người học, từng gia đình, từng thầy cô, cùng sự hỗ trợ và tiếp sức của cộng đồng nơi các em sinh sống và học tập. Thành tựu của giáo dục Việt Nam vì thế không phải là kết quả của những đề án như đại học đẳng cấp quốc tế, phát triển hệ thống trường chuyên vv, cũng chẳng phải là kết quả của những “phong trào” dạy kỹ năng sống hay đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào trường học, như cách chúng ta vẫn suy nghĩ hiện nay.

Thành tựu giáo dục đích thực phải là những con người với những tài năng riêng biệt được phát triển tối đa, và một xã hội nơi mọi tài năng đỉnh cao đích thực được tôn trọng và vinh danh. Nếu không có được điều này, thì mọi đề án của ngành giáo dục Việt Nam dẫu có thành công vẫn sẽ là vô ích.

Nói đến tài năng và sự vinh danh, năm học 2010-2011 không chỉ bắt đầu với những ngổn ngang, mà còn có những điểm sáng. Dư âm của niềm vui về sự kiện Ngô Bảo Châu đến giờ vẫn còn đầy ắp. Theo tôi, Ngô Bảo Châu là một bằng chứng sống động của quan điểm giáo dục không phải là những kế hoạch được triển khai tỉ mỉ của ngành giáo dục, mà trước hết và trên hết là một môi trường phát triển nhân cách lành mạnh, sự kiên trì vun đắp tài năng theo thiên hướng cá nhân của gia đình, và sau đó là môi trường giáo dục trong lành của nhà trường, nơi đó vai trò của người thầy được tôn trọng và phát huy đúng mức.

Giáo dục là phát triển con người, đó là triết lý duy nhất đúng. Triết lý giáo dục vị nhân sinh. Theo tôi, ở mức độ cá nhân, triết lý ấy vẫn luôn sống mạnh mẽ trong những con người Việt Nam nghèo khó, những người luôn tâm niệm phải nỗ lực học hành để phát triển cá nhân, thoát kiếp nghèo và giúp đỡ được cho gia đình, rồi từ đó góp sức xây dựng cộng đồng, làng xóm. Với triết lý như vậy, cô bé Bình Gấm bán khoai năm nào đã thi đậu cùng một lúc vào 3 trường đại học, để nay trở thành bác sĩ công tác tại Bệnh viện Thống Nhất gần nơi tôi sinh sống trước đây – một quận nghèo, nhiều dân nhập cư, nhưng cũng rất nhiều người thành đạt, vươn lên từ nghèo đói.

Cả Ngô Bảo Châu ở miền Bắc lớn lên trong thời chiến tranh và xuất thân từ một gia đình học thức, lẫn Bình Gấm ở miền Nam lớn lên sau ngày đất nước thống nhất trong một gia cảnh khốn khó, mỗi người theo cách riêng của mình đều là những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam ở những mức độ khác nhau. Những thành tựu đó hoàn toàn không phải là kết quả trực tiếp của bất kỳ chủ trương, kế hoạch, đề án, hoặc phong trào nào, mà là của những nỗ lực đúng hướng của cá nhân và gia đình, cùng với môi trường sinh sống và học tập lành mạnh mà những cá nhân đó may mắn được hưởng.

Để trả lời cho câu hỏi “Nên bắt đầu từ đâu?”, trong tiếng Anh người ta nói “Hãy bắt đầu từ đầu. Begin at the beginning.” Câu trả lời hiển nhiên và luôn luôn đúng, dù rất dễ bị quên. Nếu mục đích của giáo dục là phát triển con người, thì hơn ai hết, ngành giáo dục cần chứng tỏ mình thực sự vì con người bằng cách trân trọng chính những con người hoạt động trong môi trường giáo dục.

Hãy tôn trọng từng cá nhân người học bằng cách tôn trọng tiếng nói riêng của các em, hãy tôn trọng những con người trực tiếp đóng góp vào thành quả giáo dục của một dân tộc – các thầy cô giáo – bằng cách trả cho họ một đồng lương xứng đáng. Hãy tôn trọng các vị lãnh đạo các trường bằng cách giảm bớt những can thiệp từ trên vào những quyết định chuyên môn của họ. Hãy tôn trọng cả môi trường trong lành của giáo dục bằng cách nghiêm khắc với những giả dối và tiêu cực trong môi trường giáo dục như chạy điểm, chạy trường, chạy hội đồng, bệnh thành tích, bệnh sính bằng cấp và nạn bằng cấp không đi kèm năng lực….

Về phần mình, ngành giáo dục cũng cần được toàn xã hội hỗ trợ. Sự hỗ trợ ấy thật đơn giản: hãy tôn trọng các sản phẩm và thành tựu thật của giáo dục bằng cách tôn trọng các tài năng đích thực mà nền giáo dục ấy mang lại, bằng cách tạo cho họ những môi trường làm việc trong sạch với những vị trí và điều kiện làm việc xứng đáng nhất mà đất nước có thể tạo ra.

Vâng, chỉ cần bắt đầu từ đầu, và làm đúng từ những việc nhỏ nhặt nhất, thì những thành tựu lớn của giáo dục sẽ tự đến vào đúng thời điểm của nó. Lúc ấy, chắc chắn giáo dục Việt Nam sẽ có được một vụ mùa bội thu.
-------------
Viết xong ngày 13/9/2010

Saturday, September 11, 2010

"Cẩn trọng trong quan hệ"

Bài viết này của tác giả Philip Altbach, một nhà nghiên cứu về giáo dục đại học quốc tế người Mỹ, GS tại ĐH Boston, được đăng trên blog The World View (Nhãn quan thế giới) của tờ Inside Higher Education ngày 18/8 vừa qua.

Do nó có liên quan đến giáo dục đại học của VN và những vụ scandals liên quan đến liên kết đào tạo đại học trong thời gian gần đây, tôi có nhờ Khôi (con trai tôi) dịch và sau đó gửi cho báo Văn hóa Nghệ An, một tờ tạp chí ở một địa phương nhỏ mà tôi chỉ mới quan tâm đến gần đây do lời giới thiệu của bạn bè. Đọc, và thấy thích nó, nên nhận lời cộng tác.

Nay báo đã đăng, nên theo đúng luật chơi (luật bất thành văn), tôi "được quyền" đem về blog của mình để lưu giữ và giới thiệu với thân hữu của blog này "thưởng thức".

Các bạn đọc, và có gì thì cho ý kiến nhé! À quên, ai muốn đọc Văn hóa Nghệ An thì vào địa chỉ này: http://vanhoanghean.vn/index.php.
------
Cẩn trọng trong quan hệ: một trường hợp cần cảnh báo[1]
Tác giả: Philip G. Altbach
Thứ sáu, 10 Tháng 9 2010 15:38

Vừa qua, báo chí trong nước có phanh phui thông tin về một trường đại học “dỏm” của Mỹ là ĐH Irvine có liên kết với một trong những đại học hàng đầu của Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội. Mặc dù đã chấm dứt từ năm 2008 vì ĐHQG HN chê đối tác là không có thứ hạng cao, nhưng liên kết này cũng đã kéo dài nhiều năm, và đã thực hiện đến 10 khóa đào tạo với tổng số học viên tuyển vào lên đến 300 người. Đáng nói hơn nữa, khi bị báo chí phanh phui, lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội dường không phân biệt được sự hợp pháp của một đơn vị với tình trạng được hoặc không được kiểm định của một trường đại học như ĐH Irvine. Vì thế mới có những phát biểu nhầm lẫn và đáng tiếc khiến dư luận phản ứng.

Trong thời đại nối mạng thông tin và toàn cầu hóa như hiện nay, hầu như không có việc gì xảy ra ở một nơi mà thông tin lại không lan ra khắp thế giới. Vụ liên kết với đại học “dỏm” của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia. Bài viết dưới đây của GS Philip Altbach, một giáo sư và nhà nghiên cứu giáo dục quốc tế hàng đầu của Mỹ hiện nay với rất nhiều bài viết đã được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam, đã phân tích những bài học cần rút kinh nghiệm qua vụ việc này để tránh những sai lầm tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Bài viết trên vừa được đăng vào ngày 18/8/2010 trên trang blog mang tên World View, vốn được xem như một phụ trương trên mạng của tờ tạp chí giáo dục đại học nổi tiếng Inside Higher Education của Mỹ. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến tất cả các bạn.

------------
Trong giáo dục đại học quốc tế, các trường thường bị xã hội đánh giá qua các mối quan hệ của họ. Vì vậy, việc chọn lọc cẩn thận các đối tác của mình đóng vai trò tối quan trọng. Các trường cần chắc chắn rằng thương hiệu và uy tín của mình được bảo vệ, và quan hệ với đối tác đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Một trường hợp đáng cảnh báo đã xuất hiện tại Việt Nam. Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những trường hàng đầu tại Việt Nam, hiện đang phấn đấu trở thành trường đẳng cấp quốc tế, đã có mối quan hệ chính thức với Đại học Irvine tại Hoa Kỳ. Tôi xin miễn bình luận chi tiết về Đại học Irvine vì tôi không muốn bị họ kiện, chỉ xin nêu rằng Đại học Irvine không được kiểm định bởi bất kỳ tổ chức kiểm định nào được Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (U.S. Education Department) hoặc Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA) công nhận. Điều này có nghĩa là sinh viên của trường không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính của chính phủ và chính quyền ở một số bang sẽ xem bằng cấp của sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Irvine là không đáp ứng được những yêu cầu về giáo dục dành cho công chức. Sẽ không thể tìm thấy vị trí của Đại học Irvine trên bất cứ bảng xếp hạng đại học thông dụng nào – thậm chí không có ngay cả ở vị trí cuối bảng.

Dường như ĐHQG HN đã chấm dứt quan hệ của họ với Đại học Irvine, nhưng không phải mọi tin tức có đề cập đến quan hệ với Đại học Irvine trên website của họ đều đã được loại bỏ. ĐHQG HN có nhiều mối quan hệ trên thế giới – theo website của họ thì họ có đến 88 mối quan hệ, bao gồm 19 quan hệ với các trường đại học tại Hoa Kỳ, 27 quan hệ với các tổ chức của Nhật Bản, bao gồm một số tập đoàn lớn như Fujitsu, 2 quan hệ với các trường của Anh, v.v…. Số lượng các đối tác ở đây nhiều một cách phi thực tế. Thật ra, trường hợp của ĐHQG HN không phải duy nhất. Nhiều trường đại học trên thế giới dường như chỉ quan tâm đến việc có được những biên bản ghi nhớ (MoU) hoặc các thỏa thuận hợp tác vốn chẳng có ý nghĩa gì hơn là một tờ giấy ghi lại các quan hệ đó. Những bản thỏa thuận này trông khá “xôm” khi đăng trên website, lại có vẻ là dấu hiệu của sự quốc tế hóa và bằng chứng cho các hợp tác toàn cầu. Nhưng trong thực tế, những mối quan hệ như vậy không có mấy ý nghĩa đối các bên tham gia.

Có lẽ không ai muốn chỉ trích một cách bất công đối với ĐHQG HN, vì nhiều trường đại học ở các nước đang phát triển ra những quyết định kỳ lạ khi lựa chọn đối tác vì họ thiếu thông tin, do họ bị ảnh hưởng bởi những lợi nhuận do các đối tác hứa hẹn, hoặc do tác động của các mối quan hệ cá nhân phức tạp. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, các cá nhân ở cấp lãnh đạo cao nhất hoặc các tổ chức có quan hệ chặt chẽ với chính phủ như ĐHQG thường sẽ nhận được rất nhiều yêu cầu hợp tác từ các trường đại học nước ngoài và thường không sẵn sàng từ chối. Bên cạnh đó, họ hầu như chẳng mất gì khi đồng ý thiết lập quan hệ.

Nhưng ở đây có những bài học cần chú ý. Bài học đầu tiên là các trường rất dễ bị dính vào những mối quan hệ không cân xứng. Những mối quan hệ này có thể gây tổn hại cho danh tiếng của trường và, quan trọng hơn, gây tổn hại cho sinh viên và giảng viên khi họ bị dính líu với những đối tác có vị trí hoặc danh tiếng thấp hơn ở trong nước cũng như trên thế giới. Có quá nhiều mối quan hệ quốc tế như thế có thể tạo ra những vấn đề cho việc đảm bảo chất lượng và quản lý cũng như bảo vệ danh tiếng. Và một trường đại học với quá nhiều đối tác có thể bị xem là vô trách nhiệm hoặc ít nhất là không biết chọn lọc.

May mắn thay, những vấn đề trên có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Yếu tố quan trọng nhất là có được một hoặc hai nhà quản lý hiểu rõ về bức tranh giáo dục đại học thế giới. Bỏ thì giờ nghiên cứu và khám phá những tác động của các mối quan hệ cũng là một việc quan trọng. Bên cạnh đó, phải có một chiến lược giáo dục quốc tế rành mạch, tương tự như một chính sách ngoại giao của nhà trường, từ đó vạch ra những chiến lược và kế hoạch cụ thể, cung cấp một lộ trình cho các liên kết quốc tế. Đối với các nước đang phát triển, yếu tố quan trọng nhất có lẽ là sự cam kết phục vụ lợi ích cao nhất của nhà trường và của quốc gia, hơn là đồng ý với mọi lời mời gọi hợp tác từ bên ngoài.
-------------
Nguồn: http://www.insidehighered.com/blogs/the_world_view/the_company_we_keep_a_cautionary_tale

Thursday, September 9, 2010

"Làm thế nào để hủy hoại các trường đại học?"

Lang thang trên mạng, tôi vớ được bài viết này trên blog của một người mà tôi nghĩ là tôi đã gặp. Bài viết không phải của chủ nhân blog mà của một tác giả khác, bằng tiếng Anh, ở đây.

Nói thêm, nếu tôi không lầm thì chủ nhân của blog này là một nhà khoa học có uy tín, một nhà toán học (hình như có quen Ngô Bảo Châu), các bạn vào đấy để tìm hiểu thêm nhé. Còn ở đây, tôi chỉ muốn giới thiệu bài viết, một bài mà theo tôi là rất hay, dí dỏm và giễu cợt, nhưng rất đau xót, và thực ra ẩn chứa trong nó là những lời khuyên rất sáng suốt. Vâng, vì nếu chúng ta đang muốn xây dựng một nền giáo dục đại học có chất lượng, để góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước, mà lại cứ làm như thế này, thì làm sao mà có đại học tốt được? Làm như thế, thì đó là hủy hoại các trường đại học đấy chứ!

VN đang hủy hoại trường đại học của mình sao? Làm sao mà tin được nhỉ? "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" cơ mà? À, thì cứ đọc mà xem. Bài viết nhắc đến VN nhiều lần lắm đấy!

Xin ghi lại đây các ý chính:

Để hủy hoại các trường đại học thì có thể làm theo những cách sau:

1. Hủy diệt các nhà khoa học: theo cách của VN, Liên Xô là bỏ đói để chết từ từ. Trả lương họ thấp hơn những người lao động phổ thông (điều đang diễn ra ngay trong năm 2010).

2. Làm tha hóa con người (corrupt the people): cái này có nhiều cách:

2.1 Một lần nữa lại là cách của VN, Liên Xô: bỏ đói. Đói ăn vụng, túng làm liều mà, nên cả thầy lẫn trò đều bị tha hóa, thế là ... xong!

2.2. Đưa ra những chỉ số hiệu suất vớ vẩn (dumb down performance measures): theo tác giả, đó là cách của Anh, nhưng tôi (VTPA) nghĩ đó cũng là cách của VN nữa, thí dụ như cứ có thật nhiều người có bằng cấp là tốt, bất kể đó là bằng gì!!!!!!!

2.3. Áp dụng hệ thống "phi tài năng" (anti-merit system): đây là cách "xã hội chủ nghĩa", ai nấy lãnh lương như nhau dù làm giỏi làm dở gì cũng rứa! Cũng là cách của VN mà?

2.4. Hồng tốt hơn chuyên (red is better than competent): cách "cộng sản chủ nghĩa", trời ơi, sao cái gì cũng "dính" VN hết vậy nè?

2.5. Phương pháp "dân chủ": cho sinh viên chấm điểm giảng viên. Miễn chấm điểm cao là tốt, hic hic. VN cũng đang đi theo hướng này?

Vân vân. Còn nhiều lắm, nhưng thôi, đọc đoạn chót nè, cách này hoàn toàn của VN đó:

3. Lãng phí thời gian và các nguồn lực khác: ví dụ như lãng phí thời gian vào các môn chính trị (triết học Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hic hic hic!!!) Tác giả này bảo hình như phải đến 40% thời gian ở ĐH VN là học mấy cái môn có liên quan đến chính trị tư tưởng vv. Chẳng biết có đến nỗi thế không, nhưng cũng ... không phải là oan hoàn toàn nhỉ?

Mà, không phải là tôi nói đâu nhé, tác giả nước ngoài ông ấy nói đấy! Tôi chỉ giới thiệu thôi!

Có đáng suy nghĩ không quý vị?

Wednesday, September 8, 2010

Columbia Southern University (CSU) là một trường như thế nào?

Tôi đã định không nói gì về CSU. Lý do ư? Chỉ là sự thận trọng, không muốn xô đẩy hoặc lôi kéo dư luận, tạo ra đám đông hoan hô đả đảo ầm ĩ. Và cũng không muốn là một phần của cái đám đông ấy. Một trò mà ở VN nếu không có tôi thì cũng đã có nhiều lắm rồi, không cần phải tôi góp tay thêm vào đấy nữa, tôi nghĩ vậy. ;-)

Nhưng không nói gì khi mình có thông tin, đặc biệt là khi thông tin ấy có thể có ích cho người khác, thì cũng không phải là tính cách của tôi. Thực ra, hồi trẻ hơn (mới cách đây chừng vài năm thôi), tôi còn bị nhiều người rất ghét vì ... việc chẳng phải của mình cũng chõ mũi vào!

Dài dòng thế, để giải thích entry này. Cũng như nhiều entries khác trên blog này, tôi viết vì có bạn bè, người thân, hoặc sinh viên gọi đến và hỏi thông tin. Vì gần đây, trên báo chí và các blog cá nhân có đề cập đến trường này với hai luồng dư luận trái ngược nhau (well, có lẽ cũng hơi giống vụ UBI): 1. Đây là một trường dỏm, và đào tạo như vậy là lừa đảo người học; 2. Đây là một trường tốt, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có điều kiện học hành (thậm chí còn giúp Bộ Giáo dục đạt chỉ tiêu đào tạo mấy trăm ngàn thạc sĩ, mấy chục ngàn tiến sĩ để nâng cao chất lượng đào tạo nữa!)

Trước hết, xin nói về những hiểu biết của tôi về CSU. Cũng giống như UBI, tôi biết về trường này đã lâu, thậm chí có thời gian được mời làm tutor cho trường này nữa chứ! Tutor, theo định nghĩa của họ, là những người có bằng cấp (họ prefer những người có bằng tiến sĩ, nhưng thạc sĩ cũng được), có thể đọc hiểu tài liệu bằng tiếng Anh và cũng đứng lớp được bằng tiếng Anh, được mời để giúp học viên hiểu tài liệu (họ đưa sách giáo khoa kèm slide bài giảng cho mình) và có thể làm được các bài kiểm tra cuối mỗi bài học. Còn giảng viên của trường thì họ cũng có bay sang, nhưng rất ngắn, hình như mỗi lần sang 1, 2 tuần gì đó là xong một môn học (không kể thời gian tutor như tôi đã nêu ở trên).

Như vậy, tức là họ cũng có hoạt động ... tương đối đàng hoàng, tôi nghĩ thế, chứ không phải cố tình gian lận, vì họ có tổ chức giảng dạy thật, có giúp sinh viên hiểu bài, và học hành thì cũng kiểm tra đầy đủ. Kiểm tra như thế nào ư? Họ dùng Blackboard, mỗi sinh viên có một account, có thể vào trao đổi về bài học trong mỗi môn học (tôi thấy hình như học viên chẳng trao đổi gì mấy thì phải), lấy tài liệu đọc thêm, và thực hiện các bài kiểm tra trên tên của mình. Tất nhiên, có phải đúng là chính học viên làm, hay người khác làm còn học viên chỉ việc đánh kết quả vào, lại là chuyện khác. Cái đó thuộc về đạo đức của mỗi sinh viên (mà gian lận, quay cóp thì ở đâu chẳng có nhỉ, học từ xa hay "học từ gần" gì cũng thế, có điều "học từ gần" thì giảng viên có thể nắm trình độ của học viên tốt hơn nên cũng khó gian lận hơn).

Chương trình học của họ thì công khai trên trang web, ai cũng có thể kiểm tra được, và tôi nghĩ không thấp hơn những chương trình chung. Nhưng thật ra chương trình thì ai chẳng có thể bắt chước từ một nơi khác phải không (các trường VN bây giờ cũng tham khảo chương trình quốc tế vậy). Quan trọng là giảng viên có tốt hay không thôi.

Giảng viên ở bên kia qua thì thực sự tôi không biết, nhưng riêng khoản tutor thì họ cũng ... hơi ẩu thật đấy. Từ kinh nghiệm của tôi, tôi thấy họ chẳng cần chuyên môn gì (mặc dù cũng bắt nộp lý lịch và nộp bằng). Thì bằng của tôi là giáo dục, và đo lường đánh giá mà, chứ đâu có phải là quản trị kinh doanh gì đâu. Khi tôi được giới thiệu tham gia, tôi hiểu đó chỉ là kèm phần ngôn ngữ, té ra là có những học viên (well, ở mấy cái lớp mà tôi phụ trách) mong đợi hết ở mình như một giảng viên, họ đến lớp chẳng chuẩn bị gì, mình cứ như là giảng viên chính thức ấy, phải giảng lại mọi thứ, rồi bắt họ làm việc, mà họ thì đi học bữa đực bữa cái, đến trễ về sớm (mặc dù có điểm danh), và có những người chỉ chăm chăm quan tâm đến việc giải các bài kiểm tra (khá dễ) sau mỗi bài học hoặc sau mỗi phần trong chương trình.

Tóm lại, là một môi trường dạy học rất lạ, đối tượng học viên cũng rất khác, và môn học thì hoàn toàn xa lạ với tôi, nên sau một thời gian tham gia một cách vật vã, tôi ... quit!

Đấy, trường CSU qua kinh nghiệm của tôi là như thế. Kinh nghiệm đó cũng rất ngắn, chỉ vài tháng, tổng cộng mười mấy buổi tiếp xúc với học viên thôi. Nhưng cũng nêu ra cho các bạn biết.

Nhưng đấy không phải là thông tin chính mà tôi muốn đưa. Mục đích chính của entry này là thông tin đến các bạn về những đánh giá của chính học viên Mỹ về CSU - vâng, đây là một truờng chuyên dạy online, đang hoạt động hợp pháp (hợp pháp thì khác với có chất lượng nhé, mà chất lượng thì là một khái niệm tương đối và một trong những định nghĩa của chất lượng là "đáng đồng tiền", hoặc "phù hợp mục tiêu", các bạn ạ). Ở Mỹ cũng rất nhiều người học, và, vì là Mỹ mà, nên nếu bạn muốn tìm hiểu về truờng này chỉ cần lên mạng tìm những thông tin do xã hội dân sự cung cấp - báo chí, các công ty truyền thông giáo dục, các nhóm cùng quan tâm tập hợp lại một cách tự nguyện theo kiểu câu lạc bộ, các tổ chức đánh giá giáo dục tư nhân vv - là có đủ thông tin ngay thôi.

Và hôm qua, sau khi nghe một người quen gọi điện hỏi, tôi đã "do a bit of research" trên mạng, và tìm thấy trang này, mà theo tôi là rất tốt. Một trang để các học viên vào đánh giá (review) về các trường mà họ đã học.

Trong trang này có gì? Cho đến sáng nay, đã có 126 bản reviews của cựu học viên của CSU rồi, và có những review rất chi tiết, có nhiều giá trị thông tin. Rủi thay cho CSU, review gần đây nhất, ngày 26/8/2010, là một review rất xấu. Các bạn cứ thử vào đọc xem, tôi không trích ở đây vì tôi muốn giữ vai trò khách quan, không yêu không ghét, để những phán đoán của mình được chính xác.

Tôi ngồi đọc những review kế tiếp, và thấy review ngay sau bản review rất xấu (và khá dài) mà tôi nêu ở trên là một review ... rất tốt (nhưng rất ngắn gọn). Tò mò, tôi ngồi đọc kỹ 10 review trên cùng, rồi dựa trên bài review để tự mình cho điểm từ 1 (rất xấu) đến 5 (rất tốt) và chia trung bình 10 bản review đó, và tôi có điểm trung bình là ... 3.5 (3 là mức giữa, tức đạt loại trung bình). Vậy 3.5 là ... trên trung bình một chút! (Ấy chết, đó không phải là kết luận đâu, chẳng qua là tôi hay đo đạc, nên thử ... nghịch ngợm một chút với các điểm số mà thôi. Nhưng hình như nó cũng trùng với suy nghĩ của tôi hay sao ấy?)

Và những thông tin cuối cùng đây:

- Trong các reviews mà tôi đã đọc, những người khen CSU chủ yếu khen những điểm sau: (1) chương trình linh hoạt về thời gian, tiện cho người đi làm; (2) đầu vào dễ, học dễ, dễ lấy bằng (!). Ngoài ra, có một số người còn khen (3) giảng viên và nhân viên phục vụ tận tình (4) tài liệu đầy đủ. Đa số những người khen CSU cũng thừa nhận là CSU không có kiểm định vùng mà chỉ kiểm định quốc gia, khó chuyển đổi qua lại (nói theo kiểu VN là không liên thông), nhưng họ cũng chấp nhận điều đó.

- Còn những người chê, thì họ cũng chê thậm tệ và chủ yếu là ở điểm 2 mà tôi nêu ở trên. Họ shocked vì chương trình quá dễ, chẳng đòi hỏi sinh viên làm việc, đầu vào cũng dễ, thi cử như ... cà rỡn (!), ai học thì nếu không tự bỏ học giữa chừng chắc cũng qua hết, ngon ơ! Học hành như thế nên nếu các truờng kiểm định vùng nó chê không chấp nhận cũng là đúng thôi! Và xin đi làm cũng không phải ai cũng chấp nhận (thì tôi đã nói, kiểm định của DETC chỉ là sơ sơ, phơn phớt thôi, nó kiểm định loại chương trình từ xa, là loại dành nâng cao dân trí, giống tại chức ở VN ấy, chứ không phải để đào tạo nhân tài như Hội Khuyến học đã phát biểu đâu ạ!)

Đấy, thông tin tôi có là như thế. Lời khuyên ư? Tôi bắt chước các nhà tư vấn kiểu Mỹ: tùy mục tiêu và điều kiện của các bạn. Cũng giống như ở VN, nếu không có điều kiện học chính quy, thì học tại chức, tại sao không? Vấn đề còn lại nằm ở người sử dụng lao động, họ đối xử ra sao với loại bằng tại chức như thế này. Nếu chẳng cần chất lượng, cứ hễ có bằng, dù tại chức chuyên tu, hay giả, dỏm gì cũng được đưa vào vị trí cao hơn (như hiện nay, hic hic hic), thì có cấm CSU hay Irvine hay UBI ví dụ thế, thì các trường khác cũng sẽ vào, hoặc các trường dỏm trong nước sẽ xuất hiện (thật ra là đã xuất hiện!!!), cũng đâu vào đó các bạn ơi!

Cho nên, vấn đề bằng giả, bằng dỏm vv theo tôi nghĩ, không chỉ nằm ở việc cấm hay không cấm các trường nước ngoài (tất nhiên cũng phải quản lý chứ không buông lỏng như thế này), mà còn cần, trước hết là mỗi người học tự ý thức, rồi kế đó và quan trọng nhất là thái độ đối với bằng cấp của người sử dụng lao động ra sao. Đây mới là mấu chốt của vấn đề, thực thế!!!!!

Tôi lại nhớ một câu mà GS Nguyễn Chung Tú, trước đây dạy ĐH Khoa học Sài Gòn, sau 1975 vẫn còn dạy ở ĐH Tổng Hợp, có lần đã viết hình như trên Tuổi Trẻ, đại khái là "xã hội cần những con người như thế nào thì ngành giáo dục sẽ tạo ra những con người như thế". Các bạn cứ thử ngẫm nghĩ mà xem, sâu sắc lắm đấy!
-----
À quên nữa, tôi có một đề nghị tha thiết: Mấy người có bằng loại này, ai sử dụng đâu thì sử dụng, tốt nhất là để họ làm business, nhưng TUYỆT ĐỐI KHÔNG NÊN ĐỂ CHO HỌ NẮM CÁC CHỨC VỤ QUẢN LÝ VỀ CHUYÊN MÔN Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHÉ! Nếu không thì ... ngành giáo dục của Việt Nam chắc là chết tiêu thôi, Bộ Giáo dục ơi!!!!!!!!

Tuesday, September 7, 2010

Lại phải nói về UBI!

Hôm trước tôi đã đưa lên blog một số entries viết về UBI, và nhận được khá nhiều quan tâm của mọi người. Thậm chí có cả những tranh luận ầm ĩ, người bênh kẻ bỏ, không sao thống nhất được.

Do mọi việc còn đang trong vòng tìm hiểu, nên khi thấy dư luận quá nóng, tôi đã tự cất các bài viết ấy đi để tránh tình trạng những suy nghĩ chủ quan của mình tác động đến dư luận, dù theo chiều hướng khen hay là chê. Cất đi, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi cho rằng việc của UBI là không đáng quan tâm, mà ngược lại là khác.

Vâng, theo tôi việc UBI rất đáng quan tâm, và những người có trách nhiệm ở các phía phải nhận trách nhiệm cũng như có thông tin chính thức đến cho các học viên cũng như toàn xã hội. Việc tôi rút bài xuống chỉ một hành động thận trọng của tôi, để mọi việc được giải quyết trên lý chứ không bị tình cảm dẫn dắt (sẽ trái ngược nhau giữa những nhóm người có những lợi ích khác nhau, và vì thế sẽ gây nhiều tranh cãi không đi đến đâu và không cần thiết!)

Nhưng cho đến nay, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ? Và thậm chí, như lời một học viên của tôi đã nói khi gọi điện cho tôi hôm nay, "dường như vụ UBI chìm xuồng rồi"?

Well, đối với tôi thì nó chưa thể chìm xuồng được, cho đến khi những người có trách nhiệm - có thể là những người quản lý chương trình này từ 2 phía - hoặc cơ quan quản lý nhà nước, hoặc giới truyền thông (sau khi điều tra kỹ và chịu trách nhiệm về thông tin của mình), đưa ra những câu trả lời chính thức đến cho người học (đã học, đang học, hoặc định học).

Vì chưa có câu trả lời chính thức nên tôi tạm đưa ra những ý kiến của tôi, dựa trên những thông tin mà tôi nắm được, như sau:

1. UBI không phải là một trường đại học mà chỉ là một business school, một dạng trường chuyên nghiệp (professional school), tư nhân, có giấy phép hoạt động do Bỉ cấp, nhưng hoạt động chủ yếu ở nước ngoài. Và, vì dạy chương trình 'quốc tế' (tức dạy bằng tiếng Anh), nên Bộ Giáo dục Bỉ KHÔNG quản lý chất lượng chương trình này.

2. Một trường như vậy, mới, nhỏ, và không (chưa) có tên tuổi, thì KHÓ LÒNG được công nhận trong hệ thống hàn lâm của thế giới. Vì vậy, bằng của UBI KHÔNG DỄ GÌ được các trường tốt của Anh, Mỹ vv công nhận. Việc UBI phải có những mối liên kết với các trường khác như Wales, Clark vv cho thấy rõ điều đó.

Ví dụ, trên trang web của UBI nêu rõ, học một số chương trình cử nhân và MBA nào đó ở UBI (Bỉ) thì sẽ cấp bằng của ĐH Wales (bằng cấp này sẽ do Wales validate, nhưng UBI tuyển sinh, giảng dạy, vv tức là làm hết, chỉ không cấp bằng?).

Tuy nhiên, đó là việc ở UBI (Bỉ). Chứ ở VN, bằng của UBI là do UBI cấp, còn có ai công nhận không thì ... không biết, tùy luật lệ mỗi nơi, người học tự tìm hiểu rồi quyết định (nếu không tìm hiểu, không biết thì ... ráng chịu!)

3. Thôi không nói chuyện nước ngoài. Nếu bằng của UBI mà sử dụng để đi học tiếp ở VN thì sao? À, tất nhiên là không được công nhận, vì ... khác hệ! Ừ thì vậy đó, ráng chịu, hic hic!

Còn về chất lượng của chương trình ư, thì, tôi không có nghề nên không biết, mà nếu có thì một mình tôi cũng không thể kết luận được, nếu muốn nói gì cũng phải thành lập hội đồng hoặc thành lập đoàn đánh giá theo đúng quy định, rồi xem xét vv rồi mới kết luận được.

Nhưng cũng phải nói thêm: Nếu xét về nguồn lực để thực hiện tốt chương trình đào tạo thì đội ngũ của UBI cũng hơi ... hẻo, chẳng khá hơn một trường VN là mấy (đa số là Thạc sĩ mà lại dạy Thạc sĩ, thậm chí Tiến sĩ, chỉ có mỗi cái là họ nói tiếng Anh. Nhưng nếu vậy thì mình cũng ... nói tiếng Việt chứ bộ, họ cũng đâu có nói được?) Vậy mà lại thu toàn ngoại tệ, Euro hẳn hoi nữa chứ! Đến gần chục ngàn Euro chứ có ít đâu!

4. Vậy chứ UBI có liên quan gì với NetAcademy và các chương trình liên kết tay ba mà gần đây thấy quảng cáo rầm rộ gì đó không? Có, nhưng mà không (?). Có, là vì đại diện UBI đã chính thức thừa nhận việc liên kết với NetAcademy để mở (tùm lum) các chương trình online tại VN là sai lầm (ừ mà sai quá đi chứ, ai lại tạo ra cạnh tranh nội bộ vậy!!!!)

Nhưng không (?), vì đại diện UBI có cho tôi biết là đã ngưng hợp dồng này với NetAcademy (Mã Lai) rồi. Có đúng không, tôi không kiểm tra được, vì không phải là ... công an, hoặc phóng viên. Nhưng nếu điều này đúng, thì các nơi đang quảng cáo chiêu sinh NetAcademy + UBI là quảng cáo dối, sai sự thật đấy các bạn ạ!

Đấy, tất cả thông tin tôi có về UBI là như thế. Tóm lại là sao? Đây là ý kiến của tôi:

1. UBI hoạt động tại VN là hợp pháp (không có quy định nào cấm).

2. Bằng cấp của UBI cho đến nay không được công nhận trong hệ thống hàn lâm của VN.

3. Bằng cấp của UBI khó lòng được công nhận ở các nước Anh, Mỹ; người ta sẽ xét case-by-case! Mà nếu có ai công nhận để cho học tiếp, thì chắc cũng chỉ là những trường ... giống kiểu UBI mà thôi (vd: trường tư, distance learning, kiểu ĐH Phoenix, hay Kaplan, chẳng hạn?)

5. Thị trường VN có chấp nhận UBI không? Chắc là có, đặc biệt là thời gian đầu khi chưa có ai có bằng cấp về lãnh vực này. Nhưng sau này, vì có nhiều chương trình khác, có sự cạnh tranh vv thì ... tôi không dám chắc. Nếu muốn biết, nên làm những nghiên cứu, thực vậy, rồi mới nói được. Nếu UBI nhìn xa, và làm chuyên nghiệp, muốn xây dựng thương hiệu của mình và cung cấp dịch vụ tốt cho học viên, thì ở VN cả chục năm nay đã phải làm rồi, mới phải chứ?

6. Vậy có nên học với UBI không? Tùy các bạn. Tôi thì không, vì những lý do ở trên.

7. Các ĐH liên kết với UBI có chịu trách nhiệm gì không? À, họ hoạt động hợp pháp, không hoạt động chui. Nhưng sự hợp tác giữa 2 bên có xứng tầm không, thì các trường VN cần tự xem xét, xem thử vị thế của mình ở đâu, sứ mạng của mình là gì, rồi quyết định. Đặc biệt cần xem xét việc UBI gần đây (suýt?) "bán đứng" tên tuổi của mình (nếu có) qua sự hợp tác với NetAcademy. Nếu không có báo chí vào cuộc, thì UBI-NetAcademy hoạt động tùm lum, và ... mấy trường của VN cũng chỉ giống Vietwings gì gì đó thôi sao?

8. Nhà nước VN, và báo chí, xã hội dân sự nên làm gì để mọi việc tốt hơn là tình trạng ... limbo như thế này? Tôi nghĩ có nhiều việc cần làm:

a. Hiện nay UBI dường như không ai giám sát, quản lý về chất lượng? Nhà nước NÊN CÓ QUY ĐỊNH VỀ THẨM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH NƯỚC NGOÀI TẠI VN (hiện hoàn toàn thả lỏng, trong khi các trường VN đấu tranh muốn chết để có tự chủ, thì các trường quốc tế hoạt động tại VN như RMIT muốn dạy sao thì dạy, làm gì thì làm! Hoàn toàn tự chủ, oh la la!)

b. Nên có những tổ chức công lập hoặc tư nhân phi lợi nhuận và có uy tín chuyên cung cấp thông tin giáo dục đến người học, có thể miễn phí (nếu được) hoặc thu một ít phí để trang trải hoạt động.

c. Báo chí cần tích cực hơn trong việc điều tra những việc như thế này và cung cấp thông tin chính xác (có trách nhiệm, nhưng bình tĩnh, khách quan, đừng có chơi trò giật gân lá cải nhen) cho bạn đọc. Nên mời các chuyên gia làm columnist phụ trách các chuyên mục trả lời bạn đọc về giáo dục quốc tế (trả tiền đàng hoàng cho chuyên gia thì họ sẽ làm đều đặn cho mình).

d. Người học nên - please, by all means!!! - tự bảo vệ bằng cách tìm hiểu thông tin cho kỹ. Bao giờ cũng đòi được cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về chương trình, giảng viên, yêu cầu kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng, và công nhận bằng cấp sau khi ra trường. Nhớ đòi thông tin trên giấy, và nếu bị vi phạm, nhớ đòi hỏi, khiếu nại, kiện!!!! Đòi quyền lợi của mình chứ, đóng tiền quá trời chứ có ít đâu!

Đấy, vài giòng trả lời cho bạn học viên của tôi, và cho mọi người có quan tâm! Dài dòng quá phải không, tôi viết một mạch không cần suy nghĩ đấy các bạn ạ!
-----
Cập nhật lúc 20 giờ ngày 8/9/2010
Do mọi việc đến nay cũng đã rõ ràng, như có thể thấy qua thái độ ... bình tĩnh chấp nhận sự thật của mọi người khi đọc entry này của tôi, nên tôi thấy không cần phải cất các entries cũ của tôi về UBI đi nữa, và đã cho chúng xuất hiện trở lại. Ai cần đọc các comments hoặc đọc lại bài cũ (có tính lịch sử của nó) thì đọc nhé! Tìm theo tag "UBI" thì sẽ ra hết thôi.

Đại học tư vì lợi nhuận và mặt trái của giáo dục đại học Mỹ

Giáo dục đại học của Mỹ là niềm tự hào của dân tộc Mỹ, là mơ ước của các quốc gia, và là điểm đến của rất nhiều tài năng tiềm ẩn trên thế giới muốn tìm môi trường để phát triển tối ưu nhất. Điều ấy không có gì cần bàn cãi.

Nhưng đại học Mỹ cũng có mặt trái của nó, mà ở VN gần đây chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trực tiếp cay đắng qua những trường dỏm, bằng giả hoặc bằng thật như giả, ngày càng bị phanh phui nhiều hơn. Và không chỉ có thế, đại học Mỹ cũng xuất hiện trong nhiều vụ scandal lớn ở các nước khác, trong đó có các nước lân cận, ví dụ như Trung Quốc với vụ lùm xùm về Đường Tuấn và nhiều người khác, đến nỗi, theo một bài báo gần đây trên tờ The Star của Pakistan (hình như thế), các quan chức TQ đang làm một việc chưa bao giờ thấy trong lịch sử thế giới, hẳn là vậy, đó là tự động xóa bớt đi những bằng cấp (dỏm) trong các lý lịch công khai của mình. Đúng là bó tay chấm com thiệt chớ! Bài này tôi đã dịch, sau khi gửi cho báo (chưa biết gửi báo nào) thì sẽ đăng lên đây cho các bạn đọc nhé!

Tại sao mà giáo dục đại học của Mỹ vừa rất hay lại vừa rất dở như vậy nhỉ? Nhiều người, trong đó có cả tôi, tin rằng đó chính là những kết quả mang tính hai mặt (cả tốt lẫn xấu) của triết lý quản lý của giáo dục Mỹ. Triết lý đó, là quyền tự chủ gần như tuyệt đối về mặt chuyên môn của giới đại học, và sự khuyến khích thị trường cạnh tranh tự do trong giáo dục. Chính vì triết lý ấy nên Mỹ mới để cho các trường tư có lợi nhuận thành lập "tá lả", chẳng kiểm định gì ráo cũng không sao (vì đó là quyền của họ), miễn là không được đưa thông tin sai lạc đến người học (ví dụ không kiểm định mà nói là có kiểm định), và không vi phạm pháp luật là được. Còn nếu đi làm ăn ở nước ngoài thì OK, theo quy định của nước đó, nhà nước Mỹ không cần biết và không can thiệp, nếu như nước nào đó (ví dụ như VN) không có luật lệ gì để bảo vệ người tiêu dùng thì họ cũng ... đành chịu thôi, sorry các bạn nhé, hãy tránh đừng chết vì thiếu hiểu biết!

Nhưng nếu đại học tư của Mỹ mà làm hại dân Mỹ, và nhất là sử dụng thiếu hiệu quả các loại tiền trợ cấp cho người học lấy từ ngân sách quốc gia - tức lấy từ tiền thuế của dân - thì khác đấy nhé. Ngay lập tức Quốc hội Mỹ sẽ có ý kiến và đòi sửa luật ngay. Nhưng rồi thì những người trong phạm vi điều chỉnh của luật - cũng là dân nước Mỹ, là các doanh nghiệp hợp pháp, đóng thuế đầy đủ - cũng lại có ý kiến, và thậm chí còn vận động hành lang, tạo các nhóm advocacy, các interest groups vv nữa, để tác động lên quá trình làm luật. Cuối cùng thì có lẽ sẽ có những luật lệ phù hợp nhất cho dân Mỹ, nhưng việc làm luật thì không nhanh, mà trước khi có luật thì dù có làm dỏm cũng không ai bắt được! Nên vẫn là người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình thôi, với sự hỗ trợ thông tin của nhà nước và giới truyền thông, thông qua quyền tự do ngôn luận, và quyền lập hội của tư nhân (các hội bảo vệ người tiêu dùng chẳng hạn).

Tôi viết entry này vì mới đọc trên blog về giáo dục đại học của một vị TS của ĐH Stanford, ở đây này. Entry đó đưa bài viết của vị Chủ tịch (President) của trường ĐH Phoenix, dịch tiếng Việt là ĐH Phượng Hoàng đó nghe, một đại học tư chuyên đào tạo trực tuyến với số sinh viên có lẽ vào hàng đông nhất nước Mỹ. Đại khái, vị chủ tịch này viết bài nêu quan điểm của ông ta về những luật lệ, quy định mới mà quốc hội Mỹ đang bàn bạc để thông qua. Ông ta cho rằng những luật lệ khắt khe sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của giáo dục đại học tư nhân, nơi đang phục vụ hàng trăm ngàn sinh viên không có điều kiện đến trường lớp chính quy bla bla bla ...

Các bạn chịu khó đọc bằng tiếng Anh nhé, mới viết, nóng hổi đó. Và có trao đổi gì thì xin comment vào đây, chúng ta bàn bạc chuyện luật lệ cho dân Mỹ cái coi, cho xôm tụ chút! ;-) (Tôi bỗng nhớ câu: Việc người thì sáng, việc mình thì quáng!)
---
Cập nhật
Ai quan tâm đến "dzụ" này xin mời đọc tiếp ở đây nè. Trong bài này có link dẫn đến toàn văn cái "báo cáo khoa học" về đại học tư có lợi nhuận do một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận nằm trong cái "tập đoàn" ĐH Phượng Hoàng kia. Đọc bài trên washingtonmonthly để thấy mọi việc ở Mỹ cũng phức tạp lắm, và muốn phán đoán, lựa chọn gì thì cũng phải giỏi, có nhiều thông tin, và có critical thinking cho tốt, chứ nếu không lơ mơ là bị ... lừa liền đó. Thì đất nước của tự do mà! Tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do kinh doanh, và cả ... tự do ... lừa nữa, ai ... ngu ráng chịu nghe! Cho nên phải khôn và phải biết tự bảo vệ mình bằng luật pháp, và ai lôi thôi ta kiện luôn, cho chết!

À mà cập nhật thêm, ông Jorge Klor de Alva (tên lạ quá há?) là NGUYÊN chủ tịch của ĐH Phượng Hoàng, nay là Chủ tịch (vẫn Chủ tịch!) của cái Trung tâm nghiên cứu do Phoenix lập ra tên là Nexus Research and Policy Center, nơi thực hiện cái nghiên cứu mà từ đó ổng mới đưa ra ý kiến được đưa lên trên trang collgepuzzle của vị TS Stanford đó.

Đúng là chuyện Mỹ!

Monday, September 6, 2010

Đối sánh trong giáo dục đại học (7): Tóm tắt những khác biệt giữa hai hệ thống phân loại

(phần này bổ sung cho phần 6 đã viết hôm trước về hệ thống phân loại của Appleby)

Có hai điểm cần lưu ý liên quan hệ thống phân loại đối sánh của Appleby (1999) khi so sánh với hệ thống phân loại của Camp (1989):

- Appleby (1999) không loại trừ Camp, mà bổ sung cho Camp, hoặc nói đúng hơn, là bao trùm lên Camp: 3 loại đối sánh của Camp chỉ là một hệ thống con trong hệ thống cuả Appleby).

- Không giống như hệ thống phân loại của Camp chỉ phân biệt các loại đối sánh khác nhau, Appleby sắp xếp 3 loại đối sánh của mình theo một hệ thống cấp bậc từ thấp lên đến cao. Thứ tự ấy như sau: đối sánh trắc lượng để tự hiểu mình, đối sánh chẩn đoán để xác định khoảng cách của mình so với mục tiêu cần đạt, và đối sánh quy trình để học hỏi từ người làm tốt hơn mình nhằm mục đích cải tiến. Vai trò của các loại đối sánh này trong tiến trình tự cải thiện của một trường đại học đã được Yarrow (1999:118) tóm tắt gọn ghẽ trong sơ đồ dưới đây.

Phân loại đối sánh: một cái nhìn so sánh

Qua phần trình bày về hai hệ thống phân loại đối sánh nêu trên, hẳn mọi người đều đồng ý rằng khái niệm “đối sánh” quả là rắc rối. Chính vì sự rắc rối này nên những nhầm lẫn hiện đang tồn tại quanh khái niệm “đối sánh” và những lúng túng trong việc áp dụng “đối sánh” như một cách tiếp cận quản lý mới là hoàn toàn dễ hiểu. Trước khi chuyển sang nói về những khó khăn và thách thức khi áp dụng đối sánh trong quản lý trường đại học, chúng tôi xin làm một bản so sánh tóm tắt về hai hệ thống phân loại đối sánh vừa nêu. Những tóm tắt này là phần tổng hợp của chúng tôi dựa trên cả hai quan điểm có ít nhiều khác biệt của Love và Dale (2007:480-481) và Appleby (1999:53-69) .

1. Đối sánh hiểu theo nghĩa rộng và tổng quát là “học hỏi từ thành công của người khác để tự cải thiện”. Định nghĩa này đúng cho mọi trường hợp, không phân biệt đó là các ngành công nghiệp, kinh doanh hay giáo dục, vì đó chỉ một hành động hợp lý trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Bất kỳ ai cũng muốn tự cải thiện, và cách dễ nhất là bắt chước những người đã thành công. Love và Dale đặt tên cho cách hiểu này là “đối sánh truyền thống” (traditional benchmarking) (2007:481) và cho rằng hầu hết mọi công ty, đơn vị, tổ chức đều có thực hiện loại đối sánh này.

2. Tuy phổ biến, nhưng “đối sánh truyền thống” thường không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp do thiếu hệ thống và mục tiêu lại quá mơ hồ. Dưới cái nhìn của những người làm quản lý chất lượng trong lãnh vực công nghiệp, Love và Dale (2007:481) xem đây chỉ là một loại “du lịch công nghiệp” (industrial tourism) được chăng hay chớ, và đề nghị phải có cách tiếp cận khác, chuyên nghiệp hơn, mà các tác giả gọi là “đối sánh chính thức” (formal benchmarking) để phân biệt với “đối sánh truyền thống” để thực sự đạt được hiệu quả của việc đối sánh.

3. Cách phân loại đối sánh của Camp (1989) tuy được xem là kinh điển và được Love và Dale (2007) chấp nhận là cơ sở lý luận về đối sánh, nhưng quá đơn giản và không thực sự phù hợp cho lãnh vực quản lý giáo dục đại học vốn phức tạp hơn nhiều. Hệ thống phân loại của Appleby (1999), dưới quan điểm của một nhà quản lý giáo dục đại học, đã có những bổ sung rất tốt cho hệ thống phân loại của Camp (1989), trong đó bổ sung quan trọng nhất là làm rõ các mục tiêu của các phương pháp đối sánh khác nhau trong tiến trình cải tiến chất lượng của một đơn vị - tự hiểu mình, xác định khoảng cách giữa hiện trạng và mục tiêu, và học hỏi từ bên ngoài và chuyển giao vào bên trong để tự cải thiện.

4. Hệ thống phân loại của Appleby bắt đầu với đối sánh trắc lượng, trong đó nhấn mạnh các thông tin khả lượng và khả sánh (Appleby 1999:61). Mặc dù nó chỉ là bước đầu tiên và thậm chí chưa có liên quan gì đến việc so sánh, mà chỉ mới là đo lường hoạt động của một đơn vị, nhưng nó lại là bước hết sức quan trọng có tính quyết định cho sự thành công của những bước tiếp theo, đặc biệt là trong giáo dục đại học. Có thể nói, đây chính là bước đầu tiên của việc “chính thức hóa” phương pháp đối sánh trong quản lý giáo dục, mà nếu không có nó thì mọi nỗ lực đối sánh trong giáo dục vẫn sẽ chỉ là “đối sánh truyền thống”, một loại “du lịch công nghiệp”, thiếu hệ thống và hiệu quả thấp như Love và Dale đã nêu (2007:481).
(còn tiếp)
---
Tài liệu tham khảo cho phần này (sorry, chỉ có tài liệu trên giấy):

Smith, H., M. Armstrong, and S. Brown (eds) (1999) Benchmarking and Threshold Standards in Higher Education. London: Kogan Page.

Appleby (1999) Benchmarking theory – A framework for the business world as context for its application in higher education. In Smith et al, Chapter 3, pp. 53-69.

Yarrow, D (1999) The business approach to benchmarking – An exploration of the issues as background for its use in higher education. In Smith et al, Chapter 8, pp. 117-131.

Saturday, September 4, 2010

Nói chuyện tiếng Anh (4) - Học tiếng Anh qua Facebook

Tôi đang viết về benchmarking, như các bạn đã biết. Nhưng viết chán quá, mà chắc cũng chẳng ai đọc (!), nên tôi lang thang qua facebook để ... giải trí chút cho đỡ buồn.

Và đọc thấy nhiều cái hay quá trên facebook, liên quan đến việc học tiếng Anh. Nên nhớ ra trước đây tôi có làm mấy bài về Nói chuyện tiếng Anh. Bèn viết tiếp, để giới thiệu về mấy trang học tiếng Anh qua Faceboook mà tôi biết.

Ví dụ như trang này: Learn English. Ở đây.

Hay như thế nào ư? Đây là một ví dụ mà tôi cho là hay này: Nói về đau nhức trong tiếng Anh. Xin trích một đoạn ngắn:
The words for some minor ailments are countable: e.g. a cold, a sore throat, a headache. However, toothache, earache, stomach-ache and backache are more often uncountable in British English. In American English, these words are generally countable.

*I have got a horrible cold.

*Have you got a headache?

*I am getting toothache. (GB)

*I am getting a toothache. (US)

Một trang khác mà tôi cũng thích là Learn English As a Second Language, mà tôi mới được giới thiệu thông qua trang Facebook học tiếng Anh của VOA Special English. Tìm nó ở đây này.

Trích một đoạn mà tôi thích nhé:
It is commonly believed in the United States that school is where people go to get an education. Nevertheless, it has been said that today children interrupt their education to go to school. The distinction between schooling and education implied by this remark is important.

Education is much more open-ended and all-inclusive than schooling. Education knows no bounds. It can take place anywhere, whether in the shower or in the job, whether in a kitchen or on a tractor. It includes both the formal learning that takes place in schools and the whole universe of informal learning. The agents of education can range from a revered grandparent to the people debating politics on the radio, from a child to a distinguished scientist.

Đấy là đoạn trích trong một essay viết về giáo dục, phân biệt education và schooling, rất hay phải không?

Muốn học tiếng Anh qua Facebook ư, nếu bạn đã có Facebook của mình rồi thì quá dễ. Chỉ cần vào các trang mà tôi đã giới thiệu và chọn Like. Thế là xong, nó sẽ tự động hiện ra những phần cập nhật trên trang của bạn. Khi nào vào Facebook thì sẽ đọc được ngay thôi.

Học tiếng Anh ngày nay sao mà dễ thế không biết! Chẳng bù cho thời của tôi: học cử nhân Anh, mà đến khi ra trường cũng chưa bao giờ nghe đài tiếng Anh, xem báo tiếng Anh gì cả (chỉ trừ báo Sputnik của Nga viết bằng tiếng Anh kiểu Nga!)

Các bạn enjoy nhé. Còn tôi, thì phải viết tiếp về benchmarking, hic hic!

Đối sánh trong giáo dục đại học (6): Đối sánh quy trình (process benchmarking)

3. Đối sánh quy trình (process benchmarking)

Nếu đối sánh trắc lượng là bước khởi đầu cần thiết cho quá trình tự cải tiến (hiểu mình là ai, đang chiếm vị trí như thế nào trong cộng đồng), đối sánh chẩn đoán là bước trung gian quan trọng để biết những cái thiếu của mình so với điều mình mong muốn (hiểu mình cần có gì để có thể trở nên khá hơn), thì đối sánh quy trình chính là nghiên cứu biện pháp và vạch lộ trình để đưa một đơn vị về đến đích.

Trong bài viết với tựa đề là “Benchmarking theory – A framework for the business world as a context for its application in higher education” của Appleby (1999) mà chúng tôi đã có đề cập nhiều lần ở trên, phần viết về đối sánh quy trình là phần được tác giả đầu tư nhiều nhất: chiếm đến 4 trang trong bài viết dài gần 13 trang, trong khi cả 2 loại đối sánh còn lại cộng chung cũng chỉ dài chưa đến 2 trang.

Theo Appleby (1999:62-64) đối sánh quy trình tập trung vào việc tìm hiểu các quy trình hoạt động cốt lõi có ảnh hưởng quan trọng đến thành quả cuối cùng của một đơn vị. Đối với một trường đại học, thì các quy trình này có thể là tuyển sinh, tuyển giảng viên, thu học phí, ghi danh các môn học, lấy ý kiến phản hồi của sinh viên sau môn học, hoặc xét tư cách tốt nghiệp, cấp bằng vv. Đáng chú ý là trong phần mô tả về đối sánh quy trình trong hệ thống phân loại của mình, Appleby đã lồng hệ thống phân loại của Camp (1989) vào thành một hệ thống con của đối sánh quy trình, đồng thời bổ sung thêm một loại vào hệ thống của Camp để từ đó chia đối sánh quy trình thành những loại con như sau:

6.1. Đối sánh nội bộ (internal benchmarking): so sánh các quy trình giống nhau giữa các bộ phận có hoạt động tương tự trong cùng một đơn vị. Một ví dụ trong trường đại học có thể nêu là so sánh quy trình lấy ý kiến phản hồi của sinh viên sau môn học giữa các khoa khác nhau trong cùng một trường.

6.2. Đối sánh cạnh tranh (competitive benchmarking): nhằm xác định khoảng cách trong hoạt động-và-thành quả giữa đơn vị của mình và đối thủ trực tiếp. Ví dụ: xem thử chi phí bỏ ra và kết quả đạt được trong mỗi đợt tuyển sinh giữa trường mình và trường “đối thủ”.

6.3. Đối sánh chức năng (functional benchmarking): so sánh cách triển khai những quy trình hoạt động tương tự giữa các đơn vị trong cùng một lãnh vực hoạt động (không nhất thiết phải là đối thủ cạnh tranh).

6.4. Đối sánh tổng quát (generic benchmarking): nhằm xác định những cách làm mới mẻ và thành công của những đơn vị khác (không nhất thiết phải là dối thủ cạnh tranh) và tìm cách học hỏi để chuyển giao về cho đơn vị mình.

6.5. Đối sánh theo nhóm (group benchmarking): là đối sánh không chỉ do một đơn vị thực hiện, mà là một nhóm các đơn vị trong cùng một lãnh vực hoặc thuộc nhiều lãnh vực khác nhau nhưng có cùng mối quan tâm chung, cùng ngồi lại để thực hiện đối sánh và chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Cần nói thêm một chút về “đối sánh theo nhóm”. Thật rõ ràng, đây là một cách làm hiệu quả vì một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện đối sánh thành công là có thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác. Nếu tất cả những người cần so sánh với nhau đều tự nguyện ngồi lại chia sẻ thông tin về chính mình để có thể nhận được thông tin từ người khác thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí về thời gian và công sức để có thể tập trung vào những việc khác. Tất nhiên, đối sánh theo nhóm chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng một nền văn hóa có tính minh bạch cao và truyền thống chia sẻ thông tin, thường thấy ở các nước có trình độ phát triển cao và đa số cũng chỉ ở khu vực phi lợi nhuận.

Rất may, trong lãnh vực giáo dục đại học ta có thể học hỏi được kinh nghiệm của một sáng kiến khá nổi tiếng là Câu lạc bộ đối sánh của CHEMS. CHEMS là từ viết tắt của cụm từ Commonwealth of Higher Education Management Service, tạm dịch: Cục Quản lý giáo dục đại học Khối thịnh vượng chung). Như tên gọi của “tổ chức” này đã nêu rõ, đây là một câu lạc bộ tức một tập hợp không chính thức và tự nguyện thành lập năm 1995 và bắt đầu hoạt động đầu năm 1996, với mục đích tập hợp những người cùng mối quan tâm trong giới quản lý đại học của các nước Commonwealth, cùng ngồi lại để chia sẻ những phương pháp thực hành tốt nhất trong quản lý trường đại học để giúp nhau tồn tại và tiến bộ trong thời đại có quá nhiều thay đổi lớn trong giáo dục đại học trên toàn thế giới. Thông tin thêm về Câu lạc bộ đối sánh (Benchmarking club) của CHEMS có thể tìm thấy rất đầy đủ và chi tiết trong tài liệu Benchmarking in Higher Education – A study conducted by the Commonwealth of Higher Education Service (UNESCO 1998).
(còn tiếp - bài dài quá, hic hic!!!!)
---
Tài liệu tham khảo riêng cho phần này (tốt quá, có bản mềm trên mạng, nhưng ... rất tiếc, nó bằng tiếng Anh!)
Benchmarking in Higher Education – A study conducted by the Commonwealth of Higher Education Service (UNESCO 1998). Ở đây.

Đối sánh trong giáo dục đại học (5): Đối sánh chẩn đoán (diagnostic benchmarking)

2. Đối sánh chẩn đoán (diagnostic benchmarking)

Đối sánh chẩn đoán, như tên gọi của nó, có mục đích chẩn đoán – tức xác định khoảng cách giữa đơn vị của mình so với những chuẩn khách quan bên ngoài do chính đơn vị tự lựa chọn. Loại đối sánh này dường như không được áp dụng phổ biến, mà chỉ sử dụng như những dự án tìm hiểu thông tin về những vấn đề cần quan tâm khi thực sự cần thiết – giống như ta chỉ đi khám bệnh khi tìm thấy những triệu chứng của bệnh.

Trong bài viết “The business approach to benchmarking – An exploration of the issues as a background for its use in higher education” (1999: 117-31), Yarrow (1999) đã thuật lại một dự án đối sánh chẩn đoán được thực hiện ở Anh trong thập niên 1990. Theo Yarrow (1999:121), đối sánh chẩn đoán bổ sung rất tốt cho những hạn chế của phương pháp đối sánh trắc lượng, vì nó không chỉ thu thập những số liệu (“trắc lzượng”) rời rạc và khô khan (ví dụ: tỷ lệ máy tính trên sinh viên, tỷ lệ giảng viên ztrên sinh viên, vv). Ngược lại, nó buộc người tham gia phải có cái nhìn tổng hợp về mọi khía cạnh của vật đối sánh (đơn vị thực hiện đối sánh) và chuẩn đối sánh (đối thủ mạnh nhất hoặc đơn vị thành công nhất của ngành, vv), trên cơ sở lấy kết quả cuối cùng để làm căn cứ xác định khoảng cách – tức những gì chưa tốt mà đơn vị cần biết rõ và có biện pháp cải thiện để cạnh tranh được với đối thủ.

Ở trên ta đã nhận xét đối sánh trắc lượng là một cách làm rất giống với xếp hạng. Sự khác biệt giữa đối sánh trắc lượng với xếp hạng là ở chỗ trong đối sánh thì chính vật đối sánh là người chọn tiêu chí và thực hiện so sánh để đưa ra kết quả cho chính mình, còn trong xếp hạng thì mọi việc là do một bên thứ ba thực hiện. Ở đây, ta lại thấy có tình trạng tương tự giữa đối sánh chẩn đoán và tự đánh giá trong kiểm định chất lượng. Cả hai đều nhằm mục đích tìm ra khoảng cách giữa thành quả đạt được của đơn vị và một chuẩn mực khách quan nào đó từ bên ngoài. Sự khác biệt chủ yếu giữa hai phương pháp này là ở chỗ, đối sánh chẩn đoán so sánh thành tựu của chính mình với thành tựu mà một đơn vị khác đã đạt được (tức lấy đơn vị khác làm chuẩn cho mình), còn tự đánh giá trong kiểm định chất lượng thì so sánh thành tựu hiện có của chính mình với một bộ chuẩn tổng quát do cơ quan kiểm định đặt ra.

Trong hoàn cảnh chưa có một định nghĩa chính thức cho đối sánh chẩn đoán, chúng tôi tin rằng so sánh vừa nêu về sự tương đồng và khác biệt giữa đối sánh chẩn đoán với tự đánh giá trong kiểm định chất lượng cũng có thể giúp ta hiểu được bản chất của phương pháp đối sánh này. Nói vắn tắt, đối sánh chẩn đoán là một bước phát triển tiếp theo của đối sánh trắc lượng trong việc giúp đơn vị hiểu rõ những chỗ thiếu của mình để có thể lập kế hoạch thay đổi và trở nên mạnh như đối thủ hoặc thần tượng của mình.

Friday, September 3, 2010

Đối sánh trong giáo dục đại học (4): Các hệ thống phân loại đối sánh - Phân loại theo mục tiêu

b) Phân loại theo mục tiêu đối sánh

Hệ thống phân loại của Camp (1989) khá đơn giản, dễ hiểu và được hầu hết các tác giả chấp nhận như một hệ thống phân loại cơ bản. Tuy nhiên, vì nó khá tổng quát, nên tính hữu ích của nó chưa cao, và cần được bổ sung bằng những cách phân loại khác. Một hệ thống như vậy đã được đưa ra trong Appleby (1999:60-66), theo đó có thể nhóm các loại đối sánh theo 3 mục tiêu chính như sau: đối sánh để hiểu rõ hiện trạng của chính mình; đối sánh để xác định khoảng cách giữa mình và các chuẩn mực khách quan bên ngoài mà mình muốn đạt đến; và đối sánh để học hỏi phương pháp thực hành tốt nhất từ bên ngoài hòng triển khai thực hiện tại đơn vị.

Tương ứng với các mục tiêu nói trên là 3 loại đối sánh mà Appleby (1999:60) gọi là đối sánh trắc lượng (metric benchmarking), đối sánh chẩn đoán (diagnostic benchmarking), và đối sánh quy trình (process benchmarking).

1. Đối sánh trắc lượng (Metric benchmarking)

Theo Appleby (1999:61), đối sánh trắc lượng vốn thường được áp dụng trong sản xuất và dịch vụ nhằm so sánh trực tiếp để xác định vị trí của một đơn vị/bộ phận so với những đơn vị/bộ phận khác, có thể trong cùng một hệ thống hoặc so sánh với bên ngoài,. Từ “trắc lượng” (metrics) được dùng như một từ đồng nghĩa với của cụm từ “chỉ báo hoạt động” (performance indicator, PI), nhưng nhấn mạnh tính khả lượng (đo lường được) và khả sánh (so sánh được) của các kết quả đo đạc.

Đối sánh trắc lượng thường là bước đầu tiên trong quá trình áp dụng đối sánh trong quản lý. Phương pháp này giúp các nhà quản lý nắm được những thông tin nhanh về hoạt động của đơn vị, chẳng hạn như tỷ lệ giảng viên trên sinh viên hoặc chi phí bình quân trên đầu sinh viên của một trường. Những kết quả trắc lượng như vậy khá dễ hiểu, và một khi các thông tin cần thiết đã được thu thập thì việc so sánh giữa đơn vị này với đơn vị khác cũng rất dễ dàng, thuận tiện.

Việc áp dụng đối sánh trắc lượng vì vậy đã trở nên rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Ở nhiều nước, chẳng hạn như ở Mỹ từ lâu nay, và gần đây là cả Việt Nam với yêu cầu “ba công khai” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường được yêu cầu phải công bố các số liệu) thông dụng về hoạt động của một trường đại học rộng rãi đến công chúng. Các bảng xếp hạng trường đại học (league table hoặc college ranking list) mà các cơ quan truyền thông vẫn thực hiện và cung cấp cho độc giả hằng năm cũng có thể được xem là một loại đối sánh trắc lượng, chúng giúp các độc giả nhanh chóng so sánh các trường với nhau.

Tuy nhiên đối sánh trắc lượng khá hữu ích và thuận tiện trong triển khai, nhưng cần lư ý rằng bản thân việc đối sánh trắc lượng chưa hề có bất kỳ tác động gì trong việc cải tiến hoạt động của một trường. Điều này là do mục tiêu của đối sánh trắc lượng chỉ hạn chế trong việc giúp đơn vị hiểu rõ chính mình thông qua vị trí so với các đơn vị khác, chứ chưa quan tâm đến việc tìm hiểu khoảng cách giữa mình và những người tốt hơn, càng chưa thể nói đến việc tìm cách để lấp đầy khoảng trống đó. Những điều này sẽ được giải quyết bởi hai loại đối sánh còn lại.
(còn tiếp)