Thursday, March 31, 2011

Giáo viên với chất lượng học tập của học sinh

Entry này được trích từ phần cơ sở lý thuyết của một đề tài nghiên cứu mà tôi đã thực hiện từ giữa năm 2004 và nghiệm thu vào năm 2007, do Sở Khoa học và Công nghệ An Giang đặt hàng. Mục tiêu của đề tài ấy là tìm ra những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ở An Giang, vào thời điểm mà đến mấy năm liền tỉnh An Giang có kết quả thi đại học nằm ở mức chót hoặc áp chót của tất cả các tỉnh thành lúc ấy.

Một đề tài mà tôi làm rất tâm huyết, say sưa không quản ngại, bỏ thời gian đến 3 năm ròng rã, đi lên đi xuống từ Sài Gòn - An Giang hàng vài chục lần để điều tra, khảo sát, tập huấn, với cách làm dã chiến: sáng rời nhà từ 3 giờ (đi xe "chất lượng cao" Kim Hương) để có thể đến nơi khoảng 10 giờ sáng, làm việc đến khoảng 3 giờ chiều và lại vội vã quay về ngay để có thể về đến nhà khoảng 10 giờ tối, kịp cho ngày hôm sau đi làm lại như bình thường - trên Thủ Đức, cách nhà tôi đến hơn 20 cây số, và mất gần một tiếng đi đường, hàng ngày!

Bỏ công sức ra như vậy đó, nhưng đến lúc nghiệm thu thì tôi thực sự thất vọng. Có lẽ sự thất vọng của tôi cũng ... tương đương với sự thất vọng của hội đồng đối với những giải pháp mà đề tài của tôi đưa ra. Vì mặc dù nghiệm thu cũng được hội đồng cho qua (!), nhưng những lời góp ý của các vị trong hội đồng - đều là các nhà giáo, nhà quản lý có tên có tuổi, có chức vị - làm cho tôi thấy rõ, dường như không ai hiểu được rằng muốn có được những thay đổi trong giáo dục thì phải rất kiên trì, nhẫn nại, phải nhìn vào sự thật và thành tâm muốn cải thiện, và kết quả thì không dễ dàng. Mà mọi người chỉ muốn có ai đó đưa ra những giải pháp thật dễ dàng nhanh chóng để giáo dục có thể "cất cánh bay lên" ngay lập tức. Chứ như những gì tôi đưa ra thì ... làm đề tài để làm gì, có một vị trong hội đồng đã phát biểu như thế.

Thực sự trong đời tôi chưa bao giờ thất vọng như lần ấy. Và sau đó tôi đã tự nhủ sẽ không bao giờ làm đề tài trong lãnh vực giáo dục nữa. (Mặc dù sau đó vì công việc tôi vẫn phải làm một vài đề tài khác, hoàn toàn ứng dụng để phục vụ cho công việc của mình.) Nhưng cái đề tài mà mình đã bỏ bao nhiêu tâm huyết ra để làm thì tôi ... không thèm nhìn đến nữa. Tôi cảm thấy buồn và giận, như người bị phản bội!

Nhưng rồi, chẳng hiểu sao gần đây có một người không quen gửi thư cho tôi để xin tham khảo đề tài này. Và chính vì lý do đó nên tôi mới tìm lại bản mềm của báo cáo nghiệm thu đã viết. Không tìm thấy toàn bộ (vì bản cứng, bản mềm gì cũng đã nộp lại cho nơi quản lý rồi), nhưng tôi cũng tìm được một số - đủ để chứng minh rằng mình cũng có làm thật (!). Và thấy, có lẽ những gì mình đã viết ra cũng có thể chia sẻ được cho người này người khác, ít nhất là sinh viên, hoặc những đồng nghiệp trẻ trong ngành giáo dục của tôi. Nên đưa dần lên đây cho mọi người đọc.

Các bạn đọc và góp ý nhé. Và hy vọng nó có chút gì có ích cho các bạn.

------------------
Vai trò quyết định của giáo viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục là không thể phủ nhận, như đã được nhiều lần khẳng định cả trên lý thuyết lẫn bằng thực tiễn giáo dục trên khắp thế giới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa giáo viên là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng đến (và vì thế dường như phải chịu toàn bộ trách nhiệm về) chất lượng giáo dục. Anderson (2004) cho rằng “giáo viên và việc giảng dạy của giáo viên chỉ là hai yếu tố trong phức hợp các yếu tố có ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh” (tr. 25). Cũng theo tác giả này, toàn bộ quá trình giảng dạy và học tập là một phức hợp bao gồm tổng cộng 6 yếu tố như sau:

- Đặc điểm của giáo viên
- Đặc điểm của học sinh
- Chương trình đào tạo
- Các hoạt động giảng dạy
- Môi trường học tập (lớp học)
- Các hoạt động học tập và kết quả của chúng

Tất nhiên, mặc dù chỉ chiếm có 2 trong 6 yếu tố tác động, nhưng với vai trò là người ra quyết định trong lớp học, giáo viên có thể có những tác động trực tiếp nhằm tạo ra sự thay đổi đối với các yếu tố có liên quan đến học sinh, đó là yếu tố 2 (đặc điểm của học sinh) và yếu tố 6 (các hoạt động học tập và kết quả của chúng). Đây chính là lý do mà việc nâng cao chất lượng giáo viên - lựa chọn và bồi dưỡng những con người có các tố chất (đặc điểm) và năng lực (có khả năng tổ chức các hoạt động giảng dạy có hiệu quả đối với học sinh) luôn được chú trọng trong mọi cuộc cải cách giáo dục trên thế giới.

Nhưng bên cạnh giáo viên với tầm quan trọng quyết định đối với chất lượng học tập của học sinh, các yếu tố còn lại trong phức hợp giảng dạy và học tập - đặc điểm của học sinh, chương trình đào tạo, và môi trường học tập - cũng cần được xem xét, vì chúng có thể hạn chế hoặc thúc đẩy khả năng tạo ra những thay đổi của giáo viên đối với học sinh. Một giáo viên dù có giỏi và tâm huyết đến đâu cũng phải bó tay trước nhiệm vụ phải làm cho những học sinh yếu kém, “ngồi nhầm lớp” có thể hoàn tất một chương trình học nặng nề, quá tải, trong một điều kiện học tập hết sức khó khăn, thiếu thốn. Ngược lại, cũng chính giáo viên ấy trong một điều kiện tốt hơn (học sinh có đầu vào tốt, chương trình học nhẹ nhàng, cho phép học sinh có thời gian ứng dụng những điều mình đã học trong thực tế, điều kiện học tập tốt, đầy đủ phương tiện nghe nhìn, vv) có thể sẽ đem lại kết quả xuất sắc.

Như vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài nỗ lực nâng cao chất lượng giáo viên còn cần phải song song tiến hành việc cải thiện môi trường làm việc, và điều kiện giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, thực hiện tốt việc phân loại học sinh, đảm bảo một chương trình đào tạo hợp lý, và cho phép giáo viên có những quyết định phù hợp với đối tượng học sinh và bối cảnh hoạt động của chính mình. Nếu không có các chính sách đồng bộ, thì những nỗ lực về phía giáo viên chỉ mang lại những tác động rất hạn chế.
------

Báo cáo nghiệm thu đề tài vẫn còn dài dài, nhưng tôi sẽ đăng dần từng phần để dễ đọc, vả lại đăng hay không và đăng tới đâu cũng còn tùy vào hứng của tôi nữa các bạn ạ! ;-).

4 comments:

  1. Đang nóng lòng đọc phần tiếp theo vì dính tới công việc hiện tại của em. Thank chị.

    ReplyDelete
  2. "Đây chính là lý do mà việc nâng cao chất lượng giáo viên - lựa chọn và bồi dưỡng những con người có các tố chất (đặc điểm) và năng lực (có khả năng tổ chức các hoạt động giảng dạy có hiệu quả đối với học sinh) luôn được chú trọng trong mọi cuộc cải cách giáo dục trên thế giới."

    Em rất tâm đắc với câu này của cô!

    Em cũng trông những phần sau của entry này, cô ơi :)

    ReplyDelete
  3. Bài viết rất hay
    Mong rằng sẽ co nhieu bài tiếp theo

    ReplyDelete