Saturday, March 5, 2011

"Tám biện pháp cải thiện nền đại học Mỹ" (bản đầy đủ) (3)

7. Cắt giảm hỗ trợ thể dục thể thao

Hoạt động thể thao sôi nổi của các trường đại học cũng là một trong những nét đặc thù tạo nên sự “hấp dẫn” của nền đại học Mỹ. Tuy nhiên, theo Daniel de Vise thì hoạt động này ngày càng được tổ chức giống hoạt động thể thao nhà nghề có tính thương mại, chủ yếu nhằm mục đích quảng cáo và xây dựng thương hiệu đối với công chúng, hơn là nhằm mục đích rèn luyện thân thể và tinh thần thượng võ cho các sinh viên, điều mà các trường đại học lẽ ra phải làm.

Chi phí cho các hoạt động thể thao nhà nghề là rất tốn kém, và nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động này đương nhiên được rút từ nguồn kinh phí chung của trường. Nói cách khác, mặc dù các huấn luyện viên và vận động viên đội tuyển của các trường đại học được trả lương cao ngất ngưởng như trong thể thao nhà nghề, thì chi phí cho các hoạt động này lại không phải tự trang trải (ví dụ, thông qua bán vé) mà được nhà trường bao cấp, hỗ trợ từ nguồn ngân sách được cấp và/hoặc từ học phí của người học. Chẳng trách nào học phí đại học của Mỹ cứ liên tục tăng trong suốt một thời gian dài và dường như chưa có ý định đứng lại. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái của Mỹ, rõ ràng là không thể tiếp tục mức độ hỗ trợ cho thể thao tại các trường đại học như hiện nay.

8. Xem xét lại việc tổ chức phụ đạo ở các trường cao đẳng cộng đồng

Cao đẳng cộng đồng là một đặc trưng nổi bật khác mà nền giáo dục Mỹ rất tự hào và được nhiều quốc gia trên thế giới học tập, trong đó có Việt Nam. Cùng với chính sách tuyển sinh mở (gần như ai cũng có thể vào học mà không phải trải qua một cuộc tuyển lựa khắt khe), các trường cao đẳng cộng đồng luôn cung cấp những chương trình giúp củng cố những kiến thức và kỹ năng cơ bản cho những sinh viên yếu (dưới chuẩn) để giúp họ có thể theo kịp chương trình học ở trình độ sau trung học.

Tất cả nghe qua thì rất hay và rõ ràng đáng được duy trì, nhưng những con số sau đây chắc chắn sẽ làm cho bất cứ ai ủng hộ mô hình cao đẳng cộng đồng cũng phải giật mình. Cứ 5 sinh viên đăng ký vào học ở một trường cao đẳng cộng đồng thì có đến 3 người phải theo học những chương trình phụ đạo những kiến thức và kỹ năng của trung học. Đáng giật mình hơn là cứ mười sinh viên phải học phụ đạo khi vào cao đẳng cộng đồng thì chỉ có hơn hai người hoàn tất và tốt nghiệp với tấm bằng cao đẳng hai năm với thời gian học tổng cộng là … tám năm!

Những số liệu nêu trên bộc lộ một bất cập rất lớn trong mô hình cao đẳng cộng đồng hiện nay, mà điểm mấu chốt cũng là ở khâu tiếp nhận sinh viên. Bài viết của Daniel de Vise trích lời của Robert Templin, Hiệu trưởng trường Cao đẳng cộng đồng Bắc Virginia, cho rằng các lớp học phụ đạo như hiện nay là không hữu ích và làm lãng phí thời gian của sinh viên vì phải học lại khá nhiều điều họ đã biết hoặc những điều không thực sự cần thiết cho việc học ở bậc cao đẳng và nghề nghiệp của họ sau này. Vì vậy, thay vì yêu cầu các sinh viên còn yếu kiến thức cơ bản (việc xác định sinh viên yếu được thực hiện dựa trên điểm số của một bài kiểm tra) phải theo học các lớp phụ đạo trước khi họ có thể bắt đầu chương trình chính khóa, một số trường vào thẳng chương trình chính và tự chọn tham gia các khóa học phụ đạo bất cứ khi nào họ thấy cần củng cố kiến thức để có thể học lên tiếp.
--------
“Tám biện pháp cải thiện nền giáo dục Mỹ” tất nhiên cũng là ý kiến của chỉ một tác giả, và bài viết này sau khi ra đời đã gây ra những tranh cãi nảy lửa trên báo chí Mỹ, với những lời phản bác nặng nề – một điều rất bình thường trong một xã hội đề cao tự do tư tưởng và tự do ngôn luận như Mỹ. Nhưng bài viết của Daniel de Vise về những vấn nạn và giải pháp đối với nền đại học của Mỹ vẫn rất có giá trị vì những nhận định sắc bén và mới mẻ của nó. Và thật thú vị, nếu nền đại học Việt Nam rất khó học hỏi từ những thành tựu của mô hình đại học Mỹ, thì những bất cập và thất bại của nó dường như lại có thể là những bài học lớn mà các nhà lãnh đạo ngành giáo dục của Việt Nam có thể rút ra để cải thiện giáo dục của chính mình.

No comments:

Post a Comment