Sunday, March 13, 2011

Free download, dành cho sinh viên ngành giáo dục (hoặc sư phạm): "Nghiên cứu tác động trong giáo dục"

Tôi đã đưa link về tài liệu này trong một entry trước đây với tựa entry là "Hai tài liệu đáng đọc về nghiên cứu khoa học giáo dục. Chỉ có điều là entry ấy ít người quan tâm, có lẽ vì lời giới thiệu của tôi quá tổng quát.

Tại sao tôi lại biết entry ấy có ít người đọc? Ấy là vì hôm nay tôi vào chức năng thống kê trang blog của mình và nhận thấy rằng entry ấy có không nằm trong danh sách những entry "hot" nhất.

Đọc hay không thì tất nhiên là quyền của độc giả. Nhưng hôm qua sau khi ngồi các hội đồng bảo vệ đề cương và chấm luận văn thì tôi thấy rằng các bạn có vẻ còn rất lơ mơ, nhầm lẫn về "nghiên cứu tác động" trong giáo dục. Vì vậy, tôi mới nhớ ra entry này, và đã vào kiểm tra thấy có ít người đọc như đã giới thiệu ở trên.

Và nhớ đến entry đã viết, nên cảm thấy phải viết lại một entry giới thiệu với cái tựa rõ ràng hơn. Các bạn nào đã vào đến đây hẳn có quan tâm, vậy xin đọc bên dưới nhé!

Entry này đặc biệt dành cho các bạn học viên cao học Đo lường - Đánh giá tại TTKT&ĐGCLĐT đang làm LV, hoặc đang chuẩn bị làm.

----
Trước hết, các bạn hãy vào đây để download tài liệu xuống. Đó là trang web của dự án Việt-Bỉ nhằm nâng cao chất lượng giáo viên tại VN.

Nhưng lấy xuống không đồng nghĩa với việc sẽ đọc, đúng không? Vào cái thời buổi mà ai cũng bận túi bụi như thế này. Đặc biệt là các bạn tuy đi học nhưng vẫn làm việc toàn thời gian ở cơ quan, có khi lại còn làm 2, 3 jobs để tăng thêm thu nhập, rồi còn có gia đình, đưa con đón con, chợ búa cơm nước, về đến nhà thì mệt nhoài, đến lớp thì đôi khi ... như cái xác không hồn. (Tôi nói phóng đại đấy, không phải ai cũng thế, và không phải lúc nào cũng thế, nhưng ... rõ ràng là tình trạng ấy không phải là không có, nhỉ?)

Nên phải viết thêm mấy giòng tóm tắt và bình loạn ở đây để giúp các bạn nhớ được đôi điều về nghiên cứu tác động, để đừng rơi vào tình trạng nhầm lẫn căn bản như có một vài bạn đã bộc lộ ra trong mấy ngày qua.

Trước hết, hãy nói về tác độngnghiên cứu tác động. Phần dưới đây được trích trong chương 1 của tài liệu:

[Tác động là] thực hiện những giải pháp thay thế nhằm cải thiện hiện trạng. [...] Chu trình nghiên cứu tác động bao gồm: Suy nghĩ, Thử nghiệm và Kiểm chứng.

. Suy nghĩ: Quan sát thấy có vấn đề và nghĩ tới giải pháp thay thế.
. Thử nghiệm: Thử nghiệm giải pháp thay thế trong lớp học/ trường học.
. Kiểm chứng: Tìm xem giải pháp thay thế có hiệu quả hay không. (trang 3)

Các bạn chú ý nhé: muốn tìm hiểu tác động thì không chỉ đơn giản là chỉ ra được rằng hiện trạng có vấn đề, sau đó lập luận để nói rằng một giải pháp khác (giải pháp thay thế) là tốt hơn, và tưởng rằng như thế là đã đủ! Mà để nói như thế, thì cần phải có THỰC NGHIỆM, tức là experiment ấy, và sau thực nghiệm thì phải KIỂM CHỨNG!!!

Tất nhiên ai cũng biết là trong lãnh vực xã hội và giáo dục thì việc thực nghiệm không phải lúc nào cũng làm được (thường là không làm được!), nhưng lúc ấy bạn sẽ phải dùng những phương pháp khác, và chỉ được gọi là "ảnh hưởng" hay "mối liên hệ" chứ không gọi là "tác động" (dù rằng bạn thực sự muốn tìm hiểu tác động). Ngoài ra, dù ảnh hưởng hay tác động thì cả hai đều đòi hỏi phải có đủ dữ liệu kèm theo lập luận.

Không thể làm theo kiểu như sau: quan sát một hiện tượng/sự vật trước và sau một biến cố mà không hề có khống chế gì hết, rồi sau đó đo lường trước sau và thấy có khác biệt thì kết luận luôn là biến cố ấy có tác động lên hiện tượng/sự vật. Làm như vậy là sai lầm rất cơ bản, các bạn ạ!!!! Thế nhưng hiện vẫn có nhiều bạn phạm vào lỗi này đấy.

Xin mời đọc tiếp về Khung nghiên cứu tác động:

Để giúp giáo viên thực hiện hiệu quả nghiên cứu tác động trên thực tế, chúng tôi đã chuyển các khái niệm trong nghiên cứu tác động thành một khung thực hiện đơn giản. Khung này gồm 6 bước: (1) Hiện trạng (2) Giải pháp thay thế; (3) Thiết kế; (4) Đ lường; (5) Phân tích; (6) Tổng hợp/báo cáo kết quả.

Chương 2 của tài liệu này là một chương hết sức quan trọng: "Vấn đề, giả thuyết và thiết kế". Chương 3 cũng rất cần thiết, đặc biệt đối với các bạn mới thực hiện nghiên cứu định lượng lần đầu: "Thu thập dữ liệu đáng tin cậy", trong đó có nhắc lại các khái niệm về thang đo và kỹ thuật kiểm định thang đo.

Chương 4 nói về phân tích dữ liệu, lại là một chương quan trọng khác, nhưng theo mức độ giảm dần (chương 2 quan trọng hơn chương 3, chương 3 quan trọng hơn chương 4, vì những sai sót phía sau thì dễ sửa hơn, còn sai từ phần thiết kế thì chỉ có cách bỏ đề tài đi mà làm đề tài khác!) Còn chương 5, chương cuối cùng, là nhằm hướng dẫn các bạn viết báo cáo sao cho đầy đủ thông tin và dễ đọc.

Các bạn có nhận ra rằng 5 chương này cũng tương tự như các chương cần có trong một luận văn hay không nhỉ?

Các bạn đọc đi nhé, một tài liệu rất hay đấy: đơn giản, thân thiện, và hay nhất là mọi thí dụ đều lấy trong lãnh vực giáo dục, nên sẽ rất gần gũi với các bạn.

Vậy nhé, chúc các bạn thành công!

No comments:

Post a Comment