Friday, March 18, 2011

Một bài viết đáng suy nghĩ trên tờ Slate hôm nay

Đọc báo quốc tế hôm nay, tôi tình cờ nhìn thấy một bài viết mà tôi rất quan tâm và cần lưu lại, vì nó liên quan đến công việc mà tôi đang phải giải quyết, liên quan đến ... vâng, lại là đạo văn đấy ạ (tôi ngán ngẩm mấy vụ đạo văn này lắm rồi, thực vậy, nghe đến từ đạo văn là thấy ... xây xẩm mặt mày, muốn xỉu! Lý do ư, ai biết tôi thì chắc là sẽ biết tại sao tôi lại nói vậy). Hình như tôi có duyên, hay đúng hơn là có nợ, với các vụ đạo văn, hay sao ấy?

Vụ đạo văn mà tôi đề cập lần này là việc đạo văn của một học viên cao học (đã hoàn tất việc học từ nhiều năm nay). Nói vắn tắt, tôi được mời làm việc trong một hội đồng thẩm định lại và đề xuất hình thức kỷ luật cho tác giả của một vụ đạo văn trong quá khứ nhưng bây giờ mới được phát hiện và tố giác bởi những học viên các khóa sau.

Vụ này thật ra không có gì tranh cãi hoặc phức tạp, vì có những chứng cứ đạo văn rành rành trên giấy trắng mực đen không thể chối cãi. Vấn đề là đã xác định đúng là đạo văn rồi, nhưng xử lý nó như thế nào? Đề nghị của hội đồng là từng thành viên đi tìm những ví dụ đã xảy ra tại các nước tiên tiến để tìm tiền lệ, rồi cân nhắc đề xuất mức kỷ luật để báo cáo lên cấp trên. Tôi cũng đã đọc, và hỏi nhiều giáo sư nước ngoài mà tôi quen, nhưng "trăm người như một" (well, tôi không hỏi đến trăm người như thế đâu, thậm chí chưa được một chục, chẳng qua viết thế là vì nó là thành ngữ, thế thôi), ai cũng nói rằng (1) đạo văn, dù vô tình (vì không biết) hay cố ý đều không thể chấp nhận, và (2) việc xử lý là theo quy định của từng trường, có thể là bị thu hồi bằng cấp nếu ở mức độ nặng, nhưng hình phạt nặng nề hơn cho những cá nhân bị phát hiện đạo văn là việc công khai danh tính của người ấy và sự lên án của cộng đồng.

Cái khó của tôi, và của cả hội đồng, là căn cứ nào để đưa ra mức kỷ luật, vì có vẻ như cho đến nay các trường đại học của VN vẫn chưa hề có trường nào có quy định rõ ràng để xử lý đạo văn khi bị phát hiện cả. Chính vì vậy mà cái hạn giao cho tôi đề xuất mức độ xử lý để cấp trên cân nhắc và ra quyết định đã qua lâu rồi mà tôi vẫn còn lúng túng chưa xong. Lúng túng thật chứ, vì đề nghị nhẹ thì không có tính răn đe, mà nặng quá thì lại ... có lẽ cũng tội nghiệp người ta (vì có thể là không ý thức?), mà mình thì chắc chắn là sẽ mang tiếng là khắt khe, khó chịu, không biết thông cảm với người khác, vân vân và vân vân.

Nên hôm nay vớ được bài viết trên Slate, ở đây, với từ Plagiarism to đùng trong cái tựa, thì tôi phải dừng lại để đọc ngay. Dù chỉ đọc lướt, vì không có nhiều thời gian - tôi đang bận quá, do lúc này dại dột nhận dạy đến mấy lớp (sau một thời gian dài "mất dạy").

Và tìm thấy những điều rất đáng suy nghĩ. Xin trích lại dưới đây:
Why the Washington Post Plagiarism Matters? Because it injures readers.
Tại sao vụ đạo văn trên tờ Washington Post lại quan trọng thế? Vì nó làm tổn hại độc giả.


Washington Post Executive Editor Marcus Brauchli blocked all escape routes that his reporter Sari Horwitz might have mapped when he told Yahoo News reporter Michael Calderone yesterday, "There are no mitigating circumstances for plagiarism."
Trưởng ban biên tập tờ Washington Post, ông Marcus Brauchli, đã bịt mọi đường thoát thân của nữ phóng viên Sari Horwiz của tờ báo này vào hôm qua khi ông tuyên bố với phóng viên của tờ Yahoo News Machael Calderone rằng "Đối với việc đạo văn thì chẳng có tình huống giảm nhẹ nào cả."

[...]

The most aggrieved victims of plagiarism, as I've written before, aren't the writers whose work has been snatched. [...] The real victims are readers, who trust that the reporter accurately reported the story he filed under his byline.
Những nạn nhân đáng thương nhất của đạo văn, như tôi đã nêu trước đây, chẳng phải là các tác giả có tác phẩm bị đạo. [...] Mà nạn nhân thực sự là những người đọc, những người đã có niềm tin rằng phóng viên đã tường thuật chính xác bài phóng sự được đăng dưới tên mình.

Và đây là đoạn cuối cùng:
Don't worry too much about Horwitz. I'm sure she's miserable today, but she and her career will eventually recover because the news industry is generally tolerant of accused plagiarism [..]. Oh, they may be forced to take a time-out, as Horwitz is, or they may get fired. But if they wear the hair shirt and keep their heads down, they can usually find work and continue typing as if nothing ever happened.

Only readers suffer forever.
Chẳng cần quá lo lắng cho Horwitz. Chắc chắn rằng hôm nay cô ấy đau khổ, nhưng rồi cô ta và nghề nghiệp của cô cuối cùng cũng sẽ phục hồi thôi, vì nói chung ngành công nghiệp báo chí thường khá rộng lượng với những vụ bị cáo buộc đạo văn. Ừ thì họ sẽ bị treo bút một thời gian, như trường hợp của Horwitz, hoặc cũng có thể bị đuổi việc. Nhưng nếu họ chịu khó nhẫn nại và chịu nhục một chút thì thường rồi họ cũng sẽ tìm được việc và tiếp tục viết lách như thể chưa bao giờ có việc gì xảy ra.

Chỉ có độc giả là mãi mãi chịu thiệt mà thôi.

Quả là có nhiều điều đáng suy nghĩ. Chẳng hiểu rồi tôi sẽ đề xuất cái gì trong cái hội đồng khó khăn kia đây?

Dễ nhất đối với tôi sẽ là đề nghị mức kỷ luật nhẹ nhất, ví dụ, thông báo về cơ quan đề nghị khiển trách, cảnh cáo gì đó. Nhưng câu kết bỏ lửng của bài viết cứ làm tôi suy nghĩ mãi, vì trong trường hợp mà tôi cần đề xuất hướng xử lý thì còn tệ hại hơn thế: tác giả của vụ đạo văn là một ... giáo viên. Tức là người ấy cũng có một nhóm "độc giả", nhưng còn nghiêm trọng hơn "độc giả" của báo chí rất nhiều. Một loại độc giả trung thành, đặt toàn bộ niềm tin vào đạo đức và kiến thức của người đứng trên bục giảng.

Thật là khó nghĩ quá! Có ai góp ý được cho tôi không nhỉ?

1 comment:

  1. Cô ơi,

    Em đọc bài này và không thể không nghĩ đến đồng nghiệp của cô hiện đang làm tại ĐHQG-HCM. Và em rất thắc mắc, cũng như vô cùng thất vọng về những quyết định nhân sự của ĐHQG cô ạ.

    ReplyDelete