Wednesday, March 30, 2011

"Học đòi theo mô hình Mỹ ư? Hãy cẩn thận đấy!"

Tựa của entry này là tựa một bài viết tiếng Anh của Lloyd Armstrong - tựa gốc là "Coveting the US model? Be careful what you wish for" - được đăng trên Guardian của Anh ngày 24/3/2011 vừa qua. Có thể tìm đọc bài gốc ở đây.

Trước hết, xin nói về Armstrong. Ông là tác giả của một trang blog mà tôi rất hay đọc, chuyên viết về giáo dục đại học Mỹ, là trang Changing Higher Education, tạm dịch là "Đổi mới giáo dục đại học", có thể tìm thấy ở đây. Theo lời tự giới thiệu trên blog của mình, ông nguyên là giáo sư của khoa giáo dục trường University of Southern California, và đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong trường, trong đó cao nhất là chức phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo. Lý lịch khoa học của ông thật đáng nể: tốt nghiệp cử nhân tại MIT, tiến sĩ tại UC Berkeley, postdoc tại Lawrence Berkeley Laboratory, và giảng dạy rồi trở thành giáo sư tại John Hopkins. Như vậy, rõ ràng là những kinh nghiệm và phán đoán của ông về những chỗ nhược của đại học Mỹ hẳn không thể bị xem là thiếu sót hoặc phiến diện được, vì hơn ai hết chính ông phải là người hiểu rõ nhất về những cái hay, cái đẹp của nền giáo dục tinh hoa của Mỹ.

Thế tại sao ông lại viết bài chê đại học Mỹ quá vậy, như có thể thấy qua cái tựa của bài viết mà tôi đang giới thiệu? Trước hết, cần khẳng định rằng ông hoàn toàn không phủ nhận những thành tựu của nền giáo dục Mỹ. Ngay trong phần mở đầu bài viết của mình ông đã dành đến 2 đoạn không ngắn dể điểm qua những thành tựu của giáo dục đại học Mỹ và nguyên nhân của những thành tựu đó.

Nhưng ... - vâng, chữ nhưng đáng ghét - giáo dục Mỹ hiện nay đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề, mà nguyên nhân cơ bản của nó, theo Armstrong, chính là vì chính phủ đang cắt giảm nguồn ngân sách cấp phát cho các trường đại học, khiến cho quá trình "privatization" tức tư nhân hóa trong giáo dục đại học đang diễn ra mạnh mẽ, với những hệ quả đương nhiên của nó.

(Mở ngoặc nói thêm: một quá trình tương tự như thế cũng đang diễn ra ở VN; tuy nhiên, ở VN thì người ta không gọi nó là "tư nhân hóa" mà lại gọi bằng cách ngược lại là "xã hội hóa", và dịch nó ra thành "socialization". Thế nhưng, socialization trong tiếng Anh-Mỹ thì có nghĩa là nhà nước sử dụng thuế của dân để hỗ trợ cho những dịch vụ công nào đó - đại khái thế, tôi viết chưa chính xác và sẵn sàng nhận những trao đổi thêm. Chính vì vậy mà mới có chuyện khôi hài sau đây mà tôi mới nghe một người bạn kể lại: Khi một giáo sư Mỹ đến thăm một trường đại học của VN, có đi tham quan đến khu ký túc xá "xã hội hóa" theo nghĩa của VN, tức là cho tư nhân làm, thì người bạn của tôi đã sử dụng từ "socialization", và vị giáo sư kia hoàn toàn không hiểu! Khi người bạn tôi giải thích nó là như thế, như thế, thì ông rất buồn cười, và sau đó khi trên dường về, đi ngang qua khu KTX mà ông đã được giới thiệu, ông đã rất thú vị chỉ vào khu nhà ấy mà nói đại khái "kia, khu nhà "xã hội hóa" của các bạn đây rồi!".

Tóm lại, đối với tai một người Mỹ thì cách gọi tư nhân hóa thành ra xã hội hóa của VN nghe có vẻ rất ... mỉa mai, thậm chí dối trá, vì ở Mỹ khi nói "socialization" thì người ta nghĩ đến việc nhà nước sử dụng ngân sách để hỗ trợ cho dân chúng (theo kiểu xã hội chủ nghĩa mà lại). Trong khi đó, ngay trên một đất nước xã hội chủ nghĩa như chúng ta thì xã hội hóa lại có nghĩa hoàn toàn ngược lại: nhà nước kiên định với CNXH là VN sẽ không lo nữa vì không đủ sức, thôi thì toàn xã hội, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, và cả cuốc xẻng, gậy gộc nữa, chúng ta cùng nhau lo (tiền) cho giáo dục theo kiểu của mình, và cách dễ nhất là dùng user-pay principle!)

Tôi phải đi làm, nên không viết thêm được nữa, tạm ngưng ở đây, hy vọng tối về có thì giờ viết tiếp. Nhưng các bạn nên đọc bài gốc đi, rất hay, đặc biệt là những nhà làm chính sách, những nhà lãnh đạo giáo dục, và cả những nhà nghiên cứu nữa, vì khi đưa ra những lời tham mưu mà không cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề thì cũng giống như đưa một tấm bản đồ sai cho tài xế, và sinh mạng của bao nhiêu hành khách đều nằm trong tay người tài xế lái xe với tấm bản đồ sai đó. Vô cùng nguy hiểm, phải không các bạn?

1 comment:

  1. Đồng ý với chị PA chữ "xã hội hóa" mình đang dùng là... nói dối. Có 1 nhà báo VN đã từng mổ xẻ chữ này rồi. Và khi dịch qua tiếng Mỹ mà dùng socialization thì bọn Mỹ ngớ ra và cười mỉa mai.

    Ở đâu cũng thế, nếu huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư vào giáo dục theo hướng for-profit thì giáo dục ở đó chỉ có đi xuống. Cái này là tiên đề rồi, khỏi cần chứng minh. Ai từng làm hiệu trưởng trường tư thấy điều này rõ mồn một (chỉ có điều họ không dám nói ra thôi).

    ReplyDelete