Friday, October 15, 2010

“Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế: Chín sai lầm phổ biến”

Đó là cái tựa đã được biên tập lại của một bài viết của tác giả Salmi, chuyên gia về giáo dục đại học của Ngân hàng thế giới mà tôi đã chọn dịch và gửi đăng trên Tia Sáng. Bài đã được biên tập lại chút ít và đăng cách đây vài ngày, có thể tìm đọc tại đây. Bản gốc tiếng Anh ở đây.

Còn dưới đây là bản gốc chưa qua biên tập của tôi, đưa lên đây để lưu. Các bạn đọc và trao đổi nhé.
-------------------

Chín sai lầm phổ biến khi bắt đầu xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế

Jamil Salmi
Phương Anh dịch và giới thiệu

Báo Christian Science Monitor ngày 20/9/2010 đã đưa một bài viết về Việt Nam dưới tựa đề: “Asia’s next economic tiger? Hint: It’s not China or India”, trong đó giới thiệu về trường Đại học Việt – Đức như một mô hình mới trong quản trị đại học Việt Nam. Với mức đầu tư ban đầu là 200 trăm triệu đô la Mỹ và cách điều hành chuyên môn hoàn toàn tự chủ, không chịu sự can thiệp trực tiếp bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngôi trường này hy vọng sẽ trở thành một trường đại học nghiên cứu có đẳng cấp của Việt Nam, với chỉ tiêu lọt vào top 200 thế giới vào năm 2020.

Điều này có khả thi không? Cho đến nay, Việt Nam chưa hề có kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng thành công các đại học có đẳng cấp quốc tế, nên không ai có thể trả lời câu hỏi vừa nêu, mà chỉ có thể phỏng đoán và chờ đợi. Tuy nhiên, theo một bài viết vừa đăng trên trang blog The World View của tờ Inside Higher Education vào ngày 22/8/2010 của Jamil Salmi, chuyên gia về giáo dục đại học của Ngân hàng thế giới, tác giả cuốn sách The Challenge of Establishing World Class University do UNESCO xuất bản, “việc xây dựng một cơ sở giáo dục đại học mới với mong muốn đạt tiêu chuẩn cao nhất là một việc làm cao quý nhưng cực kỳ khó khăn”, thậm chí “đầy cạm bẫy”. Điều đáng mừng là cũng theo tác giả thì những cạm bẫy này không phải là không thể tránh được, nếu chúng ta biết học hỏi những kinh nghiệm của những người đi trước, mà tác giả Salmi đã đúc kết lại thành chín sai lầm cần tránh trong bài viết dưới đây.

Xin trân trọng giới thiệu đến tất cả các bạn bài viết hữu ích này, đặc biệt là cho ngành giáo dục của Việt Nam.
--------------
"Cơ hội tạo ra một tổ chức hoàn toàn mới từ hai bàn tay trắng để đi từ ý tưởng đến hiện thực là một món quà quý hiếm. Nó tạo điều kiện cho nhiều việc mà các trường đại học có bề dày truyền thống khó có thể tưởng tượng ra được. Nhưng nó cũng đòi hỏi phải có tầm nhìn, niềm đam mê, và lòng can đảm để cố gắng đổi mới và quyết tâm tạo ra một nền văn hóa học tập mới tốt đẹp hơn".
Richard Miller, Hiệu trưởng Trường ĐH Olin [xem chú thích số 1 ở cuối bài viết].


Thuật ngữ "đại học đẳng cấp quốc tế" đã trở thành một cụm từ thông dụng để mô tả các trường đại học nghiên cứu đỉnh cao trong hệ thống đẳng cấp của giáo dục đại học. Chính phủ các nước đáp lại sự cạnh tranh toàn cầu bằng cách bổ sung kinh phí để thúc đẩy các trường đại học ưu tú của mình, như có thể thấy qua các "sáng kiến xuất sắc" tại nhiều nước có hoàn cảnh khác nhau như Trung Quốc, Đức, Nigeria, Nga, Hàn Quốc, hay Đài Loan. Trong một số trường hợp, chính phủ khuyến khích các trường đại học hàng đầu của mình hợp nhất lại để đạt được hiệu quả kinh tế nhờ mở rộng quy mô . Một vài nước khác thành lập các trường đại học hoàn toàn mới với mục tiêu rõ ràng là tạo ra các trường đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, tạo được một trường đại học mới với chất lượng cao là một điều dễ nói khó làm, vì xây dựng một tổ chức tầm cỡ thế giới đòi hỏi nhiều hơn là những phản ứng tức thời nhằm đạt vị trí cao trong các bảng xếp hạng, hoặc bơm thật nhiều tiền vào ngân quỹ của trường. Nó là một quá trình phức tạp và lâu dài mà chỉ mới gần đây người ta mới thực sự quan tâm. Dưới đây là phác thảo những sai lầm phổ biến nhất trong những sáng kiến thiết lập một trường đại học hàng đầu.

1. Xây dựng một khuôn viên tuyệt đẹp, và hy vọng phép lạ sẽ xảy ra.

Cơ sở hạ tầng hẳn nhiên là phần dễ thấy nhất của một trường đại học mới. Người ta chăm chút vào việc thiết kế và xây dựng một công trình ấn tượng, và điều này là cần thiết. Một cơ sở hạ tầng tốt chắc chắn là một phần quan trọng trong trải nghiệm học tập của sinh viên, và các nhà nghiên cứu cũng cần các phòng thí nghiệm đầy đủ để thực hiện nghiên cứu khoa học ở đỉnh cao. Tuy nhiên, nếu không có cách quản trị thích hợp, đội ngũ lãnh đạo mạnh, chương trình giảng dạy được xây dựng kỹ lưỡng, cùng đội ngũ giảng viên/ nghiên cứu viên có trình độ, thì một khuôn viên xinh đẹp cũng chỉ là một cái vỏ rỗng.

2. Chỉ thiết kế các chương trình sau khi xây dựng cơ sở vật chất.

Có một giả định thường gặp rằng việc dạy - học có thể dễ dàng thích ứng với bất cứ cơ sở vật chất nào, nhưng thực ra những phương pháp sư phạm tân tiến đòi hỏi phải có cơ sở vật chất phù hợp. Ví dụ, các phương pháp tiếp cận tương tác, học tập dựa trên vấn đề, hoặc các phương pháp làm việc theo nhóm và học tập đồng cấp (peer learning) thường bị hạn chế bởi các giới hạn vật lý của các giảng đường và lớp học thông thường. Tầm nhìn, sứ mạng, và kế hoạch dạy - học cần được xác định trước khi xây dựng cơ sở hạ tầng để cái sau được điều chỉnh phù hợp với các yêu cầu của cái trước, chứ không phải là ngược lại

3. Nhập khẩu nội dung giảng dạy từ một nơi khác. Việc gì phải phát minh lại cái bánh xe?

Các nhóm phụ trách việc thiết lập các trường đại học mới thường nhìn vào các trường đại học hàng đầu của các nước công nghiệp phát triển để "mua" các yếu tố trong chương trình giảng dạy của họ thay vì phải trải qua một quá trình lâu dài nhằm thiết kế các chương trình của riêng mình. Mặc dù điều này có vẻ thiết thực và thực tế, đó không phải là cách hiệu quả nhất để xây dựng văn hóa học tập của một trường đại học mới đạt chuẩn mực cao. Các trường hàng đầu của thế giới như Harvard và MIT là các tổ chức mang tính đơn nhất, nên sẽ là không thực tế khi nghĩ rằng có thể tái tạo mô hình học thuật của những trường này ở nơi khác. Và cũng không thực tế khi hình nghĩ rằng có thể cóp nhặt từng mảnh ghép của các trường đại học có uy tín từ những quốc gia và các nền văn hóa khác nhau rồi giả định rằng các mảnh này sẽ ăn khớp lại với nhau để tạo ra một nền văn hóa học thuật và nghiên cứu trong các trường đại học mới.

4. Thiết kế để áp dụng trong “hệ sinh thái học thuật” của các nước OECD, thực hiện ở nơi khác.

Sao chép những đặc điểm cụ thể vốn làm cho các trường đại học hàng đầu ở Bắc Mỹ và Châu Âu thành công – sự tập trung tài năng, nguồn lực phong phú và quản trị phù hợp – là cần thiết nhưng chưa đủ để tạo ra một trường đại học tầm cỡ thế giới. Sẽ rất khó khăn nếu muốn nói là không thể duy trì sự phát triển của các trường đại học khi sinh thái giáo dục đại học của đất nước không hoàn toàn thuận lợi cho sự phát triển ấy. Các yếu tố chính của một hệ sinh thái học thuật bao gồm sự lãnh đạo ở tầm quốc gia (tầm nhìn cho tương lai của giáo dục đại học, năng lực thực hiện cải cách), khuôn khổ pháp lý (cơ cấu quản trị và các quá trình quản lý ở cấp quốc gia và đơn vị), khung đảm bảo chất lượng, các cơ chế tích hợp cho các loại hình tổ chức đại học khác nhau, nguồn lực tài chính và cơ chế khuyến khích phù hợp, kèm theo cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết. Sự thiếu vắng của dù chỉ một trong những yếu tố này hoặc sự thiếu đồng bộ giữa các chiều kích khác nhau có khả năng làm giảm tiềm năng phát triển và tồn tại bền vững của các trường đại học mới.

5. Chậm trễ trong việc tạo ra một Hội đồng Quản trị và bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo.

Việc tạo ra một trường đại học mới thường là một quyết định chính trị của giới lãnh đạo, sau đó giao cho một Bộ hoặc một ban dự án kỹ thuật triển khai thực hiện. Điều này thường làm cho việc thiết kế và quy trình triển khai chịu sự quản lý trực tiếp của trung ương. Một dự án tầm cỡ như vậy cần được sở hữu và thực hiện bởi một đội ngũ lãnh đạo năng động, làm việc dưới quyền của một Hội đồng độc lập có khả năng đưa ra những hướng dẫn và sự trao quyền. Một cơ cấu quản trị thích hợp ngay từ đầu là điều rất quan trọng để thành công.

6. Chỉ lập kế hoạch cho những chi phí trước mắt, mà quên đi sự ổn định tài chính lâu dài hạn.

Những người bảo trợ sáng lập một trường đại học mới thường công bố một khoản hiến tặng rất lớn cho việc thành lập trường, nhưng chỉ có vốn đầu tư ban đầu thì không đủ. Cần phải cung cấp đầy kinh phí cho những năm đầu hoạt động trong khi chờ đợi thiết lập được một mô hình kinh doanh đảm bảo rằng tổ chức mới có thể duy trì được chính nó.

7. Đưa ra những chỉ tiêu định lượng quá tham vọng.

Lãnh đạo của các trường đại học mới đôi khi nghĩ rằng họ có thể nhanh chóng tuyển được một số lượng lớn sinh viên, thông thường con số được nghĩ đến là cả chục ngàn. Điều này hiếm khi đạt được mà không ảnh hưởng xấu đến chất lượng. Trong thập niên 1970, tác giả E. F. Schumacher đã viết trong cuốn sách có tựa “Nhỏ là đẹp" rằng các dự án phát triển thành công thường có kích thước nhỏ. Ngày nay điều đó vẫn đúng, đặc biệt là khi xây dựng một trường đại học mới. Nếu chất lượng là vấn đề ưu tiên thì hầu như chỉ nên bắt đầu với một số ít chương trình đào tạo và ít sinh viên. Khi một nền văn hóa học thuật xuất sắc đã được thiết lập thì việc mở rộng dễ dàng hơn.

8. Nghĩ rằng bạn có thể làm tất cả trong vòng mười tám tháng.

Một kế hoạch tham vọng quá mức sẽ tưởng tượng rằng một trường đại học mới có thể được đưa ra hoạt động sau vài tháng và chất lượng cao trong giảng dạy và nghiên cứu có thể được thực hiện trong vòng vài năm. Vội vã trong những bước phát triển ban đầu có thể dẫn đến những quyết định có ảnh hưởng xấu đến chất lượng và chi phí. Xây dựng một trường đại học tất yếu phải là một quá trình lâu dài, đòi hỏi lãnh đạo ổn định, cải tiến liên tục, và sự kiên nhẫn. Điều này đặc biệt đúng khi muốn phát triển những truyền thống khoa học mạnh, rất cần thiết để tạo ra những nghiên cứu mũi nhọn và các ứng dụng công nghệ.

9. Chỉ dựa vào các học giả nước ngoài mà không vun đắp năng lực tại địa phương.

Thuê các học giả nước ngoài là cách làm phổ biến để tăng tốc độ khởi động của một trường đại học mới. Thật vậy, đưa các giáo viên giàu kinh nghiệm và các nhà nghiên cứu đến để giúp đỡ một trường mới là hợp lý, và đó cũng có thể là một chiến lược nâng cao năng lực hiệu quả nếu các học giả này không chỉ nghiên cứu, giảng dạy mà còn có nhiệm vụ đào tạo lớp học giả trẻ hơn và ít kinh nghiệm hơn ở nước sở tại. Nhưng nó có thể là một chiến lược phản tác dụng nếu không có những nỗ lực mang tính hệ thống nhằm thu hút và giữ chân các học giả có trình độ trong nước.

Để kết luận, việc đưa ra một cơ sở giáo dục đại học mới với mong muốn đạt tiêu chuẩn cao nhất là một việc làm cao quý nhưng cực kỳ khó khăn. Con đường để đạt được sự xuất sắc trong học thuật thì đầy cạm bẫy, mặc dù những cạm bẫy này không phải là không thể tránh được, như đã được minh họa trong những phần trên của bài viết. Quan trọng hơn, quyết định xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế luôn phải được xem xét trong bối cảnh thích hợp để đảm bảo sự gắn kết với chiến lược giáo dục đại học của đất nước và tránh sự lệch lạc trong phân bổ nguồn lực trong ngành. Tuy nhiên, nếu có một kế hoạch chu đáo và thực tế, việc đạt được sự xuất sắc trong giáo dục đại học luôn có thể được xem như là một mục tiêu xứng đáng và quan trọng.
-------
Chú thích 1:

Richard Miller là Hiệu trưởng của Franklin W. Olin College of Engineering (thường được gọi tắt là Olin College), một đại học tư phi lợi nhuận với tuổi đời khá non trẻ, chỉ mới bắt đầu hoạt động từ năm 2002. Tuy vậy, trong lịch sử ngắn ngủi đó Olin College đã tạo được danh tiếng cho mình, và được xếp hạng trong top 10 những chương trình kỹ thuật tốt nhất nước Mỹ (dành cho các trường nhỏ, không đào tạo tiến sĩ) theo bảng xếp hạng của US News and World Report năm 2010. Lý lịch trích ngang của Richard Miller có thể tìm được ở đây: http://www.olin.edu/faculty_staff/leadership_team_bios/miller.html, truy cập ngày 3/10/2010.

Chú thích 2:
Có thể tìm đọc nguyên văn cuốn sách The Challenge of Establishing World Class University do UNESCO xuất bản ở đây, rất đáng đọc.

No comments:

Post a Comment