Wednesday, October 6, 2010

Đối sánh (9): Áp dụng đối sánh để cải thiện chất lượng trường đại học - những khó khăn về kỹ thuật

Vật vã suốt bấy lâu nay, nay tôi đã hoàn tất bản thảo đầu tiên của bài viết về benchmarking. Sẽ còn phải hoàn chỉnh lại cho logic vì đã sửa quá nhiều lần, ý tưởng có lẽ không còn liền mạch, nhưng thôi hãy cứ đưa lên đây cho ... phấn khởi cái đã. Mong mọi người đọc và thảo luận nhé!
---------------
III. Áp dụng đối sánh để cải thiện chất lượng trường đại học

Sự khác biệt giữa hai hệ thống phân loại của Camp (1989) và của Appleby (1999) [xem bài đối sánh (7) trên blog này] cho thấy sự phát triển của khái niệm đối sánh khi được chuyển từ lãnh vực quản lý chất lượng trong công nghiệp sang lãnh vực quản lý trường đại học. Cho đến nay, hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều áp dụng đối sánh trong quản lý giáo dục, tối thiểu là ở mức thấp nhất là đối sánh trắc lượng – phương pháp đối sánh giúp các đơn vị hiểu rõ hiện trạng của mình thông qua các số đo cụ thể để dễ dàng so sánh với đơn vị khác khi cần.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc áp dụng đối sánh trong trường đại học là hoàn toàn dễ dàng và suôn sẻ. Hoàn toàn ngược lại. Ngay cả ở những nước có nền đại học rất tiên tiến thì việc áp dụng lúc đầu cũng có nhiều khó khăn và thách thức. Theo Schofield (1998: 26-27), việc áp dụng đối sánh trong quản lý trường đại học luôn phải quan tâm giải quyết hai loại vấn đề sau: vấn đề kỹ thuật và vấn đề quản lý.

Xét về kỹ thuật, đối sánh là một quy trình phức tạp gồm nhiều bước. Tùy theo quan niệm của từng tác giả, đó có thể là một quy trình rườm rà 16 bước (Zairi 1996, dẫn lại theo Schofield 1998:26), quy trình 10 bước (Camp 1989, dẫn lại theo Love & Dale 2007:484; đây là quy trình chuẩn được đề cập đến trong nhiều tài liệu về đối sánh trong lãnh vực quản lý công nghiệp), hoặc đơn giản hơn là quy trình của Splendolini (1992, dẫn lại theo Schofield 1998:26) mà chúng tôi sẽ trình bày tóm tắt dưới đây.

Quy trình đối sánh của Splendolini gồm 5 bước mà theo Schofield (1998:26) là “đơn giản một cách đáng ngờ” như sau:
1. Xác định đối tượng của đối sánh tức vật đối sánh (đối sánh cái gì)
2. Thành lập một nhóm làm việc để triển khai đối sánh (ai thực hiện các hoạt động trong đối sánh)
3. Xác định đối tác đối sánh (benchmark partner, đối sánh với ai)
4. Thu thập và phân tích thông tin đối sánh
5. Hành động cải thiện sau đối sánh.

Nói đơn giản một cách đáng ngờ là bởi vì mỗi bước trong quá trình được Spledolini liệt kê dù chỉ gồm vài từ ngắn gọn nhưng đều đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Chỉ riêng bước đầu tiên, xác định vật đối sánh, cũng đã có thể gây rất nhiều tranh cãi.

Những ví dụ liệt kê ở đây cho thấy cho thấy những khó khăn về mặt kỹ thuật khi bắt đầu triển khai đối sánh trong giáo dục đại học. Một vấn đề luôn được mọi người quan tâm là làm thế nào để đo và so sánh chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp của các trường. Phải chăng tỷ lệ tốt nghiệp cao là chất lượng tốt? Hay tỷ lệ tốt nghiệp cao chính là số đo của sự dễ dãi trong cách đánh giá sinh viên của một trường? Tương tự như vậy với tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Tỷ lệ có việc có thể phản ánh chất lượng người học, nhưng cũng có thể chỉ phản ánh nhu cầu của thị trường việc làm tại các địa phương khác nhau. Mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp ngay sau khi ra trường cũng rơi vào tình trạng “đa nghĩa” tương tự. Vì vậy, bí quyết thành công của việc đối sánh là trước hết phải chọn được một tập hợp các chỉ số hiệu suất cốt lõi (Key Performance Indicator, viết tắt là KPI) sao cho có thể vừa đo đạc chính xác, vừa dễ sử dụng trong việc thu thập thông tin, để có thể có số liệu nhằm xác định khoảng cách giữa thực trạng và mục tiêu mong đợi.

Tuy phức tạp, nhưng vấn đề kỹ thuật vẫn có thể giải quyết được thông qua việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho nhóm thực hiện, hoặc sử dụng chuyên gia từ nơi khác đến, chỉ cần có đủ nguồn lực tài chính và thời gian. Trong khi đó, những vấn đề quản lý khi thực hiện đối sánh xem chừng nan giải hơn rất nhiều, như có thể thấy dưới đây.
(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment