Saturday, October 23, 2010

Free download, must-read và phân tích chính sách công tại VN

Mấy ngày nay tôi bận quá, vì phải tham gia một đoàn đánh giá ngoài ở một trường đại học.

Đây là một trường công lớn và rất có truyền thống, nhưng cũng như đa số các trường công (và tư?) khác ở VN, nó rất ngổn ngang, thành tựu cũng nhiều và không thể chối cãi (đặc biệt khi xét về các điều kiện nguồn lực tài chính và nhân lực của nó), và những điều chưa tốt và cần phải cải thiện cũng không hề ít.

Chứ gì nữa? Một ví dụ rất nhỏ trong vô vàn những cái yếu mà có lẽ ai cũng biết của trường này, cũng tiêu biểu cho mọi trường khác, là sinh viên vào học nhưng chẳng được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học của mình, ngoài ... thời khóa biểu (tổng quát) của một HK, và thời khóa biểu chi tiết nhưng chỉ chính xác một cách tương đối của hàng tuần. Còn mọi việc khác, chẳng hạn tổng số tín chỉ, việc được học rút ngắn thời gian (vì tín chỉ mà), các môn học được phép lựa chọn vv tất cả đều chỉ là ... dự kiến, và có lẽ đến 60% là sẽ có thay đổi?

Chà, cái này mà ở Tây thì sinh viên nó kiện cho phải biết! Nhưng ở VN thì ... mọi người quen rồi, mà có lẽ cũng vì bản chất là một dân tộc vui vẻ dễ tính nên thế nào cũng chấp nhận được.

Nhưng cũng không trách được thầy cô giáo và nhà trường, khi lương bình quân của giảng viên chỉ có 6 triệu, còn chuyên viên phòng ban la 5 triệu. Mà đó là lương của những người có học vị trung bình là thạc sĩ, đa số đã có gia đình, với thâm niên bình quân là xấp xỉ 10 năm, và đang sinh sống ở một thành phố đắt đỏ nhất nước (và ... nhiều rủi ro, tai nạn chết người trên đường phố có lẽ cũng thuộc hàng ... nhất nước), mà thu nhập như vậy, thì bảo làm sao mà đòi hỏi nhiều hơn được nữa? Nó cũng giống như đưa cho người nhà 20 ngàn đồng để đi chợ cho một nhà 8 miệng ăn, mà đòi khẩu phần mỗi người phải 200 gr thịt bò, tất nhiên là còn phải cân bằng dinh dưỡng, đủ chất đường bột, chất béo, rau xanh và chất khoáng ...!!!!

Cho nên mới hiểu, tại sao mà hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm định vv đã được khởi động và hì hục làm cả chục năm nay mà không thấy tác dụng gì mấy: thì chính sách lương, chính sách thành lập trường đại học, chính sách tuyển sinh vv vẫn cứ như cũ, thì hỏi kiểm định như vậy chứ kiểm định dày hơn nữa, kỹ hơn nữa, thì liệu có hy vọng mang lại được tác dụng gì không?

Và lại nhớ mấy ngày nay báo chí đang đóng góp cho đại hội đảng, trong đó có đóng góp về chính sách giáo dục. Có nhiều ý hay, có nhiều người tâm huyết, có kinh nghiệm, và có cả lý luận, nhưng cũng không ít người chỉ có hư danh (cũng chuyên gia, cũng chức sắc, cũng sư cũng sĩ cả chẳng kém ai), và chỉ có lý sự và lời lẽ nổ lốp bốp, nhưng ý tưởng thì thuộc loại: "cái mới thì không hay, cái hay thì không mới!"

Chưa kể, còn nhiều cái ... rõ ràng là không đúng, hoặc rất đáng ngờ, thực thế!

Ví dụ, mới trên báo Tuổi trẻ hôm qua có một phần phát biểu mà tôi cứ ngờ ngợ mãi, muốn phản bác nhưng còn thận trọng không dám, cần kiểm tra kỹ lại (chưa kể, cũng muốn tránh vì nếu không thì lại bị hiểu lầm rằng có ... thành kiến cá nhân, hoặc ... chơi xấu đồng nghiệp? Vì ở VN thì, ai cũng rõ mà, "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình?")

Vâng, điều tôi ngờ ngợ là thế này ạ: tôi mới đọc được trên báo Tuổi trẻ một phát biểu rằng ở Mỹ, Viện NC khoa học giáo dục được lập ra do một đạo luật của QH Mỹ, và Viện trưởng do tổng thống Mỹ trực tiếp bổ nhiệm?????

Lạ thật! Tôi nghĩ điều này cực kỳ vô lý vì nhiều lẽ:

1. Mỹ không chỉ có một viện nghiên cứu về giáo dục, mà phải hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Vậy Viện nào là Viện có Viện trưởng do TT Mỹ bổ nhiệm nhỉ?

2. Các viện nghiên cứu chính sách thực chất là các think tanks, mà think tanks của Mỹ thì là một biểu hiện rất rõ của xã hội dân sự; chúng làm việc độc lập với nhà nước, để có thể khách quan mà phản biện nhà nước. Ngay cả nếu chúng có sử dụng ngân sách công thì chúng cũng sẽ được quyền tự chủ rất cao để tha hồ phản biện. Vậy nếu tổng thống bổ nhiệm thì còn gì sự độc lập nữa? Nếu nói khác ý của tổng thống, sẽ bị cách chức thì sao? Vậy hóa ra là các think tanks của Mỹ là thuộc dạng ... bồi bút ư?

Tôi thắc mắc mãi, thực thế, nên nếu có ai hiểu biết hơn xin vui lòng chỉ bảo cho tôi biết với, để mở đầu ra, cho nó bớt ngu đi ạ!

Còn tôi, thì tôi chỉ nghĩ rằng, đã là người có học, thì nên bám chắc lấy câu: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe!"

Nên mới đưa lên đây đường link dẫn đến cuốn sách rất đáng đọc (sorry, hơn 600 trang tiếng Anh), với cái tựa dịch ra tiếng Việt là "Cẩm nang phân tích chính sách công".

ở đây này, rất đáng đọc.

Tôi cũng đang đọc, và nếu có gì hay, và nếu có thời gian, sẽ viết lên đây để chia sẻ với mọi người nhé.

Lại lẩn thẩn nghĩ, ở VN hiện nay, chính sách công được xây dựng theo kiểu rất không chuyên nghiệp như thế này - cứ đưa ra bàn rộng rãi, ai nói cũng được, mà nguời người nói thì biết một cũng tưởng mình biết mười, hùng hồn đao to búa lớn, rồi cuối cùng lấy ý kiến số đông, thì chẳng trách tại sao các chính sách công của ta cứ tệ hại như vậy?

Mà cả những người được xã hội kính trọng, xem là chuyên gia cũng có thể như thế, mới ... kinh hoàng chứ? À mà tôi sực nhớ, trước đây có mấy đồng nghiệp đáng kính của tôi phát biểu ngon lành rằng ... Mỹ không có Bộ Giáo dục! Lạ, làm sao một bộ quan trọng như thế, mà Mỹ lại không có? Hay tại vì nó có Viện NC KHGD rồi, do tổng thống bổ nhiệm lận đó, nên không cần bộ giáo dục nữa??????

Lạ thực đấy, nếu các chuyên gia, những nhân vật tai to mặt lớn trong ngành giáo dục mà đang phát biểu như vậy, thì tôi ... tiêu là cái chắc rồi. Rõ ràng là tôi phải kiểm tra lại những hiểu biết của tôi, vì nó ... khác những gì mà các chuyên gia của VN đang phán trên báo chí quá đi mất! (Ừ mà tôi vẫn đang làm điều ấy đó thôi, bằng chứng cụ thể là bài viết này, chẳng hạn.)

Nhân tiện, mọi người đọc thêm bài này, bằng tiếng Việt, khá hay, để hiểu thêm về quá trình xây dựng chính sách ở các nước nhé!
------
Cập nhật lúc 13:45 phút cùng ngày:
Bài này vừa đưa lên ít lâu là đã có người phản biện, góp ý. Rất hay. Các bạn đọc các comment bên dưới và tranh luận tiếp nhé!

3 comments:

  1. Chào cô

    Em nghĩ viện nghiên cứu được nói đến là Institute of Education Sciences, có website ở đây: http://ies.ed.gov/

    Trong phần About us có một số thông tin về viện này, cũng như viện trưởng:

    "John Q. Easton, the president's nominee for director of the Institute of Education Sciences (IES), was confirmed by the Senate on May 21, 2009, for a term of six years. IES is the research arm of the U.S. Department of Education. It encompasses the National Center for Education Statistics, the National Center for Education Evaluation and Regional Assistance, the National Center for Education Research, and the National Center for Special Education Research."

    http://ies.ed.gov/director/biography.asp

    SGK

    ReplyDelete
  2. Thanks SGK, với cái comment rất nhanh chóng này. Tôi tin là em nói đúng em rồi đấy (mặc dù có lẽ tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm về quá trình bổ nhiệm viện trưởng - do tổng thống Mỹ?)

    Tôi cũng nghĩ đến Bộ Giáo dục Mỹ và các viện, trung tâm, vv nghiên cứu của họ, nhưng nếu vào mạng ở nhà thì các trang vào Bộ Giáo dục Mỹ của tôi đều bị chặn (!), kể từ ngày có mấy vụ om xòm về bằng giả, bằng ma ..., nên chưa kiểm tra lại được.

    Nhưng nếu thế, thì phát biểu của người đồng nghiệp của tôi là chưa chính xác ở nhiều điểm:

    1. Chính sách giáo dục của Mỹ tốt không chỉ vì nó có cái viện đó (thực chất là bộ phận R&D phục vụ công việc của bộ giáo dục Mỹ), mà là vì nó có một cơ chế xây dựng và phản biện chính sách rất dân chủ, với rất nhiều think tanks tư nhân và độc lập.

    2. Nếu nói là cần bắt chước Mỹ để mọi việc tốt lên thì thật ra VN từ lâu đã có hệ thống các Viện nghiên cứu giáo dục công (không có Viện tư), rất to, và sử dụng rất nhiều tiền của nhà nước rồi, nhưng vẫn kém?

    Em cứ tranh luận tiếp cho nó ra vấn đề nhé!

    ReplyDelete
  3. Nói thêm:

    Vì "Viện trưởng" của IES (cái "viện" này thì tôi biết lâu rồi vì hay vào trang của Bộ GD Mỹ để đọc các số liệu) được xem là "quan chức" vì làm việc trong bộ giáo dục mà, cho nên nếu có do tổng thống bổ nhiệm (?) thì cũng phải thôi, và bình thường thôi. Có thể xem ở đây: http://www.whorunsgov.com/Executive_Branch/Department_of_Education

    Tuy nhiên, việc bộ giáo dục Mỹ có cái viện này ở trong và do tổng thống bổ nhiệm (? - tôi chỉ thấy là nominee, chứ không phải là appointee) không thể xem là Mỹ đặt nặng vấn đề giáo dục. Thực ra mỗi cơ quan công, mỗi bộ đều có thể có bộ phận R&D của nó. Nếu đếm số cơ quan government-sponsored think tanks kiểu đó ở VN thì có lẽ còn nhiều hơn Mỹ, sao chính sách vẫn kém?

    Vấn đề tôi nghĩ là tính dân chủ trong quá trình làm luật và làm chính sách em ạ, và tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu, em ạ. Chứ không phải là sự tồn tại của một cái Viện nằm trong Bộ giáo dục như vậy!

    ReplyDelete