Wednesday, October 20, 2010

Các tiêu chuẩn đánh giá ... (2): Mô hình chất lượng giáo dục đại học của AUN-QA

2. Mô hình chất lượng giáo dục đại học của AUN

Quản lý chất lượng là một khái niệm và thực tiễn xuất phát từ trong lĩnh vực quản lý công nghiệp, và nhiều mô hình đã được đưa ra áp dụng, ví dụ như mô hình EFQM của châu Âu hoặc mô hình Balridge của Mỹ. Khi áp dụng quản lý chất lượng vào lĩnh vực giáo dục đại học, cần có những điều chỉnh thích hợp.

Với sự tư vấn về kỹ thuật của các chuyên gia Hà Lan [xem chú thích 1], AUN-QA đã lựa chọn mô hình chất lượng giáo dục đại học của mình để làm cơ sở xây dựng các quy trình, quy định và hướng dẫn hoạt động đánh giá chất lượng. Mô hình chất lượng của AUN-QA bao gồm 6 yếu tố, trong đó có 4 yếu tố cốt lõi và 2 yếu tố ngoại vi, như sau:

A. 4 yếu tố cốt lõi:

i. Sứ mạng, mục đích và mục tiêu (mission, goals and aims)
Với định nghĩa "chất lượng là đạt được mục tiêu đã đề ra", mọi hoạt động đánh giá chất lượng đều có xuất phát điểm từ sứ mạng, mục đích và mục tiêu. Điều này tất nhiên dựa trên giả định là sứ mạng, mục đích và mục tiêu của một đơn vị là sự phản ánh trung thực và đầy đủ yêu cầu của các bên có liên quan (người học, giảng viên, nhà quản lý trường đại học, người sử dụng lao động, và toàn xã hội).

ii. Chính sách và kế hoạch, hệ thống quản lý, nguồn nhân lực, và nguồn lực tài chính (Policy plan, management, human resources, and funding)
Đây là những yếu tố liên đến đầu vào của hệ thống, là điều kiện cần thiết (nhưng chưa đủ) để tạo ra chất lượng mong muốn.

iii. Các hoạt động cốt lõi, bao gồm: đào tạo, nghiên cứu, và các dịch vụ cho cộng đồng (educational activities, research, and community services)
Đây là thành phần chủ yếu của một mô hình chất lượng. Mỗi loại hoạt động đã nêu - đào tạo, nghiên cứu, và dịch vụ - đòi hỏi có một mô hình chi tiết đặc thù riêng cho nó.

Trong 3 hoạt động này, AUN-QA trước mắt chú trọng đến hoạt động đầu tiên là đào tạo - cũng là hoạt động chiếm tỷ trọng cao nhất trong các hoạt động của một trường đại học - và đưa ra một mô hình chi tiết cụ thể để áp dụng trong đánh giá chất lượng chương trình đào tạo.

iv. Các thành quả đạt được (achievements)
Đây là kết quả cuối cùng của mọi hoạt động đã nêu ở trên, và cũng là chứng cứ rõ ràng nhất về chất lượng của một đơn vị. Mỗi loại hoạt động - đào tạo, nghiên cứu, và dịch vụ - sẽ có những loại thành quả riêng biệt, và sẽ được nêu cụ thể trong các mô hình chi tiết dành riêng cho từng hoạt động.
----
Cập nhật sáng 21/10/2010:

B. 2 yếu tố ngoại vi:


i. Sự hài lòng của các bên liên quan (stakeholder satisfaction)
Đây là những thông tin phản hồi mà một hệ thống giáo dục cần thu thập thường xuyên và nhanh gọn về mọi yếu tố trong suốt quá trình hoạt động của mình – từ nguồn lực đầu vào, đến quy trình vận hành, và thành quả đạt được. Những thông tin này giúp hệ thống luôn vận hành theo đúng mục tiêu đã đề ra.

ii. Đảm bảo chất lượng và đối sánh trong phạm vi quốc gia/quốc tế
Đảm bảo chất lượng (ĐBCL) được định nghĩa là quá trình thường xuyên kiểm tra (assessing), giám sát (monitoring), bảo chứng (guaranteeing), duy trì (maintaining) và cải thiện (improving) chất lượng.

Đối sánh có thể định nghĩa nôm na là so sánh một chương trình hoặc cơ sở đào tạo với một chương trình hoặc cơ sở đào tạo khác khá hơn để nhận diện các điểm yếu của chính mình và học tập từ cách làm của người khác. [Chú thích: Định nghĩa này viết theo tài liệu của UNESCO 2007, tr. 34; địa chỉ truy cập: http://unesdoc.unesco.org/images/0015/001520/152045e.pdf]

ĐBCL và đối sánh là cách thu thập thông tin có cấu trúc và thường được thực hiện theo chu kỳ ở những thời điểm có ý nghĩa đối với một đơn vị hoặc một chương trình đào tạo (ví dụ chu kỳ 5 năm hay 10 năm, là thời gian đủ dài để có thể thấy được những thay đổi quan trọng).

Như vậy, có thể tóm tắt mô hình chất lượng giáo dục đại học của AUN như sau:

- Các yếu tố cốt lõi của mô hình liên quan đến toàn bộ hoạt động thường xuyên của một trường đại học, gồm (1) sứ mạng mục tiêu; (2) nguồn lực; (3) các hoạt động then chốt (đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ); và (4) các thành quả đạt được.

- Các yếu tố ngoại vi của mô hình liên quan đến các thông tin phản hồi và cơ cấu giám sát, đánh giá, đối sánh nhằm giúp cho hệ thống giáo dục có thể vận hành đúng hướng và hiệu quả.

(còn tiếp)

2 comments:

  1. Bộ Ngoại Giao cũng tù mù ...

    http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/201010/Tien-sy-17000-uSd-khong-duoc-khai-van-bang-vao-ly-lich-943547/

    Như vậy UBKT tỉnh ủy Phú Thọ cũng khẳng định trường đại học Nam Thái Bình Dương, nơi ông Ân theo học và bảo vệ luận án và lấy bằng tiến sĩ kinh tế, thực tế đang tồn tại và hoạt động hợp pháp cho tới nay.

    ReplyDelete
  2. Chào bạn Anonymous,

    Thực ra thì Mỹ người ta cũng không làm khác. Giáo dục tư nhân được xem là một dịch vụ tư, vậy ai muốn mua thì thuận mua vừa bán. Miễn anh không lừa tôi thì anh không có lỗi. Anh biết nó là bằng cấp không kiểm định mà anh vẫn học thì đó là quyền của anh. Thậm chí nếu anh không biết thì tôi cũng không có lỗi, nếu tôi đã nêu rõ điều đó trong những thông tin công khai về nhà trường.

    Nên điều còn lại là việc của cơ quan sử dụng người có bằng: có nên công nhận hay không thôi. Vậy cách xử lý như đã nêu là hợp lý. Vì thực ra cũng không có cách nào khác.

    ReplyDelete