Wednesday, October 6, 2010

Đối sánh (11): Kết luận

Hurrah! Đến đây là kết luận rồi, các bạn ạ! Tôi mừng quá! "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay ..."
-----
Kết luận
Phần trình bày ở trên cho thấy đối sánh là một cách tiếp cận quản lý mới trong giáo dục đại học đang được áp dụng tại các nước tiên tiến để giúp các trường đại học tồn tại trong điều kiện khó khăn và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Bí quyết của đối sánh có thể tóm gọn trong hai yếu tố sau đây: xác định được những yếu tố thành công của người khác để có thể học hỏi; và hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về những hạn chế của chính mình. Nói cách khác, đây chính là tinh thần “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Cách quản lý mới xuất phát từ phương Tây này có thể áp dụng trường đại học của các “vùng trũng” như Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác hay không? Câu trả lời của chúng tôi là có, mặc dù không dễ. Một ví dụ điển hình của một nước đã áp dụng khá thành công phương pháp đối sánh là Trung Quốc với hệ thống xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải. Cần lưu ý là Trung Quốc là nước đầu tiên đưa ra hệ thống xếp hạng đại học toàn cầu vào năm 2003, trước khi các hệ thống xếp hạng đại học toàn cầu khác xuất hiện (trước đó chỉ có các hệ thống xếp hạng đại học trong phạm vi quốc gia)..

Tại sao có thể xem hệ thống xếp hạng đại học của Trung Quốc là đối sánh, tức so sánh để cải thiện, chứ không chỉ là xếp hạng, tức chỉ chăm chăm vào việc có thứ hạng cao mà thôi? Điều này thật rõ ràng: để nhằm phục vụ mục tiêu phát triển giáo dục đại học của chính mình, Trung Quốc đã tự đưa ra những tiêu chí xếp hạng khắt khe mà trong những năm đầu chính Trung Quốc đã không thể nào đạt được. Một hệ thống xếp hạng mà chỉ có các trường của các nước đối thủ của Trung Quốc được xếp ở thứ hạng cao. Nhưng khi đã xác định được ưu điểm của đối phương và nhược điểm của chính mình, các trường đại học của Trung Quốc đã được tạo điều kiện để thực sự cải thiện, từ việc tăng đầu tư cho các trường, đến việc thu hút các nhà khoa học và các giáo sư giỏi ở ngoại quốc về làm việc tại Trung Quốc, rồi đến cải cách cơ chế quản trị theo mô hình Mỹ. Trong quá trình thực hiện Trung Quốc cũng có những sai lầm khi chỉ chạy theo thành tích cuối cùng (thứ hạng cao) mà không quan tâm đến sự cải thiện, dẫn đến hiện tượng đạo văn và bằng dỏm mà thế giới cũng đã nhiều lần lên án. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì việc đối sánh (mà “sản phẩm phụ” của nó là các bảng xếp hạng hàng năm) đã giúp giáo duc đại học Trung Quốc có được những thành tựu đáng khâm phục hiện nay.

Khác với Trung Quốc, một nước trong khu vực Đông Nam Á là Malaysia đã tham gia hệ thống xếp hạng do người khác đặt ra, chỉ với mục đích xác định đẳng cấp của mình (xếp hạng để tranh tài cao thấp). Với tinh thần này (xếp hạng chỉ để xếp hạng, chứ không phải đối sánh với mục đích cải thiện, Malaysia đã từng cho thấy sự “mất phương hướng” khi cách chức vị hiệu trưởng trường đại học hàng đầu của Malaysia là University of Malaya khi trường này bị rớt khỏi top 100 của bảng xếp hạng THES, mà lý do chính của sự rớt hạng này chỉ là do THES thay đổi các tiêu chí xếp hạng. Tuy nhiên, sau sự cố này, Malaysia đã tỏ ra bình tĩnh hơn, và đã chuyển từ thái độ xếp hạng để tranh tài cao thấp, sang thái độ xem xếp hạng như một loại “đối sánh trắc lượng ủy quyền”, xếp hạng chỉ để lấy thông tin so sánh về chính mình và các đối tác đối sánh, nhằm mục đích học hỏi và cải thiện.

Bài học của Trung Quốc và Malaysia cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng đối sánh để cải thiện chất lượng các trường đại học của mình. Trong tình hình hiện nay của Việt Nam, chúng tôi tin rằng điều khó khăn nhất không phải là các vấn đề kỹ thuật, cũng không nằm ở hiệu quả của sự lãnh đạo, các chi phí về thời gian và kinh phí, mà khó khăn nằm ở cơ chế hỗ trợ của hệ thống, việc xác định mục tiêu khả thi, hiểu biết đúng hiện trạng và có dữ liệu chính xác, và cuối cùng là kiên quyết thực hiện cải thiện sau đối sánh (các mục 3, 4, 6, 7 trong 7 điều kiện về quản lý đã nêu). Một khi đã nhận diện rõ những khó khăn này, và có quyết tâm cao để triển khai, thì đối sánh chắc chắn sẽ đem lại những cải thiện đang mong đợi cho hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
-----------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo (thêm và cập nhật sáng 6/10)
1. Trang web của tổ chức AIR, Association of Institutional Research của Mỹ. Trong bài này có nhắc đến hệ thống xếp hạng của ARWU của TQ như một công cụ đối sánh. Bài rất đáng đọc nếu muốn đo lường chất lượng đại học.
2. Cũng trên trang web của AIR, phần "resources", rất đáng đọc, có đưa link về 6 loại tư liệu giúp đánh giá và cải thiện chất lượng giáo dục đại học. Ở đây.

Rồi, giờ thì mong nhận được sự trao đổi của các bạn gần xa nhé!

3 comments:

  1. Chào cô

    Em nghĩ phần nói về TQ và Malaysia có thể đưa lên trên, còn kết luận có lẽ chỉ nên tóm tắt và liên hệ vấn đề cho hoàn cảnh VN. Chẳng hạn, có thể sử dụng ARWU để làm ví dụ minh họa cho các phần trên (hiện tại vẫn còn hơi trừu tượng).


    SGK

    ReplyDelete
  2. Hi SGK,

    Hoàn toàn đồng ý với em. Nhưng cứ phải xong first draft cái đã rồi tính tiếp em ạ.

    ReplyDelete
  3. Trao đổi,

    Tôi đã đọc đâu đó trên blog này rằng người nghiên cứu dường như cô đơn trong quá trình nghiên cứu, mà kết quả nghiên cứu thì không dễ dàng chia sẻ được với nhiều người. Xin một chút comment tản mạn ở bài “kết luận” này:

    Nghiên cứu tôi hiểu vụng về là lý luận và dẫn chứng một cách thận trọng. Và người nghiên cứu là người lý luận và dẫn chứng một cách thận trọng (chí chân). Trước tiên tôi không phải là một nhà nghiên cứu xin được bày tỏ sự trân trọng... đến một người nghiên cứu.

    Và "nghiên cứu hành động" (action research), có lẽ lần đầu tiên tôi đọc được thuật ngữ là ở đây http://ncgdvn.blogspot.com/2010/08/mba-cua-ubi-uoc-wes-tham-inh-nhu-nao-va.html.

    Không biết cảm giác của tôi đúng đến đâu, rằng: Bất kỳ ai trong chúng ta trong cuộc sống cũng ít nhiều đã và đang "nghiên cứu hành động", mà cụ thể - trước tiên là suy nghĩ phản tỉnh về những gì mình đang làm.

    Và nếu như nói rằng loại hình nghiên cứu này "thường thấy" ở khối ngành XH-NV, mà đặc biệt là ngành giáo dục. Thì trên phương diện cá nhân trong xã hội: chẳng phải sao: nghiên cứu hành động là một tiến trình tự vấn và trả lời (tự mình giáo dục)?

    Tự vấn và trả lời: đâu là đúng là sai, là tốt là xấu, là thật là giả?... Và dường như còn phức tạp hơn nữa khi "tiến tới" hành động... hành động của mỗi người trong đời sống của mỗi người.

    Đời sống... Dường như viết đến đây… là giới hạn khả năng tản mạn về “nghiên cứu khoa học” của không là một nhà nghiên cứu khoa học. Thôi thì phải xem lại từ định nghĩa vậy: Khoa học là gì? Khoa học tự nhiên là gì? Khoa học xã hội là gì? …

    VÔ DANH
    (cười)

    ReplyDelete