Monday, October 11, 2010

"Thực trạng của 'Đại học đẳng cấp quốc tế'"

Đó là tựa bài viết mới trên báo Thanh Niên hôm nay, ở đây.

ĐH đẳng cấp quốc tế cũng là vấn đề tôi quan tâm từ mấy năm nay. Nó được khơi nguồn từ "quyết tâm chính trị" của nhà nước VN trong việc cố gắng xây dựng một vài đại học tốt "ngang tầm khu vực và thế giới" để phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của VN.

Xây trường mới thì luôn luôn tốt, tôi nghĩ vậy. Xây đại học lại càng tốt, mà nếu đó là đại học đẳng cấp quốc tế nữa, thì còn gì bằng! Cho nên trước hết là tôi ủng hộ hết mình việc xây dựng mấy đại học đẳng cấp quốc tế đó. Ủng hộ hai tay, hai chân, không thắc mắc. Ai mà chống việc xây các đại học đó, là tôi phản đối ngay, không do dự gì cả. Đầu tư vào giáo dục là đầu tư vào tương lai mà lại. Ai, chứ người Việt Nam thì chắc rành điều này lắm: học để thoát nghèo!

Vậy tóm lại, là tôi ủng hộ việc xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế. Mà không chỉ 4, nếu nhiều hơn 4, ví dụ như 40, hay thậm chí 400 (!), thì càng tốt!

Vấn đề là làm như thế nào thôi! Làm như thế nào để đạt được 3 yêu cầu, như hệ thống ĐH của bang California đã đề ra như những phương châm hoạt động của mình, đó là: quality - equity - efficiency. Chất lượng, công bằng, hiệu quả (ở đây là hiệu quả kinh tế, hay hiệu suất, tức không lãng phí ấy).

Và tôi vẫn có chút nghi ngại về mấy trường ĐH đẳng cấp quốc tế của mình. Tôi e chúng có thể đạt được cái đầu tiên - quality, nhưng không tin rằng chúng sẽ đạt được 2 cái sau. Nhất là equity, sự công bằng. Vì chưa cảm thấy con nhà nghèo có thể có điều kiện vào học ở mấy trường đó, khi học phí của chúng tính bằng vài ngàn đô một năm. Không hề dễ cho những học sinh có tiềm năng ở, ví dụ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một vùng mà không hiểu sao tôi cứ thấy thương thương, gắn bó, dù quê gốc của tôi là ở miền Bắc. Hoặc, tất nhiên, mọi vùng sâu vùng xa và các địa phương nghèo khác của VN.

Và efficiency, hiệu suất kinh tế, sử dụng tiền đầu tư không lãng phí theo kiểu, ví dụ (hoàn toàn tưởng tượng), xây cơ sở vật chất hiện đại khang trang đủ cho 2000 sinh viên, nhưng chỉ hoạt động cho 200 sinh viên. Lãng phí phòng ốc, lãng phí cả đất đai, cả thư viện, cả thiết bị vv vì sử dụng không hết công suất. Và lãng phí cả con người nữa, vì ban bệ cho một trường dù chỉ 200 sinh viên cũng phải đủ hết từ ban giám hiệu đến phòng đào tạo, các khoa, phòng công tác sinh viên vv và vv. Chưa kể lãng phí về tài chính, cái này thì tôi không rành và không thể nghĩ ra được ví dụ ở đây.

Tại sao tôi lại nghi ngại, mà không chịu tin vào nhà nước, vì chúng ta cũng có một hệ thống quản lý và giám sát đầy đủ của nhà nước cơ mà? Thưa, là vì trước giờ công tác giám sát chúng ta làm chưa tốt, nên niềm tin ấy của tôi vẫn còn ... yếu lắm, không đủ lấn át sự nghi ngại của tôi.

Những suy nghĩ ấy là có thật, nên khi trao đổi với phóng viên của báo Thanh Niên, tôi cứ nói thẳng những suy nghĩ của mình ra. Và nó đã được đưa lên báo, hôm nay.

Chẳng biết có làm cho ai phiền không? Cái nhìn của một cá nhân, là tôi đây, chắc chắn sẽ có ít nhiều phiến diện. Tôi không có ý định nói là mình hoàn toàn đúng. Chỉ là những băn khoăn từ góc nhìn của tôi. Nhưng cũng cứ đưa ra, hy vọng sẽ có người nghe, và nếu điều tôi nói là đúng, thì nó cũng chỉ là góp thêm tiếng nói của người dân để cùng tìm ra giải pháp chung mà thôi.

Ôi, ước mơ đẳng cấp quốc tế của giáo dục đại học VN, chắc là còn xa vời, khó khăn lắm. Nhưng cũng cứ phải bắt đầu ở đâu đó. Và nó đang được bắt đầu đây thôi, ở 2 trường trên 2 đầu của đất nước. Hãy chờ xem.

3 comments:

  1. Báo Thanh Niên

    Về quan điểm đầu tư xây dựng một trường mới thì, xin nhắc lại lời của hiệu trưởng một trường ĐH rằng: "Nếu Chính phủ đầu tư cho chúng tôi một số tiền lớn như vậy thì chúng tôi cũng đảm bảo được chất lượng giáo dục quốc tế mà không cần phải nhờ đến một trường ĐH nước ngoài nào hết".

    Tiến sĩ NGUYỄN VĂN THƯ
    Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

    Nếu chính phủ trợ cấp cho 180 triệu US thì ông Hiệu trưởng trường Dại Học sẽ làm gì dể trở thành một trường Dại Học Quốc tế ? Chỉ nhìn hình buổi lễ khai giảng cũng thấy rầu rồi. Phải đeo mấy phiên dịch vì không hiểu Anh Ngữ ? Nếu với thực tế như vậy thì biết bao giờ trở thành trường Dại Học Quốc Tế ?

    ReplyDelete
  2. "Đẳng cấp quốc tế" là một mục tiêu định tính, chưa thấy ai nêu ra các tiêu chí định lượng cụ thể và thỏa đáng. Người biết chuyện cảm thấy là không tưởng khi đề ra mục tiêu trong vòng mươi năm. Nhiều người hô hào thực hiện thì thấy nó gần đâu đây, dường như sẽ đạt được nếu nỗ lực hoạt động, tăng cường đấu tư. Cảm giác như thế là vì mục tiêu không cụ thể, mơ hồ nên không lượng định được khoảng cách giữa nguồn lực hiện tại và mục tiêu mong muốn.
    Còn nếu định nghĩa mục tiêu "đẳng cấp quốc tế" là có thứ hạng trong bảng xếp hạng các ĐH của các tổ chức nghiên cứu xếp hạng ĐH, như THES chẳng hạng,thì...quá viễn vong khi nhìn thực trạng giáo dục Việt Nam hiện tại.
    nguyennx

    ReplyDelete
  3. Rất đồng ý với cả 2 comments của 2 bạn ở trên.

    ReplyDelete