Tuesday, October 19, 2010

Đóng cửa Khoa Pháp, nên chăng?

Ấy chết, các bạn đừng hiểu lầm. Tôi đang nói chuyện ở Mỹ, chứ không phải chuyện VN đâu ạ.

Số là một người quen của tôi mới gửi cho tôi đường dẫn đến cuộc tranh luận liên quan đến việc một vài trường đại học bên Mỹ buộc phải đóng cửa một số khoa/chương trình thuộc khối ngành nhân văn (humanities).

Cụ thể, trường SUNY Albany (State University of New York at Albany) vừa xóa bỏ các chương trình đào tạo thuộc các ngành tiếng Pháp, tiếng Ý, các ngôn ngữ cổ điển (Latin và Hy Lạp), tiếng Nga và ngành kịch nghệ. Lý do: ngân sách của trường bị cắt giảm, mà số lượng sinh viên đăng ký vào các ngành này lại ít.

Và thế là một cuộc tranh luận về vấn đề này đã được đưa ra trên tờ New York Times. Các bạn có thể vào đây mà đọc. Một cuộc tranh luận rất thú vị, với những ý kiến sắc sảo thuộc cả hai phe, chống và ủng hộ (tất nhiên rồi, có 2 phe thì mới là tranh luận chứ nhỉ?)

Với tư cách là một người tốt nghiệp từ khoa Ngữ văn Anh của trường ĐH Tổng hợp TP HCM, tức hoàn toàn thuộc khối nhân văn, đương nhiên là tôi thuộc phe chống. Nói rõ hơn, là chống việc đóng cửa các khoa ngoại ngữ, hoặc đóng cửa khối ngành nhân văn. Chứ gì nữa, ngành học mà mình đã chọn, và bỏ gần hết cuộc đời ra để theo đuổi (dù lúc sau này tôi bị đưa đẩy quẹo sang ngành khác, đó là đo lường đánh giá), mà bây giờ người ta xóa sổ, bảo sao tôi không chống cho được!

Mà nó không chỉ xảy ra ở Mỹ đâu nhé. Mấy năm gần đây, hiện tượng một số ngành, đặc biệt là thuộc khối ngoại ngữ và nói chung là khối xã hội nhân văn, không tuyển sinh được và có nơi phải đóng cửa, cũng đang diễn ra trong một số trường đại học của VN kia kìa. Nhân tiện, đa số điều ấy diễn ra ở trường tư, nơi hiệu quả kinh tế của việc đầu tư được đặt lên hàng đầu (cũng phải thôi!)

Không có người học, thì rõ ràng là ngành học phải bị đóng cửa. Điều đó có lẽ rất hiển nhiên. Nhưng tại sao ngay ở Mỹ người ta cũng vẫn còn tranh cãi về điều này nhỉ? Mà có phải cứ hễ không có người học thì đóng cửa ngành học hay không? Phải chăng đại học chỉ nên đào tạo những ngành có tính ... nghề? Đặc biệt là những nghề đang "hot", vd ở VN là tài chính, ngân hàng, kế toán, kinh tế, thương mại, rồi bớt "hot" một chút là báo chí, luật, công nghệ thông tin?

Hoặc tất nhiên là khối ngành y học và khoa học về sức khỏe (không "hot" theo nghĩa là có nhiều người đổ xô vào học, nhưng luôn luôn là một ngành đắt giá và sẽ không bao giờ bị đóng cửa, hẳn thế, vì tính nghề nghiệp của nó rất rõ ràng)?

Dường như đây là một xu hướng có thực trên toàn thế giới: những ngành mang tính rộng, phổ biến, ai học cũng được, học trước hết là vì thích học, vì thấy có nó thú vị, hấp dẫn, có ích một cách ... chung chung, mặc dù chưa biết sau này mình sẽ sử dụng nó vào công việc gì - tôi đang nói các ngành nhân văn và nghệ thuật ấy, arts and humanities - thì hình như ngày càng đang bị co cụm lại, và ... dần dần xóa sổ, thì phải?

Xóa sổ các ngành nghệ thuật và nhân văn ư? Tôi không bao giờ trông chờ ngày ấy! Vì nếu thế, thì ... có lẽ cuộc đời này cũng không còn đáng sống nữa!

Tại sao tôi nói vậy? Hãy thử xem một vài đoạn tranh luận chống lại việc xóa bỏ các ngành nhân văn này:
Cuts in the humanities are bad for business and bad for democracy. Even if a nation’s only goal were economic prosperity, the humanities supply essential ingredients for a healthy business culture.

[...] We also pride ourselves on our open democracy, and on the freedoms of speech and the press that make our political life one in which the people rule. To keep democracy vital, we urgently need the abilities that the humanities foster

Xem bài gốc ở đây. Tác giả của nó là giáo sư Đại học Chicago.

Va một người khác, giáo sư ở Harvard đấy nhé:
of course the humanities teach something. Their subject matter is culture, and since everything human beings do is mediated by culture -- by language, by representations, by systems of values and beliefs -- knowing how to understand other languages, interpret cultural expressions, and evaluate belief systems is as indispensable to functioning effectively in the professional world as knowing how to use a computer. This knowledge may or may not make you a better person; it can certainly make you more productive and successful in the workplace.

Link ở đây.

Nói ngắn gọn: để trả lời câu hỏi được nêu trong tựa entry này, câu trả lời của tôi là: không, trăm lần không, ngàn lần không, vạn lần không!

Bạn không đồng ý với tôi ư? Hãy đọc phần tranh luận trên báo NY Times, rồi quay lại đây, chúng ta cùng tranh luận.

Còn tôi, tôi chỉ muốn đưa ra thêm một nhận xét này: nước Mỹ cho đến nay vẫn có một nền giáo dục đại học mạnh nhất thế giới. Và những đặc điểm không lẫn vào đâu được của đại học Mỹ là sinh viên được học một chương trình đào tạo rộng (broad-based curriculum), trong đó các khoa học cơ bản - cả tự nhiên lẫn nhân văn, thường gọi là liberal arts - được chú trọng.

Và không khí học thuật của họ thì tuyệt vời: môi trường tự do tư duy, sáng tạo, tự do phát biểu ý kiến, tự do tranh luận, đi kèm với ý thức về trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng và xã hội ... Một nền giáo dục mà giờ đây các nước mới giàu lên như TQ cũng đang học theo.

Nói thêm: các trường đại học hàng đầu trên thế giới đa số đều là trường đa ngành, trong đó vai trò của các ngành nhân văn trong việc đem lại hình ảnh, vị thế và uy tín cho trường là điều không thể chối cãi. Ví dụ: Harvard và Yale của Mỹ, hay Cambridge và Oxford của Anh.

Nay, vì khủng hoảng kinh tế mà Mỹ phải cắt giảm ngân sách cho các trường đại học, dẫn đến việc các trường cắt bỏ các chương trình đào tạo ít người học như thế này, quả là đáng tiếc.

Ở một góc nhìn khác, tôi cho rằng giáo dục VN nói chung, giáo dục đại học của VN nói riêng, và suy rộng ra là toàn xã hội VN, sở dĩ hiện nay có lắm vấn đề rối rắm và dường như không giải quyết được như thế này là do chưa có sự đầu tư và quan tâm đúng mức cho khối ngành xã hội và nhân văn, mà đặc biệt là ngành nhân văn.

Nhưng có lẽ nó chỉ là tạm thời thôi. Các ngành nhân văn sẽ phải sống, rồi các bạn cứ thử theo dõi mà xem, dù ở VN hay ở Mỹ gì cũng vậy. Dù nó có thể tồn tại dưới một hình thức khác hơn hiện nay, có lẽ thế?

Bạn không bị thuyết phục ư? Vậy thì ... xin mời, chúng ta tranh luận nhé! :-)

No comments:

Post a Comment