Tuesday, July 27, 2010

Lại (phải) nói thêm về đề thi!

Một bạn đọc trên bloganhvu của tôi mới báo cho tôi biết có mấy bài viết phản hồi về bài viết trên báo Thanh Niên liên quan đến đề thi tiếng Anh năm nay, trong đó có phần ý kiến của tôi. Xin các bạn đọc bên dưới, và vào các links được cung cấp, để đọc cho khách quan nhé.
Bài báo này phản bác nhận xét của GS. Nguyễn Văn Tuấn và của cô về đề tiếng Anh năm nay: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/nongnghiep.vn/Khong-he-co-chuyen-nhieu-loi-trong-de-thi-DH-mon-tieng-Anh/4617385.epi

Cái này là của Ban ra đề: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/vnmedia.vn/De-thi-dai-hoc-mon-tieng-Anh-khong-loi/4615849.epi

Thực tình tôi đã muốn khép lại cuộc tranh luận, vì không nên làm dư luận hoang mang và mất lòng tin hơn nữa, nhưng vì bài viết đầu tiên có nhắc đến tên tôi nên xin được phản hồi.

Trước hết, tôi xin được trích lại phần viết có liên quan đến tôi. Phần này gồm 3 đoạn, tôi xin được trích dẫn và trả lời theo từng đoạn cho dễ theo dõi:
Còn việc bà Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (ĐH quốc gia thành phố HCM) đặt vấn đề: “Đạo văn” khi phê phán về đề thi rõ ràng là “đao to búa lớn” quá đấy. Xin các bạn đọc lại bài báo của bà Tiến sĩ Anh (cũng trong số báo Thanh niên số ngày 20/7/2010), bà viết: “Tôi nghĩ các ý kiến của giáo sư Tuấn nhìn chung là chính xác và có căn cứ”. Nghe giọng điệu này tôi e rằng đây chẳng qua là một sự “phụ hoạ”, một kiểu “té nước theo mưa” của bà TIẾN SĨ với ông GIÁO SƯ thôi.

Chà, thực sự tôi không biết nói gì, làm gì ở đây, ngoài việc ngửa mặt lên trời mà kêu: Than ôi!

Vì, thưa bác Nguyễn Phú Đạt, nếu cháu (xin được xưng hô như vậy vì bác còn hơn tuổi ba của cháu; bác hơn cháu đến hơn 30 tuổi cơ mà!) lại nói rằng, bác cũng đang "té nước theo mưa" vì lập luận của bác khá giống với lập luận chính thức của Bộ Giáo dục, thì liệu bác có chấp nhận không hở bác?

Cháu tưởng rằng khi tranh luận thì điều quan trọng là xem xét lập luận của người đối diện có logic không, dựa trên những tiên đề (hay các nguyên tắc) mà 2 bên cùng đồng ý sử dụng làm căn cứ để tranh luận chứ ạ?

Có lẽ bác nóng giận mà nói như vậy thôi, nhưng cháu nghĩ, bác nói như vậy khéo bị trách là dùng phương pháp "chụp mũ" cho người đối diện để chiến thắng trong cuộc tranh luận đấy ạ!
Tôi nói thế cũng không phải “không chuẩn” đâu vì bà có hiểu “ĐẠO VĂN” là gì đâu. Một nhà văn “ĐẠO VĂN” của một nhà văn khác, lấy văn của người thành văn của mình thì nhà văn đó phải ĐỀ TÊN MÌNH chứ. Với ĐẠO NHẠC cũng thế. Việc đạo văn, đạo nhạc, đạo giáo trình là nhằm đem lại danh lợi cho bản thân tác giả. Các bài thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra là đúng đắn vì có ai ghi người soạn đề thi là "ông nào”, “bà nào” đâu mà “ĐẠO VĂN” để đem lại danh lợi cho mình. Còn việc người soạn đề thi sơ xuất không đề rõ nguồn gốc thì tôi cho đó là một lỗi làm việc “không chính quy” lâu nay của ta thôi. Tôi còn nhớ khi còn đi học khi trích dẫn dù chỉ một câu của một tác giả nào đó thôi người soạn sách cũng ghi (trích của La Rochefoucauld) hoặc (trích của Alfred de Musset), của “Voltaire”.v.v...

Thưa bác Đạt, bác nói đề thi không đề tên tác giả thì vừa đúng mà vừa sai. Đúng, nếu xét về khía cạnh cá nhân, cụ thể là tên những người ra đề, cho đến nay cũng không ai biết là ai (mà cũng đâu có cần biết phải không bác). Nhưng sai (mà, xin lỗi bác, bác sai nhiều hơn đúng!), vì bác ơi, đề thi bao giờ cũng phải có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm. Ví dụ, ETS ra đề thi TOEFL, vậy nếu có gì sai thì bất kể là người của ETS trực tiếp làm, hay ETS ký hợp đồng mời người ngoài, thì ETS đều phải chịu trách nhiệm hết!

Nói cách khác, "tác giả" của đề thi, nếu không ghi rõ tên cá nhân người thực hiện (trong trường hợp của VN thì chắc không ghi được đâu vì nó là công sức tập thể, gồm nhiều khâu, nhiều công đoạn), chính là nơi đứng ra tổ chức làm đề thi. Và có đạo văn hay không thì chính nơi tổ chức làm đề thi phải trả lời và phải chịu trách nhiệm.

Xin nói thêm, trong đề thi của TOEFL có thể không ghi nguồn trích dẫn cho từng bài đọc, nhưng thật ra tổ chức này khi sử dụng bài của ai (nếu không phải là của mình) thì đều có xin phép hoặc thỏa thuận chính thức cả. Bác có cần cháu chứng minh điều này không?
Tôi định viết một bài thứ hai về bài báo của bà Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Nhưng sau khi đọc bài báo của bà Tiến sĩ, tôi thấy ông Giáo sư và bà Tiến sĩ thì như thi sĩ Tản Đà viết: “Mình với ta tuy hai mà một/Ta với mình như một mà hai” (trích: Nói chuyện với ảnh tức là bức ảnh chụp Tản Đà), nói ngắn gọn là “như rứa”. Tuy bà có đôi chỗ phân tích, dẫn chứng nhưng tôi không viết nữa. Viết nữa là nhàm. Coi như phản biện của tôi đối với ông Giáo sư cũng mong được bà Tiến sĩ suy ngẫm.

Vâng, cháu đang suy ngẫm đây, và đã có những điều thưa lại với bác như trên. Riêng đoạn này có lẽ cũng chỉ nhắc lại đoạn 1 mà thôi, nên xin phép bác, cháu không thưa lại nữa. Nhưng nó làm cho cháu lại một lần nữa có cái cảm giác là bác đang muốn thắng cuộc tranh luận này bằng biện pháp "chụp mũ"? Chắc đó chỉ là trí tưởng tượng của cháu thôi, bác nhỉ?
---
Hic, tôi mệt mỏi về vụ đề thi này quá rồi, các bạn ạ! Khi trả lời trên báo TN, là tôi chỉ muốn đóng góp một ý kiến về quy trình làm đề thi hiện nay (có khá nhiều sơ hở, dù có thể hiểu được và thông cảm được trong thời gian trước đây, nhưng nên rút kinh nghiệm từ nay trở đi - như tôi đã nói trên báo), để mọi việc tốt lên thôi. Và cũng là để VN hội nhập thế giới với một tư thế được mọi người kính trọng hơn. Không ngờ lại dính líu sâu đến như thế này!!!!!

Dù sao thì cũng cám ơn báo Nông nghiệp đã tạo điều kiện cho tôi có cuộc trao này trên blog của mình. Có lẽ tôi phải viết thêm một (vài) bài về quy trình làm đề thi, và về việc đạo văn mới được!

Rất mong đón nhận được các ý kiến của mọi người để vấn đề được sáng tỏ hơn!

30 comments:

  1. Em thấy ở đây có 3 vấn đề chứ không phải 2.

    1. Chuyện ngôn ngữ trong bài đọc có chỗ chưa chuẩn. Em nghĩ chuyện này càng nói càng dây dưa không đâu vào đâu, và càng có xu hướng đụng chạm đến những chuyện subjective như văn phong, cách chọn từ (chuyện transfer versus transmission chẳng hạn, bao giờ cô rảnh thì viết cho xong cái entry cô hen). Em thì thấy Bộ bảo đề không có lỗi ngữ pháp gì cả, nên em cũng đọc thử xem có lỗi nào rõ ràng chút không, khỏi lằng nhằng không.
    Và sau khi vạch lá tìm sâu thì em thấy chỗ này: "I wasn't frightened to ask questions, and homework was a pleasure not a pain". Em cho rằng phải thêm dấu phẩy hoặc chữ "and" vào sau pleasure, không thì câu này mắc lỗi punctuation. Nếu mọi người thấy chỗ này không có tranh cãi gì, thì cứ xem đó như một phản ví dụ cho khẳng định của Bộ. Chúng ta có thể khép lại vấn đề 1. Những chuyện technical như chọn đoạn văn thế nào là thích hợp cho một đề thi, nếu cô có thời gian xin giới thiệu để mọi người hiểu rõ hơn. Còn muốn tránh lỗi ngôn ngữ thì em nghĩ nên lấy từ một nguồn tin cậy nào đó như The Economist (hơi advanced) hay BBC (chắc là vừa sức), xin phép (nếu được) và nhờ native speaker nào có kinh nghiệm về ngôn ngữ xem lại (vì báo chí Anh Mỹ thật ra cũng có thể có lỗi). Thế là ổn.

    2. Lấy đoạn văn của người khác, cho dù là native speaker hay chuyên gia xứ lạ, mà không xin phép cũng không trích nguồn, thì chính là đạo văn. Em nghĩ chuyện này rõ ràng rồi, không biết sao Bộ cứ khăng khăng là không phải (???). Chỉ hy vọng GV soạn đề năm sau không như Bộ, và sẽ trích nguồn.

    3. Có hay không việc đạo luôn câu hỏi? Vì nếu lấy nguyên xi câu hỏi đã có trong những đề thi đã ra, thì ngoài chuyện đạo văn, còn dẫn tới vấn đề unfair, vì một số học sinh có thể trúng tủ. :) Nhất là khi các em đó cày TOEFL hay các kho đề thường gặp của Bộ. Chuyện này em nghĩ có cách kiểm tra lại, vì một em sinh viên ở Hà Nội (sinh năm 1991) có nói với em đề cartoon đã xuất hiện trong một kì thi Olympic cho Trung tâm Apollo ngoài đó tổ chức cho học sinh phổ thông (hình như là vào năm em đó học lớp 11, tức là 07-08). Trung tâm Apollo ở ngay Hà Nội, thử lật lại đề mấy năm gần đây của kì thi Olympic, biết đâu sẽ thấy câu hỏi cũng giống luôn?

    Em nghĩ (3) là vấn đề nghiêm trọng nhất, và đã ảnh hưởng đến chất lượng đề Anh ở VN từ rất lâu rồi. Dân chuyên cày sách Proficiency (CPE), ôn Đại học cày TOEFL,...tất cả là vì khả năng trúng tủ không phải ít. Có điều, hình như mình sa vào (1) và (2), mà có chút lơ là với (3), vốn là phần khó khắc phục nhất, vì nó đụng chạm đến trình độ giáo viên ra đề.

    SGK

    ReplyDelete
  2. Nói thêm, em không dám tranh luận với cụ Đạt (lớn hơn bà em nữa), vì em thấy cụ xài "bà TIẾN SĨ" và "ông GIÁO SƯ" (kiểu viết hoa ấy làm em nhớ tới ông thầy dạy viết luận Kinh tế ngày xưa, ổng hay nói "Don't stamp your feet when you speak" khi thấy ai đó viết hoa như vậy trong bài luận để nhấn ý, hoặc cho vào bài những từ không có cũng không sao, nhưng có thì dễ khiến câu sai và trở thành sweeping statement, chẳng hạn definitely), lại nói giọng xách mé thế, là đã chực chờ cãi nhau rồi, còn tranh luận gì được nữa. Mà cãi nhau với người lớn xem ra không phải phép, nên em xin phép đứng qua một bên. Có điều, em cám ơn cụ Đạt ở chỗ cụ dành thời gian tra cứu, dẫn ý đàng hoàng, chứ không chỉ khẳng định một câu ngắn gọn là "Không có đạo văn, không có gì sai" (nghe như câu "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền..." của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao mỗi lần nước lạ manh động). Ít ra như vậy còn có cái để trao đổi lại (Hữu chiêu), chứ một câu khẳng định không bằng không cớ như Bộ (vô chiêu) thì không biết trao đổi lại thế nào.

    Kim Dung nói, Vô chiêu thắng hữu chiêu, kể ra cũng có lí.

    SGK

    ReplyDelete
  3. Theo tôi, chị phải viết có đầu có đủa. Không nên viết kiểu giật cục như thế này thì người không theo dõi từ đâu đến cuối sẽ không ai hiểu chị đúng hay ông Nguyễn Phú Đạt đúng?

    Hơn nữa câu chuyện liên quan 1 quá trình dài nhiều bài báo, không ai đủ kiên nhẫn bỏ thời gian ra đọc hết. Đó là cái sẽ làm chị bị người khác hiểu lầm.

    Câu chuyện tranh luận của giới có học là câu chuyện rất ư cam go và gay gắt. Không thể chỉ viết blog phân bua là thôi. Chuyện ảnh hưởng đến cộng đồng thì chẳng ai bị ảnh hưởng. Vì GD VN cũng đã xuống tận đáy rồi có còn uy tín đâu mà sợ "cộng đồng hoang mang"? Đã chơi thì chơi tới bến nếu mình đúng. Không có gì phải ngại ngùng.

    Chúc chị vượt qua cú này và tranh luận công khai,

    ReplyDelete
  4. Chào anh Hải,

    Cám ơn comment và sự động viên của anh.

    Đúng, thì tôi biết rõ là mình đúng chứ. Nhưng đôi khi đúng nhưng phải nhịn anh ạ. Vấn đề là làm cho ra lẽ để làm gì?

    Có lẽ anh sẽ nói là tôi cần bảo vệ uy tín của tôi chăng? Cũng đúng. Nhưng tôi là người trong ngành, anh ạ! Tôi nói vậy, chắc anh hiểu?

    Tôi nghĩ, điều quan trọng hơn hết lúc này, là làm sao để từ nay không còn xảy ra những việc tương tự. Còn vụ việc của năm nay, thì ... xem như tôi bị một cái hạn vậy? (Mà, hình như ít lâu nay tôi bị hơi nhiều cái hạn thì phải????)

    Hic hic!!!!

    ReplyDelete
  5. Tôi tổng kết lại cho chị nhé, nếu thiếu cái bài nào thì chị thêm vào:

    Bắt đầu từ đề thi tiếng Anh đại học năm nay cho ngành ngữ văn Anh, thì GS Nguyễn Văn Tuấn viết 1 bài này:
    http://www.nguyenvantuan.net/education/3-edu/993-bo-giao-duc-va-dao-tao-dao-van

    Sau đó trên báo Thanh niên trong bài này mà lại có tay Nguyễn Minh Thuyết mới vừa "phản biện" thành công vụ ĐSCT ở link này:
    http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201030/20100722225818.aspx

    Rồi báo Thanh niên chép bài ở link 1 của NVT vào và thêm ý kiến của Phương Anh ở link này:
    http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201030/20100719233852.aspx

    Hôm nay trên báo lại có bài phản biện của ông Nguyễn Phú Đạt về việc NVT và VTPA ở link này: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/nongnghiep.vn/Khong-he-co-chuyen-nhieu-loi-trong-de-thi-DH-mon-tieng-Anh/4617385.epi Nhưng sau đó bị cắt bớt đăng lên ở trả lời của ông Đạt ở link sau:
    http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=197013&catid=426

    Rồi bộ GD có bài phản hồi này: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201031/20100726021833.aspx

    Rồi PA lại than thở trên blog của mình như thế này:
    http://ncgdvn.blogspot.com/2010/07/lai-phai-noi-them-ve-e-thi.html

    Và GS NVT có bài này: http://www.nguyenvantuan.net/news/6-news/1029-bo-gd-dt-khang-dinh-khong-co-viec-dao-van

    Ngành với nghề cái gì? Hoặc chị không viết blog gì cả. Hoặc đã viết thì viết cho chuẩn. Vì nó thể hiện tính học thuật của mình. Không thể viết lơ mơ.

    OK?

    ReplyDelete
  6. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là có sự khác biệt về nhận thức nhất là về cái gọi là đạo văn. Cho nên một bên nói có và một bên lại nói không như dậy. Có lẽ, trong bài báo đó, nếu chị PA nói là chỉ copy của người khác rồi về xào lại thì có vẽ không có "nhiều" phản ứng dữ dội ;-)

    Chỉ nghĩ được nhiêu đó thôi. Viết nhiều sợ lạc đề.

    ReplyDelete
  7. Anh Hải ơi,

    Cám ơn anh đã tóm tắt, tổng kết. Nói chung những bài anh nêu ra đã đủ để cho mọi người nắm tình hình, nhưng có điều trình tự thì hơi khác 1 chút. Tôi sắp xếp lại nhé:

    1. Bài của GS NVT: là đầu mối mọi tranh luận. Trên blog cá nhân của ông.

    2. Bài tiếp theo: trên báo TN, gồm ý kiến của NVT và sau đó là nhận định của PA. Đăng trên TN ngày 19/7.

    3. Bài sau đó: cũng trên báo TN, là ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết. Đăng ngày 22/7.

    4. Kế đến, để phản hồi ý kiến của GS NMT, chắc thế? Bộ có ý kiến chính thức, kèm một vài ý kiến của TN. Đăng ngày 26/7.

    5. Ngay sau đó, NVT có bài phản hồi bài viết của Bộ trên blog của mình, cùng ngày 26/7.

    5. Cuối cùng, bài của Nguyễn Phú Đạt, đăng trên Nông nghiệp hôm nay. 27/7, ngày TBLS. Và cũng bài đó, đăng ở một nơi khác, nhưng cắt bỏ đoạn có tên PA. Hai cái links ấy đã đưa trong entry này.

    Tôi nghĩ anh cứ xem lại các sự kiện theo trình tự thì sẽ biết chân lý ở đâu. Tôi sẽ không tranh cãi thêm, vì đã có một lời hứa.

    Còn entry này của tôi chỉ là để trả lời cho những học trò và người quen của tôi mà thôi anh ạ.

    TTĐ thân,

    Em bắt mạch đúng quá.

    Một lúc nào khác, khi mọi việc đã êm, chị sẽ viết về quy trình làm đề thi và thế nào là đạo văn trong khi làm đề thi.

    Chị cũng chỉ viết được nhiêu đó thôi, vì có lẽ chị cũng sợ lạc đề ;-).

    ReplyDelete
  8. Em có theo dõi vụ việc này từ lâu, hôm nay lại thấy bài "phản pháo" này của "cụ" Đạt, quả thật cũng bất ngờ. Nhưng em nghĩ hình như "cụ" ấy hơi bị sa lầy vào yếu tố technical của bài đọc cartoons.

    Hiểu biết của em hạn hẹp nên không biết thế nào là tân ngữ phức nhưng câu "Today, however, chinese cartoons have an added part to play in spreading knowledge" khiến em quan tâm ở hai điểm là: 1) từ however đứng ở đây hình như thừa vì câu "Today...knowledge" với đoạn văn trước đó hình như không có quan hệ tương phản, 2) cụm "an added part to play" làm cả câu bị tối nghĩa, chỉ 1 câu ngắn ngọn vậy mà em lại hiểu theo 2 hướng: 1)truyện tranh TQ có thêm 1 vai trò là phổ biến tri thức, 2) truyện tranh TQ giữ vai trò mới (có cách thức mới chăng?) trong việc phổ biến tri thức.

    Còn về việc "cụ" Đạt lập luận về cách dùng mạo từ 'The' hình như không thuyết phục vì những ví dụ "cụ" đưa ra; đặc biệt là câu "open the door, please", bản thân danh từ door đã mang nghĩa xác định nên phải dùng mạo từ the?

    Vì kiến thức của em hạn chế nên hy vọng Cô sẽ chỉ dạy thêm.


    Kotaro Wu

    ReplyDelete
  9. Em sinh năm 1991, năm 2009 có tham gia kì thi Học Sinh Giỏi Quốc Gia môn tiếng Anh (đạt giải 3). Em vốn có thói quen khi đi thi, viết vô giấy nháp một câu hoàn chỉnh trong các phần của đề thi (chủ yếu là Reading Comprehension hoặc Cloze Test). Cô biết để chi không ạ? Hồi năm lớp 10 em biết được một mánh xài Google, đó là tìm được chính xác kết quả có chưa cụm từ / câu mà mình search (chắc ai cũng biết).
    Em viết lại mấy câu đó để khi thi về, mở mạng lên search, coi coi trên mạng có đề thi giống vậy / đoạn văn giống vậy không. Mục đích là so kết quả (thi cử hồi hộp và tranh đua lắm cô).
    Cô và các bạn biết không, từ thi vòng tỉnh cho đến vòng quốc gia, nếu không phải bài reading thì là cloze test đều có trên mạng. Ngay cả bài quốc gia, em tra thì đều tìm được: bài Listening tests, tất cả bài Reading và Cloze tests.
    Tiếc là bây giờ đã quá lâu, lúc đó em chưa nhận thức rõ ràng về "Đạo văn", nên không biết mấy cái đề thi QUỐC GIA, BẢO MẬT TUYỆT ĐỐI đó cũng sao chép của người ta + cắt cúp chỉnh sửa cho khác chút đỉnh.
    Đề học sinh giỏi quốc gia thì không cho mang về, và không được công khai, nên dư luận không biết và cũng không thể vạch ra cái sai trái này!

    Vài dòng tâm tình cùng cô và mọi người ghé xem bài này.

    Steven

    ReplyDelete
  10. Khi đọc bài của bác Đạt thì em có cảm giác xấu hổ. Bác đã bỏ công ra phân tích những phê bình về lỗi đề thi của bác Tuấn. Em còn trẻ, ở trong ngành, mà không dám tham gia vào cuộc tranh luận này một cách chính thống như thế. Em chỉ dám khép nép đứng bên cạnh xem mọi người, nhưng đôi khi nóng ruột quá lại góp một vài ý.
    Đoạn bác Đạt viết về cô đúng là "chụp mũ". Đó là một lỗi tranh luận kiểu "personal attack", nằm trong nhóm "fallacies of relevance". Chuyện có "té nước theo mưa" hay không cũng chẳng liên quan gì đến việc lập luận của người đó đúng sai hay có giá trị thế nào. Vậy nên, em nghĩ là cũng không nên tập trung vào lỗi đó của bác Đạt.
    Còn việc thế nào là đạo văn, thì blog của cô có nói nhiều rồi mà em chưa tham gia bàn luận trực tiếp bao giờ. Cá nhân em thì em theo cách hiểu của cô hay của bác Tuấn. Nhưng em không cho rằng đó là cách hiểu mà mọi người đều bắt buộc phải theo và không theo thì là "sai". Muốn xác định đúng sai thì phải có quy chiếu chung, nhưng ở Việt Nam mình, em chưa được biết có văn bản nào quy định về việc đạo văn trong khi làm đề thi. Em mong bài viết của cô về quy trình làm đề thi và quy định về đạo văn của Việt Nam.
    Quan điểm của bác Tuấn về chuyện đạo văn em cũng chỉ coi là ý kiến cá nhân. Dù có giống với em, em không thể nói là "đúng" được vì em chưa biết gì về sự tồn tại (có hay không) của một hệ quy chiếu phù hợp để xác nhận tính đúng sai.
    Bác Tuấn dựa trên chuẩn quốc tế mà lại nói chuyện đúng sai ở Việt Nam, theo em, là mắc lỗi vội vã khái quát hóa (hasty generalization). Nghĩa của một từ là do người dân nước đó quy định. Mà ở trong nước, mỗi người cũng hiểu khác nhau. Từ điển cũng không phải là cái tham chiếu để theo đó mà quyết định đúng sai. Người ta phải quản lý bằng quy chế. Muốn nói đúng sai trong trường hợp này phải dựa vào quy chế cụ thể của Việt Nam cho việc làm đề thi. Chuyện áp chuẩn của quốc tế vào hoàn cảnh Việt Nam thì hiện giờ cũng là một điều nên làm và cần làm, chứ chưa phải là một điều đã được thống nhất. Nếu đã là một điều được thống nhất, thì bác ấy phải nêu được ra là nằm trong quy định nào. Nếu là em thì em sẽ viết là "nên và cần coi đó là một trường hợp đạo văn" hơn là khẳng định về việc Bộ GDĐT hiểu sai "đạo văn".
    Em tự hỏi các vấn đề về "epistemology" (nhận thức luận) của bác Tuấn (cho rằng có "absolute truth", khái quát hóa áp dụng của Tây sang của Ta, của mình sang của người khác) không biết có phải là bị ảnh hưởng của việc làm nhiều nghiên cứu định lượng không.

    ReplyDelete
  11. Dear PA, theo tôi thì nên làm cho ra lẽ vì:

    1. Văn hóa tranh luận trên phương tiện chính thức của nhà nước mà báo Nông nghiệp đưa ra của ông cụ Đạt như thế là phản giáo dục và đẩy văn hóa tranh luận co65nbg đồng đi đến kiểu Cướp Giết Hiếp mà lâu nay một số báo rẻ tiền như báo Công An, An ninh đã làm chệch hướng người dân. Điều này rất nguy hiểm.

    2. Chuyện bộ GD ra đề thi vì không đủ tự tin sự hiểu biết về ngữ văn Anh thì đi copy và paste là chuyện quá rõ ràng. Nhiệm vụ của bộ phải thực sự tiếp thu ý kiến một cách cầu thị và chịu trách nhiệm với cộng đồng cũng như đứng ra công nhận để còn làm đúng cho mai hậu. Không thể mượn 1 ông cụ gần đất xa trời ăn nói liều mạng, không còn trách nhiệm với tương lai và muốn nói gì thì nói là được.

    3. Qua đây, cho thấy cách tiếp cận văn hóa của dân Việt ở các thế hệ rất tệ. Già thì ỷ mình có mái đầu trắng vẫn cứ kiếu gia trưởng chẳng ra thể thống gì. Sồn sồn thì ngại, sợ và bất lực để cho sự việc đi đến chỗ tiếp tục sống với cái không trung thực và không minh bạch, dạy con người ta tiếp tục lừa dối. Trẻ thì không xác định được đâu đúng đâu sai lại lý luận theo kiểu lý luận chính trị mang vào khoa học.

    Té ra, sự áp đặt tư duy chính trị vào giáo dục xuyên suốt hơn nữa thế kỷ qua đã thành công khi GD giúp cho thế hệ trẻ VN thiếu tư duy sáng tạo là một mục tiêu mà họ đã làm rất đạt.

    Tất cả cái khách quan đề bắt nguồn từ chủ quan mà ra. Vì con người tự đặt hệ qui chiến cho mình và theo hệ qui chiếu ấy để có cái gọi là "khách quan" nhưng nó lại là chủ quan!!!

    Nhưng không thể bất kỳ 1 tổ chức hay 1 cá nhân nào có thể phát triển đúng mà có thể tách ra khỏi cộng đồng. Đứng góc độ toàn quốc, VN là 1 cộng đồng. Song đứng trên bình diện quốc tế VN là 1 cá nhân của cộng đồng quốc tế. Không thể lấy cái lý luận của một tư duy ao tù nước đọng mà bảo rằng "Anh cho là đạo văn, thế giới cho là đạo văn, nhưng văn hóa, luật lệ của VN không cho là đạo văn" là bản thân tự mãn với cái phản xạ bản năng của loài động vật thuộc bộ nhai, để rồi đào tạo ra những loài như mình lại mãi được.

    Thop6i tôi đi lên clinic đây, chúc hạnh phúc.

    ReplyDelete
  12. Để mọi người tiện tham khảo, em xin trích quy chế thi HSG và thi ĐH-CĐ của VN, phần nói về yêu cầu đối với đề thi. Chúng ta cũng có thể so sánh, đối chiếu hai yêu cầu với hai dạng đề thi. Sự tương đồng và khác biệt giữa quy định của hai quy chế có lẽ cũng là đề tài thú vị để mọi người suy ngẫm.

    I. Quy chế thi chọn học sinh giỏi:
    (http://www.vietlaw.gov.vn/LAWNET/docView.do?docid=20706&type=html)

    1. Đề thi phải nằm trong phạm vi nội dung chương trình thi được quy định cho từng kỳ thi; phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, phân loại được trình độ thí sinh. Nội dung của đề thi phải chưa được công bố ở đâu, dưới bất cứ hình thức nào.

    2. Cấu trúc và hình thức đề thi được công bố trong hướng dẫn thi hằng năm.

    3. Không có dạng đề tự chọn đối với mỗi môn thi.

    4. Đề thi chọn đội tuyển Olympic phải đạt được yêu cầu về cấu trúc và kiến thức tiếp cận với đề thi trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.

    5. Đề thi phải ghi rõ có mấy trang, đánh số từng trang và có chữ "HẾT" tại nơi kết thúc đề.

    6. Mỗi môn thi có 01 đề thi chính thức và 01 đề thi dự bị có mức độ tương đương nhau.

    7. Đề thi chưa sử dụng và các tài liệu liên quan đến nội dung đề thi phải được giữ ở độ tối mật như quy định tại Quyết định số 32/2005/QĐ-TTg ngày 07/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật trong ngành Giáo dục và Đào tạo.

    8. Đề thi dùng cho thí sinh thi phải được giữ ở độ tối mật cho đến hết giờ làm bài thi đối với mỗi môn thi.


    II. Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy:
    (download ở http://www.gdtd.vn/channel/2741/201002/Ban-hanh-Quy-che-tuyen-sinh-DH-CD-he-chinh-quy-moi-1922734/)

    Điều 18. Yêu cầu về nội dung đề thi
    1. Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ phải đạt được các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học.
    Nội dung đề thi phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót.
    Đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi.
    2. Không được phép có sai sót về nội dung đề thi. Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.
    3. Bám sát chương trình trung học (theo từng bộ môn). Có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học. Thống nhất các ký hiệu, thuật ngữ theo quy định hiện hành.

    Chiếu theo hai quy chế này thi đề thi HSG Anh quốc gia 2010 (em có giữ soft copy) và đề ĐH hiện nay đều có vi phạm, dù ít dù nhiều (về tính chính xác). Còn dựa vào đây có thể kết luận gì về việc đạo văn theo luật hiện hành thì mọi người có thể bàn thêm.

    SGK

    ReplyDelete
  13. Hôm nay tớ sẽ viết 1 bài về văn hóa tranh luận trên cộng đồng, nhưng lấy chủ đề này làm sườn.

    ReplyDelete
  14. Dear all,

    Cám ơn mọi người đã có ý kiến và tham gia tranh luận về vấn đề đang được thảo luận. Mọi ý kiến đều rất hay, dù có những khác biệt. Xin cám ơn mọi người một lần nữa. Và xin trả lời tóm tắt những gì đã rõ ràng đối với tôi cho đến nay.

    1. SGK, TTĐ và Hà Thanh, về đạo văn là gì?
    Như đã nói, tôi không muốn khuấy động vấn đề lên thêm nữa vào thời điểm này. Nhưng TTĐ đã nói đúng, ở đây dường như có sự khác biệt về quan niệm thế nào là đạo văn, mà tôi tạm tóm tắt là một quan niệm "cứng" và một quan niệm "mềm". Trong đó, có lẽ GS NVT (và phương Tây) đại diện cho quan niệm cứng, còn những người có trách nhiệm làm đề thi năm nay (và VN nói chung) thì đại diện cho quan niệm mềm. Và một số khác nữa thì chưa biết nên đồng ý với quan niệm nào, giống như Hà Thanh.

    Tôi nghĩ, ở đây không nên bàn về việc ở VN có nên chọn áp dụng quan niệm của phương Tây hay không, như Hà Thanh đặt vấn đề. Mà là chúng ta đang cam kết ứng xử theo quan niệm nào đối với cộng đồng thế giới.

    Một khi VN đã cam kết hội nhập với cộng đồng quốc tế, đã tham gia các công ước quốc tế như Berne, tham gia các hiệp hội xuất bản, và đặc biệt là tham gia WTO với các luật chơi quốc tế vv, thì đương nhiên chúng ta đồng ý chấp nhận luật chơi của quốc tế rồi.

    Và luật, là luật. Người VN có thể có thói quen vượt đèn đỏ ở VN và được công an thông cảm (!), nhưng nếu sang Singapore mà vượt đèn đỏ thì đương nhiên sẽ bị phạt. Không thể nói: do tôi là người VN, nên văn hóa của tôi nó thế, và vì thế tôi không có lỗi!

    Và nếu mọi người đọc kỹ bài viết của tôi trên báo TN ngày 19/7 (chẳng biết bác Đạt nhà ta có thực sự đọc nó không?) thì tôi đã viết nguyên văn như sau:

    Chúng ta có thể giải thích lý do tại sao điều này lại xảy ra được ở Việt Nam, thậm chí có thể thông cảm vì việc này bắt nguồn từ hoàn cảnh Việt Nam trước đây chưa hội nhập sâu rộng với thế giới, trình độ tiếng Anh của giáo viên nói chung còn hạn chế... Nhưng những lý do và sự thông cảm đó không làm cho một việc sai trở thành đúng. Giờ đây, khi đất nước đã hội nhập sâu rộng, và khả năng “bị phát hiện” bởi cộng đồng khoa học thế giới cũng rất cao, chúng ta nên thừa nhận cái sai để sửa và rút kinh nghiệm.

    Có ai phản đối điều tôi mới nói ở trên không? Tôi hy vọng là không. Nếu có, xin tranh luận ở đây, tôi xin tiếp tục hầu chuyện ạ.

    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  15. (tt)
    . Bác Hải và SGK, về việc tranh cãi quan đề thi tiếng Anh năm nay thì ai đúng, ai sai?
    Tôi có thể khẳng định là tôi không sai. Điều này cũng có nghĩa là việc tổ chức làm đề thi đã có những sơ sót, như tôi đã phát biểu trên báo TN. Không chỉ vì nó có "đạo văn" (mà hiện nay, những người phản đối lời cáo buộc "đạo văn" của GS NVT, hình như trong đó có cả Hà Thanh nữa thì phải?) đang ra sức lập luận rằng quan niệm "đạo văn" của phương Tây chưa chắc đã có thể áp dụng cho VN?), mà còn vì nhiều lý do khác:

    i. Như SGK đã chỉ ra, nó unfair, thực vậy!!!!!! Lấy ở một nguồn sẵn có, có nghĩa là sẽ có người đã tiếp cận và có người chưa tiếp cận, vậy người nào đã tiếp cận bỗng nhiên có lợi thế hơn người chưa tiếp cận, mà điều này chẳng liên quan đến năng lực đang được kiểm tra. Điều này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả thi - reliability ấy. Việc này trong literature về testing nói rất nhiều, nhưng vì nó kỹ thuật, tôi xin bỏ qua. Nếu ai quan tâm, xin gửi thư riêng cho tôi, tôi sẽ trao đổi tiếp. vtpanh@gmail.com.

    ii. Cũng là do SGK đã chỉ ra ở comment thứ 13, ở Điều 18, Khoản 2 của Quy chế Tuyển sinh ĐH-CĐ do Bộ GD ban hành (không có liên quan gì đến GS NVT và quan niệm phương Tây gì cả), người ra đề không được ra đề thi vào những nội dung còn đang tranh cãi hoặc có nhiều cách giải (xin đọc bên trên).

    Tôi nghĩ việc cãi qua cãi lại giữa GS Tuấn, tôi, với bác Đạt và ban đề thi cho đến nay, cũng đủ để cho thấy ngay cả các 'đấng', các 'bậc' như thế mà còn chưa thống nhất với nhau, thì làm sao thí sinh làm được? Hèn gì mà sau khi thi xong, các giáo viên có ý kiến là có một số câu lắt léo? Xin mọi người đọc lại các nhận định trên báo từ hôm thi xong môn tiếng Anh đến nay.

    iii. Chính vì ngay quy định của Bộ GD của VN cũng không cho phép đưa vào đề thi những vấn đề còn tranh cãi, nên việc chọn nguồn ngữ liệu để đưa vào đề thi phải cẩn thận hơn. Nhưng trong đề thi năm nay, nhóm ra đề đã chọn phải một đoạn ngữ liệu từ một nguồn gốc không ổn! GS Tuấn đã chỉ ra rằng bài đọc đó lấy từ một trang mạng của TQ. TQ thì rõ ràng không phải là bản ngữ rồi, vậy tức là họ viết tiếng Anh không đảm bảo lắm. Nếu chúng ta dựa vào sách nọ, sách kia rồi bảo rằng họ đúng hay họ sai thì cũng chỉ là đoán mò thôi.

    Quy luật sử dụng ngôn ngữ luôn có những ngoại lệ, và người không bản ngữ cũng không thể nào có đủ thẩm quyền để nói rằng cách này hay cách khác là đúng hay là sai. Chỉ có người bản ngữ mới có thẩm quyền này thôi. Chính vì điều này mà tôi đã nói, thôi không nên sa vào các chi tiết vụn vặt này nữa. Tuy nhiên, nếu cần chứng minh ai đúng ai sai, thì tôi nghĩ cả tôi, lẫn GS Tuấn, lẫn SGK ở trên, đều cũng đã chỉ ra một vài chi tiết có thể tin là không tranh cãi rồi. Mà chỉ cần một chi tiết sai, thì có thể chứng minh là đoạn ngữ liệu đã chọn là chưa chuẩn, phải không? Nhất là khi nó lại lấy từ một nguồn chưa chuẩn!

    3. Về những chi tiết ngôn ngữ trong các bài đọc, theo thư của Kotaro Wu và Steven
    Cô sẽ trả lời trong các bài viết thuộc series nói chuyện tiếng Anh sắp tới nhé! Các em nhớ đón đọc!

    Và một lần nữa cám ơn tất cả mọi người. À quên, Hà Thanh này, em có thể đọc trên blog của BS Hồ Hải (bshohai.blogspot.com) về văn hóa tranh luận. Có liên quan đến cuộc tranh luận của chúng ta.

    PA

    ReplyDelete
  16. chị PA thân mến,
    Đúng là từ 1 vấn đề cần lmfm cho sáng tỏ thì lại thành 1 cuộc tranh luận"đao to búa lớn". Nói thật mất lòng mà!Chị với vai trò quản lý lãnh vực" nhạy cảm"cho nên nói toạc móng heo thì phải mất lòng thôi.Tôi ủng hộ chị dù ai nói cà tửng "té nước theo mưa" cũng được...Chân lý maĩ mãi là chân lý!!! Nhưng lúc này thì nên nhịn vì chị đang ở đỉnh núiEverest...chịu khó xuống núi kẻo bị cảm lạnh.Chúc chị mãi mãi thành công.

    ReplyDelete
  17. Em nghĩ thầy Tuấn và cô Phương Anh tranh luận về chủ đề này thế là đủ. Tuy không hiểu nhiều về tiếng Anh nhưng với những dẫn chứng cụ thể và lập luận chặt chẽ, em hiểu rằng thầy Tuấn và cô PA có lý.

    Em mong sớm được đọc những bài của cô về cách dùng từ trong tiếng Anh.

    ReplyDelete
  18. Gửi cô Phương Anh:
    Em không hề cho rằng vấn đề cốt yếu ở đây là có nên áp chuẩn Tây hay không. Em nói đến chuyện này vì nó liên quan đến cách bác Tuấn tranh luận về việc đạo văn: không hề thuyết phục chút nào với em.
    Em có sự phân tách rõ ràng hai chuyện: việc kết luận đạo văn hay không mang tính phán quyết và việc góp ý kiến.
    Kết luận có đạo văn hay không mang tính phán quyết đúng sai thì phải chính xác rõ ràng theo quy định nào hiện hành tại Việt Nam. Còn nếu là góp ý kiến, mỗi người trình bày một quan niệm của mình, thì quan niệm của em, em đã nói rồi, là em cùng quan niệm về thế nào là đạo văn với cô và bác Tuấn.
    Nói về chuyện đạo văn, em cho rằng phát biểu của cô có sự chừng mực và không thể đem đánh đồng với các phát biểu của bác Tuấn. Tuy nhiên, cô có nhắc đến ý kiến của bác Tuấn mà không nói rõ ràng là mình nhìn nhận khác với bác Tuấn như thế nào để phân tách ra thì cũng dễ bị người ta hiểu nhầm và quy kết.
    Em hơi lạc đề một chút:
    Em thấy ở blog của Đông A cũng có hai bài khá hay về đạo văn. Một bài là "Thói a dua và mặc cảm dòng chính" tại http://donga01.blogspot.com/2010/05/thoi-dua-va-mac-cam-dong-chinh.html
    và một bài là "Có hay không đạo văn trong "Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại"" tại
    http://donga01.blogspot.com/2010/05/co-hay-khong-ao-van-trong-nam-huong-toi.html
    Không biết cô có hay theo dõi blog Đông A không? Văn hóa tranh luận thể hiện ở các comment để lại ở blog này co thể gọi là "kinh dị". Chủ blog hứng chịu rất nhiều sự xúc xiểm nhưng vẫn để chế độ comment.

    ReplyDelete
  19. Tớ chưa bao giờ sang nhà PA để đưa bài mình viết. Nhưng hôm nay tớ phải đưa để mọi người hiểu rõ quan điểm của tớ cho rõ ràng về vấn đề Văn hóa tranh luận trên cộng đồng.

    Hôm qua tớ có bảo thằng con tớ kiểm tra lại mấy chuyện này. Nó bảo ngay cả ba là người Việt chắc gì ba đã hiểu hết tiếng Việt. Và ba chắc gì đã viết tiếng Việt đúng hết chưa? Ngôn ngữ thì nó thay đổi như chong chóng. Nên chuyện này chỉ nên bàn đến thế nào là đạo văn và VN nên như thế nào khi đã cam kết với thế giới?

    Còn nếu tớ có làm cho PA bị ảnh hưởng về việc này thì tớ sẽ không bao giờ tham gia comment ở đây nữa. Còn với tớ hồi nào giờ nó vậy, đã là mình đúng thì chơi tới cùng. Nếu cần đem ra luôn công ước quốc tế. PA cũng đã hiểu tớ hôm trước về chuyện tranh luận với GS Tuấn rồi. Tớ là tớ không để lơ mơ mấy vụ này, dù có chết tớ cũng làm ra lẽ.

    Chúc vui vẻ nhen,

    ReplyDelete
  20. Chị PA,

    Tôi nghỉ GS Tuấn nói dúng về dạo văn, không thể nói mỗi nước có văn hoá riêng, thì ta cứ tha hồ trích mà không ghi nguồn. Nếu như thế thì thế giới có luật tác quyền, luật sở hữu trí tuệ dể làm gì. Nước chúng ta trên dường hội nhập thì cũng phải theo luật quốc tế thôi. Ăn cắp một miếng nhỏ bánh mỳ và ăn cắp một ổ bánh mỳ cũng giống nhau thôi, cho dù nó không dáng dể họ bắt dưa ra toà. Càng không dúng, khi ai dó cho rằng dề thi không dề tên ai, bất vụ lợi cho cá nhân nên không phải dạo văn.

    Ngày tôi còn trong trường, ngay tại các máy photocopy,trong thư viện, luôn luôn có hàng chử cảnh báo : Photocopy text book, chỉ dược dùng cho cá nhân mà thôi, không dược phép dưa cho người khác ( xử dụng ) vì luật tác quyền.

    van

    ReplyDelete
  21. Chào mọi người,
    Rất cám ơn tất cả mọi đóng góp. Và đặc biệt cám ơn Hà Thanh vì đã đòi hỏi căn cứ để phán quyết. Cũng cám ơn anh (?) Van đã ghé thăm và chia sẻ.

    Tôi đã đọc Luật SHTT của VN để tìm căn cứ trả lời cho Hà Thanh, và đã viết entry mới. Xin mọi người đọc nhé. Tôi nghĩ việc này cho đến nay cũng đã ngã ngũ rồi, nên không cần tranh luận thêm nữa.

    Rất cám ơn tất cả mọi người đã chia sẻ.

    PA

    ReplyDelete
  22. Em nói thêm một vài điều nữa cho rõ ý của mình:
    Việc cô so sánh vấn đề đạo văn này với việc vượt đèn đỏ, với em thì không khớp. Ở Việt Nam, vượt đèn đỏ rõ ràng là phạm luật giao thông. Điều này đã ghi trong luật định, và hầu như ai điều khiển giao thông cũng biết điều đó. Còn việc làm đề thi không có trích dẫn có bị coi là đạo văn hay không thì nằm ở quy định nào? Không phải ai cũng biết, và em không biết. Em mới nghe nói đến luật về bản quyền tác phẩm, luật sở hữu trí tuệ và em không hiểu những luật này có thể áp dụng sang đạo văn trong trường hợp này như thế nào. Em thật sự không hiểu biết về những điều này nên rất mong có ai biết thì chỉ giúp cho em. Em băn khoăn chuyện này vì cá nhân em không đồng tình với công văn trả lời của Bộ gửi đến báo Thanh Niên. Bộ không nhận là đạo văn đã đành, nhưng còn không nhận là không trích dẫn là đã sai sót. Vậy có phải là Bộ biết chắc là chưa có luật gì để điều chỉnh những việc này? Hay Bộ tự đặt ra luật là không để lộ nguồn? Hay là Bộ có phạm luật nhưng cố cãi cho mình đúng?
    Em chỉ cho rằng cái cách nói chuyện đúng sai với Bộ của bác Tuấn nó thật là phi logic. Bác ý cứ trích đề thi của nước ngoài làm ví dụ, áp định nghĩa của nước ngoài vào.
    Còn em nói là không tập trung vào việc bác Đạt mắc lỗi công kích cá nhân, vì em cho rằng tập trung vào đó thì tự nhiên mình bị lạc hướng, chứ không phải là em có thái độ thiên vị bác ấy.
    Còn một điều nữa, về mặt tiếng Anh, em không thể coi bác Tuấn là "đấng" hay là "bậc" được. Bác Tuấn trong bài phản bác bác Đạt đã vỗ ngực về việc mình có 30 năm ở Úc, làm biên tập tạp chí khoa học và hướng dẫn sinh viên viết bài báo khoa học. Em thiển nghĩ rằng người bình thường thì sẽ phải thừa nhận sự hạn chế của việc học viết tiếng Anh theo kiểu đó (dựa trên kinh nghiệm, mà nhất lại là kinh nghiệm bó hẹp trong các bài báo khoa học ngành y). Nhưng bác Tuấn lại ngược lại, tự cho rằng như thế là mình đã đủ tư cách để phán xét.
    Còn bài của bác sỹ Hồ Hải, thì bác ấy có nhắc đến comment của em. Bác ấy bộc lộ sự khó chịu nhưng không trao đổi cụ thể với em tại blog này của cô mà lại đem sang blog của bác ấy, không nói gì với em. Em nghĩ đó thực là một hành động "rất có văn hóa tranh luận ". Em thấy mình thật không đủ "tầm” nên em sẽ không tham gia gì vào câu chuyện của bác sỹ Hồ Hải.
    Em nói về bác Tuấn ở đây là do bác Tuấn không hề để chế độ comment gì trên trang của bác ấy. Em gửi thư bày tỏ sự muốn comment trên trang của bác ấy, thì bác trả lời là muốn giữ chính sách không để chế độ cho comment công khai. Em chẳng quan tâm tới việc cá nhân bác Tuấn nghĩ gì mà lại quan tâm đến chuyện mọi người biết về các ý kiến phản biện, nên không cho rằng em phải trao đổi kín với bác Tuấn. Em nghĩ là bác Tuấn hạn chế sự comment cho bác ấy công khai với mọi người , thì cũng phải chấp nhận việc người ta (buộc phải) đi comment công khai ở nơi khác. Em cũng xin lỗi cô là em có nói về tranh luận của bác này hơi nhiều trên blog của cô. Em không chủ đích. Em hay đọc bài của bác Tuấn từ link để lại trên blog của cô, có lần thấy bức xúc nên mới vào comment và sa đà vào việc nói về các tranh luận của bác ý.

    ReplyDelete
  23. Em viết cái comment dài này trước khi có comment số 22 của cô cũng như bài đăng về luật sở hữu trí tuệ của cô. Em cũng chỉ note lại này để đề phòng có ai hiểu nhầm thôi.

    ReplyDelete
  24. Cá nhân em thì lại muốn nhắc đến một từ, một khái niệm, một phạm trù nữa, mà cái từ-niệm-trù này chắc chỉ làm vấn đề đang tranh luận thêm rối, chứ chẳng giải quyết được gì. Đó là vấn đề đạo đức (ethic). Đạo đức tranh luận, đạo đức giáo dục, đạo đức quản lý.... Buồn thay khi nhiều người đúng ra phải có đạo đức mà lại khá thiếu đạo đức! Em biết chắc họ biết họ sai, nhưng chống chế, né tránh, chụp mũ, khoa môi múa mép bằng ngôn từ đến mức đê tiện một cách điêu luyện. Thật vô đạo đức! Chẳng cần phải vận dụng luật để chỉ ra là họ sai. Làm khoa học phải hiểu đạo đức khoa học chứ nhỉ! Chép của người ta, thì common sense (mà có khi đạo đức cũng chỉ là một phần người của common sense thôi) cũng đã bảo là sai rồi!
    Đơn giản thì chỉ cần hỏi Bộ Giáo Dục đào tạo thế này: Thế năm sau, ra đề, Bộ vẫn sẽ tiếp tục copy ở đâu đó hay sẽ âm thầm, lén lút mà đi xin phép quyền sử dụng? Đến đây chợt nhớ đến tên quan huyện trong vở cải lương xa xưa Ngao Sò Ốc Hến. Ông Huyện nói với vợ, "tôi âm thầm mà sợ bà". Hay cô Phương Anh cứ để Bộ "âm thầm mà sợ bà"?
    Lộc Phạm

    ReplyDelete
  25. Chuyện này bàn cũng nhiều rồi, nhưng hôm nay em lại thấy thêm một bài viết nữa, lần này đăng phản hồi cụ thể hơn từ ban ra đề, nên paste ở đây để mọi người tham khảo. Hơn nữa, trong phần phản hồi, ban ra đề có nêu ra một số lập luận liên quan đến quy tắc soạn đề tiếng Anh, mà em nghĩ cô PA, nếu được, nên nói rõ thêm trong những bài viết sắp tới về cách ra đề thi (technical một chút cũng được, miễn là làm sáng tỏ vấn đề).
    Em trích từ: http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/www.tamnhin.net/Y-kien-chuyen-gia-ve-vu-dao-van-de-thi-Tieng-Anh/4627704.epi

    "Nói rằng đề tiếng Anh “sao chép từ đề thi ở một trang web trên mạng” là không đúng. Ngân hàng câu hỏi của Bộ GD thu nhận câu hỏi từ giáo viên ở khắp nơi, rất có khả năng họ có thể cùng trích dẫn các tài liệu giống nhau và đóng góp cho ngân hàng. Do vậy, sự trùng nhau rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, hầu như toàn bộ câu hỏi cho bài đọc hiểu đều được biên tập và soạn mới để tránh khả năng bài đọc đã xuất hiện đâu đó trên thị trường, đặng đảm bảo cơ hội công bằng cho mọi thí sinh.
    (...)"

    --> Như vậy ban ra đề khẳng định là không sử dụng lại câu hỏi, chỉ sử dụng lại bài đọc. Đây thực chất là câu trả lời cho vấn đề (3) mà em nêu ở comment đầu tiên. Tuy nhiên, câu trả lời của Ban ra đề có xác đáng không, thì em nghĩ cần nhờ ai kiểm tra lại. Em có nhắc đến thông tin về đề thi Olympic của Apollo năm 07-08, không biết có ai ở HN có thể kiểm tra lại không? Ngoài ra, bài đọc trên mạng không biết có cách nào truy ra câu hỏi luôn không?

    "Trong trường hợp cụ thể của bài đọc trong đề thi môn tiếng Anh 2010:

    Mọi câu hỏi của đề thi đều được trích từ Ngân hàng câu hỏi của BGD. Các câu hỏi do giáo viên tiếng Anh khắp cả nước đóng góp. Họ có thể tham khảo ở mọi nguồn khác nhau, kể cả từ mạng Internet. Ngân hàng có nguyên tắc bảo mật riêng và có thể truy nguyên nguồn gốc câu hỏi do ai đóng góp. Người làm đề được Ngân hàng cung cấp các đoạn trích không dẫn nguồn. Hơn thế nữa, đề thi nói chung không nhất thiết phải ghi nguồn trích dẫn trên đề thi, trừ tài liệu giáo khoa,... Ta chỉ cần tham khảo bài đọc hiểu của những bài thi nổi tiếng như TOEFL hay IELTS, FCE, CAE,... thì rõ.

    Đoạn trích cho một bài thi khác với đoạn trích sử dụng cho một bài văn, luận văn, hay bài báo. Nó có thể cần được điều chỉnh vì những mục đích như được nói sau đây. Hơn thế nữa, có chi tiết được chỉnh lại để dễ hiểu cho thí sinh. Trong khuôn khổ được giao một nguồn bài đọc hết sức hạn hẹp từ Ngân hàng, nhóm đề thi làm như thế là rất cố gắng."

    Về chuyện IELTS và chính sách copyright thì em đã gửi enquiry hỏi thử, không biết họ có trả lời không. Nhưng còn về khẳng định "Đoạn trích cho một bài thi khác với đoạn trích sử dụng cho một bài văn, luận văn, hay bài báo. Nó có thể cần được điều chỉnh vì những mục đích như được nói sau đây. Hơn thế nữa, có chi tiết được chỉnh lại để dễ hiểu cho thí sinh" thì em không rõ lắm, có lẽ cô PA có nhiều kinh nghiệm về language testing có thể giải thích thêm?

    "Nhiệm vụ của nhóm ra đề thi là chọn ngẫu nhiên trong Ngân hàng câu hỏi (Item bank) của Bộ (sẽ được nói thêm ở dưới).

    Chúng tôi chỉ đưa ra một đoạn văn được Ngân hàng giao và đặt câu hỏi để xem học sinh có hiểu được nội dung của đoạn văn này hay những từ đã được sử dụng trong bài văn này hay không? Vậy vấn đề cần bàn ở đây là:

    • Từ ngữ của đoạn văn có phù hợp với vốn từ của 1 học sinh đã học Tiếng Anh 7 năm hay không?

    • Đáp án của đề thi có gây tranh cãi không?

    • Mười câu hỏi để kiểm tra được kĩ năng đọc hiểu của thí sinh đã được soạn tốt hay không?

    • Các câu hỏi đã đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật viết câu nhiều lựa chọn (MCQ) không? và các câu hỏi đó có tuân thủ văn phong của một bài thi không?

    Một bài toán có trong đề thi không bắt buộc phải là một bài toán có trong thực tế."

    Những luận điểm này, có lẽ nhờ cô đánh giá hộ, nếu được.


    SGK

    ReplyDelete
  26. Hahaha, VN bây giờ làm gì có chuyện ra đề thi cho tất cả các môn mà yêu cầu hả SKG? Hội đồng ra đề không ra nổi đề trắc nghiệm nên chỉ còn guc gù và ăn cắp thôi. Nên cái hội đồng ấy bây giờ rất nhiều trẻ em đi du học nhưng giỏi gúc gù làm dùm cho các thầy lớn tổng kết thành đề. Tất cả các đề chứ không phải chỉ đề tiếng Anh đâu.

    Đây là lần cuối tờ comment, mong nó khg ảnh hưởng đến PA, nếu thấy có ảnh hưởng thì PA cứ delete nhen.

    ReplyDelete
  27. @Phùng Hà Thanh: bạn nên lưu ý rằng liên quan đến việc đạo văn hoặc vi phạm quyền tác giả nói chung bạn nên theo luật pháp quốc tế vì VN đã ký công ước Bern nên sau này có kiện tụng thì luật pháp Việt Nam sẽ không được sử dụng trong tranh chấp đâu bạn.
    Công ước Bern: http://vi.wikisource.org/wiki/C%C3%B4ng_%C6%B0%E1%BB%9Bc_Berne_v%E1%BB%81_B%E1%BA%A3o_h%E1%BB%99_c%C3%A1c_t%C3%A1c_ph%E1%BA%A9m_v%C4%83n_h%E1%BB%8Dc_v%C3%A0_ngh%E1%BB%87_thu%E1%BA%ADt

    ReplyDelete
  28. Chào mọi người

    Như đã nói ở trên, trưa nay em đã gửi thắc mắc đến Cambridge ESOL, nơi tổ chức các kì thi IELTS, CPE, CAE,...để hỏi về chính sách copyright của họ. Tối nay em cũng vừa gửi email hỏi ETS về chính sách copyright dành cho TOEFL, và nhận được confirmation email báo 3-4 ngày nữa sẽ trả lời. Bên Cambridge ESOL đã có phản hồi, bản thân thông tin trong email trả lời cũng khá mới và bất ngờ đối với em, nên em xin phép được đưa lên đây cho mọi người tham khảo.


    "Original Call Description:
    IELTS Contact Form Submission: University of Cambridge ESOL Examinations (Cambridge ESOL)

    Logged on: 29/07/2010 at 06:10:25


    Update:
    Thank you for your email.

    I can confirm that the sources of the reading passages are not expressly stated with the passages in the IELTS examinations. For obvious reasons we do not disclose the sources of the articles.

    Copyright permission is not required when a text is used for examination purposes, and copyright information is therefore not included in Cambridge ESOL question papers.

    I hope that this is of some assistance.


    Kind Regards

    Ben Cooper
    ESOL Helpdesk
    Cambridge ESOL Customer Services"

    Xin tạm dịch:

    Cám ơn email của bạn.

    Tôi có thể xác nhận rằng các kì thi IELTS không nêu nguồn của các đoạn văn đọc hiểu. Vì những lí do hiển nhiên, chúng tôi không tiết lộ nguồn của các bài đọc.
    Khi một đoạn văn được sử dụng cho mục đích khảo thí, thì không cần xin phép bản quyền, và vì thế các đề thi do Cambridge ESOL soạn không bao gồm thông tin bản quyền.
    Tôi hy vọng thông tin này có thể giúp bạn phần nào.
    Trân trọng
    Ben Cooper
    (Bộ phận hỗ trợ khách hàng của Cambridge ESOL)

    Cũng xin nói thêm, trong email có nói "Any views or opinions presented are solely those of the author and do not necessarily represent those of Cambridge Assessment unless otherwise specifically stated." (Những quan điểm và ý kiến trong email là của người viết và không nhất thiết đại diện cho quan điểm và ý kiến của Cambridge Assessment, trừ phi có khẳng định ngược lại.")

    Vì thông tin khá quan trọng, nên nếu phần dịch hoặc cách hiểu của em có gì lệch đi so với nguyên bản tiếng Anh, mong mọi người góp ý sửa chữa.

    Bao giờ nhận được email của ETS em sẽ post tiếp lên.



    SGK

    ReplyDelete
  29. Cho em nói thêm, vì nghĩ thông tin này khá quan trọng nên em mới post lên đây. Trong email cũng có ghi "The information contained in this email may be subject to public disclosure under the Freedom of Information Act 2000. Unless the information is legally exempt from disclosure, the confidentiality of this email and your reply cannot be guaranteed." Tuy nhiên, nếu về mặt đạo đức hay pháp luật mọi người cảm thấy không nên post email của ESOL và ETS lên, xin cứ nói em, lúc đó nhờ cô PA xóa hộ.

    SGK

    ReplyDelete
  30. Sau khi nhận được phản hồi của Cambridge ESOL, em đã tìm hiểu thử xem luật bên Anh có quy định cụ thể ra sao. Cuối cùng tìm được link sau: http://www.library.bham.ac.uk/support/copyright/Examinations.shtml.

    Xin trích:

    "Section 32 (3) of the Copyright , Designs & Patents Act 1988 says that:
    “Copyright is not infringed by anything done for the purposes of an examination by way of setting the questions, communicating the questions to the candidates or answering the questions.”

    However, this exception (ie the legal right to copy) does not extend to musical works for use by an examination candidate in performing the work(s).

    Also, Section 32 (5) says that if there is any ‘dealing’ in the material afterwards then that would constitute an infringement of the copyright owner's rights. This means that the selling or provision of copies of 'past exam papers' containing the copied material would be an infringement of copyright, as would its inclusion in a textbook of ‘model answers’."

    Như vậy, theo luật Anh thì việc sử dụng một tài liệu có bản quyền nào đó trong đề thi không bị xem là vi phạm bản quyền (phù hợp với câu trả lời của nhân viên ESOL). Tuy nhiên, có thêm một chi tiết đáng chú ý, đó là sau khi tổ chức kì thi, việc bán hoặc cung cấp các đề thi chứa tài liệu có bản quyền (kể cả việc đưa đề thi vào các sách giải, sách tham khảo) lại bị xem là infringement, và muốn không phạm luật thì vẫn phải xin copyright permission.

    Có lẽ đây là khác biệt quan trọng giữa đề IELTS và đề ĐH VN những năm gần đây (được Bộ công bố trên mạng). Như vậy lập luận "Hơn thế nữa, đề thi nói chung không nhất thiết phải ghi nguồn trích dẫn trên đề thi, trừ tài liệu giáo khoa,... Ta chỉ cần tham khảo bài đọc hiểu của những bài thi nổi tiếng như TOEFL hay IELTS, FCE, CAE,... thì rõ" của ban ra đề có chỗ cần xem lại, vì cách người ta sử dụng và xử lí đề IELTS/FCE/CAE và đề ĐH sau khi thi khác nhau.

    Vài thông tin thêm cho mọi người.

    SGK

    ReplyDelete