Sunday, May 16, 2010

Tin giáo dục Mã Lai: "Giờ đây ai cũng có thể học đại học"

Tin đó ở đây.

Tóm tắt: mọi rào cản đối với việc học ở bậc đại học đã được tháo gỡ. Những người chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc không có thời gian, hoặc thậm chí không có đủ tiền, giờ đây đều có thể có cơ hội học đại học tại trường đại học mở của nước này, Open University of Malaya.

Chỉ cần tốt nghiệp trung học cơ sở, có kinh nghiệm làm việc, có những kỹ năng và kiến thức tối thiểu để tham gia học, học theo những thời gian linh động theo nhiều phương thức giảng dạy khác nhau (từ xa, trực tiếp lên lớp, hàm thụ vv), và thậm chí đóng tiền trả góp nhiều lần. Còn có lý do gì để ngăn cản một người không học đại học nữa chăng?

Cái lợi của một đất nước với tỷ lệ dân số tốt nghiệp đại học cao chắc không ai chối cãi. Đó là lợi thế của mô hình Mỹ với mô hình giáo dục đại học đại chúng và gắn liền với nhu cầu xã hội ngay từ triết lý và từ xuất phát điểm. Và những nước nào muốn phát triển đều học tập mô hình này theo những cách khác nhau.

Có thể nói, đại học mở là một sáng kiến của nước Anh với trường đại học rất nổi tiếng là The Open University, website ở đây. Địa chỉ link: http://www.open.ac.uk/. Sáng kiến này nhằm đáp ứng nhu cầu đại chúng hóa và phân tầng trong giáo dục đại học, tạo ra một mô hình đại học mới bổ sung cho mô hình đại học tinh hoa. Rõ ràng, để góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, thì không phải trường đại học nào cũng cần trở thành Oxford hay Cambridge.

Hiện tượng này sau đó đã được một số nước khác "nhập khẩu", ví dụ như Thái Lan với một trường đại học mở với số lượng sinh viên rất ấn tượng là một vài trăm ngàn gì đó, trong đó có cả những người đang bị phạt tù (học hàm thụ) mà tôi đã có dịp đến thăm vào năm 1993.

Ở VN, trước đây mô hình đại học mở theo kiểu Anh hoặc Thái Lan cũng đã được cổ súy. Tôi cũng rất may mắn có tham gia giảng dạy "đại học mở" thời đầu tiên của nó, đầu thập niên 1990. Tiếc thay, giờ đây "đại học mở" của VN chỉ còn là một cái tên, nó chẳng còn chút gì mở nữa! Kỳ thi ba chung, và kiểu quản lý "gà công nghiệp" của bộ giáo dục của VN đã biến 400 trường đại học của VN thành những trường làng nhàng, không bản sắc, không tinh hoa mà cũng chẳng đại chúng!

Chúng ta đang muốn đổi mới giáo dục. Vậy ta đổi mới như thế nào, nếu không chịu nhìn ra xung quanh và học hỏi những kinh nghiệm thành công của những người hàng xóm? Và kinh nghiệm Mã Lai rõ ràng là một kinh nghiệm không tồi. Thử nhìn sự phát triển ổn định của người hàng xóm này thì đủ rõ.

Có ai có suy nghĩ gì về vấn đề này không?

1 comment:

  1. Em nghĩ một câu hỏi quan trọng là: người ta học đại học để làm gì?
    Đại học mở sẽ thành công nếu phần lớn mọi người đều có nhu cầu học để nâng cao kiến thức. Còn trong một xã hội mà credentialism quá phổ biến, thì những cơ sở giáo dục đó rất dễ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực nảy sinh. Trong hai thái cực đó, Việt Nam, một đất nước mà nhiều người vẫn gọi là ngàn năm văn hiến, nghiêng về phía nào?
    Và những lớp ĐH tại chức, chuyên tu của VN, ở một góc độ nào đó, có thể được xem là Vietnamese-style open university? Và các đại học mọc lên hàng loạt ở các tỉnh, như ĐH Phan Thiết (trong đó có nhiều đại học được nâng cấp từ trường cao đẳng), phải chăng cũng chính là những Vietnamese-style community colleges?
    VN đã có phổ cập tiểu học, phổ cập trung học, bây giờ có thêm phổ cập cao đẳng và phổ cập ĐH cũng không có gì lạ. Có điều, em không quá lạc quan về những thành tựu, nếu có, của quá trình "phổ cập đại học" trong bối cảnh hiện nay.
    Dân Anh có một câu, thường được cho là của Samuel Johnson: The road to hell is paved with good intentions.
    Hy vọng câu này sẽ không ứng nghiệm trong trường hợp của giáo dục đại học ở Việt Nam.

    SGK

    ReplyDelete