Tuesday, May 18, 2010

Chân không tới đất?

"Chân không tới đất" là cách nói về những ước mơ mang tính ... hoang tưởng. Và cụm từ đó nằm trong tựa của một bài viết mới trên Tuần Việt Nam sáng nay, ở đây. Vâng, đúng rồi, nó nói về giáo dục đại học của VN đấy ạ.

Một bài rất đáng đọc, không phải vì nó có gì mới - những vấn đề về chất lượng giáo dục đại học của VN thì mọi người đã biết quá rõ, vì đã nói quá nhiều và trong một thời gian quá lâu rồi. Mà vì sự mỉa mai, đau xót của những nhận định, sự thống thiết của những lời kêu gọi, và sự dồn dập của những dấu hỏi - những câu hỏi lớn mà lời đáp lẽ ra đã phải có từ lâu rồi, vì những vấn đề của VN thì nhiều nước trên thế giới cũng đã từng gặp và đã tìm ra những cách giải quyết khác nhau.

Hãy thử đọc một vài trích dẫn sau:

[...] [T]uyển dụng tràn lan giảng viên và tuyển sinh ồ ạt sinh viên, quá chỉ tiêu quy định. Có những giáo viên dạy nghề sau khi trường nghề nâng cấp trở thành trường ĐH, thì nghiễm nhiên thành giảng viên ĐH (!).

Có những thí sinh thi 3 môn được 5 điểm cũng nghiễm nhiên trở thành sinh viên ĐH. Rồi các hệ đào tạo tại chức (bây giờ đổi thành tên mới là "hệ vừa học vừa làm"), chuyên tu, văn bằng 2...ngành không kiểm soát nổi chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra. Câu nói của người xưa: "Thầy nào trò đấy" có lẽ phản ánh đúng thực trạng của nền giáo dục ĐH nước nhà chăng.

[...] [L]àm thầy không được mà làm thợ cũng không xong, làm sao có thể tạo ra những lợi ích cho xã hội?

[...][K]hông biết việc xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Bộ GD và ĐT có giống việc xây dựng các ĐH "tầm cỡ" như đã nói ở trên không? Tại sao ngành không đầu tư cho những trường ĐH hàng đầu hiện có trong nước? Chỉ biết rằng tiền vay nước ngoài rồi sẽ phải trả, và người dân lao động là những người phải nộp thuế để trả những khoản nợ này.
[...]
Trong mục tiêu chiến lược của mình, Bộ GD và ĐT tham vọng đến năm 2020, Việt Nam có 02 trường ĐH đứng trong top 200 ĐH hàng đầu thế giới. Không biết lãnh đạo ngành giáo dục ảo tưởng hay cả xã hội bị ảo tưởng?
[...]
Lẽ nào lãnh đạo Bộ GD và ĐT cho rằng từ giờ đến năm 2020, các trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam còn đang hình thành trên giấy tờ có thể đuổi kịp các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới với hàng chục, thậm chí hàng trăm năm lịch sử và kinh nghiệm?
[...]
Lẽ nào họ cho rằng chỉ có các trường ĐH ở Việt Nam phát triển, còn các trường ĐH khác không phát triển hay thụt lùi?
[...]
Không hiểu khi đọc bảng danh sách này, những người lãnh đạo của ngành giáo dục sẽ nghĩ thế nào, và không biết cái mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 2 trường ĐH của Việt Nam xếp trong top 200 thế giới có được cải chính không? Cũng không biết các trường ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ các trường ĐH thế giới và châu Á? Có ai trả lời được câu hỏi này không?


Có đau xót không, và thống thiết không, những câu hỏi dồn đập kia?

Mà ai phải trả lời những câu hỏi này nhỉ? Có phải là Bộ Giáo dục, hay Quốc hội, hay Trung ương Đảng? Hay là hiệu trưởng các trường đại học, hay từng giảng viên, từng sinh viên, hoặc thậm chí mỗi con người trong xã hội VN hiện nay? Tôi, thì tôi thiên về lựa chọn thứ hai.

Đừng nói rằng chúng ta không được phép. Đừng nói rằng do cơ chế ràng buộc nên chúng ta phải thế. Cơ chế cũng là do con người làm ra mà. Nếu từng người thầy đừng vi phạm đạo đức nhà giáo, nếu từng sinh viên, học viên cao học đừng quay cóp, đừng đi chùa thầy, đừng mua bằng giả; nếu mỗi nhà tuyển dụng kiên quyết chỉ sử dụng những người có năng lực thật, không quá quan trọng bằng cấp, không vị nể sự quen biết, nếu mọi người làm trong khu vực giáo dục công - những ông quan giáo dục - dám sẵn sàng "rũ áo từ quan" như những ông quan thanh liêm thời xưa, thì hẳn là giáo dục VN phải có ngày sáng sủa lên chứ?

Một dân tộc luôn tự hào với truyền thống hiếu học của mình mà để bây giờ như thế này, chẳng lẽ từng người chúng ta không hổ thẹn sao?

Hổ thẹn chứ, phải không? Vậy nếu hổ thẹn, thì phải phản ứng gì đi chứ? Hình như cũng đang có phản ứng đấy, ví dụ quanh vụ đạo văn vừa qua. Mọi người thì kêu bi quan quá, buồn quá, nhưng tôi lại nghĩ, có phản ứng là còn có hy vọng... Giống như khi chủng ngừa vậy.

Tôi vẫn tin vào một tương lai tươi sáng hơn cho nền giáo dục nước nhà. Miễn là ngay từ bây giờ chúng ta phải chịu đặt chân xuống đất, bắt đầu làm tốt từ những việc nhỏ nhặt nhất. Ví dụ, biên dịch giáo trình, tài liệu học tập cho tử tế, thay vì biên soạn những giáo trình theo kiểu đạo văn, độn văn, nhái văn, xào sách, luộc sách, ăn gỏi sách như hiện nay...

Ngày mai, trời sẽ sáng!

5 comments:

  1. Thật ra cũng có người bắt tay vào làm đó cô, chẳng hạn: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai9/200609_DeAnDaiHoc.htm

    Đề án này ra đời bốn năm trước, có nhiều đề xuất mà theo em là rất hợp lí. Những người chắp bút cho nó cũng không ở trên mây, mục tiêu của họ chỉ là xây dựng một ĐH chất lượng cao, chứ không nhất thiết phải "đẳng cấp quốc tế", "top 200",...Chỉ là chưa thấy ai có trách nhiệm đưa ra phản hồi gì (nếu cảm thấy nó không phù hợp ít ra cũng nên phản biện, đưa ra lí do), có lẽ vì họ mải chạy theo những bánh vẽ trên trời.
    Đứng ở quan điểm xã hội học, thay đổi trong xã hội thường lâu dài và mạnh mẽ hơn khi những người có quyền sẵn sàng thay đổi (vì họ chính là những người kiểm soát "social institutions"). Em nghĩ không thiếu người quyết tâm làm, điều họ cần là những cái đầu phóng khoáng, những cái tai biết lắng nghe từ những người có trách nhiệm.

    Nếu vậy, thì vẫn còn hy vọng.

    Có 1 câu em rất thích, xem ra cũng hợp với tình hình giáo dục đại học hiện tại:
    No straw is too small, so long as there's still one to clutch at.

    Vấn đề là có bao nhiêu người quyết tâm nắm lấy cọng rơm?

    SGK

    ReplyDelete
  2. Hi SGK,

    Thế hệ của cô đã làm cho giáo dục quá tệ em ạ. Có lẽ vì mới chiến tranh xong, rồi bao nhiêu vấn đề của một xã hội sau binh biến, và những đường lối sai lầm. Nên bây giờ những cái sai đó mình đang chịu hậu quả, và phải sửa thôi.

    Và thế hệ phải gánh cục nợ do thế hệ của cô để lại là thế hệ của các em đấy! Sorry, but I've tried my best, như em thấy đó! One person can only do so much, you know. Tất nhiên, dù làm được rất ít thì cũng vẫn phải làm, như câu trích dẫn của em.

    Đề án mà em nói cô cũng được biết, nhưng sao thấy hình như chỉ là ý tưởng mà không có bước triển khai nào thì phải? Chẳng hiểu do kẹt ở đâu, SGK nhỉ?

    ReplyDelete
  3. Thật ra tôi nghĩ các "quan" có thời gian đâu mà xem báo/blog hay xem dư án kia mà có ý kiến, phản hồi gì. Vì nhưng lí do như dầy nè!
    http://www.hvnh.edu.vn/news/875

    Tôi nhớ không lầm thì mới đây đã có hội nghĩ ván đề đó. Bầy giờ làm tiếp cái hội nghị triển khai chỉ thị về vấn đề đó. Rồi nay mai chắc là sẽ còn tiếp nữa - sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm?

    Chưa kể từ đây tới cuối năm, các quan sẽ còn bận tham gia nhiều "hội nghị" khác vì đại hội Đảng các cấp. Rồi đến hết năm thì sẽ làm ở trung ương và qua năm sau thì lại tiếp tục "hội nghị" nứa là học nghị quyết.

    Xin vô phép ngòai lề như dậy đề thấy sự phi lí và mất thời gian quá nhiều vào những không thuộc về giáo dục và rất nhiều ban ngành khác cũng tương tự dậy thôi. Như ông Võ Tồng Xuân, nguyên Hiệu Trưởng trường ĐH An Giang, Cần Thơ có lần đã phát biểu tương tự như dậy. Tứ là một năm chỉ hợp đảng đòan là hết thời gian làm viêc!

    ReplyDelete
  4. Hi TTĐ,

    Chị hoàn toàn đồng ý với em về ý kiến này:

    một năm chỉ hợp đảng đòan là hết thời gian làm việc

    Nên chị phải đứng ngoài, để còn có người làm việc chút chứ, em nhỉ?

    Thật đáng buồn, phải không? Nhưng chị vẫn nghĩ, sẽ phải có lối thoát thôi. Một trong những lối thoát đó mà từng cá nhân đang cố làm, là cho con cái đi "tỵ nạn giáo dục" ở nước khác!

    Làm bậy làm bạ, rồi bỏ trắng trận địa ngay trên sân mình! Có đáng buồn không?

    Mỗi người chúng ta cần tự cứu trước khi trời cứu!

    PA

    ReplyDelete
  5. Đúng là hiện tượng "tỵ nạn giáo dục", kể cả ở trong nước(chạy trường chuyên/lớp chọn) thật đáng buồn cho dân tộc mình. Hy vọng sau này ý thức nhiều người sẽ thay đổi...nhưng không biết theo chiều nào ;-).

    ReplyDelete