Thursday, May 20, 2010

Kết quả xếp hạng ĐH Châu Á 2010: VN nên làm gì?

Bài viết (vội) này tôi viết cho một người bạn là phóng viên giáo dục (tôi có nhiều bạn bè làm nhà báo, và đa số làm mảng giáo dục - văn hóa - xã hội) như một phản ứng nhanh sau khi kết quả xếp hạng đại học châu Á năm 2010 của QS được công bố vào tuần trước.

Bài viết chỉ được yêu cầu khoảng 200 từ, nhưng vì vấn đề này vốn là việc tôi quan tâm từ lâu nay, nên viết một mạch lên đến 800-900 từ. Đã gửi đi hôm qua, chẳng biết có được sử dụng không, nay tôi đưa lên đây để bạn bè và công chúng đọc và trao đổi.

---
Trong mấy ngày qua, sau khi kết quả xếp hạng đại học châu Á năm 2010 được QS công bố, lập tức báo chí và công chúng liên tiếp có những phản ứng thất vọng và đặt câu hỏi: “Tại sao VN không có trường nào nằm trong top 200?” hoặc “Hiện nay đại học VN đang ở đâu, khi nào mới có mặt trong các bảng xếp hạng?”

Tôi nghĩ, đầu tiên cần phải nhấn mạnh là sự có mặt hay không có mặt tự nó chưa nói lên điều gì. Mỗi bảng xếp hạng có một phương pháp và cho điểm khác nhau, dựa trên các tiêu chí chất lượng khác nhau. Nhiều khi những tiêu chí đó hoàn toàn không phù hợp với mục đích mà nền giáo dục của một đất nước đặt ra. Vì vậy, sự không có mặt trong bảng xếp hạng có thể là một lựa chọn chủ động: không muốn/không cần tham gia, nên không cung cấp số liệu. Vì cách xếp hạng của QS là dựa trên sự tự nguyện tham gia của các trường, không giống như Webometrics tự động đo lường và thực hiện xếp hạng dựa trên trang web của các trường, chẳng hạn. (Điều này tôi biết rõ vì tôi đã có vài lần liên lạc với QS để dự định đưa một trường thành viên của VNU tham gia xếp hạng đại học châu Á từ năm đầu tiên là 2009).

Nhưng cũng phải nói luôn: nếu VN có tham gia xếp hạng, thì có lẽ trong thời gian đầu khó mà đạt được thứ hạng cao, mặc dù khả năng lọt vào top 200 của bảng xếp hạng này đối với một số trường hiện có “đẳng cấp” nhất tại VN hiện nay, ví dụ thành viên của như hai ĐHQG, không phải là hoàn toàn bất khả (dù hơi khó khăn). Tại sao tôi lại nói vậy?

Nói vắn tắt, cách chấm điểm của bảng xếp hạng đại học châu Á của QS dựa vào 5 yếu tố sau:
- uy tín khoa học của trường qua đánh giá của đồng nghiệp quốc tế: 30%
- thành tích nghiên cứu: 30% (gồm số bài báo trên giảng viên, 15%, và tần số trích dẫn, 15%)
- khả năng làm việc của sinh viên tốt nghiệp qua đánh giá của nhà tuyển dụng quốc tế: 10%
- tỷ lệ sinh viên trên giảng viên: 20%
- mức độ quốc tế hóa: 10%

Nhìn vào các chỉ số này thì thấy không có chỉ số nào thực sự đánh giá chất lượng của giảng viên và chương trình giảng dạy (là điều tôi thực sự lo ngại), mà ngược lại yếu tố chủ quan chiếm tỷ trọng rất cao, chiếm tổng cộng đến 40% (yếu tố 1 và 4). Tất nhiên yếu tố 1 và 4 cũng sẽ làm ta lo ngại, vì hình ảnh của các trường VN hiện nay chưa đủ mạnh để tạo ấn tượng đối với những “đồng nghiệp” và nhà tuyển dụng quốc tế được mời.

Tuy nhiên, với những trường đã có ít nhiều hình ảnh và thương hiệu như 2 ĐHQG, hoặc một vài đại học lớn như ĐH Đà Nẵng, BK Hà Nội, Cần Thơ vv thì sự công nhận của quốc tế có lẽ cũng đã có. Những yếu tố khác thì các trường đại học lớn nhất của ta có lẽ không tệ hơn những trường thường thường bậc trung khác trong khu vực.

Nhìn vào kết quả năm nay, bỏ qua 100 vị trí đầu tiên mà ta khó có cơ hội lọt vào ngay, có thể thấy khá nhiều trường trong khu vực Đông Nam Á như Padjadjaran University của Indonesia (không ai nghe bao giờ, phải không), hạng 201 năm 2009 và 161 năm 2010; Khon kaen University của Thái Lan, hạng 113 năm 2009 và 122 năm 2010 vv.

Những trường khác trong Mạng ĐH Đông Nam Á mà hai ĐHQG của VN cũng là thành viên có thứ hạng năm 2010 cao hơn nhiều, đa số trong top 100: University of Indonesia hạng 50, ĐH Ateneo của Philippines hạng 58, USM (University of Science, Malaysia) hạng 69, University of Philippines hạng 78, chẳng hạn. Những trường này có thể hơn VN nhiều, nhưng không lẽ VN không bao giờ có thể lọt vào top 200 của châu Á?

Nếu chú ý, ta sẽ thấy thứ hạng của các trường trong 2 năm 2009 và 2010 có những thay đổi đột ngột (ví dụ trường đã nêu của Indo tăng 40 hạng chỉ sau 1 năm?), cho thấy phương pháp và số liệu của cách xếp hạng này vẫn chưa ổn định lắm, và chỉ có tính tham khảo.

Nên làm gì? Hiểu rõ cái hay cái dở của từng bảng xếp hạng, và mạnh dạn tham gia, nếu muốn biết bên ngoài đánh giá ta như thế nào. Nhưng xếp hạng xong cũng không quá mừng rỡ nếu hạng cao và không quá buồn bã nếu hạng thấp. Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng. Cái chính là biết, tốt thì phát huy mà xấu thì sửa, chứ không phải lại là một bệnh thành tích mới, làm chỉ để khoe nếu tốt, hoặc nếu không tốt thì ... dấu biến đi và không có bất kỳ tác động nào hết cho hệ thống.
---
Nhân tiện, ai muốn đọc thêm các ý kiến về kết quả xếp hạng châu Á 2010 thì nên đọc trên blog cá nhân của GS Nguyễn Văn Tuấn, tại địa chỉ mới http://nguyenvantuan.net/. Tôi không hoàn toàn đồng ý với các ý kiến của ông, nhưng các bài viết đó cũng giúp ta hiểu thêm về các bảng xếp hạng, và có góc nhìn riêng, đáng chú ý.

No comments:

Post a Comment