Saturday, May 8, 2010

Sự trung thực của trí thức

Tệ nạn "đạo văn", "tham nhũng học thuật" trong giới trí thức Việt đang dần bị phơi bày trước công luận, và đang trở thành một vấn đề nóng trên báo chí. Một người bạn, cũng là một phóng viên giáo dục trên một trong rất nhiều tờ báo của cả nước đã nói với tôi rằng "Càng đi sâu vào vấn đề này, càng thấy nó phức tạp, đụng chạm đến nhiều người, thậm chí đến toàn bộ giáo dục đại học của Việt Nam."

Nghe mà đau xót! Tất nhiên, đó cũng chỉ mới là cảm nhận của một người, cho dù đó có là một phóng viên, có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau. Có lẽ, giáo dục đại học của VN không đến nỗi tệ hại như thế. Vì cũng vẫn có những thành tựu, những điểm sáng, những sản phẩm tốt, những con người đang đóng góp cho sự phát triển của xã hội này chứ?

Vả lại, ngay cả trong những người vi phạm, thì có lẽ cũng nên phân biệt những người vô tình, phạm tội vì không biết đó là tội, hoặc phạm tội vì cùng đường (tương tự như ăn cắp ổ bánh mì để ăn để khỏi bị đói lả), và những người biết là tội, không cùng đường, mà chỉ vì tham. Vì không thể bỏ tất cả vào trong cùng một rọ được. Cái đó, gọi là tính nhân đạo của luật pháp, phải không?

Vì vậy, để giải quyết vụ lùm xùm mới đây về một cuốn sách bị đạo đi, đạo lại tới mấy lần, khiến một PGS-TS đã xin từ chức hay nghỉ hưu gì đó tôi quên rồi, và một người khác đang phải đối mặt với sự lên án của dư luận, có lẽ cũng nên thống nhất những nguyên tắc và căn cứ rõ ràng trước khi kết luận về mức độ "thiếu sót" hay "ăn cắp", thậm chí "lừa bịp" của những người có liên quan (những từ tôi để trong ngoặc kép là trích dẫn trên báo chí và blog cá nhân nói về việc này trong mấy ngày qua).

Nhưng khi được người bạn phóng viên ấy hỏi về nguyên tắc và căn cứ để xem xét mức độ vi phạm của những trường hợp liên quan gần đây, tôi bàng hoàng nhận ra rằng hình như từ ngày tôi trở thành giảng viên cho đến nay, tức đã gần 30 năm, tôi chưa bao giờ được cầm trong tay một văn bản nào nêu cụ thể những yêu cầu về tính trung thực của người trí thức cả. Và tôi cũng chưa bao giờ được yêu cầu phải rèn luyện cho sinh viên của tôi cái đức tính mà nền văn hóa học thuật của phương Tây xem là hết sức quan trọng này. Quả thật vậy, xin thề có Chúa!

Những gì tôi đang cố làm, ví dụ tôn trọng sở hữu trí tuệ của người khác, ngay cả khi còn là ý tưởng, là do tôi được rèn luyện trong thời gian 4 năm học ở Úc, với văn hóa học thuật của phương Tây. Hoặc do truyền thống đạo đức của gia đình, của niềm tin tôn giáo của tôi, hoặc quy ước, chuẩn mực xã hội của cộng đồng nho nhỏ mang tính cá nhân mà tôi tham dự mà thôi - bạn bè thời trung học, họ hàng, người quen của gia đình vv.

Chẳng trách một người mà tôi đã từng xem là bạn, chắc chắn đang được xã hội xem là trí thức, và tất nhiên cũng tự nhận mình là trí thức, hiện đang nắm giữ một vị trí quan trọng trong một trường đại học tư tại thành phố này, đã từng thản nhiên (ngang nhiên?) viết cho tôi bằng email trong một cuộc tranh luận, với đại ý rằng: ý tưởng một khi đã nói ra thì người khác có quyền sử dụng theo ý của người đó, và đó không hề là ăn cắp. Còn nếu sợ người ta lấy mất thì tốt nhất là đừng nói ra!

Đúng là chỉ còn biết kêu trời! Tôi nghĩ, nói như vậy thì cũng giống như nói rằng, nếu sợ bị kẻ trộm rình rập lấy tiền của mình thì tốt nhất là đừng có sử dụng tiền nữa! Vì một khi đã sử dụng tiền, thì người ta sẽ biết là mình có tiền, và kẻ trộm có quyền tìm cách để lấy!!!!!!

Thử hỏi, nạn trộm cắp tri thức hoành hành một cách ngang nhiên như vậy mà ngay cả "giới trí thức" cũng xem là đương nhiên, thì làm sao mà mong khoa học VN có thể phát triển được. Ai ngu gì mà lao động và sáng tạo ra cái mới, cứ chờ mà lấy của người khác rồi xài chùa chứ!!!!! Đúng là bó tay thật.

Nội dung của bức thư đó tôi vẫn còn giữ, nhưng do những giá trị đạo đức của chính tôi chứ chẳng có ai bắt buộc, nên tôi đã không trích dẫn nguyên văn ở đây, cũng không nêu tên người ấy trong entry này. Tôi chỉ nêu lên để minh họa cho tình trạng thiếu vắng các nguyên tắc, các quy định, và các chuẩn mực về sự trung thực của người trí thức trong xã hội VN hiện nay.

Nhân tiện, người mà tôi nói đó, hiện nay hình như cũng vẫn ngựa quen đường cũ, vẫn tiếp tục thường xuyên quên "không ghi nguồn trích dẫn", khi sử dụng nguyên văn lời lẽ của người khác hay ít nhất là của tôi, đến nỗi tôi đã phải viết một mẩu ở blog cá nhân mang tên "Buồn hay phẫn nộ?", ở đây.

Viết tản mạn chỉ để ghi lại những suy nghĩ hiện tại của tôi; thực ra tôi đang thu thập các tư liệu của phương Tây để viết một bài về "sự trung thực của trí thức" theo quan điểm học thuật Anglo-Saxon mà tôi quen. Và thấy rằng phương Tây có những quy định rất tỉ mỉ, chi tiết về vấn đề này. Thử google mấy từ này "academic integrity", tức sự trung thực của người trí thức, sẽ tha hồ đọc.

đây là một trong những tư liệu rất đáng đọc về vấn đề đó, xin giới thiệu đến mọi người. Còn bài viết của tôi, thì sẽ xong trong vài ngày nữa, hy vọng thế!

13 comments:

  1. Còn 1 trường hợp nữa là collusion: không tham gia soạn sách, nhưng lại đứng tên, thậm chí là làm chủ biên (để được chia tiền). Trường hợp ông vụ phó Nguyễn Hải Châu học sư phạm Toán nhưng chủ biên một lô sách hướng dẫn ôn tập Văn Sử Địa, mà báo chí đã nhắc đến mấy tháng trước, là 1 ví dụ tiêu biểu.
    Về trường hợp bạn (cũ) của cô PA (hình như là tiến sĩ ngành comparative and contrastive linguistic?), em lật lại assignment submission declaration page của trường (ở bên em trước khi nộp assignment đều phải kí vào trang này) thì thấy:
    Plagiarism and Collusion
    Plagiarism: to use or pass off as one’s own, the writings or ideas of another without acknowledging or crediting the source from which the ideas are taken.
    Collusion: submitting an assignment, project or report completed by another person and passing it off as one’s own...
    Em nghĩ cô PA đâu cần kêu trời, mà chỉ cho bạn cô thấy định nghĩa plagiarism ở đây là được (chắc cũng có thể coi là universal definition chứ ạ).
    SGK

    ReplyDelete
  2. Về chuyện đạo văn, em nghĩ một phần cũng do thói quen đại khái của nhiều người, kể cả so-called trí thức. Các bài văn hồi cấp 2 cấp 3, nếu em nhớ không nhầm, thường có câu "Ai đó đã nói rằng", "một nhà nghiên cứu đã nói"...Nhà báo, khi viết, nhiều khi rất thích xài "Có người đã nói", "Có khán giả đã nói", hoặc liều mạng hơn nữa là "HẦU HẾT khán giả đều nói" (chắc để đỡ chịu trách nhiệm?). Muốn hạn chế đạo văn, phải chăng nên tập sửa từ những thói quen nhỏ như thế?
    SGK

    ReplyDelete
  3. Hi SGK,

    Cám ơn 2 cái còm rất hay. Câu hỏi của em về nhân thân bạn cô, chắc là em nói đúng rồi đấy!

    BTW, em đang ở SG, phải không? Tối nay gặp em ở Victory Hotel (góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Văn Tần) lúc 5:30 được không? Cô có một ông bạn cũ là GS người Mỹ, lâu ngày gặp nhau nên muốn mời đi ăn tối. Em tiện thì đến nhé.

    Hoặc mail cho cô để hẹn gặp nhau.

    PA

    ReplyDelete
  4. "ý tưởng một khi đã nói ra thì người khác có quyền sử dụng theo ý của người đó, và đó không hề là ăn cắp. Còn nếu sợ người ta lấy mất thì tốt nhất là đừng nói ra!" ==) câu này nói theo nghĩa rõ ràng về luật pháp thì đúng đấy Cô ạ, vì "thông tin khoa học chỉ được xem là của mình một khi được công bố bằng một con đường khoa học". Trong lịch sử, nhiều công bố ban đầu được hồ hởi đón nhận, sau đó có người phát hiện ra là sự lặp lại các kết quả đã công bố (viết) trước đây của người khác, thì công trình vẫn được công nhận cho người trước; còn khi không có "giấy trắng mực đen" thì đương nhiên người sau được hưởng (tức ai công bố trước thì người đó thắng, như trường hợp Rosalind Franklin mất giải Nobel năm 1962).

    Nếu Cô là người đầu tiên nói ra ý tưởng đó bằng cách viết e-mail, đó cũng là một công cụ trao đổi cá nhân, được chấp nhận ở một chừng mực nhất định trong giới khoa học, thì Cô có quyền xem người ấy là "đạo văn" trước công luận. Nhưng nếu Cô nói miệng trực tiếp hoặc qua điện thoại thì sẽ không có bằng chứng gì để chứng minh điều ấy, và người ta hoàn toàn có thể cho rằng mình không "đạo văn", thì chỉ dừng lại ở chỗ tự hỏi: "mình chơi được với người này nữa hay không?" mà thôi.

    Theo em, vấn đề của người nói ra câu đó không phải là chuyện giấy trắng mực đen đối với một ý tưởng, mà là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của bản thân người ấy. Khi người ta không hiểu đến những nguyên tắc căn bản nhất về tham khảo khoa học, thì chuyện ăn cắp ý tưởng của người khác hay lấy cái của người khác về làm của mình đâu còn là chuyện khó.

    Chuyện của một người là vậy. Chuyện của nhiều người (và rất nhiều người) là họ không được dạy và không được kèm cặp về việc này ngay từ khi chập chững bước vào con đường nghiên cứu, nên làm sai càng sai, làm quấy càng quấy. Kiểu như "bé không vin, cả gãy cành" vậy Cô ạ.

    ReplyDelete
  5. Một sự kiện có liên quan, ở một ĐH Philippines mà cô đã có lần nhắc đến trên blog thì phải:
    http://www.abs-cbnnews.com/lifestyle/04/03/10/mvp-admits-mistake-speech-offers-retire-ateneo
    Ông này "từ chức" vì diễn văn tại lễ tốt nghiệp có nhiều điểm tương đồng với một số diễn văn của Oprah, Obama,...!

    SGK

    ReplyDelete
  6. Các bạn SGK và NTĐ ạ,

    Chẳng hiểu có phải vì đọc entry và các comments này không, mà người "bạn" tôi đề cập đến trong entry này vừa gửi thư đến tôi để yêu cầu (!) hợp tác trong việc tìm xem có phải là người ấy đã đạo văn của tôi không. Bằng cách gửi cho người ấy bài viết gốc của tôi, mà chính tôi đã gửi cho người ấy lâu rồi, để người ấy "minh định" xem có phải là "ăn cắp" không?

    Tôi yêu cầu người ấy không liên hệ làm phiền tôi nữa vì tôi không có nhu cầu "minh định". Vì tôi vốn biết rất rõ chỗ nào tôi viết mà. Nhưng vị ấy tiếp tục liên hệ mà còn "lên lớp" cho tôi rằng tôi là "người có liên quan" (???) mà tôi không hợp tác thì tức là tôi đã có thái độ không xứng đáng là người "trí thức"???????

    Tôi nghe xong, thấy hình như tôi mới là người đạo văn, còn người ấy là quan tòa phán xét vụ này????? Wow!!!! Không hiểu người này có bình thường không? Chết thật đấy!

    Lại thêm một bằng chứng của sự hồn nhiên, ngang nhiên, hoành hành vv của "tham nhũng học thuật", và sự trống rỗng hoàn toàn về căn bản đạo đức của một số "trí thức" VN, những người đang nắm vị trí lãnh đạo giáo dục tại các trường đại học? Nguy hiểm quá!

    Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong "giới trí thức" VN nữa các bạn ạ!!!!! Tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người về các yêu cầu căn bản về đạo đức của người trí thức thôi, kể cả ngay với người đồng nghiệp kia nữa. Nếu họ sai vì họ không biết, như Đại đã nói, thì họ nên khiêm tốn sửa mình.

    Nhưng với thái độ kia của người ấy, tôi không hiểu mình phải làm gì? Các bạn khuyên tôi thế nào đây?

    ReplyDelete
  7. em chia sẻ với cô. quả thật với tình huống này thì câu chuyện cô vừa kể ở comment trên đã xứng đáng là 1 entry khác với tên gọi là Lòng tự trọng của trí thức.

    ReplyDelete
  8. Thật ra em nghĩ "minh định" cũng là một điều tốt, với điều kiện cô PA có thời gian (vì hình như cô cũng bận) và kiên nhẫn với người bạn của mình. Và nếu đã gọi là "minh định", thì không thể chỉ có hai người ngồi trao đổi email qua lại. Theo kinh nghiệm của em thì với những cuộc tranh luận back-and-forth (ping-pong-style debate???), chỉ cần 1 người không chịu hiểu vấn đề thì cuộc tranh luận sẽ không đi tới đâu cả, và hai bên chỉ trở nên more convinced of their original stances mà thôi. Nếu thật sự bạn cô muốn "minh định" (vì cảm thấy uy tín học thuật của bản thân, nếu có, bị ảnh hưởng), thì nên thống nhất một số điểm (chẳng hạn tiêu chí để khẳng định thế nào là plagiarism,...) và nhờ một third party có hiểu biết về vấn đề này xem xét luận điểm của hai bên. Em nghĩ nếu "bạn" của cô PA cảm thấy mình hoàn toàn không đạo văn, thì người đó cũng không ngại tranh luận công khai, với sự chứng kiến của một bên thứ ba (còn nếu chỉ là hai người tranh luận với nhau qua email, thì cũng không gọi là "minh định" được). Tất nhiên việc này tốn thời gian, và tìm được người thứ 3 cũng không phải chuyện dễ. Tuy nhiên, em nghĩ nếu làm được, thì cũng có thể xem như một precedent để giải quyết những trường hợp tương tự trong tương lai.

    SGK

    ReplyDelete
  9. Hi Xuxu,

    Cám ơn em đã chia sẻ, và gợi ý một entry mới!
    ;-)

    SGK,

    Em nói đúng quá.

    Có vài việc cô muốn nêu ở đây:

    1. Cô đang viết về chính cái em nói đấy: xác định thế nào là plagiarism dưới các dạng khác nhau của nó. Ít ra phải thống nhất được một số điểm rồi mới có thể tranh luận được chứ!

    Vì em thấy người đó có quan điểm khác hẳn cô còn gì, qua phát biểu nổi tiếng mà sau phát biểu đó thì cô cảm thấy cần phải tránh xa như tránh kẻ trộm vậy.

    2. Đúng là cô bận thật, và không có nhu cầu minh định. Vì theo quan điểm hiện nay của cô thì cô tin hoàn toàn rằng cô đúng, người kia sai. Cô không (chưa?) có ý định kiện người đó vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình vì nó đụng đến nhiều người khác, nên bỏ qua. Giống như người bị hại nhưng không kiện người làm hại mình. Nhưng tội thì vẫn là tội.

    Còn nếu người kia muốn minh định vì cảm thấy bị xúc phạm thì đúng như em nói, người đó hãy yêu cầu công khai được minh định đi thôi! Chứ không nên lẳng lặng gửi mail cho cô như thế!

    Phải không em?

    PA

    ReplyDelete
  10. @Cô PA,

    Như em nói, có khả năng một số ý tưởng của Cô, và Cô tin bạn (khi còn "ngồi cùng thuyền") nên trao đổi bằng miệng chứ không công bố điều ấy bằng văn bản viết (ngay cả qua e-mail). Người nghe có thể thấy đó là ý tưởng hay, và triển khai LÀM TRƯỚC, tìm cách CÔNG BỐ TRƯỚC. Như thế, kết quả được công nhận là của người đã công bố, không phải người nói ra ý tưởng. Do đó, chẳng có gì phải "minh định" ở đây cả.

    Chuyện này giống như chuyện Bill Gates đã dựa trên ý tưởng của Steve Jobs để thành công với Microsoft. Ai mà lại đi đòi "minh định" để Microsoft phải là tác phẩm của Steve Jobs?

    Bill Gates mặc dù không học hành tới nơi tới chốn, tấm bằng cử nhân lận lưng cũng không có, nhưng ông ta có đạo đức của một nhà kĩ nghệ, một nhà khoa học thực sự! Ông ta và Steve Jobs vẫn là bạn. Bởi thế nên đến khi về già tự trường Harvard mời ông tới để trao cho cái bằng Tiến sĩ danh dự, chứ ông thì cần gì cái mác ấy nữa.

    Chuyện nền tảng ý tưởng ban đầu là của ai, chỉ có Cô và người ấy hiểu. Và chỉ có một ông quan toà lương tâm phán xét mà thôi ạ.

    ReplyDelete
  11. Hi Đại,

    Cám ơn ý kiến của em. Thật ra, việc không hoàn toàn giống như em đã nói. Đúng, có lẽ có những điều tôi đã nói ra và bị cướp lấy hoàn toàn như vậy, mà tôi chẳng thể nào chứng minh. Nhưng trong trường hợp mà tôi đang nói thì người "bạn" (!!!!) đạo chích kia để lại những dấu vết rất rõ ràng. Vậy mà vẫn ngang nhiên như thế đó.

    Dường như người đó muốn thách thức xem tôi có dám làm gì không thì phải, em ạ?

    PA

    ReplyDelete
  12. Trong trường hợp "có dấu vết", em nghĩ cũng chẳng cần phải "đôi co" với ai làm gì. Trong ngành sinh học, có một ví dụ kinh điển như thế này:

    - Gregor Mendel phát hiện ra 3 quy luật di truyền và công bố năm 1865. Công trình của ông không được hưởng ứng lắm, vì người đương thời chẳng ai hiểu các phép tính của ông (?!). Ông mất năm 1884 mà không thể hưởng thụ thành quả của mình.

    - Hơn 15 năm sau đó, ba người khác lần lượt độc lập phát hiện ra lại các quy luật này và công bố, đó là Hugo de Vries, Carl Correns và Erich von Tschermak-Seysenegg; nhưng trong đó chỉ có mỗi mình Correns trích dẫn Mendel, vì ông quen biết với nhà thực vật học Karl Wilhelm von Nägeli, một người hiếm hoi đã có trao đổi với Mendel về công trình của ông.

    - Mặc dù hai người còn lại không "ăn cắp ý tưởng" của Mendel mà là độc lập phát hiện ra (những tư tưởng lớn gặp nhau!), nhưng cuối cùng họ vẫn công nhận các quy luật di truyền ấy là thuộc về Mendel.

    Khoa học thế giới phát triển rộng và sâu như đến bây giờ, không phải nhờ vào những cuộc tranh giành những "miếng xôi" vụn vặt, mà là nhờ những tư tưởng lớn với đạo đức học thuật có thể gọi là vô biên của các thiên tài! Em nghĩ Cô sẽ ưu tiên tâm trí cho những đề tài lớn và quan trọng hơn nhiều chứ phải không ạ?

    ReplyDelete
  13. Hi Đại,

    Good points!

    Tôi có "đôi co" đâu em, người ta đôi co với tôi đấy chứ! Thế mới lạ đời chứ!

    Logic ngược em ạ!

    Nhưng mà đúng, thời giờ đâu mà tôi quan tâm đến những việc vớ vẩn như vậy. Chon bạn, có lẽ cũng giống như đi mua hàng vậy em nhỉ: nếu bị lừa một lần thì không quay trở lại nữa, vậy thôi!

    Chúng ta cần tập trung vào làm những chuyện đáng làm, phải không?

    ReplyDelete