Tôi đã tưởng vụ đạo văn đã tạm lắng xuống rồi, nhưng không ngờ nó không những không lắng mà còn đang bùng lên, cứ như đám cháy rừng gặp gió!
Thật vậy, mấy hôm nay trên báo Tuổi trẻ có một loạt bài mang tên Vô tư "xào" sách, tiếp tục đề cập đến vụ đạo giáo trình om xòm trên báo chí hôm trước. Thậm chí còn có phần phỏng vấn tôi nữa chứ! Nó ở đây.
Bài phỏng vấn ấy được thực hiện cách đây vài ngày rồi, ngay sau khi bài viết về đạo văn của tôi được đăng trên báo NLĐ, nhưng hôm nay mới lên báo. Và ý kiến của tôi cũng đã được rút bớt một số phần, để dành chỗ cho nhiều ý kiến khác nhau.
Thật ra, trong bài phỏng vấn lần này, tôi không muốn tiếp tục lên án đạo văn (điều này đã rõ), nhưng muốn làm rõ thêm một vài ý tưởng mà các cuộc tranh luận cho đến nay dường như không chú ý. Những ý tưởng đó là:
1. Đạo văn có nhiều mức độ cũng như xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau. Và những người đã bỏ công chọn và "biên dịch" các sách giáo khoa của nước ngoài để phổ biến trong nước không phải là không có đóng góp gì, mà ngược lại họ đã góp công vào việc xây dựng một hệ thống thuật ngữ khoa học tiếng Việt cho những ngành học mà trước đây chúng ta không có. Chỉ có điều, đã là trí thức thì phải am tường những quy ước về học thuật đã được khắp thế giới công nhận và áp dụng.
2. Sự khắt khe về trích dẫn khoa học cũng như yêu cầu về tính trung thực của trí thức mà phương Tây áp dụng không chỉ để bảo vệ người có tài sản trí tuệ, mà còn là yêu cầu về tính trách nhiệm đối với cộng đồng của người trí thức. Để tên mình lên làm tác giả một ý kiến, một sản phẩm trí tuệ ... cũng có nghĩa là một cam kết về trách nhiệm đối với cộng đồng về giá trị của ý kiến/sản phẩm bày đó. Và điều này là một yêu cầu bắt buộc đối với người trí thức.
Để cho đủ ý, tôi xin đăng lại đầy đủ phần tôi đã chuẩn bị dưới đây.
---
Cần tăng cường phổ biến pháp luật và nhấn mạnh đạo đức cá nhân
Chuyện “chép” của nhau không dẫn nguồn không chỉ có trong chuyện viết sách mà rất nhiều lĩnh vực khác hiện đang rất phổ biến ở VN. Có thể lý giải việc này dưới hai khía cạnh: đạo đức và pháp luật.
Văn hóa phương Đông khuyến khích tính ẩn danh (khiêm tốn). Ngoài ra, có lẽ do trong một thời gian dài Việt Nam không có chữ viết riêng, nên cha ông chúng ta buộc phải lưu truyền tri thức của đời trước sang đời sau bằng cách truyền miệng, tạo ra một thói quen mà tôi tạm gọi là văn hóa truyền khẩu. Ảnh hưởng của văn hóa này làm cho ta chưa có thói quen coi tài sản trí tuệ là tài sản cá nhân mà xem là sở hữu của cả cộng đồng. Tôi nghĩ, điều này có thể giải thích ít nhiều cho việc tại sao nạn “đạo văn” lại phổ biến đến thế ở Việt Nam (và cả Trung Quốc nữa).
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ngày nay ta có thể nhân nhượng với nạn đạo văn. Đối với người làm khoa học khi đưa ra (sáng tạo) điều gì, họ không chỉ được quyền sở hữu mà còn phải chịu trách nhiệm cá nhân về những phát kiến đứng tên mình. Việc ẩn danh, truyền khẩu, tam sao thất bản nếu tiếp tục tồn tại sẽ không tạo điều kiện cho việc chịu trách nhiệm cá nhân, vì thế khoa học sẽ khó phát triển, xã hội sẽ lộn xộn và khó quản lý.
Về mặt luật pháp: hiện pháp luật VN đã có luật sở hữu trí tuệ (SHTT) từ năm 2005 và đã qua một lần sửa đổi. Ngoài ra, quy định về kiểm định chất lượng trường đại học năm 2008 cũng yêu cầu các trường có quy định về đạo đức trong hoạt động khoa học và có biện pháp đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đa số các giảng viên ĐH không được phổ biến hoặc giúp hiểu rõ về những luật này, và chắc chắn là các trường hoặc chưa xây dựng quy định hoặc nếu có thì cũng chỉ trên giấy chứ chưa đưa vào thực tế. Bản thân tôi cũng chỉ tự mình tìm hiểu về luật SHTT thông qua vụ đạo văn om xòm trên báo chí gần đây. Điều này cho thấy công tác phổ biến pháp luật tính cưỡng chế của pháp luật hiện nay ở VN còn kém.
Có rất nhiều định nghĩa về đạo văn đã được đưa ra. Tuy nhiên, cho dù có những khác biệt thì tất cả định nghĩa về đạo văn đều xem đó là hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhận trong giới trí thức. Tôi từng dạy ở một trường CĐ của nước ngoài, ở đó có qui định rất rõ và buộc sinh viên phải thực thi: sao chép, đạo văn từ trên internet hay từ đâu đó, không trích dẫn nguồn thì nếu bị phát hiện, đương nhiên bị đánh rớt ở môn học đó. Vì vậy bản thân sinh viên có ý thức cao và rất khắt khe trong việc này.
Theo tôi, về lâu dài chúng ta phải tăng cường giáo dục cho giới trẻ về vấn đề tôn trọng tác quyền. Các trường ĐH VN cần sớm có những quy định cùng các quy trình, thủ tục xử lý việc đạo văn và áp dụng nghiêm túc, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Nếu những điều này được làm tốt sẽ hạn chế được việc xâm phạm bản quyền tác giả. Đồng thời Nhà nước cần đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật trong người dân.
----
Tuesday, May 18, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Bài viết hay. Đúng là giáo dục VN mình cần phải hướng dẫn cho giới trẻ hiểu rõ hơn về tôn trọng tác quyền. Không chỉ ở nơi các trường ĐH mà ngay từ các lớp tiểu học, trung học đã phải hướng dẫn rồi. Có thế thì đám trẻ mới thấm dần nổi. Nếu không, chuyện "đạo văn" sẽ vẫn còn tiếp diễn và ngày càng trở nên tồi tệ và khủng khiếp hơn bao giờ hết trong một xã hội như bây giờ!
ReplyDeleteDQ biết là ở Hoa Kỳ. Một sinh viên ĐH (không biết ở Trung học thì sao, tại DQ chưa gặp qua) có thể bị phạt vạ nặng và nguyên bài luật văn sẽ bị huỷ bỏ (điểm zerô) nếu như giảng sư/giáo sư phát hiện ra chuyện plagiarism trong đó, dù chỉ là 1 câu nhỏ không có trích dẫn rõ ràng thôi.
Chào chị Dã Quỳ,
ReplyDeleteLạc đề chút chị DQ ạ: tên đẹp quá, có phải tên thật của chị không?
Rất vui đón chị ở "cơ quan". Như chị thấy, PA có 2 blog, tạm chia ra thành 1 blog dành cho công việc (blog này) và 1 blog dành cho những chuyện linh tinh, blog bên kia.
Mong đón DQ trên blog này với những ý kiến và kinh nghiệm từ Hoa Kỳ để chia sẻ với mọi người trong nước, chị nhé!
PA